3. Thành Gia Định (thành Sài Gòn, thành Phiên An).
Là tên một thành cũ ở Gia Định, tồn tại từ năm 1790 đến 1859, bao gồm hai toà thành được xây lên ở đây rồi bị phá hủy hoàn toàn: thành Bát Quái và thành Phụng.
THÀNH BÁT QUÁI (thành Qui, Gia Định phế thành):
Sơ đồ Thành Bát Quái Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải.
Tháng 8 năm Đinh Dậu (7 tháng 9 năm 1788), lợi dụng khi quân Tây Sơn đang bận tái lập trật tự Bắc Hà và đánh quân Thanh, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Sài Gòn và biến nơi đây thành cơ sở chống lại Tây Sơn.
Hai năm sau, 1790, Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô, tên là Gia Định kinh; rồi ông nhờ hai người Pháp là Olivier de Puymanel (Việt danh là "Ông Tín") và Le Brun, đều là sĩ quan công binh Pháp) vẽ họa đồ và huy động 30.000 dân phu xây thành bảo vệ thật kiên cố theo kiến trúc Vauban nhưng mang hình Bát Quái, theo định hướng phong thổ Á Đông, theo mỹ thuật dân tộc Việt Nam, với tường thành cao mười lăm thước mộc, tính ra lối bốn thước tây lẻ tám tấc (khoảng 4 m 8), toàn bằng đá ong Biên Hòa kiểu "lục lăng", nhằm củng cố chân đứng của mình trên đất Gia Định.
Victor Olivier de Puymanel (1768 tại Carpentras- 1799 tại Malacca), còn có tên là Nguyễn Văn Tín là một sĩ quan công binh và hải quân, một nhà phiêu lưu người Pháp, người có một vai trò khá quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc người Pháp giúp hiện đại hóa lực lượng của Nguyễn Ánh.
Olivier de Puymanel là một người tình nguyện hạng hai trên chiến thuyền Pháp Dryade. Năm 1788 ông bị bỏ rơi ở Pulo Condor. Sau đó ông được giám mục Pigneau de Behaine vận động tham gia vào lực lượng tình nguyện của người Pháp giúp Nguyễn Ánh.
Olivier de Puymanel là người giám sát thi công tòa thành Bát Quái theo thiết kế của kỹ sư người Pháp Théodore Lebrun.
Ông còn huấn luyện các lực lượng người việt cách thức sử dụng hỏa khí hiện đại và đưa phương pháp tiến hành chiến tranh bộ binh châu Âu vào trong lực lượng của Nguyễn Ánh.
Năm 1792, Oliver de Puymanel chỉ huy 600 quân được huấn luyện qua kỹ thuật quân sự Châu Âu, ông còn là người xây dựng Diên Khánh để phòng thủ chống Tây Sơn cùng với Pigneau de Behaine và hoàng tử Cảnh.
Năm 1793, ông tham gia vào cuộc tấn công giành lấy Nha Trang của quân Nguyễn.
Puymanel được ghi nhận là đã huấn luyện cho hơn 50.000 quân Nguyễn, còn Jean Marie Dayot thì lo về thủy quân. Kết quả của nó là việc du nhập kỹ thuật quân sự Châu Âu vào Việt Nam.
Tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung Nguyễn Huệ của nhà Tây Sơn băng hà, triều Tây Sơn lục đục nội bộ và rơi vào khủng hoảng, Nguyễn Ánh nhanh chóng tổ chức phản công và ông đánh bại nhà Tây Sơn sau đó nhiều năm. Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long, rồi dời kinh đô từ Gia Định kinh (Sài Gòn) về Huế.
Năm 1811, kinh thành Huế được làm xong thì Gia Định kinh được đổi thành Gia Định thành (cao hơn cấp trấn) và trở thành thị sở của quan Tổng trấn Nam Kỳ.
Nguồn:
http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/4754112866/in/set-72157624390555350/
Vị trí của thành Sài Gòn xưa so với các con đường của SG sau này. Màu đỏ là thành Bát quái (hay thành Quy) xây dựng năm 1790, bị vua Minh Mạng phá đi năm 1835. Màu xanh là thành Phụng, xây dựng năm 1836 dưới triều Minh Mạng, bị quân Pháp san bằng năm 1859 khi Pháp tiến đánh Sài Gòn. Màu đen là các con đường của SG sau này với tên đường trong thời Pháp thuộc.
Đến đời vua Minh Mạng, năm 1830, Lê Văn Duyệt cho sửa thành Bát Quái. Tiếc thay việc sửa thành, cộng thêm tư thù khi còn trẻ với Lê Văn Duyệt (Lê Văn Duyệt đã cho xử chém Huỳnh Công Lý, cha đẻ một quí phi được vua Minh Mạng sủng ái), vua Minh Mạng đã vu cho ông tội nhị tâm (hai lòng) cho quân san bằng mồ mả sau khi Lê Văn Duyệt mất làm Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, nổi loạn, đánh chiếm lấy thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính cho cuộc nổi dậy của mình từ năm 1833 đến 1835.
Sau khi đánh bại Lê Văn Khôi rồi, vua Minh Mạng đã cho phá thành Bát Quái để lập thành Gia Định mới năm 1837. Chính vì sự phá hủy này mà thành Bát Quái còn bị gọi Gia Định phế thành.
Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) là một công thần trụ cột của nhà Nguyễn. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có lần nhận mệnh tôn vua mới, và hai lần làm Tổng trấn Gia Định Thành. Tuy nhiên, sau khi ông mất, nhân cơ hội người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi khởi binh chống Nguyễn, ông bị truy tội, mãi đến đời Tự Đức mới phục hồi danh dự cho ông.
Ngày nay vẫn còn lăng Ông ở khu Bà Chiểu, q. Bình Thạnh. Hằng năm vào ngày rằm tháng giêng người dân vào thăm lăng rất đông, mọi người vẫn thường gọi Lăng Ông Bà Chiểu.
[SUB]THÀNH PHỤNG[/SUB] (Phụng Thành, Phượng Thành, thành Gia Định):
Là tên một tòa thành cổ của Việt Nam do vua Minh Mạng ra lệnh xây mới sau khi thành Bát Quái bị phá dỡ. Thành tồn tại từ năm 1836 đến 1859 thì bị phá hủy khi người Pháp chiếm được thành từ tay quan quân nhà Nguyễn.
Được xây dựng ở Đông Bắc thành cũ.
Thành Gia Định mới cũng được xây dựng theo kiến trúc Vauban nhưng nhỏ hơn nhiều, dễ bị bắn phá hơn và chỉ có bốn pháo đài bốn góc so với tám pháo đài của thành Bát Quái cũ. Tường thành cao 20 m dài trên 475 m được làm từ đá granite, gạch và đất. Xung quanh thành có hào nước bao bọc.
Ngày 17 tháng 2 năm 1859, quân Pháp mở cuộc tấn công thành thành Gia Định và một ngày sau thì chiếm được thành. Án sát Lê Tứ, Hộ đốc Vũ Duy Ninh tự vẫn, Đề đốc Trần Trí, Bố chánh Vũ Thực và Lãnh binh Tôn Thất Năng đem quân rút về Tây Thái, huyện Bình Long.
Ngày 8 tháng 3 năm 1859, quân Pháp đốt cháy kho tàng, phá hủy thành Sài Gòn và rút ra để tránh quân triều đình nhà Nguyễn tấn công đánh chiếm lại thành. Dấu tích duy nhất còn lại đến ngày nay là bức tranh vẽ ảnh thực dân Pháp tấn công thành và những tàn tích dọc đường Đinh Tiên Hoàng về phía gần xưởng Ba Son.
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.