What's new

Kathmandu to Kailash: Ký sự xuyên Hy Mã Lạp Sơn.

Nhân duyên với Kailash tự thuở nào?

Tôi bắt đầu có vài khái niệm về Tây Tạng cách đây khoảng mười năm. Có lẽ những thông tin đầu tiên lại xuất phát từ cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ” của Peter Kelder. Tôi vẫn khá kiên trì tập luyện năm thức tập của Tây Tạng theo hướng dẫn trong sách này và hẳn nhiên cảm nhận được sự tăng cường sức mạnh về thể xác cũng như tinh thần. Từ đó tôi để ý đến hai chữ Tây Tạng nhiều hơn. Vậy là “Con đường mây trắng” của Anagarika Govinda do Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách dịch, “Người Tây Tạng nghĩ về cái chết” (Bardo Thodol), “Trong vòng tay Sambala”, “Chúng ta thoát thai từ đâu” của Erono Mundasep và rất nhiều cuốn sách viết về Tây Tạng, Ấn Độ, bắt đầu chiếm nhiều chỗ trong tủ sách của tôi.

Giáo sư Spalding với cuốn “Hành Trình về Phương Đông” đã làm “đảo lộn” suy nghĩ của tôi về con người và vũ trụ. Ông thường xuyên đề cập đến những vị Tôn Sư ngoài trăm tuổi vẫn đang ẩn tu trên những ngọn núi tuyết phủ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Còn Govinda và Mundasep đều viết nhiều về một ngọn Núi Thiêng, nơi được xem là Núi Tu-Di trên quả địa cầu, là “tâm điểm của mọi xứ sở”, nơi trú xứ của Thần Shiva, của các vị Thiền Phật và Bồ Tát. Một ngọn núi mà theo Govinda là “không có núi nào có thể sánh”. Ngọn Núi Thiêng đó có tên là Kailash, mà trong tác phẩm của mình cũng như các bản dịch, anh Nguyễn Tường Bách gọi là Ngân Sơn.

Ước mơ gần như “hoang tưởng” được đến chiêm ngưỡng ngọn Núi Thiêng, nơi là “trung tâm của thế giới” có lẽ bắt đầu manh nha và lớn dần trong tôi từ những ngày tháng đó.

Và rồi, điều cần đến phải đến. Đầu tháng 6 năm 2010 tôi được gặp anh Nguyễn Tường Bách nhân dịp anh từ Đức về Việt Nam chịu tang bố. Tôi nhớ đã gặp anh tại nhà một người bạn thân của anh. Tôi vốn rất hâm mộ anh Bách sau khi đọc khá nhiều tác phẩm anh viết và dịch; vẫn mong một ngày được gặp anh. Trước đó, khi biết tin bố anh vừa mất, tôi chủ động google, tìm trên các diễn đàn được địa chỉ email của anh. Tôi gửi email chia buồn và anh cũng sớm phúc đáp với lời cảm ơn chân thành. Cuộc sống vốn diệu kỳ vậy đó. Biết tôi mê anh Bách, anh Trần Sỹ Chương, một người anh của tôi đã tạo điều kiện để tôi được gặp anh. Tôi còn nhớ khi vừa vào nhà anh Thu, cúi chào và giới thiệu tên mình, anh đã hỏi “hóa ra Tuấn này là Tuấn đã email cho anh à?”. Nhân duyên cho chuyến hành hương chiêm bái Kailash (Ngân Sơn) hẳn đã nảy mầm từ hôm ấy.

Topic đã được gởi đăng bởi BDK
 
Last edited by a moderator:
Hình thành ý tưởng chiêm bái Ngân Sơn

Người hình thành nên ý tưởng đi chiêm bái Ngân Sơn đương nhiên là anh Bách với sự ủng hộ của hai thành viên đầu tiên nằm trong “ban tổ chức” là chị Vinh-vợ anh và Trung Toàn, một cư sĩ và là Giám đốc một công ty du lịch tâm linh tại TPHCM. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, tôi có dịp được gặp anh thêm vài lần nữa. Rồi một ngày, tôi được gặp đủ “ban tổ chức” cùng chị Ngọc Anh trong một chuyến viếng thăm và tiễn anh về Đức. Lúc này Trung Toàn đang chuẩn bị tổ chức một chuyến hành hương Ấn Độ kết hợp đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma và Karmapa. Chị Ngọc Anh đã tham gia được chuyến đi này sau đó; còn tôi thì Ấn Độ vẫn là một mơ ước quá xa vời.

Anh Bách, theo như lời anh kể thì chiêm bái Ngân Sơn là ước mơ cả đời của anh ấy. Nó đã bén rễ trong anh từ mười năm nay nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Còn Toàn, anh là người đã mấy chục lần đi Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Tây Tạng… nhưng cũng chưa một lần dám mơ đến Kailash.
 
Last edited by a moderator:
Núi thiêng Kailash

Kailash ở đâu? Nó có gì ghê gớm, mê hoặc mà cuốn hút người ta đến vậy. Để được chiêm ngưỡng Ngân Sơn, hàng ngàn vạn người đã dám đánh cược cả mạng sống của mình. Biết bao lớp người già trẻ, đàn ông, đàn bà với mọi chủng tộc, màu da từ khắp nơi trên thế giới đã từng chấp nhận những gian khổ khủng khiếp, thậm chí có thể dẫn nguy hiểm chết người để một lần được đi nhiễu (Kora) quanh Ngân Sơn.

Mãi sau này, trên hành trình trở về từ Manasarovar tới Nyalam, sau những xúc động tâm linh mãnh liệt, tôi cứ miên man suy nghĩ về một câu nói nào đó có thể tóm tắt được một cách ngắn gọn nhất về sự gian khổ, diễn đạt hết được sự khốc liệt, nguy hiểm của chuyến đi nhằm tôn vinh nhiều lớp người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi đã vượt qua chính bản thân mình, đối mặt cái chết để hoàn thành ước nguyện Kailash Kora. Thật bất ngờ, không biết từ đâu và từ lúc nào trong đầu tôi bất chợt xuất hiện một ý nghĩ rằng: "Chinh phục Everest là ước mơ của người bình thường còn Kora một vòng quanh Kailash là ước mơ của kẻ phi thường”. Hẳn một giọng nói từ cõi xa xăm nào đó đã thì thầm vào tai tôi như vậy? Dù không dám “bất kính” với những người lớn tuổi, đôi lúc tôi cũng dùng chữ "bất thường" thay cho chữ "phi thường" để tự “cười nhạo” bản thân và “chế giễu” bao nhiêu con người khác vì đã dám cá cược cả mạng sống của mình cho một chuyến đi. Tôi vẫn chưa có dịp đi Everest nên dĩ nhiên không có cơ sở gì để so sánh. Nhưng quả thật, sau khi đi trọn một vòng Kora hơn 52 km suốt gần ba ngày hai đêm trong mưa tuyết và sự thiếu oxy trầm trọng để vượt qua đèo Dolma ở độ cao 5660m, tôi nghĩ hẳn đi Everest có thể nguy hiểm hơn nhiều nhưng cực khổ cũng chỉ đến vậy thôi. Do đó, dùng một câu ngắn gọn như vậy để cùng anh chị em trong đoàn "tự sướng" và “chém gió” với nhau hẳn cũng vui vui và không có gì là “quá đáng”.

Về mặt vật lý là như vậy. Còn về mặt tâm linh, Everest đương nhiên không thể so sánh với Kailash. Mỗi năm có hàng trăm thậm chí hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đã lên dẫm đạp và xả rác trên đỉnh Everest (cũng như đỉnh Fansipan ở Việt Nam ?) nhưng theo tôi biết, cho đến nay chưa hề có ai chạm được đỉnh Kailash. Hẳn ngoài lý do về vật lý, Kailash là một tòa kim tự tháp khổng lồ dựng đứng, quanh năm tuyết phủ, rất khó tiếp cận thì còn vì lý do tâm linh, tín ngưỡng mà không ai có ý nghĩ cho phép mình xúc phạm tới đỉnh Núi Thiêng. Vậy nên, trong lối suy nghĩ “trẻ con” của tôi, Kailash Kora vẫn đáng mơ ước hơn nhiều so với “chinh phục” Everest.

1-Kailash1.jpg

Kailash “trinh nguyên” và linh thiêng cuối cùng cũng xuất hiện trong buổi trưa mùa thu hôm ấy, lúc thành viên cuối cùng của đoàn đi Kora về tới thị trấn Darchen.​

Kailash cao 6,714m so với mực nước biển, là điểm linh thiêng được sùng bái nhất thế giới nằm ở Cực Tây của Tây Tạng, gần khu vực biên giới Ấn Độ-Tây Tạng và Nepal. Kailash được xem là Núi Tu-Di trên quả địa cầu, là trung tâm của Nam Thiệm bộ châu (Jambudvipa-thế giới loài người), là “tâm điểm của mọi xứ sở”. Kailash cũng được coi là một “siêu thánh địa” của cả bốn nền tôn giáo gồm Phật Giáo, Hindu Giáo, Đạo Jains và Đạo Bon với hàng tỉ tín đồ nhưng khá ít người đến chiêm bái vì điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu quá khắc nghiệt.

Anagarika Govinda trong tác phẩm "Con đường mây trắng" đã viết rằng: "Danh tiếng của Ngân Sơn tỏa rộng và vượt trội lên mọi ngọn núi thiêng khác trên thế giới. Từ thuở xa xưa, nó là đích hành hương của người sùng tín. Không có núi nào có thể sánh với Ngân Sơn vì nó là chỗ nối của hai nền văn minh lớn nhất và lâu đời nhất của loài người, mà truyền thống của chúng trải qua hàng ngàn năm để tồn tại tới ngày nay: Ấn Độ và Trung Quốc. Đối với Ấn Độ giáo và Phật giáo thì Ngân Sơn là Trung tâm của thế giới... Với Ấn Độ giáo thì đó là trú xứ của thần Shiva, đối với Phật giáo thì nó là một Mandala vĩ đại của các vị Thiền Phật và Bồ Tát".

Tại sao Kailash lại được coi là trung tâm của thế giới mà không phải là Everest hay hàng chục những ngọn núi hùng vĩ khác cao hơn nhiều trong dãy Hy Mã Lạp Sơn? Vì nếu cắt bớt Everest (8,848m) mấy trăm mét thì nó sẽ chìm nghỉm, không gì khác biệt và chẳng thể nào phân biệt được nó với hàng vạn ngọn núi vô danh khác trùng trùng điệp điệp trong dãy Hy Mã. Dẫu không cao bằng Everest nhưng Ngân Sơn lại hoàn toàn khác biệt và vô cùng uy lực vì nó nằm ở một khu vực địa lý có một không hai trên thế giới này.
 
Last edited by a moderator:
Núi Thiêng Kailash trong khu vực địa lý vô song trên quả địa cầu

Quần thể Núi Kailash, Hồ thiêng Manasarovar và Rakastal với tâm điểm núi Kailash chính là nơi khởi nguồn của bốn con sông lớn tại châu Á từ đó tạo ra một khu vực địa lý vô song trên quả địa cầu.

9-KoraDay100A.jpg

Bản đồ vị trí núi Kailash, các con sông có nguồn từ Kailash và cao nguyên Tây Tạng.

Bnconsng.gif

Bản đồ tổng thể khu vực địa lý núi Kailash, hai Hồ thiêng và đầu nguồn bốn con sông.

Ghi chú: Khu vực vòng tròn với các chấm đỏ chính là đường đi Kora vòng quanh núi Kailash. Điểm cao nhất của hành trình này là đèo Dolma (Dolma La) cao 5660m.

12-Kailash-Manasarovar-Rakastal20.jpg

Quần thể núi thiêng Kailash, hồ thiêng Manasarovar và Rakastal

Hồ thiêng Manasarovar

DSC00163.jpg

Hồ thiêng Manasarovar hay còn được gọi là Hồ Mặt Nhật vì có hình dáng tương đối tròn gần với dáng Mặt Trời và đặc biệt khu vực quanh hồ có không khí ấm áp, dễ chịu. Các vị Lạt Ma Tây Tạng cho rằng uống nước hoặc tắm trong hồ này “sẽ rửa sạch những ô nhiễm và khóa cánh cửa phải tái sinh trong các cõi thấp kém”. Manasarovar là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất và tọa lạc ở vị trí cao nhất thế giới, tại cao độ 4580m so với mực nước biển. Hồ có chu vi 88km, diện tích 412 km2 và điểm sâu nhất tới 82m. Các con số này đều khiến chúng ta phải ngỡ ngàng.

Hồ thiêng Rakastal

12-HMtNguyt11.jpg

Hồ Rakastal hay còn gọi là Hồ Mặt Nguyệt, Hồ Dạ Xoa, Hồ ma quái… vì nó có hình dáng giống Mặt Trăng và không khí quanh hồ luôn u ám, buồn bã. Rakastal có diện tích 250km2 và nằm ở cao độ 4,560m so với mực nước biển, thấp hơn 20m so với Manasarovar. Rakastal được coi như là hồ song sinh Manasarovar. Như vậy, với Núi Kailash đứng giữa, hai hồ lớn ngay dưới chân và bốn con sông chảy ra bốn hướng, khu vực địa lý này đã trở thành một "tổng thể vô song" trên địa cầu của chúng ta.

Bốn con sông thiêng có nguồn từ Kailash

Phía Bắc: Sông Indus (chảy từ miệng Sư Tử) dài 3,200 km, trong đó 2% nằm trong địa phận Tây Tạng, 5% chảy qua theo hướng Tây Bắc qua lãnh thổ khu vực phía Bắc Ấn Độ, tới biên giới Ấn Độ-Pakistan, nó đột ngột đổi chiều và 93% chiều dài còn lại chảy gần như một đường thẳng từ cực Đông Bắc đến Cực Tây Nam xuyên suốt chiều dài đất nước Pakistan rộng lớn và đổ ra Ấn Độ Dương.

Phía Đông: Sông Yarlung Tsangpo (chảy từ hàm Ngựa), dài 2,840 km, được mệnh danh là "Everest của những con sông". Nó chảy dọc theo biên giới của Tây Tạng với Nepal và Bhutan, đến biên giới Tây Tạng và Ấn Độ thì đổi hướng và đổi tên thành Brahmaputra (dài 2,900 km) chảy qua lãnh thổ Ấn Độ và tới biên giới Ấn Độ-Bangladesh thì đổi hướng thêm lần nữa chảy dọc qua lãnh thổ Bangladesh từ Bắc tới Nam để đổ ra vịnh Bengal.

Phía Nam: Sông Karnali (chảy từ miệng chim Công) dài 1,080 km chảy Từ Tây Tạng qua Nepal và vào Ấn Độ để cuối cùng nhập vào sông Hằng (Ganges).

Phía Tây: Sông Sutlej (chảy từ miệng Voi) dài 1550 km chảy qua Ấn Độ, Pakistan rồi nhập vào sông Indus.

Nếu để ý ta sẽ thấy khác với ba con sông còn lại sớm rời Tây Tạng để chảy qua Ấn Độ hoặc Nepal thì dòng Yarlung Tsangpo chảy dài trên lãnh thổ Tây Tạng bám dọc theo suốt đường biên giới giữa Tây Tạng với Nepal và Bhutan. Yarlung Tsangpo chính là con sông cao nhất thế giới, chảy ở cao độ trung bình trên 4,000m so với mực nước biển.

Chính vì vậy nếu đi máy bay, chúng ta có thể không nhận ra đâu là Everest nhưng không thể nào không nhận ra Kailash được. Chỉ cần một trong 3 dấu hiệu: Kailash, Hai Hồ Lớn hoặc Bốn con sông thì đương nhiên nhận ra khu vực này.

Các con sông vĩ đại khác chảy từ cao Nguyên Tây Tạng

Theo hầu hết các tài liệu thì khu vực Kailash là nguồn của 4 con sông trên nhưng khi nhìn vào bản đồ này ta không chỉ thấy bốn mà còn thấy thêm sông Ganges (sông Hằng, dài 2,525 km). Sông Karnali và Ganges sau này hợp vào sông Ganges. Nếu nhìn từ trên cao hẳn ta có thể coi là có 5 con sông bắt nguồn từ Kailash. Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn của Sông Hằng khá xa hơn chứ không xuất phát ngay từ khu trung tâm của Kailash và Hai Hồ Thiêng. Hơn nữa nguồn sông Hằng lại nằm hẳn trong đất Ấn Độ khác với bốn con sông kia nằm trọn trên đất Tây Tạng. Có lẽ vì vậy mà người ta thường chỉ đề cập đến bốn con sông. Bản đồ cũng chỉ rõ thêm 5 con sông lớn khác Châu Á cũng đều xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng. Tính từ phía đông xuống phía Nam gồm:

1. Sông Hoàng Hà (Yellow River) dài 5,464 km đứng thứ 2 Châu Á và thứ 4 thế giới;
2. Sông Dương Tử hay Trường Giang (Yangtse River) dài 6,385 km, nhất Châu Á và thứ 3 thế giới;
3. Sông Mê Kông dài 4,350 km, thứ 3 châu Á và thứ 10 thế giới;
4. Sông Salween dài 2,815 km chảy qua Myanmar và Thái Lan;
5. Sông Irrawaddy dài 2,170 km chảy qua Myanmar.
 
Last edited by a moderator:
Re: Kathmandu to Kailash(Ngân Sơn): Ký sự xuyên Hy Mã Lạp Sơn.

@tuanfreedom: Quy định đủ 20 bài viết chỉ áp dụng với việc chèn ảnh từ album của diễn đàn. Ngay từ lúc này, bạn vẫn có thể chèn ảnh bằng cách đưa ảnh lên các trang lưu trữ ảnh, ví dụ như photobucket.com hay flickr.com, rồi dẫn link về bài viết tại diễn đàn phuot.vn. Chi tiết cách làm với photobucket.com bạn có thể xem tại đây.

Chúc bạn sớm chèn được ảnh vào bài viết và có một topic thú vị!
 
Cảnh báo nguy hiểm khi tới Kailash(đặc biệt với người lớn tuổi)

Các thông tin về Kailash khá hiếm hoi trên các trang web tiếng Việt. Tuy nhiên, cách đây mấy ngày Báo Thanh Niên có đăng một mẩu tin ngắn liên quan tới Kailash với nội dung như sau:
"Website chuyên cung cấp thông tin du lịch ở Trung Quốc www.8264.com đưa tin hai người này, một người đàn ông 66 tuổi và một phụ nữ 61 tuổi, cùng tám người khác đang hành hương trên ngọn núi Kailash được tin là rất linh thiêng ở miền tây Tây Tạng. Ngọn núi này cao hơn 6.000 m, hằng năm đón hàng ngàn tín đồ Phật giáo và Hindu giáo đến hành hương. Lộ trình hành hương gian nan bao gồm đi bộ vòng quanh ngọn núi với chu vi hơn 50 km. Trong khi đang ở lưng chừng núi thì hai người này xuất hiện những triệu chứng rối loạn vì độ cao rất nghiêm trọng. Do không được chăm sóc kịp thời, họ đã tử vong hôm 7.5, website đưa tin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Singapore đã xác nhận thông tin này và cho biết người sứ quán nước này tại Bắc Kinh đã đến thủ phủ Lhasa của Tây Tạng để hỗ trợ đưa thi thể hai người xấu số cùng tám người còn lại về nước.
Biến chứng độ cao dễ xuất hiện khi con người ở độ cao 2.400 m so với mực nước biển. Các biến chứng bao gồm đau đầu, mệt mỏi và nôn mửa, có thể dẫn đến tràn dịch phổi và sưng não, gây tử vong."

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Link đính kèm:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120509/chet-vi-do-cao-o-tay-tang.aspx

Đoàn mình dù về nhà nguyên vẹn nhưng cũng có vài người suýt chết. Trong đó có một bạn trẻ đã từng ba lần lên Phanxipang và đang ấp ủ một chuyến đi bộ xuyên Việt từ điểm Cực Bắc tại Hà Giang tới điểm Cực Nam tại Mũi Cà Mau. Bạn này đã chết đi sống lại hơn ba lần kể từ cao độ khoảng 5400m(tức là còn gần 300m nữa tới điểm cao nhất của hành trình, đèo Dolma 5660m) cho tới khi về đến Kathmandu. Đây là một câu chuyện rất đáng sợ nhưng cũng quá đỗi kỳ lạ mà cả đoàn vẫn chưa giải thích hết được. Mình cũng không thể tưởng tượng nổi rằng anh đã thoát chết một cách lạ lùng như vậy.
Theo các bạn hướng dẫn viên du lịch Tạng thì hàng năm có khoảng 30 người đã nằm lại nơi đây. Đương nhiên là đa số đều không được may mắn là còn tìm thấy xác như hai vị khách Singapore này. Cầu mong cho quý vị được sớm vãng sinh vào chốn cực lạc. Được chết ở Kailash cũng là niềm mơ ước của nhiều người Tây Tạng và các tín đồ Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Đạo Jains và Bon cơ mà.
 
Last edited:
Họp đoàn lần đầu tiên và những băn khoăn

Cuộc họp đầu tiên của “Nhóm Kailash” được tổ chức vào ngày mồng 4 Tết năm Canh Dần (06/02/2011). Tôi tạm gọi là “Nhóm Kailash” vậy vì mãi sau này mới có tên nhóm chứ lúc này chưa biết ai tham gia ngoài ba thành viên nòng cốt ban đầu. Tôi nghĩ mình cũng chỉ tham gia cho biết thông tin chứ chưa hề có ý định đi Kailash. Hẳn nhiều anh chị khác cũng có tâm trạng giống tôi, rằng đi nghe cho biết để sau này nếu có cơ hội còn đi. Ngoài nhóm tổ chức, tôi nhớ chỉ có chị Ngọc Anh, chị Bình là thật sự quyết tâm đi chuyến này.

Sau cuộc họp, anh Bách và Chị Vinh về lại Đức. Các thành viên của nhóm email qua lại trao đổi thông tin. Anh Bách cho một thời hạn cuối cùng để đăng ký là ngày 25/3/2011. Lý do là ban tổ chức còn phải liên lạc với đối tác ở Nepal để lo các thủ tục về hợp đồng du lịch từ Kathmandu đi Kailash; đồng thời Toàn cũng phải đặt vé máy bay cho tất cả thành viên từ Việt Nam đi Bangkok rồi sau đó là Kathmandu-Nepal. Quả thật đây là một quyết định rất khó khăn với tôi lúc đó. Đầu tiên, Kailash quá vĩ đại, quá linh thiêng với một kẻ như tôi. Về mặt thể chất, tôi chưa hề đi tới Lhasa ở cao độ 3700m chứ nói gì tới Kailash (Kora) ở gần 6000m. Kailash hẳn dành cho những nhà leo núi mạo hiểm và chuyên nghiệp. Về mặt tâm linh, tôi cũng chưa hề tu tập (đúng nghĩa) một ngày nào. Họa hoằn lắm mới ăn chay một bữa, vài năm may ra mới tới cửa chùa lễ Phật được một đôi lần. Kailash linh thiêng như thế, làm sao tôi xứng đáng được đến gần.

Tôi chỉ mong muốn đi lòng vòng một số nơi vừa sức hơn trước. Như sẽ leo Phanxipang, sau đó đi Lhasa, rồi đi một vòng Ấn Độ… và mục tiêu cuối cùng mới là Kailash. Tôi luôn tự nhủ với mình như vậy. Giống như thời sinh viên nghèo khó, trong dĩa cơm các bạn sinh viên vẫn luôn ăn hết những miếng dở nhất và cuối cùng mới là miếng thịt ngon nhất (oái oăm thay, đôi lúc miếng thịt ngon nhất này lại là một cục xương). Tôi còn sợ đến Kailash rồi sau này chẳng còn muốn đi đâu nữa, đặc biệt là đi du lịch mạo hiểm. Sau này tôi có nêu câu hỏi này với buổi họp đoàn lần thứ 2 thì được các anh Bách, Hoài, Cường động viên là mỗi nơi đều có một vẻ đẹp khác nhau, đừng lo chuyện này. Tôi còn có một băn khoăn “ngây ngô” là liệu đi Kailash về rồi không còn muốn cưới vợ nữa mà muốn đi tu luôn thì nguy. Một bạn lại trấn an rằng chắc không đến nỗi vậy đâu mà lỡ may có quyết định không cưới vợ nữa hóa ra lại càng sướng chứ có sao đâu. Vậy là đêm 25/3/2011, gần 12h đêm, tức là chỉ còn vài chục phút trước cái hạn đăng ký cuối cùng, tôi email cho anh Bách về những băn khoăn của mình rằng:

“Kính gửi anh Bách! Hôm nay đã là ngày 25 tháng 3, ngày cuối cùng để đăng ký đi du lịch Kailash cùng nhóm anh. Với em, công việc phía trước còn rất nhiều cho một doanh nghiệp trẻ trong một năm 2011 đầy khó khăn và biến động. Và một chuyến đi tới 18 ngày cũng tương đối là dài hơi với những người như em. Tuy nhiên, em cũng nghĩ, cơ hội để có một chuyến đi tới một nơi linh thiêng như thế này (đặc biệt là đi cùng anh) không có nhiều nếu không nói là hiếm hoi. Em còn được mấy tiếng đồng hồ nữa để email trả lời chính thức với nhóm. Rõ ràng em vẫn còn băn khoăn. Mong anh tiếp sức giúp em bằng một vài điểm (mà theo anh) là khiến chuyến đi này là "không nên nỡ bỏ qua". Cảm ơn anh nhiều lắm lắm. Anh đừng cười em nhé. Em Tuấn.”

Anh Bách trả lời tôi đại ý anh rất khó nói là tôi nên đi hay không. Kể từ ban đầu, anh vẫn luôn giữ quan điểm “tùy duyên”. Anh không khuyên ai nên đi và cũng không hề từ chối ai tham gia. Anh nêu ra giúp tôi một vài ưu nhược điểm của chuyến đi này. Ưu điểm là chuyến đi có sự tham gia của anh Cường, từng làm MC cho loạt phim “Tây Tạng huyền bí”. Anh Cường đã đi Kailash hai lần, nay đi thêm lần nữa. Khuyết điểm là chuyến đi dài ngày, nhiều rủi ro về chính trị, bạo loạn, thiên tai, thời tiết, sức khỏe và cuối cùng phí tổn khá lớn. Anh còn động viên “Tùy Tuấn nhé. Dù không tham gia chuyến này thì đời Tuấn còn dài!”
 
Last edited by a moderator:
Họp đoàn lần hai và quyết định chiêm bái Ngân Sơn

Tôi tự hỏi bản thân mình, cho đến tận giờ phút này, mình “vẫn chưa có một ham muốn đủ lớn”, một sự chuẩn bị thật kỹ càng (kể cả về mặt thể chất cũng như tâm linh) và hoàn toàn sẵn sàng cho một chuyến hành trình dài tới Kailash linh thiêng. Như vậy hẳn mình sẽ khó mà gặt hái được nhiều trong và sau chuyến đi. Các anh chị trong đoàn đa số đều đã rất nhiều lần đi chiêm bái và cúng dường tại các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ, Nepal, Myanmar và thậm chí là Tây Tạng nữa. Nhiều anh chị đã có một quá trình tu tập lâu dài với trình độ tâm linh cao. Người ta nói, trước khi đi Ngân Sơn bạn phải nhớ rằng “Núi chọn người chứ không phải người chọn núi”. Sau này khi chứng kiến tất cả những điều kỳ lạ xảy ra trong suốt chuyến đi mình mới thấy lời nhắc nhở trên quả thật ứng nghiệm. Và ngay bây giờ đây, dù rất tiếc (tiếc nhất là được đi cùng anh chị Bách và anh Cường, Toàn nữa) nhưng mình chưa thể tham gia chuyến đi này. Vậy là mình chưa đủ "duyên" rồi; đành phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu vừa sức hơn trong năm nay. Nghĩ sao viết vậy. Tôi đã nhanh chóng email trả lời việc không thể tham gia chuyến đi cho anh Bách vào những phút cuối cùng của hạn đăng ký. Nhấn nút send xong, lòng buồn vô hạn. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây. Nếu vậy thì tôi đã chẳng có cơ hội ngồi hồi tưởng lại và kể chuyện hầu các bạn Phượt mến thương.

Lần họp đoàn thứ 2 được tổ chức vào ngày 28/4/2011. Buổi họp có mặt thêm anh Cường, người đã hai lần đi Kailash và anh Hoài đã một lần đi. Một tháng đã trôi qua từ ngày tôi nói “không” với Kailash. Qua email của nhóm tôi biết anh Bách vẫn chưa chốt danh sách. Nghĩa là cơ hội vào phút 89 vẫn còn mở ra. Suốt nhiều ngày, tôi luôn băn khoăn rằng mình sẽ đi ngay chuyến này hay tạm thời lùi lại vào dịp khác để có thời gian chuẩn bị cho tốt hơn. Nhưng rồi lùi lại đến lúc nào? Liệu lúc đó mọi điều kiện khác như thời gian, công việc… đều đáp ứng được thì mình còn cơ hội để đi không? Nhất là lại đi cùng anh Bách, người rất hiểu về Tây Tạng, người đã thổi vào mình lòng ham muốn chiêm bái Ngân Sơn qua cuốn sách dịch “Con đường Mây Trắng” của Govinda… Vào phút chót, lúc mọi người cùng ăn chay tại nhà hàng của Danh, tôi thông báo với anh Bách là tôi quyết định đi Kailash. Anh Bách và mọi người rất vui. Tôi như đã trút được một gánh nặng và hạnh phúc khi cuối cùng đã có một quyết định quan trọng, dù biết rằng quá trình chuẩn bị cho chuyến đi này thật chẳng đơn giản tí nào.
 
Last edited by a moderator:
Re: Kathmandu to Kailash(Ngân Sơn): Ký sự xuyên Hy Mã Lạp Sơn.

Duyên của bạn lớn lắm đấy bạn ạ. Kailash và những người bạn đồng hành tuyệt vời. Ghen tị nhất là bạn được đi cùng với giáo sư Nguyễn Tường Bách. Nếu là mình á, mình chẳng suy nghĩ gì đâu, gật đầu đi luôn !
Mau tiếp đi bạn.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,768
Bài viết
1,137,759
Members
192,673
Latest member
mimm70604
Back
Top