What's new

[Chia sẻ] Nam Cát Tiên - nằm rừng, nếm vắt (2n - 1d)

Chi phí:

Xăng 200K
Vé vào cửa 40K/người
Phí vào Bàu Sấu 110K/người
Tiền trọ tại Bàu Sấu 150K/người/giường
Thuê xe đạp 150K/xe/ngày
Cơm tối Bàu Sấu 70K/người
Chèo thuyền 160K (80K tiền thuyền + 80K tiền chèo)
Vớ + thuốc chống vắt 15K
Áo mưa giấy 20K
Gửi xe máy 10K

Chuẩn bị:

1. Kem chống muỗi + vắt
2. Tất dài + băng dính dán chân
3. Đèn pin siêu sáng
4. Áo mưa
5. Ống nhòm (nếu thik ngắm chim)
6. Rượu + thịt (nếu nghỉ ở bàu Sấu)

Lưu ý:

Tuyệt đối không để lại các chất thải, đặc biệt là nhựa trong rừng
Không xâm hại các loài vật hoặc nơi ở của chúng

---------------------- Hành trình bắt đầu-----------------------------------

Từ TP.HCM thẳng theo QL1 hướng Đồng Nai đi khoảng 70km gặp đường 20 đi Đà Lạt rẽ trái đi tiếp khoảng 70km nữa là đến Rừng Quốc gia Nam Cát Tiên. QL1 nêm kín bởi xe tải và cont cùng dòng xe máy len lỏi giữa khói bụi. Vào đến đường 20 thông thoáng hơn tuy nhiên ổ voi + ổ gà nhiều vô kể. Điểm nhấn trên đường đi là hòn đá tảng xếp 3 tầng kỳ thú, rải xung quanh là dãy đá cùng loại lạ và bí hiểm.

DSC_6905.JPG

Vào đến bến sông, dừng lại tại quán đầu tiên bên phải nghỉ chân uống nước và gửi xe. Ngồi nói chuyện với vợ chồng anh chủ quán tình cờ phát hiện ra anh cũng chính là người lái đò qua bến sông. Chồng người Nam Định, vợ gốc cao nguyên lập nghiệp tại mảnh đất này cùng đứa con trai được hơn 30 tháng tuổi. Cốc nước mía “đáng ra” 8 ngàn, sau 1 hồi nói chuyện tình cảm được lấy giá gốc 6 ngàn đồng.

Hình ảnh bến sông, bên kia là trụ sở chính của vườn

DSC_6909.JPG

Trên đò qua sông

DSC_6912.JPG

Hình ảnh bến đò bên này sông

DSC_6915.JPG

Đi quãng đò ngắn chưa đầy 5 phút qua bến sông bên là khu quản lý vườn quốc gia Nam Cát Tiên, không có biển chỉ dẫn rõ ràng, nhưng từ bến đò rẽ trái đi 1 đoạn qua vài dãy nhà sẽ bắt gặp “reception”. Ở đây có thể tìm hiểu về các thông tin tuyến đường trekking và thu xếp các khoản phí cũng như mua bán những đồ lặt vặt cần thiết như vớ và thuốc chống vắt, áo mưa…

DSC_6916.JPG

Thăm quan ở đây có nhiều chặng, từ dễ đến khó và những cảnh quan khác nhau. Chi tiết có thể tìm hiểu thêm tại website chính thức của BQL rừng.

To be continued...;)
 
Vô đó bạn nhớ ghé Thác Trời (ko bít đúng tên ko nữa), có nguyên hòn đảo hoang sơ khoảng 200m2 trên đó, trên cây còn có rất nhiều lan rừng (chỉ ngắm ko hái). Lâu quá tui ko đi nhưng nhớ rành mấy anh kiểm lâm trạm Bến Cự rất tình cảm với những ai thật lòng yêu rừng. Nếu có điều kiện đem theo ít báo (cũ cũng được) và rượu Gò Đen để giao lưu đêm rừng là hết ý.
 
Sau khi quyết định chọn hình thức di chuyển bằng xe đạp, chặng đường khám phá Nam Cát Tiên đến Bàu Sấu bắt đầu. Tuy nhiên, chặng đường 10km đạp xe đường rừng không hề dễ dàng như tưởng tượng. Ngoài việc trời lúc mưa lúc tạnh, việc đạp xe còn trở nên khó khăn hơn với quãng đường bùn lầy lội bám lấy bánh xe. Bù lại, cảnh đẹp thiên nhiên cũng không phụ công với dãy tre rừng, tiếng chim hót, vượn kêu… Thi thoảng bắt gặp tiếng sột soạt trên đầu sẽ thấy những chú khỉ đang đu cây theo xe. Ngoài ra, dọc đường đi bướm nhiều vô kể, từng đàn đậu trên đường mỗi khi đạp xe qua cùng bay lên tạo thành khung cảnh không thể đẹp hơn.

Đập tràn trên đường đi, đoạn đường bê tông chỉ kéo dài 1km.

DSC_6920.JPG


Đường lầy lội, bùn bám lấy bánh xe...

DSC_6922.JPG


Thử thách tiếp theo là quãng đường 5km đi bộ trong rừng bằng con đường mòn nhỏ. Đây là chặng khó khăn nhất vì tiềm ẩn mối nguy hiểm của vắt, đặc sản khét tiếng của Nam Cát Tiên. Bắt đầu cuộc hành trình đi bộ mưa trở nên lớn hơn, nước chảy như suối phủ kín đường trơn thành ra việc duy nhất là cắm đầu đi càng nhanh càng tốt. Chặng đường vượt rừng trong mưa mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến được trạm kiểm lâm Bàu Sấu. Thật may mắn và bất ngờ, không có con vắt nào bám vào trong suốt chặng đi.

Do mưa liên miên và đoạn đi khó, nên không chụp được ảnh. Bức ảnh của buổi sang hôm sau tại tram kiểm lâm bàu Sấu

DSC_6927.JPG


To be continued...
 
Xin lỗi mọi người, mấy hôm bận rộn không cóp được ảnh để tiếp tục câu chuyện.
-----------------------------------------------------------

Trạm kiểm lâm được chia làm 3 khu, khu chính là dãy nhà cấp 4 xây cao thông thường làm phòng làm việc, phòng nghỉ của cán bộ kiểm lâm và 3 phòng cho khách, 2 khu còn lại là 1 khu bếp + chòi nhìn ra bàu và 1 khu nhà nghỉ cho khách biệt lập được xây bằng gỗ cây nhà lá vườn. Tuy nhiên khu nhà gỗ cho khách hiện đang bị hư hỏng nên tạm thời không sử dụng. Khách đến thăm qua đêm chủ yếu sẽ ngủ tại khu chính. Điện ở đây sử dụng năng lượng mặt trời, dùng đến khoảng 9h tối là hết phần dự trữ. Vật tư nhu yếu phẩm đều phải chở từ ngoài vào bao gồm cả thực phẩm.

Dãy nhà chính của tram kiểm lâm

DSC00018.jpg


Trạm có 6 cán bộ kiểm lâm, 1 trạm trưởng 1 trạm phó, các đồng chí được nghỉ 6 ngày/ tháng nên anh em thu xếp thời gian để bao giờ cũng có ít nhất 3 người ở lại trực. 3 người ở lại hôm đó có S., T. và H. đều sinh năm 1986, tuy nhiên có S. là người ở trạm lâu nhất (hơn 3 năm) theo quy định luân chuyển của Cục Kiểm lâm.

Bữa tối ở chòi tương đối thịnh soạn do mấy anh em cũng được rèn luyện nấu nướng thường xuyên cho khách du lịch. Món chính là cá ở bàu, đủ loại – luộc, kho, khô. Thiếu nhất ở đây là thịt, và gia vị phải thường xuyên vận chuyển từ ngoài vào. Rau thì có thể tự trồng dưới khoảnh sân, tuy nhiên mùa nước lên thì cũng chịu. Do nước ngập đến cầu thang, thi thoảng cá sấu còn bò lên sát đo để nằm phơi nắng. Có món canh rau bằng lá cây rừng cũng rất lạ miệng. Mấy anh em cũng cụng nhau vài ly rượu cho bữa tối thêm đậm đà. Vì đi lần đầu nên không biết, chứ cầm theo chai rượu với chút thịt nướng, buổi tối chắc kéo dài vô tận.

DSC00028.jpg


Bữa cơm bị phá hỏng bởi muỗi, muỗi nhiều vô kể, như thể quơ tay lên cũng nắm được vài con. Bữa cơm kết thúc bằng chén nước chè. Ngồi với muỗi, anh đèn le lói nhìn ra bàu kể chuyện cuộc đời. Được nghe những câu chuyện đi rừng trong đêm tối không được bật đèn pin, cách ghi nhớ để quản lý cả khu rừng rộng dù số người hạn chế. Phải những đêm hôm mưa gió bão bùng, vẫn phải đi tuần rình bắt lâm tặc. Các chiêu trò và mức độ nguy hiểm mà lâm tặc có thể gây ra. Nói chuyện dài mới biết tình yêu rừng của các đồng chí. Không giống như những nơi khác, kiểm lâm có thể tuồn gỗ, các loại quả quý hay thú rừng ra để kiếm thêm, ở Nam Cát Tiên là khu vực được giám sát đặc biệt không chỉ về rừng mà còn liên quan đến các thảm động thực vật xung quanh. Thật tiếc vì nơi đây mất đi cơ hội đạt danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới vì dự án thủy điện.
 
Buổi tối kết thúc khi khối năng lượng dữ trữ cuối ngày của dàn pin năng lượng mặt trời cạn dần. Đến lúc lấy đèn pin ra soi cá sấu. Khu bàu ước chừng khoảng hơn 100 con, to nhỏ đủ cả. Nghe nói người ta phải dành đến 3 tháng ăn ở tại đây để soi đèn đếm ra được số lượng này. Có người hỏi như vậy sao chính xác được. Thực ra cá sấu chỉ quen sống trong 1 vùng nhất định của bàu, mỗi vùng đều có 1 con làm lãnh chúa. Thi thoảng vẫn xảy ra những cuộc đụng độ tranh giành lãnh địa của nhau. Chiếc đèn pin lia là là trên mặt bàu bắt gặp những cặp đốm xanh lòe phản quang trên mặt hồ. Cá sấu ở đây ban ngày thường trốn bên dưới những thảm thực vật nổi trên hồ, chỉ có ban đêm mới mò ra thành ra cảnh vật ban ngày trông yên bình và vắng lặng so với sự nguy hiểm rình rập mỗi tối.

Ngoài cá sấu, các đồng chí kiểm lâm còn giới thiệu nhóm bạn chồn hương leo trèo trên những cành cây sau nhà. Phải hôm đói mồi, chồn chui vào tận trong chòi bếp để lục đồ ăn. Chỉ huơ đèn pin lên nhánh cây đã bắt gặp được ngay 1 chú đang leo ngang cành, chẳng sợ ánh đèn pin, chồn vẫn bước nhẹ nhàng như không có gì xảy ra.

21.00 lên giường đi ngủ, 1 phòng 3 giường đơn tuy nhiên đủ rộng để nằm 2 người/giường có chăn màn đầy đủ. Tuy nhiên nếu cẩn thận có thể mang thêm chăn đa năng (khăn tắm). Giấc ngủ đến rất nhanh sau 1 ngày hoạt động tương đối mệt mỏi.

Bonus bức ảnh đàn bướm!

DSC00055.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,321
Bài viết
1,175,214
Members
192,046
Latest member
kubetjungleboss
Back
Top