Triền miên núi đồi và những con đường vắt vẻo từng khơi. Lào đến trong những cơn khát đi hoang hoải nhất của dân du lịch. Những tuyến trek vắt qua rừng đến những bản làng heo hút, những tuyến cycling hụt hơi với hàng trăm km đường núi không một km đường bằng.... Lào giống như biểu tượng của Adventure Travel - Du lịch khám phá
Sớm ở Lào, không khí khô và lạnh dịu, bến xe Luang Prabang tấp nập từ sáng sớm. Chuyến xe duy nhất cuả ngày từ Luang đến Phonsavan rời bến lúc 8h. Chiếc xe buýt cổ lỗ sĩ đồ rằng được "dân gian lưu truyền" từ thời CCCP trông giống như một chiến binh cũ kỹ cõng trên mình hơn 30 con người với mọi quốc tịch, mọi mầu da. Trên nóc xe chằng buộc nào hàng hoá, nào xe máy. Hoàn toàn ko có máy lạnh, những chiếc cửa sổ mở toang. Tôi trả 85000kip cho chuyến xe "cá cược" mạng sống này.
Rời Luang Prabang, chúng tôi nhập ngay vào những con đường núi, không rào đón gì nhiều con đường chạy ngoằng lên những sườn núi dốc. Chiếc xe khạc ra những tiếng lọc xọc và đôi lúc chết dựng đứng ở đầu dốc vì kẹt số... Hành khác trên xe lúc đầu có hơi hồi hộp nhưng rồi sau người thì lấy xôi ra ăn, người thì bật nhạc hay gà gật ngủ, chuyến xe cứ khạc và bò...Một anh khoác AK sau lần áo khoác cũng đã thư thái bỏ AK ra đặt lên đùi rồi gà gật ngủ. Khạc và bò trên hơn 300km ngoằn nghèo lưng trời.
Sau 4 ngày ở Lào chúng tôi đã hoàn toàn quen với xe ôtô cũ, đường núi triền miên và những khẩu AK sau lần áo khoác. Vì thế cũng thư thái như ai chúng tôi cho phép minh gà gật theo nhịp lắc ôtô. 8h đồng hồ lắc lư trong những giấc ngủ mơ màng, thức dậy và chìm lại vào giấc ngủ với một màu vàng rực rỡ ngoài cửa sổ. Dã quỳ !
Những sườn núi ngập dã quỳ vàng, hai bên đường dã quỳ rực rỡ không một vâỷ bụi, trời ở Lào lúc nào cũng xanh biếc vô thực. Tôi đã có 8 tiếng siêu thực, lắc lư và trôi bồng bềnh trên những đám mây dã quỳ vàng.
Thật khó để liên hệ bức tranh thiên nhiên hào phóng ấy và một quá khứ khốc liệt của vùng đất này cho đến khi chúng tôi bắt đầu vào Xiang Khoang. Xiang Khoang với Phonsavan là thủ phủ được biết đến như một chảo lửa khốc liệt, núi đồi oằn mình gánh đỡ những bom mìn, những vết thương chiến tranh. Nếu như bạn nhìn vào bản đồ sát thương và sức gánh đỡ bom mìn của Việt Nam và Lào trong chiến tranh thì cái mảng máu đỏ tượng trưng ấy nó chảy đẫm ở miền trung Việt Nam và Phonsavan. Ngày nay tháo dỡ bom mìn (UXO) vẫn là công việc hàng ngày, bom mìn cũng trở thành những vật dụng thiết thực như cột chống nhà, biển treo quảng cáo, thậm chí là ghế ngồi ngoài hiên hóng gió chiều ....
4h30 xe buýt tới bến, anh và tôi nhanh chóng quyết định thuê một chiếc ôtô đi thăm cánh đồng chum. Nắng đã nhạt trên những triền núi thoải dốc nhưng cái hào hứng, tình yêu nhiệt thành với thiên nhiên nơi đây làm chúng tôi không dám phí một phút đồng hồ. Phonsavan có một thiên nhiên đặc biệt nhất mà bạn khó có thể tìm thấy ở những nơi khác trên đất Lào. Những màu sắc đặc biệt rực rỡ trong mùa khô, màu đỏ thẫm của đất, xanh thẳm của trời, xanh lá của thông, và rào rạt cỏ lau... Phonsavan vẽ ra một Môgn Cổ đẫm nước, vẽ ra một thảo nguyên bao la của tự do....
Và thế là chiều hôm ấy chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá của mình, có một cánh đồng chum cho riêng mình, lúc hoàng hôn thả tím sau lớp lớp cỏ lau, lúc gió rào rạt thổi quanh những chiếc chum huyền thoại... Chỉ có 2 chúng tôi và những câu chuyện cổ.
Cánh đồng chum chính là huyền thoaị của vùng đất, với những chiếc chum to quá đầu người nằm rải rác khắp Xiang Khoảng, được cho rằng người Môn-Khơ Me cổ từ 1,5002,000 năm trước đã tạo ra chúng để đựng thức ăn hoặc làm chỗ mai táng ( nghe giống như mộ chum gốm ở VN ta nhỉ
. Tuy nhiên với những người trẻ như tôi và anh thì chúng tôi nhất quyết là ở Lào, thay vì nước thì suối chảy ra bia, mà nhất định là bia Lào. Mùa hè chảy ra bia vàng, mùa đông chảy ra bia đen. Người Lào hay người Môn Khơ me gì đó bèn nặn chumm to chum bé để đựng bia. Sau rồi họ phát hiện ra spa! họ nặn chum to cỡ người ngồi lọt để Spa bia! Chà! huyền thoại cũng nên có hậu chứ!
Sau khi mặt trời lặn, chúng tôi quay về thành phố, thành bộ bụi mờ và rất giống một phố ngoại ô Việt Nam. Nhà nghỉ chúng tôi lựa chọn cũng rất đơn giản, 30,000kip/đêm ( 50,000VND). Đồ ăn ở Phonsavan thì "nằm cả trong sự thao túng" của người Việt. Chúng tôi ăn ở hàng của một cô quê ở Hà Sơn Bình, cô lấy chồng Lào, nói tiếng Lào, tiếng Việt, Tiếng Thái đủ cả...khách đông nườm nượp, ai cũng hả hê với cơm nóng và bia lạnh. Ngoài trời gió hun hút thổi, lạnh như mùa đông Hà Nội.
Tớ cho chân lên ghế đút vào chân anh tìm chút hơi ấm. Chà mùa đông!
Sáng sớm hôm sau là một ngày huyền thoại mới. 7h sáng chúng tôi nai nịt gọn gàng và nổ máy chiếc xe wave. Sương nặng trĩu phố đến mức mặt trời cũng chỉ mơ màng chạm xuống mặt đường. Sương dầy và lạnh run người, chiếc xe rù rì chạy, chúng tôi không nhìn quá trước mặt được 200m. Những vạt rừng trồng nom như trong phim tàu kiểu "Thập diện mai phục" ( em chưa xem phim này ợ
.
Đi xuyên rừng sương, anh và tôi lần mò đến cánh đồng chum thứ 3, gọi là Hua Hin Lat Khai, từ trên núi sương và ray như quái vật ăn thịt người cứ bò trên núi xuống nuốt chúng tôi từ đầu bên này rồi lại khạc ra ở phía bên kia. Cảnh vật hai bên đường giống như là "thần tiên" ( từ này của bạn Windy) đẹp không bút nào tả xiết. Nắng cũng dần nhuộm lên mọi vật, sương tan vén lên những cánh đồng vàng ruộm, những lạch nước xanh biếc. Chúng tôi là những người đầu tiên đến cánh đồng chum, và một lần nữa chúng tôi lại có cánh đồng của riêng mình.
Cuộc hành trình với chiếc xe máy Lào còn đưa chúng tôi đến Xiang Khuảng, nơi đã gần như bị tàn phá trong trận bom của quân đội Mỹ. Mọi sự hoang tàn đều được thiên nhiên khoả lấp
Chúng tôi đã đến và thực sự đã yêu vùng đất này, có lẽ trái tim chúng tôi đủ rộng để yêu nhiều hơn thể tích của nó và cứ như thế chúng tôi lại đi và lại yêu.