What's new

Chuyến du hành đặc biệt đến CHDCND Triều Tiên (Sưu tầm)

(Theo Tuổi trẻ Online: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/...n-du-hanh-dac-biet-den-chdcnd-trieu-tien.html )

CHDCND Triều Tiên - một dân tộc có truyền thống lâu đời - cho đến nay còn xa lạ với nhiều người bởi có quá ít thông tin về đất nước này. Ít thông tin đến mức mỗi khi nhắc đến CHDCND Triều Tiên hiện nay, người ta chỉ nói về hồ sơ hạt nhân của nước này. Nhưng CHDCND Triều Tiên không chỉ là vậy.

Dominique Garret, một người Pháp sinh sống và làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc), đã có chuyến tham quan CHDCND Triều Tiên. Dominique Garret viết riêng loạt bài này cho Tuổi Trẻ, ghi lại những gì anh đã chứng kiến, cảm nhận trong suốt chuyến đi.
 
Last edited:
Kỳ 1: Khởi hành

Kỳ 1: Khởi hành

TT - Tháng 10-2003, tôi đến Bắc Triều Tiên trong 1 chuyến du lịch theo tour 1 tuần. Với mật độ tham quan dày đặc, chuyến đi này lạ lùng ở mọi góc độ, ngay cả chỉ qua những gì mà người ta cho phép tôi thấy.

Tôi cảm thấy như quay lại các nước Đông Âu những năm 1960.


Những hành khách phương Tây

Chúng tôi hẹn nhau ở sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc) để làm quen với những người đi cùng trong nhóm và chuẩn bị các thứ liên quan đến visa và vé máy bay. Từ Bắc Kinh, chúng tôi phải tới Thẩm Dương rồi mới bay tới Bình Nhưỡng.

Năm người tham gia chuyến đi làm quen với nhau. Tất cả đều người Tây Âu, trừ một thành viên người Mỹ đi với hộ chiếu của Anh (người mang quốc tịch Mỹ không được phép vào thăm Bắc Triều Tiên).

Chúng tôi lấy lại visa và được đưa tới cái máy photo của sân bay để lưu chúng (chúng bị tịch thu khi ra khỏi biên giới và không có bất cứ con dấu nào của Triều Tiên lên hộ chiếu cả). Chúng tôi cũng phải để lại điện thoại di động cho mấy người Anh làm việc cho hãng lữ hành ở Bắc Kinh, bởi vì loại máy móc này không được mang sang Bắc Triều Tiên.

Tại sân bay Thẩm Dương, tôi tranh thủ học gạo mấy câu tiếng Triều Tiên. Một người bạn đã từng đi du lịch Bắc Triều Tiên bày lại cho tôi kinh nghiệm nên học thuộc một vài mẫu câu kiểu như “đồng chí tiếp viên”, “đả đảo đế quốc Mỹ”, “đế quốc Mỹ là kẻ thù chung của chúng ta”… để “lận lưng” lúc tiện thì dùng. Tôi nhẩm học mấy câu đó như là một phương cách hòa nhập tự nguyện vậy.

Khi tới sân bay Thẩm Dương (rất hiện đại và dễ chịu), tôi chú ý tới những người Triều Tiên đầu tiên tôi gặp, vốn dễ nhận ra qua huy hiệu chủ tịch Kim Nhật Thành trên ngực áo họ.

Sau này tôi mới nghe thông tin là tất cả đảng viên của Đảng Lao động Triều Tiên đều đeo huy hiệu này. Và chỉ những người này mới được phép ra nước ngoài. Theo tính toán và quan sát của cá nhân tôi sau này, có lẽ phải hơn một nửa người lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng mà tôi gặp là đảng viên Đảng Lao động Triều Tiên.

Giờ lên máy bay đã đến, tôi nhìn chiếc máy bay, máy bay Liên Xô cũ, sơn quốc kỳ của Bắc Triều Tiên ở đuôi. Nội thất bên trong khá duyên dáng và khác biệt với máy bay phương Tây. Chúng tôi là năm hành khách phương Tây trong số cả trăm hành khách Trung Quốc và vài người Triều Tiên.


Máy bay IL 62 của CHDCND Triều Tiên do Liên Xô sản xuất tại sân bay Bắc Kinh - Ảnh: Stephen Codrington

Xuống sân bay

Sau khi hành khách ổn định chỗ ngồi, người ta chia bánh kẹo và nhật báo Bình Nhưỡng cho chúng tôi. Tôi nhìn qua tờ Thời Báo Bình Nhưỡng in năm 91 (Triều Tiên sử dụng lịch Juche, theo đó lịch bắt đầu tính từ năm sinh chủ tịch Kim Nhật Thành - 1912).

Mục mỗi ngày một sự kiện của báo viết về sự kiện một tác phẩm của chủ tịch Kim Jong Il (con trai của cố chủ tịch Kim Nhật Thành) đã được dịch ra tiếng Romania và phát hành tại nước này.

Tôi lật những trang tiếp theo, đa số bài báo đều liên quan đến cuộc chiến Triều Tiên xảy ra cách nay hơn 50 năm. Trong chuyến bay, tôi chú ý tới các nữ tiếp viên Bắc Triều Tiên, các cô đẹp tuyệt vời. Tôi uống hết cốc rượu táo và trả cốc cho cô tiếp viên bằng cách gọi “đồng chí tiếp viên” bằng tiếng Triều Tiên. Cô quay lại và đi về phía tôi, vẻ mặt và ánh mắt nhìn tôi thật trìu mến.

Sau 50 phút bay, chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế Bình Nhưỡng nằm giữa thiên nhiên và cách biệt với thành phố. Ngay khi xuống máy bay, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là tấm chân dung cỡ lớn của chủ tịch Kim Nhật Thành đặt trên nhà ga.


Không gian thanh vắng ở sân bay quốc tế Bình Nhưỡng - Ảnh: Stephen Codrington

Nhìn một lượt xung quanh sân bay, có hơn chục chiếc máy bay cỡ nhỏ của Hãng hàng không quốc gia Air Koryo đậu trong không gian thanh vắng của sân bay. Xe buýt nhanh chóng đưa chúng tôi vào chỗ làm thủ tục nhập cảnh. Không có một máy tính nào. Trong những cabin bằng gỗ, các cảnh sát Triều Tiên xem xét rất kỹ hộ chiếu trước khi đóng dấu lên visa và cho chúng tôi đi qua.

Thủ tục này diễn ra không vấn đề gì. Đoạn sau mới đáng nói: thủ tục hải quan. Tôi là người cuối cùng qua kiểm tra trong số các hành khách phương Tây, bốn người kia làm thủ tục hải quan một cách đơn giản.

Mấy anh cảnh sát có vẻ như được trang bị hiện đại hơn đồng nghiệp làm thủ tục nhập cảnh nên dường như họ có thể nhìn thấy mọi thứ bên trong vali. Có cái gì làm họ chú ý thì họ sẽ mở ra xem.

Các nhân viên hải quan lấy máy ảnh của tôi ra. Biết rõ đó là một vật bị cấm, tôi đã cố gắng không thể hiện sự lo lắng của mình. Tôi khá nhanh trí bằng cách lôi từ balô ra máy MP3 đời mới mà tôi mang theo. Một vật hoàn toàn xa lạ với người Triều Tiên. Cái MP3 này đúng là đánh lạc hướng được sự chú ý của hải quan. “Dĩ nhiên đây là thứ các anh tìm”, tôi nói bằng tiếng Anh và họ không hiểu.

Mấy anh hải quan như thế là quên mất máy ảnh của tôi để chú tâm vào soi xét kỹ càng cái máy MP3 trước khi trả lại cho tôi. Kiểm tra xong cái MP3, họ cho phép tôi sắp xếp lại và để tôi đi qua.

Xe buýt mất chừng 40 phút để đưa tác giả từ sân bay về nội thành Bình Nhưỡng trước khi màn đêm buông xuống. Cảnh tượng trở nên xúc động.
 
Last edited:
Kỳ 2: Thủ đô Bình Nhưỡng

Kỳ 2: Thủ đô Bình Nhưỡng

TT - Ngay khi vừa ra khỏi sân bay, chúng tôi được người hướng dẫn thứ hai của đoàn - anh Li - đón tiếp. Người đầu tiên đi cùng chúng tôi trong chuyến bay là anh Kim (ở Triều Tiên rất nhiều người mang tên họ là Kim). Tại Bắc Triều Tiên, dường như nhóm du lịch nào cũng phải có ít nhất hai người hướng dẫn.


Một đường phố ở Bình Nhưỡng - Ảnh: Stephen Codrington

Những khách du lịch đơn lẻ mà chúng tôi gặp sau này cũng có hai hướng dẫn viên. Về lý thuyết, chúng tôi không được phép nói chuyện với những người dân khác.

Những ấn tượng đầu tiên


Sau một lúc, chúng tôi đi ngang vùng ngoại ô của Bình Nhưỡng, thấp thoáng bên đường là những khẩu hiệu và chân dung Chủ tịch Kim Nhật Thành. Xe buýt mất chừng 40 phút để đưa chúng tôi từ sân bay về nội thành Bình Nhưỡng trước khi màn đêm buông xuống. Cảnh tượng trở nên xúc động. Những đại lộ rộng thênh thang nhưng thiếu vắng trung tâm thương mại, nhà hàng. Thiếu vắng màu sắc hay một sự phá cách nào khác. Một vài tòa nhà và công trình khổng lồ thi thoảng hiện lên giữa những khu chung cư hình hộp to lớn và giống nhau.

Người dân Triều Tiên ít khi cười. Tôi chụp ảnh một trong những nữ đồng chí cảnh sát giao thông điều khiển giao thông giữa những ngã tư vắng bóng xe cộ. Người nữ cảnh sát xoay liên tục theo các hướng để điều hòa những dòng xe ít ỏi. Tất cả họ đều xinh xắn.

Ban đầu chúng tôi đi theo con lộ vắng, thi thoảng chúng tôi thấy một vài chiếc xe Mercedes cũ và vài chiếc ôtô Nhật có vẻ đời mới hơn lướt qua. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là số lượng người đi bộ trên tuyến đường này. Đi bộ có vẻ phổ biến nhất ở Bắc Triều Tiên. Điểm đặc biệt khác, dân Triều Tiên thường di chuyển theo đám đông: công nhân làm cùng nhà máy đi về cùng nhau, trẻ em đi học và binh lính.

Ấn tượng thứ ba là số lượng binh lính. Tôi đã từng ấn tượng bởi số lượng người mặc quân phục trong những chuyến đi đầu tiên của tôi đến Trung Quốc trước đây, nhưng điều này không sánh lại với những gì tôi thấy ở Triều Tiên. Anh Kim tự hào nói với tôi rằng quân đội Triều Tiên có khoảng hơn một triệu lính (đất nước có 22 triệu dân). Ấn tượng thứ tư: người Triều Tiên khá gầy. Vài năm sau, khi tôi trở lại Bình Nhưỡng, những ấn tượng này vẫn không thay đổi là mấy.

Đi một lúc, mật độ dân cư có vẻ dày hơn chắc tại vì đó là cổng nhà máy và công sở. Những bộ quân phục vẫn xuất hiện nhiều. Đám đông người Triều Tiên có vẻ đồng nhất nếu so với kiểu đám đông châu Âu hay Trung Quốc, họ dường như đi cùng nhau. Trẻ con đi theo hàng lối sát nhau. Những nhóm binh lính khoảng mười người đi san sát. Từng nhóm công nhân di chuyển như thể là một người duy nhất. Những nhóm phụ nữ mặc quần áo truyền thống. Những người đàn ông mặc quần áo màu xám hoặc hạt dẻ, còn phụ nữ ăn mặc đa dạng hơn.

Trang phục kiểu truyền thống gần như biến mất ở Hàn Quốc, nhưng lại rất phổ biến ở CHDCND Triều Tiên. Phụ nữ ăn mặc có vẻ hiện đại và có cố gắng làm dáng dù vẫn còn khác biệt với mốt Tây Âu. Một vài bến xe buýt tập trung khá nhiều công nhân. Rất ít xe cộ trên đường, ngoài những chiếc xe buýt, xe điện. Cũng rất ít xe đạp. Một trong những thành viên của nhóm chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về số lượng ôtô đi lại ít ỏi trên đường. Anh Kim trả lời đó là chủ trương để chống ô nhiễm đô thị và không bị rơi theo khó khăn của Seoul (Hàn Quốc) với những vụ kẹt xe và ô nhiễm do xe hơi.

Một lúc sau, chúng tôi về đến khách sạn, tòa nhà thật ấn tượng cao 47 tầng, phía trên cùng là một nhà hàng quay nhìn được toàn cảnh thành phố, nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông.

Tàu điện ngầm

Thức giấc vào sáng sớm, kéo tấm riđô, tôi cảm thấy dễ chịu vì thời tiết thật tuyệt vời và vì rằng phòng của tôi nhìn ra phía sông, về hướng sân vận động 1-5 và tháp Juche (Tự chủ). Ăn sáng ở nhà hàng quay và nhìn toàn cảnh thành phố.

Sự mất cân bằng của thành phố thể hiện ở những tòa nhà chung cư. Không có những tòa nhà thấp và chẳng có tòa nhà nào cổ kính cả. Cũng cần phải nói là thành phố đã bị san phẳng trong chiến tranh Triều Tiên, và đó là mảnh đất tự do cho các kiến trúc sư ra tay làm lại mọi thứ theo ý tưởng của họ. Tất cả đều là những tòa nhà cao lớn, hoành tráng nhưng không đẹp lắm.

Chúng tôi đi một vòng qua các công trình lớn của thành phố. Những khẩu hiệu cổ động hiện diện ở một số nơi, phần lớn mô tả người lính đang chiến đấu, những người lao động phấn khởi, tất cả đặt dưới nụ cười nhân từ của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Trái lại rất ít khẩu hiệu có hình con trai ông, Kim Jong Il, chỉ có vài khẩu hiệu ghi: "Kim Jong Il muôn năm, mặt trời của thế kỷ 21".

Chúng tôi đi vào một bến tàu điện ngầm. Tôi không rõ độ sâu của tàu điện Bình Nhưỡng là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là khác với tàu điện ở châu Âu và Trung Quốc. Quãng đường đi thường kéo dài mấy phút. Đi xuống dưới bến tàu có vẻ tối hơn, có lẽ vì lý do tiết kiệm điện. Bến tàu rất hoành tráng theo truyền thống Xô viết. Toa tàu cũ kỹ và nhìn hơi tối tăm. Chúng tôi đi vào toa và di chuyển một hay hai bến gì đó. Bên trong mỗi toa tàu đều có chân dung hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.


Ở nhà ga tàu điện ngầm - Ảnh : Stephen Codrington

Ở thang cuốn đi lên mặt đất, tôi tận dụng cơ hội tách ra khỏi anh Kim và Li và thử tỏ ra tươi cười với những người tôi gặp. Nhưng họ không nhìn tôi. Trong khi ở Thượng Hải, nơi người nước ngoài rất nhiều, tôi lại luôn cảm thấy mình là đối tượng của sự tò mò đôi khi là hơi bực mình. Điều này trái ngược với ở Bình Nhưỡng, mặc dù có rất ít người nước ngoài ở đây. Trong thang máy phía trước có một chú nhóc năm hay sáu tuổi nhìn tôi chằm chằm, tôi nở một nụ cười hoành tráng và chú nhóc cười lại với tôi liền. Tôi cảm thấy thật vui!

Một ấn tượng với tác giả: khách sạn 47 tầng rất hiện đại, tiêu chuẩn bốn sao và có hầu hết những thứ mà người ta vẫn mong đợi ở khách sạn loại này.
 
Kỳ 3: Khách sạn quốc tế

Kỳ 3: Khách sạn quốc tế

TT - Yanggakdo, cao 47 tầng, là khách sạn lớn dành cho du khách nước ngoài ở Bình Nhưỡng. Khách sạn nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa dòng sông ở trung tâm thủ đô. Tôi cảm thấy rất dễ chịu khi trú tại đây, đặc biệt là khi thức giấc vào sáng sớm, nhìn toàn cảnh Bình Nhưỡng từ xa.


Khách sạn Yanggakdo soi bóng sông Đại Đồng

Cuối năm 2005, khi trở lại Bắc Triều Tiên, tôi cũng chọn trú tại nơi này, mọi thứ vẫn vậy, cảnh cũ người xưa, cũng mỗi sáng kéo riđô nhìn quanh thành phố, cũng cảm thấy rất dễ chịu.

Thức ăn và cô tiếp viên


Khách sạn Yanggakdo được một công ty Pháp xây dựng từ những năm 1980 và khánh thành vào năm 1995. Thật là ngạc nhiên, khách sạn rất hiện đại hơn tôi tưởng, tiêu chuẩn bốn sao, có sân golf chín lỗ và có hầu hết những thứ mà người ta vẫn mong đợi ở khách sạn loại này.

Gian đại sảnh của khách sạn rất lớn, phòng ốc ở đây giống như ở các khách sạn quốc tế khác. Tôi nhớ lần đầu khi đến đây, việc đầu tiên là bồn chồn bật tivi lên và thấy phần lớn là các kênh Trung Quốc, cũng có một kênh Đài Loan, một kênh tiếng Nhật và BBC. Rồi màn hình vô tuyến bị nhòe đi kèm dòng chữ "tín hiệu vệ tinh bị gián đoạn". Có một kênh truyền hình Triều Tiên, dĩ nhiên là tôi thử xem kênh này. Không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ toàn là những khúc quân hành và opéra cách mạng. Càng tốt, tôi nghiện món này.

Tiếp theo là bản tin, một khung nền toàn màu xanh và anh phát thanh viên đang cúi đầu xuống đọc một xấp giấy. Tôi không hiểu gì cả, nhưng nhịp điệu đơn điệu, cách nói nhanh và âm sắc rất nghiêm trang. Thi thoảng có vài phóng sự về các nhà máy để minh họa cho lời thoại.

Chúng tôi xuống phòng uống trà ở dưới tầng trệt và thống nhất chi tiết chuyến đi với các hướng dẫn viên. Thật là thất vọng với tôi vì sẽ không có các buổi diễu binh hay hòa nhạc cách mạng mà tôi luôn mơ ước được xem. Chúng tôi tới muộn mất hai tuần và lại sớm mất một tuần. Tôi đã từng tiếc vì không thể tham dự liên hoan hoành tráng Arirang với 100.000 diễn viên được tổ chức tại sân vận động lớn nhất của thành phố vào mùa xuân hằng năm.


Một góc thủ đô Bình Nhưỡng nhìn từ bờ sông Đại Đồng - Ảnh: Stephen Codrington


Lúc sau tôi gặp những người khác và hai hướng dẫn viên du lịch trong nhà hàng quay. Các anh hướng dẫn viên nói ngay bây giờ chúng tôi phải quyết định sẽ ăn gì vào những ngày tiếp sau (món Triều Tiên hay đồ Tây) và nên biết là mọi người đều phải ăn cùng một kiểu. Chúng tôi nhất trí chọn đồ ăn Triều Tiên.

Thức ăn kiểu Triều mà bọn tôi ăn rất ngon, ngon hơn đồ ăn Triều mà tôi đã có dịp ăn ở Thượng Hải và Hàn Quốc. Tôi suýt quên mất điều quan trọng nhất: cô tiếp viên nhà hàng! Đẹp tuyệt vời, còn xinh và duyên dáng hơn cô tiếp viên hàng không tôi đã gặp.

Hơn nữa là cô này tươi cười trong bộ quần áo Triều Tiên truyền thống. Tiếc là cô không nói được tiếng Anh cũng như tiếng Trung, như thế là không thể làm quen được. Tôi cũng làm được cô cười khi gọi cô là "đồng chí” bằng tiếng Triều Tiên. Phải công nhận là các cô gái Triều Tiên gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ.

Những người khách Hàn Quốc

Rồi chúng tôi có mỗi người một cái thẻ màu trắng để tham quan khách sạn, sau khi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là chúng tôi không có quyền ra khỏi khách sạn nếu không kèm hướng dẫn viên.

Chúng tôi đến một cửa hàng sách. Tất cả mọi loại sách nói về hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il đều có ở đây: album ảnh, tiểu sử, các mẩu chuyện... Người ta cũng thấy những huy hiệu nhưng không phải là loại các đảng viên đeo (loại đó chỉ dành cho những thành viên ưu tú và không được bán). Có thể thấy rất nhiều loại nhạc cách mạng, sách lịch sử về chiến tranh Triều Tiên và những tập sách chính luận, thời sự đương thời.

Ở cửa hàng sách này chỉ có thể dùng hai loại tiền đang lưu hành ở Triều Tiên (tiền won dành cho người Triều Tiên và tiền won dành cho người nước ngoài), euro và nhân dân tệ. Đôla Mỹ dĩ nhiên cấm dùng, đồng yen Nhật cũng có thể được chấp nhận.

Còn khu dưới hầm để xem, người châu Âu có thể vào, nhưng người Triều Tiên thì cấm hẳn. Tầng hầm là nơi chỉ dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên cũng không được vào. Có ba loại hình giải trí ở đây: karaoke, casino và một phòng mátxa. Tôi làm một vòng trong casino mà không chơi một xu nào. Casino có chừng 20 máy chơi và hai bàn chơi bài. Tôi xem qua phòng mátxa (của một công ty Trung Quốc), chỉ là để tìm hiểu có những kiểu gì, đặc biệt ở đây có dịch vụ đặc biệt. Mặc dù tôi hỏi đi hỏi lại mấy lần nhưng người ta vẫn từ chối nói với tôi dịch vụ đặc biệt là gì. Thế là tôi tha hồ mà tưởng tượng.

Khi quay lên đại sảnh, tôi gặp một nhóm mấy khách du lịch Hàn Quốc. Hình như đây là lần đầu tiên các nhóm du khách Hàn Quốc đến đây, vì theo nguyên tắc thì người mang quốc tịch Hàn Quốc chưa được phép nhập cảnh miền Bắc. Cảm xúc của mấy người khách Hàn Quốc khá là mạnh, tôi có thể hiểu được điều này. Với người Hàn Quốc, miền Bắc cũng là một phần dân tộc Triều Tiên của họ.

Một người Hàn Quốc mà tôi bắt chuyện đã nói là họ bay thẳng trực tiếp từ Seoul tới Bình Nhưỡng, tôi nghĩ đây là lần đầu tiên có một chuyến bay thương mại như thế diễn ra. Chuyến bay của họ chỉ kéo dài khoảng nửa giờ (vì tính cả việc bay vòng ra biển để tránh đường phân giới), nhưng dù sao cũng là một chuyến bay có ý nghĩa lịch sử.

Chúng tôi được đưa đến tham quan những địa chỉ được cho là quan trọng nhất trong hành trình của mỗi chuyến đi đến Bình Nhưỡng.
 
Kỳ 4: Những địa chỉ đáng nhớ

Kỳ 4: Những địa chỉ đáng nhớ

TT - Chúng tôi tới tham quan những địa chỉ được cho là quan trọng nhất trong hành trình của mỗi chuyến đi đến Bình Nhưỡng. Địa chỉ đầu tiên là bức tượng lớn của Chủ tịch Kim Nhật Thành bằng đồng.

Những tượng đài

Đến trước tượng đài, tôi lấy máy ảnh ra và ngắm để chụp bức tượng, nhưng anh Kim ngăn tôi lại: "Khoan vội, trước tiên anh phải hơi nghiêng mình trước bức tượng, và phải thể hiện sự thành kính với lãnh tụ vĩ đại rồi anh mới chụp ảnh. OK?". Rồi cũng như mọi người, tôi tới đặt hoa dưới chân của bức tượng đài và nghiêng mình kính cẩn. Sau đó tôi chụp ảnh bức tượng bằng máy ảnh kỹ thuật số của mình. Tiếp sau chúng tôi, từng nhóm người Triều Tiên, Trung Quốc và phương Tây cũng tới thể hiện sự kính cẩn của họ.

Xa hơn một chút là tượng đài Cholima. Cholima là một con ngựa thần thoại trong dân gian Triều Tiên, có thể chạy với tốc độ kinh khủng. Trong những năm 1950, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã quyết định gia tăng nhiều lần sản lượng nông nghiệp của đất nước, cũng như ở Trung Quốc một vài năm sau với kế hoạch "đại nhảy vọt". Những thành tích tuyệt vời được lập nên bởi nhân dân lao động như thế được cho là có thể ví như huyền thoại Cholima, và thế là tượng đài được dựng lên để kỷ niệm dấu mốc đó.


Các bảng quảng cáo xe Fiat (Ý) đã có mặt trên đường phố Bình Nhưỡng từ năm 2005, đây là sản phẩm liên doanh giữa một công ty quốc doanh của CHDCND Triều Tiên và Hãng Fiat của Ý. Hiện nay Hãng Hyundai của Hàn Quốc cũng có liên doanh sản xuất ôtô tại CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Stephen Codrington

Chúng tôi lại lên xe buýt để tới địa điểm khác. Anh Kim cho phép chúng tôi chụp ảnh bất cứ những gì mà chúng tôi muốn ở Bình Nhưỡng. Không có ai cản trở nên chúng tôi chụp tất cả những gì mà chúng tôi có thể. Một lúc sau chúng tôi đi bộ tới tháp Juche (Tự chủ) cao hơn 150m với ngọn lửa đỏ ở trên đỉnh. Dưới chân tháp Juche là tượng đài một người công nhân, một trí thức và một nông dân; người cầm búa, người cầm bút và người cầm liềm. Ở chỗ vào của tháp có hàng loạt tấm biển đặt kề nhau do những người ở khắp nơi trên thế giới tặng nhân dịp khánh thành tháp này vào những năm 1970. Trong số đó có khá nhiều bằng tiếng Pháp. Tôi lên thang máy để lên đỉnh tháp, nơi có một cái nhìn toàn cảnh dễ chịu.

Khải Hoàn Môn

Đến tham quan Bảo tàng chiến tranh Triều Tiên, hướng dẫn viên của chúng tôi là một phụ nữ khoảng 30 tuổi mặc trang phục quân đội. Chúng tôi được nghe bài hướng dẫn hào hùng về chiến thắng của quân đội Triều Tiên trong chiến tranh từ năm 1950 đến năm 1953. Với tôi, phần thú vị nhất của bảo tàng là gian phòng lớn trưng bày chiến lợi phẩm. Xe tăng, máy bay, mũ, súng đạn và đồ đạc Mỹ đủ loại được trưng bày trong các kho lớn.

Cuối cùng là phòng sa bàn, nơi dựng lại những trận chiến lớn của cuộc chiến Triều Tiên. Khách tham quan đi vào một khu hình cầu với bốn bề là những bức tranh tường lớn mô tả trận đánh, còn các phối cảnh được bố trí quanh khách tham quan. Thật là ấn tượng!

Cung Văn hóa thiếu nhi mỗi ngày đón hàng ngàn trẻ em đến tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật. Mỗi phòng nơi chúng tôi đến đều có khoảng chục em thiếu nhi, lúc khách thăm quan vào thì liền nở những nụ cười và bắt đầu chương trình biểu diễn của các em (âm nhạc hoặc là múa hát). Khi chúng tôi đến phòng biểu diễn của cung, phòng này gần như là đầy người. Khách du lịch Trung Quốc, một vài người phương Tây và nhiều người Triều Tiên. Một phút sau, buổi biểu diễn bắt đầu, kéo dài trong một giờ rưỡi. Các em vui vẻ trình diễn những tiết mục yêu nước và cách mạng. Tấm vải làm phông mô tả những công trình lớn của thủ đô Triều Tiên và những bức họa liên quan đến chinh phục không gian, trong đó có vẽ tàu không gian mang cờ Triều Tiên. Bọn trẻ rất có năng khiếu, hoặc ít ra thì chúng cũng luyện tập rất nhiều.

Rồi chúng tôi tới Khải Hoàn Môn. Khải Hoàn Môn của Bình Nhưỡng có vẻ giống Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp) về hình dáng bên ngoài, chỉ có kiến trúc của nó hiện đại và cao hơn ở Paris chừng 2-3m. Những tác phẩm điêu khắc cách mạng được tạc bên các sườn, và lời của bản nhạc ca ngợi Chủ tịch Kim Nhật Thành được khắc trên đỉnh. Tôi đọc cho mọi người nghe một đoạn: "Dù bão tuyết từ bình nguyên Mãn Châu, đêm dài trong rừng rậm, ai là người du kích vô song trong lịch sử! Ôi tướng quân của chúng ta, tên người quí mến, ôi tướng quân Kim Nhật Thành, sáng chói tên người". Hai con số 1925-1945 được khắc gần trên đỉnh, liên quan đến những thời khắc đánh dấu sự dấn thân của Chủ tịch Kim Nhật Thành trong kháng chiến chống Nhật và giải phóng đất nước. Khu vực Khải Hoàn Môn ở Bình Nhưỡng không nườm nượp xe cộ như ở Paris.

Hai người đàn ông Ý

Màn đêm nhanh chóng buông xuống ở thủ đô với hơn 2 triệu dân. Tôi đi hát karaoke cùng ông người Hà Lan và anh Li. Tôi hát một bài theo yêu cầu của cô phục vụ, những người Triều Tiên ngồi ở bàn đã nhiệt liệt vỗ tay, và tôi nhận thấy có hai người phương Tây trong số họ. Do họ mời nên tôi lại ngồi cùng họ.

Đây là hai người đàn ông Ý chừng 50 tuổi mà ban đầu tôi nghĩ là những khách du lịch. Tôi nhận ra hai người đàn ông Ý có đeo huy hiệu. Không phải là loại huy hiệu mà khách du lịch có thể mua có hình cờ Triều Tiên hay những tượng đài cách mạng. Ông ta đeo huy hiệu dành cho người Triều Tiên, có hình chân dung của hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Hóa ra hai ông người Ý này là những kỹ thuật viên làm việc ở Bình Nhưỡng.

Tôi nghe có chừng 200 người phương Tây sống ở Bình Nhưỡng, và tôi gặp hai trong số đó. Hai ông này có vẻ thấy rất thoải mái khi làm việc ở Triều Tiên. Ông có ria mép kể tôi nghe rằng ông ta đến từ vùng Bologne đến Bình Nhưỡng làm việc trong một nhà máy sản xuất thiết bị xe hơi của Ý. "Bình Nhưỡng là một thành phố dễ chịu", ông ta thì thầm với tôi. Người đàn ông Ý còn lại kể rằng điều kiện làm việc và sống ở Bình Nhưỡng rất tốt. Hồi mới đến nhà máy ông ta thấy rằng không thể làm gì được, cái gì cũng thiếu, ban đầu anh ta phải cho nhập một container từ Singapore toàn dụng cụ lao động đơn giản nhất. Sau đó tình hình khác đi.

Số tới là chuyến du hành về Keasong, thành phố sát biên giới với Hàn Quốc. Nông thôn hiện ra.
 
Kỳ 5: Những sắc màu ở Kaesong

Kỳ 5: Những sắc màu ở Kaesong

TT - Chúng tôi rời Bình Nhưỡng lúc màn đêm buông xuống nên không thể thấy gì trên con đường nối thủ đô với Kaesong, thành phố gần biên giới với Hàn Quốc. Tuyến cao tốc này không được chiếu sáng, đèn pha của chiếc minibus quét trong màn đêm.

Một đêm đầy sao

Chúng tôi trải qua hai hay ba trạm gác quân sự trên đường. Chúng tôi không gặp chiếc xe nào trên đường cả. Trên đường đi, anh Kim và anh Li thay phiên nhau trả lời những thắc mắc của tôi liên quan đến đời tư của họ cũng như cuộc sống thường nhật của người dân Triều Tiên. Li mơ ước trở thành nhà ngoại giao ở châu Âu, Kim thì lại muốn trở thành doanh nhân. Tôi hơi tò mò muốn biết từ doanh nhân có nghĩa như thế nào ở đất nước này, theo lời Kim là trở thành công chức của Bộ Ngoại thương!

Sau hàng loạt câu hỏi, tôi lấy máy MP3 ra để nghe Vivaldi và vài bài hát tiếng Hoa. Cái máy này thu hút được sự tò mò của Kim và thế là tôi đưa tai nghe cho anh. Tôi giới thiệu cho anh những bài nhạc có trong máy, ví như rất nhiều nhạc cổ điển, những bài hát Trung Quốc hiện đại và những bài hành khúc Triều Tiên (tôi mê món này). Thật ngạc nhiên là anh không chọn nhạc hành khúc mà lại hỏi tôi có nhạc tiếng Anh không. Tôi không thích nhạc phương Tây, nên không có gì để giới thiệu với anh, anh hơi thất vọng vì tôi không có nhạc Michael Jackson. Kim không gọi đó là nhạc Mỹ mà là "nhạc Anh ngữ".

Sau hai giờ rưỡi đi đường, chúng tôi tới Kaesong và nghỉ đêm ở khách sạn Folk. Một khu rất đúng kiểu Triều Tiên truyền thống, được xây để đón khách du lịch nước ngoài. Chúng tôi trú trong những gian nhà cổ, ngủ ngay trên sàn nhà. Về bữa ăn tối thì quả là tuyệt trần. Từ nay tôi xếp đồ ăn Triều Tiên vào những món ngon tuyệt mà tôi ưa thích, trong khi trước đó nó chỉ xếp hàng sau cùng trong gu ẩm thực của tôi.


Nông thôn ở Kaesong không phải là sự trù phú, nhưng người dân không hề đói khát như trong những bức ảnh thường đăng trên báo chí phương Tây


Là thành phố nhỏ nên Kaesong được cung cấp điện chập chờn, cúp điện diễn ra liên tục, đôi khi chúng tôi thấy tối mịt. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao những bức ảnh vệ tinh chụp buổi đêm vùng Đông Bắc Á lại xuất hiện một vùng tối mờ giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sáng rực. Trước khi đi ngủ, tôi nhìn lên bầu trời để chiêm ngưỡng một đêm đầy sao. Thời buổi này đúng là khó mà ngắm nhìn sao trời ở đô thị. Không khí tại Kaesong rất dễ chịu.

Ngạc nhiên hơn mong đợi

Vì không khí dễ chịu đó mà tôi cứ lâng lâng mãi đến khuya mới đi ngủ được. Hôm sau, tôi bị đánh thức dậy vào 5g sáng bởi những bản hành khúc vui vẻ. Tôi là người rất nghiện thể loại nhạc này nên không mấy bực mình vì bị thức giấc quá sớm, ngay cả khi thấy hơi khó chịu một bên mắt.

Bữa ăn sáng vội vã, chúng tôi ra chỗ đậu minibus và đương nhiên là gặp hai anh Kim và Li đáng mến. Cô cảnh sát điều khiển giao thông ở đường mặc bộ đồng phục màu trắng, khác với những đồng nghiệp Bình Nhưỡng mặc toàn màu xanh lơ. Anh Kim giải thích màu trắng là đồng phục mùa hè và xanh là mùa đông. Các cô làm việc thật nghiêm trang và chăm chỉ.


Ở Kaesong cũng như ở Bình Nhưỡng, những nữ cảnh sát giao thông làm việc thật nghiêm trang và chăm chỉ trên đường phố

Kaesong chỉ ít nhiều bị chiến tranh trước đây tàn phá và một số công trình cổ vẫn còn tồn tại. Khách sạn nơi chúng tôi trú thật sự là một kỳ quan kiến trúc. Đường phố Kaesong cũng có màu sắc hơn, khẩu hiệu cổ động cũng ít hơn ở Bình Nhưỡng. Tôi đã bị kích thích bởi ý tưởng đi trên các con đường của thành phố này mà tôi đã từng được quan sát một năm trước đó bằng ống nhòm tầm xa, từ một trạm quan sát của Mỹ phía bên kia biên giới (thuộc Hàn Quốc), chỉ cách đó một vài kilômet. Sau này, tôi được biết Kaesong là một địa chỉ tham quan thú vị với du khách nước ngoài vì cảnh sắc dễ chịu ở đây.

Chúng tôi nhanh chóng rời thành phố để đi về nông thôn. Với sự bồn chồn, tôi chờ đợi được khám phá thôn quê Bắc Triều Tiên mà báo chí phương Tây luôn mô tả như một bức tranh kinh khủng. Ngạc nhiên hơn cả mong đợi của tôi! Cảnh sắc thật điền viên. Đó là thời điểm mùa thu hoạch và đồng quê đầy nông dân đang làm việc.

Nông thôn ở đây không phải là sự trù phú, nhưng người dân không hề đói khát như trong những bức ảnh thường đăng trên báo chí phương Tây. Trái lại, cảnh sắc đồng quê ở đây là một trong những cảnh đẹp nhất tôi thấy trên thế giới. Một vài xe cộ mà chúng tôi gặp trên đường hoàn toàn có thể phục vụ việc tái hiện thời Đệ nhị thế chiến. Những con đường nhỏ và những lối mòn phủ đầy màu sắc của hoa (không phải là hoa kimilsungnia và kimjongilias), binh lính tản bộ từ xóm này sang xóm khác.

Những tấm chân dung lớn của hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il có ở một số ngã ba đường. Thật tiếc là tôi hầu như không chụp được ảnh nào ở nông thôn vì lý do tình trạng đường xấu và rung giật trên xe. Hơn nữa, hai anh hướng dẫn viên còn ra dấu cho tôi không nên chụp ảnh nông dân hay binh sĩ.

Ngay giữa cảnh sắc quyến rũ của những ngọn đồi, chúng tôi dừng lại nơi khu lăng mộ hoàng gia cổ xây dựng từ những năm đầu thiên niên kỷ thứ 2 còn được lưu giữ nguyên vẹn, đó là khu mộ Kongmin, vua xứ Koryo. Một vài người bán hàng lưu niệm cho những người khách du lịch hiếm hoi. Hiểu rằng có thể tôi sẽ không còn có cơ hội mua đồ lưu niệm ở đây, tôi mua những bức tranh trên lụa rất dễ thương vẽ thiếu nữ Triều Tiên mặc váy truyền thống. Họ quá quyến rũ.

Từ CHDCND Triều Tiên, vượt qua biên giới "vô hình" ở Bàn Môn Điếm. Ở đó vẫn có nụ cười.
 
Kỳ 6: Trò chuyện ở Bàn Môn Điếm

Kỳ 6: Trò chuyện ở Bàn Môn Điếm

TT - Chúng tôi đi đến giới tuyến Bắc - Nam Triều Tiên. Đập vào mắt là những ngọn đồi. Dù phía trên đỉnh rực rỡ sắc màu thì phía dưới luôn là những công trình bằng bêtông


Toàn cảnh khu Bàn Môn Điếm nhìn từ phía CHDCND Triều Tiên- Ảnh: Stephen Codrington


Dọc theo quốc lộ, có thể nhìn thấy hàng loạt tảng bêtông cao khoảng hơn chục mét xếp san sát, sẽ được nổ mìn khi xảy ra chiến sự để làm tắc nghẽn đường sá.

Vượt biên giới "vô hình"

Chúng tôi dừng lại ở một trạm kiểm soát trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, thế là vào khu vực phi quân sự. Sau khi giấy tờ được kiểm tra kỹ càng, chúng tôi qua một cái hiên. Hai anh bộ đội lên xe để "bảo đảm an ninh cho đoàn". Có một anh làm công tác hướng dẫn viên, anh này nói được một ít tiếng Trung nên tôi có thể nói chuyện trực tiếp với anh. Trước khi đến đây, tôi nghĩ là sẽ có một chuyến đi quan sát chứ không có nói chuyện gì ở nơi được xem là một trong những khu vực căng thẳng nhất thế giới này. Nhưng tôi đã có những cuộc trò chuyện thú vị ở đây.

Khu vực phi quân sự liên Triều có chiều rộng chừng 4km cho mỗi bên đường giới tuyến, kéo dài từ đông sang tây bán đảo Triều Tiên. Khi tôi đến Hàn Quốc một năm trước, khu vực phi quân sự thuộc Hàn Quốc nhìn thật là khô khan và hoàn toàn dùng cho các công trình quân sự, không có dấu hiệu gì của đời sống dân sự. Nên tôi cho rằng những khu vực thuộc vùng giới tuyến của Bắc Triều Tiên cũng được quân sự hóa như bên Hàn Quốc. Tuy nhiên đó chỉ là một lầm tưởng!

Trước tiên chúng tôi thăm một gian phòng nhỏ, nơi đã từng ký kết hiệp định đình chiến, và đã tranh luận khá lâu với anh bộ đội dẫn chúng tôi đi tham quan, dĩ nhiên có mặt hai anh Kim và Li. Đối thoại về chủ đề thời sự quốc tế, về Bush "con". Rồi họ hỏi chúng tôi về cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Dĩ nhiên người Triều Tiên theo dõi kỹ hồ sơ này. Anh bộ đội đi cùng quả là dễ chịu.

Một lúc sau, chúng tôi đi tới sát biên giới, một khu nhà xây dựng trên cả đất Bắc lẫn Nam, với một vài tòa nhà trung tâm được lắp ghép ngay trên nền phân giới màu trắng. Anh hướng dẫn cho phép chúng tôi chụp ảnh thỏa thích các tòa nhà cũng như binh lính. Đúng là khó tin vì ở phía Hàn Quốc, chụp ảnh bị cấm tiệt trong phạm vi nhiều kilômet.

Chúng tôi đi vào tòa nhà lắp ghép, đi một vòng quanh cái bàn tròn, nhiều lần vượt qua biên giới "vô hình" và chúng tôi tiến sang đất Hàn Quốc trong một hay hai phút. Những người du lịch đến từ miền Nam cũng làm chính xác nghi lễ này nhưng theo ý chiều ngược lại. Đến nay thì hai miền Triều Tiên đã đồng ý về việc cho phép các đoàn khách tham quan của miền Nam và miền Bắc được qua lại vùng giới tuyến này, một điều mà người ta không dám nghĩ tới trước đây. Bây giờ đã có nhiều người Hàn Quốc được du lịch núi Kim Cương và Khu công nghiệp Kaesong.

Bắc và Nam

Khi ra khỏi tòa nhà đó, chúng tôi chụp khá nhiều ảnh lính biên phòng. Những người lính ngày ngày đối mặt nhau, cách chừng vài mét mà lại không bao giờ nói chuyện hay trao với nhau dù chỉ một cái nhìn. Tôi thật sự muốn đọc ý nghĩ trong đầu của những người lính Triều Tiên đang đối mặt nhau, cách đường phân giới có thể bước một vài bước chân sang phía bên kia.



Lính hai miền Triều Tiên giáp mặt nhau hằng ngày tại Bàn Môn Điếm, chỉ cách nhau đường phân giới. Lính Hàn Quốc bên kia đang nhìn chúng tôi bằng ống nhòm -Ảnh: Stephen Codrington

Chúng tôi đứng cách đường ranh giới màu trắng chỉ bảy hay tám mét, bên kia những người lính Hàn Quốc nhìn chúng tôi một cách chăm chú qua ống nhòm. Chúng tôi đi tới một trạm quan sát của miền Bắc nằm trong vùng phi quân sự cách đó không xa. Một anh sĩ quan khác đón chúng tôi ở đó. Anh này trông rất dễ thương, vui tính và tươi cười.

Anh chỉ dẫn chúng tôi quan sát khu phi quân sự bằng ống nhòm, chúng tôi nhìn thấy rất rõ những trạm quan sát của Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc nằm ở bờ phía nam đường giới tuyến. Anh sĩ quan nói với chúng tôi là phía Hàn Quốc bố trí cả vũ khí trong các trạm quan sát, và điều này "vi phạm trắng trợn" các công ước. Dĩ nhiên, anh quả quyết rằng miền Bắc không làm điều đó và rất tuân thủ luật quốc tế. Chúng tôi dễ dàng nhìn thấy bức tường bằng bêtông do Mỹ và Hàn Quốc dựng lên nhằm "ngăn chặn sự xâm chiếm" của miền Bắc. Quả thật là khi tôi đi thăm vùng phi quân sự thuộc Hàn Quốc thì không được phép nhìn thấy bức tường này.

Vào tầm giữa trưa, loa phát thanh Hàn Quốc phát nhạc. Do không hiểu tiếng Triều nên tôi nhờ Kim dịch lời. Một phút sau anh nói rằng lời bài hát không thật rõ và anh tin là nó liên quan đến chính trị. Tôi hỏi liệu phía miền Bắc cũng làm điều tương tự như vậy không, các anh cam đoan với tôi là không, nhưng lần này trong đầu tôi hiện rất rõ những cột phát thanh khổng lồ của miền Bắc mà tôi đã nhìn thấy từ miền Nam. Tôi cũng nhớ những điều mà người Hàn Quốc nói với tôi cách đây một năm là cả hai miền vẫn đều đặn chĩa loa phát thanh sang phía đối phương.

Tôi nói về đường hầm mà tôi đã từng tham quan ở Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc đã khám phá bốn đường hầm mà họ ước tính mỗi giờ có thể chuyển hàng nghìn lính miền Bắc vào miền Nam. Người ta ước tính còn khoảng 20 đường hầm nữa chưa được tìm ra. Anh sĩ quan khẳng định với tôi rằng những đường hầm này được đào trong chiến tranh, trong khi ở Hàn Quốc người ta nói những đường hầm này được xây dựng sau chiến tranh.

Rồi cũng đến lúc nói chào tạm biệt. Tôi tặng viên sĩ quan những điếu thuốc lá Trung Quốc, dĩ nhiên là anh thích và anh cũng không từ chối những điếu thuốc nhãn hiệu Hoa Kỳ mà những người trong đoàn tặng.

Có một con sông là đường biên giới giữa CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Ở đó, có nhiều người CHDCND Triều Tiên làm ăn sinh sống.
 
Kỳ 7: Dòng sông biên giới

Kỳ 7: Dòng sông biên giới

TT - Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến CHDCND Triều Tiên, lòng tôi chợt trào lên nỗi nhớ về những kỷ niệm. Đó cũng là lý do cho chuyến đi của tôi trở lại Bắc Triều Tiên vào năm 2005.

Trong chuyến đi đó, tôi thăm lại một số nơi cũ mà tôi đã đi qua lần đầu. Cảm xúc mỗi lần một khác, dù những nơi chốn đó không có gì thay đổi là mấy.

Đan Đông


Vào cuối năm 2005, trên đường từ Siberia trở về Trung Quốc, tôi dừng chân ở Thẩm Dương, và bằng mọi giá tìm đến ghé chơi Đan Đông, thành phố biên giới của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên.


Cây cầu nối thành phố Đan Đông (Trung Quốc) và Sinuiju (CHDCND Triều Tiên) với một nửa bị đánh sập trong chiến tranh - Ảnh: Dominique Garret

Có hai lý do: thứ nhất là được thấy lại Bắc Triều Tiên gần nhất có thể, thứ hai là có thể mua sắm những thứ không có bán ở Triều Tiên. Dù mệt mỏi và đến Đan Đông muộn, tôi vẫn không thể cưỡng lại ý muốn đi dạo trên bờ sông Áp Lục. Bầu trời ở Đan Đông còn chưa tối, nhưng vẫn không thể thấy được những gì phía bên kia bờ sông, tức là phía bên đất Bắc Triều Tiên.

Tôi luôn mơ ước mua được loại huy hiệu mà đảng viên Đảng Lao động Triều Tiên vẫn đeo, có khắc hình chủ tịch Kim Nhật Thành, hay những chiếc áo T-shirt và những vật dụng có hình ảnh Bắc Triều Tiên khác.

Mặc dù đã muộn, nhưng tôi vẫn gặp một người phụ nữ đứng tuổi đang dọn hàng bên sông Áp Lục. Tôi đã mua được ba chiếc huy hiệu: chiếc cổ nhất có hình vị chủ tịch Kim Nhật Thành lúc 60 tuổi, một chiếc lúc ông có vẻ trẻ hơn và một chiếc có hình Chủ tịch Kim Jong Il.

Chắc hẳn là đồ copy, vì những chiếc huy hiệu loại này hoàn toàn không được phép bán ở Bắc Triều Tiên. Sáng hôm sau tôi quay lại chỗ hôm trước, cuối cùng thì tôi cũng có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc phía bên kia dòng Áp Lục đang trong tầm mắt.

Thành phố Sinuiju (Tân Nghĩa Châu) của Triều Tiên vốn gần Đan Đông nhưng nó hơi lùi vào một tí so với dòng sông, nên tất cả những gì mà người ta có thể thấy đó là một vài ống khói nhà máy, những con tàu cũ kỹ và một vài tòa nhà.

Gần mà xa

Cũng như các khách du lịch khác, tôi lên một chiếc thuyền nhỏ có động cơ để làm một vòng dòng sông trong khoảng nửa giờ. Tôi không chờ đợi một điều gì đó lớn lao trong chuyến đi đến Đan Đông, ngoại trừ có thể nhìn rõ hơn bờ sông phía Triều Tiên.

Lúc lên thuyền, người ta mời tôi thuê một ống nhòm với giá 10 nhân dân tệ để có thể ngắm "các nữ binh sĩ Triều Tiên xinh đẹp".

Chúng tôi lướt dưới cây cầu mà nửa bên phía Triều Tiên đã bị bom Mỹ phá hủy năm 1950, rồi chúng tôi tiến lại phía bờ sông bên Triều Tiên.

Có những lúc chúng tôi thật sự đã tới rất gần, chỉ cách bờ khoảng 10m, nhìn rõ mọi thứ, thậm chí có thể nói chuyện với những người trên bờ sông nếu cả hai bên nói cùng một ngôn ngữ. Những đứa trẻ thân thiện vẫy tay nói cúc cu chào tôi, dĩ nhiên chúng nhận ra tôi không phải là người Trung Quốc. Chủ thuyền tỏ ra khá phấn khích khi chỉ cho tôi các nữ quân nhân Triều Tiên.

Bờ sông phía Triều Tiên thật hoang vắng, mấy chiếc xuồng hoen gỉ trôi nổi, có vài chiếc vẫn chạy ngược xuôi. Các thủy thủ trên những con tàu Triều Tiên làm như không để ý đến chúng tôi dù chỉ cách 3 hay 4m. Cũng không có gì làm lạ vì họ vẫn thường thấy có những chuyến du lịch ở khu vực này.

Trên bờ, tôi thấy một tấm băngrôn màu đỏ và trắng, đặc trưng cho kiểu khẩu hiệu chính trị ở Bắc Triều Tiên. Ở khu vực đó, tôi thấy có một số lượng đáng kể người lao động đang hối hả làm việc.

Con thuyền quay trở lại phía bờ Trung Quốc và tôi thử chụp ảnh một anh lính. Anh lính đang chăm chú quan sát tôi. Thế là tôi chào anh ta theo kiểu nhà binh và anh ta cũng đáp lại y chang và mỉm cười. Những người lính Triều Tiên luôn luôn dễ mến như vậy đó.

Giờ ăn đã đến, tôi không mấy khó khăn để tìm đến một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở đất Trung Quốc. Một lá cờ xanh trắng với ngôi sao đỏ ở giữa là dấu hiệu giúp tôi nhận ra nhà hàng Triều Tiên ở đây.


Trong một nhà hàng Triều Tiên ở Đan Đông với các tiếp viên đeo huy hiệu có hình cờ CHDCND Triều Tiên trên ngực áo - Ảnh: Dominique Garret

Một cô gái Triều Tiên xinh xắn trong bộ áo truyền thống tươi cười chào đón tôi. Bên trong nhà hàng, tất cả các nữ tiếp viên đều mang huy hiệu có cờ Bắc Triều Tiên, trong khi màn ảnh vô tuyến đang phát kênh tiếng Triều Tiên.

Mấy cô này đều đến từ Bình Nhưỡng và chỉ đến Trung Quốc mới có một năm, sẽ ở lại đây ba năm, rồi quay về nhà sau khi kiếm được kha khá tiền. Khi được hỏi là họ thích Bình Nhưỡng hay Đan Đông hơn, các cô đều trả lời không do dự là thích Bình Nhưỡng hơn, vì "chúng tôi không phải người Trung Quốc, đây không phải là quê hương chúng tôi".

Về sau, khi tìm hiểu, tôi biết người Bắc Triều Tiên cư trú khá đông ở Đan Đông, hợp pháp cũng như bất hợp pháp.

Thượng Hải

Một buổi tối, ở Thượng Hải (Trung Quốc), tôi đi ăn tối tại nhà hàng Triều Tiên có tên Bình Nhưỡng cùng với một người bạn Pháp. Bước chân vào cửa, tôi bị thu hút bởi ở chính diện của nhà hàng có một tấm ảnh rất lớn núi Paektu (Bạch Đầu sơn) biểu tượng của Bắc Triều Tiên và một vài bức tranh lụa truyền thống treo trên cột. Một tiếp viên hỏi tôi từ đâu tới, tôi trả lời và hỏi lại cô ta câu hỏi đó. "Từ Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên ", cô ta đáp bằng tiếng Trung không chuẩn lắm.

Các cô tiếp viên nói rằng đã đến Thượng Hải được một năm và sẽ ở lại đây trong ba năm, như mấy cô ở Đan Đông. Chẳng lẽ năm ngoái Chính phủ Bắc Triều Tiên có chính sách gửi người ra nước ngoài làm việc với thời hạn ba năm chăng?

Chúng tôi chọn món ăn và chú ý một hàng lời dạy của chủ tịch Kim Nhật Thành ngay trang đầu cuốn thực đơn. Món ăn quả thật là ngon, ngon hơn nhiều nhà hàng Triều Tiên mà tôi đã ăn ở Thượng Hải.

Tôi đặc biệt thích món xúp cá, rất giống món xúp cá của Pháp. Đến lúc chuyển sang đeo mấy cái huy hiệu mà tôi đã mua hôm ở Đan Đông. Hai thằng Pháp chúng tôi đeo huy hiệu chủ tịch Kim Nhật Thành lên ngực. Hiệu quả tức thì, các cô tiếp viên tiến đến gần nhìn chúng tôi và cười trìu mến.

Một góc nhỏ của Triều Tiên ở Thượng Hải, tuy xa đất mẹ nhưng lại thật gần nhà tôi. Không nghi ngờ gì tôi lại sẽ đặt chân đến, không chỉ vì không khí ở đó. Và mai này, không nghi ngờ gì tôi sẽ lại đặt chân đến Bắc Triều Tiên, không chỉ vì tò mò như chuyến đi đầu tiên khá đặc biệt.
 
Last edited:
2003 bắc Triều tiên vẫn nghèo thật,
Cuối năm 2004, em đã có dịp làm việc với đại sứ bắc Triều tiên thì được biết: Nhân viên đại sứ vẫn buôn hàng sâm xách tay sang Việt nam và đi lại ở Việt nam bằng xe ôm. Nghèo thật.
 
bài này bạn lấy trên tuổi trẻ phải hông
mình cũng lưu 1 bản để dành
bắc triều tiên nghèo thật trong khi nam hàn thì đứng thứ 12 trên thế giới
vừa rồi mình cũng muốn sang bắc hàn một chuyến nhưng nghe nói không đảm bảo
mình đi đến đâu cũng có người đi theo chắc họ sợ gián điệp
nhưng người bắc hàn quý việt nam nên người việt đi không sợ
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,001
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top