What's new

Nhật Bản - Ngọt & Đắng

Sở dĩ đặt tên topic là "Ngọt & Đắng" vì mình không chỉ muốn đề cập đến những điều tuyệt vời trong hành trình du lịch (cảnh đẹp, đồ ăn ngon, con người thân thiện, văn hóa đặc sắc) mà còn muốn ghi chép lại những suy nghĩ và cảm nhận cá nhân về muôn mặt của xã hội Nhật. Đối với mình, Nhật cũng giống như chocolate matcha vậy, ngọt và đắng, nhưng rất thanh. Đã ăn một lần, thì sẽ ăn mãi. Đã đến Nhật một lần, thì sẽ luôn khắc khoải muốn quay trở lại.

Mình viết với một mục đích rất nghiêm túc là để cải thiện trình độ viết nên rất mong nhận được góp ý của các bạn về nội dung, ngôn ngữ, cách diễn đạt, v.v. Mình rất thích đọc comment nên các bạn cứ comment thoải mái (BB)

Mục lục

Những nơi mình dự định sẽ viết:
  • Chuyến đi lễ hội tuyết Hokkaido (Yuki Matsuri): Sapporo & Noboribetsu
  • Học hỏi về tinh thần người Nhật ở Miyazaki
  • Chuyến đi 7 ngày ở Kyushu: Kagoshima, Nagasaki, Kumamoto, Fukuoka
  • Chuyến đi 9 ngày lượn một vòng Osaka, Kyoto, Kobe, Hiroshima, Tokyo
  • Tuần lễ vàng ở Tsu-shi (Mie)
  • Thử sức với sứ giả thần chết "cá nóc" ở Himakajima (Aichi)
  • Đi trượt tuyết ở Nagano

Mình ở Nhật hẳn một năm nên viết dựa vào kinh nghiệm và tìm hiểu của bản thân. Những thông tin về JR Pass hay visa thì mình không rõ, nên mình chỉ có thể giúp cho các bạn ở việc lựa chọn địa điểm đi, ăn gì, ở đâu mà thôi. Nếu có câu hỏi về bài viết hay những nơi mình đã đi thì các bạn cứ comment (c)

Mình thường chỉ lên những quyết định bao quát, ví dụ như hôm nay ở Tokyo, ở nhà nghỉ ABC, còn đi đâu, làm gì, với ai trong ngày cụ thể thì ... "hên xui" :D Những thông tin bạn sẽ đọc về các địa điểm là do mình tìm hiểu trong chuyến đi hoặc sau chuyến đi, còn những quan sát, nhận xét, và câu chuyện bên lề là dựa vào trí nhớ của bản thân.
 
Last edited:
So với Kanto (Tokyo/Yokohama) hay Kansai (Osaka/Kyoto) thì Chubu (theo vị trí địa lý là trung tâm của nước Nhật) không thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Chính vì thế, các cơ quan chính phủ tại Chubu đang đẩy mạnh việc cải thiện và quảng bá du lịch. Họ tổ chức nhiều chuyến du lịch miễn phí cho người nước ngoài tại Nhật để thu nhận những ý kiến đánh giá từ khách du lịch, qua đó xác định những điểm mạnh điểm yếu cần khắc phục tại địa phương. Đây cũng là dịp quảng bá du lịch Chubu, thông qua việc yêu cầu người tham gia đưa hình ảnh trong chuyến đi lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Sina. Một cách may mắn thì tôi được tham gia ba chuyến đi như thế này trong thời gian ở Nhật Bản, đắt đầu từ chuyến đi đến Mie.

Theo hành trình, tôi đến trung tâm thành phố Nagoya để gặp đoàn. Vừa đến nơi đã thấy đa phần bạn đồng hành là người Trung Quốc. Các bạn có thể quen nhau từ trước, hoặc do cùng ngôn ngữ nên họ nhanh chóng tụ tập rối rít, còn tôi thì đứng một góc nhìn mọi người. Trong phúc chốc, tôi cảm giác hơi đơn độc. Dù sao cũng là một hành trình hai ngày, nếu có bạn đi cùng thì tốt hơn, hay ít nhất là tìm được một người có thể giao tiếp cùng ngôn ngữ.

Một lúc sau, một bóng dáng quen thuộc xuất hiện. Đó là Ung-mook, cậu bạn người Hàn học chung chương trình tại trường. Cậu bạn rất giỏi tiếng Nhật, ngoại hình đặc sệt kiểu các “oppa” Hàn Quốc, tính cách đáng yêu – một người mà dù không cố tình chọc cười thì cũng có thể khiến bầu không khí thoải mái hẳn lên nhờ những cử chỉ điệu bộ nghịch ngợm của mình. Thế là tôi thở phào, “may quá, ít ra có người đi với mình”.

Sẵn tiện, tôi quay qua làm quen với người bên cạnh Ung-mook. Anh bạn vui vẻ làm quen: “Tôi tên là Chris, nhưng mọi người hay gọi tôi là Nobu”. Trò chuyện một lúc, thế là mặc định tôi, Ung-mook và Chris sẽ nhập thành nhóm trong chuyến đi. Dù sao chúng tôi chẳng quen ai khác.

Sau khoảng ba tiếng trên xe, chúng tôi dừng lại ở Bảo tàng Huyền thoại Biển tại thành phố Toba (Toba Sea-folk Museum). Bảo tàng được thành lập vào năm 1971 với mục đích duy trì và gìn giữ lịch sử và hoạt động kinh tế biển tại địa phương. Do đặc thù về vị trí địa lý nên văn hóa, kinh tế tại Toba và những nơi khác tại Mie gắn liền với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

cats.jpg

Một trong những phòng trưng bày nổi bật tại Bảo tàng là những chiếc thuyền gỗ được bảo quản trong phòng lạnh. Tại Nhật Bản, người ta tin rằng mỗi chiếc thuyền đều có một linh hồn riêng, gọi là funadama-san. Hiện tại, với tốc độ công nghiệp hóa, thì không chỉ riêng Nhật Bản, hầu như thuyền gỗ không còn được sử dụng trong đánh bắt thủy sản, nhưng người Nhật rất hay là họ vẫn có thể lưu giữ những hiện vật rất cẩn thận và đưa vào chương trình giáo dục để các thế hệ sau không quên đi tập quán truyền thống.

2.jpg

Điều thú vị nhất về Toba là các nữ thợ lặn chuyên nghiệp, Ama. Hình thức này đã tồn tại hơn 10,000 năm tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong một chuyến đánh bắt xa bờ, nam giới sẽ ở trên thuyền và chịu trách nhiệm về trang thiết bị trong khi phụ nữ lặn xuống biển để thu nhặt các loại hải sản, ngọc trai, rong biển. Mỗi lần lặn kéo dài khoảng một phút, và các nữ thợ lặn không sử dụng bình dưỡng khí. Họ phát triển một kỹ thuật thở đặc biệt gọi là Isobue (tiếng huýt gió biển) để tránh tổn thương phổi.

rr.jpg

Các Ama có tại khắp nơi tại Nhật Bản, tuy nhiên số lượng ngày càng giảm. Năm 1931, cả nước Nhật có 12426 Ama thì đến năm 2010 chỉ còn khoảng 2174. Số Ama hiện nay ở Mie là 1300.

Các Ama mặc đồ lặn, đeo kính bảo vệ mắt và mang một dải băng trên đầu với hai biểu tượng doman và seiman. Đây là hai biểu tượng bảo vệ các Ama khỏi những linh hồn tàn ác. Sau khi hoàn tất công việc của một ngày, các Ama sẽ quây quần tại một chòi nhỏ (Amagoya) để trò chuyện và nấu nướng một phần các loại hản sản thu nhặt trong ngày.

d.jpg

Khi nghe về Ama, tôi đã cực kỳ ngạc nhiên. Thông thường nam giới đảm nhiệm công việc nặng nhọc, tại sao ở đây phụ nữ phải đảm đương công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như các Ama? Khi đặt câu hỏi với nhân viên bảo tàng thì được giải thích nhiệm vụ của nam giới ở trên thuyền quan trọng không kém. Họ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn mỗi khi Ama lặn xuống biển. Nững thiết bị cần thiết trên thuyền khá nặng, dành cho sức đàn ông, trong khi phụ nữ, với sự khéo léo, có thể dễ dàng tìm được nhiều hải sản hay ngọc trai ẩn nấp dưới đáy biển.

e.jpg

Một số trưng bày khác tại bảo tàng​

Sau khi tham quan bảo tàng, chúng tôi được đưa đến một Amagoya (chòi của các Ama) dành cho khách du lịch gọi là Osatsu-kamado nằm sát bờ biển. Tại đây, những người phụ nữ trong trang phục Ama trực tiếp nướng các món hải sản và phục vụ khách du lịch. Lần đầu tiên tôi ăn hải sản với cơm, nhưng sự kết hợp này lại rất vừa miệng. Ở Nhật, cơm không khô rang như ở Việt Nam mà nó hơi dẻo và kết, tương tự như xôi vậy. Hải sản tươi còn đậm vị mằn mặn của biển, kết hợp cùng vị dẻo của cơm, và một chút vị chua của củ cải ngâm tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt.

4.jpg

Buổi chiều, chúng tôi được đưa đến khu du lịch kayaking tại Mie. Đối với tôi thì kayaking không quá xa lạ vì tôi đã kayaking một lần khi còn ở U.S., nhưng tôi đã khá ngạc nhiên khi biết ở Nhật cũng có hoạt động này. Nghĩ lại thì tôi thấy lời một người bạn sống lâu năm ở Nhật nhận xét cực kỳ chính xác:

Ở Nhật, đi làm thì bận rộn, nhưng muốn đi chơi, muốn phát triển sở thích thì quá dễ dàng. Muốn chụp hình thì mua máy, muốn hòa mình với thiên nhiên thì leo núi. Ở đây có đầy đủ phương tiện để đáp ứng cho nhu cầu giải trí đa dạng của họ. Chứ ở Việt Nam, hình thức giải trí đa phần là đi xem phim, đi ăn, uống cà phê, chấm hết!

Tôi thấy hơi ghen tị với các bạn Nhật. Giá kayaking ở Nhật không quá đắt đỏ so với các loại hình giải trí khác, chứ thử ở Việt Nam mà xem, chắc chắn đây chỉ dành cho giới thượng lưu.

Tôi với Ung-mook lạng choạng trên thuyền. Không khó để giữ thăng bằng nhưng rất khó để di chuyển thuyền theo định hướng. Động tác “chèo” không phải dung lực tay mà dựa vào hai bên cơ bụng. Loay hoay mãi hai đứa mới theo được hướng chung của đoàn. Mặt trời bắt đầu lặn, những mảng đỏ bắt đầu loang cả bầu trời, mặt nước tĩnh lặng, và bầu không khí vô cùng tĩnh lặng. Dường như ai cũng đang đắm trong cảnh hoàng hôn ngất trời. Một cảm giác yên bình đến kỳ lạ.

Sau khi kayak thì chúng tôi về khách sạn để nhận phòng và dùng bữa. Hầu hết mọi người ở phòng đôi, nhưng tôi và Nobu may mắn thế nào mà chỉ ở một mình, còn Ung-mook được xếp chung phòng với một bạn người Thái. Bốn chúng tôi hẹn nhau sau khi sắp xếp đồ đạc thì sẽ cùng nhau ăn tối.

Bữa tối buffet có đủ các món Nhật và Tây. Vừa ăn chúng tôi làm quen với người bạn Thái. Nói một hồi thì biết anh bạn được học bổng của chính phủ Nhật, thế là tôi đùa:

“Would you like to be our sugar-daddy?” (Cậu muốn làm đại gia của bọn tớ không? Tiếng Anh “sugar daddy” nghĩa là đại gia chu cấp cho chân dài, “sugar mommy” là các máy bay bà già)

Tôi và Ung-mook thống nhất gọi anh bạn mới này là “Sato”, vì “Sato” trong tiếng Nhật nghĩa là “đường” (“sugar”). “Sato” ban đầu phản đối, nhưng riết một hồi cũng chịu thua những màn chọc ghẹo không ngừng của tôi và Ung-mook.

Ngồi nói chuyện thế nào mà chủ đề chuyển thành “đồng tính”. Nobu nói rất tự nhiên “Tôi là người đồng tính” trong sự sửng sốt của Ung-mook. Tôi và Sato chỉ ngồi tủm tỉm cười, có lẽ đối với chúng tôi, đồng tính không phải là một vấn đề quá xa lạ. Thật ra, tôi cũng đã nhận ra trước đó, phần vì cách nói chuyện của Nobu, phần vì ngành học khá đặc biệt “giới tính tại Nhật Bản” của bạn. Có thể nói Nobu là một người đồng tính công khai.

Ung-mook bảo “Mình chưa biết người nào đồng tính cả”.

“Không phải cậu không quen ai đồng tính, mà chỉ vì người ta không nói cho cậu biết thôi!”, tôi nói.

Thật ra đồng tính ở Hàn là một vấn đề gì đấy khá cấm kỵ. Tại Hàn, các nhóm nhạc Hàn có thể giả gái, những thành viên trong một nhóm nhạc nam có phong unisex, người hâm mộ thì ghép các cặp đôi với nhau, v.v. Xã hội có vẻ thoải mái với LGBT. Nhưng thật ra, đây chỉ được xem là hình thức mà các thần tượng mua vui cho người hâm mộ (“fan-service”), nghĩa là họ xem đây là những trò tiêu khiển, không có thật. Thực tế, những người đồng tính chưa được công khai chấp nhận tại Hàn trong khi những người khác chưa hề suy nghĩ về vấn đề này vì bản thân họ không có dịp tiếp xúc với người đồng tính.

Ung-mook cũng vậy, bạn bất ngờ khi biết ngồi trước mặt mình là một người “đồng tính” bằng xương bằng thịt. Sau này khi nhắc lại chuyện Mie, Ung-mook mới thú thật với tôi là bạn hơi sợ, đó là lý do tại sao mà trong ngày thứ hai, bạn không thể nói chuyện với Nobu. Thật ra, tôi không hề trách bạn. “Kỳ thị” – nghe thì có vẻ xấu, nhưng chúng ta nên thừa nhận đây đã là một phần của bản năng sinh tồn. Thời nguyên sinh, chúng ta cần nhận biết đồng loại, ai giống mình, ai khác mình. Chính vì thế, thay vì chối bỏ, tìm cách gắn những từ ngữ tiêu cực cho “kỳ thị”, chi bằng ta thừa nhận đây là hiện tượng không thể mất đi, và tìm cách xây dựng cho mình thái độ khoan dung? Sự hốt hoảng của Ung-mok không xấu, điều bạn thiếu là những cơ hội để tiếp xúc với những gì không-giống-bạn mà thôi.

Sau khi ăn tối, tôi về phòng ngủ thiếp đi.
 
Last edited:
Mie (ngày 2)

Buổi sáng ngày tiếp theo, tôi tiếp tục hành trình với Ung-mook và Sato. Chúng tôi được đưa đến trại cá ngừ tại Mie. Đây thật sự là một cơ hội hiếm có vì các trại cá ngừ không đón khách du lịch, nhưng vì đây là chuyến đi do chính quyền địa phương tổ chức nên chúng tôi được phép vào tham quan.

Nói một chút về cá ngừ. Đây là một trong những loài cá được xếp vào nhóm siêu sát thủ đại dương. Chúng tiêu thụ hầu hết các loại động vật biển, chỉ có cá mập mako, cá heo sát thủ, và … con người chúng ta là những loài tiêu thụ cá ngừ mà thôi. Một con cá ngừ được thu hoạch thường nặng từ 100 đến 300kg.

80% lượng cá ngừ đánh bắt được tiêu thụ tại Nhật. Cá ngừ được người Nhật vô cùng yêu thích, được dùng trong sushi và sashimi. Một điều có thể làm nhiều người ngạc nhiên: Tập đoàn Mitsubishi là nhà nhập khẩu cá ngừ lớn nhất Nhật Bản. Nếu có điều kiện, các bạn có thể đến thăm chợ cá Tsukiji tại Tokyo để có thể tận mắt thấy những con cá ngừ khổng lồ và quy trình cá ngừ được điều chuyển và phân phối như thế nào.

Trước đây, cá ngừ được xem là loài động vật vô giá trị. Nhiều ngư dân còn cảm thấy phiền phức khi loài cá này thường xuyên mắc vào lưới khi họ săn bắt những loài động vật biển khác. Đến 1970, khi người Nhật nhận thức giá trị dinh dưỡng của cá ngừ, nhu cầu săn bắt loài cá này tăng đột biến. Các hiệp hội liên chính phủ được lập ra quy định sản lượng tối đa cá ngừ được đánh bắt hàng năm tại từng quốc gia để bảo vệ loại cá này trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, sản lượng săn bắt trong thực tế luôn vượt quá mức quy định.

Vì lý do trên, các trại nuôi cá ngừ được vận hành để giảm bớt lượng đánh bắt trong tự nhiên. Phương thức nuôi trồng chủ yếu là bắt cá ngừ con rồi nuôi chúng cho đến ngày thu hoạch, tuy nhiên phương thức này cũng không bớt giảm bớt sự nguy hại đến loài này, vì thực chất ngư dân cũng chỉ đánh bắt cá ngừ con từ biển. Phương thức mới — ấp trứng rồi nuôi lớn, giúp giảm sản lượng đánh bắt, tuy nhiên lại rất khó khăn. Đặc điểm của cá ngừ là tỉ lệ sống sót vô cùng ít ỏi: chỉ có 1 trong số 40 triệu trứng có cơ hội trưởng thành. Cho đến nay, chỉ có trường đại học Kinki là thành công trong việc nuôi cá ngừ từ trứng — gọi là “cá ngừ Kindai”. Rất nhiều nhà bảo vệ môi trường đánh giá cao cá ngừ Kindai vì cách nuôi trồng này giúp giảm bớt lượng săn bắt trong tự nhiên. Ngoài ra, do được uôi trong môi trường được kiểm soát chặt chẽ, cá ngừ Kindai “sạch” và ít nhiễm bệnh hơn cá ngừ trong tự nhiên. Tuy nhiên, sản lượng cá ngừ Kindai không nhiều do vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình nuôi trồng. Giá cá ngừ Kindai cao hơn 30% so với các loại cá ngừ khác, và người Nhật đánh giá cao tiêu chí “tự nhiên” nên hầu hết các nhà hàng vẫn tiêu thụ các loại cá ngừ nuôi trồng tại địa phương hay nhập khẩu từ các nơi khác.

Do vị trí địa lý gần biển nên Mie có khá nhiều trại nuôi trồng cá ngừ. Cá ngừ bơi rất nhanh và liên tục (chúng tiếp nhận oxy bằng cách bơi, nếu ngừng bơi chúng sẽ chết) nên các lồng cá ngừ được đặt trong lòng biển. Chúng tôi di chuyển ra các lồng cá trên những chiếc thuyền máy. Chúng tôi còn được bác chủ trại, một người vô cùng dễ chịu và nồng hậu, giới thiệu cặn kẽ về trại. Trời xanh, gió luồn qua tóc, tôi ngồi trên thuyền trong một cảm giác vô cùng dễ chịu.

r.jpg

Thức ăn chủ yếu của cá ngừ nuôi trồng là các loại tôm, mực, cá thu. Những loại động vật này được chuẩn bị trước, đưa vào máy và bắn xuống lòng biển. Cá ngừ không xuất hiện trên mặt biển, chỉ có những đợt sóng trắng (như hình) khi chúng tiến gần lên mặt nước để đớp thức ăn.

tr.jpg

Sau đó, chúng tôi đến một nhà hàng địa phương. Ngay trước nhà hàng là một chú cá ngừ to tướng vừa được bắt. Bữa trưa là bento với rất nhiều hải sản, đặc biệt là sashimi phần bụng mỡ ngon nhất của cá ngừ. Đừng tưởng ăn cá sống là tanh, sashimi ở đây cực kỳ ngon, mềm, rất thanh ngọt. Tôi, Ung-mook với Sato thì cực thích sashimi nên ba chúng tôi vừa ăn vừa cảm thán rất nhiều lần “sao mà hạnh phúc thế này!” Đến lúc chuẩn bị rời đi thì tôi phát hiện mấy bàn bên vẫn còn nhiều sashimi, lý do là vì nhiều người không ăn được cá sống. Lúc đó tôi tiếc đứt cả ruột, sashimi ngon như thế này mà nếu sau này muốn ăn lại thì chỉ có ra mấy nhà hàng cao cấp và phải trả tiền với cái giá cắt cổ. Ai yêu thích ẩm thực Nhật mà không thưởng thức được sashimi thật đúng là đáng tiếc.

y.jpg

Sau khi rời trại cá hồi, chúng tôi đến Ise-Jingu. Tôn giáo “thuần” Nhật là đạo Shinto, và Thần cung Ise (Ise-Jingu) được xem là “thánh địa”, nơi quan trọng nhất của Shinto. Ise-Jingu không phải là một đền, mà là tập hợp 125 đền tại Mie, trong đó, quan trọng nhất là “Geku” (Đền ngoài) và “Naiku” (Đền trong). Quần thể này rộng hơn 5,500 héc-ta và chiếm một phần năm diện tích tại thành phố Ise.

Cổng “Đền ngoài” rất lớn. Sau khi đi qua cổng này, những người thăm đền phải “rửa tay” và “súc miệng” như một hình thức “thanh tẩy” cơ thể trước khi vào chốn linh thiên. Hình thức này gọi là “Temizu”.

3.jpg

Gần cổng “Đền trong” là rất nhiều thùng sake nằm chồng lên nhau. Thường trên mỗi thùng sake sẽ ghi rõ tên địa phương, công ty đã gửi tặng đền. Hình thức này cũng giống như gửi các cổng đỏ ở các đền tại Kyoto.

Để đi vào đền, bạn sẽ đi trên một con đường lát đá, có một đường dẫn xuống một dòng sông nhỏ chảy róc rách. Không khí tại đền rất cổ kính và thanh bình. Xung quanh khu Ise-Jingu là một khu rừng nhỏ, có nhiều đường mòn. Nhiều người sẽ lần theo những con đường này để vào rừng tìm một khoảng lặng. Theo người Nhật, những khu rừng thiêng như thế này có thể giúp người ta bớt đi những lo toan, muộn phiền, và đau khổ.

yt.jpg

Cũng nằm trong khu Thần cung Ise là một con đường nhỏ mà sôi động, với rất nhiều cửa hàng bán hàng lưu niệm. Hầu hết các ngôi nhà vẫn giữ được kiến trúc truyền thống tại Nhật. Đây chính là nơi bắt nguồn cho văn hóa tặng quà khi đi du lịch xa cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của người Nhật. Thời xưa, Ise Jingu là đền linh thiêng nhất tại Nhật, nhưng vì điều kiện đi lại rất khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện để đến Ise Jingu. Mỗi làng thường góp tiền để cử một đại diện “hành hương” đến Ise Jingu. Khi người đại diện trở về, anh ta phải đem về vật chứng để trình diện làng, thường là một chiếc chén có khắc tên địa danh “Ise Jingu”. Ngoài ra, người đại diện còn phải đem những vật khác để chia sẽ cho dân làng như một hình thức cám ơn cộng đồng đã đóng góp cho hành trình. Vì thời gian đi về mất vài tuần, những người đại diện phải chọn quà theo tiêu chí nhỏ, nhẹ, nhiều để có thể chia cho tất cả mọi người — đây là hình thức tặng “omiyage” (quà lưu niệm). Chính vì thế khi đến bất cứ địa danh nào của Nhật, các bạn cũng sẽ thấy họ bán các loại bánh kẹo nhẹ, bao bì ghi rõ địa danh, mỗi chiếc bánh/chiếc kẹo dù nhỏ nhưng cũng được gọi trong bao bì riêng. Thậm chí sách đã viết, khi mua quà lưu niệm, người Nhật không cân nhắc liệu người nhận có thích món quà không, mà là anh ta có thể chia quà cho nhiều người hay không.

Ba chúng tôi lượn vòng trên con phố này và cuối cùng mua kem matcha. Riêng tôi thì mua thêm một gói tôm sấy cho các bạn ở cùng ký túc xá. Như đã kể ở trên thì bất kể người Nhật đi đâu, họ cũng đều mua quà cho bạn bè, đồng nghiệp; các bạn nữ ở ký túc xá tôi ở cũng vậy, thỉnh thoảng họ đi chơi hay đi về nhà thì đều mang bánh kẹo đặc sản địa phương và để trong phòng sinh hoạt chung để mời mọi người. Có thể nói chỉ một năm ở ký túc xá mà tôi có đã ăn rất nhiều đặc sản từ khắp mọi miền đất Nhật.

tg.jpg

Nếu nhớ bài trước tôi đã miêu tả Ung-mook là người có thể làm bừng sáng không khí chung quanh, chỉ cần nhìn dáng chụp hình của bạn ấy trong hình này chắc mọi người cũng đã hiểu.

Chúng tôi trở về Nagoya sau khi thăm quan Mie. Đối với tôi, Mie là một nơi thú vị. Từ văn hóa truyền thống, cho đến ẩm thực, hay các hoạt động du lịch thám hiểm, bạn đều có thể làm tất cả trong chuyến đi chưa đến 48 giờ. Nếu có một điểm trừ, thì tôi nghĩ là thông tin dành cho khách du lịch không nhiều. Từ bảo tàng Toba cho đến Thần cung Mie, các thông tin tiếng Anh vẫn chưa có nên sẽ rất khó khăn cho khách nước ngoài. Tuy nhiên, nếu có cơ hội có bạn đồng hành, bạn đừng nên bỏ qua Mie.
 
Last edited:
Bây giờ mời các bạn đến tham quan thành phố ở trung tâm nước Nhật (tính theo vị trí địa lý nhé) (BB)

Nagoya, thành phố lớn thứ 4 của Nhật Bản thuộc tỉnh Aichi thường không được xem là địa điểm du lịch hút khách, mà người ta thường nhớ đến khu vực này như quê nhà của tập đoàn Toyota hơn. Nghe những người bạn ở Nhật bảo cách đây vài năm khi Toyota còn ở thời kỳ cực thịnh vượng thì việc học tại Đại học Nagoya (xếp thứ 4 tại Nhật) rồi được nhận vào làm ở Toyota thì hoành tráng không kém gì học tại Đại học Tokyo. Thông tin du lịch Nagoya cũng không nhiều bằng những nơi khác, thế nhưng Nagoya cũng có những điểm thú vị độc đáo riêng rất đáng được khám phá.

Đầu tiên phải kể đến bảo tàng SCMAGLEV, là nơi trưng bày các mẫu shinkansen thuộc sự quản lý của công ty đường sắt Nhật Bản JR Chubu. Shinkansen là tàu siêu tốc, có thể đạt đến vận tốc 500km/h, là niềm tự hào của nền công nghiệp Nhật Bản. Ở Nhật, nếu những quãng đường tương đối ngắn (dưới 6h) thì người Nhật thường chuộng Shinkansen hơn là đi máy bay. Vì đi Shinkansen rất đơn giản, tiện lợi, cứ khoảng tầm 20-30 phút là có một chuyến, các trạm tàu lại ở trung tâm thành phố, ghế ngồi to và thoải mái, có ổ cắm điện và internet. Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa là từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, chưa hề có một tai nạn nào với Shinkansen, và yếu tố này được người Nhật đánh giá rất cao. Theo lời những người bạn tại Nhật thì nghề lái tàu Shinkansen thu nhập cao ngất ngưỡng, cứ như là phi công ấy, mà còn được nghỉ phép nhiều nữa.

Từ ga trung tâm Nagoya, bắt tuyến Aonami đến trạm cuối, đi bộ 5 phút sẽ đến bảo tàng. Lưu ý là tuyến Aonami không thuộc hệ thống subway do thành phố Nagoya quản lý nên phải mua vé riêng chứ không dùng thẻ ngày (day pass) được.

IMG_4587.JPG


Trên đường đến SCMAGLEV, ảnh chụp từ bên trong tàu Aonami



IMG_4557.JPG


Hai tàu Shinkansen thế hệ mới nhất


IMG_4560.JPG

Các thế hệ Shinkansen cũ hơn



IMG_4563.JPG


Tàu màu vàng được gọi là "Bác sĩ Shinkansen", chỉ được sử dụng trong việc sửa chữa bảo hành hệ thống Shinkansen. Do tàu này rất hiếm khi xuất hiện nên người Nhật cho rằng mỗi khi thấy được tàu này thì đó là niềm may. Không biết có bạn nào du lịch ở Nhật đã thấy bác sĩ Shinkansen chưa nhỉ


IMG_4577.JPG


Mô hình thu nhỏ trung tâm thành phố Nagoya



IMG_4586.JPG


Tạm biệt! Chụp từ trong tàu Aonami


Bảo tàng trưng bày các thế hệ tàu Shinkansen, việc nghiên cứu và phát triển hệ thống này, mô hình về hệ thống máy móc vận hành, thông tin an toàn, khu vui chơi cho trẻ con. Một nơi rất thú vị, đặc biệt cho những ai đam mê về máy móc công nghệ Nhật Bản ;)

Sau khi đi khu trưng bày thì mình quay lại trung tâm Nagoya và lên đường khám phá đặc sản "Hitsumabuchi" của Nagoya. Đây là món thịt lươn nướng ăn với cơm. Khi ăn phải theo tuần tự ba bước như sau: bước 1: ăn bình thường (lươn với cơm), bước 2: ăn với nguyên liệu, bước 3: ăn với nước sốt. Sau khi ăn theo 3 bước thì sẽ cảm nhận được hết 3 vị khác nhau của món ăn, từ đó chọn ra bước ăn mình thích nhất, và cứ thế mà chén thôi.

IMG_4592.JPG

Một set ăn đầy đủ. Món này bán khắp ở Nagoya, giá không chênh lệch nhau lắm (từ 1800 đến 3000Y). Dưới tầng hầm của ga Nagoya hay ga Meitetsu, ga Kintetsu bán món này rất nhiều. Nên đi ăn buổi trưa để có set ăn trưa giá rẻ hơn.


IMG_8817.JPG


Nhìn gần nè
 
Last edited:
Mình đã đặt vé đến Nagoya của Nhật, những chi tiết bạn viết về Nagoya thật quan trọng với mình. Chờ đợi bài tiếp theo của bạn :).
 
Mình đã đặt vé đến Nagoya của Nhật, những chi tiết bạn viết về Nagoya thật quan trọng với mình. Chờ đợi bài tiếp theo của bạn :).

Bạn ở Nagoya lâu không? Thích đi những nơi như thế nào? Mình đi Nagoya và mấy vùng xung quanh cũng nhiều, nên nếu bạn cho mình biết thời gian và những địa điểm bạn yêu thích (ngắm cảnh, ăn uống, truyền thống, Toyota?) thì mình có thể cung cấp thêm thông tin ^^
 
Các bài viết của bạn rất hay, rất bổ ích. Tiếc là ko nằm trong lịch trình mình định đi sắp tới :(. Bạn có bài về Nara, Himeji hoặc Hakone thì post sớm nha, cho mình tham khảo với (những nơi như Tokyo, Osaka thì ng ta viết quá nhiều rồi). Cám ơn bạn lắm!
 
Các bài viết của bạn rất hay, rất bổ ích. Tiếc là ko nằm trong lịch trình mình định đi sắp tới :(. Bạn có bài về Nara, Himeji hoặc Hakone thì post sớm nha, cho mình tham khảo với (những nơi như Tokyo, Osaka thì ng ta viết quá nhiều rồi). Cám ơn bạn lắm!

Híc, thật tiếc là mình chưa đi những nơi này T______T
Chúc bạn đi chơi vui vẻ nhé!!!
 
Nagoya (tiếp theo)

Ở bất kỳ thành phố nào ở Nhật đều có những khu mua sắm "chợ trời" ở khu trung tâm, kiểu chợ Bến Thành ở Sài Gòn ấy, thứ gì cũng mua được. Có điều là ở Nhật thì không có các quầy hàng chen chúc mà là các cửa hàng tầm nhỏ chen chúc nhau dày đặc trong một một vài con đường, và thường là hàng rẻ. Khu mua sắm ở Nagoya mang tên là Osu Kannon vì nằm gần một đền Phật thờ Kannon (Quan Âm). Toàn nước Nhật có 3 nơi thờ Kannon, và mình đã có dịp đi ở đền thờ này ở Nagoya và ở Tsu (Mie).

Osu Kannon ngày xưa là khu bán đồ điện tử như kiểu Akihabara nhưng bây giờ thì chỉ còn lác đác một hai cửa hàng điện tử, còn lại là bán quần áo, mỹ phẩm, thức ăn, pachinko (sòng bạc, máy chơi điện tử). Đây là nơi pha trộn giữa những nét hiện đại và truyền thống, những tòa nhà xây mới lấp lánh với những tòa nhà sập xệ cũ kỹ, nơi bạn có thể bắt gặp những nhân viên văn phòng tuổi tầm đầu 5 vẫn kiên nhẫn xếp hàng bắt tay với các em idol, đến những mốt thời trang mới nhất của các thiếu nữ Nhật Bản tung tăng trên đường.

IMG_4606.JPG


Trong một cửa hàng bán đồ truyền thống Nhật Bản


IMG_4609.JPG


Một cửa hàng bán đồ hand-made theo phong cách vintage. Cửa hàng này thì nằm trên tầng 2 của một tòa nhà khá sập xệ, mình thấy bảng tên nên tò mò lên xem thử. Ở Osu Kannon thì có khá nhiều tòa nhà cũ nằm lẫn giữa các cửa hàng mới xây, và có thể giữa các góc nhỏ đó có các cửa hàng thú vị, nếu có thời gian các bạn nên lục lọi, biết đâu sẽ tìm thấy nhiều điểm độc đáo.


IMG_4613.JPG


Nằm lọt thỏm giữa cửa hàng điện tử và cách pachinko vài bước là vẻ huyền bí, trầm buồng của ngôi mộ người anh trai của một vị samurai

156134_10151585461399408_1632096431_n.jpg


Bên trong


IMG_4614.JPG


Đối diện với khu mộ là cửa hàng điện tử nơi đang có sự kiện fan-sign với nhóm idol của Osu Kannon. Các bạn có biết AKB48 không? Ở Osu Kannon cũng có một nhóm idol như vậy đấy. Các em này theo phong cách "idol you can meet", nghĩa là hàng tuần trình diễn ở Osu Kannon, và fan mua CD/DVD thì sẽ có cơ hội bắt tay cùng các em.


Nhắc đến pachinko là nhắc đến Nagoya. Nagoya là thành phố nhiều pachinko nhất Nhật Bản. Tạm hiểu pachinko là sòng bạc, nhưng thay vì đánh với người, thì các bạn sẽ đánh với máy, đánh với các trò chơi điện tử. Không khí trong các pachinko thì cực kỳ ồn ào và nồng nặc mùi thuốc lá. Hầu hết người tham gia là nam giới, họ vào đây để giải tỏa căng thẳng sau khi làm việc, hay có khi chỉ để giết thời gian. Pachinko được xếp chung với hệ thống ăn chơi ở Nhật, như host club, message house, và du học sinh không được tham gia, không được làm thêm trong ngành công nghiệp này.


IMG_4616.JPG


Quả cầu được dựng bên hông một pachinko, là "thần may mắn", ai chạm vào thì sẽ chơi may mắn, giống như kiểu các sĩ tử hay đi sờ đầu rùa để cầu may trước khi thi. Thật bái phục người Nhật vì có thể tạo ra những loại "thần" như thế này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,450
Bài viết
1,175,995
Members
192,114
Latest member
Kientrucbni
Back
Top