So với Kanto (Tokyo/Yokohama) hay Kansai (Osaka/Kyoto) thì Chubu (theo vị trí địa lý là trung tâm của nước Nhật) không thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Chính vì thế, các cơ quan chính phủ tại Chubu đang đẩy mạnh việc cải thiện và quảng bá du lịch. Họ tổ chức nhiều chuyến du lịch miễn phí cho người nước ngoài tại Nhật để thu nhận những ý kiến đánh giá từ khách du lịch, qua đó xác định những điểm mạnh điểm yếu cần khắc phục tại địa phương. Đây cũng là dịp quảng bá du lịch Chubu, thông qua việc yêu cầu người tham gia đưa hình ảnh trong chuyến đi lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Sina. Một cách may mắn thì tôi được tham gia ba chuyến đi như thế này trong thời gian ở Nhật Bản, đắt đầu từ chuyến đi đến Mie.
Theo hành trình, tôi đến trung tâm thành phố Nagoya để gặp đoàn. Vừa đến nơi đã thấy đa phần bạn đồng hành là người Trung Quốc. Các bạn có thể quen nhau từ trước, hoặc do cùng ngôn ngữ nên họ nhanh chóng tụ tập rối rít, còn tôi thì đứng một góc nhìn mọi người. Trong phúc chốc, tôi cảm giác hơi đơn độc. Dù sao cũng là một hành trình hai ngày, nếu có bạn đi cùng thì tốt hơn, hay ít nhất là tìm được một người có thể giao tiếp cùng ngôn ngữ.
Một lúc sau, một bóng dáng quen thuộc xuất hiện. Đó là Ung-mook, cậu bạn người Hàn học chung chương trình tại trường. Cậu bạn rất giỏi tiếng Nhật, ngoại hình đặc sệt kiểu các “oppa” Hàn Quốc, tính cách đáng yêu – một người mà dù không cố tình chọc cười thì cũng có thể khiến bầu không khí thoải mái hẳn lên nhờ những cử chỉ điệu bộ nghịch ngợm của mình. Thế là tôi thở phào, “may quá, ít ra có người đi với mình”.
Sẵn tiện, tôi quay qua làm quen với người bên cạnh Ung-mook. Anh bạn vui vẻ làm quen: “Tôi tên là Chris, nhưng mọi người hay gọi tôi là Nobu”. Trò chuyện một lúc, thế là mặc định tôi, Ung-mook và Chris sẽ nhập thành nhóm trong chuyến đi. Dù sao chúng tôi chẳng quen ai khác.
Sau khoảng ba tiếng trên xe, chúng tôi dừng lại ở Bảo tàng Huyền thoại Biển tại thành phố Toba (Toba Sea-folk Museum). Bảo tàng được thành lập vào năm 1971 với mục đích duy trì và gìn giữ lịch sử và hoạt động kinh tế biển tại địa phương. Do đặc thù về vị trí địa lý nên văn hóa, kinh tế tại Toba và những nơi khác tại Mie gắn liền với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.
Một trong những phòng trưng bày nổi bật tại Bảo tàng là những chiếc thuyền gỗ được bảo quản trong phòng lạnh. Tại Nhật Bản, người ta tin rằng mỗi chiếc thuyền đều có một linh hồn riêng, gọi là funadama-san. Hiện tại, với tốc độ công nghiệp hóa, thì không chỉ riêng Nhật Bản, hầu như thuyền gỗ không còn được sử dụng trong đánh bắt thủy sản, nhưng người Nhật rất hay là họ vẫn có thể lưu giữ những hiện vật rất cẩn thận và đưa vào chương trình giáo dục để các thế hệ sau không quên đi tập quán truyền thống.
Điều thú vị nhất về Toba là các nữ thợ lặn chuyên nghiệp, Ama. Hình thức này đã tồn tại hơn 10,000 năm tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong một chuyến đánh bắt xa bờ, nam giới sẽ ở trên thuyền và chịu trách nhiệm về trang thiết bị trong khi phụ nữ lặn xuống biển để thu nhặt các loại hải sản, ngọc trai, rong biển. Mỗi lần lặn kéo dài khoảng một phút, và các nữ thợ lặn không sử dụng bình dưỡng khí. Họ phát triển một kỹ thuật thở đặc biệt gọi là Isobue (tiếng huýt gió biển) để tránh tổn thương phổi.
Các Ama có tại khắp nơi tại Nhật Bản, tuy nhiên số lượng ngày càng giảm. Năm 1931, cả nước Nhật có 12426 Ama thì đến năm 2010 chỉ còn khoảng 2174. Số Ama hiện nay ở Mie là 1300.
Các Ama mặc đồ lặn, đeo kính bảo vệ mắt và mang một dải băng trên đầu với hai biểu tượng doman và seiman. Đây là hai biểu tượng bảo vệ các Ama khỏi những linh hồn tàn ác. Sau khi hoàn tất công việc của một ngày, các Ama sẽ quây quần tại một chòi nhỏ (Amagoya) để trò chuyện và nấu nướng một phần các loại hản sản thu nhặt trong ngày.
Khi nghe về Ama, tôi đã cực kỳ ngạc nhiên. Thông thường nam giới đảm nhiệm công việc nặng nhọc, tại sao ở đây phụ nữ phải đảm đương công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như các Ama? Khi đặt câu hỏi với nhân viên bảo tàng thì được giải thích nhiệm vụ của nam giới ở trên thuyền quan trọng không kém. Họ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn mỗi khi Ama lặn xuống biển. Nững thiết bị cần thiết trên thuyền khá nặng, dành cho sức đàn ông, trong khi phụ nữ, với sự khéo léo, có thể dễ dàng tìm được nhiều hải sản hay ngọc trai ẩn nấp dưới đáy biển.
Một số trưng bày khác tại bảo tàng
Sau khi tham quan bảo tàng, chúng tôi được đưa đến một Amagoya (chòi của các Ama) dành cho khách du lịch gọi là Osatsu-kamado nằm sát bờ biển. Tại đây, những người phụ nữ trong trang phục Ama trực tiếp nướng các món hải sản và phục vụ khách du lịch. Lần đầu tiên tôi ăn hải sản với cơm, nhưng sự kết hợp này lại rất vừa miệng. Ở Nhật, cơm không khô rang như ở Việt Nam mà nó hơi dẻo và kết, tương tự như xôi vậy. Hải sản tươi còn đậm vị mằn mặn của biển, kết hợp cùng vị dẻo của cơm, và một chút vị chua của củ cải ngâm tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt.
Buổi chiều, chúng tôi được đưa đến khu du lịch kayaking tại Mie. Đối với tôi thì kayaking không quá xa lạ vì tôi đã kayaking một lần khi còn ở U.S., nhưng tôi đã khá ngạc nhiên khi biết ở Nhật cũng có hoạt động này. Nghĩ lại thì tôi thấy lời một người bạn sống lâu năm ở Nhật nhận xét cực kỳ chính xác:
Ở Nhật, đi làm thì bận rộn, nhưng muốn đi chơi, muốn phát triển sở thích thì quá dễ dàng. Muốn chụp hình thì mua máy, muốn hòa mình với thiên nhiên thì leo núi. Ở đây có đầy đủ phương tiện để đáp ứng cho nhu cầu giải trí đa dạng của họ. Chứ ở Việt Nam, hình thức giải trí đa phần là đi xem phim, đi ăn, uống cà phê, chấm hết!
Tôi thấy hơi ghen tị với các bạn Nhật. Giá kayaking ở Nhật không quá đắt đỏ so với các loại hình giải trí khác, chứ thử ở Việt Nam mà xem, chắc chắn đây chỉ dành cho giới thượng lưu.
Tôi với Ung-mook lạng choạng trên thuyền. Không khó để giữ thăng bằng nhưng rất khó để di chuyển thuyền theo định hướng. Động tác “chèo” không phải dung lực tay mà dựa vào hai bên cơ bụng. Loay hoay mãi hai đứa mới theo được hướng chung của đoàn. Mặt trời bắt đầu lặn, những mảng đỏ bắt đầu loang cả bầu trời, mặt nước tĩnh lặng, và bầu không khí vô cùng tĩnh lặng. Dường như ai cũng đang đắm trong cảnh hoàng hôn ngất trời. Một cảm giác yên bình đến kỳ lạ.
Sau khi kayak thì chúng tôi về khách sạn để nhận phòng và dùng bữa. Hầu hết mọi người ở phòng đôi, nhưng tôi và Nobu may mắn thế nào mà chỉ ở một mình, còn Ung-mook được xếp chung phòng với một bạn người Thái. Bốn chúng tôi hẹn nhau sau khi sắp xếp đồ đạc thì sẽ cùng nhau ăn tối.
Bữa tối buffet có đủ các món Nhật và Tây. Vừa ăn chúng tôi làm quen với người bạn Thái. Nói một hồi thì biết anh bạn được học bổng của chính phủ Nhật, thế là tôi đùa:
“Would you like to be our sugar-daddy?” (Cậu muốn làm đại gia của bọn tớ không? Tiếng Anh “sugar daddy” nghĩa là đại gia chu cấp cho chân dài, “sugar mommy” là các máy bay bà già)
Tôi và Ung-mook thống nhất gọi anh bạn mới này là “Sato”, vì “Sato” trong tiếng Nhật nghĩa là “đường” (“sugar”). “Sato” ban đầu phản đối, nhưng riết một hồi cũng chịu thua những màn chọc ghẹo không ngừng của tôi và Ung-mook.
Ngồi nói chuyện thế nào mà chủ đề chuyển thành “đồng tính”. Nobu nói rất tự nhiên “Tôi là người đồng tính” trong sự sửng sốt của Ung-mook. Tôi và Sato chỉ ngồi tủm tỉm cười, có lẽ đối với chúng tôi, đồng tính không phải là một vấn đề quá xa lạ. Thật ra, tôi cũng đã nhận ra trước đó, phần vì cách nói chuyện của Nobu, phần vì ngành học khá đặc biệt “giới tính tại Nhật Bản” của bạn. Có thể nói Nobu là một người đồng tính công khai.
Ung-mook bảo “Mình chưa biết người nào đồng tính cả”.
“Không phải cậu không quen ai đồng tính, mà chỉ vì người ta không nói cho cậu biết thôi!”, tôi nói.
Thật ra đồng tính ở Hàn là một vấn đề gì đấy khá cấm kỵ. Tại Hàn, các nhóm nhạc Hàn có thể giả gái, những thành viên trong một nhóm nhạc nam có phong unisex, người hâm mộ thì ghép các cặp đôi với nhau, v.v. Xã hội có vẻ thoải mái với LGBT. Nhưng thật ra, đây chỉ được xem là hình thức mà các thần tượng mua vui cho người hâm mộ (“fan-service”), nghĩa là họ xem đây là những trò tiêu khiển, không có thật. Thực tế, những người đồng tính chưa được công khai chấp nhận tại Hàn trong khi những người khác chưa hề suy nghĩ về vấn đề này vì bản thân họ không có dịp tiếp xúc với người đồng tính.
Ung-mook cũng vậy, bạn bất ngờ khi biết ngồi trước mặt mình là một người “đồng tính” bằng xương bằng thịt. Sau này khi nhắc lại chuyện Mie, Ung-mook mới thú thật với tôi là bạn hơi sợ, đó là lý do tại sao mà trong ngày thứ hai, bạn không thể nói chuyện với Nobu. Thật ra, tôi không hề trách bạn. “Kỳ thị” – nghe thì có vẻ xấu, nhưng chúng ta nên thừa nhận đây đã là một phần của bản năng sinh tồn. Thời nguyên sinh, chúng ta cần nhận biết đồng loại, ai giống mình, ai khác mình. Chính vì thế, thay vì chối bỏ, tìm cách gắn những từ ngữ tiêu cực cho “kỳ thị”, chi bằng ta thừa nhận đây là hiện tượng không thể mất đi, và tìm cách xây dựng cho mình thái độ khoan dung? Sự hốt hoảng của Ung-mok không xấu, điều bạn thiếu là những cơ hội để tiếp xúc với những gì không-giống-bạn mà thôi.
Sau khi ăn tối, tôi về phòng ngủ thiếp đi.