What's new

[Chia sẻ] Kinh nghiệm phượt đêm trắng SAINT PETERSBURG và MOSCOW tháng 7/2014

Tôi vừa có chuyến du lịch đêm trắng Moscow và Saint Petersburg 2 tuần về. Các thông tin cơ bản đã được bạn BUXMIU viết rât rõ trong bài THÁNG TƯ Ở NƯỚC NGA (https://www.phuot.vn/threads/146421-Tháng-Tư-ở-nước-Nga) rồi, tôi chỉ viết thêm một số kinh nghiệm của riêng mình thôi.

Đây là CHƯƠNG TRÌNH TOUR DU LỊCH NGA: MOSCOW VÀ SAINT PETERBURG của chúng tôi từ ngày 29/06/2014 đến 12/07/2014

29/06/2014 CN - ngày 1
08:00 Đi sân bay Nội Bài
10:05 Bay đi Moscow (chuyến bay SU291 của Aeroflot, thời gian bay 10h)
17:05 Đến sân bay Sheremetevo, thủ đô Moscow
21:00 Đi tham quan hệ thống tầu điện ngầm Metro, Quảng trường đỏ về đêm
23:30 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

30/06/2014 Thứ 2 - ngày 2
07:30 Đi tham quan Nhà hát lớn
09:00 Quảng trường đỏ, Nhà thờ Kazan, Cung điện Kremly
15:00 Nhà Thờ Đấng cứu thế, phố cổ và mới Arbat, Bảo tàng Erotic
19:30 Quảng trường Đỏ về đêm, Sông Moscow về đêm
23:00 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

01/07/2014 Thứ 3 - ngày 3
07:00 Ăn sáng tại nhà
07:30 Tượng đài Mayakovsky, Tượng đài Pushkin
10:00 Lăng Lenin, Bảo tàng hội họa Pushkin
18:00 Ra ga tầu đi Saint Peterburg (chuyến 19:25, 700km, 3h50’)
23:15 Đến S.Peterburg, về khách sạn nhận phòng
00:30 Nghỉ đêm tại khách sạn Nevsky Central Hotel

02/07/2014 Thứ 4 - ngày 4
07:00 Ăn sáng tại khách sạn
08:00 Nhà thờ Kazansky, Issakovsky, Tượng đài Peter
12:00 Kunstcamera, Strelka Vasilevsky, pháo đài và nhà thờ Petropavlovskaya
15:00 Aurora, Dinh mùa hè của Peter I, Spas-na-krovi
20:00 Saint Peterburg về đêm
23:00 Nghỉ đêm tại khách sạn Nevsky Central Hotel

03/07/2014 Thứ 5 - ngày 5
07:00 Ăn sáng tại khách sạn
08:00 Quảng trường Hoàng Cung Dvorsovaya
10:00 Cung điện Mùa đông
12:00 Tham quan Hermitage
19:00 Đại lộ Nevsky
23:00 Nghỉ đêm tại khách sạn Nevsky Central Hotel

04/07/2014 Thứ 6 - ngày 6
07:00 Ăn sáng tại khách sạn
08:00 Đi tham quan Petergof (Petrodvores)
09:00 Thượng uyển, Đại cung
12:00 Hạ uyển
20:00 Saint Peterburg về đêm
23:00 Nghỉ đêm tại khách sạn Nevsky Central Hotel

05/07/2014 Thứ 7 - ngày 7
07:00 Ăn sáng tại khách sạn
09:00 Đi tham quan làng Sa Hoàng (Tsarskoe selo)
15:00 Tham quan các điểm trong thành phố
20:00 Saint Peterburg về đêm
23:00 Nghỉ đêm tại khách sạn Nevsky Central Hotel

06/07/2014 CN - ngày 8
07:00 Ăn sáng tại khách sạn
08:00 Đi tham quan các điểm du lịch ở Saint Peterburg
18:00 Ra ga tầu quay về Moscow
19:25 Tầu khởi hành đi Moscow
23:25 Đến Moscow, về nhà nghỉ ngơi
24:00 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

07/07/2014 Thứ 2 - ngày 9
07:00 Ăn sáng tại nhà
08:00 Tượng Đài Hồ Chí Minh
10:00 Trường Tổng hợp Lomonosov Moscow, Quảng trường Chiến thắng
16:00 Khải hoàn môn, Bảo tàng nhà tròn Kutuzov
21:00 Ăn tối ở nhà
23:00 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

08/07/2014 Thứ 3-ngày 10
07:00 Ăn sáng tại nhà
08:00 Đi tham quan Trung tâm triển lãm ВДНХ
14:00 Moscow-city, phố cổ Arbat
21:00 Ăn tối ở nhà
23:00 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

09/07/2014 Thứ 4-ngày 11
07:00 Ăn sáng tại nhà
08:00 Tham quan Tu viên Novodevichy
12:00 Tu viện Kolomenskoe
15:00 Quần thể kiến trúc Izmailovsky Kremly
21:00 Ăn tối ở nhà
23:00 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

10/07/2014 Thứ 5-ngày 12
07:00 Ăn sáng tại nhà
08:00 Bảo tàng tranh Tretiakov
13:00 Tháp truyền hình Ostankino
21:00 Ăn tối ở nhà
23:00 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

11/07/2014 Thứ 6-ngày 13
07:00 Ăn sáng tại nhà
08:00 Công viên Tsarutsino
12:00 Tham quan Tòa Thiên văn Moscow
23:00 Nghỉ đêm tại thương vụ VN

12/07/2014 Thứ 7-ngày 14
07:00 Ăn sáng tại nhà
08:00 Đi siêu thị mua quà
16:00 Ra sân bay
20:05 Bay về Hà nội (chuyến bay SU290 của Aeroflot, thời gian bay 9h15’)
08:25 Đến sân bay Nội Bài vào lúc 8:25 sáng ngày 13/07
 
Last edited:
Re: Kinh nghiệm phượt đêm trắng saint petersburg và moscow t7/2014

Các khâu chuẩn bị cho chuyến đi:

VISA
Để xin visa du lịch (cho phép trong vòng 1 tháng), bạn cần các giấy tờ bắt buộc sau:
1) giấy mời từ phía công ty du lịch Nga,
2) hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng,
3) tờ khai Đơn xin visa bằng tiếng Việt, Anh hoặc Nga đều được (bạn tải từ trên web http://www.vietnam.mid.ru/docs/Visa_application_form_Vietnam.pdf),
4) 1 ảnh kích thước 3.5x4.5 cm dán luôn vào tờ khai,
5) Vé máy bay khứ hồi thật (ko phải tờ booking)
6) Lệ phí làm visa (50$ làm chậm sau 1 tuần nhận visa hoặc 90$ làm nhanh ngày hôm sau lấy luôn)

Ngoài những giấy tờ trên bạn không cần chuẩn bị bất kỳ giấy tờ nào khác như hợp đồng lao động, giấy nghỉ phép, bảo hiểm du lịch…. Cả booking khách sạn cũng không cần vì trong tờ chứng nhận đặt dịch vụ cùng với giấy mời đã có ghi mời bạn sang ở khách sạn nào. Tuyệt đối không đưa ra tờ booking khách sạn mà bạn đã đặt và bạn sẽ ở.

Về Giấy mời, bạn có thể lên google tìm dịch vụ của các công ty VN làm, giá dao động từ 70 đến 100$. Đợt tôi đi phải xếp hàng ở ĐSQ Hà Nội rất lâu, đến ngày thứ 3 mới vào làm được do lượng người đi rất đông. Có người phải đi từ 3h sang để ghi tên rồi về nhà ngủ tiếp đến 9h30 sáng ra đợi. Nếu bạn không có thời gian thì nên làm qua dịch vụ trọn gói giấy mời và visa hết khoảng 150$ là OK.

Lưu ý: bạn nên photocopy lại giấy mời và tờ chứng nhận đặt dịch vụ và cầm theo, vì khi nhập cảnh có thể họ đòi hỏi 2 cái giấy này.


THỜI GIAN DU LỊCH
Thời gian thích hợp nhất để đi du lịch nước Nga là từ tháng 5 đến hết tháng 8. Trong thời gian này khí hậu rất dễ chịu, không quá lạnh. Tháng nóng nhất là tháng 7 thì nhiệt độ cũng chỉ khoảng 24-30 độ. Đặc biệt từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 và có thể kéo dài đến ngày 10 tháng 7 là dịp Đêm trắng ở thành phố Saint Peterburg.
Giai đoạn tháng 9, 10, 11 là mùa thu nước Nga, nhiệt độ thấp hơn, tháng 9 khoảng 15 độ nhưng đây là tháng chuyển mùa nên rất khó chịu. Tháng 10 là tháng đẹp nhất bởi thời tiết khô và là tháng “mùa thu vàng”, nhiệt độ chỉ tầm 8-10 độ. Tháng 11 thì lạnh hơn, tuyết đã bắt đầu rơi.
Giai đoạn mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2, thời tiết khá lạnh, lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ trung bình là âm 10-20 đố, có khi xuống đến âm 30-35 độ. Tháng 2 thì ấm hơn, nhiệt độ trung bình là âm 2-10 độ. Những tháng này chỉ thích hợp cho những người thích tuyết.
Giai đoạn tháng 3-4 không nên đi vì đây là tháng tuyết tan, đường phố rất bẩn, khí hậu khó chịu vì chuyển mùa.


VÉ MÁY BAY
Từ Hà Nội đi Moscow thì có 2 hãng bay thẳng, đó là VNA của Việt Nam và Aeroflot của Nga. Mỗi tuần VNA có 3 chuyến bay thẳng từ Hà nội đi Moscow và ngược lại vào các ngày thứ 3, 5 và 7.
Aeroflot có 4 chuyến bay thẳng từ Hà nội đi Moscow vào các ngày thứ 3, 4, 6 và Chủ nhật. Ngược lại từ Moscow về Hà nội vào các ngày thứ 2, 3, 5 và 7.
Giá vé và giờ bay của 2 hãng gần như là ngang nhau nhưng mỗi hãng có các tiện lợi khác nhau. Nếu đi hãng Aeroflot thì tiếp viên sẽ là người Nga và ăn uống các bữa trên chuyến bay thì kém hơn. Nhưng máy bay hạ cánh ở sân bay Sheremetevo, nhân viên hải quan rất tốt, không làm rắc rối hay vòi tiền. Hơn nữa từ sân bay vào trung tâm thành phố chỉ khoảng 30km. Sân bay năm ở phía Tây Bắc.
Còn nếu đi hãng VNA thì tiếp viên là người Việt, dịch vụ ăn uống trên chuyến bay rất tốt và thoải mái, nhưng nhược điểm là máy bay hạ cánh ở sân bay Domodedovo, cánh trung tâm thành phố khoảng 50km, khi nhập cảnh vào nước Nga thì nhân viên hải quan khó tính, hay kiểm tra và hạch hẹ gây khó khăn, và còn nạn ăn tiền. Sân bay năm ở phía Đông Nam thành phố.

Bạn nên mua vé máy bay trực tiếp trên trang của hãng http://www.aeroflot.ru/cms/en, giá sẽ rẻ hơn so với đại lý. Lưu ý khi tìm chuyến bay bạn phải chọn đúng ngày có chuyến bay vì sai hệ thống sẽ báo không có vé, khác với web VNA là hệ thống hiện ra mấy ngày liên tiếp trong đó có cả ngày có chuyến bay và ngày không có chuyến bay.


PHƯƠNG TIÊN GIAO THÔNG TẠI MOSCOW VÀ SAINT PETERSBURG
Phương tiện đi lại ở Moscow và S.Peterburg tiện nhất, nhanh nhất và rẻ nhất là tầu điện ngầm Metro. Hầu hết các điểm tham quan đều nằm gần các ga tầu ngầm. Ngoài ra, còn có các phương tiện giao thông cộng tiện lợi và rẻ khác là bus, xe điện, tàu điện, taxi tuyến (xe 16 chỗ chạy theo tuyến).

Tại Moscow chỉ 1 lần chúng tôi đi taxi, còn lại toàn đi phương tiện công cộng và đi bộ. Đi taxi vào giờ cao điểm sẽ rất tắc đường. Giá cả thì cũng không đắt lắm. Nếu bạn muốn sử dụng phương tiện taxi này thì lúc nào cần vẫy taxi bạn đứng ở vỉa hè và vẫy xe, không nên đi xe có gắn biển taxi (xe của công ty chuyên taxi) vì giá sẽ rất đắt. Ở bên Nga người dân rảnh thường chạy xe kiếm thêm tiền nên bạn chọn xe thường của họ mà đi. Bạn nói điểm cần đến, tốt nhất là dùng bản đồ chỉ vào điểm cần đến hoặc ghi sẵn bằng tiếng Nga ra giấy rồi đưa cho họ, bởi người Nga ít biết hoặc rất kém tiếng Anh. Họ sẽ nói hết bao nhiều tiền, bạn nên mặc cả, nói chung họ không nói quá cao, có thể mặc cả giảm bớt 20-30%.

Ở Moscow giá vé đi metro là 40r, nhưng nếu bạn mua vé 20 chuyến đi thì giá sẽ là 28r/1 lần. 60 chuyến giá 22r/1 lần… Mỗi lần vào cửa bạn đi bao nhiêu bến và chuyến tuyến thoải mái, tức giá vé không phụ thuộc vào số bến. Bạn có thể mua 1 vé nhiều lần dùng cho nhiều người. Vé là thẻ từ, bạn quẹt cho mỗi người vào cửa liên tục được. Nếu đi nhóm trên 3 người thì nên mua 1 vé 60 chuyến đi cho cả nhóm sử dụng, giá rẻ hơn rất nhiều. Có thể mua vé tại quầy hoặc tại máy tự động.

Còn ở Saint Petersburg thì dùng đồng xèng, giá cố định không phụ thuộc vào số lượng mua. Các quầy bán không đông nên ko phải xếp hang mua. Tuy nhiên giờ cao điểm cũng phải chờ chút xíu nên bạn mua 1 lần mấy xèng luôn để lần sau ko phải xếp hàng.

Ở Moscow khi đi các phương tiện công cộng khác (tầu điện tramvai, xe điện trolleibus, xe avtobus) bạn sẽ mua vé thẻ từ trên xe của lái xe rồi quét qua máy quét được treo trong xe, còn ở Saint Petersburg thì bạn trả tiền mặt cho người thu tiền (conductor).

Có một điều gây khó khăn cho mọi người không biết tiếng Nga, đó là hệ thống chỉ dẫn trong lòng Metro ở Nga không có tiếng Anh. Khó khăn nhất là khi chuyển tuyến, bởi có những bến metro là nơi dao cắt của 4 tuyến tầu khách nhau, tức có 4 bến 1 chỗ. Để dễ dàng sử dụng metro ở Nga bạn tải sơ đồ tầu điện có tiếng Anh và nghiên cứu trước và phân biệt các tuyến bằng màu sắc, khi chuyển chuyến thì có thể nhìn vào màu sắc để tìm đúng tuyến.

Download sơ đồ metro Moscow mới nhất bằng 2 thứ tiếng Anh-Nga tại đây: http://mosmetro.ru/flash/scheme11.html hoặc bằng tiếng Anh http://www.mosmetro.ru/documents/13014/moscow_metro.pdf. Còn sơ đồ metro St. Petersburg mới nhất bằng 2 thứ tiếng Anh-Nga tại đây: http://www.metro.spb.ru/uploads/img/map/shema_26.09.13c.jpg

Về phương tiện đi lại giữa Moscow và Saint Peterburg: có cả máy bay, cả tầu, cả bus, cả tầu thủy đường sông. Khoảng cách giữa 2 thành phố là 700km. Phương án tốt nhất là đi tầu. Có 2 loại tầu: Tầu nhanh và tầu chậm.
Tầu nhanh SAPSAN chạy khoảng 4h, mỗi ngày có 7 chuyến đi và 7 chuyến về. Chuyến sớm nhất vào lúc 06:45 và chuyến muộn nhất vào lúc 19:45. Vé có thể mua trực tiếp của hãng qua web http://sapsan.su/ . Mua qua các web khác sẽ bị đắt hơn 20-30%. Trang web này chỉ có tiếng Nga. Mua bằng thẻ Mastercard hoăc Visa, mỗi lần mua chỉ mua được 1 vé và 1 chiều. Bạn lưu ý phải đánh dấu đăng ký gửi vé luôn vào hòm thư để không phải lấy vé khi đến ga nữa. Giá vé lúc mình mua là 3tr5 VND khứ hồi. Mình mua trước 2 tháng nên giá rẻ. Bình thường thì tầm trên 100$/chiều.
Tầu đêm: chọn loại tầu này thì bạn đỡ 1 đêm khách sạn. Tầu chạy tầm 8 tiếng. Giá vé cũng lung tung, tùy vào thời mùa, từ 50$/chiều ở khoang 4 giường nằm trở lên. Tầu rất sạch.


KHÁCH SẠN

Ở Moscow mình ở nhà người quen ở Thương vụ nên không tìm hiểu về KS, còn ở Saint Petersburg thì mình ở Nevsky Central Hotel, nằm ngay trên trục đường chính Nevsky, số nhà 90, rất tiện đi lại. Gần nhà ga tầu, bến metro… KS này 3* giá bằng KS 5* (3tr/1 phòng cho 2 người 1 đêm) và chất lượng thì bằng KS 2* ở VN. Nhưng vì đi vào đêm trắng nên đành chấp nhận. Nói chung KS ở Nga đắt gấp 2-3 lần ở VN. Mình đặt KS qua agoda.vn. Cũng có rất nhiều lưa chọn khác, hợp với túi tiền của bạn, như Hostel, KS ở kha khu trung tâm ... Bạn tìm trên agoda.vn sẽ thấy hết.

AN NINH Ở NGA
Xin khẳng định với những bạn nào muốn đi du lịch Nga rằng an ninh ở Moscow và Saint Peterbusrg tốt ở mức TUYỆT ĐỐI. Không còn cảnh đánh, giết, trấn lột, đầu trọc, công an bắt hỏi giấy tờ như cách đây mấy năm nữa. Giờ đây bạn hoàn toàn yên tâm đi bộ ở mọi nơi, mọi lúc mà không sợ bất kỳ chuyện xấu gì xảy ra. Bởi ông Putin đã thay đổi hoàn toàn đất nước Nga

TIỀN TỆ
Bạn nên mang theo USD đi vì bên Nga USD thong dụng và đổi lời hơn EUR. Không cần phải đổi sẵn từ VN. Ở Moscow và St. Petersburg tại các khu trung tâm có nhiều điểm exchange. Tỷ giá cho ngày 29/07/2014 là 1 USD = 35.4 RUR

HƯỚNG DẪN THAM QUAN CÁC ĐIỂM DU LỊCH

Đây là bản đồ các điểm tham quan chính của Moscow

10575251_314536165374582_4116815633028262074_o.jpg


(còn nữa)
 
Last edited:
Re: Kinh nghiệm phượt đêm trắng saint petersburg và moscow t7/2014

QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ

Quảng trường đỏ là nơi bạn không thể bỏ qua khi đến Moscow, bởi nó là biểu tượng của đất nước Nga xinh đẹp.
Bạn nên dành trọn 1 ngày cho Quảng trường đỏ và các điểm tham quan xung quanh. Bao gồm các công trình nổi tiếng sau: Lăng Lenin, Nhà thờ Thánh Basil, Cửa hàng bách hóa GUM, Vườn Alexander với Ngọn lửa bất diệt, Điện Cremlyn, Nhà thờ Đấng cứu thế, Bảo tàng nghệ thuật tạo hình Pushkin, Nhà hát lớn.

10491092_314535008708031_6792242508143138784_n.jpg


Nếu sức khỏe bạn cho phép, bạn nên đi từ 8h sáng, tham quan chụp ảnh cả ngày các địa điểm trên, ăn uống nghỉ ngơi và khi màn đêm buông xuống bạn lại đi 1 vòng nữa để chụp ảnh đến khoảng 23-23h30 thì về. Bởi ảnh chụp ban đêm đẹp hơn rất nhiều so với ảnh chụp ban ngày. Bạn yên tâm, khắp nơi đều có ghế ngồi, sân cỏ cây để bạn ngồi nghỉ ngơi thoải mái ngắm cảnh hoặc người qua lại hoặc xung quanh đó có 2 trung tâm siêu thị lớn, tha hồ mà đi mua sắm ngắm hàng.

Tôi sẽ hướng dẫn bạn tham quan 1 ngày ở khu vực này theo trình tự mà chúng tôi đã đi. Bắt đầu là NHÀ HÁT LỚN MOSCOW. Chúng tôi đi metro và lên bến “Teatralnaya” (Театральная). Ngay dưới metro sẽ có bảng chỉ dẫn lên lối nào. Bạn sẽ nhìn thấy bảng ghi lối lên “Большой театр” và đi theo mũi tên chỉ. Nhà hát lớn (tiếng Nga: Большой театр, Bol'shoy Teatr) được bắt đầu xây dưng năm 1736 nhưng rất nhiều lần bị cháy và xây dựng lại. Nhà hát lớn có tất cả 17 thang máy. Gian chính có 5 cánh gà và sức chứa 1.768 khán giả. Chiều dài của gian từ bức từng sau đến sân khấu là 25 m, rộng 26.3 m và cao 21 m. sân khấu có kích thước 20.5 x 17.8 m. Bên cạnh Nhà hát là trung tâm mua sắm GUM, đồ bán khá đắt.

10479154_314535145374684_8981112625965792765_o.jpg


Sau khi chụp ảnh Nhà hát lớn xong bạn đi bộ qua đường và sang khu quảng trường đỏ. Thoải mái chụp ảnh khu Manheznaya ploshad (Манежная площадь), vào tham quan Bảo tàng lịch sư – tòa nhà cổ màu đỏ thẩm (Музей истории), rồi vào viếng ông Lenin.

LĂNG LÊ NIN (Мавзолей Ленина – Mavzolei Lenina) nằm ngay trên Quảng trường Đỏ, được xây dựng vào năm 1924 ngay sau khi Lê Nin qua đời. Lăng mở cửa viếng vào các ngày thứ 3, 4, 5, 7 từ 10:00 đến 13:00. Khi vào viếng lăng bạn không được mang các túi to, các vật dụng kim loại vì phải qua cửa soi. Máy ảnh, điện thoại phải cất vào túi xách nhỏ và khi vào trong Lăng tuyệt đối không được chụp ảnh. Nếu bạn có túi đồ đặc cồng kềnh, bạn phải gửi ở phía trong Bảo tang Lịch sử. Bạn nên đi sớm chút, vì từ 9h mọi người đã bắt đầu xếp hàng. Hàng thì cũng khá dài nhưng cũng nhanh thôi.


1598644_314535378707994_1461327274487689491_o.jpg


Sau khi viếng Lăng xong bạn vào tham quant rung tâm thương mai GUM nằm đối diện Lăng, rồi vào nhà thờ Thánh Basil
NHÀ THỜ THÁNH BASIL (Собор Василия Блаженного) là nhà thờ chính của thủ đô Moscow. Nhà thờ là biểu tượng của nước Nga. Nhà thờ được quyết định xây dựng từ năm 1552. Nhà thờ mở cửa từ 10h00 đến 19h00. Giá vé vào tham quan bên trong là 250r/người. Thậ ra chỉ cần đứng ở ngoài chụp ảnh là đủ rồi.

10570488_314542182040647_5876405912623027572_n.jpg


Tiếp theo bạn đi về phía sau nhà thờ Thánh Basil và lên cầu Bol. Moscvoretskyi bridge (Большой Москворецкий мост) bắc qua sông Moscva để sang bên kia bờ sông. Và bắt đầu từ cây cầu này cảnh nhìn vào Cung điện Cremlyn rất đẹp. Bạn đi dọc bờ song để chụp ảnh. Đi khoảng gần 400m bạn sẽ nhìn thấy 1 cây lớn, không lên cầu này mà đi qua nó. Đi tiếp khoảng 300m bạn lại gặp 1 cây cầu dành cho người đi bộ. Bạn lên cây cầu đó và sẽ đến Nhà thờ chính tòa Đấng cứu thế
 
Last edited:
Re: Kinh nghiệm phượt đêm trắng saint petersburg và moscow t7/2014

NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐẤNG CỨU THẾ (Хра́м Христа́ Спаси́теля) là nhà thờ Chính Thống giáo cao nhất và lớn nhất trên thế giới, nằm bên bờ sông Moskva.

Ý tưởng xây dựng Nhà thờ từ năm 1812 sau chiến thắng của nhân dân Nga trong cuộc nội chiến và đánh đuổi quân Napoleon ra khỏi nước Nga, nhằm để tạ ơn và tôn kính Chúa cứu thế đã cứu giúp nước Nga khỏi sự tàn phá và để tưởng nhớ đến những người Nga đã hy sinh trong cuộc Nội chiến năm 1812 và các cuộc tấn công giặc ngoại xâm năm 1797-1806 và 1814-1815.


10462379_314535565374642_2970478449254685031_o.jpg


Ngày 12/10/1817 thì công việc xây dựng được bắt đầu trên Đồi Chim sẻ, điểm cao nhất ở Moskva, nhưng chỗ này lại tỏ ra là không an toàn. Vì thế người ta đã quyết định xây Nhà thờ ở một địa điểm mới, gần với Điện Kremly hơn, được lựa chọn bởi Sa hoàng vào năm 1837. Ngày 10/09/1837 đã bắt đầu đặt móng cho tòa chính. Công trình nhà thờ chính tòa mất nhiều năm để xây dựng và đến năm 1883, tức là sau 44 năm, Nhà thờ chính thức được khai trương.

Sau Cách mạng tháng Mười và sau cái chết của Lenin, vị trí nổi bật của nhà thờ chính tòa lại được các nhà lãnh đạo Xô viết lựa chọn để xây dựng một tượng đài lớn mang tên Cung điện của các Xô viết vì họ chủ trương vô thần và cho rằng nhà thờ chính tòa chắc hẳn là tàn dư xa xỉ của "tầng lớp phong kiến" và "bóc lột" của chế độ cũ. Tượng đài này được dự kiến được xây dựng nhiều tầng theo kiểu hiện đại để hỗ trợ một pho tượng khổng lồ của Lenin, dựng trên đỉnh một mái vòm, với hai cánh tay giơ cao. Vào ngày 5 tháng 12 năm 1931, theo lệnh của Stalin, Nhà thờ đã bị phá huỷ tan tành bằng thuốc nổ.

10506594_310387792456086_4531712004994786852_o.jpg


Sau khi chế độ Cộng sản bị kết thúc vào cuối những năm 80, Giáo hội Chính thống Nga nhận được sự cho phép để xây dựng tái tạo lại Nhà thờ chính tòa vào tháng 2 năm 1990. Một quĩ xây dựng được thành lập trong năm 1992 và nền móng bắt đầu được đổ vào mùa thu năm 1994. Ngày 31/12/1999 Nhà thờ chính thức mở cửa lại và được hoàn tất vào ngày 19 tháng 8 năm 2000.

Đền thờ hiện nay có thể chứa được 10.000 người. Theo thiết kế Nhà thờ giống như một cây thánh giá cạnh đều nhau với chiều rộng khoảng 85 m. Chiều cao của đền thờ tính cả mái vòm và cây thánh giá là 103 m. Nhà thờ xây theo truyền thống phong cách Nga. Diện tích tường sơn bên trong nhà thờ là 22.000m², trong đó có khoảng 9000 m² mạ vàng.

Nhà thờ mở cửa tham quan hàng ngày trong tuần từ 08:00 đến 20:00 miễn phí. Nhà thờ nằm bgay bến tàu điện ngầm “Kropotkinskaya”. Lưu ý: nếu bạn mặc quần sort thì sẽ không được vào bên trong. Vì vậy muốn vào tham quan phải ăn mặc chỉnh tề.

BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH PUSHKIN Sau khi tham quan nhà thờ bạn đứng trước nhà thờ (không phải phía cầu) sẽ nhàn thấy con phố tên là Volkhonka, bạn băng qua bên kia đường phố và rẽ tay phải, đi 1 đoạn ngắn bạn sẽ thấy Bảo tàng Nghệ thuật tạo hình Pushkin (Музей изобразительных искусств имени Пушкина, ул. Волхонка, д.12) nằm ở số nhà 12 của phố nay. Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất ở Nga, trong đó trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hội họa châu Âu và thế giới.


10582915_314536405374558_5121990842790557657_o.jpg


Bảo tàng bắt đầu xây dựng vào năm 1898. Bảo tàng chính thức khánh thành vào ngày 31/05/1912, lúc đó có tên là Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng đế Alexander III. Năm 1932 bảo tàng được đổi thành Bảo tàng nghệ thuật tạo hình Quốc gia, và vào năm 1937 mang tên Pushkin.
Tòa nhà bảo tàng xây dựng theo một phong cách chiết trung, vì thế bảo tàng còn là một di tích kiến trúc.

Ban đầu bộ sưu tập bao gồm bản thạch cao của các tác phẩm điêu khắc cổ đại, các bản sao của các tác phẩm điêu khắc La Mã, cũng như các tác phẩm cổ vật xác thực của nhà Ai Cập học Golenishcheva được nhà nước mua lại.
Bộ sưu tập của Bảo tàng Pushkin có khoảng trên 560.000 hiện vật, bao gồm các tranh, tác phẩm nghệ thuật hội họa, mỹ thuật ứng dụng, điêu khắc, đồ họa phương Tây từ thời cổ đại đến thế kỷ 20. Ngoài ra, ở đây còn có di tích khảo cổ và huy chương học.

Bảo tàng mở cửa tham quan tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2, từ 10:00 đến 19:00. Giá vé tham quan là 300r bao gồm cả chụp ảnh.

Sau khi tham quan Bảo tang Pushkin xong bạn ra ngoài và rẽ trái, đi dọc theo con phố Volkhonka, thẳng với nó là phố Mokhovaya. Đi 1 đoạn chừng 700m bạn thấy tháp của Điện Cremlyn. Bạn vào phía trong để mua vé rồi đi chếch lên phía trên, nơi bạn nhìn thấy người xếp hang để qua cổng soát vé vào phía trong điện Cremlyn

CUNG ĐIỆN KREMLY
Cung điện Kremly (Московский Кремль - Moskovskiy Kreml) mở cửa tham quan tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 5 từ 10:00 đến 17:00. Có mấy loại vé khác nhau tùy thuộc vào bạn muốn tham quan những nơi nào. Vé vào khu cung điện để tham quan các điểm bên ngoài là 350r, cung điện Oruzheinaya là 700r và Tháp Chuông Ivan Velikyi là 500r. Vé mua riêng lẻ.

Điện Kremly nhìn từ bờ sông Moscva

10478407_310386132456252_8019048388517300272_o.jpg



10443197_310386689122863_80095253697782916_o.jpg



Sau khi tham quan Điện Kremlyn xong bạn đi ra cổng, từ trên cầu lối ra bạn nhìn xuống bên tay phải sẽ thấy khu vườn, bạn rẽ xuống vườn này. Đây là vườn Alexandr (Александровский сад). Trong nay rất đẹp, có đài phun nước, nới nghỉ ngơi ăn uống nhẹ… Đi tiếp 1 đoàn nữa bạn sẽ gặp NGỌN LỬA VĨNH CỬU (Вечный огонь – Vechny agon), nằm bên tường thành Cung điện Kremlyn.


10494945_314535192041346_6072456798973152231_o.jpg



Tiếp theo bạn sẽ ra cổng và lại quay lại quảng trường đỏ. Bạn có thể vào khu trung tâm thương mại Manhezhnaya hoặc GUM, trong đó có các quán ăn, mua sắm, ngắm hàng.

Đến tối tầm sau 22h (mùa hè 22h trời vẫn sáng, mùa đông thì trời tối sớm hơn nhiều) bạn lại ra quảng trường đỏ để chụp ảnh. Sau đó bạn lại đi bộ dọc bờ sông như lúc ban ngày ra tận Nhà thờ Chánh tòa Đấng cứu thế. Và từ đây bạn có thể xuống metro Kropotkinskaya để đi về nhà.

905837_312221148939417_3305769503721302499_o.jpg
 
Last edited:
VISA
Để xin visa du lịch (cho phép trong vòng 1 tháng), bạn cần các giấy tờ bắt buộc sau:
1) giấy mời từ phía công ty du lịch Nga,
2) hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng,
3) tờ khai Đơn xin visa bằng tiếng Việt, Anh hoặc Nga đều được (bạn tải từ trên web http://www.vietnam.mid.ru/docs/Visa_...rm_Vietnam.pdf),
4) 1 ảnh kích thước 3.5x4.5 cm dán luôn vào tờ khai,
5) Vé máy bay khứ hồi thật (ko phải tờ booking)
6) Lệ phí làm visa (50$ làm chậm sau 1 tuần nhận visa hoặc 90$ làm nhanh ngày hôm sau lấy luôn)

Ngoài những giấy tờ trên bạn không cần chuẩn bị bất kỳ giấy tờ nào khác như hợp đồng lao động, giấy nghỉ phép, bảo hiểm du lịch…. Cả booking khách sạn cũng không cần vì trong tờ chứng nhận đặt dịch vụ cùng với giấy mời đã có ghi mời bạn sang ở khách sạn nào. Tuyệt đối không đưa ra tờ booking khách sạn mà bạn đã đặt và bạn sẽ ở.

Về Giấy mời, bạn có thể lên google tìm dịch vụ của các công ty VN làm, giá dao động từ 70 đến 100$. Đợt tôi đi phải xếp hàng ở ĐSQ Hà Nội rất lâu, đến ngày thứ 3 mới vào làm được do lượng người đi rất đông. Có người phải đi từ 3h sang để ghi tên rồi về nhà ngủ tiếp đến 9h30 sáng ra đợi. Nếu bạn không có thời gian thì nên làm qua dịch vụ trọn gói giấy mời và visa hết khoảng 150$ là OK.

Lưu ý: bạn nên photocopy lại giấy mời và tờ chứng nhận đặt dịch vụ và cầm theo, vì khi nhập cảnh có thể họ đòi hỏi 2 cái giấy này.

Rất cám ơn thông tin này của anh(chú), xin phép dược gọi như vậy.
Nếu như thông tin xin VISA Nga ko có gì thay đổi thì giấc mới đi Nga có thể thành hiện thực vì VISA không quá khó ^^
 
Nga là nước dễ dãi nhất châu Âu và cả thế giới trong việc cấp visa du lịch hiện nay! Nộp đủ các giấy tờ trên là bạn có thể yên tâm 100% sẽ nhận được visa.
 
TÒA NHÀ TRƯỜNG TỔNG HỢP MOSCOW

Tham quan tượng Bác Hồ xong chúng ta đi đến Tòa nhà trường Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov. Tòa nhà này nằm cách Tượng HCM khoảng 3 km, nằm giữa 2 bến metro của nhánh mầu đỏ là Universitet (Университет) và Vorobiovư gorư (Đồi chim Sẻ - Воробьёвы горы). Nhưng nếu bạn muốn đi bằng metro thì xa hơn nhiều vì các bến này nằm ở đầu 2 nhánh khách nhau. Có xe bus và taxi tuyến chạy từ Tượng đài đến tòa nhà nhưng hôm đó đợi mãi không thấy nên chúng tôi đã quyết định đi bộ. Rất là xa. Bạn nên vẫy taxi ngay gần tượng đài mất khoảng 100-150r thôi.

10460873_305119629649569_8204276537895801528_o.jpg


Lịch sử các tòa nhà cao tầng ở Moscow: sau chiến tranh thế giới lần 2, để kỷ niệm 800 năm thành phố Moskva, đầu năm 1947 Stalin đã ra lệnh xây 8 tòa nhà khổng lồ kiểu bán cổ điển trong thành phố Moscow. Số 8 tượng trương cho 800 năm. Đó là các tòa nhà Trường Đại học tổng hợp Moscow (MGU), tòa nhà Bộ Ngoại giao, khách sạn "Leningrad", khách sạn "Ukraine", hai tòa nhà chung cư và một tòa nhà hành chính. Tòa nhà thứ 8 thì ở lại dưới dạng bản thiết kế bởi người ta đã dừng xây dụng sau khi Stalin chết.

Tòa nhà chính của trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên M.V. Lomonosov (MGU) là tòa nhà lớn và cao nhất trong 7 tòa. Nó cũng là tòa nhà cao nhất trên thế giới ngoài thành phố New York vào lúc đó, và nó vẫn là tòa nhà cao nhất châu Âu cho đến năm 1990. Tòa nhà xây dựng từ năm 1949 đến năm 1953. Tòa nhà nằm trên khu đồi Vorobiev (Đồi Chim Sẻ).

Tòa nhà trung tâm cao 240 m với 36 tầng, được củng cố hai bên sườn là bốn cánh, gồm các ký túc xá cho sinh viên và giảng viên. Nó chứa tổng cộng 33 kilômét đường hành lang và 5.000 phòng. Các trang thiết bị bên trong tòa nhà bao gồm một phòng hòa nhạc, một rạp hát, bảo tàng địa chất, các dịch vụ quản lý khác nhau, các thư viện, hệ thống bể bơi dưới tầng ngầm, trạm cảnh sát, bưu điện, hệ thống dịch vụ cho sinh viên như tiệm giặt, tiệm cắt tóc, các căng tin, các trụ sở ngân hàng, các quầy hàng, các quầy ăn tự phục vụ, một nơi tránh bom, v.v.

10557108_314812372013628_3941413120111316041_o.jpg


Trong lịch sử xây dựng các tòa nhà chọc trời ở Moscow có nhiều bí ẩn và truyền thuyết. Ví dụ, người ta nói rằng, trong tòa nhà chính của trường MGU có nhiều tầng hầm sâu trong lòng đất với các hành lang rất dài. Người ta nói rằng các hầm dưới tòa nhà chính của kích thước và số tầng được so sánh với tòa nhà chính nó, và có cả một thành phố ngầm nằm dưới tòa nhà. Ngoài ra, còn có một đường hầm bí mật nối liền Trường MGU với biệt thự của Stalin.

Tòa nhà chính được thiết kế để trong trường hợp bị đánh bom nổ thì tòa nhà khộng sập xuống bên trong mà nó sẽ đổ về phía đồi Vorobiev. Các tầng dưới của tháp trung tâm được tính toán có thể chịu một cuộc tấn công hạt nhân mà không bị sập để vẫn có thể truy cập vào hầm ngầm dưới tòa nhà.

Ngoài tòa nhà cao tầng này còn có tòa nhà chung cư nằm ở bên bờ sông Moscva, cách quảng trường đỏ không xa. Địa chỉ tòa này là phố Kotelnhitreskaya naberezhnaya, 1/15 (Котельническая набережная, дом 1/15). Tòa nhà này rất đẹp, được xây dựng từ năm 1938 đến năm 1952. Tòa nhà cao 26 tầng nổi và 6 tầng ngầm. Chiều cao tòa nhà là 176 m. Trong tòa nhà có tổng cộng 540 căn hộ.


10013455_314809445347254_3046118355137417707_o.jpg
 
BẢO TÀNG BỨC TRANH TRÒN KUTUZOV

Điểm tham quan tiếp theo là Bảo tàng-Bức tranh tròn “Trận chiến Borodino” (Музей-панорама "Бородинская битва" và Quảng trường Chiến Thắng (Парк Победы). Cách đi: Từ tòa nhà trường đại học tổng hợp Lomonosov có thể đi xuống metro nhánh mầu đỏ là Universitet (Университет) và Vorobiovư gorư (Đồi chim Sẻ - Воробьёвы горы) rồi đi đến bến Park kulturư (Парк культуры), chuyển sang đường vòng tròn, đi 1 bến đến ga Kievskaya (Киевская), lại chuyển sang tuyến màu xanh nước biển và đi 1 bến đến Park Pobedư (Quảng trường Chiến Thắng) Парк Победы. Lên khỏi ga metro bạn đi dọc theo đại lộ Kutuzov ngược phía với khải hoàn môn khoảng 500 mét sẽ thấy Bảo tàng tranh tròn. Địa chỉ là số 38, đại lộ Kutuzov (Кутузовский проспект, дом 38). Bạn có thể đi đến bến metro Kutuzovskaya (Кутузовская) nằm trên nhánh mầu xanh nhạt. Bến metro này cũng nằm ngay trên đại lộ Kutuzov, cách bảo táng 200-300m thôi, bạn lên khỏi ga thì đi dọc đại lộ này về phía Khải hoàn môn.

Tuy nhiên đi bằng metro từ trường tổng hợp sẽ hơi xa, nên chúng tôi đã đi taxi, rất nhanh, khoảng 10 phút là tới nơi (khoảng 3 km).

10486384_307388076089391_7128104541234588989_o.jpg


Bảo tàng-Bức tranh tròn được thành lập năm 1962. Trong bảo tàng chỉ có 1 bức tranh tròn “Trận chiến Borodino” dài 115 m và rộng 15 m. Tác phẩm là do họa sỹ Pháp Frans Rubo sáng tác năm 1912 theo yêu cầu của Nga Hoàng Nikolai II. Bức tranh tròn nói về cuộc huyết chiến giữa các đạo quân của Napoleon và nguyên soái Kutuzov vào năm 1812 tại phòng tuyến ở làng Borodino, nằm cách Moscow khoảng 125 km.


10458963_307388696089329_8511376219141626238_o.jpg



Bức tranh treo trên tường của tòa nhà hình tròn, bạn có thể ngắm bức tranh 360 độ quanh tường. Ở phía dưới chân bức tranh người ta tạo dựng các cảnh vật thật ráp nối vào chân của bức tranh, tạo nên cảm giác như bạn đang đứng giữa khung cảnh thật của trận đánh này. Đây chính là điều độc đáo của bức tranh này.
Bạn xem trong bức ảnh ngay dưới đây có ngôi nhà đã cháy đen vẫn còn than đỏ là cảnh dụng thật, sau ngôi nhà này 1 phần là cảnh vật thật, sau đó nối dần lên bức tranh vào ngôi nhà đang cháy.


10465298_307388856089313_4748524207838063184_o.jpg



Hôm chúng tôi đang ở Bảo tàng thì vô tình gặp ngay MC Thanh Bạch cũng đến xem tranh và tất nhiên không thể không xin chụp 1 tấm hình cùng người nổi tiếng

10497878_307388612756004_4454286616406155134_o.jpg


Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 10:00 đến 18:00, riêng thứ 5 từ 10:00 đến 21:00. Ngày thứ 5 cuối cùng hàng tháng Bảo tàng đóng cửa. Ngày Chủ Nhật thứ 3 của tháng bảo táng mở cửa tham quan miễn phí.
Giá vé tham quan là 200r. Hàng ngày từ 12:00 đến 16:00 bắt buộc tham quan theo nhóm có hướng dẫn tiếng Nga, giá vé là 300 r. Vì thế bạn muốn tham quan tự do và vé lại rẻ hơn thì nên đi trước 12:00 hoặc sau 16:00.
 
Last edited:
CÔNG VIÊN CHIẾN THẮNG

Sau khi tham quan bảo tàng tranh tròn Kutuzov bạn ra ngoài đường lớn và rẽ tay phải. Đi doc đại lộ Kutuzov 200-300 mét bạn nhìn thấy khải hoàn môn (Триумфальные ворота).


76310308.jpg



Khải hoàn môn cao 28 m, có 6 cặp cột gang 12m đỡ mái vòm. Chính giữa hàng cột là hình các chiến binh mặc giáp bào Nga cổ đại, đeo trường kiếm và lá chắn. Phía trên là các phù điêu “Đánh đuổi giặc Pháp” và “Giải phóng Moscow”, cao hơn nữa là cỗ xe Vinh quang với 6 con tuấn mã và nữ thần Chiến Thắng có đôi cánh đang giơ cao vòng nguyệt quế. Lúc chúng tôi ở đó thì Khải hoàn môn đang tu sửa.


10387015_307392906088908_1375756252994868536_o.jpg



Bạn tìm đường hầm để sang bên kia đường, nơi có công viên Chiến thắng (Парк победы на Поклонной горе). Công viên là công trình tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh trong Đại nội chiến 1941-1945.

Quyết định xây dựng công viên này được ban hành tưf năm 1942, nhưng do xảy ra chiến tranh nên đã không thực hiện được. Mãi đến tận cuối thập niên 80 công viên được xây dựng và được khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng 9 tháng 5 năm 1995.


10481660_307393822755483_8790239347984674483_o.jpg



Công viên có diện tích 135 ha. Trên khuôn viên bao gồm Bảo tàng nội chiến vĩ đại, Tượng đài Chiến thắng và ba ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ trong các cuộc đại chiến. Di tích quan trọng nhất của quảng trường là cột đài tưởng niệm cao 141,8 mét. Chiều cao này có ý nghĩa là 1.418 ngày đêm của cuộc Nội chiến vĩ đại. Ở độ cao 100 mét có bức tượng đồng của nữ thần chiến thắng - Niki.

10498147_307394696088729_3055930660168769218_o.jpg



PHỐ CỔ ARBAT VÀ NEW ARBAT

Sau khi tham quan chụp ảnh ở Công viên Chiến thắng bạn xuống bến metro cùng tên nằm ngay cạnh đó và đi tham phố cổ Arbat (Старый Арбат) nằm ở trung tâm Moscow, cũng không xa Điện Cremly bao nhiêu. Bạn đi 3 bến và xuống ở bến Arbatskaya. Lên khỏi metro bạn sẽ nhìn thấy 1 cái rạp chiếu phim nhỏ tên là "Художественный". Đúng từ rạp bạn đã nhìn thấy phổ cổ cách khoảng 300 mét năm ở phía bên kia của con phố cắt ngang.

Phố cổ Arbat dài khoảng 1 km, là nơi gắn bó mật thiết với cuộc sống của hầu hết các đại danh hào nổi tiếng của Nga: các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ, bác học. Phố Arbat lần đầu tiên được nhắc tới vào năm 1493. Vào thế kỷ 17 con phố này chuyển thành phố buôn bán và được đổi tên thành Smolenskaya, nhưng cái tên này không thích hợp lắm nên lại đổi lại thành tên ban đầu.

arbat.jpg


Sau vụ hỏa hoạn năm 1736, phố Arbat đã được xây dựng lại và các nhà quý tộc bắt đầu chuyển tới sống tại đây. Nơi đây có nhiều gia tộc nổi tiếng của Nga từng sinh sống như Gagarin, Dolgoruky, Tolstoy, Rostopchin, cũng như các văn sĩ nổi tiếng như Pushkin, Gogol, Tolstoy, Saltykov-Shchedrin, Chekhov.

Cuối thế kỷ 19 người ta bắt đầu xây dựng các cửa hàng, các ngôi nhà cao tầng và các nhà hàng. Trong các thập niên 30-50 của thế kỷ trước, Arbat trở thành con đường của chính phủ, nơi Stalin đi xe tới Điện Kremly. Năm 1952, một trong bảy tòa nhà chọc trời nổi tiếng của Moskva, nay là trụ sở Bộ Ngoại giao, được xây dựng trên quảng trường Smolensk, đầu phố Arbat Cổ, và vào thập niên 1960, người ta xây dựng đại lộ Arbat mới rất hiện đại và đẹp, chạy song song với phố cổ Arbat

Pushkin_Goncharova_Arbat_2005.jpg


Dự án chuyển phố Arbat Cổ thành phố đi bộ được tiến hành trong giai đoạn 1974-1986. Cuối những năm 80 khi hàng hóa ở Nga khan hiếm thì phố này là điểm buôn bán hàng xách tay nổi tiếng nhất ở Moscow. Ngày nay, Arbat Cổ là con phố đi bộ chính và là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của thủ đô Moscow.

Bạn nên đi dạo phố này vào buổi chiều cho tới khi lên đèn sẽ rất đẹp. Tại phố này có rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm đặc trưng của Nga. Nhưng bạn chỉ vào xem và không nên mua cái gì ở đây vì giá đắt gấp 3 đến 10 lần so với chợ đồ lưu niệm mà tôi sẽ kể sau.
Đi dọc hết con phố cổ này bạn lại chui xuống ga metro Smolenskaya (Смоленская), nằm ngay ở cuối này, để đi về nhà.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,768
Bài viết
1,137,713
Members
192,664
Latest member
m8winac
Back
Top