What's new

Cà Nàng, nơi tận cùng thế giới

Tháng đầu tiên của năm quả thật có nhiều chuyện tệ hại đã xảy ra với tôi. Sau tất cả cố gắng, tuần này tôi được rảnh rang. Những cuộc điện thoại thông báo các thông tin rất xấu về các dự án lớn mà chúng tôi kỳ vọng và giành nhiều công sức và tâm huyết, như tất cả mọi lần, tôi đã thực sự cố gắng với những gì tôi cho là quan trọng, và khi thất bại, tôi không khỏi cảm giác chán nản và mệt mỏi. Tôi nghĩ mình nên dừng lại và nghĩ xem tất cả chuyện gì đã xảy ra, tại sao tôi lại thất bại, tôi thực sự cần điều gì trong cuộc sống này?.

Tôi nằm ở nhà mà thấy mọi cái quá ồn ào, tiếng trẻ con cãi nhau, tiếng xe rồ ga phóng vụt qua ngõ, tiếng cãi vã nhau của hàng xóm,..bla..bla…Tôi nghĩ mình cần một nơi khác ngoài Hà Nội và Tây bắc huyền bí và quyến rũ vẫn hấp dẫn bước chân tôi, tôi vẫn ngày đêm nghĩ về việc hoàn thành kế hoạch đi hết Đất nước Việt Nam xinh đẹp trong năm 2011 trước khi chinh phục những vùng đất xa xôi hơn. “Mỗi bước đi lại thêm yêu tổ quốc”, tôi vẫn nhận thấy điều đó sau mỗi chuyến đi của mình. Tôi chuẩn bị rất nhanh và dường như mọi thứ lúc nào cũng đầy đủ cho một chuyến đi. 10h30 tôi bắt đầu rời khỏi nhà. Mọi lần trước mỗi chuyến đi, tôi đều có kế hoạch rất chu đáo. Và một lần tôi thử đi mà không có một kế hoạch nào cả. Tôi chỉ định hình trong đầu 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu là nơi tôi sẽ đến vì đơn giản đó là 2 tình còn lại phía Bắc tôi chưa đặt chân đến.

Ngày 1 (28/2/2011)

Hà Nội - Tòng Đậu (Mai Châu): 130km

Chặng đầu tiên đường rất đẹp và tôi cũng chỉ chạy rất chậm, một phần vì tôi có nhiều thời gian, một phần vì tôi đi để tìm kiếm sự yên bình và cũng để thử sức lần đầu tiên cho chiếc xe của mình, tôi muốn chắc chắc xem liệu nó có thể vượt qua được những cung đường khó khăn hơn không, vì theo giấy khai sinh, chiếc xe cũng được sản xuất cách đây khoảng 25 năm.

Trên đường đi, một ý nghĩ nảy ra trong đầu: ”Tại sao tôi lại không chạy dọc ngược dòng sông Đà lên thượng nguồn của nó nhỉ?”. Tôi đã được đọc Nguyễn Tuân, cụ gọi nó là “ma cà rồng”, còn rất nhiều tài liệu của những người gắn bó với nó, trong đó có lời nhận xét của GS-TSKH Đặng Vũ Khúc “Sông Đà chảy qua vùng đá gốc cổ với nhiều cấu tạo địa chất, nhiều tầng đá có tuổi khác nhau. Ở những vùng này, nền đá cứng ép lòng sông nhỏ lại, hai bên sông vách đá cao vút, con sông trở nên hung dữ như quái vật, ầm ào lao đi như tên bắn”. Tôi đã bị con sông này mê hoặc hoàn toàn khi đọc các tài liệu về nó và tôi chỉ muốn trải nghiệm một chút về nó, về phong cảnh và con người sống quanh nó, tất nhiên, tôi sẽ không thể khám phá hết với chỉ 4 ngày dong duổi của tôi…

Tôi rẽ vào Bến sông bên Thủy điện Hòa Bình, điểm cuối của con sông để hỏi xem liệu có đi được bằng xe máy lên thượng nguồn từ đó không. Tất nhiên tôi biết đường từ Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chỉ có Quốc lộ 6 mới được làm lại cách đây 8 năm gì đó, nhưng đi đường đó, nó quá cách xa con sông và hiển nhiên, tôi sẽ chẳng thể cảm nhận được gì nhiều từ con đường đó. Tôi đành phải quay ra chạy đường 6 vì hiện con đường chạy dọc sông lên thượng nguồn vẫn chưa hoàn thành. Không sao, tôi sẽ bắt đầu tại một điểm xuất phát mới. Tôi dừng nghỉ tại Mai Châu lúc chiều muộn, cách Hà Nội 130km, mọi thứ yên bình hẳn……..

Ngày 2 (1/3/2011)

Quãng đường:
- Tòng Đậu - Sơn La: 170km
- Sơn La - Pá Uôn (vào Bản Bom Xinh) (tỉnh lộ 107QL 279) - TT Quỳnh Nhai - Bản Khoang (Xã Pha Khinh): 93km

Tôi xuất phát từ 6h30 sáng, xe chạy khá ổn khi băng qua các ngọn đèo từ Mai Châu đi Mộc Châu, tất nhiên, những ngọn đèo ở đây chỉ là trò đùa khi so sánh với Ô Quý Hồ, Mã Pì Lèng, Pha Đin hay Khau Phạ về độ hiểm trở và cảnh đẹp. Hoàn toàn có thể cảm nhận không khi mùa xuân đang tràn ngập nơi đây với những vườn mận nở trắng hai bên đường, ướt đẫm hơi ước, và cả nhưng cây hoa hồng đào đua nhau nở muộn, các trồi non cũng đua nhau mọc lên…Chỉ ba màu đó thôi, tôi nghĩ, cũng khó khiến ai không cảm thấy yêu đời và tràn đấy sức sống.

Qua Mộc Châu, tôi gặp 2 người phụ nữ Thái đang bắt cá hay ốc gì đó bên dòng suối Sập, một chiếc rọ đeo bên hông, một chiếc vợt nhỏ cào xuống dưới lòng suối, vì ở quá xa, tôi không rõ họ bắt được thứ gì sau những lần đó.

Qua Sơn La một đoạn, vì đánh rơi tờ bản đồ nên tôi rẽ vào Tỉnh lộ 107, đây đúng là con đường tệ hại, dù nó gần hơn, nhưng đường xấu nên đi mất nhiều thời gian và sức lực hơn. Con đường bụi mù, gập ghềnh đầy ổ gà xuyên qua các thị trấn thưa thớt dân cư. Càng đi, tôi càng thấy ít màu xanh tươi như quãng đường từ Mai Châu đi Mộc Châu, thay vào đó là những quả đồi trọc, cây cối xơ xác bạc màu. Đi hết đường 107, tôi đến Pá Uôn, tôi vào Bản Bom Xinh nằm ngay sát mép sông Đà, lúc đầu, tôi ngỡ đó là một khu du lịch vì các nhà sàn được làm rất đẹp với mái ngói đỏ tươi. Đứng từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, nó đúng như tên gọi của nó, xinh xắn và mỏng manh như rất nhiều chiếc thuyền độc mộc đang neo đậu phía dưới. Tôi vất vả với chiếc xe của mình để giúp nó vượt qua cái dốc khoảng 40 - 45 độ gì đó, tôi phải nhờ bọn trẻ đẩy đằng sau mới bò lên được. Ngược cả con dốc khoảng 500m từ dưới bờ sông lên đến đường cái là thử thách đầu tiên cho tôi và chiếc xe. Nó không phải là những con dốc dọc đường quốc lộ phẳng phiu. Nó là những con dốc của các bản làng với đường đất sát ngay mép vực, dựng đứng, đầy những ổ gà trên đường và chỉ rộng trừng 2m. Nếu đi quá chậm, xe của tôi không đủ khỏe để lên và có thể chết máy và tuột dốc, đó sẽ là thảm họa. Chỉ còn một cách, đi số 1 và tăng hết ga..Hơ hơ, quá tay một chút, tôi sẽ sang thẳng quả đồi bên kia bằng đường chim bay.

Tôi ngạc nhiên khi hình ảnh đầu tiên đầu tiên tôi gặp phải khi đến Pá Uôn là cầu Pá Uôn bắc qua 2 bờ Sông Đà, tôi đã hoàn toàn chuẩn bị tinh thần mất vài tiếng đồng hồ để đợi và đi phà qua sông. Giờ đây, tôi chỉ mất 5 phút. Sau này, tôi mới biết đây không phải là điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên về sự thay đổi nơi đây vì những gì tôi biết và nghĩ là hiện tại, nó đã trở thành lịch sử cách đây 2 - 3 năm, từ khi bắt đầu chặn dòng sông Đà để làm thủy điện Sơn La.

Tôi hỏi đường vào Xã Cà Nàng, lúc này đã là 4h chiều, họ cho tôi biết tôi sẽ đến được đó vào lúc 8 - 9h tối. Tôi nghĩ tới quãng đường tôi đã đi qua khoảng 230km, và nghĩ tới thời gian và quãng đường cần vượt qua. Tôi chưa bao giờ đi vào lúc muộn như thế giữa rừng cả, nếu có, nó cũng là các cung đường khá dễ đi, nhưng chuyện này hoàn toàn khác, tôi đối mặt với quãng được 57km từ Quốc lộ 279 và xã Cà Nàng mà người bản địa đi mất 3h, còn họ nói tôi mất khoảng 4-5h, trời tối thì mọi chuyện sẽ khác hơn. Điều này càng làm tôi thêm phấn khích.

Tôi quyết định đi tiếp.

Con dốc đầu tiên, tôi không thể vượt qua nó, xe chết máy giữa chừng và trôi tuột xuống, tôi phải ngả xe sát mặt đường, nếu không tôi và xe có thể lăn như bi. Tôi đã có chút ít kinh nghiệm ở bản Bom Xinh nên lần thứ 2 tôi có thể vượt qua nó một cách khá khó khăn. Một cậu thanh niên chạy vọt qua tôi, cười với tôi khi thấy tôi hì hục vượt dốc. Lên đến đỉnh, chúng tôi dừng lại nói chuyện với nhau một chút. Cậu ta khuyên tôi nên nghỉ lại khi biết quãng đường tôi định đi trong thời gian này, khi tôi hỏi về công việc và cuộc sống, cậu ta nói tối nay sẽ đi thả lưới, kéo vó bè ở trên Sông. Tôi đồng ý nghỉ lại ngay khi nghe thấy điều đó, đó chẳng phải là điều tôi đi tìm kiếm?. Còn gì tốt hơn để hiểu về dòng sông là theo người bản địa đi đánh cá trên dòng sông đó.

Chúng tôi đi mất khoảng 1h30 để về đến Bản Khoang, xã Pha Khinh, nằm ngay sát bên dòng sông Đà. Trên đường về, Văn - tên cậu thanh niên - chỉ cho tôi thấy vẫn còn một số đoạn đường nhựa phía bên kia sông, nằm treo leo trên những ngọn đồi cao nên vẫn chưa bị ngập…Tôi lờ mờ nhận ra những đổi thay nơi đây khi tôi thấy sông Đà không còn dữ dằn như nó từng được một tả, thay vào đó là những khúc sông rộng lớn hơn và hiền hòa hơn.
 
Last edited by a moderator:
Đây thực sự là điều thất vọng đầu tiên của tôi cho chuyện đi này. Tôi muốn nhìn thấy nó hung dữ như con quái vật, tôi muốn gặp cụ Sáu (110 tuổi), sống ở xã Cà nàng, người chuyên câu cá Chiên - loài cá được mệnh danh là “Quái vật sông Đà” vì chuyên ăn xác chết, thậm chí cả xác người chết trôi vì lũ, có những con bắt được nặng tới 150kg…Và nếu được cùng cụ đi câu loài cá này trên những khúc sông ầm ầm thác dữ, tôi mới thỏa lòng.

Toàn bộ những ngôi nhà sàn ở bản Khoang được làm bằng gỗ, có nhiều nhà được làm từ gỗ nghiến rất đẹp, các chân cột nhà được đặt trên những chiếc trụ bê tông hay tảng đá, nó đứng vững nhờ số lượng cột nhiều và sức nặng của ngôi nhà. Không hề có sự ngăn cách giữa các khu sinh hoạt trong gia đình; chuồng trâu ngay bên phải ngõ vào nhà, chỉ cách cửa chính ra vào nhà khoảng 2m, không nhà tắm, không nhà vệ sinh, phía dưới sàn còn nuôi đủ các vật nuôi khác, không internet, không sóng điện thoại di động.

Không còn gì để mô tả sự thiếu thốn và chất lượng cuộc sống của người dân ở đây, nhưng có một điều tệ hại hơn nhiều so với cơm ăn, áo mặc…

Văn sinh năm 1984, đã có 3 đứa con: 2 trai, 1 gái; hai đứa sau đều không thể đi được (một đứa 3, một đứa hơn 1). Văn kể: “Khi đứa thứ 2 xác định không đi được (yếu cột sống), bọn em đã định dừng lại, nhưng thằng cu Điệp (con trai đầu) nó bảo “con không biết đi chơi với ai cả”, thế là một đứa nữa ra đời”. Thật trớ trêu, đứa thứ 2 cũng vậy. Tôi bắt đầu hỏi nhiều thông tin hơn như môi trường sống, hay có thể một nguyên nhân nào đó dẫn tới các kết cục này. Khi tôi hỏi tên vợ Văn, tôi giật mình vì nó cùng họ với Văn, và Văn nói rằng hai vợ chồng là anh em họ.

Cả bản có khoảng 40 hộ dân, chủ yếu gồm 2 họ Lò và Lường nên chuyện hôn nhân cận huyết thống là điều khó tránh khỏi. Và giờ tôi mới link đến thông tin Văn còn 2 người anh nữa đã mất. Tôi không khẳng định những phỏng đoán của mình, tôi cho đó là nguyên nhân chính vì tôi hỏi về các trường hợp khác trong Bản. Điều đau lòng, nếu phỏng đoán của tôi là đúng (thực ra điều này đã được khẳng định từ lâu), họ có vẻ rất mơ hồ về nguyên nhân của những đứa con không lành lặn, yếu đuối, có vấn đề về sức khỏe; cả bữa ăn, tôi thấy hiện lên câu hỏi nguyên nhân qua những câu nói của Văn….Nó theo tôi vào trong giấc ngủ chập chờn bởi tiếng gà gáy râm ran từ tận 1h30 sáng, tiếng những con ngan sống ngay phía dưới tôi kêu ca ầm ĩ, hay của mùi phân gia súc hôi nồng nặc…Tôi nhìn ra ngoài cửa, quá lâu mới lại được nhìn thấy bầu trời đầy sao lấp lánh như thế. “Giá như mỗi vì sao là một điều ước cho cuộc sống của những người dân nơi đây”.

Ngày 3 (2/3/2010)

Tôi bị đánh thức bởi tiếng động của mọi người, họ dậy rất sớm để chuẩn bị đồ để đi nương, người dân ở đây có khi đi hàng tuần mới về nhà, nhưng giờ cũng ít nương hơn để làm,….Tôi tạm biệt cả gia đình Văn để lên đường. Đêm qua, tôi tỉnh dậy, khát nước, cổ họng đau, đầu hơi nặng và người gai gai lạnh…chắc do chiều qua đến đây tôi tắm nước lạnh. Điều này là tôi có ý định quay về sau khi trải qua 1h30 cho đoạn đường 15km đường vào đây. Ngày hôm qua tôi đã kiệt sức. Hai lần đổ xe khi cố vượt dốc để ra khỏi bản Khoang sáng nay, lần thứ 2 bị vỡ gương và may mắn chân không bị xe đè lên. Mỗi lần leo dốc, tôi phải nín thở và nghiến chặt răng.

Khi tôi quay lại được khoảng 1km, tôi nghĩ “Mới chỉ có hơi ốm một chút, 2 lần đổ xe và gương vỡ thôi mà, mình đã đi đến tận nơi đây….”. Và tôi vòng xe lại với quyết tâm hơn.

Đường càng vào sâu càng trở nên hiểm trở và khó đi hơn, đặc biệt khi băng qua các con suối nhỏ, nước làm cho đất trở nên trơn trượt, người dân con lấy các hòn sỏi tròn vo ở dưới các con suối dải lên làm đường, có những con dốc dựng đứng lại cua gấp. Mỗi khi băng qua được một con dốc khó khăn, cảm giác chinh phục càng làm tôi phấn khích. Con đường này đang được mở thay cho con đường cũ bị ngập nước, nhiều khi đi cả đoạn dài vài km, tôi không gặp được bất cứ ai để hỏi đường hay các thông tin cần thiết. 10h sáng, tôi giải tỏa con đói bằng một hộp sữa Mộc Châu vì dọc đường, tôi để ý, không có quán PHỞ 24 nào cả.

1h30, tôi đến Bản Phướn, Xã Cà Nàng, tôi dừng lại bên một lớp học ngay dưới gầm của nhà sàn của lũ nhóc 5 tuổi, nghe chúng đọc bài thơ tặng mẹ nhân ngày 8/3 và hỏi thông tin về cụ Sáu. Thật may mắn, các cô giáo ở đây biết rất rõ về cụ vì trước đây ở ngay gần nhà cụ. Điều thất vọng thứ 2 là tin cụ chuyển về khu tái định cư Mai Sơn (cách chỗ tôi đang đứng khoảng 150km về phía HN) sau khi bản Cà nàng bị ngập nước.

Thật buồn cười, tôi cứ mải mê kiếm tìm những điều không còn là hiện thực nữa. Tôi đã đến được nơi cần đến, nhưng dòng Sông Đà không còn hung dữ nữa, và người chuyên đi săn con quái vật sông Đà cũng đã chuyển đi nơi khác. Tôi đứng giữa lũ trẻ hiếu kỳ và không biết phải làm gì tiếp theo, đi tiếp, ở lại hay quay trở về.

Nói chuyện một lúc, các cô giáo mời tôi ở lại ăn cơm và tôi nghĩ, tôi không còn lựa chọn nào, tôi đã quá đói và nếu đi tiếp, tôi cũng không thể kiếm được quán ăn ở đây. Họ thết tôi món trứng tráng, rau cải ngồng luộc chấm với cá muối và cá suối gác bếp nướng, với tôi, đó thực sự là bữa tiệc rồi. Tôi hỏi về chợ để xem tôi có thể kiếm thêm ít đồ ăn gì hay không và họ cho rằng tôi đang trêu đùa họ. Toàn bộ cuộc sống là tự cung tự cấp, trước đây khi chưa ngập nước, họ còn tự trồng lúa được, giờ thì họ phải mua. Tôi trở thành nơi họ trút hết tất cả sự bất bình về chính sách tái định cư: tiền trả thấp hơn nơi khác, 2 năm rồi chưa trả hết, chưa có ruộng nương cho họ tiếp tục sản xuất, về các vị đại biểu quốc hội mặc vét và đi oto, xuống 30 phút và xua tay trước tất cả các câu chất vấn của người dân….Tôi ngồi trong căn nhà sàn gỗ nghiến rất đẹp của anh Kẻo, nơi 3 cô giáo của bản ở trọ, trên tổng diện tích khoảng 80m2 đất, mảnh vườn còn lại khoảng 30m2 chỉ đủ trồng vài cây rau ăn hàng ngày. Tôi tự hỏi họ phải làm gì để đảm bảo cuộc sống khi không có ruộng nương? Phá rừng như việc họ lấy gỗ làm nhà? - Và đến mùa lũ, cô giáo Muôn kể rằng mình đã 5 lần nhìn thấy người chết trôi và cảm giác không hề dễ chịu chút nào. Đánh bắt cá?,….

Một cô giáo dạy tiểu học còn chỉ cho tôi các vết nứt gãy của ngôi trường tiểu học mới xây và nói: “Chỉ sợ có ngày sập chết cả cô lẫn trò”. Anh Kẻo nói với tôi căn nhà này có thể sống được mấy đời kèm theo nụ cười khi tôi hỏi nó tồn tại được bao nhiêu năm. Lần đầu tiên, tôi thấy một thứ gỗ chắc chắn hơn bê tông cốt thép của nền văn minh……Ngôi nhà gỗ từ việc phá rừng có thể đứng vững hàng trăm năm, còn trường học từ tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân lại không thể đứng vững khi bên dưới nó là sự run sợ của hàng trăm sinh mạng con người, đó là những đứa trẻ.
Viết đến đây, dù ai có đánh giá thế nào đi chăng nữa, tôi phải chửi một câu: Mẹ chúng nó, đến cái việc làm cho trẻ con mà chúng nó còn làm thế được.
Tôi cho rằng, việc quan trọng nhất để cải thiện đời sống người dân nơi đây là phát triển giáo dục. Tôi biết Nhà nước đổ rất nhiều tiền của vào đây nhưng (như chúng ta biết rất nhiều chuyện bi hài: họ được vay tiền mang về cất vào hòm, đến kỳ lại mang trả) nếu dân trí không được nâng cao, việc làm đó sẽ ít nhiều bị hạn chế tác dụng. Ấy thế mà cái lũ ấy đã dạy ngay cho lũ trẻ tiểu học, giai đoạn rất quan trọng để hình thành nhân cách con người, bài học đầu tiên: SỰ DỐI TRÁ, TÍNH ĂN CẮP VÀ SỰ HÈN NHÁT khi không ai chịu trách nhiệm về tình trạng đó.

Buổi chiều, cơn sốt bắt đầu ập đến cùng với toàn bộ tâm trạng u ám của tất cả mọi chuyện tôi nghe và thực tế chất lượng cuộc sống nơi đây, tôi chuẩn bị hành lý để lên đường. Khi tôi đang buộc lại balo, một bác sang lôi tôi sang ngồi nhà mới của anh con rể ngay cạnh nhà anh Kẻo để uống rượu mừng, buổi trưa tôi đã trốn bữa cơm đó vì cơn sốt, nếu không, như mọi lần chắc chắn tôi sẽ tham gia từ trưa. Khoảng 15 chén rượu cùng với chủ nhà, bố vợ chủ nhà, 2 đứa em chủ nhà và khoảng 10 đứa bạn em của chủ nhà làm tôi chết hẳn trong tiếng nhạc chát chúa mà nhóm thanh niên ở đây biến căn nhà sàn mới dựng thành sàn nhảy (họ có quá ít thứ để giải trí). Tôi hiểu, không nên từ chối rượu của thanh niên bản, sau đó, họ quý tôi ra mặt. Còn tôi, tìm lý do để về nhà anh Kẻo. Tôi đành phải ở lại một tối nữa ở đây, tiếp tục uống rượu trong bữa cơm tối. 8h tối, tôi xin phép đi ngủ, khi đặt lưng xuống chiếc giường dành cho khách, người tôi như muốn tan chảy ra, tôi cảm tưởng mình sẽ chảy róc rách qua từng khe ván lót sàn xuống phía dưới, rồi chảy xuôi về Sông Hồng….

Ngày 4 (3/3/2011)

Tôi xuất phát lúc 6h sáng để bắt kịp chuyến xuồng máy từ suối Cà Nàng, bản Pạ đi Pá Uốn, nếu lúc đầu tôi biết có xuồng máy đi, nếu tôi biết đường bộ đi quá tệ như thế, tôi đã chọn đường thủy. Lênh đênh khoảng gần 2h trên mênh mông sông nước sông Đà cũng là một trải nghiệm thú vị. Người đi cùng liên tục chỉ cho tôi về những nơi trước đây nó đã như thế nào…

Tôi tiếp tục chạy đường 279 ngược về Tuần Giáo, đến ngã 3 về Tuần Giáo, thấy biển báo còn 93km về Lai Châu làm tôi chán hẳn. Cơn sốt đã thực sự làm tôi cảm thấy yếu ớt, nhưng viên thuốc seeda (loại thuốc chúng ta dùng cách đây 20 năm) mà các cô giáo đưa cho tôi uống với vẻ băn khoăn, tiếc nuối gần như không có tác dụng gì. Về đến bến xe lúc 1hpm, từ sáng đến giờ tôi chưa có cái gì vào bụng vì tôi không thể nuốt nổi bát phở gà lúc rẽ vào thị trấn Phương Lanh. Mua vé xe oto về Hà Nội và kiếm một nhà trọ để nghỉ, tôi đã thiếp đi đến 3h chiều. Tỉnh dậy với cái bụng cồn cào và cài đầu nóng như lửa, tôi đi kiếm các thứ để giải quyết rắc rối của tôi: thức ăn và thuốc uống. “Mọi cái sẽ ổn”, tôi tự nhủ khi ngồi ăn cơm bên vỉa hè, nhìn mọi người qua lại, tôi thích cái cảm giác này, ngồi và quan sát cuộc sống của mọi người……
 
Last edited by a moderator:
Bác này viết hay qua, sắp thành Fan của bác đến nơi rồi, bác cứ viết tiếp đi, bài nào em cũng sẽ đọc. Ủng hộ bác.
 
Last edited by a moderator:
Hị, đang định có một chuyến lên Cà Nàng để chia tay QN mà bác viết thế này, em hãi quá. Có lẽ xuôi thuyền cho nó lành nhỉ :L.
 
Last edited by a moderator:
Quỳnh Nhai nay đã trở thành quá vãng ... Chuyến đi của bạn hay quá ! Cà Nàng là địa danh cũng ít người đến ,bạn đi cũng đã được 1 năm ,có tới chỗ Bãi đá cổ Cà Nàng không ? Chắc giờ đã chìm dưới nước sông Đà ?!
Tôi cũng có dịp xuôi thuyền qua đây ,đi từ Mường Lay xuống Quỳnh Nhai .Khúc sông Đà này đẹp nhất .đẹp hơn cụ Nguyễn tả nhiều...
Có thể bạn bị ám ảnh bởi cái phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng " Chết đuối Cà Nàng " ???
 
Tớ cũng đọc khá nhiều trên mạng trong suốt chuyến đi trong lúc tranh thủ vào internet. Nhưng thực tế ám ảnh hơn nhiều bạn ạ...nó ám ảnh vì chúng ta có rất ít cơ hội để thay đổi tất cả thực tế chán nản đó.....
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,325
Bài viết
1,175,234
Members
192,050
Latest member
khoangsanamico
Back
Top