What's new

[Chia sẻ] Châu Âu cho đại gia đình - lo lắng còn hơn chính mình xuất ngoại

Một buổi tối tháng Chín

Rồi thì cũng đến lúc tiễn các cụ ra sân bay... đột nhiên băn khoăn, tối nay mình làm gì nhỉ.

Suốt hai tháng trong đầu chỉ toàn visa, điểm đến, chỗ ở, giờ tàu... vân vân và mây mây, giờ là lúc nên chạm đất, tập trung cho việc khác mà sao vẫn cứ như đang ở đâu đâu.

Thôi thì, trong lúc chờ... quà, mình viết vài dòng chia sẻ chút thông tin chuẩn bị trước chuyến đi với mọi người trước. Hi vọng sẽ có ích ít nhiều cho những người đang ủ mưu thăm thú lục địa già.

Còn cụ tỷ tình hình thực chiến thế nào sẽ update sau (khi có tâm trạng) ha.



Từ một trong những chuyến đi cũ
1489612_955595114456403_6325875293582250790_o.jpg
 
Last edited:
Thông tin các chuyến bay từ VN đi châu Âu

Ừ thì mình cũng biết Expedia, Fare compare, Ebookers... cơ mà người Việt ưa dùng hàng nội nên cần đi đâu cùng check VietnamAirlines trước.

Ừ thì các bạn VNA không quá chuyên nghiệp, đồ ăn thì chán...bla, bla, bla... cơ mà với ưu thế bay thẳng thì chút vấn đề về chất lượng dịch vụ và sự chênh lệch khoảng 100-200 USD với đường bay đi châu Âu không ảnh hưởng gì lắm đến sức hấp dẫn của bạn VNA đối với mình.

Ừ thì bạn có thể nói là bạn thừa thời gian, thừa sức khỏe nhưng không thừa tiền nên cứ đường nào rẻ nhất là bạn chọn. Cơ mà tin mình đi, đối với một chuyến đi dài từ 10 ngày trở lên, sức khỏe mới là thứ quan trọng và cần tiết kiệm nhất.

Nghiêm túc mà nói, mình cho là những ai đã từng ê ẩm trên những hành trình bay dài hơn 10 giờ (cứ nói hạng phổ thông thôi nhé) đều sẽ đồng tình với mình là bay thẳng với VNA là trên hết, chỉ sợ hết vé hoặc giá chênh nhiều hơn nữa mới cần phải cân nhắc thêm thôi.

Dài dòng từ nãy đến giờ cũng chỉ để nói một điều là đại gia đình nhà mình đã chọn VNA với 12g bay từ HN đi Paris.

Và ngắn gọn hơn là... vé VNA cho chặng này bán vào dịp khuyến mại mùa hè cũng chỉ có hơn 17 triệu, nghĩa là rơi vào khoảng 850 USD thôi... và 30 kg hành lý ký gửi nhé :D

Tất nhiên là vé các đợt khuyến mãi mùa hè/mùa thu với giá tốt như vậy của VNA đều là vé không hoàn hủy, không đổi hành trình nhưng châu Âu là một chuyến đi cần thời gian chuẩn bị dài, ai cấm bạn lên kế hoạch, xin visa trước (bằng vé máy bay booking không thanh toán của VNA) rồi thong thả chờ đến ngày khuyến mãi định kỳ hàng năm là vớt vé, lên đường đâu.

Trang chủ và cách book vé VNA chắc ai cũng biết rồi.

Mình chỉ muốn ghi chú thêm là vé VNA chặng quốc tế khuyến mãi phải bay khứ hồi, nên là đi Paris thì về Paris, đi Frankfurt nhớ lên lịch trình về từ Frankfurt nhé.
 
Last edited:
Thông tin visa châu Âu

À vâng, muốn đi rồi, quyết đi rồi, lộ phí cũng đã sẵn sàng (hoặc đang tích trữ) rồi, cơ mà có đi được châu Âu hay không còn phải xem người châu Âu (cụ thể là mấy ông lãnh sự) người ta có đồng ý cho mình sang tiêu tiền hay không.

Ngoại trừ cái bạn Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ai-len, tên quốc tế là Great Britain hay tên thân mật vẫn gọi ngắn gọn là Anh ra, vẫn đang một mình một (vài) đảo ở phía Tây và nước Nga quá ư là rộng lớn ở phía Đông (mà chẳng mấy ai dại gì ghép chung vào một chuyến đi với các nước khác) thì nói chung là các nước châu Âu bà con thường hay nhắm nhe tới ngắm nghía đều nằm trong cái list thị thực Schengen cả.

Theo mình biết cho tới nay thì giang hồ vẫn đồn thổi và đâm đơn xin thị thực từ cửa Pháp là dễ và đông nhất (thực ra mình nghĩ chủ yếu là do có cái đường bay thẳng nên nó hợp lý nhất), kế đến thì lung tung nào Ý, nào Hà Lan, nào Phần Lan, nào Đức... vân vân và mây mây.

Không biết thực hư thế nào nhưng vì mình ở Hà Nội và xét về yếu tố địa lý là gần Đại sứ quán Pháp nhất nên mình thấy cứ nộp hồ sơ xin thị thực ở đấy cho đi lại nó đơn giản.

Mà yêu cầu về hồ sơ của các bạn ấy cũng chẳng có gì là phức tạp (hơn/khác) yêu cầu của những nơi khác, tổng hợp lại cũng là mấy mục sau:

+ Đơn xin visa điền đầy đủ bằng tiếng Pháp hoặc Anh, dán một ảnh 4x6 nền trắng mới chụp trong vòng 6 tháng (thực ra là đừng có cái ảnh nào lỡ xuất hiện trong hồ sơ của bạn, như ảnh hộ chiếu chẳng hạn, giống y chang mà lại có date xa hơn 6 tháng so với ngày bạn nộp hồ sơ xin thị thực là được ấy mà).

Hướng dẫn điền Tờ khai xin cấp thị thực Schengen - mẫu của ĐSQ Pháp nhé:

Các mục không thể không khai: số 1, 3 - 9, 11 - 25, 29, 30, 32, 33 và ngày tháng điền đơn, ký tên dưới cùng

Các mục có thể khai hoặc bỏ trống: các số còn lại :D

Cụ tỉ hơn nữa thì:

Số 1 và số 3 có thể điền y chang nhau, ghi đầy đủ cả họ cả tên, không chia họ một dòng số 1, tên + tên đệm một dòng số 3 cũng được
Số 10 chỉ dành cho trẻ vị thành niên, điền tên bố hoặc mẹ, hoặc người giám hộ.
Số 21 nếu đi chơi thì đơn giản nhất vẫn là tourism - du lịch
Số 32 điền tên + địa chỉ khách sạn tại địa điểm lưu trú đầu tiên hoặc lâu nhất khi nhập cảnh vào châu Âu.
Số 33 đơn giản nhất là cash - tiền mặt

Mẫu tờ khai của ĐSQ Pháp: http://www.consulfrance-hcm.org/IMG...2489/04b1da148419c2006840f0b5c155f2753c5e6c58

+ Hộ chiếu (còn hạn trên 6 tháng) và hộ chiếu cũ (nếu có thông tin đi các nước phát triển) cùng bản photo các trang có thông tin - cụ thể là trang 2 (trang có cái hình mặt mình), trang 3 và các trang có thị thực hay đóng dấu xuất nhập cảnh cũ

+ Chứng minh gia đình (cần dịch công chứng): sổ hộ khẩu (à vâng, tất nhiên là chỉ các trang có thông tin thôi) và đăng ký kết hôn (nếu có)

+ Chứng minh công việc (cần dịch công chứng):
gồm quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động (có thể tự dịch rồi nhờ công ty đóng cho cái dấu) hoặc lý lịch công tác (một bảng kê các đơn vị, chức danh công tác đã và đang làm + đóng dấu cơ quan), đơn xin nghỉ phép (tốt nhất là viết luôn bằng tiếng Pháp/Anh), quyết định nghỉ hưu/ thẻ hưu trí (đối với các cụ đã nghỉ hưu như 5/7 thành viên đoàn nhà mình), giấy xác nhận học sinh/sinh viên của trường đối với các đối tượng còn đang đi học (như 1 thành viên đoàn nhà mình).

+ Chứng minh tài chính:
có thể là (và/hoặc) sổ tiết kiệm, sao kê tài khoản, bảng lương, giấy tờ sở hữu nhà đất/ ô tô...

+ Booking vé máy bay đến và đi châu Âu
tốt nhất là book tạm loại thanh toán sau. ĐSQ không quan tâm đến chuyện bạn đã mua vé rồi và sẽ phải vứt tiền qua cửa sổ nếu không xin được thị thực đâu. Dù sao đó cũng là tiền của... bạn cơ mà :p

+ Lịch trình chi tiết
Dùng để xin visa thì tốt nhất vẫn là nhập cảnh vào nước xin visa đầu tiên và ở đây nhiều nhất. Ngoài ra thì... đi ít điểm thôi để đỡ phải book phòng khách sạn nhiều cho mất công. Ở lâu một chỗ quá làm gì cho hết thời gian ấy hả?! ... bạn lên lịch trình tự đi chơi cơ mà, nghĩa là thích đi rề rà thế nào là tùy bạn cơ mà, có phải đi tour đâu mà gấp mà gáp, mỗi ngày đi 1 - 4 điểm thôi là được rồi. Quan trong là bạn biết rõ mình đang đi đâu và làm gì ở đấy.
Nói chung là lịch trình dùng để nộp xin visa thì đơn giản và ít điểm đến thôi. Đến lúc xin được thị thực rồi thì bạn tha hồ vò đầu bứt tóc vẽ ra một cái lịch trình dự là sẽ đi (có thể được hết hoặc không) loằng ngoằng và rối rắm cũng chưa muộn.

+ Hợp đồng bảo hiểm du lịch toàn cầu (chung và có tên tất cả các thành viên - các cty bảo hiểm làm hợp đồng chuyên nghiệp lắm) cho đủ hoặc dư vài ngày so với thời gian chuyến đi dự kiến theo lịch trình.
Btw, nhà mình mua bảo hiểm của AIG, gói toàn cầu cơ bản cho chấu Âu trong 14 ngày là 441.000/người.

+ Booking phòng khách sạn tương ứng với lịch trình:
Đáng yêu nhất là booking.com vì không phải đặt cọc tiền trước và nhớ chọn chỗ được free cancelation với giá cả vì vị trí hợp lý một chút (không quá đắt, không quá xa).


Bạn cũng có thể viết thêm thư tâm tình giải trình mục đích chuyến đi và quan hệ của các thành viên (hai trong số những điều hay bị người ta hỏi nhất) gửi ĐSQ. Cơ mà viết gì thì viết ngắn gọn thôi... tôi thích, tôi rủ bạn, tôi đi, tôi nhất định sẽ về... chứ đừng làm văn tả cảnh làm gì, người ta không có thời gian + kiên nhẫn mà đọc hết đâu. Lỡ lại sai chính tả, ngữ pháp hay thông tin chỗ nào đó thì khổ.


Thông tin chung về thị thực các loại của ĐSQ Pháp http://www.ambafrance-vn.org/Thong-tin-chung-ve-cap-thi-thuc

Theo nguyên tắc của mình thì nghe đâu thì nghe, Chính phủ (aka ĐSQ) vẫn là người luôn luôn và duy nhất đúng. Cứ theo yêu cầu mà chuẩn bị cho đầy đủ là được.


Nhà mình đi đoàn 7 người, là một đại gia đình, nên mình đã viết một List of documents và tự kẻ một sơ đồ quan hệ của các thành viên đính lên trên tập hồ sơ.
Kế tiếp là Booking vé máy bay HN-Paris, lịch trình, bảo hiểm, booking khách sạn thứ tự theo lịch trình chung của cả đoàn.
Sau đó là hồ sơ riêng của từng người, kẹp theo từng hộ gia đình.
Ví dụ:
Người đầu tiên: Đơn xin thị thực, photo hộ chiếu, (bản dịch công chứng) sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, hợp đồng lao động, đơn xin nghỉ phép, sao kê tài khoản ngân hàng trong 6 tháng và giấy tờ sở hữu nhà đất.
Người thứ hai (có tên trong đăng ký kết hôn với người thứ nhất, ở cùng nhà nên phải chung hộ khẩu luôn rồi): Đơn xin thị thực, photo hộ chiếu, hợp đồng lao động, đơn xin nghỉ phép... hết.
Người thứ ba (con của hai người trên, vẫn đang có tên trong hộ khẩu - cháu nó chưa có gia đình, chưa được cho ra riêng mà): Đơn xin thị thực, photo hộ chiếu, giấy khai sinh, xác nhận của trường... cũng hết rồi.


Khi chuẩn bị hồ sơ được hòm hòm rồi, bạn cần gọi điện cho ĐSQ đặt ngày hẹn đến nộp hồ sơ (có thể chọn ngày đẹp giờ đẹp theo ý mình miễn
là không trước thời gian mà ĐSQ gợi ý hẹn nhé)

Hôm đi nộp hồ sơ thì cả nhà phải cùng đi. Nhà mình ngồi hết nửa cái phòng chờ của ĐSQ. Mình - kẻ không (được) đi - thì lại là người lên nộp hồ sơ :D Bảy người, chỉ có 3 người được hỏi thăm. Người số một thì Nhà bác đi bao lâu, đi những đâu, phụ huynh trả lời rất ngắn gọn đi n ngày, từ a đến b, qua m thành phố là x, y, z. Người số hai thì Bác có đi nước A rồi nhỉ - ừ, tôi đi công tác b ngày. Người số ba thì chị em nhà bác sinh ở nhiều nơi khác nhau thế - ừ, các ông các bà ngày xưa chiến tranh nên đi nhiều nơi mà.... Hết. Những người còn lại cứ tuần tự lên lăn tay, chụp ảnh thôi. Ngay cả nhóc em mình thuộc diện thiếu nữ trẻ trung không ràng buộc cũng không bị hỏi thêm gì hết (à, hôm đó em nó đã rất ngoan ngoan mặc quần dài áo sơ mi thanh lịch, tóc tai buộc gọn gàng, mặt mũi tươi tắn không son môi đỏ choét mắt kẻ đen xì).

ĐSQ hẹn 7 ngày làm việc thì đến ngày thứ 5 thấy trên mạng báo đã có kết quả, mình - xin nhắc lại lần nữa là kẻ không (được) đi - phóng ra nhận lại hộ chiếu với thị thực được cho dài hơn lịch trình dự kiến của nhà mình một tháng.

Giờ quắn quéo với lịch trình được rồi




10275487_955788257770422_8860927551520195741_o.jpg
 
Last edited:
Những ngả đường châu Âu - chọn ngả nào?

Haiz... thực ra lịch trình mới là thủ phạm làm mất thời gian và công sức... vò đầu bứt tóc của bà con nhiều nhất.

Đi đâu, đi bao lâu, đi thế đã hợp lý chưa, có rẻ không... tỷ tỳ ty câu hỏi loạn cào cào

Kinh nghiệm của mình là:

- Kê ra những nơi mình nghĩ là mình muốn đến.

- Hỏi google, tripadisor, lonely planet... xem những nơi đó có em nào (cái gì) đẹp, em nào hay... check thêm google images hoặc trang chủ của các điểm chơi bời đó (nếu có) để tạm tính xem sẽ chọn những em đẹp, em hay nào vào đội của mình và ước tạm thời gian dành cho mỗi nơi đến.

Và... đừng quên để ý đến cái khoảng thời gian/mùa mà mình dự định đi... ví dụ như ngoài khoảng giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 thì khỏi mất công đi Keukenhof (Hà Lan) làm gì, chưa đến tháng 6-8 thì đừng đến Provence (Pháp) đòi lavender hoặc mùa hè đến Munich thì chẳng mong gặp Lễ hội bia làm một vại được đâu...

- Lôi google map ra check xem vị trí tụi nó ở đâu, ráng thử sắp xếp thành từng nhóm từng nhóm theo các hướng (mà mình nghĩ là) hợp lý

- Viện http://www.rome2rio.com ra check xem đi từ chỗ a đến chỗ b đó có những phương tiện gì/ thời gian/ chi phí tạm tính

- Cộng hết thời gian ở, thời gian di chuyển, thời gian dự phòng xem thời gian (và tiền bạc) cho cả chuyến đi của mình nhắm đu có nổi không.

Sau một hồi bỏ ra bỏ vào thì lại check lại Google map và rome2rio... cứ như thế cho đến khi chốt lại những điểm mà bạn thấy mình nhất định phải đi và hợp lý lắm rồi thì đến bước tiếp theo...

Ngoài lề nho nhỏ là đến cái bước này rồi hẵng tính quăng lịch trình lên forum nhờ bà con giúp đỡ check giùm xem đã hợp lý chưa. Bà con trong diễn đàn chẳng ai là chuyên gia tư vấn du lịch được trả phí mà ngồi làm hộ mình hết từng ấy việc được.


(Đoạn bên dưới dành cho di chuyển bằng phương tiện công cộng thôi nhé)

- Bước tiếp theo/có thể xen kẽ với các bước bên trên là check phương tiện di chuyển từ điểm đến/thành phố/nước này sang điểm đến/thành phố/nước khác. Việc này thì rome2rio là một người bạn đường khá là đáng tin cậy. Bạn ý không chỉ cho biết các cách thức di chuyển chủ yếu mà còn có giá tiền tạm tính và trang web cung cấp các dịch vụ di chuyển đó nữa. Ngoài ra bạn có thể hỏi thêm google những câu như bus/train/cheap flight from abc to xyz để check chéo và tìm thêm thông tin.

- Một lần nữa rà lại danh sách các điểm đến đã chọn của mình sau khi đã xem xét các loại phương tiện di chuyển (và chi phí) xem có tiện đường không, có phương tiện để đi hay không, đi lại có đơn giản không (chẳng hạn tàu mà đổi 3-4 lần thì dẹp)... để chốt lại lịch trình cuối cùng.



Dầu biết có thể trong đời sẽ chỉ một lần này được đến châu Âu nhưng cũng không thể tham quá. Đi nhiều, mệt, tốn mà chẳng cảm nhận được nhiều... có khác nào đi tour 9 ngày 8 nước. Với khoảng thời gian trung bình là 15 ngày thì chọn khoảng 2 - 3 nước với khoảng 5 - 7 điểm đến là quá đủ rồi. Bớt thời gian chạy trên đường, tập trung vào tận hưởng không khí ở mỗi điểm đến sẽ giúp mình cảm nhận được châu Âu nhiều hơn.

Với các cụ nhà mình (khoảng U60 rồi) thì lịch trình nhẹ nhàng thôi, 13 ngày cũng chỉ đi 3 nước (Pháp - Thụy Sỹ - nhúng tẹo chân sang Đức) với 6 điểm đến quanh quanh giữa châu Âu, gọn vừa thành một vòng tròn nhỏ... Chi tiết sẽ chia sẻ sau khi các cụ kêt thúc chuyến đi nhé.
 
Last edited:
Đi lại bằng tàu và bus ở châu Âu thế nào cho rẻ

Chốt được điểm đến, phân bổ thời gian và tuyển được phương tiện vận chuyển hợp túi tiền và giờ giấc thì có thể tiến hành đặt mua vé bus/train/flight được rồi.

Các loại vé đi lại ở châu Âu có nhiều trang dịch vụ bán vé khác nhau nhưng có vẻ như thường thì mua trên trang chủ của chính hãng bus/train/flight vẫn có giá tốt nhất.

Về vấn đề này trên forum có quá nhiều cao thủ nằm vùng tại các nước châu Âu nên không dám múa rìu qua mắt thợ đâu, mình chỉ chia sẻ
chuyện đặt vé tàu cho chuyến đi lần này của các cụ nhà mình thôi.


Với tàu TGV của Pháp... chuyện đặt vé trước 3 tháng để được vé rẻ nhất thì chắc ai tìm hiểu sơ qua cũng đã biết rồi. Cơ mà vấn đề là lỡ cái thời điểm 3 tháng đó nó đã qua mất tiêu rồi thì sao :(

Nhìn chung thì giá vé tàu TGV cũng chênh lệch theo các chuyến khác nhau tùy vào giờ khởi hành -> mình chịu khó đi các chuyến giờ giấc quái đản một chút để tiết kiệm tiền vé vậy thôi.

Mà ngoài vé Prems bán trước 3 tháng thì nếu không phải mùa cao điểm, SNCF còn có chương trình giảm giá vào giờ chót (last minutes sale) nữa. Lỡ Prems rồi nhưng thường xuyên ra vào voyages-sncf.com thì vẫn có cơ hội nhặt được vé giá tốt ấy.

Với chuyến đi lần này, mình đã nhặt được 7 vé Paris - Bern (chuyến đi thẳng, ko phải đổi tàu) với giá chỉ có 25 Eur/người khoảng 10 ngày trước ngày đi. Tiết kiệm được khá nhiều vì nhà mình đông mà.

Như mình thấy trên trang voyages-sncf.com thì các hành trình đi bằng TGV từ Paris đến các thành phố khác như Tours, Lyon, Nice... và đi các thành phố nước khác như Amsterdam, Luxembourg, Geneve, Milan, Barcelona... cũng đang có giá rẻ từ khoảng 19 Eur trở lên thôi. Những ai đang có kế hoạch đi mùa thu/đông này thì nhanh tay check ngay nhé.


Bài toán đi lại ở đất nước đắt đỏ Thụy Sỹ

Bài viết của bạn namriver đã chia sẻ về loại vé Tageskarte Ticket khiến những ai âm mưu muốn đi Thụy Sỹ và lên "Nóc nhà châu Âu" Jungfraujoch thèm thuồng ghê gớm. Cơ mà vấn đề là nếu mình không quen bất cứ ai ở Thụy sỹ để nhờ mua Tageskarte Ticket, hoặc không còn (đủ) vé Tageskarte cho ngày mà mình muốn đi, hoặc các bác soát vé của đường sắt Thụy Sỹ giờ bắt ít nhất một người trong đoàn phải show thẻ Half-fare card (loại thẻ mà nếu có nó mới mua được cái bạn Tageskarte) thì phải làm thế nào với chi phí đi lại ở Thụy Sỹ đây?


Kinh nghiệm của mình là: hãy chọn thành phố làm điểm đến ở Thụy Sỹ một cách có tính toán hơn và chịu khó làm chim sâu hoặc cú đêm vì Jungfraujoch.

Một số thành phố ở Thụy sỹ có chính sách miễn phí phương tiện công công đi lại trong thành phố cho khách du lịch như Bern, Interlaken... sẽ giúp tiết kiệm được một khoản nho nhỏ.

Bên cạnh đó, đường sắt Thụy Sỹ cũng thường xuyên có chương trình Last minutes sale giảm giá vé tàu giữa các thành phố trong Thụy Sỹ đến 50% mà có ưu điểm hơn Tageskarte ticket là có thể đi các ngày khác nhau chứ không buộc phải đi trong vòng 24g.
Trang chủ của đường sắt Thụy Sỹ mua onl cũng rất đơn giản www.sbb.ch/en

Vé lên Jungfraujoch có loại Good morning/good afternoon ticket tuy có chút quy định chặt chẽ về thời gian bắt đầu khởi hành nhưng được giảm giá 25%

Từng khoản nho nhỏ góp lại cũng làm chi phí đi lại ở Thụy sỹ nhẹ bớt đi đôi phần rồi.


Về bus

Ngoài hệ thống Eurolines, mấy năm gần đây ở châu Âu cũng có nhiều công ty bắt đầu khai thác các tuyến bus liên quốc gia. Như mình biết thì giá cả đáng yêu nhất là Megabus (của Anh nhưng vẫn có một số tuyến chạy trong châu Âu), Meinfernbus (của Đức), IDbus (Pháp)...

ví dụ: Meinfern bus từ Cologne (Đức) đi Amsterdam (Hà Lan) chỉ khoảng 20Eur thôi.

Dù không phải tuyến nào cũng có bus nhưng có thêm sự lựa chọn (mà giá lại rẻ hơn nữa) cũng là quý lắm rồi nhỉ :)



10496010_955785061104075_2253830532822417726_o.jpg
 
Last edited:
@daugaunhoibo: đại gia đình đi du lịch gồm bao nhieu người vậy bạn, chi phí dự trù bao nhiêu vậy?

Nhà mình đi 7 người, gồm 6/7 phụ huynh trên 50 tuổi và một cô bé dưới 25 tuổi. Chủ yếu là O50 nên đi lại thong thả, thoải mái, không bờ bụi như thanh niên được :D

Đại gia đình nhà mình vẫn đang trong chuyến đi nên mình chưa chốt được chi phí chính xác nhưng trước khi đi đã thanh toán 80% chi phí gồm tiền ở và vé tàu TGV, tàu lên Jungfraujoch; các chi phí khác cũng tạmtính được nên tổng hợp chi phí thoải mái một chút thì nhà mình đi hết gần 50 triệu/người/15 ngày kể cả chi phí và thời gian đi về.

Ghi chú liên quan đến chi phí:
- Bay thẳng HN - Paris bằng VietnamAirlines
- không ở nhờ hay đi nhờ bất kỳ ngày nào/chặng nào
- thuê apartment ở ngay trung tâm, sạch đẹp, tiện đi lại và rộng rãi. Đặc biệt là số người lẻ lại đông nên giá thuê phòng chia đầu người bị đắt hơn đi nhóm chẵn 4, 6, 8 người.
- tất cả các chặng di chuyển xa đều đi tàu nhanh, chạy thẳng, không đổi tàu.
- thuê xe riêng đưa-đón sân bay.
- đi Thụy Sỹ và lên núi Jungfrau nổi tiếng đắt đỏ
- ở Paris tổng cộng 7 ngày.



Ngoài lề một teo, cô em mình kêu thảm thiết là mình quá quá đáng đi, ném cho nó mấy cái web rồi bắt tìm chỗ ở vừa sạch, vừa đẹp, vừa trung tâm, vừa an ninh, vừa tiện nghi (phải có thang máy) mà lại phải... rẻ cơ (không được quá 35 EUR/người/đêm) :D Cuối cùng thì sau ba tuần vật vã với đêm đêm bom facebook mình thì em nó cũng hoàn thành nhiệm vụ. Đang trong quá trình check "hàng" - sẽ có review cụ thể sau.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,675
Bài viết
1,135,067
Members
192,362
Latest member
8xbettco
Back
Top