What's new

[Chia sẻ] Nhật Bản - mùa anh đào không lỗi hẹn

Thế là cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được chuyến đi Nhật Bản lần này, đúng như mơ ước, vào mùa anh đào nở. Thông thường, tôi chuẩn bị cho các chuyến đi của mình rất chu đáo, để đảm bảo không bị quá “surprised” khi đặt chân đến một đất nước xa lạ, đặc biệt khi mình không biết nói, không biết nghe và cũng không biết đọc. Tuy nhiên, do một vài lý do rất lý do mà lần này tôi hầu như bị động.:Dam Nếu không phải vì quá háo hức với chuyến đi mà lên Phượt đọc chia sẻ của các anh chị thì có lẽ tôi đã phải “tay không bắt giặc”.
Chúng tôi dự định có 3 gia đình đi cùng nhau, mục đích đầu tiên là để người lớn ngắm hoa anh đào (thế nên cố đấm đi vào thời điểm này, khi mà ở Nhật giá phòng ốc đội lên đắt đỏ), và sau nữa là để trẻ con được thoải mái vui chơi ở Disneyland, Disneysea và Universal Osaka. Chúng tôi đặt vé đoàn, chỉ có 750$/vé, và yên tâm giao phó hết mọi chuyện cho một mẹ đã từng học và sống ở Nhật Bản cả chục năm trời. Đùng một cái, mẹ Nhật không thể đi được vì chuyện gia đình. Đùng thêm cái nữa, nhà còn lại có con năm nay thi vào lớp Một mà lịch thi trùng vào đúng lúc đi. Vé đã đặt cọc, chúng tôi phải hủy hết:(. Chỉ còn lại nhà tôi, hai vợ chồng vẫn quyết muốn đi, dỗ dành con gái ở nhà để lần khác đi với các bạn cho vui, còn bố mẹ hồi hộp chờ phòng vé “cướp chỗ”, vì trước khoảng hai tuần tất cả các chuyến bay đến Nhật mùa hoa anh đào đã over booked. Hai ngày trước ngày bay, chỗ được xác nhận, chúng tôi mới thực sự chuẩn bị cho chuyến đi của mình. Dù là gấp gáp như vậy, nhưng với sự giúp đỡ của mọi người ở đây, tôi cũng lên hòm hòm được lộ trình của mình và lên đường với mong ước ông trời ủng hộ để chúng tôi có thời tiết đẹp và gặp được nàng tiên anh đào đỏng đảnh nơi xứ sở mặt trời mọc.
Và nguyện ước đã thành công. Chúng tôi đi có nắng ấm, có mưa lạnh, có sương mù, nhưng thời tiết có thế nào cũng không cản được bước chân chúng tôi trên những nẻo đường xứ Nhật. Chúng tôi gặp anh đào chúm chím nụ ở Osaka, rực rỡ bung xòe ở Kyoto và đỉnh điểm nở rộ ở Tokyo. Và tôi kinh khủng thỏa mãn với chuyến đi ngắn ngủi này bởi những thứ mang về không chỉ là đầy ặc những bức hình hoa rực rỡ, xinh đẹp mà còn là những tình cảm tốt đẹp với đất nước và con người Nhật Bản, những thứ trước đây tôi chỉ được biết qua sách vở, ti vi.

Cũng qua chia sẻ này, xin được cảm ơn các bạn trên Phượt đã giúp đỡ chia sẻ thông tin và góp ý để tôi có được mấy phần tự tin dấn bước, đặc biệt là bluepearl0212, naisana, T-Minh, HDK, daugaunhoibo, ehviet… :L

Tôi xin chia sẻ về chuyến đi của mình chỉ ở những khía cạnh mà trước khi đi, tôi thực sự cảm thấy mu mơ mù mờ, và sau khi đã “thực địa’ thì tôi đã thấy vỡ vạc ra, rõ ràng hơn. Như thế để nếu các bạn đang chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên tới Nhật Bản của mình và đang cảm thấy “rối nùi”, thì có thể những chia sẻ của tôi sẽ giúp bạn được chút ít. Còn lại rất nhiều thứ tôi chưa trải nghiệm, chưa biết và vẫn còn mông lung. Hy vọng sẽ tiếp tục có cơ hội đến với Nhật Bản để có thêm nhiều trải nghiệm mới.

Đầu tiên là những cái “coin lockers”. Giống như ở nhiều nước phát triển, tại các nhà ga ở Nhật Bản đều có các ô chứa đồ, giúp khách có thể gửi đồ vào và thong dong đi chơi trong ngày, thậm chí qua đêm mà không phải lếch thếch với đống đồ lỉnh kỉnh hay những va li to đùng nặng chịch. Hành trình của tôi là tới sân bay Kansai (KIX) vào sáng sớm bằng chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines, tôi dự định sẽ ngay lập tức khám phá Osaka, dành cho thành phố này nguyên một ngày để tối muộn đáp tàu đi Kyoto. Và như vậy, tôi buộc phải gửi đồ lại ga tàu, vì không thể vác theo hai cái vali mà chạy lên chạy xuống được, nữa là lại còn mơ màng đua đòi picnic trong vườn anh đào. Nhưng trước khi đi, tôi cứ lăn tăn liệu nên gửi đồ ở ga Shin-Osaka hay ga Osaka. Ga Shin-Osaka là ga lớn cho tàu Shinkansen, nằm ngoài thành phố, theo lý thuyết sẽ có nhiều chỗ gửi đồ hơn, còn ga Osaka thì nhỏ hơn và ở trong thành phố, tiện hơn về đường đi mà tôi vẫn có thể đi tàu thường thì đây về Kyoto. Cái mà tôi cứ lăn tăn chính là nếu Osaka nhỏ hơn thì liệu có nhiều chỗ gửi đồ không, và nếu tôi không tìm thấy chỗ nào còn trống thì tôi sẽ buộc phải thăm quan thành phố với cả gia tài của mình lẽo đẽo kẽo kẹt lịch kịch phía sau. Ngay cả trên Tripadvisors cũng chỉ thấy recommend và hướng dẫn tìm chỗ gửi đồ ở ga Shin Osaka, khiến tôi lại càng lo ngại hơn. Nhưng bạn yên tâm vì thực sự là các ô gửi đồ có rất nhiều ở tất cả các ga tàu, với 3 kích cỡ khác nhau. Tất nhiên là ô bé là nhiều nhất và ô to sẽ ít hơn, nhưng chắc sẽ vẫn thoải mái cho bạn, nhất là khi bạn đến sớm. Tôi đã gửi ở ga Osaka - Osaka (300Y cho ô bé, 500Y cho ô vừa – để được vali cỡ trung, và 700Y cho ô to nhất – để được vali to) và ga Shinjuku – Tokyo (800Y cho ô to). Giá này thường được tính cho một ngày, nếu để qua đêm bạn phải trả gấp đôi. Các locker này đều là tự động. Có những ô chấp nhận cho bạn trả bằng tiền trong thẻ SUICA hoặc PASMO. Nhưng tôi không dùng thẻ này mà gửi những ô nhận tiền xu. Bạn cần đổi ra đồng 100Y để bỏ vào khe trên cửa locker. Ô nào còn chìa khóa cắm là ô đó đang trống, trên cửa có hiển thị số tiền phải trả cho một ngày (ví dụ 500Y), bạn cho đồ vào, sau đó nhét đủ tiền vào khe nhét tiền (trên màn hình sẽ trừ ngược cho đến 0), khi đó bạn khóa cửa, cầm theo chìa và yên tâm đi chơi. Nếu về trong ngày, bạn mở cửa locker lấy đồ bình thường. Nếu hôm sau mới về, bạn sẽ thấy màn hình lại hiển thị số tiền bạn phải trả thêm, bạn phải nhét xu vào cho đủ mới mở được khóa lấy đồ. Có một số nơi, máy đổi tiền xu sẵn ở ngay tủ gửi đồ, một số nơi thì không, nhưng nếu không có sẵn xu, bạn có thể đi đổi ở các quầy bán hàng tiện lợi 24/24 có sẵn ở ngay trong các ga. Bạn không cần nhớ số locker, vì số có trên chìa khóa bạn cầm đi, nhưng bạn lại cần nhớ chính xác vị trí của tủ để đồ của bạn ở khu vực nào trong ga. Với những ga chính lớn, bạn nhớ nhầm là mất rất nhiều thời gian và sức lực để chạy vòng quanh đi tìm lại. Các ga đều có sơ đồ giúp bạn định vị và định hướng, coin locker được đánh dấu bằng hình cái chìa khóa.
Chúng tôi có một chuyện chết cười vì xấu hổ. Chân ướt chân ráo đến Nhật, tay lót “một đống tiền” toàn tờ 10.000Y đổi từ ở nhà mang đi, rất hoành tráng ra đổi lấy xu ở máy. Chưa biết mặt tiền ra sao, cứ nghĩ đây chỉ là xèng mà trót đổi nhiều quá, rồi lại nghĩ về đến Tokyo, xèng có giống ở đây không mà dùng lại, thế là ra gặp anh nhân viên ở ngay cửa soát vé tàu, nằng nặc đòi mày đổi lại đống xèng này thành tiền cho tao, vì tao không biết rồi có dùng được nó ở locker ở Tokyo không. Anh kia mặt cứ ngẩn ra, vì tiếng Anh cũng không thủng lắm, trong mình cứ cứ một điều get back my money, hai điều get back my money rồi xòe đống xu ra trước mặt anh ý. Sau cùng tự mình hiểu ra vấn đề, hỏi lại anh ấy 1 câu hay đây là tiền Yên của chúng mày, tao dùng đi mua được đúng không, câu này dễ hiểu hơn, chàng gật lấy gật để, còn hai đứa tôi vừa cất tiền vừa cười ngặt nghẽo mãi không thôi vì chinh chiến cũng không phải là ít mà sao có lúc lại ngớ ngẩn thế này. =))=))
Đây là một locker chưa dùng, giá 500Y, bạn sẽ thấy khe nhét xu ngay dưới giá tiền, và thấp hơn nữa là cái chìa khóa.

locker%201_zps4v1jdye0.jpg
[/URL][/IMG]
 
Thứ hai là đến chuyện đi lại ở Nhật Bản. Đây có vẻ là vấn đề đau đầu muôn thuở cho các bạn phượt, không chỉ với những bạn lần đầu “đi Tây”, mà còn với cả các “anh chị có số má”. Theo như hiểu biết và kinh nghiệm ít ỏi của tôi, thông thường ở các nước phát triển, khi đi lại bằng phương tiện công cộng, bạn có thể mua vé lượt (cho một loại phương tiện như tàu hỏa, xe bus hoặc metro/subway), hoặc vé ngày (cho 1 hoặc nhiều loại phương tiện), hoặc Pass cho 2-3-5 ngày. Nếu mua vé ngày hoặc pass, bạn được đi lại thoải mái không hạn định loại phương tiện đã chỉ định trong thời gian valid. Riêng với vé lượt của metro, hoặc bạn cứ việc đi thoải mái tất cả các line, nhảy lên nhảy xuống tại các điểm dừng, miễn là chưa ra khỏi ga thì vé của bạn vẫn hiệu lực, hay nhảy lên nhảy xuống bus thoải mái trong vòng 60 hay 90 phút tùy nơi vẫn được.
Riêng ở Nhật có vẻ khác do cùng lúc có quá nhiều nhà cung cấp. Tại một ga, bạn sẽ thấy chỉ dẫn đến các khu vực các nhau của các nhà cung cấp khác nhau, mà tại khu vực đó sẽ có quầy bán vé, máy bán vé tự động, cửa soát vé ra/vào tự động, và nhân viên trực ở cửa ra vào. Vì vậy, cùng đi từ điểm A đến điểm B, bạn có nhiều lựa chọn khác nhau với giá vé khác nhau. Ví dụ đi Nara từ Kyoto, bạn có thể đi bằng tàu của JR hoặc tàu Kintetsu. Bạn sẽ lựa chọn dựa trên yếu tố nào? Nếu bạn mua JR Pass (loại 7 hay 14 ngày), đương nhiên bạn sẽ chọn tàu của JR vì nó đã được cover trong Pass của bạn. Còn nếu không, bạn có thể chọn cái nào giá rẻ hơn, hoặc được đi thẳng mà không phải đổi tàu, hoặc cái nào mà đường đến ga của bạn thuận lợi hơn, ví dụ ga Kintetsu ở Nara thì gần trung tâm hơn ga của tàu JR. Bạn có thể nghĩ đến giờ tàu thuận lợi nữa, nhưng thực sự mà nói thì tàu ở Nhật hầu như chạy liên tục, nếu bạn không mua loại vé có phí giữ chỗ (nghĩa là trên vé có số ghế, số toa, giờ tàu, số tàu) thì bạn có thể nhảy lên tàu sau nếu lỡ tàu trước.
Cũng phải nói thêm cái này vì tàu (train) ở Nhật trong giá có thể bao gồm 1 mức hoặc là tổng của 2 mức khác nhau. Nếu tàu không giữ chỗ, chỉ có fare, bạn sẽ ngồi nếu còn ghế trống. Nếu là tàu giữ chỗ, bạn phải trả fare + phí giữ chỗ (reserved seat). Nếu đi gần, chỗ không quan trọng, nhưng đi xa thì phải/nên giữ chỗ để ngồi (và tranh thủ ngủ). :D
Vì vậy, trước khi đi, bạn cần kiểm tra để quyết định mình sẽ đi tàu của hãng nào để tìm khu vực mua vé và vào cửa của hãng đó khi đến ga.
Vé có thể mua ở quầy bán vé, người bán vé có thể không rành tiếng Anh, nhưng bạn có từ khóa trong tay (ví dụ đi Nara, 2 người, chuyến 08:30), thì họ sẽ dễ dàng phục vụ bạn. Nên nhớ bao giờ bạn cũng trả tiền trước, sau đó họ mới in vé ra đưa cho họ. Có vẻ hiển nhiên nhỉ, nhưng tôi nghĩ là không, vì lỡ hiểu lầm, họ in vé trước rồi bạn lại bảo không phải thế thì không biết sẽ thế nào. Nếu tự tin, bạn có thể mua vé ở máy bán vé tự động, lựa chọn tiếng Anh cho dễ hiểu hơn, lựa chọn số người bằng nút có sẵn vẽ hình 1/2/3 người ở góc trên bên trái màn hình. Hãy chuẩn bị đủ tiền mặt và máy hầu như chấp nhận tất cả các mệnh giá tiền giấy (dù to mấy) và tiền xu.
Lại phải mở ngoặc về cái máy bán vé tự động ở Nhật. Không chỉ bán vé tàu/xe ở ga, mà ở các điểm thăm quan cũng có rất nhiều nơi bán bằng máy như thế này. Nhanh chóng, tiện lợi, không tốn nhân công. Có thể bạn lóng ngóng vì là lần đầu, hãy nhìn sang bên cạnh để biết họ làm thế nào và bắt chước, kể ra cũng không khó quá.
Một điều khác lạ nữa mà tôi thấy ở Nhật là khi bạn check vé lượt ở cửa ra, cái máy sẽ nuốt luôn vé của bạn. Chỉ có các loại Pass, thẻ ngày là máy nhả ra trả bạn thôi. Kể cũng hay, như thế mà ở các ga của Nhật cũng hầu như không thấy rơi vãi vé đã dùng xong như ở Paris chẳng hạn. Chỉ có điều, bạn sẽ không có bằng chứng về sự đi lại để mang về mà thôi :shrug:

Tôi sẽ nói một chút về các phương tiện mà tôi đã đi để bạn có thể hình dung.

Ở Osaka, tôi đi từ sân bay Kansai về ga Osaka (để gửi đồ) bằng vé Chikatoku như bạn Naisana gợi ý. Sau đó đi lại qua các điểm ở Osaka bằng tàu, mua vé từng lượt một. Vì cũng chưa có kinh nghiệm gì nên cũng đến đâu mua tới đó, mỗi lượt khoảng 160 đến 240 Y. Nhìn vào bản đồ các tuyến/ga và giá vé to đùng ngay phía trên máy bán vé tự động, chúng tôi cũng không hiểu lắm, nhưng một chị thấy chúng tôi lơ ngơ đã nhiệt tình giúp mua vé hộ, thế là nhanh chóng nhất (beer). Nhưng sau này, khi đến Tokyo, cũng với hệ thống giá vé theo ga, theo line, chúng tôi mới thấy dùng hyperdia là nhanh và chuẩn nhất. Thực sự khi bạn đi Nhật, rất cần thiết một cục phát wifi, để chủ động online lúc mình cần, một smartphone để load được phần mềm check giờ tàu/giá tàu được nhanh chóng và chính xác. Tất nhiên là bạn phải có một bản đồ metro/subway của thành phố để biết chính xác tên ga tàu, và biết nơi bạn muốn đến ở gần ga tàu nào. Hyperdia chỉ search nếu bạn type đúng tên ga thôi nhé.
 
@Bumxiu: mong chờ hình hoa sakura nở rộ của bạn.
Xem cái hình coin locker của bạn nhớ lại chuyến đi lần trước, hai đứa mất hết 10 phút xoay xở để cố gắng nhồi nhét hai cái vali size small + hai cái ba lô vào locker 500yen cho tiết kiệm, không cần phải dùng hai cái locker :D
 
Ở Kyoto, chúng tôi hầu hết di chuyển bằng xe city bus. Sáng ra mua vé ngày tại cửa hàng tiện lợi Family mart tại bến xe bus gần nhà, chạy cả ngày đến tối luôn. Hiện tại, vé bus ngày là 500Y, trong khi vé lượt là 230Y/ lượt lên xuống cho người lớn và 170Y/ trẻ con. Như vậy, cứ nhảy lên xe lần thứ 3 trong ngày là bạn lãi rồi. Chúng tôi ở Kyto 4 ngày, tổng cộng chỉ hết 2000Y một đứa, đi lại tẹt ga. Tất nhiên, di chuyển bằng city bus thì có một số bất tiện như phải chờ lâu, một số điểm gần các site nổi tiếng thì xếp hàng dài dằng dặc, lên xe ở những tuyến này thì thường phải đứng. Tuy nhiên, tiền nào của nấy, chỉ với 500Y, tôi thấy rất thỏa mãn với những chiếc bus xanh của thành phố Kyoto xinh đẹp. Có một số chia sẻ để các bạn nắm rõ hơn:
1. Bạn mua vé lượt hay vé ngày có thể mua ở các cửa hàng tiện lợi (Lawson, Family Mart…) mở cửa 24/24 và có mặt khắp nơi. Vé ngày khi mua sẽ không có ghi ngày, nhưng khi bạn check vé lần đầu thì sẽ có ngày in lên mặt từ sau của vé. Vì thế nếu đông quá, bạn có thể không check vé qua máy mà giơ mặt có ghi ngày (to tướng) để bác tài nhìn thấy là cũng OK.
2. Tuy nhiên bạn cần một bản đồ tuyến bus để check đường đi lối lại của mình. ở các cửa hàng tiện lợi hình như chỉ có bản đồ tiếng Nhật, bạn nên qua ga Kyoto để lấy được bản đồ tiếng Anh.
3. Tại mặt trước của ga Kyoto là bến xe city bus, có một quầy thông tin để bạn hỏi han và xin bản đồ, có một loạt máy bán vé tự động nơi bạn có thể mua vé lượt hay vé ngày, có 4 lines đón khách A, B, C, D, mỗi line có đánh số 1,2,3,4. Trên bảng thông tin rất to gần quầy (nhà) Information có chỉ dẫn rõ ràng xe nào đón khách ở đâu (ví dụ xe 59 đón tại C3 chẳng hạn), bạn cần biết để tìm chỗ đón đúng nhanh chóng nhất. Trên bản đồ xe bus cũng có thông tin này. Phía trái của ga có Aqua Fantasy Club có trình diễn nhạc nước vào buổi tối, hình như 2-3 show một tối. Tôi chỉ biết có cái show này khi ra ga đón bus đêm đi Tokyo.
4. Tại điểm chờ xe bus (bus stop) trên đường, như ở Việt Nam, đều có ghi đây là bus stop của những tuyến nào. Nhưng khác hơn ở Việt Nam, bạn nên để ý đọc giờ của từng tuyến có ghi rõ theo ngày (trong tuần hay weekend). Tất nhiên bằng tiếng Nhật, nhưng giờ thì đọc cũng dễ hiểu thôi. Cái này quan trọng vì nó giúp bạn căn giờ quay lại đón xe mà không phải đợi quá lâu (có thể lên tới 20 phút) – trong mưa lạnh, lúc đói hay vội ra ga đón tàu, đợi chờ là vô cùng sốt ruột đấy ạ. Đồng thời họ có kiểu thông báo cho bạn đỡ sốt ruột bằng 3 ô trống, ô mà trống là còn chưa có xe, chừng nào có hình cái xe chạy ra là nó đang đến, khi nào có chữ xanh nền vàng hiện ra ở ô cuối cùng tức là xe sắp đến nơi (mà cái chữ này có nghĩa là gì tôi cũng không biết nữa)
5. Như ghi rõ trong bản đồ xe bus, vé bus ngày có giá trị trong vòng tròn đỏ của nội đô Kyoto (tôi dịch đại khái thế), giờ đã bao gồm cả những điểm xa mà trước đây phải trả phụ phí như Arashiyama.
6. Có 3 tuyến xe 100, 101, 102 là xe phục vụ riêng cho du lịch, chỉ dừng đỗ ở những điểm có site nổi tiếng nên sẽ nhanh hơn (và cũng đông hơn). Tôi cứ nghĩ là cái pass 500Y của tôi không được đi xe này, nhưng hóa ra vẫn đi được. Nếu đón được xe này, bạn sẽ tiết kiệm kha khá thời gian di chuyển vì nó không dừng đỗ nhiều như xe city bus. Nhớ là bạn phải xem giờ xe để không mất thời gian đợi quá lâu nhé.
7. Trên mỗi xe bus đều có màn hình và băng phát di động giúp bạn biết rõ sắp tới điểm dừng nào, nó có gần với điểm thăm quan nào, hay ga tàu nào nơi bạn có thể bắt tàu gì, phát bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, rất dễ hiểu và dễ theo dõi.
8. Xe bus ở Kyoto, bạn lên ở cửa giữa, khi xuống bằng cửa trước sẽ trả tiền hoặc đút thẻ vào máy check.
9. Và nếu bạn tính đi bus sáng sớm hay đêm muộn, thì nhớ xem trước giờ cho kỹ, kẻo sẽ lỡ chuyến bus cuối ngày là cũng phiền. Tất nhiên, giải pháp dự phòng là chờ một anh taxi táp vô. ở những điểm chờ xe bus đông khách (như Yasaka Shrine) thì rất đông taxi táp vô, nhưng ở những điểm xa điểm thăm quan thì cũng không có nhiều lắm, tốt nhất bạn nên biết và đúng giờ, vì xe bus ở Kyoto đúng giờ kinh khủng.
10. Và cuối cùng, nếu muốn xuống, nhớ bấm nút báo xuống, đừng quên.

Tôi muốn có một phần nói riêng về những cảm nhận của tôi về con người Nhật Bản, nhưng ở đoạn này, khi nói về xe bus ở Kyoto, tôi muốn kể mấy câu chuyện nhỏ, mà với tôi, nó phần nào cho thấy tại sao mọi người lại yên tâm đến thế khi ở Nhật, dù không biết nói, không biết đọc và nghe hiểu tiếng Nhật, và tại sao người Nhật lại được mọi người tôn trọng và kính nể đến thế ở khắp nơi trên thế giới.

Câu chuyện thứ nhất: Cảm ơn. Các chuyến xe bus Kyoto đông nghẹt người. Mỗi khi xe dừng, khách lần lượt đi về phía cửa trước để trả tiền, check vé xuống xe. Mỗi một người xuống là bác tài nói một lời cảm ơn, 10 người thì cảm ơn mười lần, 50 người thì cảm ơn 50 lần (nói thế hơi quá) nhưng đúng là cảm ơn liên tục, đến người khách cuối cùng xuống xe.

Câu chuyện thứ hai: Đổi xế. Chúng tôi thường đi chơi đến khuya mới về. Và tuyến xe của chúng tôi, đến khoảng sau 9h lại có việc đổi tài xế. Có lần thì chúng tôi xuống trước đổi xe sang xe khác nên cũng chỉ biết là xe dừng lại để đối xế, bác tài mới đã có mặt sẵn sàng đứng đợi và lên xe thay ca. Nhưng có lần chúng tôi ngồi lại trên xe để tiếp tục đi về, thì mới biết việc đổi xế diễn ra như sau: màn hình thông báo sẽ có việc tài xế thay ca, xin lỗi vì làm phiền quý khách. Sau đó bác tài cũ đứng dậy, quay về phía dưới xe nói lời cảm ơn, cúi đầu chào (kiểu Nhật) và xuống xe. Bác tài mới lên, cúi đầu chào khách, giới thiệu tên, nói thêm gì đó (chúng tôi không hiểu lắm), sau đó ngồi vào chỗ, đeo dây an toàn, chỉnh gương, đội mũ và bắt đầu lái đi.

Câu chuyện thứ ba: Hỏi tin. Đôi khi chúng tôi không chắc là mình lên xe hay xuống xe có đúng chỗ không, và chúng tôi lên hỏi bác tài, tất nhiên là hỏi theo cách chỉ chỏ. Và bác tài bao giờ cũng vui vẻ trả lời theo cách của bác ý để chúng tôi biết là mình lên xuống có đúng không. Khi đứng dưới bến chờ, cửa sau mở cho khách lên, cửa trước đóng, nếu bạn cần hỏi, có thể gõ cửa để bác tài mờ ra cho bạn chạy lên hỏi, và bác ấy bao giờ cũng vui vẻ giúp đỡ.

Câu chuyện thứ tư: Kiên nhẫn. Đường phố ở Kyoto không quá đông, và xe bus bao giờ cũng đi ở làn sát trái, dừng và đi tiếp, không hề lượn ra lượn vào tẹo nào, chỉ khi phải rẽ, xe mới tiến ra làn giữa chờ đèn để rẽ. Khách lên xuống thường đông, bao giờ cũng xếp hàng trật tự, lên và xuống khẩn trương nhưng không chen lấn xô đẩy, và bác tài bao giờ cũng bình tĩnh chờ khách, không bao giờ vội vàng. Bạn hơi chậm và chạy hùng hục vì sợ lỡ xe, thường bác tài sẽ mở cửa chờ bạn. Khách lên chậm như thế sẽ xin lỗi rồi cảm ơn, còn bác tài không bao giờ thấy tỏ ra sốt ruột hay bực bội. Có lần khách quên không lấy sẵn tiền, đến lúc xuống mới lục lọi khăp nơi, cũng không thấy bác tài có ý kiến gì hết. Xe đi lúc nào cũng như nhau, không bao giờ phóng ù lên vượt hay bóp còi gì cả.

Câu chuyện thứ năm: Trung thực. Như đã nói, khách lên xe ở cửa sau và xuống ở cửa trước sau khi đã trả tiền hoặc trả vé. Có bữa xe đông quá, chúng tôi đang chờ dưới bến thấy nhiều người không lên nổi cửa trước để trả vé, thế là họ xuống cửa sau, rồi đi lên chờ ở cửa trước để lên lại xe và… trả tiền.

Tôi có chụp kha khá ảnh tư liệu cho đoạn xe cộ này, nhưng hôm nay lại không thể load từ điện thoại ra máy tính để up lên đây được. Chỉ có vài cái này thôi, gọi là cho bài viết thêm sinh động.

Kyoto%20bus%20time_zpssvuuhtag.jpg
[/URL][/IMG]
(Đây là bảng giờ xe bus tôi chụp tại một bến với các tuyến dừng tại đây. Có 3 bảng giờ cho ngày thường, thứ bảy và chủ nhật, cột ghi 5-23 là giờ, cột bên cạnh là phút, nghĩa là xe sẽ dừng ở bến này vào các giờ/phút theo ngày như trong bảng)

mu%20moacuten%20n_zpsju4ntrq6.jpg
[/URL][/IMG]
(Hình này chụp trộm hai em gái xinh tươi mặc kimono, xe còn chỗ nhưng chỉ đứng. Thực ra có ít khi mà xe bus ở Kyoto lại vắng vẻ như trong hình)


IMG_1623_zps6u4ohasc.jpg
[/URL][/IMG]
[Đây là hình chụp xe city bus màu xanh của Kyoto tại bến Nijo Castle)

IMG_1505_zpski6cpink.jpg
[/URL][/IMG]

(Còn đây là bữa sáng đầu tiên của chúng tôi ở Kyoto, sau khi dùng google translate hỏi mua được hai vé bus ngày ở Family Mart ngay bến bus gần nhà. Cái bản đồ xin được là tiếng Nhật, chỉ được trưng ra chụp - ảnh mang tính chất minh hoạ :)), vé xe màu xanh ở góc trên bên phải. Và cuốc xe đầu tiên sau bữa sáng là ra ga Kyoto để... xin một cái bản đồ bằng tiếng Anh)


(Còn đây là bảng hiệu thông báo xe đang đến đâu. Tôi định chụp có cả cái hình xe bus, nhưng lúc chụp nó lại nhảy sang ô vàng chữ đỏ, nghĩa là xe tới ngay giờ)
 
Last edited:
@Naisana:
Phải cảm ơn bạn nhiều lắm vì những giúp đỡ phút chót của bạn cho chuyến đi của mình. Hôm về Tokyo đi Hakone bọn mình cũng tính lên toán xuống và nhồi nhét vào vali để chỉ phải trả 1 tiền thôi đấy. Mình đang soạn ảnh, cũng muốn úp lên cho nóng hổi. Nhưng dù gì, vẫn phải thấy là mắt mình nhìn vẫn đẹp hơn là chụp vào ảnh.

@Bumxiu: mong chờ hình hoa sakura nở rộ của bạn.
Xem cái hình coin locker của bạn nhớ lại chuyến đi lần trước, hai đứa mất hết 10 phút xoay xở để cố gắng nhồi nhét hai cái vali size small + hai cái ba lô vào locker 500yen cho tiết kiệm, không cần phải dùng hai cái locker :D
 
Chị ơi cho em hỏi, cái bảng thời gian bus hiểu sao vậy chị, 18 39, 9 39 là gì vậy chị, chị ví dụ 1 cái với :D


Ca số từ 5 đến 23 ở trong cột nhỏ là giờ, các số 18, 39, 9, ... kéo dãy là phút. Ví dụ dòng đầu tiền, cột giờ có số 5 nhưng ko có phút -> lúc 5g chưa có bus chạy tuyến này.

Dòng thứ 2, cột giờ có số 6, dãy số chỉ có số 28 = có một chuyến xe duy nhất tầm đó lúc 6 giờ 28 phút
Dòng thứ 3, cột giờ là 7, cột phút có 18, 49 -> nghĩa là trong khung 7g có 2 chuyến xe lúc 7g18' và 7g49'

...

...

Em hình dung được chưa?
 
Last edited:
Hihi vậy là chuyến đi của bạn cũng hoàn thành tốt đẹp heng, đúng ngay đợt hoa nở rộ luôn :D, up nhiều hình hoa anh đào nha bạn, à vậy là cuối cũng bạn cũng gửi hành lý ở ga shinjuku để đi hakone hả, tìm dc chỗ gửi nhanh ko bạn? hihi đợt đó tại valy tụi mình 1 cái 30kg, 1 cái 20kg nên ko nhét dc 2 cái vào chung, thế là "đau xót" dùng 2 tủ bạn ạ :))
 
Ca số từ 5 đến 23 ở trong cột nhỏ là giờ, các số 18, 39, 9, ... kéo dãy là phút. Ví dụ dòng đầu tiền, cột giờ có số 5 nhưng ko có phút -> lúc 5g chưa có bus chạy tuyến này.

Dòng thứ 2, cột giờ có số 6, dãy số chỉ có số 28 = có một chuyến xe duy nhất tầm đó lúc 6 giờ 28 phút
Dòng thứ 3, cột giờ là 7, cột phút có 18, 49 -> nghĩa là trong khung 7g có 2 chuyến xe lúc 7g18' và 7g49'

...

...

Em hình dung được chưa?

Em đã hiểu, cám ơn chị daugau nhiều :D, mà vậy thì các khung giờ 5,22,23 có thể hiểu là 5h0' 22h0' 23h0' ko chị?
 
@vaniacastle: không phải đâu, nếu không có số phút có nghĩa là không có xe vào giờ đó. Trong cái hình ở trên, chỉ bắt đầu có xe từ 6h28' sáng và chuyến muộn nhất buổi tối là 21h50. Bạn cũng sẽ thấy là thứ 7 và chủ nhật, giờ sớm và muôn sẽ có ít xe hơn ngày thường. Mình sẽ edit và chú thích thêm một chút cho dễ hiểu.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,452
Bài viết
1,176,000
Members
192,114
Latest member
Kientrucbni
Back
Top