What's new

[Chia sẻ] Đường đến Phố Cổ Hội An

ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

I | Phố Cổ Hội An

Phố Cổ Hội An thuộc phường Minh An thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam. Với mình, đến Phổ Cổ bạn nên thử 7 điểm đến là Phố Cổ, Hệ thống Nhà cổ, Hệ thống Hội quán, Bờ kè Sông Hoài, Chợ Đêm Nguyễn Hoàng, khu vực ngoài Phố Cổ và Các Làng Nghề.

Đến thời điểm đầu tháng 10 năm 2015, cách thoải mái nhất để di chuyển đến Hội An là bạn đáp máy bay đến Đà Nẵng rồi đi tiếp 30km vào Hội An.

Sân bay Đà Nẵng có xe của Hội An Express đi vào Hội An là 80k. Xe này sẽ đưa bạn đến thẳng khách sạn bạn nghỉ lại.
Xe buýt Đà Nẵng có phí là 20k nhưng xe không có máy lạnh.
Taxi vào Hội An trung bình mỗi chuyến 400k.
Lời khuyên của mình là các bạn không nên thuê xe máy đi từ Đà Nẵng vào Hội An. Khu vực Phố Cổ ưu tiên đi bộ và đạp xe, các địa điểm làng nghề chỉ cách Phố Cổ từ 3 - 7km và Hội An cơ bản là nhỏ nên chiếc xe máy có ra đến Hội An cũng không hữu ích bằng chiếc xe đạp thuê ngay tại khách sạn (20k/ ngày).

Có một cách khác để bạn đến Hội An là đáp xuống sân bay Chu Lai (Quảng Nam) rồi đi ngược ra Hội An. Cách này chỉ phù hợp nếu bạn muốn nghỉ lại ở Tam Kỳ (thành phố tỉnh lị của tỉnh Quảng Nam) vì vị trí của các địa điểm trên (từ bắc vào nam) theo thứ tự là Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai. Khoảng cách từ Chu Lai ngược ra Hội An hơn 80km. Bạn sẽ có xe của sân bay (miễn phí) đưa bạn vào Tam Kỳ và từ đây bạn đi xe buýt về Hội An.

Nếu bạn di chuyển bằng xe lửa thì có ga Đà Nẵng và ga Tam Kỳ cho bạn chọn.

Hội An đông khách Việt nhất vào mùa hè, khách Tây là mùa đông. Giá chát nhất là mùa xuân, mùa hè và mùa đông. Thời điểm đi Hội An yên bình và giá ổn định hơn cả là tháng 9. Hội An có điểm đặc biệt là mùng 14 mỗi tháng Âm lịch sẽ diễn ra đêm Phố Cổ, mỗi nhà đều dùng nilon màu trùm kín đèn lại để Phố Cổ chỉ còn ánh sáng vàng và đèn đường thì tắt hết vì vậy bạn nào muốn sống một lần trong cảnh này thì nên canh lịch đi Hội An rơi vào mùng 14. Ngoài ra, Tết Nguyên tiêu, Giờ Trái Đất, Lễ Vu Lan, Tết Trung Thu là những thời khắc bạn nên thử đến đây nhưng phải chắc chắn là chịu được cái ngộp của dòng người.

Vật dụng cần thiết khi đi Hội An là thuốc bôi chân vì bạn sẽ phải đi bộ trong Phố Cổ khá nhiều. Nếu bạn đạp xe đi thăm làng nghề thì khăn ống, bucket và áo dài tay rất cần vì nắng ở Hội An gắt và khó chịu hơn ở Sài Gòn nhiều lắm.

Gloree D. Om
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

II | Cà phê Cô Thảo

Quán nước độc đáo ở Phố Cổ có nhiều: Reaching out (trà quán), Cocobox (quán nước kiêm bán nông sản), Mango Rooms (thiết kế color block), Cargo (club), Enjoy (quán kem của nhiếp ảnh người Pháp sống ở Hội An), Chef (góc nhìn Phố Cổ trên cao),... nhưng để chọn một quán của dân bản địa đặc sắc nhất có lẽ là quán cà phê cô Thảo.

12063322_1654660591413070_3050923963015240040_n.jpg

Góc cà phê nhỏ của cô Thảo ở đường cung Chùa Cầu​
Cô Thảo là một người phụ nữ Đà Nẵng theo chồng về đất Hội An. Nghe lỏm trong một cuộc nói chuyện thì năm nay cô đã bảy mươi nhăm. Lưng đã còng nhưng tay chân vẫn nhanh nhẹn, đi lại như bay, nghĩa đen.

Quán cà phê cô Thảo nằm ngay đường cung Chùa Cầu khúc đầu đường Bạch Đằng (vị trí rất đẹp để vừa ngắm Chùa Cầu vừa ngắm sông Hoài). Khách sẽ được phát một cái ghế đẩu hoặc ngồi bệt trên bậc thang của khu vực Hát Bội ngay sát nơi cô pha nước.

Mỗi ngày cô Thảo mở cửa từ lúc 6 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm. Do Phố Cổ có một số giờ giấc và khu vực không cho bán hàng rong nên giờ thực bán của cô chia thành 3 khung: 6:00 - 8:30 là thời gian đa phần các bác trung niên địa phương ngồi buôn chuyện; 11:00 - 13:00 là thời điểm các bạn trẻ du khách đến nghỉ trưa nhưng theo quan sát thường là các nhóm chụp ảnh cưới ghé lại ngồi; 17:00 - 22:00 tuy là thời gian đắc địa nhưng quán lại khá vắng, có lẽ vì lúc này quán hơi thụt vào trong (buổi chiều và tối khu vực đường cung không cho bán hàng rong nên cô phải xích quán qua một khoảng) hay có lẽ vì ít ai đến Hội An buổi tối lại tìm đến một quán nước ngồi yên tĩnh lách mình ra khỏi dòng người.

Một điểm hay ở quán là cô Thảo làm rất đúng luật Phố Cổ. Gần đến giờ đi xe đạp là cô nhắc khách đem xe máy đi gửi, gần đến 8:30 là cô nhắc đi nhắc lại mọi người quán cô sắp nghỉ, sau 8:30 hễ có du khách nào ghé quán cô ngồi (do cô chưa dọn ghế kịp) là cô mời họ sang bên kia cầu phụ uống nước (nơi này cũng có một quán nước bán từ sáng đến chiều, không bán tối, nhưng vị trí nằm sát con kênh ô nhiễm của Chùa Cầu).

Ngồi quán cô Thảo, lưng áp Phố Cổ, mặt hướng sông Hoài, tai phải nghe tiếng du khách lủm xì bùm ở Chùa Cầu, tai trái nghe lỏm mấy cuộc trò chuyện rặt tiếng Hội An của mấy cô mấy bác dân người bản địa. Mọi thứ trông cũng hay hay ấy hỉ.

Đi du lịch mà muốn hưởng trọn cuộc sống đời thường của dân địa phương thì cứ việc ngồi quán cà phê cô Thảo cử sáng, cử trưa và cử tối, nói chung là dành trọn một ngày hẳn là lựa chọn đúng đắn.

Ngoài các quán nước trong nhà và vỉa hè, Hội An còn có một loại hình nước rất riêng là Nước Chanh. Dù sáng, trưa hay tối bạn đều có thể nghe tiếng rao của các cô đạp xe bán nước dạo trên khắp Phố Hội.

Gloree D. Om​
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

III | Cơm gà Hương Kiệt Sica

Ẩm thực Hội An trước hết là ẩm thực đất Quảng: Cơm gà và Mỳ Phú Chiêm.

Cơm gà Hội An rất khác với cơm gà biến tấu trong Sài Gòn. Ngoài dĩa cơm gà (gà ta xé) vàng tươi C2 còn có hai thành phần: Đu đủ ngâm và Chén nước chan. Đu đủ ngâm chua ngọt khi ăn phải trộn với ớt xào (món này phổ biến ở miền Trung) và xì dầu (Hội An gọi nước tương là xì dầu, không phải kiểu xì dầu của người Hoa) rồi mới cho vào cơm. Chén nước chan nhìn khá giống chén soup. Vẫn nước lõng bõng, vẫn có ruột gà, gan gà, huyết gà cắt sợi nhưng khác là vị mặn hơn rất rõ ràng. Ăn đến đâu, múc nước chan rưới đến đó. Cơm gà kiểu Hội không có chén soup, không có dưa leo, không có cà chua, không có gà chặt như ở Sài Gòn.

Nhắc đến cơm gà Hội An là phải kể đầu tiên đến cơm gà Bà Buội. Bà Buội đi rồi nhưng con cháu của bà vẫn còn kế thừa hương vị xưa.

Cô Hương là con nuôi bà Buội. Ngày nhỏ cô đã phụ bà nấu cơm, sau này cô ra mở quán vỉa hè riêng ở đầu kiệt Sica, lấy tên là Cơm gà Hương (Kiệt Sica). Do dùng chung địa điểm với một quán bún nên phải tầm 18 giờ xe cơm của cô mới được đẩy ra.

Điểm khác biệt giữa Cơm gà Hương, cơm gà Bà Buội so với các quán khác là nước chan được rưới lên cơm trước khi đem ra. Cơm gà Bà Buội hiện nay do người con trai và con dâu đứng bán, đã có thêm gà chặt, có thêm chén soup để thích ứng hơn với nhu cầu thực khách. Cơm gà Hương kiên định hơn, vẫn giữ tất cả các nét truyền thống của Hội An và hương vị của Bà Buội. Cái hay nhất trong cơm gà của cô là dĩa cơm nhìn thoáng qua thấy hạt cơm bóng loáng có vẻ khá nhiều dầu nhưng nếm vào thì câu chuyện lại rất khác.

Cơm gà Hương có lẽ là quán cơm gà ngon nhất trong các quán Bà Buội, Bà Minh, Bà Nga, Cô Dung, Cô Lắm, Anh Xí,...

(Kiệt là từ chỉ hẻm (ngõ) của miền Trung, không có tên chỉ có số. Sica là tên một cơ sở sản xuất rượu Sica nằm bên trong con kiệt này. Cứ thế mà chết tên.)

Mỳ Phú Chiêm
tuy vẫn bán trong ngày nhưng lại không bán nhiều bằng bữa sáng. Mỳ Quảng là cách mà dân cả nước gọi mỳ Quảng Nam. Mỳ Phú Chiêm là cách mà dân Quảng Nam gọi món mỳ của chính họ. Phú Chiêm là ngôi làng gốc tích ra đời của món mỳ Quảng nhưng khi ra khỏi địa phận vùng cái tên này chẳng hiểu sao lại mất hẳn đi. Điểm đặc biệt của món mỳ gốc so với các quán mỳ Quảng Sài Gòn là sợi mỳ như lá bánh ướt đổ dày xắt cũng dày và thịt gà luôn là gà roti. Dân Hội An cũng thường có món gà Roti trong thực đơn các quán cơm.

Gloree D. Om
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

IV | Thịt nướng Chị Sương

Hội An có hai món ăn làm nên tên tuổi là Cao lầu và Thịt nướng kẹp que tre.

Cao lầu dễ hiểu nhất là món hủ tiếu dùng kèm với xá xíu. Nói hủ tiếu cho dễ hình dung nhưng thực tế hương vị cao lầu rất đặc trưng, trong Nam chẳng có sợi nào tương tự để diễn tả được. Cái tên Cao lầu dân Hội An cũng lắm cách giải thích. Có người bảo cái nồi làm nên món ăn có cách phát âm tiếng Hoa gần giống với chữ cao lầu, người khác thì bảo do ngày xưa đây là món của người giàu chỉ ngồi ăn trên lầu cao nên gọi là cao lầu. Cách giải thích thứ hai nghe có vẻ giống với chữ cao lầu của khu người Hoa Sài Gòn. Đi ăn cao lầu nghĩa là đi ăn nhà hàng. Có nhiều quán cao lầu nổi tiếng ở Hội An như quán Thanh, quán Trung Bắc, quán Vạn Lộc,... nhưng với cá nhân người viết, Cao lầu Lê Bá Truyền là nơi có sợi cao lầu ăn ngon nhất trong tất cả các quán ở đây. Cao lầu thì quá nổi tiếng rồi nên ở đây chỉ bàn đến những gánh thịt nướng hàng rong, chất liệu làm nên Phố Cổ.

Gánh thịt nướng chị Sương là gánh thịt nướng gia truyền lâu đời nhất ở Phố Cổ với gần 45 năm, từ ngày bờ kè sông Hoài chỉ còn là những hàng dừa ít người lui tới. Gánh thịt nướng cứ như vậy truyền từ đời bà sang mẹ rồi hai chị em chị Sương (Chị Một, chị cả chị Sương bán ở góc Hai Bà Trưng - Trần Hưng Đạo).

Khác với các gánh thịt nướng khác thường bán buổi đêm phục vụ du khách, gánh thịt của chị bắt đầu bán tầm 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều là dọn. Chị bảo bán như thế vì đây là truyền thống gia đình từ thời bà chị (ngày đó khu vực bờ kè chập chờn đã vắng đến mức không ai dám lui tới nên chỉ bán ban trưa). Tuy bán trưa nhưng ở đây chỉ có 3 gánh thịt là có mặt giờ này nên cạnh tranh cũng ít hơn buổi tối.

Đặc trưng ở Hội An (nói riêng khu vực phường Minh An - trung tâm Phố Cổ) là các gánh hàng rong không được để biển hiệu mà chỉ được để tên món mình bán nhưng việc tìm ra gánh thịt nướng chị Sương lại khá dễ dàng. Chỉ cần đến đường Châu Thượng Văn, con đường đối diện Hội quán Quảng Triệu kế bên Chùa Cầu hỏi thăm là đến ngay gánh chị.

Bán gần 400 que mỗi trưa trong khi chỉ có 2 gánh thịt cạnh tranh nên giá que thịt của chị khá rẻ, chỉ 5k mỗi que tre thịt nướng. Tuy nhiên nếu đã chọn ăn thịt nướng của chị thì phải chấp nhận không thể vừa cắn que thịt vừa uống bia quay mặt nhìn sông Hoài buổi tối.

Một gánh thịt khác khá ổn ở Phố Cổ bán buổi tối là gánh thịt nằm ở khúc giao Hai Bà Trưng - Nguyễn Thái Học. Gánh thịt này lấy nguyên liệu từ BigC nên giá thịt là 8k mỗi que. Quán này nhược điểm là chỗ ngồi không thoáng như quán chị Sương hay các quán bờ kè.

Gloree D. Om​
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

V | Bánh Yến Tơ - Bánh Kyến Tơ

12038409_1654772401401889_3612895888519079994_n.jpg

Xe bán bánh Yến Tơ ở góc Trần Phú - Châu Thượng Văn​
Bánh Yến Tơ, Bánh Kyến Tơ là Kẹo chỉ của miền Nam.

Ngày trước ở Hội An có một ông cụ người Hoa làm bánh Yến Tơ. Kẹo chỉ quết ra nhìn giống sợi tơ (nước bọt) của chim yến nên được gọi là Yến Tơ. Lúc đó có hai anh em một nam một nữ yêu thích món bánh này của ông cụ nên đến khi lớn lên hai người quyết định làm lại hương vị món bánh này để giữ nghề cho ông.

Người em gái bán ở góc Châu Thượng Văn và Trần Phú, đối diện Hội quán Quảng Triệu. Người anh trai bán ở khu vực chơi Bài Chòi. Cả hai đều bán buổi chiều tà về đêm.

Người em gái vẫn giữ nguyên tên gọi Bánh Yến Tơ để giữ lại một chút xưa cũ của Hội An. Người anh trai lấy tên mới cho bánh là Bánh Kyến Tơ.

Khi được hỏi tại sao anh trai mình lại lấy tên là Kyến Tơ, người em gái vẻ mặt rất *hết biết nói sao ổng rồi* ngắn gọn "Tại ổng thích vậy".

Người anh trai lại bảo cách giải thích dựa trên tình cảm của hai anh em với ông cụ rất khó truyền đạt cho du khách nên đã đổi chữ Yến Tơ thành Kyến Tơ với lời giải thích: Kyến có nghĩa là chứng kiến, chứng kiến quá trình tạo ra sợi tơ từ một thanh kẹo to dày.

12033012_1654776101401519_5058510765195807099_n.jpg

Xe bán bánh Kyến Tơ ở khu vực chơi Bài Chòi​
Một điểm đặc biệt là trên xe bánh của người anh trai có ghi hàng chữ "Đặc sản Hội An". Dĩ nhiên kẹo chỉ không phải là đặc sản vùng này nhưng chắc chắn cái tên Yến Tơ - Kyến Tơ của hai anh em sẽ là đặc sản về văn hóa của phố Hội.

Ngoài hai loại bánh trên Phố Cổ còn có Bánh Xoài (hình dáng tròn tròn giống quả xoài nhưng thục tế là cục bột bên trong nhân dừa) và Bánh Chín tầng mây (bánh da lợn pha nhiều màu sắc).

Gloree D. Om
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

VI | 4 Nhà cổ và 5 Hội quán

Hội An thu vé vào tham quan các điểm di tích. Có 2 loại giá vé là 80k/ vé/ 3 điểm hoặc 120k/ vé/ 5 điểm. Nước ngoài lại có giá riêng. Hài.

Hội An có 4 Nhà cổ nhưng các nhà cổ nên tham quan là Nhà cổ Phùng HưngNhà cổ Tấn Ký. Nhà cổ Phùng Hưng có bán các mặc hàng thêu tay của hậu duệ đời thứ 8. Nhà cổ Tấn Ký có khá nhiều bảo vật còn lưu giữ đến tận bây giờ. Đặc biệt khi đến cả hai nhà cổ này các bạn sẽ được hướng dẫn viên riêng dẫn đi tham quan và thuyết minh. Nhà cổ Đức AnNhà cổ Quân Thắng nếu thích thì bạn đi cho biết. Hai nhà cổ này gia chủ sống ngay phía sau căn nhà, đồng thời lại không có hướng dẫn viên nên nếu bạn vào (mà không biết gì về lịch sử ngôi nhà) thì cũng vô ích. 4 nhà cổ đều có soát vé.

Hội An có 5 Hội quán của người Hoa và thật sự, bạn nên đi hết cả 5 Hội quán này. Mỗi Hội quán có một câu chuyện riêng, một lịch sử gắn kết với dân bản địa rất hay, bỏ sót thì hơi phí khi đến đây. Hội quán Quảng Triệu, Hội quán Phúc KiếnHội quán Triều Châu là 3 Hội quán có soát vé. Hội quán Ngũ bangHội quán Hải Nam miễn phí vào cổng. Các Hội quán này đều không có hướng dẫn viên riêng, các bạn nên chuẩn bị sẵn kiến thức để vào dễ tham quan hơn. Ở đây hầu hết đều ghi tiếng Hoa, rất hiếm tiếng Việt hay tiếng Anh.

Các bạn cần chưa đến một buổi để đi hết 4 Nhà cổ và hơn một buổi để đi hết 5 Hội quán. Từ sáng đến chiều là đủ cho bạn đi một vòng 9 điểm di tích này. Tuy nhiên, nếu bạn đi bộ, mình khuyên bạn nên chia ra thành hai ngày, sáng ngày đầu đi 4 Nhà cổ, sáng ngày sau đi 5 Hội quán. Buổi chiều bạn ra cà phê hay về khách sạn dưỡng sức cho đôi chân vì tối gần như bạn sẽ đi bộ suốt trong Phố Cổ. Hội An tuy nhỏ như thế nhưng với người lâu lâu mới có mấy dịp đi bộ dài hơi thế này sẽ rất mỏi đấy.

Gloree D. Om​
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

VII | Công viên Đất nung Thanh Hà​

Hội An có nhiều làng nghề. Làng Gốm Thanh Hà, Làng Rau Trà Quế, Làng Mộc Kim Bồng, Làng Lụa Hội An, Làng Hoa Cẩm Hà, Làng Chài Thanh Nam, xa hơn nữa về phía Điện Bàn có thêm Làng Đúc Phước Kiều. Nếu như bạn du lịch trong thời gian giới hạn, Làng Gốm Thanh Hà và Làng Lụa Hội An là hai làng nghề nên đến.

Làng Gốm Thanh Hà cách trung tâm Phố Hội 3km, đạp xe tà tà 15 - 20 phút là đến (có bảng chỉ dẫn rất dễ đi). Giá vé vào tham quan làng là 15k. Giá vé này dành cho bạn nào có ý vào nhà người dân xem cách làm gốm và tự tay làm gốm. Giá vé trên còn bao gồm một con tò he bằng đất được nhận tại một hộ trong làng. Nếu bạn không muốn mua vé, nghĩa là bạn chỉ đến để xem qua về ngôi làng và mua một vài sản phẩm thì bạn có thể đi thẳng đến Công viên Đất nung Thanh Hà để tham quan.

Công viên Đất nung Thanh Hà thực tế là một Bảo tàng Lịch sử và Văn Hóa của riêng Làng Gốm Thanh Hà. Công viên gồm có một sân rộng với mô hình các kì quan thế giới, một khu giới thiệu về lịch sử và văn hóa làng, một khu giới thiệu về các làng gốm trên cả nước. Dưới cùng là khu vực bán sản phẩm và phòng thiết kế của các nghệ nhân gốm. Cá nhân người viết cho rằng đây là bảo tàng được chăm chút rất công phu và đáng tham quan.

Ngoài Làng Gốm Thanh Hà bạn có thể tự tay làm các sản phẩm thủ công thì Làng Rau Trà Quế có tour cho bạn cùng xuống nhà dân để trồng rau sạch, Làng Chài Thanh Nam có tour làm thử ngư dân một ngày. Đến Làng Mộc Kim Bồng, Làng Hoa Cẩm Hà và Làng Đúc Phước Kiều bạn chỉ có thể ngắm nhìn cuộc sống người dân và mua sản phẩm.

Làng Lụa Hội An cách Phố Cổ chỉ 1km về phía bắc. Làng này không có tên riêng vì đây là làng do tỉnh dựng lại, không phải là tập hợp các hộ gia đình như 4 làng kia. Có thể gọi đây là trung tâm biểu diễn nghề nuôi tằm và dệt lụa của người Champa ngày xưa thì đúng hơn. Đến Làng Lụa ngoài việc tham quan bạn còn được mặc áo lụa đi hái dâu, được ăn buffet các món đặc sản từ dâu. Bạn có thể nhờ khách sạn đặt sẵn tour là 400k trở lên hoặc cứ thế chạy đến làng với giá 100k vào cổng.

Gloree D. Om
 
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

VIII | Máy bay Vỏ lon Chú Đông​

12096192_1654900284722434_3601754548743672667_n.jpg

Gian hàng máy bay vỏ lon nho nhỏ của chú Đông ở góc đường Trần Phú - Lê Lợi​
Chú Đông là người dân tộc Tày ở Quảng Ngãi vào Hội An mưu sinh. Chú làm nghề kết vỏ lon thành máy bay ở Hội An đến nay đã 10 năm rồi. Ngày nào chú cũng ngồi ở góc đường Trần Phú - Lê Lợi, cây nạng của chú có khi thì để dựa vào tường, khi nào nhà người ta để xe đạp thì chú để cây nạng dựa vào chậu cây chứ không để xuống đất vì sợ các em bé đứng xung quanh xem vấp trúng bị té ngã.

Chú Đông làm máy bay khéo lắm. Máy bay của chú được làm từ vỏ lon bia và lon nước ngọt. Chú bảo cứ 2 ngày là chú làm được 3 cái, làm nhanh thì 3 cái rưỡi. Có ngày chú vừa dọn ra khách đã ghé lại mua ngay 3, 4 chiếc máy bay nhưng bình thường thì mấy ngày liền khách ghé xem nhưng không ai mua chiếc nào.

Chú bán từ trưa đến chiều, không bán tối vì chú không có đèn sạc đem theo. Mỗi chiếc máy bay chú bán ra 100k. Với người sống một thân một mình, ngày bán bữa được bữa không và hơn cả là chú làm máy bay rất kĩ và khéo thì giá như thế là mềm so với các mặt hàng khác ở Phố Cổ.

Đến Phố Cổ, dạo - chơi - ăn - uống đã rồi thì ngại gì ghé lại chú Đông mua một món quà lưu niệm nho nhỏ đem về.


Gloree D. Om​
 
Last edited:
ĐƯỜNG ĐẾN PHỐ CỔ HỘI AN

IX | Cụ bà và bầy chó buổi sớm

Ở Hội An cứ tầm 7 giờ là người ta nhìn thấy một cụ bà tay chân nhanh nhẹn đi dạo dọc sông Hoài cùng cả đàn 6, 7 chú chó lông mướt nâu vàng đi theo hộ tống.

Các bác ở đây bảo bà cụ "kiếp trước mắc nợ mấy con chó". Mỗi sáng bà đi dọc Phố Cổ, nhà nào có chó bà lại thảy một cục xương, có hôm là cục huyết, cứ thế không biết từ khi nào lũ chó lại chạy theo bà. Có cậu trai bảo với bạn gái "mấy con chó nó đi theo bảo vệ bà cụ". Chắc là vậy.

Hôm rồi bà cụ bồng theo một chú chó con đi ngang quán cà phê cô Thảo ngay đường cung Chùa Cầu. Lũ trẻ con du khách cứ thế xúm lại bà xin bế xin ôm chú chó nhỏ vào lòng. Cả trẻ ta lẫn trẻ tây. Thấy cũng hay, hai đứa con nít 6, 7 tuổi nào có biết tiếng nói của nhau, chỉ bằng một chú chó con được bế trên tay mà thằng cu với con bé cứ thế cười đùa rộn tung cả một góc đường. Người ngồi nhìn thấy cũng vui lây.

Hội An là để tĩnh. Nếu bạn đến Hội An để du lịch, hãy thử hết các món ăn, quán nước, điểm vui chơi được giới thiệu trên khắp các trang mạng. Nhưng nếu bạn đến Hội An để tìm đến một chút bình yên nho nhỏ nào đó, bạn có thể đến các địa điểm người viết đã giới thiệu hoặc đơn giản là đừng đi đâu cả, chỉ cần ngày ngày sớm ra Chùa Cầu ngồi uống cà phê, sáng đi dạo Phố Cổ, trưa về khách sạn nghỉ ngơi, tối đi dạo sông Hoài, đạp xe ra các con phố bên ngoài Phố Hội, khuya lại quay về các club trong Phố Cổ ngồi uống bia một mình.

Đừng đến Hội An như một du khách. Hãy đến Hội An như một người bạn ghé thăm nhà. Những câu chuyện mộc mạc và chân thành sẽ giúp bạn gần hơn với Hội An.


HẾT

Gloree D. Om​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,321
Bài viết
1,175,213
Members
192,044
Latest member
monkey111
Back
Top