What's new

[Chia sẻ] Lào - Đất nước Triệu Voi

Tôi đến Lào vào một dịp rất ngẫu hứng, ngẫu hứng đến nỗi mới sáng vào công ty - buồn buồn nảy ra ý định đi Lào chơi, gọi điện í ới rủ rê, đến 10 a.m thì có được một đồng minh ở Đà Nẵng, thế là gọi điện tứ tung hỏi xe cộ, đặt vé máy bay và 6 p.m thì vù ra Đà Nẵng, thế là đi Lào ;)

Lịch trình sơ bộ như sau:


Ngày 1: Đà Nẵng-VIENTIANE, 9:30am-4am (+84 511 3 76 76 79, - mua vé ở bến xe Đà Nẵng 250 000VND, tương đương 125.000 kip)

Ngày 2: Vòng quanh VIENTIANE 4am-11am và đón xe buýt đi LOUANGPHRABANG, 11am-9pm (Northern Bus Station, 120 000 kip)

Ngày 3: LOUANGPHRABANG (Mixay Guest house-40 000 kip/ ngày), phòng quạt, có WC riêng.

Ngày 4: xe buýt LOUANGPHRABANG-VIENTIANE, 7am-5pm (ở đây có duy nhất 1 bến xe, 120 000 kip)

Ngày 5: VIENTIANE-DN, 7pm-12.30am ( 0202 241 091, Southern Bus Station, 150 000 kip)

Một vài hình ảnh về đất nước chùa tháp này:

Các nhà sư đi khất thực mỗi sáng sớm - WAT SIMUANG PAGODA

23-2.jpg


PHA THAT LOUANG - Ngôi chùa nổi tiếng nhất VIENTIANE

24-2.jpg


25-1.jpg


CHÙA NGHÌN PHẬT - mỗi cái ô như thế đều có tượng Phật lớn nhỏ, nhiều vô số kể:

26-1.jpg


Và một cái chùa gần đấy, không có tên tiếng anh - cái cổng nó đây này:

28-1.jpg

27-1.jpg

Chi tiết về chuyến đi sẽ được viết tiếp...
 
Em thấy đất nước chùa tháp --> Cambodia thì phải
Còn Lào là đất nước Triệu voi??

Ủa thế à? Mình cũng kg nhớ rõ, nhưng nếu người ta gọi như vậy thì theo mình nó kg đúng tí nào. Vì quả thật sang Lào chỉ có "đặc sản" chùa để mà tham quan thôi, còn Cambodia thì cũng có nhưng ít hơn, mà qua Lào chẳng thấy con voi nào, cũng ít thấy người ta thờ voi. Nếu gọi là Triệu voi thì ở Thái Lan đúng hơn nhỉ!
 
Bạn xem lại phải DN-Vientian đi hết gần 20 giờ không?
Nói chung mấy nước quanh ta đều nhiều chùa hình tháp, nhưng có lẻ chùa tháp ở Cambodia là to nhất (Angkor). Còn Chùa VN và các nước Đông Bắc Á thì không có hình tháp.
 
Lào - Phần 2: Di chuyển

Vì không có thời gian chuẩn bị nhiều, nên Tôi định bụng cứ đi đại, và nghĩ Lào chắc cũng đơn giản như đi Campuchia, nhưng hình như không như mình nghĩ. Khi gọi điện hỏi ở Bến xe Đà Nẵng thì họ trả lời tất cả xe đi Lào chỉ đi vào ngày lẻ (thứ 3-5-7) chứ không có xe đi vào ngày thứ 2-4-6 và chỉ có chuyến 3 giờ chiều, nên Tôi và đứa bạn hôm sáng thứ 7 cứ ung dung ngủ cho sướng, rồi mới đi mua vé (vì họ không nhận đặt vé trước mới khổ). Chở đứa bạn đến Công ty, Tôi lấy xe ra Bến xe Đà Nẵng mua vé, đến bến xe vào lúc 8:20 am thì họ bảo hôm nay có chuyến 9:00 am, và đến Vientiane vào 5 am ngày mai, lúc đó tình thế quả là cấp bách vì từ bến xe chạy qua Công ty đứa bạn rồi chạy về nhà nó cũng hơn 10km, cũng may là tối hôm trước bọn Tôi đã chuẩn bị tất cả đồ đạc. Bảo tài xế chờ và vù về nhà, đi xe ôm ra Bến xe, cũng vừa lúc xe chạy.

Lên xe rồi Tôi mới biết là đường đi xa hơn mình tưởng, Đà Nẵng – Vientiane đúng bằng HCM - Đà Nẵng, và thời gian di chuyển Vientiane – Luang Phrabang là 10 giờ thay vì 8 giờ như thông tin tìm được trên mạng. Phải thay đổi lịch trình! Tôi quyết định đặt xe về, cái xe đi này nó cũng về vào ngày thứ 3-5-7 (không hiểu sao họ lại cứ phải đi vào ngày thứ 3-5-7 thế nhỉ?), nhân lúc ghé vào tiệm ăn – nghỉ dọc đường, có rất nhiều tờ giấy dán trên tường quảng cáo xe tuyến Đà Nẵng - Vientiane và có duy nhất 1 xe về vào ngày thứ 2-4-6, Tôi gọi điện đặt luôn cho chắc ăn. Xe Đình Quy, theo Tôi thì nhà xe này rất nhiệt tình và tử tế, hôm về họ còn chở Chúng tôi đến tận chỗ và về đến Đà Nẵng mới lấy tiền cơ. Vé ở bến xe bên Lào là 250.000 kip nhưng họ bảo đừng mua vé mắc, họ chỉ lấy 300.000 VND thôi. Tất nhiên họ có lời vì không phải đóng tiền cho bến xe, nhưng đối với người như mình thì rẻ hơn được gần một nửa thì quá tốt rồi.

Trên chuyến xe Đà Nẵng – Vientiane đa số là người Việt (Huế - Quảng Trị - Quảng Ngãi) ngồi hóng chuyện mới biết họ đều sang Lào làm ăn, theo những người này thì có vẻ ở Lào dễ làm ăn hơn VN, họ bán đậu hủ chén, bánh mì, ... như những người miền Trung vào HCM sinh sống vậy. Có người còn đưa cả gia đình sang Lào sinh sống. Nghe cũng buồn buồn.

Xe đến Vientiane vào lúc 4 am (sớm hơn dự kiến 1 giờ), cũng may trên xe rất nhiều người Việt nên họ chỉ cho chúng tôi bắt xe lam (1 xe đi được khoảng 10 người) để đến trung tâm thành phố - Khu thương mại, chợ sáng. Từ bến xe vào trung tâm khoảng 10km – 2 người hết 15.000 kip. Ở đây rất ít người nói tiếng Anh nhưng lại dễ tìm thấy người nói tiếng Việt hơn. Chúng tôi cũng làm quen được với 1 chị bán bánh mì trên xe đẩy người Việt và hỏi thăm các địa điểm tham quan. Quảng trường trung tâm, Chùa Pha That Luang, Chùa nghìn Phật, Chùa Si Muang (Chùa Mẹ) và các chùa khác đều nằm ở khu trung tâm, nếu có bản đồ, các bạn có thể đi bộ tham quan tất cả các địa điểm.

Quảng trường Trung tâm:
29-1.jpg


Chùa Mẹ (5:30 am)
30-1.jpg


Vì ban đầu không biết đoạn đường xa gần như thế nào nên chúng tôi thuê xe tuk tuk. Lưu ý là chi phí đi lại ở đây cao gấp 2 lần ở VN vì giá xăng dầu ở Lào cao hơn 2,5 lần so với VN. Đường phố Lào ít xe máy mà rất nhiều xe ô tô dạng chở hàng (xe du lịch có thùng hở phía sau để chở thêm hàng chứ không phải xe tải nhỏ). Họ chở rau củ quả ra chợ bán (để nguyên trên xe), nên đi dọc đường bên chợ sẽ thấy rất nhiều xe bán rau củ quả.

Về ăn uống, giá cả ở Lào cũng tương đối rẻ. Đi đến đâu, gọi các món cơm hay phở, hủ tíu (gần biên giới) hoặc trên đường đi Luang Phrabang thì giá cũng là 10.000 kip/món (20.000 VND). Giá ở khu du lịch Luang Phrabang (di sản văn hoá thế giới) cũng vậy, không đắt đỏ như những khu du lịch của VN mình. Tuy nhiên thức ăn không đa dạng, phong phú như VN mình. Hạt gạo thì tròn quay, to, mà cơm rất rời, không dẻo.

Một khu chợ chồm hổm chuyên bán thức ăn ngay khu trung tâm du lịch (Luang Phrabang)

33-2.jpg


31-2.jpg


32-2.jpg
 
Lào và cái tên Triệu Voi

Luang Prabang theo tiếng Lào có nghĩa là Phật vàng lớn và theo Đại Nam chính biên liệt truyện, nơi này còn được gọi là Lao Long Quốc, kinh đô của một vương quốc gọi là Lạn-Xạng (Triệu Voi) tồn tại từ năm 1346. Giờ mình mới biết vì sao Lào được gọi là Đất nước Triệu Voi.

Trước 1975, Luang Prabang còn là thủ đô của Vương quốc Lào, nhưng nay là một tỉnh lỵ nằm cách thủ đô mới Viêng Chăn 425 km về phía Bắc, dân số khoảng 25 ngàn người. Năm 1995, Luang Prabang đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa của thế giới.

Có một truyền thuyết gắn liền với Luang Prabang là ngày xưa, có một vị thần đã đố con người rằng: “Một ngày sắc mặt con người thay đổi mấy lần?”. Con người trả lời: “Tất cả ba lần, buổi sáng thức dậy rửa mặt, buổi trưa ra đường đội nón và buổi tối rửa chân trước khi ngủ”. Thần chịu thua và cắt đầu mình giao cho con người. Tuy nhiên từ đó, mỗi năm con người phải tưới nước tắm đầu thần, nếu không đất đai sẽ bị khô hạn. Bảy người con gái xinh đẹp của thần hàng năm đều tắm đầu cho cha.

Ngày nay, mỗi năm trước lễ hội vào ngày 15-4, cố đô Luang Prabang đều tổ chức thi hoa hậu để tuyển chọn bảy cô gái xinh đẹp nhất tham gia lễ tưới nước Phật cầu mưa. Truyền thuyết đó đã góp phần làm cho Luang Prabang luôn là một nơi linh thiêng trong trái tim của mỗi người dân Lào. Ở Xiêng Khoảng, Nick - người tài xế trẻ lái xe tuk-tuk đi cùng chúng tôi suốt chuyến hành trình nói rằng mỗi người Lào, dù ở đâu cũng ao ước một lần được đặt chân đến Luang Prabang.

 
Em góp tí lương khô về lễ tắm Phật lớn nhất năm chùa Wat Xieng Thong - Luang Prabang mà đợt đi 30/4/2007 nhóm có duyên được tham gia

Bà cụ này bán đồ lễ và nước dùng để tắm Phật

DSCI0081.jpg


Mọi người theo cầu thang từ 2 phía lên đổ nước vào máng dẫn nước xuống tắm cho Phật

000048.jpg


000045.jpg


DSCI0085.jpg


Tượng Phật được đúc bằng vàng khối nhá :L
DSCI0082.jpg


Bên trong chùa Wat Xieng Thong
DSCI0087.jpg
 
Ở chỗ đổ nước vào máng tắm cho Phật, anh nhớ có chụp cho mày 1 cái ảnh đứng cạnh 1 em Lào xinh xinh cơ mà, sao ko thấy post lên hả:T:T:T
 
Lào - Phần 3: Văn hoá

Nền văn hóa Lào chịu ảnh hưởng nặng của Phật giáo Thượng tọa bộ. Cũng như Thái Lan, Campuchia, đa số dân Lào đều theo Phật Giáo. Bạn có thể bắt gặp chùa ở bất cứ nơi đâu bạn đi qua. Sáng sớm tinh mơ đã thấy các Phật tử cầu nguyện ở chùa.

39.jpg


38-1.jpg


Tại Viên Chăn, chúng Tôi đến rất sớm nên được chứng kiến cảnh khất thực của các nhà sư. Theo thường lệ, khoảng 5:30 am đến 6 am là các nhà sư đi khất thực, cho dù trời mưa gió thế nào. Ra khỏi cổng chùa là các nhà sư xếp thành hàng và bắt đầu chuyến khất thực. Cách vài chục mét lại có những phật tử quỳ bên đường để đơm cơm cho các nhà sư.

34-1.jpg


35-1.jpg

Chúng tôi đến Chùa Mẹ (Wat Simuang) khi trời còn chưa sáng tỏ, đã thấy các nhà sư quét chùa bên ngoài sân. Vào bên trong, bắt gặp những cái rất lạ mắt, nhưng Chúng tôi không hỏi được vì lúc đó thấy ai cũng mải mê và tất bật với công việc của mình.

37-1.jpg


36-1.jpg

Về lễ Tết, ở Lào mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết H'mong (tháng 12). Ngoài ra còn các lễ hội: Bun PhaVet ( Phật hóa thân) vào tháng 1 ; Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10.

Về ẩm thực thì ẩm thực của Lào tương đối giống của Campuchia và Thái Lan: chua, cay và ngọt, nhiều đồ nướng.
 
Lào - Phần 4: Cố đô Luang Prabang

Luang Prabang – cố đô bên dòng Mê Kông của Lào, nhưng Thành phố được biết đến như khu phố cổ được bảo tồn (tương tự như Hội An). Luang Prabang là cố đô cổ - với tuổi thọ gần 700 năm - chìm trong sương mù, giữa núi rừng heo hút của miền trung nước Lào, với khoảng 40 miếu mạo đền chùa được xây dựng từ nhiều triều đại khác nhau.


Để đến được cố đô này, có thể đi bằng máy bay từ Viên Chăn (chi phí rất đắt) và đi đường bộ (xe buýt). Tôi chọn xe buýt vì vừa túi tiền, vừa được ngắm cảnh 2 bên đường. Đoạn đường đến Luang Prabang chỉ hơn 400km nhưng có đến 250km đường đèo, từ độ cao 672m đến hơn 2.200m và cố đô Luang Prabang ở độ cao 1.672m. Phải nói rằng đi cung đường này là một nỗi ám ảnh của Tôi, cứ thấy đỉnh núi này, tưởng là cao nhất, rồi lại cứ núi tiếp núi. Đường đèo quanh co, khúc khuỷu, đường thì hẹp mà không có đến một cái gương lồi. Tôi nhớ có lúc xe vừa ôm cua xuống dốc thì đụng ngay một cái xe khác đang leo đèo, 2 xe thắng kít lại và một xe phải lùi lại nhường đường cho xe kia. Đi đoạn đường này xong thế là Tôi bỏ luôn cái ý định đi về Viên Chăn vào ban đêm để chịu mất một ngày ngồi xe cho đỡ sợ. Nhưng dường như các bác tài họ quen rồi, cứ thấy họ chạy ào ào, khiếp thật. Hầu hết khách trên xe đều bị say xe. Đi 10 giờ đồng hồ mà như cả thế kỉ.

Có lẽ du khách đến Lào chủ yếu là để đến Luang Prabang. Cũng đúng, bởi nước Lào không có nhiều điểm du lịch hoặc điểm tham quan, ngoài các địa danh như Xiêng Khoảng, Vang Viêng, Sannavakhet và Viên Chăn. Thủ đô Viên Chăn thì tuy không náo nhiệt như các thành phố ở Việt Nam nhưng cũng là trung tâm kinh tế nên không có nhiều cái đặc sắc lắm, ngoài các chùa. Đến Luang Prabang, Tôi cảm nhận được nét hiền hoà, yên ả của nơi này. Không quá ồn ào, náo nhiệt, đổ dài theo con sông Mê Kông vốn nhiều phù sa, Luang Prabang có thể xem là nơi để tham quan và nghỉ dưỡng. Khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, cây cối phủ xanh khắp nơi. Đặc biệt là đi men theo các con hẻm nhỏ, rất hay.


Hoàng cung:

5-9.jpg


7-8.jpg


Bảo tàng Quốc gia trong khuôn viên Hoàng Cung:

8-7.jpg


Phút thư giãn của các nhà sư:

1-4.jpg


Và của các em học sinh, các em nhỏ:

6-8.jpg


4-9.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,001
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top