What's new

[Chia sẻ] Hà Nội - Bắc Kinh - Tô Châu - Hàng Châu - Thượng Hải - Nam Kinh - Hà Nội

bestbee

Phượt tử
Hà Nội - Bắc Kinh - Tô Châu - Hàng Châu - Thượng Hải - Nam Kinh - Hà Nội

Trung Quốc là một đất nước đáng đến (mà có nơi nào là không như vậy nhỉ) đặc biệt là với người Việt Nam.
Có đến Trung Quốc, chúng ta mới có thể thoát khỏi những định kiến và hiểu lầm do truyền thông trong nước và phương Tây mang lại.
Có đến Trung Quốc, ta mới biết đất nước mình nhỏ bé (hoặc là Trung Quốc to) như thế nào?
Sau đây là tổng kết lại cả chuyến đi của mình, hy vọng có thể giúp được gì đó cho những ai chuẩn bị đi cung này.
Tổng chi phí: 36,800,000 (2 người/ 10 ngày 9 đêm nhưng ngày đầu và ngày cuối hầu hết chỉ dành để di chuyển)
Dưới đây chỗ nào mình dùng VNĐ thì hiểu là tiêu ở VN (visa, vé máy bay) còn dùng RMB thì hiển nhiên là chi tiêu ở Trung Quốc nhé. Chi phí liệt kê dưới dây là chi phí cho 2 người.
Tỷ giá: 1 RMB = 3310 VNĐ
* Visa: 3,808,000 VNĐ (90 USD/người sinh năm 199x và 80 USD với ai >9x)
Vì đây là lần đầu ra nước ngoài và thời gian khá gấp nên mình đành chọn làm visa dịch vụ. Có vài điều cần lưu ý khi làm visa dịch vụ:
- Có 5 tỉnh ở miền Bắc và các tỉnh miền Nam (từ Huế trở vào) khá khó xin visa, nhiều nơi sẽ không dám nhận hoặc có nhận thì giá cũng rất đắt.
- Ai sinh năm 199x thì cần có chứng minh nghề nghiệp (đơn xin nghỉ phép, photo thẻ sinh viên)
Ngoài ra thì mình nghĩ xin visa Trung Quốc không quá khó, không yêu cầu chứng minh tài chính, chỉ cần:
- Vé máy bay 2 chiều (ai đi tàu hay xe khách thì thử hỏi trực tiếp đại sứ quán)
- Chứng minh book phòng khách sạn (recommend dùng Booking.com để còn refund nếu không xin được visa)
- Tờ khai theo mẫu của ĐSQ
- Chứng minh nghề nghiệp (đơn xin nghỉ phép, hợp đồng lao động,...)
Vậy nên ai có kinh nghiệm và không quá gấp rút về thời gian thì cứ mạnh dạn nhé! Giá lại rẻ, chỉ còn 60 USD.
* Đi lại: 27,400,000 VNĐ/ 8269 RMB
1. Máy bay: 18,468,000 VNĐ/ 5655 RMB (tính cả phí dịch vụ khi thanh toán bằng thẻ Visa)
- Hà Nội – Hongkong (quá cảnh) – Bắc Kinh: 411.20 EUR/ 10,365,000 VNĐ
- Thượng Hải – Nam Ninh: 126.9 USD/ 2,934,000 VNĐ
- Nam Ninh – Hà Nội: 223.53 USD/ 5,169,000 VNĐ
Mình dùng Skyscanner để tìm vé.
2. Tàu cao tốc: 1047 rmb (Bắc Kinh – Tô Châu)
3. Xe khách: 146 rmb (Tô Châu – Hàng Châu)
4. Tàu hỏa: 49 rmb (Hàng Châu – Thượng Hải)
5. Tàu điện ngầm/ Bus/ Taxi/ Thuyền: 296 (đi lại trong thành phố)
Mục tiêu của mình là đi hết các phương tiện giao thông ở Trung Quốc, nhưng để tiết kiệm chi phí thì trong nội thành những nơi mình đến, mình chỉ đi phương tiện công cộng thôi. Hệ thống giao thông công cộng ở bên đó rất phát triển, tàu điện ngầm đi rất nhanh nhưng nhỉ 3 rmb/ 6km, bus là 2 rmb/ 10 km (1 rmb nếu dùng thẻ Beijing transportation Smart card) và taxi thì mình chỉ đi duy nhất 1 lần khi các phương tiện khác không có nên cũng không rõ lắm.
* Ăn - Ở: 2056 rmb
- Khách sạn: 1627 (phòng Twins hoặc Couple ở hostel)
Bắc Kinh thì giá vào khoảng 220 rmb/ phòng/ đêm; Thượng Hải đắt tương đương hoặc rẻ hơn chút, cỡ 200-250 rmb; Hàng Châu giá khá mềm, khoảng 130 rmb; Tô Châu rẻ nhất, cỡ 100 rmb.
Mình dùng booking.com để đặt phòng, cứ yên chí đặt hết trước khi đi cũng được, nhớ để ý chính sách hủy phòng nơi bạn đến.
- Ăn uống: 429
Các món đặc sắc thì vẫn phải ăn, nhưng không ăn ở quán ăn sang trọng, không ăn ở nơi dành cho khách du lịch (chẳng hạn Vịt quay Bắc Kinh ăn ở quán nổi tiếng nhất là 100 rmb/nửa con, mình mua ở quán bình thường chỉ 30 rmb/ con). Một số món mình đã ăn ở Trung Quốc:
- Vịt quay Bắc Kinh
- Gà cung bảo kê đinh
- Lẩu kiểu Trung Quốc
- Gà ăn xin (Hàng Châu)
- Mỳ kéo Lan Châu
- Tiểu lung bao (Xiaolongbao - Thượng Hải)
- Mỳ Zhajiangmian (Bắc Kinh)
- Bánh mỳ của người Tân Cương
- Cơm niêu, cơm trong hộp gỗ, cơm bình dân
- Vài loại cháo, trứng ngâm thuốc bắc, bánh jianbing
- Ti tỉ thứ bánh bao/ màn thầu/ há cảo/ sủi cảo
- Kẹo hồ lô, thịt xiên (và hình như vài thứ dùng xiên cắm nữa)
Suất ăn ở Trung Quốc rất nhiều, mình ăn khá ít nên ăn được ¼ đã thấy no (người bình thường chắc ăn ½ suất là lưng lưng bụng rồi) nên thường là 2 người gọi 1 suất.
Trong trường hợp bạn tự thấy bản thân là tín đồ ăn uống và ăn rất khỏe thì mình tính thế này nhé:
Ăn sáng ở Trung Quốc khá rẻ, vì người bên đó quan trọng tính nhanh gọn của bữa sáng (trừ trường hợp zaocha ở vài nơi phía Nam): 10-20 rmb
Bữa trưa sẽ phong phú hơn, nhưng cũng như Việt Nam, lấy nhanh và tiện làm đầu, khoảng 20 rmb.
Bữa tối là phong phú, giàu dinh dưỡng nhất, cơm, cháo, mỳ,.... blah blah đủ cả, cho là 30 rmb đi.
=> Ăn uống thoải mái lắm thì tiền ăn sẽ vào khoảng 70 rmb/ người/ ngày (miễn là bạn không cố tình vào restaurant là ok). Trường hợp của mình ăn uống khá rẻ vì 2 người đều ăn ít và mẹ mình thì không quen ăn đồ Tàu.
* Vé tham quan: 795 rmb
Vụ này thì không bỏ được rồi, Vạn Lý Trường Thành, Tử cấm thành, Thiên Đàn, Di Hòa Viên ở Bắc Kinh, chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, và thêm ti tỉ cái chùa khác ở Hàng Châu/ Thượng Hải nếu có hứng thú. Còn Tô Châu thì mình đến đúng hôm mưa nên 2 mẹ con quyết định nằm ở hostel ngủ cho sướng rồi đi Hàng Châu luôn =.=
* Ở đây mình không cố gắng cắt giảm chi tiêu (vì lần này là đưa mẹ đi chơi, miễn sao cụ thoải mái là được) nên chi phí có thể hơi đắt, mọi người đừng để bị dọa nhé!
--------------
Lịch trình
Ngày 1: Hà Nội – Bắc Kinh (transit 5 tiếng ở Hongkong)
Ngày 2: Vạn lý trường thành (Mutianyu)
Ngày 3: Quảng trường Thiên An Môn + Tử Cấm Thành + phố Vương Phủ Tỉnh
Ngày 4: Thiên Đàn
Ngày 5: Sở thú Bắc Kinh - Di Hòa Viên
Ngày 6: Bắc Kinh – Tô Châu
Ngày 7: Tô Châu – Hàng Châu + phố Hà Phường
Ngày 8: Chùa Linh Ẩn + hang Phi Lai Phong + Tây Hồ
Ngày 9: Hàng Châu – Thượng Hải, phố Nam Kinh + Ngoại Than
Ngày 10: Thượng Hải – Nam Ninh + Nam Ninh – Hà Nội
Trong lịch trình này có rất nhiều thời gian trống, nhưng vì cơ bản là mình đi với người già nên không quá xông pha được (hơi tiếc), ai năng suất hơn thì lịch trình cơ bản thế này là đi được nhiều lắm đó.
---------------
 
Re: Hà Nội - Bắc Kinh - Tô Châu - Hàng Châu - Thượng Hải - Nam Kinh - Hà Nội

Một vài lời khuyên:
1. Các trang web hữu ích (bằng tiếng Anh)
- travelchinaguide.com: mọi thông tin về các điểm tham quan, cách di chuyển đến đó, giá vé, tips hữu ích đều được cập nhật liên tục và đều siêu thiết thực. Cả thời tiết, phương tiện giao thông, cách làm thẻ Smart card, cách thuê xe đạp,... nói chung là đọc nát trang này là đi Trung Quốc ngon lành.
Ngoài ra, có thể đặt vé tàu qua trang này. Nếu bạn đi du lịch vào mùa cao điểm ở Trung Quốc (như 1/5 hay Quốc khánh 1/10 thì việc đặt vé sẽ rất khó khăn), không có hy vọng là đi đến đâu mua vé đến đấy đâu nên tốt nhất là dùng trang này.
- http://www.saporedicina.com/english/: có bản tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha
Thông tin về Trung Quốc ở góc nhìn khám phá và hòa nhập nhiều hơn là thăm thú. Tác giả với tư cách là người sống và làm việc ở Trung Quốc sẽ nói nhiều điều mà 1 trang web cho khách du lịch như travelchinaguide.com không nói được.
- Seat61.com: cho những ai yêu thích đi du lịch bằng tàu (mọi loại tàu), bác tác giả là 1 ông bác cuồng đi tàu và ổng đi khắp thế giới bằng tàu. Trang web hướng dẫn chi tiết từ cách mua vé online đến cách mua vé trực tiếp ở ga tàu.
- tripadvisor và lonelyplanet: quá quen thuộc rồi
1. Mang gì?
- Đổi tiền trước khi sang nhé: bên đó cũng như VN vậy, chủ yếu là tiêu tiền giấy, mang thẻ cũng được nhưng mà rút bên đấy bị tính phí chết tiền đó. Tốt nhất là dự định dùng bao nhiêu thì ra Hà Trung đổi hết (nhiều hàng, rate tốt, cạnh tranh nên giá cũng ngang ngang nhau).
- Hãy mang giấy vệ sinh (và nước rửa tay)
Ở Trung Quốc thì không cần lo không có chỗ đi vệ sinh vì nhà vệ sinh công cộng bên đó rất nhiều, đường nào cũng có, phố nào cũng có (và miễn phí), chỉ lo không có giấy thôi.
- Nhớ mang dầu gội, sữa tắm, bàn trải, kem đánh răng
Hostel bên đó không chuẩn bị sẵn đâu (loại đểu đểu cũng không luôn)
- Không cần lo về ổ điện
Trung Quốc dùng ổ điện 3 lỗ, cơ mà không nhất thiết phải mang adapter, mình đã ở 5 hostel ở Trung Quốc và cái nào cũng chuẩn bị sẵn adapter cho mình rồi.
Trung Quốc quản lý việc cho khách nước ngoài thuê phòng rất ngặt, chỉ có những nhà nghỉ/ khách sạn đã đăng ký và được cho phép mới có thể nhận khách nước ngoài. Vậy nên khi đặt phòng với Booking/ Agoda/ Hostelworld thì bạn sẽ chỉ đặt được phòng của những nơi cho khách nước ngoài thuê thôi và chắc chắn họ đã chuẩn bị sẵn adapter cho bạn.
P.S: bạn nào biết tiếng Trung có thể dùng Ctrip.com (có bản tiếng Anh) và Qunar.com (tiếng Trung, bản tiếng Anh là Qua.com) để đặt phòng, giá cả rẻ hơn nhiều so với các trang quốc tế, nhưng nhiều khả năng những chỗ đó sẽ không cho khách nước ngoài thuê, hoặc có cho cũng là cho chui (lúc ở Tô Châu mình ở 1 nhà nghỉ như thế, nhân viên hoàn toàn không biết tiếng Anh, cơ mà giá max rẻ)
- SIÊU QUAN TRỌNG: app SuperVPN
Trung Quốc chặn MỌI THỨ (fb, messenger, youtube, google, gmail, app store, google translate...)
Thế nên nhất định phải download app này trước khi sang đến nơi nhé, không thì có muốn cũng không vào được app store đâu.
Có nhiều app miễn phí nhưng Trung Quốc hầu như xử được hết lũ đấy rồi, app này là app trả phí nhưng được dùng thử 30 ngày, visa của chúng mình có hạn 15 ngày thôi nên ok.
- App khác: Pleco (từ điển tiếng Trung), google translate, gaode ditu, zalo,...
+ Pleco: từ điển dành cho dân không biết “viết” tiếng trung, các bạn cứ nhìn chữ rồi “vẽ” vào app này là kiểu gì cũng ra chữ (nhớ nhìn cẩn thận, thêm bớt 1 nét là thành chữ khác rồi)
+ Google translate
+ 高得地图: (các bạn không biết tiếng có thể dùng kết hợp với pleco, cách này mình chưa test) google map của các bạn Tàu, rất chi tiết và dễ hiểu. Bên đó mình dùng bản đồ này đi tàu điện ngầm hay bus chưa từng bị lạc, nhầm line, nhầm làn,... nếu sang đó các bạn mua sim để dùng 3g thì đảm bảo đi bộ cũng không cần hỏi đường. Mình tiếc tiền nên không mua sim, đi đường lạc thì hỏi nên cái này mới chỉ dùng để xem cách đi subway với bus.
+ Zalo: nhỡ đâu mà app đổi VPN không có tác dụng thì dùng tạm Zalo để giữ liên lạc với người thân vậy. Nhớ kích hoạt trước khi sang kẻo không có sđt để kích hoạt đâu.
2. Nên và không nên?
- Học tiếng Trung: mình ở đó 10 ngày mà số người biết nói tiếng Trung có thể đếm được trên 1 bàn tay, còn người mà nói tốt thì đếm được trên 1 ngón tay. Nếu thời gian dư dả khoảng 1 tháng hãy học cách đọc chữ Pinyin (tức là phiên âm bằng chữ Latin của tiếng Trung), biển báo, tên đường ở Trung Quốc đều có phiên âm Pinyin, nếu bạn đọc được cái đó thì sẽ rất có ích. Còn không thì hãy học những câu cơ bản, không phải là Xin chào/ Cảm ơn/ Xin lỗi đâu, mà là những câu kiểu: ABC ở đâu?, bên phải/ trái.... ý.
- Thẻ Smart card: Ở Bắc Kinh/ Thượng Hải từ 2 ngày trở lên thì đặc biệt nên làm thẻ Smart card để di chuyển bằng phương tiện công cộng như tàu điện ngầm và bus nhé.
+ Tác dụng: đi tàu điện ngầm đỡ phải xếp hàng mua vé (mua tại máy bán vé tự động nên tiền nhàu nát không nhận, có máy chỉ nhận tiền xu, xếp hàng lâu); đi xe bus được giảm 50% tiền.
+ Thủ tục đơn giản: mọi ga tàu điện ngầm đều có quầy làm thẻ, bạn đưa hộ chiếu cho nhân viên, đặt cọc 20 rmb và nạp vào thẻ vài chục rmb là ok (mình ở BK 5 ngày dùng hết 50 rmb). Trước khi đi khỏi thành phố thì đến những điểm được chỉ định để trả lại thẻ và lấy lại tiền đặt cọc.
- Vé mua tất hay đi đâu mua vé đấy: cẩn thận không mất tiền oan
Tại nhiều điểm tham quan, ở quầy vé, người ta sẽ hỏi bạn chỉ mua vé vào cửa hay mua vé đầy đủ luôn. Bên đó toàn như thế, sẽ có vé vào cửa, đi vào trong muốn xem cái gì cũng phải mất vé, nếu mua vé đầy đủ thì sẽ bao gồm cả vé vào cửa và vé vào mấy điểm tham quan, vé đầy đủ đương nhiên sẽ rẻ hơn là đi đến đâu mua vé chỗ đấy. Nhưng cần cẩn thận:
Mình kể chút kỷ niệm đau đớn của mình hôm đi Di Hòa Viên nhé. Lịch trình hôm đó là Sở thú Bắc Kinh – đi thuyền đến Di Hòa Viên – Di Hòa Viên:
Vé vào sở thú là 14 rmb/ người
Vé đi thuyền từ sở thú đến Di Hòa Viên là 50 rmb/ người
Điều đau đớn là vé tích hợp vào sở thú+đi thuyền chỉ có 40 rmb/ người thôi và nó bán ở cửa sở thú. Lúc mua vé mình không để ý thế là mất thêm 1 mớ tiền rõ đau.
Tiếp, đến Di Hòa Viên là buổi trưa rồi. Mà mình nói trước là Di Hòa Viên siêu rộng, nếu muốn đi hết thì phải dành nguyên 1 ngày cơ. Mình lại chỉ có nửa ngày, nếu khôn ra thì nên chọn vé vào cửa 30 rmb/ người thôi, nhưng mình lại rút kinh nghiệm từ sở thú, mua vé đầy đủ là 60 rmb/ người luôn, cuối cùng đi hết cả buổi vẫn chưa đi đến các điểm tham quan bên trong kia, phí thêm 30 rmb =.=
Vậy nên các bạn lưu ý kỹ vụ này nhé, các bạn định dành bao nhiêu thời gian cho nơi nào, chỉ muốn xem điểm chính hay là muốn tìm hiểu thật kỹ rồi mua vé cho phù hợp.
- Khi không chắc về một điều gì đó, hãy im lặng và quan sát cách người bản địa làm, ví dụ như:
+ Kiểm tra an ninh: Khi ra vào các trạm tàu điện ngầm, bến xe, ga tàu, sân bay và các điểm du lịch nổi tiếng, hãy quen với việc túi của bạn bắt buộc phải chạy qua máy quét, bản thân bị nhân viên dùng gậy kiểm tra an ninh quét qua (không biết gọi là gì). Đừng lằng nhằng với các bạn an ninh nhé.
+ Nhường chỗ: mình có thói quen nhường chỗ khi đi các phương tiện công cộng, nhưng mình để ý nhiều người rất không thoải mái khi bị mình nhường chỗ cho, cuối cùng thì một bác gái tốt bụng đã dạy mình là nếu có ai cần mình nhường chỗ thì họ sẽ nói, không thì khỏi.
Mình chỉ nhớ đến đây, mọi người có thắc mắc gì thì cứ hỏi mình nhé!
 
Last edited:
Re: Hà Nội - Bắc Kinh - Tô Châu - Hàng Châu - Thượng Hải - Nam Kinh - Hà Nội

Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bạn. Mình cũng có ý định đi cung này, bạn vui lòng share lịch trình cụ thể cho mình nhé. Mình có hỏi một vài tour nhưng shopping nhiều quá nên chuyển sang tự đi. Mình không biết tiếng Trung, dự định đi 2 người. Mình cảm ơn bạn trước nhé.
 
Re: Hà Nội - Bắc Kinh - Tô Châu - Hàng Châu - Thượng Hải - Nam Kinh - Hà Nội

Hi em, chị thấy em tìm bạn đồng hành đi Đài Loan, em có thể cho chị xin contact của em được ko? TKs em :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,367
Bài viết
1,175,402
Members
192,071
Latest member
anhthu666
Back
Top