What's new

Những nẻo đường Hoa.

Kính chào tất cả các bạn trong cộng đồng phuot.vn,
Hôm nay,28 têt rồi,dù rất cố gắng,tôi không thể hoàn thành chủ đề "Daehan 100cc và.... " trước Tết được,thôi thì phần còn lại xin tạm gác đến sau Tết.Thay vào đó tôi cố gắng hoàn tất một Topic nhỏ và đăng một lèo cho phù hợp với "Số Tất Niên" và xem như đây là bài cuối trong năm cũ đồng thời thay thế Thiệp Xuân gửi đến mọi người.
Kính Chúc quí bạn một Năm Mới An Lành và Hạnh Phúc.
Trân trọng,
Doigiaymoi.

Và bây giờ xin mời xem...


Những nẻo đường hoa.

Xin chào các bạn,
Một năm mới sắp đến,các cuộc “rong chơi”phần lớn đã dừng lại để rất nhiều người trở về sum họp gia đình.Riêng tôi,chưa bao giờ có những kế hoạch lang thang trong các ngày nghĩ Tết,ngoại trừ về quê của tôi,Vàm cống và quê của bà xã,Ô môn.Nhưng ,hông đi được trong các ngày Tết thì vẫn có thể đi được những cự li gần trong vài ngày trước Tết,không đi được trên đường “phượt” thực tế thì vẫn có thể “rong chơi” trên thế giới ảo tại nhà.
Nhờ vậy,hôm nay xin mời các bạn cùng chúng tôi dành chút thời gian nhỏ nhoi,nhín ra từ những bận rộn dồn dập của những ngày cuối năm,để lang thang trên những “nẻo đường hoa” thú vị!

1.Đường hoa trên thế giới phẳng.
1.1.Hà Lan.

Nhắc đến Hà Lan là nhắc đến một đất nước Bắc Âu nổi tiếng với những công trình “trị thủy”bằng những con đê khổng lồ hiện đại,nhờ đó mà 60% dân số,sống rất tốt trên 27% diện tích đất,thấp hơn mực nước biển.
Nhắc đến Hà Lan là nhắc đến những chiếc cối xay gió,dùng chạy bộ phận bơm,phục vụ việc tiêu thoát nước.Sau hàng mấy trăm năm,tuy nhiệm vụ này đã được giao lại cho các máy bơm công suất lớn, cối xay gió Hà Lan vẫn tồn tại tuyệt vời trên các vùng nông thôn đẹp đẻ,khiến một trong những nơi ấy là làng Kinderdijk trở thành điểm du lịch hấp dẫn,với trên 20 cối xay gió xây dựng từ những năm 1700,nay được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

attachment.php


Nhưng,hôm nay,theo những nẻo đường hoa,tôi muốn mời các bạn đến với cái nổi tiếng khác của đất nước Hà Lan,đó là hoa Uất kim hương,Tulip.Nó đã làm cho người Hà Lan hảnh diện cùng thế giới,bởi trong điều kiện khó khăn về đất đai thấp hơn mặt nước biển,ngành nông nghiệp Hà Lan vẫn đưa công nghệ sản xuất hoa lên đến đỉnh cao,trong đó Tulip,là sản phẩm chính làm nên thương hiệu Hà Lan trên toàn cầu và người Hà Lan cũng xem đây như là biểu tượng của đất nước họ!
Hàng năm,lễ hội Hoa Tulip được tổ chức trong khoảng tháng 5,tháng mà hoa đang thời nở rộ,hàng triệu hoa nhiều màu sắc đã làm nên những bức tranh đẹp “thần sầu quỉ khóc”.Nhìn những ảnh này,tôi chỉ biết …ú ớ,rồi không thể viết gì thêm!

attachment.php


attachment.php


attachment.php


1.2.Bungary.

Bungary tự hào là xứ sở hoa hồng,hàng năm lễ hội hoa hồng được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 6,đây là tháng mà hoa hồng nở rộ.Những cuộc thi hoa hậu bông hồng,thi hái hoa là những hoạt động chính của lễ hội,hàng năm thu hút nhiều du khách đến tham gia.
Không như hoa tulip Hà Lan,dành cho việc trang trí,làm cảnh,hoa hồng Bungary là nguồn nguyên liệu chính để chưng cất tinh dầu,80% tinh dầu hoa hồng trên thế giới có nguồn gốc từ Bungary,khoảng 2000kg đến 3000kg/năm.Đây được xem như là vàng lỏng bởi 1kg tinh dầu tương đương 1,5kg vàng, phải chưng cất từ 3 đến 5 tấn hoa mới được .

attachment.php

Mở đầu lễ hội.

attachment.php

Hoa hậu Hoa Hồng.

attachment.php

Thi hái hoa.
 
Last edited:
1.3. Nhật bản.

Nhật bản thì có cả một lễ hội Hoa Anh Đào hàng năm…Nhưng nổi tiếng lại là nghệ thuật cắm hoa.Cùng với việc uống trà,cắm hoa đã được người Nhật nâng lên đến “đẳng cấp” như là Đạo,Hoa Đạo,để rồi có cả một nghệ thuật mà nhiều khi phải đến trường lớp mới học được.
Vâng,Ikebana,tiếng Nhật,có nghĩa là “hoa sống”,mà đôi khi còn gọi là “kado”,nghĩa là “Hoa đạo”.
Sách cổ nhất hướng dẫn cắm hoa Nhật là Sendensho,được soạn vào khoảng thế kỷ XV-XVI.Trường xưa nhất dạy Ikebana là Ikenobo,dựng nên bởi nhà Sư Shiun-ji,tại Đền Rokkakudo,Kyoto.Ông có kỷ năng đặc biệt khi sắp xếp những bông hoa để cúng Phật,khiến các Sư khác phải nể vì như một bậc Thầy.
Như thế,ta thấy,Hoa đạo là một môn nghệ thuật xuất phát từ cửa Phật,nên chắc chắn hàm chứa một ý nghĩa tôn giáo đặc thù.Sáu yếu tố cơ bản của Ikebana là : đất,nước,lửa,gió,không khí và hiểu biết,mà theo tôi,chính là “Ngộ”.
Như các ngành nghệ thuật khác,sau khoảng 600 năm xuất hiện và tồn tại,Ikebana cũng chia nhiều trường phái,dĩ nhiên theo một số yêu cầu nhất định:
Trường phái Saga,gọi theo tên của Hoàng đế Saga,triều đại Heian,là người yêu nghệ thuật,có một cung điện mùa hạ,Daikaku-ji,tại Đông Bắc Kyoto,nay là đầu não quốc tế của trường phái Saga Goryu,chú trọng 3 yếu tốTrời,Đất và Người.
Trường phái Sainohana,là kiểu cắm hoa hiện đại, tôn trọng môi sinh.
Trường phái Bunjika (Bunji có nghĩa là người có văn hóa),mang tinh thần tự do trong sắp đặc theo tiêu chuẩn cân đối và hài hòa…
Tuy là trường phái nào,cổ điển hay hiện đại,Ikebana luôn phải tuân thủ một số nguyên tắc chuẩn,thể hiện cái tinh thần “Chân,Thiện,Mỹ” trong nghệ thuật,và trên hết,tạo sự thanh thản,yên bình sâu sắc cho người thưởng ngoạn.
Hoàn toàn trái ngược với lối cắm hoa rực rỡ,cầu kỳ,đầy màu sắc của Tây phương,nghệ nhân Ikebana,đôi khi chỉ sử dụng những cành cây giản dị,những cỏ dại ven đường…và thường thì chỉ đôi ba bông hoa ít ỏi,nhưng làm người thưởng ngoạn vừa ngắm,vừa cảm nhận cái đẹp theo từng cách nhìn của riêng mình,đó là cách thưởng thức nghệ thuật “động” về một tác phẩm “tĩnh”.Bình hoa phương Tây có thể làm người xem ngạc nhiên về màu sắc và “trị giá” của những thành phần tạo nên nó (hoa và bình),họ ngắm nhìn,trầm trồ khen một cái,rồi thôi.Còn lọ hoa Ikebana,nó khiến người xem phải trầm ngâm thích thú,tự do thả hồn theo những rung động riêng lẽ của mình hoặc đắm mình vào trong cái “hồn” của một “tác phẩm” thực sự,nhìn ngắm rồi lại nhìn ngắm,cái đẹp ấy có thể thay đổi theo từng góc nhìn,biến hóa theo từng “sát na”suy nghĩ,nó thuộc “phạm trù giá trị đi tìm” đúng nghĩa.
Thôi,tất cả những gì tôi đã viết chỉ là ngôn từ,hoàn toàn không có ý nghĩa gì,nếu bạn chẳng tìm thấy nét đẹp nào qua những hình ảnh sau đây.Và đó cũng là một “biến tấu” mà chính người sáng tạo cũng biết vẫn có thể xãy ra.

attachment.php

Phong cách Rikka

attachment.php

Phong cách Jiyuka.

2.Đường hoa trên thực địa.

Tôi không biết các nơi khác trên thế giới người ta “chơi” hoa như thế nào,”chưng” hoa ra sao,và có “dùng” hoa như một loại “nhu yếu phẩm” giống như ở Việt Nam không?
Nhưng có lẽ không đâu trên thế giới mà hoa lại sử dụng rộng rãi,thường xuyên và bình dân như tại Việt Nam.Hoa tươi hầu như chợ nào cũng có bán. Chợ xã,chợ huyện thì khiêm tốn nhưng vẫn có vài ba chỗ chuyên bán hoa tươi,qui mô thì tùy theo xã hay huyện đó.Tại các tỉnh,thành thì có nguyên cả một khu chợ riêng,chuyên cung cấp hoa tươi cho nhu cầu hàng ngày của mọi người.

attachment.php


attachment.php


Ngành buôn bán hoa tươi tại các thành phố lớn là ngành có lợi nhuận cao,ngoài việc cung cấp cho nhu cầu trang trí hàng ngày trong các gia đình,hoặc cúng kiếng trong các ngày rằm,lễ,họ còn cung cấp những giỏ hoa,những tràng hoa giá trị hàng triệu bạc cho các ngày khai trương,sự kiện,sinh nhật…
Còn hoa “xề”,hoa “thúng” ,thì chợ lớn,chợ nhỏ,chợ xóm,chợ chồm hổm…đều có bán,để mấy bà nội trợ mua về trang trí cho vui nhà và chưng cúng trên các bàn thờ,đó là cái lệ,không biết có từ bao giờ?Cầu kỳ thì dùng hoa huệ,hoa glayeuille,đơn giản thì vạn thọ,bông trang,bông sen,bông cúc… hay chỉ cần một cành điệp cúng ngắt vội bên đường,cắm vào lọ sành rẻ tiền hoặc đôi khi chỉ là cái chai phế liệu nào đó.

attachment.php

Chợ hoa xóm nhỏ.

attachment.php

Hoa "xề" nơi chợ lớn Long Xuyên.

attachment.php

Hoa chưng bàn ông thiên.

Xem thế,tôi nói người Việt “dùng”hoa như một loại nhu yếu phẩm,tuy có hơi chủ quan,nhưng rõ ràng không quá xa sự thật,nó như là loại nhu cầu tinh thần do bởi một thói quen rất “văn hóa” mà không phải dân tộc nào cũng có!
 
2.1.Đường hoa trong quá khứ.

Năm 1970,sinh viên khóa 1 CĐNN Cần thơ chúng tôi được các Thầy dẫn đi du sát “Vườn Hồng Sa Đéc”.Đi du sát là một trong những sinh hoạt ngoại khóa quan trọng và rất đặc biệt của sinh viên ngành Nông nghiệp.Đó là những “giờ học” lý thú,nằm trong chương trình chính khóa mà sinh viên nông nghiệp,thời của chúng tôi,phải trãi qua.Đó là dịp đi “học mà chơi”,đi chơi mà học,vừa thu thập những kinh nghiệm thực tế qua trực tiếp quan sát công việc sản xuất của nông dân cùng sự bổ sung lý thuyết của các Thầy tại hiện trường,về những loại cây,con cụ thể,đồng thời cũng là một cuộc du lịch,picnic dài hay ngắn ngày tùy năm học.
Tôi thực sự không còn nhớ rõ, chương trình “Du sát vườn hồng Sa Đéc”,ghi trên bảng “Thời khóa biểu”niêm yết tại khung thông tin bên hông giảng đường L,khu Cái Răng,ghi vào ngày tháng nào,nhưng có lẽ đó là năm thứ 2 hoặc 3,khoảng năm 1970 hay 1971.

attachment.php


attachment.php


Hai chiếc Toyota,Coaster chở 34 sinh viên khóa 1,một chiếc Corolla familial,chở Khoa trưởng và vài Thầy,vượt bắc Bình Minh qua Vĩnh Long.Những bài hát cộng đồng,các bản du ca và không biết bao nhiêu câu chuyện tếu cùng tiếng hò đối đáp chọc ghẹo,đã trở thành “thuộc tính” của sinh viên nông nghiệp.Nên,cùng với những giờ tp ở phòng thí nghiệm,thực hành nông trại trên ruộng đồng,chuồng nuôi gia súc,du sát chính là dịp để dân nông nghiệp gắn bó như anh chị em một nhà,sự gắn bó đã làm nên một tính chất đặc thù,cho đến bây giờ vẫn tồn tại qua mấy chục năm “họp mặt” thường niên,cái đặc thù ấy đôi khi còn lan rộng ra cả cái “cộng đồng nông nghiệp” của các trường Nông Lâm Súc cũ.
Như thường lệ,trên đường đi,các Thầy đã có các điểm chọn trước hoặc đột xuất,để sinh viên xuống “ruộng” nghe Thầy giảng.

attachment.php


attachment.php

Thầy Trần Đăng Hồng(nay là Giáo sư dạy tại Đại học Reading,Anh quốc),đang giảng về …cái gì đó trên cây lúa.

Chúng tôi không chỉ “tiếp cận”đồng ruộng,chuồng trại,mà còn được vào các nhà máy sản xuất những gì liên quan đến nông nghiệp,như “Bánh phồng tôm Sa Giang”,tại Sa Đéc.Đây là điểm được định trước do mối quan hệ quen biết với chủ nhà máy của Giáo sư Nguyễn Viết Trương,Giám đốc trường CĐNNCT, nay là chuyên viên của

attachment.php


attachment.php

Giáo sư Nguyễn Viết Trương đang thuyết trình tại nhà máy Sa Giang,Thầy Nguyễn Dương,áo sẩm nơi góc trái.

Điểm chính trong chương trình du sát một ngày,hôm nay,chính là “vườn hồng”.Đây là một vùng trồng hoa truyền thống,nằm ở ngoại ô tỉnh lỵ Sa Đéc,thuộc phường Tân Qui Đông,trên đường đi Cao Lãnh.Ngày chúng tôi đến thăm,vườn phần lớn trồng hoa hồng,nên gọi là vườn hồng.Vào thời đó,người nông dân canh tác loại cây trồng này cũng chẳng khá giả gì,họ không có nhiều ruộng để trồng lúa hay lập vườn,trồng hoa kiểng phù hợp với qui mô nhỏ,diện tích đất không rộng và có thể làm quanh năm suốt tháng,nhưng chủ yếu cũng đón chờ dịp cuối năm.

attachment.php

Đường vào vườn hồng,nhiều nhà lá rách bươm.
 
Last edited:
attachment.php

Những “giỏ bội” đang ở dạng “phôi” dưới đất,dựa bàn “Ông Thiên”.

attachment.php

Sau những giờ “học chơi”,chúng tôi chuẩn bị ăn trưa.

Đó là những hình ảnh và hồi ức về một “nẻo đường hoa”43 năm về trước,nẽo đường “đầy hoa mộng” của cái thời thanh niên vừa chớm đôi mươi,với biết bao hoài bảo,biết bao dự tính cuộc đời,thoáng chốc,đã gần nửa thế kỷ trôi qua,bây giờ nhìn lại thấy nhanh như gió thoảng,chập chờn hư ảo kiếp phù du !
Đó cũng là “nẻo đường hoa”,bây giờ nhìn lại thấy thật quí giá và thú vị,bởi tưởng đã mất đi,nhưng nếu ta muốn,vẫn còn thấy lại,để mĩm cười tự nhủ ô hay cái thời sinh viên đáng yêu ấy như đang trước mặt,với bạn bè,Thầy cũ,cả cái giảng đường L trưa nắng đang đón đợi sinh viên vào dự lớp buổi chiều ,để rồi ta thêm yêu cuộc sống “đang có những nỗi buồn” này hơn.
Đó chính là “nẽo đường hoa” dẫn lối chúng tôi tìm đến vào một ngày cận Tết,tuần rồi.Hai kẻ “lang thang đầu đường xó chợ”,chợt cồn cào một nỗi “rong chơi”muốn lông bông qua vùng Tân Qui xưa cũ,kiếm lại một chút vườn hồng nay đã nổi tiếng “một làng hoa”.Vâng,đúng là một làng hoa.
Rời phà Vàm cống theo quốc lộ 80,chạy thêm khoảng 34km thì tới thị xã Sa Đéc,chỗ giao tiếp với đường Trần Phú và tỉnh lộ 848 đi Cao Lãnh (tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp),chúng tôi rẻ trái tìm đường đến làng hoa Tân quy Đông,cách đó 4km.
Bây giờ làng hoa Sa đéc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng đã không còn gói gọn trong một làng (Tân Quy Đông)như trước mà đã lan ra các phường lân cận như phường 3,phường An Hòa,xã Tân Khánh Đông…với diện tích lên đến khoảng 200ha,sản lượng lên đến 10 triệu chậu mỗi năm.
Vườn Hồng ngày xưa nay vẫn còn hồng là hoa chủ lực,với trên 50 giống như :hồng Cleopatre (hồng phấn),hồng Korokit (gạch tôm),Grada (tím sen),hồng Marseille (trắng),Elizabeth (hường),hồng Confidence (vàng hột gà),….
Ngoài ra còn rất nhiều loại hoa kiểng khác như Mãn đình hồng (hollyhock),Cẩm tú cầu hay còn gọi là hoa Hortensia (Hydrengea macrophylla),cát tường,thược dược,dâm bụt (vàng,đỏ,tím),vạn thọ Pháp,cúc mâm xôi,hoa mào gà….Tất cả tạo nên một mùa hoa quanh năm suốt tháng.
Không những chỉ là hoa,ngày nay,làng hoa Sa Đéc còn là nơi cung cấp cho thị trường nhiều loại kiểng quý,kiểng bonsai,cây cảnh và cả cỏ để trang trí sân vườn,biệt thự… Các cơ sở sản xuất và cung cấp cây cảnh mọc lên nhiều nơi tại khu vực này,tất cả đều có vẻ rất phát triển,tạo nên một làng hoa tỉ phú không thua gì Đà Lạt,đó là những đổi thay tích cực của một vườn hồng nhà lá xiêu vẹo khi xưa.


Rời tỉnh lộ 848,rẻ vào một con đường nhỏ bên tay trái,chúng tôi thực sự đến với làng hoa đúng nghĩa,có thể là một khu vực nào đó của vườn hồng xưa.Một con đường nhỏ len lỏi qua những vườn hoa kiểng đang nhộn nhịp trong những ngày cận tết này.Con đường bê tông chạy cặp theo dòng kênh nhỏ,len lỏi qua các khu vườn xanh mát điểm xuyết những giàn hoa cúc,hoa mào gà...đang kỳ rực rỡ.Giòng kênh,trước đây là đường chính đưa hoa ra quốc lộ bằng những thuyền,xuồng con...,là đề tài phong phú cho các nhà nhiếp ảnh tìm đến,chọn cho mình những góc máy và thời điểm vàng để có được tác phẩm hay.Bây giờ,con đường bê tông,thuận tiện cho các loại xe lôi,xe tải nhỏ,ghe xuồng con không còn quan trọng như xưa.Nhưng con đường lại có cái đẹp riêng khác,khi len lỏi qua một vùng thôn quê râm mát.Chúng tôi chợt ngang qua một vườn cọ tuyệt vời.Không khoe màu loè loẹt,không phô bày rực rỡ sắc hoa,vườn cọ xanh giản dị với lá xẻ đặc trưng,chạy uốn lượn một cách tuyệt vời khiến chúng tôi tốn khá nhiều thời gian để tìm khung ảnh đẹp,rất tiếc thời gian không có nhiều để đạt được ý muốn mong.

attachment.php

Con đường cây cọ ở làng hoa Tân Quy Đông.

Đường bê tông tiếp tục thông qua một con lộ nhựa,tuy nhỏ nhưng cũng đủ để xe tải vào được.Không còn nhiều những mái nhà lá tuềnh toàng,nghèo khó(ngoại trừ một số nhà lá tạm bợ ở trong sâu của những người nghèo làm công nhân cho các vườn hoa cảnh,đó là thực một thực tế của một đất nước vẫn còn nằm trong số các nước nghèo trên thế giới) mà là những nhà đúc kiên cố,xen lẫn các ngôi biệt thự xinh đẹp,nằm trên một khu vực tiếp nối nhau,là những vạt đất mênh mông đang rực rỡ sắc màu trong các ngày chờ tết.

attachment.php

Đường nhựa nhỏ thay thế đường đất năm xưa trong vườn hồng.

Nhiều “xe lôi Tàu” chạy ngược,chạy xuôi để tải những giỏ hoa mang ra thị trường từ những nhà vườn,nhiều công nhân đang làm việc tất bật để vận hành một “cổ máy sản xuất hoa tươi” sinh động đầy màu sắc.Không những thế,làng hoa còn đón nhận những đoàn khách du lịch,trong và ngoài nước đến viếng cảnh,xem hoa,nhiều người trong số họ là các nhiếp ảnh gia,lang thang săn lùng những khoảnh khắc đời thường đặc sắc của một miền quê xanh tươi,quyến rủ.

attachment.php

Chụp ảnh hoa bụp.

attachment.php

Bà chủ vườn xinh đẹp đang chăm sóc các chậu cúc Tết.

Chúng tôi xâm nhập thử vườn hoa của một đôi vợ chồng trẻ rộng hàng ngàn thước vuông.Một vạt hoa mào gà vàng rực dưới nắng sáng,thấp thoáng các công nhân đang mẫn cán làm việc,trong xa là ngôi nhà ngói khang trang ẩn hiện.Hai vợ chồng họ bận rộn bên khu vực cúc vàng đang sẳn sàng đưa ra chợ,người chồng phun tưới nước,người vợ đang tỉ mỉ chăm sóc từng chồi ngọn,búp non.Thật tình chúng tôi đang “đắm chìm” trong sắc màu rừng rực lá hoa,trong khu vườn cây kiểng đang ngậm nụ xuân chờ Tết.Tôi như nghe rộn ràng niềm hạnh phúc qua ánh mắt,nụ cười của họ,chắc chắn đang sung sướng vì sự đồng điệu trong cuộc sống,vì kết quả những tháng ngày lao động nhọc nhằn,sắp tung ra thị trường nay mai.

attachment.php
 
Chúng tôi xin phép chụp ít file ảnh về công việc của 2 người.

attachment.php


Nhưng chắc họ không sâu sắc đến độ nghĩ rằng mình đã và sẽ góp cho đời một chút niềm vui trên những con đường hoa nào đó,trong những biệt thự sang trọng,lẫn những mái nhà giản dị chờ Xuân...

2.2.Con đường hoa xuân.
Vâng,vào lúc này trên khắp các ngã đường đất nước,một không khí tất bật chờ Tết đến.Không biết từ bao giờ,hoa trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong hầu hết các gia đình Việt Nam.Ngoài hoa mai,là loại hoa chính được trưng bày trong nhà đầu năm mới,cúc vàng,vạn thọ là 2 loại thông dụng thứ 2 trong hệ thống hoa Tết Việt Nam,có lẽ bởi cái màu vàng rực rỡ và tính phổ biến của 2 loài này.Còn kiểng tết thì từ Bắc vào Nam,người ta rất chuộng cây quất,vì những quả chín vàng rực đơm đầy trên chậu cây hình tháp,một biểu hiện của sự sung túc.Dĩ nhiên,tùy theo gia cảnh,tùy theo sự thành đạt kinh tế của từng nhà,hoa Tết cũng thay đổi về số lượng lẫn chất lượng.Ôi,hoa,hoa và hoa.Hoa hiện diện khắp nơi.Chợ lớn,chợ nhỏ,đầu đường,xó chợ,trên bờ dưới sông…hoa được bày bán khắp nơi,hoa được chưng bày khắp chốn.

attachment.php


attachment.php

Hoa lề đường Châu Đốc.

attachment.php


attachment.php

Hoa ra chợ Tết,Long xuyên.

attachment.php

Quất Tết.

Như thế,Hoa và Tết Việt Nam,đã đã từ lâu song hành để bước vào năm mới.Một cuộc song hành tưng bừng, “tràn ngập”khắp các nẻo đường,tạo nên một nét độc đáo mà có lẽ trên thế giới chưa quốc gia nào giống vậy.
Có thể Việt Nam không tổ chức được những lễ hội hoa hoành tráng như Hà Lan hay Bungary,nhưng các lễ hội này chỉ diễn ra tại một số địa phương,khu vực.
Việt Nam không có lễ hội Hoa anh đào truyền thống và nghệ thuật Ikebana lừng danh thế giới.Lễ hội này chỉ đặc biệt tại vài địa điểm tieu biếu ở Nhật mà thôi.

Nhưng,chắc chắn,người ta không thấy đâu trên thế giới có sự kết hợp giữa hoa và lễ tết truyền thống một cách đặc biệt như thế,một sự kết hợp không thể thiếu,trên hầu như toàn bộ đất nước này,ngoại trừ những nơi không có người sinh sống.Tôi không tưởng tượng được một cái Tết cổ truyền Việt Nam mà không có hoa,không có chợ hoa và không có…những nẻo đường hoa.
Long xuyên ngày 08-02-2013 (nhằm ngày 28 Tết )
Doigiaymoi.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,326
Bài viết
1,175,238
Members
192,050
Latest member
khoangsanamico
Back
Top