What's new

Chuyện kể về Romania

Có lẽ không nhiều ngươì Việt chọn Romania là điểm đến du lịch, nên phong cảnh - đất nước - con người Romania cũng chưa phổ thông lắm với việt du (những người yêu thích du lịch và phượt, hí hí). Topic này ghi lại những cảm xúc của tôi và những điều tôi nhìn thấy trong 10 ngày ở đất nước vùng Đông Nam Âu này.

Ru-ma-ni - đất nước Đông Âu huyền bí, mang phong vị hoà trộn của bao nền văn hoá do ảnh hưởng của những cuộc chiến tranh và xâm lăng kéo dài; đất nước của bao huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa và kể cả của ngày nay. Chặng đường từ Việt Nam đến với Ru ma ni dài dằng dặc và qua vài lần chuyển phương tiện bay, tôi thật là may mắn đã tới đất nước được mệnh danh là “ Phương Tây hoang dã ở miền Đông Âu”.
 
Một số tips cho chuyến đi

- Có thể chọn chuyến bay của Air France để đến với đất nước Rumani xinh đẹp; hoặc Vietnam Airlines đi từ Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh và nối chuyến với hàng không Tarom hoặc Air France từ sân bay Charles De Gaule - Paris đi sân bay Otopeni của Bucuresti.
- Các món soup và thịt nướng ở Rumani rất tuyệt với hàng trăm loại cho bạn lựa chọn
- Áo, khăn và đệm ngồi bằng da cừu, da thỏ, da cáo thuộc kỹ là món quà lưu niệm đáng giá khiến bạn luôn nhớ tới Rumani
- Từ thủ đô Bucuresti có rất nhiều điểm đến thú vị và hấp dẫn để bạn khám phá Rumani: Đồng bằng sông Danube với các khu vực bảo tồn thiên nhiên rất thích hợp cho thú xem chim, ở nhà dân, đi câu hay chèo thuyền; vùng núi Carpat hùng vĩ và bí ẩn với hàng trăm khu rừng nguyên sinh có số lượng thực vật quý hiếm đa dạng, với 3500 chó sói chiếm ½ số lượng chó sói của toàn châu Âu, 1/2 số lượng gấu nâu, 1/3 số cáo của toàn châu Âu tập trung tại đây. Vùng thung lũng Prahova của cao nguyên Transylvania với hàng trăm lâu đài duyên dáng và bí hiểm như lâu đài Dracula ở Bran, cung điện ở Sinaia… và đặc biệt thích hợp với những người ham mê leo núi và trượt tuyết.
- Bạn cũng không nên bỏ qua kỳ nghỉ hè ở bên bờ Biển Đen với các bãi biển đẹp như Mamai hay Eforie de Nord…khi đi về vùng Contantsa.
 
Last edited:
Thật không đơn giản khi có được visa nhập cảnh Ru-ma-ni nếu tôi không có người dì đang sống cùng gia đình ở thủ đô Bucuresti nhờ sứ quán Việt Nam bảo lãnh. Người Việt Nam chưa được cấp visa du lịch cá nhân tới Romania. Tôi nhận visa nhanh chưa từng thấy, sau 10 phút với mức phí cũng có lẽ là thấp nhất thế giới, bốn mươi sáu nghìn đồng VN, chắc là tương đương với 3US$.
Nhân viên lãnh sự cao gầy mặc quần short chơi tennis đang chuẩn bị đến sân quần vì tôi đến vào buổi chiều - giờ nghỉ của họ, nói với tôi bằng thứ tiếng Anh mang âm Pháp nhiệt tình hướng dẫn tôi khai form và hoàn thành thủ tục.

Tôi khấp khởi lên đường với hành lý ký gửi quá cân và một túi xách tay 20kg chứa đầy rau thơm, gia vị tươi các loại. Ở Rumani cộng đồng người Việt chỉ vỏn vẹn có vài trăm người kể cả trẻ em và phần lớn tập trung sống ở thủ đô Bucu, nên không có hệ thống cửa hàng thực phẩm cho người Việt, vì thế mọi người thèm gia vị quê nhà lắm. Sau khi nối chuyến ở Paris, tôi chuyển sang máy bay của hãng hàng không quốc gia Rumani bay đi sân bay Otopeni cách thủ đô Bucu 17km. Trên máy bay tôi nhìn thấy đất nước Rumani trải rộng với các đồng cỏ, đồi núi và tôi đã thấy Biển Đen.

Sân bay Otopeni không có gì đặc biệt, với nhà ga nhỏ, đường băng đủ chỗ cho vài chuyến quốc tế lên xuống trong ngày nhưng nằm ở một thảo nguyên thật đẹp với cỏ và hoa đồng nội li ti.
Các em họ đón tôi ở sân bay, giọng của chúng có vẻ lơ lớ và dùng sai nhiều cụm từ tiếng Việt. Có hoa tươi và những cái ôm sau những năm xa cách. Ngồi trong xe BMW nhập khẩu từ Đức, tôi vui thích ngắm nghía cảnh vật qua kính ô tô.
 
Đường sá rộng rãi, nhiều loại xe cả đời cũ và đời mới nối đuôi nhau vào thành phố, nhãn hiệu xe Dacia một thời nổi tiếng của Rumani vẫn được ưa chuộng.
Cổng Khải hoàn đón chào du khách với phong cách kiến trúc Pháp, các đại lộ được thiết kế giống như đường phố Paris khiến cho người khách phương xa ngỡ mình đang ở trong lòng thủ đô nước Pháp. Cậu em họ lái xe thêm một đoạn nữa, qua các vòi phun nước lộng lẫy, băng ngang các toà nhà có từ thời Phục hưng với các phù điêu chạm khắc cầu kỳ phía ngoài, rồi đi ngang Toà nhà Quốc hội – toà nhà lớn thứ hai thế giới (tôi sẽ kể chi tiết ở phần sau bài viết) - cảm giác về giai đoạn xã hội chủ nghĩa với sự lãnh đạo đất nước của Ceausescu hiện rõ trong tôi. Thấp thoáng giữa bóng cây là mái và chóp hình củ hành của các nhà thờ Orthodox mang lại phong vị Latin duyên dáng cho thành phố. Dây điện thoại giăng chằng chịt khắp các phố y như ở Hà Nội hay Sài Gòn. Và khi xe đi tới khu vực tập trung dân cư, màu sắc xám xịt của các khu nhà chung cư được xây hàng loạt dưới thời Ceausescu cho tôi biết đến mùi vị cuộc sống hiện tại và quá khứ của người Rumani.
 
Tên gọi Bucuresti bắt nguồn từ tên của vị mục sư đi vào huyền thoại Bucur người lập nên thành phố và đã xây dựng một nhà thờ bên bờ sông Damborita. Thành phố Bucuresti nằm trên đồng bằng Wallachia, khu vực giữa chân dãy núi Carpath và lưu vực sông Danube. Thành phố này trở thành thủ đô vào năm 1862.
Những năm đầu thế kỷ 20 là thời kỳ vàng son của Bucuresti. Các đường phố nhỏ hẹp được thay thế bởi các đại lộ phủ đầy cây xanh, kiến trúc lấy từ cảm hứng của nước Pháp, các công viên được thiết kế giống như ở Paris, vì thế thành phố được mệnh danh là “Paris của vùng Balkan”. Bị bom đạn tàn phá dữ dội thời kỳ Thế chiến II, hai lần động đất mạnh vào các năm 1940 và 1977, và cuối cùng là công cuộc xây dựng hàng loại các chung cư dưới thời Ceausescu là dấu chấm hết cho một Little Paris duyên dáng của Đông Âu.
Nhưng những gì còn lại của quá khứ vàng son trải qua bao biến cố lịch sử, cuộc sống thường nhật giản dị của người dân, nét đặc trưng văn hoá pha trộn giữa văn hoá của dân tộc Dacian (tổ tiên của người Rumani) với văn hoá các dân tộc thiểu số như người Hungari, người Gypsy hay kiều dân gốc Đức vẫn luôn mang sức hấp dẫn bí ẩn chết người với bất kỳ du khách nào.
 
Toà nhà Quốc hội

Với thành phố trung tâm chính trị - văn hoá - thương mại của đất nước nằm bên bờ biển Đen có dân số gần 3 triệu người và có lịch sử hình thành từ năm 70 trước Công nguyên, có rất nhiều điều để khám phá, chiêm ngưỡng cho du khách đến đây lần đầu tiên.

Đi dọc đại lộ Unirri mát lạnh bởi bao vòi phun nước, vượt lên trên Quảng trường Unirri là toà nhà Quốc hội sừng sững trước mắt bạn. 700 kiến trúc sư, công trình sư, nhà điêu khắc, hoạ sĩ, các nghệ nhân và 20,000 công nhân làm việc 24h/ngày trong vòng 5 năm đã hoàn thành toà nhà lớn thứ hai trên thế giới với diện tích bề mặt 330,000m2 chỉ sau Lầu Năm Góc ở Washington. Toà nhà Quốc hội được Nicolai Ceausescu xây dựng năm 1984 sử dụng hoàn toàn các vật liệu của Rumani và do người Rumani thiết kế, thực hiện. Toà nhà gồm 3 lớp, 12 tầng có 3100 phòng được trang trí, hai trong số 60 gallery có chiều dài 150m và rộng 18m. 40 trong số tổng cộng 64 sảnh đón tiếp có diện tích 600m2. Sảnh Lớn Union Hall rộng 3000m2 và đủ chỗ cho trực thăng hạ cánh. Tấm thảm phủ kín sàn Sảnh Lớn nặng đến 14 tấn và đèn chùm pha lê trong sảnh này cũng nặng tới 2.5 tấn. Hầm tránh bom hạt nhân có độ sâu 20m. Vào thập kỷ 80, điện năng tiêu thụ cho Toà nhà trong một ngày có thể cung cấp cho toàn bộ hoạt động của cả thủ đô Bucuresti trong vòng 4h. Tôi đã choáng ngợp trước những cầu thang to lớn bằng đá cẩm thạch trắng, và đã mê mải giữa những phòng trưng bày tranh cũng như say sưa nghe diễn thuyết tại một trong những rạp hát của Toà nhà Quốc hội.
 
Last edited:
Phố phường và Bảo tàng ngoài trời ở Bucu

Dạo chơi ở khu vực trung tâm lịch sử, tôi lần lượt chiêm ngưỡng cung điện của Hoàng tử xứ Wallachia Vlad Tepes - người được mệnh danh là Bá tước Dracula – cung điện xây dựng vào thế kỷ 18; cạnh đó là nhà thờ cổ nhất Bucuresti xây từ năm 1546. Hiện tại phần lớn nội thất của nhà thờ đã ngả màu đen vì thời gian, nhưng các bức bích hoạ, các phù điêu trang trí, cột và gạch đều được giữ gìn nguyên trạng. Ở khu vực trái tim của thành phố này, ngoài các nhà thờ cổ xưa như nhà thờ màu trắng Stavropoleos do một linh mục người Hy Lạp xây dựng từ thời Phục Hưng, nhà thờ Tân Thánh George từ thế kỷ 18… chúng ta có thể thăm khu vực thương mại lâu đời nhất với các khu phố đặc trưng của mỗi ngành buôn từ thế kỷ 15 như phố Covaci có nghĩa là Phố những người làm máng hay Str Selari có nghĩa là Phố những người làm yên ngựa. Tôi lại liên tưởng đến khu 36 phố phường ở Hà Nội với phố Hàng Hòm, Hàng Quạt, Hàng Giầy…

Đi về phía bắc của thủ đô Bucuresti, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Triumphal Arch - Khải Hoàn Môn cao 11m xây bằng đá granit lấy từ vùng Deva, tôi được cậu em dẫn tới Village Museum ngay cạnh đó. Đây là một trong những điểm tham quan hấp dẫn bậc nhất của thành phố trưng bày gần 300 mô hình với tỉ lệ thật các kiến trúc như nhà thờ, nhà gỗ truyền thống, cối xay gió, các trang trại nông thôn…Đây cũng là một trong những bảo tàng ngoài trời lớn nhất châu Âu, nếu bạn đã tới Bucuresti thì đừng bỏ lỡ địa điểm này.
 
Cuộc sống ở Bucu

Buổi chiều tôi bắt taxi tới khu chợ Niro ở bên lề thành phố là khu chợ bán sỉ lớn nhất khu vực sông Danube, do một người gốc Hoa xây dựng, nơi đây tập trung hàng nghìn cửa hàng buôn bán quần áo, giày dép, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ da, đồ điện máy… Cộng đồng người Việt chủ yếu buôn bán ở khu chợ này. Các gian hàng của người Việt rất dễ nhận với mặt hàng đặc trưng là pijama của cả nam và nữ. Trong chợ Niro có đủ màu da, sắc tộc, những tiếng rao lanh lảnh, tiếng xe cút kít chuyển hàng, người đi vội vã, luôn nghe tiếng Pardon vang lên (xin lỗi khi muốn vượt qua). Những bộ váy áo sặc sỡ của người gốc Hungari, người Gypsy tưng bừng cả khu chợ.

Hôm sau tôi dạo chơi cùng lũ em họ còn tuổi mẫu giáo và cấp 1 trong công viên và thăm Vườn Thực vật. Công viên rộng rãi phủ đầy cây xanh và hoa cỏ mọc khắp nơi. Tâm hồn du khách bỗng thư thái lạ trước mặt hồ biếc xanh, giữa bầu không khí thoáng đãng, giữa hương hoa và hương lá.

Bucuresti quả là một thành phố khác thường, mang đến cho người khách dừng chân những cảm xúc phức tạp đan xen trong ngày.

Từ khuôn cửa sổ tầng 8 căn hộ một chung cư như hàng nghìn chung cư ở thủ đô Bucuresti, chậu ớt chỉ thiên đang ương vàng cùng màu xanh non của rau húng, của kinh giới vươn lên mơn mởn, phía ngoài kia ngợp mắt tôi là chi chít các ô cửa sổ từ các chung cư xám màu. Tôi sẽ đi London ngay sau thời gian dừng chân tại Rumani, và tôi biết chắc rằng ấn tượng về một Bucu ồn ào, nhộn nhịp pha trộn màu sắc văn hoá của nhiều dân tộc chung sống nơi đây, ấn tượng về phong cách kiến trúc đa dạng, ấn tượng về một Bucu tuơi mát với nhiều công viên, vòi phun nước và hồ nước, ký ức về những ánh mắt nâu sâu thẳm của các cô gái chàng trai Đông Âu luôn in mãi trong tôi.

Sau những vòng ôm và những giọt nước mắt luyến nhớ của gia đình, nhất là hai đứa em bé nhất nhà cứ siết tay tôi mãi không muốn rời, tôi thẫn thờ ngồi ở sân bay Otopeni chờ đến chuyến đi London. Văng vẳng trong tôi tứ thơ của một người sinh viên Việt Nam về mối tình da diết của cô gái Rumani:
“Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Xuôi dòng Danube những đêm trăng
Trèo lên đỉnh núi cao Carpat
Và tìm anh trên bán đảo Balkan
 
Last edited:
Khải Hoàn Môn được xây theo phong cách kiến trúc của Paris - Pháp




Các khu nhà chung cư màu xám nhan nhản ở Bucu

 
Last edited:
Tòa nhà Ngân hàng Thương mại và đường phố nhộn nhịp ở khu trung tâm thành phố




Nhà thờ thấp thoáng sau mạng dây điện của xe điện


 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,768
Bài viết
1,137,712
Members
192,664
Latest member
m8winac
Back
Top