Thạc sĩ – Bác sĩ Đào Thị Yến Phi
Chủ nhiệm Bộ Môn Dinh Dưỡng
ĐHYK Phạm Ngọc Thạch TPHCM
Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao người ta lại gọi các loại dung dịch dùng trong Y khoa để truyền trực tiếp vào máu là “nước biển”, mặc dù ai cũng biết loại nước đó chẳng dính líu gì đến… nước biển, dù là từ nguồn gốc nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất?
Chủ nhiệm Bộ Môn Dinh Dưỡng
ĐHYK Phạm Ngọc Thạch TPHCM
Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao người ta lại gọi các loại dung dịch dùng trong Y khoa để truyền trực tiếp vào máu là “nước biển”, mặc dù ai cũng biết loại nước đó chẳng dính líu gì đến… nước biển, dù là từ nguồn gốc nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất?
Cơ thể không chỉ cần nước
Cái tên gọi thông dụng này có lẽ bắt nguồn từ chuyện các loại dịch được truyền vào máu không phải là nước đơn thuần, mà phải là loại nước có thành phần tương tự như dịch bên trong cơ thể, tức là có thêm đường, các chất khoáng dưới dạng ion như Na+, K+, Ca2+, Mg2+, Cl-… Chính những chất hoà tan này làm cho các loại dịch cơ thể như mồ hôi, nước mắt,… đều có vị mặn.
Không phải ngẫu nhiên mà cơ thể sinh vật luôn tìm mọi cách để duy trì nồng độ các loại ion trong cơ thể ở một con số bắt buộc, được gọi là hằng số sinh học. Khi đã là hằng số, có nghĩa là nếu có bất kỳ sự thay đổi nào, dù là nhiều hơn một chút hay ít hơn một chút cũng có thể gây nguy cơ đến sức khoẻ và sự sống.
Các ion thiết yếu trong nước của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cơ thể
(Nguồn: Pearson Education)
Các ion có vai trò duy trì thăng bằng kiềm toan, tức là duy trì độ pH của cơ thể ở mức không quá axit mà cũng không quá kiềm, điều hoà hoạt động của tất cả các tế bào trong cơ thể, điều hoà hoạt động điện của tế bào cơ giúp tim co bóp và các bắp cơ vận động, tham gia vào quá trình chuyển hoá năng lượng, tham gia vào điều hoà huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, quá trình lọc thải và tái hấp thu của thận… và một số vai trò sống còn khác.
Tổng lượng nước mà cơ thể cần hàng ngày vào khoảng 2,5 lít hay hơn tuỳ theo điều kiện thời tiết và mức độ hoạt động, là để bù lại lượng nước mất qua nước tiểu, phân, mồ hôi, hơi thở… Đi kèm với lượng nước này cơ thể cũng hao hụt đi một lượng các ion hoà tan trong đó. Lượng hao hụt ion cũng không hoàn toàn giống nhau khi mất nước theo những đường khác nhau, ví dụ lượng ion sẽ mất nhiều hơn khi mất nước qua mồ hôi (tập luyện nặng, đi nắng…) và qua đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn ói…).
Cơ thể sẽ luôn khỏe mạnh và năng động khi được bổ sung đủ nước và ion
Chính vì vậy, khi bù nước trong các trường hợp này, phải dùng nước có chứa ion, hay có thể gọi là “nước biển” như dân gian thường gọi. Chỉ khác là, “nước biển” này không chỉ gói gọn trong khái niệm dịch truyền như từ trước đến giờ nhiều người vẫn hình dung, mà còn bao gồm cả các loại nước uống có chứa ion với thành phần tương tự trong cơ thể và giúp bổ sung các ion cho cơ thể qua đường tiêu hoá.
Để bổ sung đúng và đủ lượng nước cơ thể mất đi
Hao hụt đi thì cơ thể sẽ thiếu, mà thiếu thì đương nhiên phải bù, nhưng điều quan trọng nhất là chỉ được bù vừa đủ chứ không dư thừa. Sau khi tập thể thao hay ở một thời gian trong môi trường nóng bức, các loại thức uống như nước chanh muối, nước trái cây pha tí muối, nước dừa… thường đem lại cảm giác sảng khoái dễ chịu hơn là uống nước trong, chính là vì trong các loại nước này thường có một số ion hoà tan và đường, giúp bù đắp vào lượng ion và đường đã bị hao hụt qua mồ hôi.
Tuy nhiên, nồng độ ion và đường trong các loại nước pha thủ công này thường cao hơn rất nhiều so với nồng độ ion và đường trong cơ thể, sẽ dẫn đến tình trạng tăng áp lực thẩm thấu máu, gây khát nhiều hơn và kéo dài hơn sau khi uống, chưa kể đến nguy cơ làm tăng hoạt động lọc thải của thận.
Chính vì vậy, khi chọn “nước biển” để bù nước và ion, nên chọn một loại nước có thành phần ion và đường phù hợp với nhu cầu của cơ thể, giúp duy trì các hằng số sinh học của ion trong máu, có nguồn gốc đáng tin cậy để đảm bảo các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh các yếu tố khác ít quan trọng hơn về mặt y khoa nhưng lại rất quan trọng về mặt cảm quan như hương vị và màu sắc của thức uống.