2. Bình minh thần linh
Lễ hội Katé lễ hội lớn nhất của người Chăm nơi tưởng nhớ, cầu cúng các vị thần linh, các anh hùng dân tộc đã có công với Champa. Đây cũng còn là dịp để các người con Chăm xa quê về đoàn tụ với gia đình, về Palei, lên Bimong đón Katé, cầu cúng Po Yang phù hộ.
Tôi, một người ngoại đạo, ngoại tộc bị quyến rũ từ sự huyền bí của từng thớ gạch đền tháp đến nụ cười tỏa nắng của những bạn trẻ Chăm đã quyết định không chỉ một lần dự Katé. Tôi chọn đến chân tháp sớm để cảm nhận một cảm xúc khác. Thật vậy nếu bạn đã từng có lần dậy sớm đón bình minh hoặc thao thức suốt đêm để đón ánh nắng đầu tiên tại một vị trí đặc biệt, với một ai đó đặc biệt. Hoặc đơn giản đón sáng một mình thôi. Bạn sẽ có cảm giác giống tôi lúc này. Sự choáng ngợp và ngỡ ngàng như vỡ òa trong khoảnh khắc mặt trời mở mắt. Ngay khi đó phần lớn bầu trời trên đầu tôi vẫn còn đen một màu của đêm. Phía chân trời Đông những tia nắng đầu tiên chỉ đủ làm đôi mắt còn đang còn quen với bóng tối chói và lòa một chút trong giây lát. Xung quanh tôi vẫn tối om, phía sau lưng chỉ có ánh sáng đèn điện trong kalan(đền thờ chính) cùng tiếng khấn nguyện lầm rầm của những người Chăm đi cúng sớm. Lia máy lại về phía Gopura (tháp cổng) đã thấy hòn lửa xuất hiện. Ánh sáng chiếu thành tia ngập tràn lấy khuôn hình. Chỉ vài giờ nữa thôi, trong hành trình của mình, mặt trời sẽ mang ánh sáng của mình chiếu xuyên qua Gopura, đến Mandapa (nhà dài - nơi này sẽ diễn ra lễ múa), vào trong Kalan. Và khi đứng bóng mặt trời cả khu đền tháp vào ngay giữa trưa thì đại lễ bắt đầu. Trong chói chang ánh nắng đó là lần lượt các lễ tục diễn ra trong lời hát thánh ca, các lễ tắm, thay xiêm y cho thần Shiva. Và ấn tượng nhất là khoảnh khắc té nước lên trên lá nhĩ - trám cửa tháp - nơi ngự của thần Siva. Khoảnh khắc mà tôi chưa bao giờ bắt kịp được. Ngay sau đó là những bà mẹ Chăm hứng lấy nước từ trên tượng thần nhiễu xuống như một sự linh diệu được ứng nghiệm. Trên cao kia mặt trời rực nắng, lễ cầu nguyện kết thúc bằng những điệu múa đầy sắc màu và giai điệu rộn ràng như ngàn năm trước đã từng diễn ra trên đền tháp này.
Ngày nay trên các đền tháp mà người Chăm còn thờ cúng như tháp Bà Po Ina Nưgar, tháp Porame, tháp Po Klaong Garai, tháp PoDam, tháp Po Sah Inư... Thần mặt trời Pô Atlitiak(thần mặt trời Surya đã được biến đổi) vẫn thỉnh mời trong các nghi lễ. Đặc biệt "thầy Kadhar - một thầy tín ngưỡng dân gian Chăm thờ thần mặt trời (yang prong). Do đó Rabap chỉ được thầy Kadhar sử dụng để hoà âm với các bài thánh ca, ca ngợi các vị thần trên trời ở lễ hội như lễ hội đền tháp, lễ tế thần linh puis, payak, lễ tế trâu…" (5)
Một ngày nào đó thần mặt trời vẫn được hậu thế biết đến từ sự chói lòa của thần chủ Siva như trong lời minh văn được khắc tạc ngàn năm trên đá.
Một ngày nào đó thần mặt trời vẫn được hát lên trong những bài thánh ca trong mỗi dịp lễ tục của người Chăm.
Một ngày nào đó mặt trời vẫn còn chiếu sáng trên miền tháp nắng thì ở đó những ước nguyện cầu mong của người Chăm vẫn mang những hy vọng về một cuộc sống bình yên. Một hy vọng giản đơn vật thôi mà thật khó cho những mảnh vỡ cuối cùng suốt hàng ngàn dâu bể.
CVK
(1): VỀ NHỮNG HIỆN VẬT ĐIÊU KHẮC ĐÁ CHAMPA TRONG BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - QUẢNG VĂN SƠN
http://yume.vn/sonputra/article/ve-...t-nam-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.35D40BB9.html
(2): Vương Quốc Champa - Lương Ninh. NXBD9HQGHN2006, tr271, 275, 279
(3): Góp phần giải mã bí ẩn lớn của Di tích Mỹ Sơn - PGS.TS.NGUYỄN ĐÌNH HÒE. Tạp chí DLVN tháng 8/2007
http://www.vtr.org.vn/index.php?pid=782
(4): Những lần Mỹ Sơn suýt bị phá hủy
http://chauvankynh.blogspot.com/2013/10/nhung-lan-my-son-suyt-bi-pha-huy.html
Ba thảm họa lớn nhất tại thánh địa Mỹ Sơn từ đầu năm 2013 đến nay
http://chauvankynh.blogspot.com/2013/10/ba-tham-hoa-lon-nhat-tai-thanh-ia-my.html
(5) Trích trong "Lễ hội của người Chăm" - Tác giả: Văn Món - Sakaya
http://www.vnptninhthuan.com.vn/SacCham/Nhaccutruyenthong.htm
Mbăng Katé 2012 - Bimong Ppo Rame