What's new

[Chia sẻ] Cảm xúc Đồng Văn - Người Lô Lô

531059_101386640011218_1067280215_n.jpg

(Hình sưu tầm)

Nhấp một ngụm trà đậm chát đầy dư vị ngọt đầu lưỡi khi nuốt vào mà lão nhạc sỹ già (Trần Tuấn Long, Nguyên trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu Việt Bắc) vừa rót.
- Trà Thái Nguyên quê ông gửi lên biếu đấy, không phải trà trộn phân lân và phun thuốc sâu đâu!
Thốt ra lời đó tôi biết lão cũng xót xa cho cái thói làm ăn theo kiểu “giết giống nòi” của một bộ phận dân làm trà quê hương lão.
- Thế cái lời bài mới ông đặt các cậu tập đến đâu rồi? Lão hỏi.
- Dạ! Bọn con tập rồi ông, chỉnh sửa tí chút là “ngon”. Mà ông sống ở Đồng Văn, Hà Giang lâu không mà ca từ “đắt” thế? Tôi hỏi.
- Ông không những sống mà ông đã từng có mối tình thoảng qua rất đẹp với một cô gái văn công người Lô Lô mà có thời ông nghe nói cô ấy từng làm đến chức gì đó to lắm ở Sở Văn hóa Hà Giang. Hà Giang ông đi thực tế mòn vẹt dép cao su, ông đi Con đường Hạnh phúc và ngắm dòng Nho Quế như sợi chỉ nhỏ vắt xuyên qua núi. Trên đó chỉ có đá và đá, một màu xám xịt nhưng con người và những thân phận sống trong đá nó làm ông không bao giờ quên trong đời.
- Thế mối tình của ông hồi đó cũng ngặt nghèo gian truân vì những quy định của thời chiến lắm ông nhỉ? Tôi hỏi
- Ừ thì chỉ dừng lại ở cái liếc mắt, cầm tay nhau bên hàng rào đá và lấp ló trong đám ngô thôi… Ông được nghe tiếng khèn gọi bạn tình của Trai Mông … Nghe tiếng khèn vào đêm trăng thanh gió mát, da diết mời gọi thì người con gái nằm trong nhà có buộc chân vào cột nhà cũng phải cắt dây mà ra với tình yêu.
- Ở đó Sáo Mèo có nhiều không ông?
- Ở đâu có Người Mông là ở đó có Khèn, có Sáo, có Súng kíp và có Chợ Tình…. Tuy nhiên cái ấn tượng trong đời ông ở Hà Giang không phải là văn hóa người Mông mà là sức sống của người Lô Lô.
- Theo con được biết đó là một tộc người từ Vân Nam, Trung Quốc di cư sang. Ở Đồng Văn, Hà Giang ít hơn ở Cao Bằng. Tôi tiếp lời.
- Cậu nói đúng đấy, chính vì ít nên Người Lô Lô ở Hà Giang mà cụ thể là trên núi đá Đồng Văn hàng mấy trăm năm lịch sử di cư sang Việt nam luôn phải đối mặt, tranh giành đất, có lúc tưởng như bị săn đuổi tận diệt bởi những tộc người di cư khác là Người Mông. Người Lô Lô luôn phải chạy, phải di chuyển, mỗi lần di chuyển do xung đột, do bị thôn tính và không muốn bị thôn tính nên phải chạy lên cao hơn để “nhường” đất cho các tộc người khác. Sức sống của họ bền bỉ lắm tuy nhiên về văn hóa thì họ cũng phần nào ảnh hưởng của các tộc người xung quanh do sự giao lưu. Về bản chất họ vẫn luôn là một dân tộc có nét đặc trưng riêng. Nhưng cái Chợ Tình chung cho người Mông, người Nùng, người Dao….nơi mà người ta đi chợ không phải để mua bán mà để giao lưu văn hóa, để say sưa bên nồi thắng cố, điếu thuốc lào khật khưỡng đi tìm cố nhân trong mộng hay mối tình một thời của mình… Gặp nhau, say men tình nhau chỉ để thỏa mãn ước mơ yêu nhưng không đến được với nhau. Ở đây người ta có thể thấy có những cuộc tình đến hẹn lại lên, có thể có những giây phút ngoài vợ chồng mà sau đó không ai trì chiết nhau. Cái này cũng là một nét văn minh sinh học khi mà tục hôn nhân cưới gả trong mội trường làng bản con anh cưới con em, hôn nhân cận huyết xảy ra thường sinh ra những đứa con thiểu năng hoặc thoái hóa giống nòi nên việc “giao thoa” sinh học ngoài vợ ngoài chồng trong Chợ Tình cũng là một biện pháp cải thiện việc đó. Cậu có nghĩ thế không? Theo ông một phần là như vậy nếu bỏ qua những cái thi vị theo kiểu chuyện tình tiểu thuyết.
- Vâng! Con cũng nghĩ thế. Con từng đọc về tục “Coong Trình” của Người Dao ở Lào Cai là khách đến nhà mà vợ chủ nhà hay con gái chủ nhà thích thì có thể rủ nhau ra bìa rừng hay một góc kín đáo nào đó mà cùng nhau “coong trình”. Người Eskimo ở Bắc Canada cũng thế. Khách đến có thể ngủ với một trong những bà vợ của chủ nhà. Người ta đi săn nhiều ngày có thể mượn vợ của nhau mà không ai ý kiến gì.
- Bỏ qua ngoài những cái đó (lão tiếp lời) thì Nhân tiện cảm hứng từ việc Cao Nguyên Đá Đồng Văn được thế giới công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu thì ông viết lời luôn bài nhạc của các cậu. Ông cứ thế làm, cứ tuôn ra theo dòng cảm xúc, tình yêu của ông đối với Đồng Văn, với Nho Quế, Lũng Cú địa đầu thiêng liêng của tổ quốc, với con người Lô Lô nơi đây.
Sức sống con người Lô Lô nơi đây bền bỉ dai dẳng lắm. Hạt sống được gieo mần như hạt ngô được tra vào hốc đất xen đá trên núi, sự sống vươi lên từ những hốc đá bạt lên một ngàn màu xanh của ngô và ngô. Nhiều đời nay họ không bị thôn tính, vẫn sống, vẫn vươn lên.

A lúi! Em đưa anh lên Đồng Văn! Em đưa anh lên Cao Nguyên Đá…! Lão bật lên thành tiếng, tôi biết cảm xúc đang căng tràn trong lồng ngực của ông lão tám mươi vẫn đọc báo tiếng anh, vẫn lướt web và chơi FaceBook này.

Lão trầm ngâm bằng giọng đều đều: Người Lô Lô khi chết đi, họ không cho xác người chết vào hòm như người Kinh, không đặt người chết ở góc nhà vào bón cho ăn mấy ngày mấy đêm như người Mông mà họ cho người chết vào một thân cây khoét rỗng, đậy nắp lại, buộc chão cho ngựa kéo, con ngựa cứ kéo đi, kéo mãi trên nền đá đến khi nào dây chão đứt thì người ta cho rằng người chết đã chọn đất cho mình ở đó. Thế là người ta xếp đá lên tạo thành một ngôi mộ đá. SỐNG TRONG ĐÁ CHẾT VÙI TRONG ĐÁ! Ông muốn đưa hình ảnh này vào ca khúc của các cậu. Một trong những chi tiết là ở đâu cũng thấy nhà nhà xếp hàng rào đá. Để làm hàng rào đá đó người ta tốn nhiều công dọn nương trồng ngô, đá không biết vứt đi đâu nên họ xếp thành những hàng rào đá. Váy của người Mông, người Lô Lô được gặt phơi trên nền của hàng rào đá ven nhà và nương Ngô ông hình tượng là không là những cánh váy mà những cánh bướm rừng sặc sỡ… Nó đẹp lắm! Đi qua thì mình không thấy nhưng phải sống và cảm hòa vào nó thì bất kể ai dù không phải sinh ra nhưng tự mình thấy nó là quê hương rồi.

- Thế còn những hình ảnh như đàn ngựa rừng rồi Cổng trời rồi cột cờ Lũng Cú nó là hình ảnh đặc trưng rồi ông nhỉ? Tôi tiếp hỏi.
- Đúng đấy nhưng ngoài cái tự hào dân tộc nơi địa đầu thiêng liêng ngàn đời bất khuất chống giặc ngoại xâm thì hình ảnh đàn ngựa rừng là ông tưởng tượng những cái nhấp nhô của hàng dãy núi đá ông liên tưởng như những cái bờm ngựa nhấp nhô của cả một đoàn ngựa đang chạy. Đàn ngựa đang chạy như một đội quân đang chấn giữ biên cương.
Muôn đời nay: Đá chắn biên cương, đá đen giăng thành lũy bảo vệ tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.
- Sao ông ông nói nhiều về mối tình yêu với người con gái Lô Lô của ông nhỉ?

- Khà! Khà! Nó là tình cảm yêu đương trai gái thì bên ngoài người ta nói đầy rồi ông nhét vào làm gì. Cho ông giữ riêng là của mình nhé. Các cậu tham quá.

Hanoi 2010

CAO NGUYÊN ĐÁ

Nhạc: Ngũ Cung
Lời: Trần Tuấn Long
(Từ cảm hứng: Cao nguyên Đồng Văn – Hà Giang được công nhận là Di sản Thế giới 10/2010)
A lúi..!!!!! Em đưa anh lên với Đồng Văn Em đưa anh lên cao nguyên đá!
Verse I
Trên cao nguyên xanh núi đá nhấp nhô / Kiếm sắc như giăng thành
Trên cao nguyên mênh mang ngọn gió hú hoang, lao nhanh như đàn ngựa, đàn ngựa rừng
Vòng quanh núi đá Dòng sông quanh co bé như dây mong manh quá
Dòng nước long lanh trôi bao ngày tháng… Em đưa anh lên cao nguyên đá
Verse II
Trên cao nguyên xanh núi đá nhấp nhô
Bao la trên cao/ Lũng Cú gió… tung bay cờ sao
Phóng mắt xuyên qua vùng cổng trời …..Cao vút….
CHORUS I & II
Trông như hoa tươi khoe màu sắc lấp lánh
Những tấm váy phơi cánh bướm rừng rạo rực
Những chiếc lá ngô vươn từ hốc đá xanh như ngọc
Cùng với tiếng tâm tư đàn môi Gái Lô Lô tươi thanh xuân
Ấm ngọn lửa rừng Bên hàng rào đá xám đen Đời người Lô Lô vùi trong đá
Đá chắn biên cương Đá đen giăng thành Muôn đời cao nguyên…. Cao… nguyên ơi..!!!
(Nói)…..Kiếm sắc! Kiếm sắc chém đá! Đá! Kiếm sắc chém đá!

Hình ảnh sưu tầm:

552045_101389693344246_94384640_n.jpg


Hàng rào đá (Hình sưu tầm)
394534_101389653344250_674091536_n.jpg


Sông Nho Quế (hình sưu tầm)
269757_101389820010900_1227208661_n.jpg


Gái Lô Lô tươi thanh xuân (hình sưu tầm)

427283_101389633344252_1995422605_n.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,673
Bài viết
1,135,003
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top