What's new

[CK] Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Bạn có bình chọn cho bài Chung khảo của dugiang không?

  • Votes: 58 98.3%
  • Không

    Votes: 1 1.7%

  • Total voters
    59

dugiang

Phượt quái
+ Nick thành viên: dugiang
+ Địa chỉ email: [email protected]
+ Số điện thoại: +84 983355885
+ Tên bài viết: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"


Không hẹn mà đến, không chờ mà đi…

Tôi ghé Kampong Cham lần đầu khi dừng chân vào một buổi sáng cuối năm trên hành trình dài Phnom Penh – Kratie – Rattanakiri – Gia Lai – Daklak. Không khí mát dịu và yên bình, trên mặt sông vẫn lan toả màn sương nhẹ như khói lam chiều. Gió mềm mại luồn trên vỉa hè của quán nước trang trí bằng tre, có quầy bar với phong cách rất “phố tây” đánh dấu sự hiện diện của du khách nước ngoài. Bạn đồng hành cất giọng hóm hỉnh đố tôi tìm được người con gái anh đang nhìn ngắm với bầu ngực căng tròn và mái tóc là dòng sông bồng bềnh (Hèn chi hồi nãy rủ mình ghé uống cà phê và ngắm gái làm mình cũng có chút tưởng bở). Và xin ngậm ngùi và thú thật rằng, óc tưởng tượng của tôi không đủ phong phú để “đi hoang” như ánh mắt anh. Tôi chả có nhìn ra em gái nào sất :(.

Sau đó chúng tôi ngồi bên nhau ngắm triền sông xanh ngắt, ngọn tháp hồng nhô mình thật cuốn hút trên những tầng thốt nốt ken dày.
attachment.php
Tôi đến đây vào một buổi sáng nhiều mây và dòng Mekong vẫn cuồn cuộn đục ngàu phù sa. Mùa này trong mắt tôi dòng sông như một chàng lực sĩ bẳn tính, dễ nổi nóng bất ngờ. Nhưng trong gió lộng ven sông, tôi lại cảm thấy rất yên bình và thư thái.​
Anh tiếp tục kể cho tôi nghe về Kampong Cham: Nguồn gốc của cái tên mà nó mang gắn với sự hiện diện của cộng đồng Chăm hồi giáo trên đất nước Campuchia (còn gọi là Khmer Islam, bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại http://vnthuquan.org/(S(m0d0ht55vmd...3a3q3m3237n4n&AspxAutoDetectCookieSupport=1); )
Thành phố có địa thế phong thuỷ tuyệt đẹp là nơi xuất thân của đương kim thủ tướng Hun Senn và những câu chuyện ngoài lề liên quan đến các vấn đề về tôn giáo, chính trị của vùng đất này… Tôi may mắn có một người bạn đồng hành là doanh nhân trưởng thành từ vùng Tây Nguyên có hiểu biết rộng, am tường thế sự và không kém phần lãng mạn. Câu chuyện cuốn hút đến mức quên cả thời gian, cho đến lúc nắng lên rực rỡ, vỉa hè bắt đầu oi ả…chúng tôi vội vã lên đường cho kịp cái hẹn ở Ban Lung tối nay.

Lần gặp gỡ này có ấn tượng thú vị nhưng chưa đủ để tôi gửi lời hẹn gặp lại với Kampong Cham. Nhưng duyên nào đã đưa đẩy tôi kịp trải qua những kỷ niệm “bốn mùa” tại nơi ấy, phải chăng từ tâm sự của chàng lãng tử tại đây https://www.phuot.vn/threads/15901-Tự-hào-được-sinh-ra-là-người-Khmer! …, hay cảm giác hơi trống vắng hụt hẫng “nắng buồn hơn mưa” khi phải xa một số bạn bè thân thiết lúc tách thành lập chi nhánh KPC … Chỉ biết vào một ngày giữa mùa thu, tôi bỗng bất ngờ chuyển đến đắm mình đằng đẵng trong cái không gian ấy. Rồi cũng thật bất ngờ như thế, vừa kịp bén duyên, vừa kịp ngấm và yêu, tôi đã phải chia xa.

Một câu thơ tưởng chừng như cũ rích “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”, giờ đây bỗng như chưa thể đúng hơn. Chỉ biết lòng tôi đã trở nên khó chịu dường nào khi Kampong Cham chỉ được nhắc đến như một điểm tạm bợ dừng chân, trong vòng một ngày thăm đủ các điểm đến trên các thông tin hạn hẹp. Bằng cảm nhận của trái tim, tôi tin những người bạn đã ghé đến thăm tôi tại nơi này đều đang cùng tôi yêu và hẹn ngày quay lại.

Không biết bài viết của tôi có đủ lôi cuốn “Để tình yêu của bạn được nhân lên gấp nhiều lần, để niềm vui - nỗi buồn của bạn chạm vào được nơi sâu thẳm của trái tim, tâm hồn bạn bè mình” như sự đồng cảm tôi tìm thấy ở lời kêu gọi của BĐH cho cuộc thi hay không nữa? Nhưng tôi vẫn mong những bạn đọc topic này sẽ cùng tôi đến, quay lại, cảm nhận và yêu quý… vùng đất Kampong Cham.
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Con sông là thuyền, mây xa là buồm
Từng giọt sương thu hết mênh mông


Tôi chọn tên topic gắn với bài hát “Bốn mùa thay lá” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn không phải vì muốn miêu tả khung cảnh bốn mùa ở Kampong Cham. Như các nước Đông Nam Á nằm trong tiểu vùng sông Me Kong khác, nơi này cũng chỉ có hai mùa. Mùa khô và mùa mưa hoặc mùa nước cạn và mùa nước nổi. Thế nhưng trong thời gian sống tại đây, trong tôi vẫn thường ngân nga ca từ của bài hát này. Khi tôi chuyển đến đây, cũng là đang mùa thu. Với tôi là mùa dập dìu của hàng năm lượn cung Tây bắc trong hương lúa chín. Nhưng vì việc thuyên chuyển này. Thu năm nay của tôi hết “sương mênh mông”, tôi đã có những nỗi buồn rất ngọt ngào nghe “tịch lặng rơi nhanh”. Vậy thì sao không chọn tìm đến với “dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi ”… Tôi đã tìm được ở Kampong Cham những khoảng khắc tuyệt vời.


Từ khoảng “tháng 8 vào thu” trở đi. Mưa đã kịp tưới xanh vùng đất phì nhiêu. Như tôi đã nói ở trên. Dòng sông cuồn cuộn phù sa như một chàng lực sĩ bẳn tính, dễ nổi nóng bất ngờ. Nhưng lại là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, biến những trảng cỏ khô cằn thành vùng nước ngập long lanh. Quang cảnh tuyệt đẹp và thật nhiều sinh hoạt phong phú.

Đầu tiên là những búng nước ngập sen trắng sen hồng, đi đâu cũng sen, xung quanh ta toàn sen thơm ngát….


attachment.php

Suốt dọc đường đến với Kampong Cham, những hồ sen như thế này xen lẫn với ruộng lúa và cánh đồng thốt nốt luôn song hành cùng ta.



attachment.php

Đón chào ngay từ cửa ngõ đã là những những búng nước ngập sen trắng sen hồng


Nước lên làm bớt đi nét nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh, đến những bè đăng đó cắm ở lòng sông xác xơ vào mùa nước cạn cũng tràn đầy nét lãng mạn.

attachment.php

Kéo lưới ở ven cầu
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Bên trời xanh mãi những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười


Mùa nước lên, đặc sản độc đáo của thiên nhiên được người dân khai thác hoà thuận với môi trường. Cứ mùa nào thức đó quanh năm. Mùa này đặc sản là le le vịt nước và cá leo. Đi theo quốc lộ 6 đến đoạn gần ngã ba Skun, các bạn sẽ thấy rất nhiều điểm bán vịt nước. Rất dễ nhận ra dấu hiệu con vịt đã thui long treo tong teng trên các cành tre. Nếu biết khéo chọn lựa, sẽ có món le le nướng muối ớt ngon tuyệt. Độc đáo hơn nữa là đôi khi ghé ngồi các chòi ven đường ngắm hoàng hôn, bạn sẽ nghe có những tiếng quẫy đùng đùng, ủm ủm giữa những nhánh cây lúp xúp ngập nước. Đó là dấu hiệu của cá leo. Đặc tính của cá leo là đến mùa sinh sản, chúng thường vượt qua các cánh đồng ngập nước để "làm tình", con đực rượt con cái một cách hào hứng mãnh liệt khiến cho nước dợn sóng. Thậm chí chúng còn leo qua những chỗ có mực nước xâm xấp, phơi mình trên cạn. Rồi leo lên đẻ trứng trên những nhánh cây sát mí nước. Chính vì vậy mà dân gian mới gọi là "cá leo". Con cá trung bình phải trên 3kg, một nửa nướng lên cuốn bánh tráng, một nửa nhúng dấm hoặc hấp… ngồi ngắm sông nước mênh mông cùng nhấm nháp chút rượu cay. Thật chẳng muốn dời Kampong Cham nữa ;).

attachment.php

Mùa nước lên, những bụi cây lấp xấp là thiên đường của cá. Người dân đã nhẹ nhàng nương theo thiên nhiên mà sống.


attachment.php

Cá hiếm và quý là đặc sản độc đáo của Kampong Cham mùa nước nổi


Một trong những nét lãng mạn của người dân nơi đây là việc các cánh đồng nước lên nhanh chóng được khai thác thành điểm hẹn hò thú vị cho các đôi trai gái. Chiều đến, khi mặt nước nhuộm hồng ánh hoàng hôn. Không khí dịu nhẹ giảm dần tia nắng gắt. Cư dân địa phương tấp nập rủ nhau về các căn lều dựng bằng lá thốt nốt ven đường. Với đặc sản là món “bánh xèo” rất Việt Nam và các món nướng. Dập dềnh những chiếc thuyền nhỏ cải tiến thành thuyền đạp nước với chiếc dù hồng lãng bãng cuối chiều. Các đôi trai gái e ấp bên nhau. Bạn bè chuếnh choáng nâng ly và du khách dù kém đa cảm đến đâu cũng phải buông lời khen ngợi.

attachment.php

Đạp thuyền nước - thú chơi lãng mạn của cư dân địa phương. Du khách, bạn có ai dám thử (c)

Vì thế, nếu chỉ ghé qua Kampong Cham trên đường đi. Cơ hội nào cho bạn trải nghiệm những điều này. Cơ hội nào cho những tay máy thả hồn ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp cho mùa nước nổi. Bình minh và hoàng hôn mùa này khó có thể diễn tả bằng lời. Chỉ có cảm giác hơi nước làm mặt trời to lên thật to.


attachment.php

Ôi tôi nhớ quá hoàng hôn mùa nước nổi!
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Bên trời xanh mãi những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu hình dáng nụ cười …(cont)


Và rồi dòng sông bỗng nhiên chuyển màu xanh đến bất ngờ từ lúc nào đó mà tôi hoàn toàn không kịp nhận ra. Chỉ biết một sáng sớm trong lành nọ, đạp xe qua cầu và dừng lại hóng gió. Bỗng lặng người vì dòng nước xanh trong mềm mại đến nao lòng trước mắt kia. Mặt sông phẳng lặng như gương nhưng báo hiệu cho một mùa mới đang chuyển mình. Mùa rộn ràng của ghe thuyền đánh bắt cá trên sông, mùa của hội hè… mùa của những niềm vui mới. Kampong Cham lại lặng lẽ đổi thay, cuộc sống mưu sinh sống động hòa nhập với dòng sông.


attachment.php

Và rồi dòng sông bỗng nhiên chuyển màu xanh đến bất ngờ từ lúc nào đó mà tôi hoàn toàn không kịp nhận ra

Từng đôi thuyền một giăng lưới trên sông, mũi thuyền rẽ mặt gương tạo thành những vệt nhọn, màn lưới giăng giăng lại tạo thành những vòng tròn. Tiếng lóc cóc gõ mạn thuyền để lùa cá, tiếng mái chèo khua nước…âm thanh sôi động vang cả mặt sông cho đến tận buổi chiều tà. Mỗi lần đi qua sông, nhìn cảnh này tim tôi lại như thắt lại. Chỉ tiếc ống kính chưa có duyên ghi lại được hình ảnh đẹp như thơ :(

attachment.php

Hãy đến Kampong Cham vào mùa cuối năm, khi dòng sông chuyển màu xanh để thu vào ống kính những khoảng khắc tuyệt đẹp của thuyền đánh cá trên mặt sông. Và đó là lý do tôi sẽ trở lại vào một ngày không xa.

Tôi chỉ có thời gian rảnh rỗi thực sự vào mỗi cuối chiều. Vì thế đã kịp thưởng thức chợ chiều bên sông độc đáo có một không hai chỉ nhóm họp vào mùa này. Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh lam lũ của các ghe về bến, nhớ ánh mắt sâu thẳm dấu sau lớp khăn trùm đầu của em gái Chăm. Nhớ món ăn giản dị nhưng đặc sắc của bà má Khmer hiền hậu.

attachment.php

Chợ chiều chỉ mở vào mùa này để mua bán trao đổi cá đánh được trong ngày.

Những con cá linh Biển Hồ bự cỡ ba ngón tay, chiên giòn hoặc nướng trên lửa than, xương mềm, tan trên mặt lưỡi sau khi nhai cho ta vị béo mà không phải loài cá nào cũng có được. Cá lưỡi trâu cuối mùa, con nào con nấy mập ú ụ, mỡ bám đầy bụng, ăn rất béo.

attachment.php

Sản vật trao đổi tươi rói ở chợ chiều bên sông
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Và cầu tre bắc qua Koh Pen

Tờ Phnom Penh Post, một tờ báo do các phóng viên nước ngoài sinh sống tại Cambodia làm chủ biên đã đăng một bức ảnh thật lớn ngoài trang bìa cầu tre bắc qua Koh Pen của Kampong Cham với dòng chú thích “Nó đã trở lại”. Đúng, cầu tre bắc qua đảo là một nét đặc sắc không thể bỏ qua của Kampong Cham và nó cũng chỉ xuất hiện hàng năm khi nước bắt đầu rút và sông bắt đầu xanh. Mặc kệ các dự án xây cầu lồng lộng cho “đất tổ”. Cây cầu tre vẫn kiên trì xuất hiện nối hai bờ sông như một biểu tượng của Kampong Cham. Vào mùa nước nổi, cây cầu được dỡ bỏ. Dân đảo qua lại chủ yếu bằng những chuyến đò ngang.

attachment.php

"Nó đã trở lại"

Kết thúc cầu tre là đặt chân lên mặt cát, ta sẽ tiếp tục được nâng niu đôi vòng bánh xe bằng con đường nhỏ dát những phên tre. Nếu không có lớp phên tre này, bước chân bị sụt trong cát lún. Ta sẽ thật khó để tiếp tục băng qua những ruộng ngô, bãi dưa xanh ngát để vào khám phá phum xóm, nơi bạn đồng nghiệp lần đầu chở tôi sang đảo đã mê mải rượt đuổi theo một bóng hồng, rồi càng vào sâu càng phải thốt lên…”Ôi! Miền Gái Đẹp bên sông”

attachment.php

”Ôi! Miền Gái Đẹp bên sông”

Tôi nhớ miên mải tin nhắn của bạn ghé thăm, thúc dục tôi dời ngay công việc chán ngắt mà chạy qua cầu tre để sang đảo. Cùng bạn mò ốc, bắt ếch rồi ngồi bệt dưới rặng tre bên ruộng ngô mà nhấm nháp ngụm rượu cay. Khề khà chén chú chén anh bằng body language với chàng trai nông dân Kampong Cham có nước da nâu và đôi mắt sáng. Một ngày lang thang bên đảo với bạn là chưa hề đủ. Nếu tôi không giục giã bạn quay về cho kịp cuộc hẹn hò của bữa nhậu đêm, việc ngủ lại chòi bên sông là hoàn toàn có thể.

Cầu tre còn là nơi dẫn vào khu vui chơi ven sông, trai gái thỏa thích vẫy vùng trong dòng sông xanh ngắt. Tôi chọn một lán tranh ngay trên mặt sông, vừa nhâm nhi gà nướng, cá sông với bia Angkor mát lạnh, vừa thả chân ngâm xuống nước…rồi cười như nắc nẻ khi được thưởng thức màn massage cá miễn phí trên sông Mekong có một không hai. Cuộc vui còn có thể kéo dài tới tận đêm, trong những ánh sáng lung linh huyền ảo của đèn giăng trên cả hai cây cầu và tiếng nhạc nhảy hiện đại rộn rã. Lạnh răng đánh cầm cập rồi mà vẫn chẳng muốn quay về. Và cũng như những độc đáo khác, bãi cát này chỉ có vào mùa nước cạn mà thôi. Việc dựng lều và bán hàng của người dân địa phương ở đây cũng chỉ có vào mùa này.


attachment.php

Cầu tre còn là nơi dẫn vào khu vui chơi ven sông, trai gái thỏa thích vẫy vùng trong dòng sông xanh ngắt

Tôi yêu biết bao những hoàng hôn trên bãi sông. Ánh nắng gay gắt phải tự dịu đi khi gặp hơi mát rượi của dòng nước. Rồi nắng chuyển qua vàng ánh rực lên trước khi tắt hẳn.

attachment.php

Không đếm được đã bao chiều say biêng biêng ngắm mặt trời đỏ rực lặn mất khi mình vẫn đang dầm mình trong làn nước trong xanh.​
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Để biết về lịch sử của một vùng đất, ta hãy tìm đến đền chùa, nhà thờ… và hòa mình với đời sống tâm linh của họ. Chuyến đi của tôi cũng không thể thiếu khoảng khắc lang thang trong nắng rực rỡ, trong mưa dầm dề để đến thăm những di tích ở vùng này.

Wat Nokor – Chùa trong ngôi đền cổ (Wat Nokor được xây dựng vào thế kỷ XIX theo kiến trúc Tiểu thừa Theravada, trên nền một ngôi chùa theo kiến trúc Đại thừa Mahayana từ thế kỷ XI, mang những nét riêng của cả 2 trường phái. Ngôi chùa mới nằm gọn trong khuôn viên ngôi chùa cũ, nằm kề bên những đền tháp vẫn uy nghi qua gần thiên niên kỷ tạo nên sự độc đáo của cụm chùa Nokor)

Bạn hỏi tôi “Chị đã đến Angkor thu nhỏ ở KPC chưa?”, trong đầu vẫn tràn ngập hình ảnh hung vĩ của quần thể Angkor Siem Reap nên tôi bĩu môi hỏi lại “Ở đó có gì hay không?”, câu trả lời là “Chỉ là ngôi chùa từ thời Angkor thôi mà”. Tuy không hào hứng lắm nhưng duyên may lại đưa tôi đến với Wat Nokor vào một dịp lễ quan trọng cũng trong tháng 10, lễ Pchum Beng hay còn gọi là Lễ Cúng ông bà. Và rồi từ đó, tôi cứ luôn quay lại, quay lại…lần nào cũng thấy lòng mình quá yên bình.

Tôi vốn rất yêu những gì xưa cũ thuần tuý. Chỉ ở đây sự pha trộn giữa 2 kiến trúc khác, giữa cổ xưa và mới, giữa đá đen và mái chùa vàng đỏ... nổi bật với sự tô điểm của những cây cổ thụ hàng trăm năm đã làm việc đón nhận cái mới nhẹ nhàng hơn nhiều.

attachment.php

Tôi vốn rất yêu những gì xưa cũ thuần tuý. Chỉ ở đây sự pha trộn giữa 2 kiến trúc khác, giữa cổ xưa và mới, giữa đá đen và mái chùa vàng đỏ... nổi bật với sự tô điểm của những cây cổ thụ hàng trăm năm đã làm việc đón nhận cái mới nhẹ nhàng hơn nhiều. Vào ngày cúng tổ tiên Cơm rơi vãi khắp nơi nhưng sẽ sớm rửa trôi bởi những cơn mưa nặng hạt tháng 10

Vào ngày lễ cúng ông bà tổ tiên, các gia đình thức giấc từ sáng sớm chuẩn bị cơm và thức ăn để mang lên chùa. Tiếng văng vẳng của dàn nhạc ngũ âm truyền thống, tiếng các sư thầy tụng kinh gần như kéo dài suốt tuần cả ngày lẫn đêm. Có người bạn chia sẻ với tôi một bí mật, trai gái có thể chọn dịp này để bày tỏ tình cảm vì sau khi cúng xong sẽ mang cơm đến các góc chùa đặt mời trời đất và có cả trò ném cơm vào người mình để ý. Tiếng cười nói râm ran khắp nơi từ sáng sớm…và chỉ khi mặt trời ló dạng khu đền mới trở lại sự yên bình vốn có. Cơm rơi vãi khắp nơi nhưng sẽ sớm rửa trôi bởi những cơn mưa nặng hạt tháng 10. Có du khách sẽ nhăn mặt vì cho rằng làm bẩn di tích. Nhưng xin bạn hiểu cho rằng hãy trân trọng truyền thống văn hóa của người bản địa và đừng quên dân tộc này luôn biết nương tựa, hòa quyện với thiên nhiên để sinh tồn.

Các ông Lục sẽ chỉ dùng cơm một lần một ngày vào khoảng 11g trưa, họ thưởng thức các món do người dân mang tới.

attachment.php

Giờ dùng cơm của các sư thầy

Trong lúc đó thì rất đông đảo các gia đình vẫn tiếp tục khấn vái vong linh gia đình tổ tiên của họ. Nhang đèn, nước, đồ ăn được mang đến các tòa tháp đựng tro cốt để dâng cúng. Còn với tổ tiên không còn tro cốt, họ đắp lên những gò cát tượng trưng.

attachment.php

Gò cát tượng trưng cho vong linh tổ tiên

Khoảng sau 12 giờ, các sư thầy đã dùng xong bữa thì tới lượt người dân cùng ăn. Họ chia sẻ các mâm cơm vô cùng hạnh phúc. Tôi cũng được mời dùng bữa, không ngại ngần gì ngồi xuống cùng ăn.
Sau đó, tôi được rất nhiều người dân chúc phúc và không thể thiếu được sợi dây đỏ buộc ở cổ tay.

attachment.php

Sau khi các thầy dùng bữa xong thì các gia đình cũng cùng nhau ăn trưa. Khác thập phương đều được mời chia sẻ khoảng khắc ấm cúng này.

Lại tiếp tục đi tham quan vòng quanh chùa. Lúc này bỗng nhớ quá mà xin mượn lời của bạn “Xung quanh chùa, làng quê yên bình, những cánh đồng sen đã qua mùa vẫn còn thoang thoảng chút hương thanh, những cánh đồng lên đòng ngọt mùi lúa non thơm vương, những con đường nho nhỏ êm êm chạy tít tắp dưới bóng thốt nốt cao ngút trời, những nụ cười chân chất mộc mạc đậm đà của người quê nơi đây làm lòng khách nhẹ như tơ, như ngỡ đã tạm quên được cõi trần, tạm quên mình đang ở trên một đất nước, một miền đất còn quá nhiều những khốn khó…”


attachment.php

Chở một ngày nắng

Tôi cũng quay lại Wat Nokor cùng bạn phượt đã ghé đến thăm tôi một đêm mưa chỉ để uống với nhau chén rượu nhạt. Ngày hôm ấy trời cũng vẫn tầm tã mưa và bóng ngôi chùa soi mặt nước cũng làm lòng tôi vương vẫn mãi.
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Đến cụm chùa núi Ông, núi Bà ( Phnom Bros- Phnom Srey hay còn gọi là Mount Heng Chay) thì bạn phải dành trọn cả ngày cho nó. Tôi cũng đã trải qua một ngày chủ nhật nắng rực rỡ ở nơi đây. Hãy chuẩn bị mang theo những món đồ ăn cho một buổi pic nic (đừng quên cả đồ uống), chuẩn bị quần áo nhẹ chống nắng và giày leo núi…

attachment.php

Trời trong xanh quá vậy, nắng sao thật hanh hao

Tham quan chùa ở chân núi với nhiều cụm kiến trúc đặc sắc như những cụm tượng “Ánh đạo vàng” khổng lồ: Phật thuyết giảng; Phật ngồi; Phật nằm…. Thư viện vuông với những khuôn mặt Bayon huyền thoại trên mái; Mô hình phục dựng của thư viện ngoài khuôn viên Angkor Wat… Khu tháp mộ bí ẩn nằm kín đáo trong rặng cây với nhiều căn nhà âm u cửa đóng chặt…Lũ khỉ nghịch ngợm nhảy nhót kéo rạp cả những thân cây…

Tôi sẽ tiếp tục kể cho bạn nghe về những nền đá cổ bỏ hoang kéo dài từ chân núi, câu chuyện truyền thuyết mà cụm di tích mang tên …”về một cậu bé bị bắt cóc khỏi gia đình từ rất nhỏ, khi lớn lên, trở thành người có thế lực, chàng ta muốn cưới 1 thiếu phụ xinh đẹp nhưng không biết đó chính là mẹ của mình. Thiếu phụ bèn tính kế và ra điều kiện thi đấu là sẽ thi xây núi. Bên nào xây cao hơn thì có quyền quyết định. Dĩ nhiên là đội quân của chàng trai làm rất nhanh và xây núi rất cao. Nhưng khi đêm về, thiếu phụ cho người đốt đèn treo giữa trời, thế là đội quân của chàng trai tưởng bình minh đến nên ngừng tay đi nghỉ, trong khi nhóm phụ nữ tiếp tục xây. Do vậy nhóm đàn ông đã thua cuộc và cuộc hôn nhân không thành”.

Sau đó hãy cùng nhau leo lên 308 bậc đá để lên núi Bà (Phnom Sray)…lúc này trời đã trưa trật. Trên đỉnh núi có địa điểm cho chúng ta ngồi ăn uống và ngắm phong cảnh. Hết sức rồi còn đâu, thong thả ăn uống đã rồi tiếp tục khám phá sau. Trên đỉnh núi Bà còn rất nhiều di tích cổ.

attachment.php

Leo lên 308 bậc đá để lên núi Bà (Phnom Srey)

Sau khi nghỉ ngơi, ngắm Kampong Cham từ khoảng cách gần 10km và khám phá các di tích cũ trên đỉnh núi. Ta có thể tiếp tục len lỏi theo đường mòn để sang đỉnh núi Ông.

attachment.php

Trên đỉnh núi Bà còn rất nhiều di tích cổ

Với tôi, lon bia mát lạnh sao mà ngon tuyệt vậy, trời sao xanh quá vậy, nắng sao quá hanh hao…và gió lộng đỉnh núi không biết tả bằng lời thế nào.

Khi trở về thì trời cũng đã ngả sang chiều.
-----------------------------------------------------------

Nếu còn trong phố, hãy đừng quên lang thang trên những con đường nhỏ để biết thêm về câu chuyện di dân của người Chăm, nguồn gốc hình thành nên cái tên Kampong Cham với những quá khứ oai hùng của nó.

attachment.php

Dấu ấn Hồi giáo trong kiến trúc ven sông

"Dưới thời vua Minh Mạng, người Champa bị triều đình này phân biệt đối xử và ngược đãi thậm tệ, khiến vị vua Champa Muslim cuối cùng là Po-Chơn tập hợp tàn quân cùng dân chúng chạy về phía Nam lánh nạn, Po-Chơn đóng quân ở một vùng thuộc đất Cambodge mà ngày nay là Kampong-Cham. Một số khác sống ở ven biển dùng thuyển chạy sang Trengganu (Malaysia).

Những người định cư tại Kampong Cham lập thành 13 làng, sống bằng nghề nông và đánh cá dọc theo sông Mékong. Song song với sự phát triển về dân số và kinh tế, họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục và nhất là bảo tồn bản sắc tôn giáo Islam. Họ đã tạo phương tiện cho con cháu sang Malaysia, quy tụ nhiều nhất ở vùng Katalan để học kinh Qur’an cùng với giáo luật của Islam. Nhân tố thúc đẩy việc phát triển tôn giáo một phần nào đó cũng nhờ vào ảnh hưởng tương tác qua lại giữa họ và các thương nhân người Malay buôn bán xuôi ngược theo sông Mékong".


Ẩm thực của người Chăm ở Kampong Cham cũng có nhiều món khá độc đáo và thật hiếm có. Ví dụ món nộm hay còn gọi là gỏi tép sông (tép non còn sống tanh tách mới đánh lên ở chợ chiều) có vị chua ngọt thì bạn chỉ có thể thưởng thức khi đi cùng tôi. Vì món này chỉ có người bản địa mới biết và hết rất nhanh từ chập tối (NT)


attachment.php

Nhà thờ Hồi giáo tại Kampong Cham ấy vậy mà chỉ đơn sơ thế này. Hoàn toàn khác với những thánh đường đồ sộ xây dựng hoành tráng ở vùng kinh đô cổ U Dong và Kampong Chnang.


Bị mê mẩn bởi ánh mắt u hoài của các cô gái Chăm hồi giáo ở chợ chiều bên sông. Tôi đã kiếm tìm và rất ngạc nhiên khi thấy nhà thờ Hồi giáo tại Kampong Cham rất đơn sơ. Hoàn toàn khác với những thánh đường đồ sộ xây dựng hoành tráng ở vùng kinh đô cổ U Dong và Kampong Chnang tôi đã gặp trước đây. Và tôi cũng đã tìm được lý do là thế này từ hành trình soi rọi cội nguồn dân tộc của nhà văn người Chăm Inrasara "Cuộc dời cư của người Chăm từ đất Kampuchea về đến đất Châu Đốc vốn là một cuộc hành trình gian nan đã được các nhà biên khảo Pháp ghi lại một phần trong lịch sử Vương quốc Khmer, cho thấy người Chăm dời cư sang đất Khmer bao gồm nhiều thành phần lãnh đạo, đã từng cầm quân chiến đấu, nên xoay sở tác động vào nội tình hoàng gia Khmer khi thắng khi bại. Đến năm 1782, một lãnh đạo Champa là Đon Set xua quân từ Thabaung Khmum tiến đánh kinh đô U-đong khiến Hoàng gia Khmer phải lánh chạy sang nước Xiêm, tạo điều kiện cho người Chăm thiết lập các khu định cư riêng biệt tại Phnom Penh, Chruy Chagwar là một cù lao nằm chắn ngang sông Mekong và Tonle Sap, tồn tại đến ngày nay. Nhưng sau đó Đon Set đã bị giết chết. Năm 1858, vua Khmer đóng đô ở U Đong lại bị người Chăm giết chết, khiến vua Hariraks điều quân đến Thabaung Khmum đánh phá giết hại, người Chăm phải nương nhau theo dòng sông Cửu Long thoát thân về phía Nam, xuống đến tận Mat Chruk tức Châu Giang trước còn thuộc lãnh thổ Khmer lúc đó đang bị quân Việt chiếm đóng. Sau đó không lâu, vẫn trong năm 1859, người Chăm ở Mat Chruk đã quay trở lại đất Kampuchea tổ chức di chuyển khá nhiều đồng tộc Chăm về sanh sống tại Mat Chruk, được hiểu là “đất lành, chim đậu,” người Chăm đã được triều đình Đại Việt chấp nhận cho định cư tại địa phương vùng giáp giới Kampuchea, giao bố trí thiết lập một số đồn luỹ mang tính phòng thủ chiến lược, đúng như các vị trí thường ở các đầu vàm còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều người Chăm đã được triều đình nhà Nguyễn tuyển dụng làm thân binh sẵn sàng vận dụng tài thao lược truyền thống của mình khi cần. Khi Thoại Ngọc Hầu khởi công đào kinh Vĩnh Tế chạy dài dọc theo biên giới Miên-Việt, trổ ra đất Hà Tiên, người Chăm đã được huy động sung vào lực lượng bảo vệ an ninh tạo điều kiện cho dân phu có thể làm việc cực lực suốt ngày đêm, và họ đã chứng tỏ hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng yếu này"

Có lẽ cũng vì lý do này mà ảnh hưởng của người Chăm đã bị lu mờ đi rất nhiều trên chính mảnh đất giàu tiềm năng mang tên của họ.
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

"Những dòng sông vẫn tiếp tục nối đôi tay dài với biển khơi"...

Trong phạm vi của một ngày, nếu muốn tiếp tục tìm hiểu và tham quan các vùng phụ cận Kampong Cham, bạn sẽ có hai lựa chọn: đi lên hướng Bắc đến làng Kampi của tỉnh Kratie để xem cá heo nước ngọt hoặc xuôi thuyền xuống hướng Nam ghé thăm chùa cổ Wat Mahaleap sau đó thăm cộng đồng người Việt sống bằng nghề nuôi cá bè trên sông ở làng Che Hea, Cù Lao Soh Tin, Kampong Cham.

Chọn đi xem cá heo nước ngọt, ta sẽ mua vé bus Sorya khởi hành nhiều chuyến từ trung tâm Kampong Cham đến nội thị Kratie, từ đó tiếp tục thuê tuk tuk để đến làng Kampi. Cách thứ hai là thuê hẳn một xe taxi cùng bạn đi và về trong ngày rất chủ động. Con đường vẫn lượn theo dòng Mekong hiền hòa và những hàng cây mướt xanh. Có nơi để bạn nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn địa phương. Sau đó thuê thuyền và mua vé đi ngắm cá.

Còn tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện đi xem cá heo nước ngọt của tôi "nối dài" từ Kampong Chàm

Cá heo Irrawaddy là loài cá rất quý hiếm chỉ xuất hiện trong 5 môi trường nước ngọt trên toàn thế giới, trong đó có sông Mê Kông. Chúng sống trong một đoạn sông dài tới 190 km tại Lào và Campuchia. Từ năm 2004, cá heo Irrawady sinh sống trên sông Mekong đã được xếp vào danh mục những loài bị đe dọa nghiêm trọng trong sách Đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên thiên quốc tế (IUCN). Tình trạng ô nhiễm tại con sông lớn nhất khu vực Đông Nam Á đang đẩy quần thể cá heo Irrawaddy đến bờ tuyệt chủng.WWF ước tính hiện chỉ còn khoảng 64 đến 76 cá thể loài này còn sống tại sông Mê Kông......

attachment.php

Con đường nhỏ ven sông hiền hòa dẫn đến làng Kampi

attachment.php

Có nơi để bạn nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn địa phương

Sau đó quay lại bến thuyền khu vực quy hoạch cho việc tham quan cá heo nước ngọt Irrawady của Kampi. Du khách nước ngoài phải mất 9$ cho một vé ngồi thuyền săn cá. Khách bản xứ chỉ mất mấy ngàn riel. Thế là tôi đóng vai bản xứ, đứng ngắm các thuyền xem cá xa xa cho đồng bọn làm việc...he he...nhiều thuyền thế kia liệu cá có chịu lên không????

attachment.php

Bến thuyền xem cá heo nước ngọt

Đến bãi rậm giữa sông, thuyền tắt máy, thả trôi nhè nhẹ. Đám người trên thuyền nín thở, ngậm mồm...mắt dáo dác ngó bên này bên nọ.Rồi bỗng có bạn la lên "kia kìa"...chỉ kịp thoáng thấy một tấm lưng đen trũi nhô lên ngụp xuống rất nhanh.Tôi thở phào, dù sao cũng đã có Irrawady. Nó trồi lên rồi ngụp xuống rất nhanh. Các tay máy trực chờ nhưng canh mỏi tay bên này nó lại nổi bên khác...vừa hạ máy xuống bỗng "khì.iiiiii.ììì..." Irrawady lượn ngay trước mặt. Chúng ngoi lên mặt nước để lấy hơi, thở phì ra như mình bơi ếch.

attachment.php

Khó khăn lắm mới chộp kịp một chàng (nàng) cá heo nước ngọt trên sông Me Kong

Giờ thì túm được cái lưng. Irrawady bắt đầu nhào lượn quanh chúng tôi. Lúc thì hai con, lúc thì ba con.... Bộ ba hai lớn một bé cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Lúc bên này, lúc bên kia. Giờ chỉ còn biết vội vàng đưa mắt theo tiếng động, phì phì...giật thót cả mình.

Chuyến đi này cho tôi một ấn tượng thật khó quên.

---------------------------------------------------------------
Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi ...(cont)

attachment.php

Đất mỡ màu và các vườn cao su, tiêu, đào lộn hột ngút ngàn trên đường đến với Che Hea. Nhưng Việt Kiều không có đất, họ dựng nhà lụp sụp trên mảnh vườn thuê của chủ đất hoặc sống trên bè nuôi cá dưới sông.


Chọn đi thăm làng nổi và cù lao Che Hea thì các bạn nên kết hợp với làm từ thiện như đến Biển Hồ ở Siem Reap. Những người Việt xa xứ tuy nghèo nhưng rất hiền lành chân chất. Họ sẵn sang đón nhận những món quà nhỏ của bạn, cũng như sẵn sàng mời bạn lên bè cá ngồi nhâm nhi món cá sấy gác bếp tuyệt ngon cùng chén rượu đế tự nấu. Hoặc nếu bạn muốn, họ sẵn sàng lấy thuyền chở bạn sang cù lao với những rẫy dưa hấu ngọt ngào, nương bắp đọng hạt để bạn nằm đong đưa võng ngêu ngao câu hát yên bình.
Tôi đã được trải qua tất cả những cảm xúc như vậy.


attachment.php

Thăm cộng đồng Việt kiều nghèo ở làng nổi Che Hea

Nhưng trước hết xuống thuyền trôi theo nhánh sông nhỏ, đến chùa Ma Haleap để nhìn ngắm những bức vẽ cả trăm năm may mắn thoát khỏi bàn tay phá hủy của Khmer Đỏ còn lại với thời gian. Một ngôi chùa cổ có điêu khắc gỗ rất đặc biệt và tinh tế.

attachment.php

Đường vào chùa Ma Haleap

Cửa chính của chùa lại quay về hướng đông để đón những ánh mặt trời buổi sáng. Khi vào chùa, nắng chiếu lên bức họa màu sinh động trên mái chùa, nắng chiếu long lanh trên nhưng hàng cột gỗ dát vàng bằng những họa tiết tinh xảo tuyệt vời.

attachment.php

Họa tiết trên gỗ trong lòng chùa Ma Haleap
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Đêm chờ ánh sáng, mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần...



Rồi đêm xuống. Tôi lại bắt đầu bận rộn. Thành phố quá yên bình tưởng sẽ đi ngủ sớm như người khách nào đó mới ghé qua cho rằng “một hôm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ chưa?”. Tôi thì đếm không hết nổi bao nhiêu chiều vàng chếnh choáng bè bạn với những thố bia và hải sản nướng dưới chân cầu Kizuna.

Nếu tính từ chân cầu phía phố nhìn ra sông thì bên phải sẽ nhộn nhịp từ xế chiều với rất nhiều hàng quán. Những dãy quán nướng bình dân đông đúc giới trẻ địa phương rời trường học, công sở…đến thưởng thức. Cạnh đó xịch lên phía cầu tre Koh Pen là địa bàn của giới tương đối trưởng thành hơn. Tôi thì thường đóng đô ở đấy cùng các bạn đồng nghiệp khề khà bia tươi và thỉnh thoảng buông lời trêu ghẹo mấy cô gái chủ quán duyên dáng xinh đẹp…”Ôn Mey Srayka ơi, them bide thô muôi tiết – Em gái tên Mey Srayka ơi, cho thêm thố bia nào”. Món nhậu ở khu này vô cùng phong phú (bò, gà, mực, sò huyết, cá…) và góc ngắm cầu ở đây lại trẻ trung và sôi động thật đáng yêu.

attachment.php

Cầu Kizuna lấp lánh buổi tối nhìn từ dãy quán nướng bên phải

Còn bên trái thì dành cho lúc đêm khuya. Bạn có biết con tàu gỗ Luxury Mekong River Cruise chọn Kampong Cham làm điểm dừng đêm sau khi ngắm hoàng hôn nổi tiếng (http://www.luxurymekongrivercruise.com/destination/Kampong-Cham.html). Ngay khi mặt trời lặn xuống sau những ngọn tháp ở núi U Dong, con thuyền xuôi dòng về bến đỗ ở Kampong Cham. Du khách rất yêu thành phố yên bình và xinh đẹp này.


attachment.php

Tàu về hợp phố

Nhờ vậy mà chúng tôi có dịp ngồi bờ sông đến sáng đêm với vài món nhắm. Cầu Kizuna lúc này lại trầm lặng và lãng mạn. Tôi có biết bao đêm dài ngồi ở đây, lúc thì ngắm trăng sáng vằng vặc lên từ bên kia sông, lúc lại run cầm cập dưới cơn mưa nặng hạt... Tôi cùng bao bạn bè đồng nghiệp chia sẻ khoảng khắc yên lặng của dòng sông, chia sẻ những nỗi buồn, niềm vui và cả những giọt nước mắt.
Tôi đón bạn phượt từ khắp nơi ghé thăm, vì tôi mà dừng chân một đêm ở nơi này… ngồi cạnh nhau suốt đêm bên bờ sông lộng gió, bạn cũng đã phần nào hiểu được vùng đất tôi yêu. Tôi luôn tin tưởng rằng các bạn sẽ còn trở lại với nó nhiều nhiều lần, cho dù nơi ấy hiện giờ đã không còn tôi ngồi đối ẩm.

attachment.php

Nó đó, có dịp thì uống bia thố với tôi nha ;)
 
Re: Kampong Cham - "Bốn mùa thay lá"

Những giọt mưa, những nụ hoa
Hẹn hò gặp nhau trước sân nhà ….


Và phần cuối bài viết của tôi không thể thiếu được tình cảm nồng ấm của những con người Kampong Cham. Chắn chắn bóng dáng của họ vẫn luôn lẩn quất trong từng bước chân lang thang của tôi từ đầu câu chuyện đến giờ. Nếu không có những người bạn ấy cùng đồng hành, tôi sẽ khó có thể cảm thụ được phần hồn trên đất.

Bạn tôi bảo: "Người ta chỉ yêu một nơi nào đó vì có kỷ niệm với nó". Và bây giờ khi phải rời xa Kampong Cham, tôi đã nhớ rất nhiều những kỷ niệm ở đấy.

Tôi sẽ nhớ ánh nắng và bầu trời xanh ngắt của Phnom Bros, Phnom Srey. Nhớ mình thở hổn hển leo từng bậc thang, nhìn sang các bạn cũng mệt nhoài không kém. Dựa vào thành dốc bò ra mà cười.

Tôi nhớ đến chảy nước mắt những khoảng khắc dễ thương lãng mạn, như buổi sáng mở cửa phòng bất ngờ có đóa hoa vàng trước hiên nhà.


attachment.php

Rất giản dị thân thiết nhưng vô cùng lãng mạn, đó chính là tâm hồn của người Kampong Cham


Tôi sẽ nhớ thật nhiều khoảng khắc ngụp lặn trên dòng sông. Lúc thò chân xuống nước cho cá masage thiên nhiên. Khi thả ngửa trôi bềnh bồng trên mặt nước, xoay về hướng cầu rồi lại xoay về hướng cả ba bờ, vẫn không biết mình đang sống trong thực hay mơ.

Tôi sẽ nhớ quán ăn trong lòng phum xa, nơi chúng tôi ngồi dưới tán lá xanh, nghe gió reo trong mỗi cành thốt nốt đung đưa, cạnh những ngôi mộ cổ hiếm hoi, lần đầu thưởng thức món rượu thốt nốt chua thơm nồng nàn.

Tôi sẽ nhớ quán nhậu bờ sông. Đã ngồi bên nhau trong những chiều vàng chếnh choáng, chúng tôi nói về cuộc sống, niềm vui, những hạnh phúc giản đơn,... để rồi bất kỳ lúc nào gặp lại nhau vẫn thân thiết như chưa từng xa cách.

Tôi sẽ nhớ sông Mekong, ban ngày, buổi tối, ban đêm, rạng sáng, trong nắng, trong mưa, trong gió... Và cho dù thế nào đi nữa, thì dòng nước này vẫn không ngừng trôi, tất cả các con sông đều chảy.



attachment.php

Nỗi nhớ của tôi khi phải chia tay mang màu sắc lóng lánh và ảo mộng như ánh đèn tôi chụp lại từ cầu Kizuna.


Xin gửi lại nỗi nhớ ấy cho những bước chân nối tiếp. Tôi gửi lại một mảnh hồn tôi cho mỗi bạn yêu thích du lịch khám phá, sẽ từ bài viết này mà dành thời gian cảm nhận từng khoảng khắc khi đến thăm vùng đất tôi yêu. Kampong Cham sẽ vẫn nguyên sơ ở đấy đón chờ các bạn.
Hãy tự tìm những bốn mùa thay lá của chính mình và chia sẻ cùng tôi bạn nhé!


---- HẾT----​
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,319
Bài viết
1,175,179
Members
192,043
Latest member
sugarrushonline
Back
Top