Mọi sự khởi đầu vào một lần tôi nhận được một email của 1 người quen. Chỉ là quen biết qua loa, cũng chẳng thân gì lắm. Người đó đưa ra một ý tưởng hấp dẫn, phải nói là nó vô cùng hấp dẫn. Và thế là tôi và anh ấy bắt tay vào thực hiện hóa ý tưởng đó. Lúc đầu là những buổi họp 2 thành viên, sau đó đông dần, 3 người, 4 người, và giờ là hơn chục người. Các buổi họp cứ thế mà diễn ra trong cái cười rôm rả, thuần khiết như một giọt sương sớm tinh mơ vậy. Chẳng một ý niệm nghi ngờ, thay vào là niềm hứng khởi, 1 cái gì đó không thực, chúng tôi thường ngồi lại với nhau và mơ về 1 tương lai mà chúng tôi đang hướng đến. Nó rất đẹp. Ở đó có những cây dừa trắng phau, có một bãi biển như thiên đường, có những con người thân thiện và mọi thứ, mọi thứ mà chúng tôi chưa biết. Chỉ là.. ước gì mình biết hết nhỉ, biết hết tất cả mọi thứ trên thế giới này, nhìn nó, sờ nó, và đắm chìm vùng vẫy trong nó
Các cuộc họp ngày một thưa dần và được thay thế là những chuyến đi bằng xe đạp. Chỉ loanh lòng vòng các tỉnh xung quanh Sài Gòn, ghé thăm các mái ấm, nhà mở. Chẳng đóng góp được nhiều, chỉ ba cái tập, chút bánh kẹo và dạy các em thổi bong bóng nghệ thuật. Nhưng sao mỗi chuyến đi đầy ắp tiếng cười, tiếng cười của tuổi trẻ, tiếng cười làm những người xa lạ xích lại gần nhau. Nhưng những chuyến đi xung quanh thành phố cũng dần nhàm chán, chúng tôi muốn làm một cái gì đó ý nghĩa hơn, một cái gì đó mang tính cộng đồng và lan tỏa. Và thế là dự án đạp xe xuyên Việt trong dịp tết, đến thăm các mái ấm trẻ em trong mỗi tình thành mà chúng tôi đi qua, giao lưu, phát bao lì xì, chơi, dạy thổi bong bóng nghệ thuật cùng các em. Hoạt động nhỏ, nhưng đôi khi lại có tác dụng lớn lao. Tôi không biết rõ, nhưng tôi nghĩ là như vậy. Chỉ cần có thế. Chúng tôi lên đường
Vào ngày 9/1. Đó là một buổi chiều, cũng như bao buổi chiều, bầu trời Sài Gòn trầm mặc nhưng bên trong nó vẫn ồn ã và âm ỉ như nó vốn có hàng ngày. Tôi và ông Chồn (Nick fb là Chồn Đen), 2 đứa xách balo lên đường. Cái xe đạp mới, cái đèn mới mua, cái túi ba ga mới mua, cái đôi giày, cái vớ, cái bao tay.. tất cả đều mới, như thể những tay mơ bày đặt học đòi. Thật vậy chúng tôi chỉ mới làm quen với xe đạp chừng một tháng, đạp loanh quanh, đạp lòng vòng. Cái ý niệm xuyên Việt nghe đâu thật lớn, nhưng ở khía cạnh nào đó nó cũng mang ý nghĩa nhỏ bé. Trong một chừng mực, nó không hiện hữu. Ít nhất là trong cái khoảnh khắc này đây. Trong chuyến hành trình, đang ngồi dò lại những ký ức và diễn đạt lại nó, tôi vẫn ko tin là mình đã đi, đã xa nhà, xa quê hương, xa cái tết ấm cúng gia đình để mà đón những cơn giá rét bên ngoài, những nụ cười lạ hoắc, những khoảng hồn bất chợt, những mối quan hệ nối tiếp đua nhau mà xếp hàng tới lượt... Nó cứ như một giấc mơ vậy, nhưng là một giấc mơ có thực, nó đang diễn ra, và chắc chắn nó sẽ diễn ra. Những cuộc hành trình tuân theo nguyên lý như thế
Trước lúc lên đường hành trình xuyên Việt, CYCLE đã kịp ghé qua trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Gò Vấp
Hành trang là 1 cái balo, 2 cái túi baga cỡ bự, 2 cái túi baga cỡ nhỏ. Trong đó có đầy đủ đồ nghề dụng cụ, từ những thứ công nghệ như laptop, máy tính bảng, máy chụp hình D200 và kit, máy nghe nhạc.. thì còn có những thứ trời ơi đất hỡi mà tôi ráng thồ theo, như 2 bộ cờ vua và tướng, bộ sửa xe, 2 hộp bánh đậu xanh, dao xếp, đèn pin, la bàn, cái nón bảo hiểm cỡ bự… Phải nói là rất nhiều. Và cho đến bây giờ, khi đang viết những dòng này thì bắt đầu cũng đã thấy đc tai hại của nó đã gây ra trong suốt cuộc hành trình. Khỏi phải nói, hành lý gần 30kg, thêm cái thằng đạp xe nữa nặng gần 70kg. Để thồ 100kg từ Sài Gòn về Hà Nội bằng xe đạp là cả một vấn đề nan giải không dễ gì giải quyết
nhà tài trợ găng tay và bao tay
Trước lúc lên đường
Ngày đầu tiên cũng ko gì đặc sắc nhiều ngoại trừ mấy người bạn ra thăm, tụi nó nhí nhố để rồi 2 thằng ra đi chẳng biết nhí nhố với ai. Dọc theo con đường Phạm Văn Đồng quận Gò Vấp từ từ dời xa thành phố và tiến tới địa phận tỉnh Biên Hòa, dời xa cái nào nhiệt tấp nập của Sài Gòn hoa lệ chúng tôi đi tới những con đường lên lên rồi chợt xuống của Biên Hòa, nó làm tôi nhớ đến Đà Lạt, Đà Lạt cũng như vậy, cũng những con đường chằng chịt, như những ngọn đèo nhỏ đan xen vào nhau tạo nên cho nơi đó một sự bí ẩn khó cưỡng lại được. Nhưng sẽ là khập khiễng nếu so sánh với Biên Hòa và Đà Lạt, cứ như so sánh với 1 cô gái thành phố và cô gái quê chân lấm tay bùn. Chỉ là tôi rất thích cái hương sớm cô liêu, nơi mà những dải sương trắng vẫn còn vật vờ trên những đỉnh núi mơ hồ. Về Biên Hòa tôi cố gắng liên tưởng và tìm những điểm chung cho nơi đây, tuy nhiên mọi sự đều khập khiễng. Phải cái nắng như đổ lửa, những cái ồn ào có khi là thái quá, cái bụi, cái chen lấn xô bồ.. bấy nhiêu thứ đó thôi cũng đã làm cho cô gái của tôi trở nên xấu xí hơn rất nhiều.
Để kết thúc ngày đầu tiên, tối đó chúng tôi nghỉ chân ở tranh gạo Thái Hoàng, do Thái, bạn của ông Chồn làm chủ. Chủ nhà rất nhiệt tình, và tối đó là đêm đánh dấu đầu tiên trong chuyến hành trình dài 39 ngày chúng tôi ngủ nhờ. Kể cũng lạ, ta dường như đã đi thật rồi, đã ở trên cuộc hành trình, trở thành một phần của nó. Chỗ ta ngủ không phải là căn gác quen thuộc, mà giờ đây nó biến đổi theo từng ngày, người ta gặp không phải là những người thân thuộc nữa mà là những người lạ hoắc, những người phương xa, ở đó tôi thấy những điều mới mẻ, học hỏi và tìm cho mình sự cảm thông. Cảm thông với mọi người, với thế giới và với ngay chính bản thân mình. Đó có phải là điều quan trọng nhất cho mỗi con người khi họ trưởng thành? Tôi nghĩ là thế đó.
Gạo để làm tranh gạo
Chụp hình cùng chủ nhà
*******
Nỗi buồn, nó có nhiều loại nỗi buồn.. buồn chút chút rồi thôi, buồn dai dẳng, buồn như bị cả vũ trụ làm tổn thương. Nỗi buồn của kẻ du mục đc ví như một chuỗi liên kết dài bất định, họ nhìn mọi thứ với con mắt như van nài, ở trong đó là lồng ngực râm ran, nó âm ỉ chỉ chờ như muốn vỡ tan, họ ko thể tin đc vào 1 điều gì đó đã xảy ra, sắp xảy ra, và sẽ xảy ra.. để rồi bất lực trong cái tiếng thở dài thườn thượt, rồi đến một cái thở dài khác, cứ thế, trông thật thê lương. Đôi khi tôi ví nó như nỗi buồn của kẻ tha hương. Cái nỗi buồn xa xứ da diết và cũng lắm nỗi nhớ. Phải cái quê hương kia, không thể tin đc ta đã xa nó rồi, chẳng biết bao giờ gặp lại, những kỷ niệm, những nỗi niềm, những hoài bão.. biết bao giờ gặp lại, hay có chăng gặp lại thì nó đã không còn như nó đã là.. đã đổi thay , đã trở thành quê hương của bao nhiêu người. Nó có chịu vẫn là nó như nó chỉ dành riêng cho sự ích kỷ của một người. Người ta chỉ biết phủi tay và thế là tiếp tục đạp, đạp trong vô thức, chẳng mệt, chẳng mỏi, nhưng sao bước chân nặng nề đến thế
Nghỉ chân
Đã qua ngày thứ 2, cảm giác cứ như ngày đầu tiên bắt đầu lên đường. Nó vẫn vậy thôi, chỉ có khác 1 chút ít là khi mở mắt thức dậy thì đó là quang cảnh khác, không phải là căn phòng quen thuộc với những mái trần đầy ảnh, mà là một mái trần nào đó, hôm nay thì nó là cái này, ngày mai thì nó là cái khác, cuộc đời những kẻ du mục cứ thay đổi theo những cái trần nhà, nó cứ thế mà liên hồi, để rồi khi chán chường họ sẽ dừng lại, chọn cho mình cái trần nhà ưng ý, gửi gắm đó hết nỗi lòng và viên mãn với những gì mình đạt được.
Trước khi rời Biên Hòa, lịch trình của nhóm là ghé mái ấm Bé Thơ. Đó là 1 mái ấm cũng như bao mái ấm khác, ở đó có những cái phòng riêng biệt, có những đứa trẻ nô nức, những tiếng khóc thét, hay những tiếng thủ thỉ thút thít.. Chúng tôi cùng hòa vào bài nhạc giao hưởng, đó là những gam màu sắc của những trái bong bóng và màu đỏ chót của những phong bao lì xì. Mặc dù chưa tới tết nhưng chúng tôi quyết định sẽ tổ chức sớm cho bọn trẻ, và dự kiến là sẽ cần rất nhiều bao lì xì, trong đó sẽ để 2000 đồng, hoặc nếu nguồn quỹ dồi dào thì sẽ tăng lên 5000 đồng, mỗi phong bao đều kèm theo một lời chúc của các anh chị. Nó sẽ trở nên ý nghĩa rất nhiều, Tôi tin chắc là như vậy. Và chúng tôi quyết định sẽ nhân rộng mô hình này lên, đây sẽ là hoạt động chính của chương trình Connect Cycle xuyên Việt, đem một chút hương tết đến cho tất cả những đúa bé chúng tôi đi ngang qua. Và cám ơn Jo Di vì ý tưởng tuyệt vời này
Tại mái ấm Bé Thơ
Chia tay mái ấm Bé Thơ, chia tay Biên Hòa đầy nắng và bụi, tôi và ông Chồn Đen tiếp tục hành trình. Lần này là tỉnh Bà Rịa, và mục tiêu là trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bà Rịa. Đây là nơi mà Cycle đã phối hợp cùng Bạn Của Bé tổ chức Noel đêm yêu thương. Tôi còn nhớ rất rõ đám trẻ ở đó, thằng Tính photographer, trông có vẻ chững chạc nhưng tâm hồn đâu đó cũng chỉ là một đứa nhóc, chỉ cần chọc lét đúng chỗ nó sẽ bỏ lăn bò lê ra cười mà thôi ngay cái vẻ mặt nghiêm nghị thường ngày. Là thằng bé áo vàng, thích nhạc Gangam Style, mỗi lần đến là 2 thằng lại quàng vai nhau như đôi bạn thân. Con bé Hậu, con bé Diễm,rất hay gọi điện thoại xin hình, gọi nhiều tới nỗi đôi khi đến phát bực, cũng chỉ vì nó quá tình cảm, để rồi trong đợt thăm lại nơi xưa, chúng tôi mang theo 1 xấp hình nhỏ, nhỏ thôi, nhưng quan trọng là để nhắc chúng tôi vẫn luôn nhớ.