What's new

[Chia sẻ] Cù Lao Câu - Hòn Cau - Chuyến đi tình nguyện cứu rùa đáng nhớ 05.2017

Chuyến này không phải đi chơi mà đi tình nguyện, tuy đi tình nguyện nhưng vì trải nghiệm đủ các thể loại ăn chơi ở đảo nên Sói post lên đây hy vọng mọi người có thêm địa điểm mới để đi.

VÀ HÃY ĐI CÓ Ý THỨC NHÉ, VÌ HÒN CAU HIỆN LÀ KHU BẢO TỒN BIỂN VỚI HỆ SINH THÁI ĐẸP TUYỆT VỜI

Thôi vô bài. Nộp đơn 2 năm liền đều rớt trong vô vọng, năm thứ 3 Sói quyết định thử vận may với Chương trình cứu hộ rùa biển của IUCN ở một địa điểm mới không phải Côn Đảo. Và thiệt là một quyết định chính xác khi mà may mắn trong vài trăm đơn đăng kí, Sói được lựa chọn là một trong 24 TNV (chia làm 3 đợt) tham gia cứu hộ rùa biển ở Hòn Cau.

Hòn Cau, hay còn gọi với cái tên thân thuộc hơn là Cù Lao Câu, nằm nép mình nhỏ xíu ở eo biển Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Không nổi tiếng và dễ đi như Phú Quý, CLC vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của mình. Sói thấy mình may mắn làm sao, khi được tham gia chuyến tình nguyện 3 đêm trên đảo, với đủ cảm xúc thăng trầm và ấn tượng.

35344133870_5ff80ea9f8_b.jpg

................................................

Để ra được CLC trước hết từ Sài Gòn tụi Sói bắt xe khách từ Bến xe Miền Đông đi Bến xe Liên Hương. Có vài nhà xe phổ biến, Sói lơ ngơ ra bến xe thấy phòng vé xe Phương Uyên trước vậy là mua luôn vé nhà xe này. Giá 135k/chiều xuất phát sớm nhất lúc 8.30AM từ Sài Gòn. Ngoài ra còn có các chuyến 11h, 13h, ... cách 2 tiếng có 1 chuyến để lựa chọn. Chiều đi là vậy, còn chiều về từ Liên Hương lại chỉ có 2 chuyến cố định 9AM và 9PM.

Cho nên,để đơn giản hơn, tụi Sói không mua vé lượt về mà cứ thong thả dọn đồ, ăn uống, xong hết bắt tãi ra quốc lộ rồi đứng đón xe từ Nha Trang vào. Xe nhiều, chỗ trống cũng nhiều, mà nếu khéo trả giá thì chỉ tầm 100k/người thôi đấy.

Nói là tụi mình, vì như Sói kể, có 8TNV tham gia đợt 1 này và 7 người đã tự liên hệ nhau trước chương trình để bắt xe đi chung. Có một bạn không xuất phát từ SG mà đang lưu lạc đâu đó trên Lâm Đồng, sẽ tự chạy xe máy xuống Liên Hương đoàn tụ với mọi người chiều hôm ấy luôn. Xe đi từ từ, có dừng ăn trưa, đến bến xe Liên Hương lúc 4 giờ chiều. Sói nghĩ là nếu tự đi xe máy cũng không mệt nhiều đâu, mà trên đường còn được ngắm biển trời mây nước nữa.

8 đứa, đoàn tụ trước chương trình, vẫn còn ngượng ngịu xa lạ. Tấm hình chụp chung này đâu ngờ rằng lại là tấm đẹp đẽ nhất mọi người được chụp. Tại sao? Tại zì đâu ai ngờ đặt chân lên thuyền là những ngày dang nắng sấp mặt, tắm biển từ sáng tới tối và sắp được đen thui như chưa bao giờ được đen.

35342594770_e289960e54_b.jpg


Ra tới bến xe là tầm 4pm. Tụi Sói khăn gói lỉnh kỉnh đi xe trung chuyển tới văn phòng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau ở cách đó chỉ vài trăm mét. Văn phòng hiu quạnh vì là thứ 7 không ai đi làm, chỉ có chị Phi Phi đang đợi tụi mình mòn mỏi để phát tài liệu chương trình và chỉ chỗ tìm khách sạn nghỉ.

Đầu tiên cả đám dự định tối ra biển cắm lều ngủ rồi sáng dậy đi luôn, tiết kiệm tiền ks. Không ngờ là chị Phi bảo, chỗ này cách biển tầm 5KM lận, tối thì hôm nào cũng mưa nên chuyện ngủ lều bất khả thi. Thôi đành đi lòng vòng gần đó, thuê 2 phòng ks cho nam với nữ hết 700k, rồi tắm rửa và đi lòng vòng tìm đồ ăn đêm. Giá ks ở đây cao, nhưng đồ ăn thì rất rẻ và đa dạng. Cứ đi thẳng 1 đường hướng ra cảng, là sẽ trải nghiệm đủ từ bánh bèo, bánh bột lọc, bánh căn, bánh xèo, bánh plan....và kết thúc ở khu chợ đêm này ăn chè với bánh tráng nướng.

35598506361_6617e3581a_b.jpg


Đêm ấy mưa lớn thật, may mà cả bọn không cố chấp đi cắm lều.

Sáng hôm sau, cả đám, bấy giờ đã thân hơn 1 chút nhờ mấy ván bài sát phạt đêm qua, lại tha mớ đồ đạc lỉnh kỉnh gồm lều, võng, tấm lót.... đi bộ ra cảng cá cách đó tầm 2KM. Đường đi không ngắn nhưng có nhiều thứ hay ho khiến tụi Sói phải dừng chân hoài, như mấy ngôi nhà ba gian cũ kĩ nhưng nhìn nghệ không chịu nổi vầy...

35560676142_726aacba03_b.jpg


35560674382_4e63ffdeee_b.jpg


Người dân kiểu nhìn 8 đứa lạ hoắc, ăn mặc lố lăng, xách đồ lỉnh kỉnh nên cứ trố mắt ra nhìn. Họ đâu ngờ là 3 ngày nữa quay lại tụi nó sẽ còn nhìn khiếp hơn nữa.

TÀU RA CLC CÓ HAI LOẠI

CANO: như tụi Sói đi nè.
Nhưng mà cách này không dành cho khách du lịch vì đây là cano công vụ của bên KBT biển. Đi với mấy anh thì khỏi nói, chắc tầm 20p vèo vèo là tới.

TÀU GỖ: tàu gỗ cũng có 2 loại luôn
- Tàu tư nhân chở khách: Hình như phải đặt trước, 200k/ lượt khứ hồi, đặt cho nhóm từ 15-30 người đi. Muốn đặt tàu dui lòng gọi cho số này, A Lập – KBTB Hòn Cau: 0917410499/ 0918335617
- Tàu gỗ của ngư dân. Cái này kiểu dành cho mấy bạn thích đi liều. Cứ ra cảng cá hỏi người dân đi ra CLC, rồi trả giá với họ thấy ok thì đi thôi.

35598521221_7d9b6da451_b.jpg


Nước gần bờ rất bẩn do người dân thải trực tiếp nước sinh hoạt xuống đây. Nhưng ráng đợi 20p nữa thôi, vùng biển mà tụi mình đang tới thật sự xứng đáng để dành tâm sức ra bảo tồn đấy!

Hòn Cau, chúng tui đến đây!

35598747791_d2870fcd0b_b.jpg
 
Re: Cù Lao Câu - Hòn Cau - Chuyến đi tình nguyện cứu rùa đáng nhớ 05.2017

NGÀY THỨ NHẤT - Làm quen với đảo

Cách bờ chỉ tầm 9KM nhưng không một ai sinh sống ở đảo trừ:
- Lực lượng bộ đội trên dưới 10 người
- Ban quản lý khu bảo tồn Hòn Cau thay phiên trực mỗi tuần 2 người, sau đó về và hai người khác ra thay phiên.
- 2 quán nước của vợ chồng hai bác lớn tuổi, toàn bộ khách lên đảo đều sinh hoạt, vệ sinh, dùng nước ngọt, ăn uống trong quán đó hết.

Khu nhà của BQL, nhỏ và đơn giản, hướng ra bãi biển đẹp.
35598557271_fea8282f25_b.jpg


CŨng bởi vì bãi biển rất đẹp và trong, nên ngày nào ngày nấy, mấy đứa cứ sáng tắm, trưa tắm, chiều tắm. Tối mà không đi canh rùa chắc lại tắm ấy. Hậu quả của việc tắm quá lố là 3 ngày sau về thành phố không ai nhận ra nữa luôn.

35690015906_ea1dccac50_b.jpg


Tại sao ở ngoài này không có dân, Sói hỏi người địa phương trong đất liền thì nghe bảo ngoài đảo rất khó sống. Thứ nhất là không có điện và nước ngọt. Vì diện tích đảo rất bé, chiều dài tầm 1500m, chiều ngang rộng nhất là tầm 700m, nên chẳng có sông suối ao hồ nước ngọt nào trên đảo hết. Lượng nước ngọt mà con người sử dụng được chở hoàn toàn từ đất liền ra. Và giá là, 200 nghìn đồng một khối.
Bởi vậy, tắm nước ngọt là điều xa xỉ, và 3 ngày ở đây mọi người chỉ rửa ráy rất tiết kiệm.

Điện hiện tại trên đảo có máy phát điện thuộc sở hữu của bên bộ đội. BQL được tặng một bộ máy phát điện năng lượng mặt trời, đủ để coi ti vi, xài máy quạt và sạc điện thoại cho tới tầm nửa đêm là tắt.

Nước ngọt, không đủ nuôi sống cây, nên trên đảo không có cây bóng mát mà chỉ toàn cây bụi. Lúc tụi Sói ra, đang có chiến dịch phủ xanh đảo do nguồn vốn nhà nước cấp, để trồng một rừng dương như mọi người thấy xa xa. Còn lại, đảo được phủ bởi vô số loại cỏ dại, cây bụi dễ thương như thế này. Không những dễ thương, mà đám cây lùm này còn tăngk kèm vô số loại động vật tao nhã như kiến hay rắn.

34888548054_eb748aac0c_b.jpg


Việc gặp rắn ở đây thường xuyên tới mức, mấy anh bên KBT chuẩn bị sẵn ủng cao đến gối để phát cho TNV đi thăm các bãi đẻ rùa trong suốt thời gian làm việc. Anh Lập đi trước, thấy rắn thì dùng cây huơ huơ cho nó bỏ đi là xong. Một nguyên tắc trong KBT, con gì cũng phải bảo tồn, hahaha

Giớ thiệu sơ sơ ba người sẽ cùng ở với tụi Sói trong mấy ngày tới.

Anh Lập, anh cả ở KBT, người mà mới gặp sẽ thấy thật ngầu cho đến khi anh mở loa bật nhạc Bống Bống Bang Bang rồi còn phát ngôn mấy câu hot trend trên Facebook. Quả là tri nhân tri diện bất tri tâm ohoho

35729885815_1450901a37_b.jpg


Anh Hoàng, anh hai ở KBT, trầm tính ít nói hay cười và có nickname Hoàng tử nước chấm. Trong 3 ngày ở đảo, anh làm đủ loại nước chấm từ ăn cơm đến ăn bánh đến chấm cá chấm ốc chấm sò, nói chung nấu ăn xong cả đoàn túa đi tìm anh Hoàng về chỉ để làm nước chấm

35600028031_c5a8618e75_b.jpg


Chị Phi Phi, người chị xinh đẹp chăm lo cho cả đoàn, từ lúc mới chân ướt chân ráo tới CLC đến lúc phơi nắng đen thui đi về SG. Chị là người nấu ăn chính, và khiến mọi bữa ăn ngon xuất sắc.

35730211495_5a20b3d780_b.jpg


Ngoài ra, là nhân vật phụ không có tài năng gì, được ra đảo chỉ vì đăng kí xạo xạo trong đơn là đã biết bơi dù cho mới tập được bơi 10m không hít thở =))
Bên cạnh Sói là bạn Xù, cũng lần đầu tiên ra đảo luôn vì mấy anh ở ngoài này vắng quá nên mang bạn ra cho vui. Nào ngờ đâu niềm vui ngắn chẳng tày gang, bạn ở KBT được 1 ngày thì ham chơi đi theo đoàn khách ra du lịch nên mãi tới lúc về Sói không gặp bản nữa.

35560698852_69c04de0a2_b.jpg


Nói chung là, sáng hôm đó ra đến đảo tầm 10AM. Mọi người tự do sinh hoạt, làm quen nhau rồi cùng chuẩn bị bữa trưa. Ai cũng háo hức vì lần này có mấy anh chị bên đài truyền hình theo quay, chắc chắn sẽ có cơ hội lên Ti Vi để gọi về khoe ba mẹ. Chiều hôm đó anh Lập tập trung mọi người trainning về kiến thức bảo tồn rùa biển và công việc mọi người pahir làm sắp tới. Nói đơn giản là, ban ngày muốn làm gì cũng được, còn giờ làm việc sẽ bắt đầu vào lúc triều lên cao nhất, tầm 9-10 giờ đêm.

35730213965_fa1c8cc15d_b.jpg


Đây là dụng cụ đánh dấu rùa, mà nhìn như kiểu bấm khuyên vậy. Khi rùa lên đẻ xong, mình bấm làm dấu trước khi thả em về biển, để sau này theo dõi được em có quay lại đẻ tiếp các năm sau không. Háo hức quá, không biết tụi Sói có được xài đến dụng cụ thần thánh này không. Thôi chờ hồi sau sẽ rõ nheeee

34888495804_37efbd6534_b.jpg
 
Re: Cù Lao Câu - Hòn Cau - Chuyến đi tình nguyện cứu rùa đáng nhớ 05.2017

NGÀY THỨ NHẤT - một vòng quanh đảo

Sau mấy mươi phút ngồi làm quen, training kiến thức về rùa trên lý thuyết. Anh Lập dẫn mọi người đi một vòng quanh đảo. Hình dung CLC như một ngọn đồi nhỏ với vài bãi biển chính xen lẫn đá, bạn có thể đi một vòng hết đảo hoặc băng qua những con đường cắt nhau trên đỉnh để dễ dàng đi từ bên này qua bên kia.

Phủ xanh cả hòn đảo là nhiều loài cỏ dại khác nhau như thế này
35343038910_d9414a0933_b.jpg


Cũng nên thơ lắm, nếu không tính đến việc ẩn dưới lớp cỏ là rất nhiều rắn...độc
35344131890_8f35e79afa_b.jpg


Từ đỉnh đồi nhìn xuống, có rất nhiều bãi biển nhỏ nhưng đẹp đẽ thấp thoáng sau những vạt cỏ lau cao. Dường như bãi nào ở đây cũng đều tắm được, chỉ trừ 2 bãi rùa đẻ hiện đang thuộc sự quản lý của Khu bảo Tồn.

35733041485_7d8d524cf8_b.jpg


Vừa đi dạo, tụi Sói vừa tranh thủ dọn sạch rác ở bãi biển. Từ CLC có thể trông thấy phía đối diện là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. SỰ tồn tại quá gần của nhà máy, kèm theo các tác động từ khu dân cư ven bờ hiện đang là mối đe dọa lớn cho hệ sinh thái ở CLC.

35731285155_4b4d991499_b.jpg


35342656180_ca5b7fa02b_b.jpg


Đi lòng vòng mãi cũng hết cả buổi chiều, dù hòn đảo không lớn lắm.

Buổi tối hôm ấy, mấy anh chị ngoài đảo, cộng thêm mấy anh bộ đội xuống góp vui bằng bia và hải sản. Mấy anh tuyên bố xanh rờn, nước sạch có thể thiếu, chớ bia thì luôn luôn đủ haha. Nói vậy thôi chứ vì công tác bảo tồn còn tiếp tục cả đêm, nên phần uống xin nhường mấy anh, phần ăn thì tụi Sói nhận. Không thể nào quên cảm giác ngồi ngoài đảo sóng vỗ rì rầm, mưa lất phất ngoài mái tôn và trong này anh em quây quần bên bếp lửa nướng hải sản.

35731291205_58001c32c5_b.jpg


35731293305_b8670d8243_b.jpg


35729989335_861fe514b0_b.jpg


Nếu mấy bạn đi tự túc, thì có thể ra đặt ăn ở quán mà Sói có nhắc trước đó, giá chừng 150-200k/người là có bữa hải sản đầy đủ gồm ốc, sò, mực, nhum, cá rồi hen.

Uống vô, rồi trò chuyện, rồi hiểu thêm cuộc sống của mấy anh ngoài này còn nhiều vất vả. Ví dụ như đang nhậu mà cúp điện ngang hông thì cũng vất vả rồi nè haha. Rồi nhiều lúc bọn anh phải đấu tranh với rùa tặc mà không có gì tự vệ. Nhiều lúc người dân mình còn đi đánh bắt trong khu vực bảo tồn, tuy phải cấm triệt để nhưng vẫn phải nói chuyện sao cho thuyết phục, xuôi tai. Mình làm việc bảo tồn của mình, nhưng vẫn phải nghĩ đến miếng ăn của người khác nữa chớ em.

Mưa ngớt, nhìn đồng hồ cũng đã 9h, giờ là lúc thủy triều sắp lên. Công việc chính của cả nhóm bây giờ mới bắt đầu, mọi người chuẩn bị lều trại, mặc thêm áo ấm, mang ủng vào rồi bắt đầu lên đường đi canh bãi rùa đẻ...
 
Re: Cù Lao Câu - Hòn Cau - Chuyến đi tình nguyện cứu rùa đáng nhớ 05.2017

Năm nay mình cũng Apply mà ko được chọn, tiếc thật :(

Theo kinh nghiệm apply 3 năm mới đậu thì:
- Anh cứ chai mặt apply nhiều lần vào
- Nhớ chém chuyên nghiệp phần kinh nghiệm đi bụi và phần kế hoạch truyền thông
- Nhớ apply chỗ dễ trước: Hòn Cau hoặc Núi Chúa, sau này sẽ có cơ hội đc chọn đi Côn Đảo cao hơn

Và đi về nhớ viết + chia sẻ thật nhiều để những lời hứa trong đơn apply không chỉ là chém gió nhé!
 
Re: Cù Lao Câu - Hòn Cau - Chuyến đi tình nguyện cứu rùa đáng nhớ 05.2017

VN1604

9 giờ đêm, chúng tôi vượt qua cơn buồn ngủ vì no, để khoác thêm áo, mặc quần dài và mang ủng vào, bắt đầu công việc chính là trực bãi đẻ rùa. Trên đảo có rất nhiều rắn, hiền có dữ có, mà đa số là độc cho nên mang ủng cao là điều kiện tối quan trọng để băng qua các bụi cây hướng về phía bên kia đảo. Ở đó, liệu có gì đang chờ?

Tay đèn pin, chân rảo bước, tôi vừa vội vàng vừa đi vừa chạy cho kịp những sải chân dài của anh Lập, nhưng mắt thì cứ ngẩn ngơ ngắm bầu trời đầy sao. Đã lâu lắm rồi mới được ở một nơi hoàn toàn không bị ô nhiễm ánh sáng, chỉ có lấp lánh tinh tú xung quanh và tiếng sóng biển rì rào như mời gọi.

35730249555_6e42c0d242_b.jpg


Đến gần bãi rùa đẻ, anh Lập ra hiệu cho mọi người tắt hết đèn pin, để tránh làm rùa mẹ hoảng sợ. Rùa sợ ánh sáng, sợ cả con người. Dĩ nhiên rồi, người là loài động vật nguy hiểm nhất thế giới này mà. Chúng tôi cứ thế lầm lũi trong bóng tối, mò mẫm đặt chân cẩn thận lên từng mép đá và cuối cùng hạ cánh trên một tảng đá rộng thật rộng dùng làm giường ngù qua đêm nay.

Nhưng chúng tôi không kịp ngủ.

Với kinh nghiệm đi khắp đảo bao nhiêu năm trời, anh Lập gần như nhớ hết vị trí của từng hòn đá trên hòn đảo nhỏ bé này. Anh thầm thì với chúng tôi, mà gần như reo lên: "Nhìn kìa, chẳng có hòn đá nào ở đó trước giờ cả!!!"

Có tiếng loạt xoạt... rồi "hòn đá" đen bắt đầu từ từ chuyển động. Chị ta đâm đầu vào một bụi cây, sau đó men theo vách đá để dò tìm địa điểm đẻ trứng. Chị di chuyển vô cùng nặng nhọc, còn bọn chúng tôi trên đá thì nín thở theo dõi từng cú nhích chân nhập nhòe trong ánh sáng yếu ớt của các vì sao.

Anh Lập bảo, dĩ nhiên vẫn thầm thì, là rùa mẹ có sự mẫn cảm xuất sắc, giúp chúng định vị được chỗ nào phù hợp đủ các yếu tố nhiệt độ, độ ấm tốt nhất cho đám trứng của mình. Còn phải nói, thậm chí chu du vòng quanh thế giới mà sau đó vẫn có thể tìm lại chính xác nơi mình sinh ra để quay lại tiếp tục vòng tuần hoàn kì diệu của tạo hóa. Khả năng này cho đến bây giờ vẫn còn là một bí ẩn thú vị.

Được mươi phút đi lòng vòng, chúng tôi nghe tiếng rào rạo của san hô bị hất tung sang hai bên. Đây là lúc chị bắt đầu đào ổ. Không như những bãi biển khác chỉ toàn cát, bãi biển ở Cù Lao Câu được bao phủ 1 lớp dày gần 20cm san hô chết tấp vào bờ. Điều này gây khó khăn cho rùa mẹ rất nhiều, làm mất thời gian đào ổ đến hơn 1 tiếng đồng hồ (bình thường chỉ 30p) thôi. Trong một tiếng đó, dĩ nhiên, đám chúng tôi vẫn đang nín thở, căng mắt ra ngắm rùa trong đêm với niềm ngưỡng mộ và xót thương sâu sắc. Một cá thể cái đang vượt cạn bên dưới trong sự mong đợi của cả chục con người trên này. Tôi còn nhớ lúc đó Hiếu quay sang nhăn mặt, hỏi chị Mai: chị ơi lúc chị sinh có đau lắm không? =))

Đến lúc này, sau khi chắc chắn chị rùa đã chọn ổ, anh Lập dẫn chúng tôi men theo khe đá tuột xuống gần chị hơn. Đay là lúc thích hợp để đánh dấu ổ trứng, vì chị đã chọn thì sẽ không đi đâu nữa. Tôi cho bạn ngắm dung nhan chị ấy ngay đây. Chị rùa trường thành này là họ Vích (Rùa Xanh), tầm 30-35 tuổi, số đo chiều ngang tầm 1m, chiều dài 1m3 nhé. Nhớ là chụp hình từ đằng sau, tránh không rọi đèn trực tiếp vào mắt chị nhé!

35598979141_2a2fa9db8c_b.jpg


Anh Lập vô cùng chuyên nghiệp, cầm một cây gỗ dài (không biết từ đâu ra) cắm thẳng xuống vị trí ổ mà chị sắp đẻ. Nếu không cắm cây làm mốc, thì chỉ ít phút nữa thôi chị sẽ xóa dấu vết tài tình để không ai xác định được vị trí ổ trứng ở đâu. Một ổ trứng lạc vị trí rất khó để bảo tồn, vì chỉ được xê dịch trứng về nơi an toàn trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi sinh. Sau đó, nếu không tìm ra, bạn phải để ổ trứng lại đó với bao nguy hiểm rình rập, vì lúc này các mạch máu trên vỏ trứng đã hình thành sẽ bị vỡ khi cố di chuyển.

34920586103_4c95dfbac9_b.jpg


Sau 15 phút tỏa sáng với sự soi mói của hàng chục cặp mắt xa lạ. Chị hoàn tất tiết mục sinh trăm trứng bằng những cú tạt cát điêu luyện để xóa hoàn toàn dấu vết của ổ. Ngay lúc này, anh Lập khéo léo dùng dụng cụ bấm tag để đánh dấu và chờ ngày chị quay lại. VN1604 là số hiệu của chị, cũng là kỉ niệm không thể nào quên của đám trẻ chúng tôi. Quả nhiên chỉ mấy tuần sau, chị VN1604 lại lên bờ và sinh thêm 108 trứng nữa. Trong bình mỗi mùa sinh sản, rùa cái mang trong bụng hàng mấy trăm trứng và có thể quay lại cùng 1 bãi để đẻ 3-4 lần. Thật phi thường!

35598966861_1dab7c47ae_b.jpg


Cuối cùng, chị quay hẳn người về phía biển, lúc này chúng tôi lại tắt hết đèn đi để rùa không bị mất phương hướng. Chị có vẻ đã quá mệt sau cơn vượt cạn, nên liên tục loay hoay rồi đâm đầu vào vách đá. Mấy anh thanh niên ngơ ngác nãy giờ mới có dịp ga-lăng, cùng nhau bế chị xoay đầu hướng thẳng ra biển. Chậm chạp trên bờ là vậy, mà chân vừa chạm nước, chị như biến thành rùa khác, thoáng cái đã hòa mình vào làn sóng xanh thẫm và biến mất sau một cú lao mình. Cả đám chúng tôi ngẩn ngơ đưa tay vẫy, cảm ơn chị đã cho chúng tôi mội đêm không thể nào quên.

35343019250_20462fdcb6_b.jpg
 
Re: Cù Lao Câu - Hòn Cau - Chuyến đi tình nguyện cứu rùa đáng nhớ 05.2017

Tạm biệt nàng VN1604 xong thì công việc của chúng tôi mới chính thức bắt đầu.

Có hai phương pháp bảo vệ ổ trứng. Ở nơi an toàn như VQG núi chúa, thì ổ trứng đẻ xong chỉ cần đánh dấu bằng cọc rồi giữ nguyên đó, tầm 45-60 ngày sau canh trứng nở mà đếm số lượng rùa con để xác định tỷ lệ nở thành công. Cách thứ 2, dành cho những nơi bãi biển dễ sụt lở hoặc bị đe dọa bởi rùa tặc, điển hình là ở CLC đây, chúng tôi cần đào ổ lên di dời trứng về ổ ấp an toàn gần Khu Bảo Tồn. Vậy là công sức nàng vừa lấp lại, giờ chúng tôi lại tay không đào lên. Tay không cào vào cát, vào san hô đau rát, chúng tôi thấm thía nỗi đau mà chị rùa vừa trải qua. Vất vả hẳn 20p với cả chục cánh tay mới bắt đầu chạm đến được những em trứng đầu tiên.

35343007070_b551405e7d_b.jpg


Trứng rùa tròn vo như quả bóng bàn, bề mặt vỏ mềm và đàn hồi, được bao bọc thêm một lớp nhầy để khi rơi xuống từ độ cao 60cm trứng va đập vào nhau không bị vỡ. Một, hai, ba, chúng tôi nâng niu từng quả trứng mang trong mình sinh linh bé bỏng.

34920598293_002789e42a_b.jpg


Vừa cầm lên một quả, tôi rùng mình hoảng sợ vì tay mình làm lún một miếng vô lớp vỏ. Tuy nhiên, chuyện đó là bình thường theo như anh Lập nói, vì hiện giờ trứng chưa hình thành mạch máu nên chưa sợ các va đập nhẹ. Có tất cả 113 trứng xinh xắn như thế này.

34888874444_db1c51abbf_b.jpg


Xinh quá phải không?

Rời bãi trứng, anh Lập dẫn đường cho cả đám rồng rắn đi trược về phía phu bảo tồn, đến Bãi ấp trứng rùa nhân tạo gần mấy khu quán có người. Tuy ổ nhân tạo không thể nào hội đủ các điều kiện tốt cho trứng như mẹ rùa đã chọn, nhưng mang các con đến đây còn hơn để con lại ngoài đó cho lũ rùa tặc tấn công.
Và bây giờ, hãy tưởng tượng bạn là một con rùa, sau đó dùng hai vây à nhầm hai tay,đào đúng một lỗ rộng 20cm, sâu 60cm và hẹp phía miệng, rộng trong lòng như rùa mẹ nào. Ôi yêu cầu khó kinh dị ra =)) Chẳng hiểu sao nàng rùa với hai chân sau thô kệch lại có thể đào được một cái ổ đầy kỹ thuật đến thể.

35690341716_30943461c0_b.jpg


Sau khi an tâm lấp ổ lại, cả đám thở phào rồi nhận ra đã 2 giờ sáng.
Chỉ một ổ rùa mà mất 5 tiếng đồng hồ và 10 con người để cứu hộ thành công. Vậy mà nghe nói ngoài Côn Đảo, mỗi đêm lên mười, mười mấy chị, thi nhau đẻ, liên tục từ 7h tối đến 5h sáng. Nghĩ thôi đã thấy hoảng rồi, vậy mà có những con người năm này qua năm khác kiên trì bám trụ đảo vắng, làm công tác cứu hộ sứ giả của đại dương, không để ai vinh danh, không cần ai biết đến.

So với những điều các anh chị đã làm, những giây phút khó khăn mà các anh chị đã trải qua, tụi trẻ chúng mình cảm thấy bản thân thật nhỏ bé và phù phiếm. Mình đã từng sống vì điều gì to lớn như thế chưa?
 
Re: Cù Lao Câu - Hòn Cau - Chuyến đi tình nguyện cứu rùa đáng nhớ 05.2017

TÀU GỖ: tàu gỗ cũng có 2 loại luôn
- Tàu tư nhân chở khách: Hình như phải đặt trước, 200k/ lượt khứ hồi, đặt cho nhóm từ 15-30 người đi. Muốn đặt tàu dui lòng gọi cho số này, A Lập – KBTB Hòn Cau: 0917410499/ 0918335617
- Tàu gỗ của ngư dân. Cái này kiểu dành cho mấy bạn thích đi liều. Cứ ra cảng cá hỏi người dân đi ra CLC, rồi trả giá với họ thấy ok thì đi thôi.

200k là khứ hồi cả tàu hay mỗi người 200k vậy bạn ? Vì CLC cũng gần bờ. Thanks
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,133
Bài viết
1,173,915
Members
191,955
Latest member
creationinfoways
Back
Top