Nằm giữa sông Hậu hiền hòa, cách thành phố Long Xuyên khoảng 20 phút đi phà, Cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, nổi lên như một hòn đảo nhỏ xanh giữa bốn bề sông nước. Cùng với vài người bạn, chúng tôi đạp xe đi một vòng quanh cù lao theo những con đường nhỏ bao quanh cù lao. Tôi chọn không đi qua những nơi đã quá ư nổi tiếng gần xa, mà len lỏi qua những xóm nhà nhỏ, cây cối thâm u, nơi mà cuộc sống dường như trôi chầm chậm theo cách mà người dân đã sống từ hơn trăm năm nay.
Con đường bê tông ngay đầu bến phà Ô Môi đưa chúng tôi men theo sông Hậu, qua những đám rẫy, hoa màu đang vào vụ mới dưới sương chiều đang buông xuống mờ mờ xa. Trên đường còn có những ngôi nhà xưa mái ngói rêu phong, hoặc vài nếp nhà sàn nguyên bản với hàng rào dâm bụt chạy dọc theo đường. Bên ven sông, những xóm ghe và nhà bè ẩn hiện trước ánh hoàng hôn, cảnh vật có gì đó hoang sơ, giản dị và bình yên lạ.
Qua khỏi chợ Trà Mơn, trung tâm xã, tôi rẽ vào ghé thăm Đình thần Mỹ Hòa Hưng, ngôi đình làng cổ kính với nét kiến trúc xưa của đình làng Nam Bộ, xung quanh là những cây sao, dâu cổ thụ che mát làm tăng thêm vẻ thâm trầm, cổ kính cho khuôn viên quanh đình.
Từ đây, men theo con rạch nhỏ, chúng tôi hướng về đầu cồn, nơi mà cảnh vật, xóm làng hiện ra mộc mạc, chân quê như hình ảnh Nam Bộ ngày xưa, thỉnh thoảng mới nghe vài tiếng xe gắn máy chạy qua lại, có đoạn cây cối che rợp bóng mát, làm tăng thêm cái yên bình của thôn xóm hai bên đường.
Sự tích cù lao Ông Hổ
Đi khoảng 7km là đến gần đầu cồn, bên trái đường có lối rẽ vào Hưng Long Tự, nơi có mộ của Ông Hổ, với nhiều truyền thuyết dân gian để giải thích cho nguồn gốc tên gọi của cù lao này mà nhân đây cũng kể ra cho bạn rõ.
Theo nhà văn Sơn Nam, ngày xưa, nơi đây cũng như nhiều địa phương khác trên vùng đất phương Nam, cảnh “dưới sông cá lội, trên bờ cọp đua” hay “cọp ngồi bờ kinh xem… hát bội” là thường. Tương truyền, một hôm có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi. Khi trở về thấy trên mảng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét, bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, con hổ rất hiền lành, không phá phách ai. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hằng năm, tới ngày giỗ ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ. Thế đó mà đã trải qua gần ba trăm năm lập đất lập làng, nhưng bài học về tính hiếu sinh, nghĩa tình, sức cảm hóa, sự chan hòa của con người với muôn thú vạn vật sẽ mãi còn lan tỏa trên vùng quê này.
[Xem đầy đủ]
Con đường bê tông ngay đầu bến phà Ô Môi đưa chúng tôi men theo sông Hậu, qua những đám rẫy, hoa màu đang vào vụ mới dưới sương chiều đang buông xuống mờ mờ xa. Trên đường còn có những ngôi nhà xưa mái ngói rêu phong, hoặc vài nếp nhà sàn nguyên bản với hàng rào dâm bụt chạy dọc theo đường. Bên ven sông, những xóm ghe và nhà bè ẩn hiện trước ánh hoàng hôn, cảnh vật có gì đó hoang sơ, giản dị và bình yên lạ.
Qua khỏi chợ Trà Mơn, trung tâm xã, tôi rẽ vào ghé thăm Đình thần Mỹ Hòa Hưng, ngôi đình làng cổ kính với nét kiến trúc xưa của đình làng Nam Bộ, xung quanh là những cây sao, dâu cổ thụ che mát làm tăng thêm vẻ thâm trầm, cổ kính cho khuôn viên quanh đình.
Từ đây, men theo con rạch nhỏ, chúng tôi hướng về đầu cồn, nơi mà cảnh vật, xóm làng hiện ra mộc mạc, chân quê như hình ảnh Nam Bộ ngày xưa, thỉnh thoảng mới nghe vài tiếng xe gắn máy chạy qua lại, có đoạn cây cối che rợp bóng mát, làm tăng thêm cái yên bình của thôn xóm hai bên đường.
Sự tích cù lao Ông Hổ
Đi khoảng 7km là đến gần đầu cồn, bên trái đường có lối rẽ vào Hưng Long Tự, nơi có mộ của Ông Hổ, với nhiều truyền thuyết dân gian để giải thích cho nguồn gốc tên gọi của cù lao này mà nhân đây cũng kể ra cho bạn rõ.
Theo nhà văn Sơn Nam, ngày xưa, nơi đây cũng như nhiều địa phương khác trên vùng đất phương Nam, cảnh “dưới sông cá lội, trên bờ cọp đua” hay “cọp ngồi bờ kinh xem… hát bội” là thường. Tương truyền, một hôm có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi. Khi trở về thấy trên mảng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét, bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, con hổ rất hiền lành, không phá phách ai. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hằng năm, tới ngày giỗ ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ. Thế đó mà đã trải qua gần ba trăm năm lập đất lập làng, nhưng bài học về tính hiếu sinh, nghĩa tình, sức cảm hóa, sự chan hòa của con người với muôn thú vạn vật sẽ mãi còn lan tỏa trên vùng quê này.
[Xem đầy đủ]