What's new

[Chia sẻ] Đài Loan du ký

Taiwan 11.2017
Đài Loan hẳn là điểm đến vạn người mê rồi vì thấy thiên hạ cứ rần rần check in, nên chỉ cần google phát là ra hàng đống thông tin, và cũng xin lưu ý với mọi người là Đài Loan không giống Trung Quốc nhé, trong lịch sử Đài Loan thì Nhật có thời gian chiếm đóng khá dài nơi đây và khi ra đi, Nhật để lại cho Đài Loan nền văn minh vượt trội so với Trung Hoa hay Hồng Kong mà đặc điểm nổi bật nhất mà có thể thấy được ngay đó là ý thức của con người nơi đây. Những nơi mình đã đi qua, người dân Đài Loan khiến mình bất ngờ nhiều thứ. Họ văn minh, lịch sự hơn hẳn Hong Kong, và nếu đem so với Trung Quốc là một sự khập khiễng không thể san bằng. Khi bạn hỏi đường một người dân, nếu họ không biết họ sẽ đi hỏi người khác và chỉ lại cho bạn, hoặc có thể họ còn dắt mình đi theo họ, và thái độ họ rất nhiệt tình cho dù tiếng Anh họ không diễn tả hết được ý họ muốn. Mới đầu mình nghĩ là chắc đây là tính cách của 1 vài người thôi, nhưng đến ngày cuối cùng ờ Đài Loan thì mình nghĩ có lẽ hầu hết người Đài Loan đều như vậy. Có những người chỉ đường mình xong còn chúc mình “have a nice trip”, và đi đâu cũng nghe họ nói “bu hao shi” (xin lỗi) và “xie xie” (cảm ơn) điều này làm mình nhớ đến Nhật, ở Nhật cũng y chang như vậy. Trước khi đi mình cũng research đủ kiểu thông tin thì quá nhiều mà không chi tiết, nên mục đích mình viết thứ nhất là để lưu giữ làm kỷ niệm, thứ 2: dành cho bạn nào chưa đi lần nào thậm chí là không rành tiếng Anh vẫn có thể đi được. Nên bạn nào rành rồi thì cứ search google sẽ có nhiều bài hay hơn chứ đừng vô đọc rồi chê bai mình nhé, không yêu xin đừng nói lời cay đắng ^^.
I. Chuẩn bị trước khi đi
1. Đặt vé: mình đặt vietjet khứ hồi SG – Taipei với giá 2.9tr đã bao gồm bảo hiểm, không bao gồm hành lý và suất ăn. Mình thường mua bảo hiểm cho những chuyến đi xa, đừng tiếc tiền và đừng chủ quan rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu nhé.
2. Visa: mình thuộc diện miễn do có visa 1 trong các nước: Mỹ, Canada, Nhật, Schengen, Australia, New Zealand và Hàn Quốc nên các bác search google nhé. Để đăng ký online:
https\://niaspeedy.immigration.gov.tw/nia_southeast
(Nhớ là phải in visa Đài Loan + visa của nước được miễn trừ ra để làm thủ tục ở sân bay).
Tips: - Nếu bạn sợ trùng với tên trong black list của họ sẽ bị từ chối thì hãy thêm 1 dấu cách. Ví dụ: điền Surname: Tran [] (cách 1 cái đằng sau), First name: Thi Kim Oanh[ ](cách cái nữa haha)
- Nếu không có ngày sinh trên hộ chiếu, thì mặc định là 01/01 nha, còn không bạn phải có thêm giấy tờ gì để chứng minh đó là ngày sinh của bạn. Mình chọn 01/01 cho khỏe.
- Muốn biết số visa của các nước, ví dụ mình có visa Nhật, thì search như sau: Japan visa number.
- Visa được làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi nào đúng thì thôi, nên bạn có làm sai thì cứ yên tâm làm lại nhé. Bạn nhớ ra sớm để lỡ có sai thì còn kịp sửa, như mình đợt làm bị sai ngày sinh (do mình không có ngày sinh trên hộ chiếu nên phải mặc định là 01/01), mà chỉ còn 60 phút nữa, trong khi họ quy định là phải tới trước h boarding là 50 phút, hix, tức là mình chỉ có 10 phút để sửa, máy bay giá rẻ mà. Nhưng hãy bình tĩnh chạy lên lầu 3 của sân bay, sẽ có máy tính kết nối đầy đủ, sửa lại xong in ra rồi chạy tới quầy cà fe gần đó lấy. Và tờ visa đó bạn cứ giữ và được đi lại nhiều lần nhé, có điều không được tính hoàn thuế hay sao á, có chế nào rành vụ này cho mình biết với nhé.
3. Học 1 ít tiếng Trung: ví dụ như số đếm, cách đọc phiên âm tiếng Trung hiện đại, cực kỳ hữu ích nhé.
4. Chuẩn bị hành lý: trước khi đi mình có hỏi nhỏ bạn, nó nói bên này lạnh lắm, thế là mình na theo toàn áo len, ai dè mình toàn đi bộ nên nóng muốn chết, giống khùng dễ sợ. Nên khuyên mấy chế: áo thun + áo khoác là đủ, mình chỉ mang 4 bộ vì ở dorm nên đi chỗ nào cũng có máy giặt, phía Chia yi, hay Đài Trung sẽ lạnh hơn Đài Bắc, Cao Hùng thì nóng bà cố, và chế nào dự định đi Alishan thì nhớ mang theo áo len + khăn quàng, nhiệt độ nơi này lúc nào cũng 10-12 độ. Ngoài ra: áo mưa, thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêu hóa, gậy selfie, 1 đôi dép lê…và đặc biệt là phải chuẩn bị 1 đôi giày thật tốt vì bên này trek cực kỳ nhiều.
5. Cài app: google map (nhớ cài cả bản offline nữa nhé, đề phòng trường hợp không có mạng hoặc không có sóng), google dịch, weather pro, tiếng trung giao tiếp cơ bản.
6. Đổi tiền USD: theo mình tới sân bay đổi tiền cũng được, trước mình có đổi tiền ở 1 tiệm vàng ở Gò Vấp, nhưng nay xa quá làm biếng thế là ra ACB đổi ai dè ra sân bay mới thấy tỉ giá tốt hơn
7. Lên plan trước, có thể book ks (cái vụ này mình sẽ có 1 bài riêng để so sánh) hoặc dự định đi tàu lửa từ Chiayi tới Fenchihua trước, hoặc tới đâu book tới đó tùy bạn, mình thì sợ hết phòng nên book sẵn ở nhà qua booking để có gì miễn phí hủy, và nhớ là phải chọn gói nào được miễn phí hủy nếu có 2 lựa chọn nhé, sau đó gần đến ngày rồi thì hủy chọn lại gói không cho hủy. Mình lúc đó ngu ngu chọn gói không hủy vì thấy rẻ hơn, ai dè nhầm ngày thế là hủy bị tính phí, nhưng mình có viết thư năng nỉ thế là được free, hên gê.
Lịch trình 10 ngày của mình như sau: Taipei, Taichong , Sun Moon Lake, Cingjing Farm, Chiayi, Fenchichua, Alishan, Kaohsiung, Hualien, Taipei.
8. Phải có thẻ (ngân hàng) thanh toán quốc tế nha.
II. Các phương tiện đi lại ở Đài:
Trước tiên bạn hãy xem bản đồ Taiwan để hiểu là Taiwan là 1 cái đảo ở chính giữa có núi chắn, có nghĩa tàu chỉ chạy dòng dòng quanh đảo thôi, nên muốn đi ngang từ bờ tây sang bờ Đông là không được vì mắc cái núi. Ví dụ: chắn giữa Taichong và Hualien là dãy núi lớn nên không thể đi thẳng qua mà phải đi vòng lên phía Bắc hoặc xuống phía nam mới qua được bờ đông. Nếu dư giả thời gian có thể đi 1 vòng khép kín từ Taipei-Taichung-Kaoshiung-Hualien-Taipei là đẹp nhất.
Các phương tiện chủ yếu ở Taiwan:
1. HSR (High Speed Rail): tàu cao tốc chỉ chạy bờ Tây từ Taipei cho tới Cao Hùng, nhanh và mắc, có thể giảm 20% vui lòng search google, mình từng đi tàu cao tốc ở Nhật rồi với tiêu chí của mình là tiết kiệm nên chuyến này mình không chọn đi nữa mặc dù có nghe nói là còn nhanh hơn tàu ở Nhật cơ. Như từ Taipei tới Taichong chỉ mất 25 phút với giá 8 trăm mấy trong khi đi tàu lửa mất có 375 nhưng đi hơn 2 tiếng.
2. TRA: tàu thường chạy 1 vòng khép kín Taiwan qua hầu hết các thành phố lớn ngược lại HSR thì giá rẻ và chậm hơn, phương tiện di chuyển chủ yếu mình chọn.
- Ga tàu thường thường ở gần trung tâm thành phố hơn hay dễ bắt các phương tiện giao thông công cộng khác hơn
- Có 3 loại tàu:
+ Tàu nhanh (express) liên tỉnh: thường nhanh hơn tàu chậm chừng 1 tiếng, như mình đi từ Hoa Liên – Đài Bắc mất 2 tiếng, tàu thường thì mất 3 tiếng, nếu đi bờ Đông bạn có thể chọn phương án này.
+ Tàu chậm liên tỉnh: ngược lại tàu nhanh. Tip: nếu đi liên tỉnh hãy ra quầy mua vé để có số ghế ngồi. Kinh nghiệm xương máu của mình trong chuyến đi từ Taipei tới Taichong ra mua vé từ máy (hoặc tap thẻ easycard) thế là đứng suốt mấy tiếng đồng hồ, hix… à tất nhiên còn do cách ăn ở của bạn nữa, mình lên tàu vừa ngồi vào ghế trống là bị đuổi, 6 lần liên tục thì ghét quá đứng luôn. Tới đoạn Taichong -> Chiayi mình rút kinh nghiệm ra quấy mua vé rồi thế mà quên không để ý, lên tàu mới thấy là vé không có số ghế, thế là lại tiếp tục đứng, ôi cái kiếp…
+ Tàu local: tiện lợi đi từ trung tâm thành phố ra các điểm tham quan ở ngoại thành.
3. MRT: chỉ có ở 2 thành phố: Taipei và Kaohsiung. Mình thích cái này nhất, thuận tiện vừa nhanh rẻ, thông tin đầy đủ. Nhớ chú ý hướng dẫn exit và transfer, vấn đề muôn thuở vì chỉ cần sai exit là phải vòng lại khá xa. Lưu ý MRT sân bay chỉ hoạt động: 06h00: 23h28.
4. Bus: bus thường là phương tiện lựa chọn để di chuyển giữa các vùng có độ dốc hoặc có núi, như cửu phần, yangmingshan , hoặc đi tới nhiều điểm vào ban đêm, như ra sân bay chẳng hạn. Tips: nếu bước lên xe đầu tiên đừng lựa chọn ngồi vào hàng ghế ưu tiên nhé, hãy ra cuối xe ngồi là an toàn nhất. Nếu không tất nhiên bạn phải đứng dậy nhường ghế rồi.
5. Taxi, xe đạp, thuê xe kkday: mình không có trải nghiệm vì không có tiền, thuê xe đạp thì phải có credit mà mình dùng debit.
6. Đi bộ, đi bộ và đi bộ: hix… qua đây mới thấy đi bộ kinh khủng, trung bình 1 ngày có khi mình đi tới 10km, đi trail, di chuyển để tới MRT, bus stop, đặc biệt là cái đoạn về, trên vai mình vác 2 cái ba lô nặng 7 ký, mà cái đoạn đi bộ tới line sân bay nó xa ơi là xa, ra tới nơi thì hết h tàu chạy, thế là quật ngược lại đi tìm bus còn đi lộn đường nữa chớ, giữa đường còn hỏi trúng cha đang thất tình ngồi uống bia nữa chớ, ổng im lặng rồi nhìn phát mà hồn vía lên mây hết cả thế là vội só ry rồi phắn trong 1 nốt nhạc,… số nhọ,..đi đến phồng chưng… lên tới xe bus vai thì nhứt, chân bắt đầu từng thớ thịt nó chạy rần rần… bữa kể cho hàng xóm nghe, hàng xóm mới bảo: ủa tưởng đi du lịch là sướng lắm mà, không hề không hề nha… chỉ vì đam mê…
 
III. Lịch trình
1. Ngày 1: HCM- Taoyuan - Taipei
- Mình đi Vietjet (bay khoản 3h hơn) tới nơi 6h Đài (giờ giấc bên này nhanh hơn mình 1 tiếng).
- Lúc nhập cảnh mình cũng khá lo lắng vì đợt trước đi Hồng Kong với Trung Hoa toàn bị giữ lại vì giống với tội phạm nào đó, và dự báo là sau này mình đi bất cứ nơi nào liên quan tới Trung Quốc đều bị vậy. Rồi cũng nghe bạn kể vụ Hải Quan bên đó đóng dấu nhầm vô trang bị chú, nhưng cuối cùng tất cả đều tốt đẹp.
- Việc đầu tiên sau khi nhập cảnh là đổi tiền Đài, mấy bạn đổi 1 ít ở sân bay sau đó về Đài Bắc đổi ở Bank of Taiwan nhé, đổi ở Đài Bắc thủ tục sẽ rườm rà hơn (lưu ý passport với chứng minh không có ngày sinh là không đổi được tiền ở ngân hàng đâu nhé). Tỷ giá tại sân bay: 29.67, tỷ giá ở bank khác: 29.768, tỷ giá Bank of Taiwan ở Cao Hùng: 29.845.
- Sau khi có tiền rồi thì phải sở hữu thẻ Easy card dùng được cho MRT, TRA, bus, thuê xe đạp, mua sắm trong 7.11 rất là tiện, mỗi lần đi chỉ việc táp táp là ok không phải cất công đi mua vé rồi nhiều khi trễ mất chuyến. Thẻ mất 100 (không được hoàn lại), mình top up 500, mấy bạn top up luôn 1000 cho tiện nha hoặc ở mấy station, 7.11 đều có chỗ cho mình top up.
- Sim 4g quyền năng, mình chọn gói chỉ dùng internet không 10 ngày sử dụng là 500. Nhất định phải có sim, đừng tiếc tiền nhé.
- Và sau khi sở hữu chiếc sim quyền năng xong muốn đi đâu chỉ việc vào google map hỏi, sẽ chỉ cho bạn tường tận chi tiết cách đi, đi tàu hay bus, MRT line nào, ra exit mấy, đi mất bao nhiêu phút hết bao nhiêu tiền, đôi khi thì bác ý cũng sai chút nhưng không đáng kể, như lần mình đi tìm ks ở Cao Hùng tới đó mình thấy tên ks rồi nhưng bác ấy còn chỉ mình đi vô trong hẻm, mình suy nghĩ có khi nào nó có 2 cơ sở vì mình cũng ở dorm trong khi cái khách sạn lúc mình thấy thì to quá, thế là đi theo cuối cùng không thấy đâu hết đánh vòng ngược lại. Kinh nghiệm là cứ đến đúng địa chỉ thì nhào vô hỏi, vì nhiều khi mấy cái hostel họ chỉ thuê 1 tầng của chung cư thôi nên đôi khi hơi khó tìm.
- Từ sân bay về Taipei có thể đi bus 1819 của hãng Kuo Kuang, mình chọn MRT trong sân bay có chỉ dẫn đi MRT cứ theo hướng mà đi, vì đã sở hữu easy card rồi nên mình chỉ việc tap rồi vô thôi, đi cũng gần 1 tiếng là tới Taipei main station, ở Taipei có 1 câu là “mọi con đường đều dẫn tới Taipei main station” vì HSR, TRA, Bus, MRT đều nằm ở đấy (chỉ mỗi Taipei thôi nhé, các tỉnh khác HSR station với TRA station khá là cách xa nhau) nên hostel mình chọn ngay exit M8, vừa ra nhìn qua bên trái là thấy chữ Work INN, check in xong lúc 21h15 mình đi chợ đêm Shilin.
- Gõ google map: Shilin night market sẽ ra hướng dẫn như sau: Đi MRT line đỏ hướng tamsui-Xinyi Line tới Jiantan Station (lưu ý là Jiantan chứ không phải Shilin station nhé) chỉ khác trong google là bạn ra exit 1 nhé vừa ra khỏi là nhìn thấy bên kia đường là chợ đêm. Hầu như các điểm tham quan đều nằm trên line đỏ, bạn có thể sắp xếp lịch để đi, ví dụ hướng tamsui-Xinyi line có bảo tàng, bạn nào tới sớm hãy kết hợp đi bảo tàng xong rồi về đi chợ đêm luôn.
2. Ngày 02: phố cổ Jiufen, Shifen nơi thả đèn trời.
Lúc đầu mình lên kế hoạch Jiufen, Làng mèo Houtong, Shifen. Vì trên đường đi Shifen là ngang qua Houtong. Nhưng do loanh quanh ở Jiufen lâu quá nên lúc đi đã tối mình không đi Houtong nữa.
- Jiufen (Cửu Phần): trên mạng khi bạn đọc sẽ có hướng dẫn như sau: đi đến MRT Zhongxiao Fuxing, nhưng sau khi mình đi thì vô tình lụm được bí kíp như sau, hãy đến MRT Songshan, có 1 trạm xe bus to đùng ngay bên cạnh exit mấy mình quên rồi, nhưng mấy exit ở đây nằm 4 góc của ngã tư nên không lo xa nha. Tới trạm dừng to nhất chứ không phải chỉ có 1 tấm bảng đâu đón chuyến 1062 tới Jiufen. Xe chạy chừng 1h 30 phút. Tới điểm dừng có bảng toilet gần đó, đi vào trong sẽ không có đâu nên bạn nhớ tranh thủ và nhớ tìm cho ra tiệm trà để sống ảo nha, đừng ngại hỏi người dân vì không phải ai cũng tìm được , nó không nằm ở đường chính.
- Shifen (Thập Phần): Sau khi chơi xong ở Jiufen thì mình ra lại trạm bus bắt 1062 hoặc 788 tới trạm Riufang, bước vào ga và dùng thẻ Easycard bắt tàu đi Shifen, bỏ qua làng mèo Houtong. Tới Shifen muốn đi thác hãy đi bộ ngược lại tầm 1.6km, trên đường đi sẽ thấy Pingxi, nhưng vì cũng giống với Shifen nên mình bỏ qua. Thác Shifen chỉ mở tới 16h30, mình tới nơi thì đã đóng cửa, quay lại Shifen đi dạo rồi xem người ta thả đèn chứ mình không có thả, vì mình không muốn góp phần xả rác với thiết nghĩ không phải cái gì cầu cũng được nên thôi. Tại đây có bảng giá với bảng màu hướng dẫn, mỗi 1 màu tượng trưng cho 1 điều ước.
- Chợ đêm Raohe: mình bắt tàu từ Shifen về lại Riufang ( đi đông có thể đi taxi về lại Taipei, mình thấy khá là rẻ đương nhiên là nhanh hơn) sau đó bắt lại bus 1062 về lại Songshan station để đi chợ đêm Raohe, xuống tới trạm bus Songshan bạn lội ngược lại ngã 3 có chút xíu thấy có đoàn người đông đông với cái chùa là nó đó, tới đây hãy chuẩn bị tiền và bụng để ăn thôi, nhớ ăn bánh bao nướng trong lu ngay đầu chợ nhé.
3. Ngày 03: Taipei 101, Chiang Kai-Shek Memorial Quảng trường Trung Chính/ Bảo tàng Tưởng giới Thạch/ Yongkang street, Taichong
- Lưu ý Taipei 101, Daan (khu đồ hiệu), Yongkang street (khu ăn uống đồ rẻ hơn Daan, gần Dongmen), Ximen ding (chợ đêm khu mua sắm H&M, Nike, Addias v.v…), Chiang Kai-Shek Memorial đều nằm trên 1 line theo lần lượt như mình liệt kê
- Taipei 101: Sáng check out rồi gửi hành lý ở hostel (cái tiện của việc ở gần là đây), sau đó MRT line đỏ hướng Xiangshan tới Taipei 101/World Trade Center. Có chỉ dẫn ra exit mấy để tới Taipei 101, vừa ra là thấy Din Tai Fung, mình đi chụp hình xong ghé vô xếp hàng ăn Dimsum, rồi lên B5 mua vé lên tầng 89 với giá 600 (xót ghê), hãy thử nghiệm đi thang máy khoản 30 giây là tới, lúc đi xuống thì phải đi thang bộ xuống tầng 88 di vô trong tiệm trưng bày san hô thấy dòng người đông đông là nó đó. Đi xuống đông lắm nha, mọi người lưu ý. Muốn mua sắm thì xuống mấy tầng dưới, có tầng 85 dành cho nhà hàng mà mở cửa hơi trễ nên mình không có đi.
- Chiang Kai-Shek Memorial Quảng trường Trung Chính: bắt line đỏ sau đó chuyển line xanh dương ở Dongmen station để tới Chiang Kai-Shek Memorial Hall, hoặc tới Dongmen ra exit 5 đi Yongkang street trước rồi quay ngược lại đi Chiang Kai – Shek. Mình thì đi bộ để tới Yongkang street.
- Taichong (Đài Trung): sau khi đi dạo ăn uống xong xuôi thì bắt MRT về lại Taipei Main Station mua vé tàu TRA đi Taichong (bạn nhớ ra quầy xếp hàng để có số ghế nha, mình làm biếng nên đứng suốt 2.5 tiếng). Giá vé: 375
- Check in hotel Chance to đùng ở gần đó, đương nhiên mình chỉ ở dorm.
 
4. Ngày 04: Sun Moon Lake, Fengchia night market
- Sun Moon Lake: Sáng mình đi bộ ra Gancheng station đón bus 6670, thực ra là nó có đi dừng trạm đối diện với Taichong station, đi chừng 2 tiếng là tới. Mình thuê xe đạp với giá 200 và họ sẽ giữ CMND. Không giới hạn thời gian có bản đồ hướng dẫn đường đi, đường dành cho xe đạp chỉ đi được 1/3 hồ thôi nhé. Bạn nhớ mang đô ăn theo vì đi được 1 đoạn đói quá mình ghé vào 1 tiệm pizza duy nhất trên đường mà ăn không ngon gì hết trơn. Đạp 1 vòng với chụp choẹt này nọ khoản tầm 3 tiếng.
- Fengchia night market: ra điểm dừng bắt lại bus về Taichong (ở đây có bus đi thẳng Alishan, hoặc bạn muốn đi Cingjing farm thì bắt bus 6670 tới Puli rồi bắt tiếp bus đi Cingjing nhé), thực ra mình định về sớm để đi làng cầu vồng cơ mà lúc đó thấy tối rồi nên đổi hướng đi chợ đêm luôn, tới Taichong station bắt bus 25/35 (bạn google map sẽ cho ra những bus nào đi tới đó), đi đâu chừng 1 tiếng thì tới nơi, cái chợ gì mà nó xa, to và đông khủng khiếp, đến nỗi WC phải làm bằng đèn led rồi treo tút trên cao cho khách nhìn thấy cơ. Tới đây nhớ ăn nghêu hấp nhé.
5. Ngày 05: Cingjing Farm (đồi cừu):
- Sáng check out xong mình ra lại Gancheng station tới hãng Nantou bus dạng như xe Hoa Mai mình (xe này không dừng ở Taichong station nhé) mua vé đi Cingjing hết 600 bao gồm vé xe khứ hồi và vé vào Green Green Grassland, có nhiều số bus tùy theo nhà xe sắp xếp mình đi h nào, như 6664, 6659… Họ có tặng mình 1 coupon giảm giá khi ở tại Qingjing Guesthouse, nhưng bạn phải liên hệ với họ xem còn phòng không nhé.
- Nhớ là bạn xuống điểm dừng Cingjing Green Green Grassland nhé, như mình xuống ngay Cingjing Guesthouse xong cuốc bộ lên xa ơi là xa, vì cứ tưởng gần rồi xuống đó kiếm gì ăn đã, ai dè chỗ Green Green có bán đồ ăn đầy luôn.
- Tối về lấy hành lý ra Taichong station mua vé tàu đi Chiayi, hết 224, và 2h20 phút.
- Check in tại hostel An Lan Jie, trời ơi cái hostel dễ thương kinh khủng có điều bất tiện là check in sau 10h sẽ bị tính phí, và check out sau 8h sáng, sau khi gửi xong hành lý thì mình lại đi bộ ra chợ đêm gần đó, nhìn chung đồ ăn ở đây rẻ hơn so với các nơi khác mà không ngon, họ cũng đóng cửa khá sớm.
6. Ngày 06: Chiayi – Fenqihu - Alishan
- Có nhiều cách để đi Alishan như đi thẳng từ Taipei, hay đi bus từ Sun Moon Lake nhưng mình chọn tới Chiayi để đi cái tàu lửa huyền thoại, lưu ý tàu này khác với cái tàu trên Alishan nhé, và phải đặt trước cả tuần mới có chỗ đi, với giá vé là 384, xem hướng dẫn chi tiết tại : http\://www.phuot.vn/threads/329366-Du-l%E1%BB%8Bch-%C4%90%C3%A0i-Loan-T%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Tips: bạn phải tắt chế độ dịch tự động, nếu nó dịch bạn phải f5 lại trang mới thao tác được nhé. Thao tác đến khi nào thông báo thanh toán thành công mới ok nhé. Sau khi xong bạn in vé xác nhận ra và tới Chiayi station trước h tàu chạy 30 phút để đổi lại vé tàu nhé
- Để đi từ Chiayi tới Alishan có 2 cách: 1 là đi bus thẳng khoản 2 tiếng.
- 2 đi như mình: đi tàu lửa huyền thoại từ Chiayi – làng cổ Fenqihu sau đó đón bus từ Fenqihu số 7329/7322 tới Alishan
- Chiayi – Fenqihu: Sáng mình ra ga sớm để đổi vé tàu, rồi ra ga có line riêng cho cái tàu này luôn, tàu khởi lúc 9h tới Fenqihu lúc 11h20. Đi 1 vòng làng cổ xong quay lại đầu đường ăn cơm ông già, nghe nói hồi xưa ổng bưng cơm chờ tàu đi qua để bán cơm, nay đã thành đại gia với nhiều nhà hàng khách sạn, 1 hộp trị giá 120, ăn cho biết thôi chớ không ngon bằng cơm hộp VN.
- Fenqihu – Alishan: mình đi bus tầm hơn tiếng mới tới Alishan, xe sẽ dừng tại 7.11, tại đây có xe đưa rước về tới ks luôn, ks ở đây khá mắc, khi đặt phòng nhớ chọn là gần khu vực Alishan forest railway, là ngay trung tâm luôn, vé vào cổng hết 150 . Ks: Gau Shan Ching nói chung gần và rẻ nhất ở đó và có bao ăn sáng.
- Vé tàu lửa cho ngày hôm sau đi ngắm bình minh bắt đầu bán từ lúc 1h30-4h30. Cũng tùy thời điểm mà tại ks sẽ có bảng thông báo để mình biết h bán vé, h tàu khởi hành và h bình minh lên, bạn nhớ để ý nhé.
- Sau khi check in xong mình đi lên cầu thang ở đằng sau mua bus 80 khứ hồi, nhớ cầm theo bản đồ, có nhiều điểm gần mà mình cứ đi vòng vòng (sau khi đi xong cứ gặp lại chuyến bus đó thì leo về) để chở tới điểm cho mình đi trek tới mấy điểm như sau: Sister Pond – đầm tỷ muội (hôm mình đi nó đóng cửa), Secrad Tree – cây 3 thế hệ, đền Tse Yung với đường ray cổ kính. Alishan rất đẹp với những con đường mòn hoàn toàn làm bằng gỗ xuyên rừng , có những cây cổ thụ toàn 900 -2300 năm tuổi hiện còn đang được bảo tồn, muỗi nhiều và lên đây nhớ mang theo áo len vì nhiệt độ lúc nào cũng tầm 10-17 độ. Sau khi đi trek xong nhớ quay lại trung tâm Alishan để thưởng thức trà. Những ông chủ ở đây sẽ trực tiếp pha trà, mình cũng có 1 bài nói về chuyện đi uống trà ở đây, tuy không khắt khe như trà đạo của Nhật nhưng chúng ta cũng nên nắm 1 số quy tắc như: không được tự cầm bình trà để rót vào ly mình, hay tự thêm nước trắng vào v..v.. ở đây có nhiều tiệm trà , mỗi nơi sẽ có cách pha và giới thiệu khác nhau, mình ấn tượng với tiệm Taiwan vì nói tiếng Anh tốt và rất nhiệt tình, và có tiệm ghi số 35, mình thích cách trang trí và cả sự đầu tư ở bàn trà nữa nghe nói rất là nổi tiếng vì đạt rất nhiều giải thưởng, ông chủ có ngôi nhà ngay chỗ đường lên núi Chushan lúc ngắm bình minh, ông chủ tuy không nói được tiếng Anh nhưng vợ ổng rất tốt mà hình như bà sống ở Nhật thì phải, ở đó có chị người Việt, không hiểu gì cứ hỏi chị ý, tuy nhiên mình không thích ở chỗ chị ý nói và làm theo tự ý chị chứ, nói để mình mua, rồi nói xấu tiệm bên cạnh, ông chủ trà nước mình này nọ, chuyên môn cũng không cao.
- Sáng phải dậy từ lúc 4h sáng rồi lục đục ra xếp hàng để lên tàu đi ngắm bình mình. Nếu bạn chưa có vé thì hãy mua ở tầng 1 nhé, tầm 5h kém mới mở bán. Có 2 chuyến tàu đi ngắm bình minh. 1. Vé full one way: có nghĩa là vé 1 chiều đi đến núi Chushan , 2. Vé haft one way: có nghĩa là vé 1 chiều đi đến ga Chaoping thôi (ga đó nằm giữa đường đi). Mình mua loại 1, bạn đừng vội mua vé về luôn vì tàu chỉ dừng 1 tiếng là quay về nhiều khi mình ham chơi thì đỡ phí tiền, lúc quay về mua cũng được. Thời điểm mình đi tàu khởi hành lúc 5h30 lên tới nơi 6h05 thế là lật đật đi bộ lên núi Chushan để kịp ngắm bình mình, ngay chỗ ga cũng có chỗ ngắm nhưng mà lên đỉnh núi mới là đẹp nhất nha. Đi chừng 16 phút tới nơi vừa kịp ngắm mặt trời lên, xong khi bình minh lên mình lại quay là nhà ga chụp hình tiếp rồi bắt tàu chuyến cuối 7h về lại khách sạn để ăn sáng, vì thời gian ăn sáng từ 7h-9h, nếu không lấn cấn vụ này thì có thể ghé ga Chaoping đi trek ngược lại (cũng khá gần).
- Ăn sáng xong mình đi trek vòng vòng rồi trả phòng đi bộ ra bến xe đón bus về Gia Nghĩa. Tới nơi tầm 2h. Mình mua vé đi Cao Hùng luôn.
7. Ngày 07 Cao Hùng:
- Vé tàu từ Chiayi đi Cao Hùng hết: 189, và tàu chạy 1h40 phút.
- Tới Cao Hùng check in tại 1 hostel hết sức sang chảnh, hiện đại mà giá chỉ 13$.
- MRT đẹp nhất thế giới, chợ đêm Liuhe: line đỏ tới MRT Formosa Boulevard Station, sau đó bạn google map đường đi tới Liuhe nhé. Tới đây thì tha hồ ăn hải sản, và ở đây người ta cũng ưu tiên cho người Việt khi đi đâu cũng thấy bảng bằng tiếng Việt, chủ là người Đài chỉ biết nói vài câu giao tiếp cho vui thôi, kinh nghiệm đi chợ đêm là ăn ít thôi để bụng ăn những món khác vì quá nhiều món ăn, tới Raohe hãy thử tôm hùm, và bún cá, mình chọn sợi bún nhỏ như là sợi bánh hỏi mình vậy, có 1 quầy chưng con cá rất to và ăn ngon, giá 200 cho 1 tô bún cá.
- Cầu tình yêu – Love river Bridge : Cầu này giống cầu ánh sao : cũng line đỏ tới R12 Houyi, bạn chụp hình rồi hỏi người dân nha, cái đoạn này google chỉ tầm bậy lắm.
- Chợ đêm Xin Jue Jiang, và MRT có thác nước: line đỏ tới MRT Centrel Park, exit 2 băng qua đường là tới chợ đêm, mà chợ này ít đồ ăn, bán quần áo là chủ yếu, còn cái thác nước nó cũng tắt đèn sớm lắm.
8. Ngày 08 :
- Sáng dự định đi Phật Quang Sơn nhưng mình tới HSR Zouying station thì lo đi Tháp Long Hổ ở gần đó đến khi về ngồi tính toán lại mới thấy nếu đi bus mất tầm 2 tiếng để tới Phật Quang Sơn, vậy là đi về hết 5 tiếng, tối đó mình phải đi Hoa Liên hết 6 tiếng nữa, nhắm không ổn nên mình bỏ qua vụ đi Phật Quang Sơn. Cách đi: MRT ZuoYing-R16, Exit 1 đi bộ một đoạn bạn sẽ thấy trạm xe bus. Đi bus 8501 tới Phật Quang Sơn (giá vé 80TWD,thời gian 1h30 phút).
- Tháp Long Hổ: line đỏ tới HSR Zouying station ra exit 4 rồi đoán bus số 302 A đi tới trạm
Nhớ bạn phải lên xe chọn định vị xem xe nó có đi đúng đường không nha nhiều khi là chuyến vòng ngược lại thì bạn chỉ việc xuống xe rồi đón bus đó mà đứng ở chiều ngược lại là được.
- Tòa nhà 85 tầng Tuntex Sky, theo mình không có gì đẹp vì xung quanh toàn nhà cũ rồi chung cư cũ làm giảm đi giá trị của tòa nhà: line đỏ đến MRT Central park, xong bạn google map hướng đi, đi bộ chừng 2 -300 m gì đó thôi.
- Chiều 4 h ra Kaohsiung station mua vé TRA đi Hoa Liên 5 tiếng 20 phút với giá 684, cũng phải thôi vì từ Cao Hùng tới Hoa Liên chiếm 1 nửa chu vi của Đài mà. Cũng là lần đầu đi tàu lâu đến vậy.
 
9. Ngày 09 Hoa Liên – Công viên Taroko bằng bus
- Dự định ban đầu là mình thuê xe máy cơ (bạn nào dự định thuê xe máy thì chú ý 1 chút về luật rẽ phải rẽ trái ở đây nhé) , nhưng tới nơi trời mưa thế là làm biếng đổi hướng đi Bus 1133A giá 250twd, mình thấy cũng khá là tiện có điều nếu bạn nào muốn đi vịnh QINGSHUI thì phải bắt taxi, có thể dùng easycard, hoặc chuyến 302 là xe local, theo mình bạn không cần mua vé có thể linh động bắt 302 hoặc 1133A, lưu ý là 1 số trạm xe sẽ không dừng hoặc chiều về xe mới ghé, vì có 2 đường đi khác nhau.
- Phòng vé của shuttle bus đi Công viên quốc gia Taroko nằm ở trước ga xe lửa. Từ cửa ga đi về phía bên trái, rất dễ thấy. Khi mua vé nhớ lấy time schedule của xe buýt. Xe sẽ chạy từ TRA Hualien Station -> Visitor Information Center -> Qixingtan ->TRA Xincheng Station -> Taroko -> Taroko Visitor Center -> Shakadang Trail -> Buluowan -> Yanzikou -> Lushui -> Tianxiang. 5 trạm đồ đậm này là 5 nơi tham quan, trekking chính. Sau đó xe từ Tianxiang đi ngược về.
- Thời gian dãn cách mỗi chuyến tầm 1 tiếng. Mỗi điểm tham quan cũng không mất quá nhiều thời gian, hầu như đã được tính tóa làm sao để đi một vòng ra thì kịp chuyến tiếp theo.
- Theo mình có Shakadang là trek chính, Buluowan mình không đi, Zhuilu Old Road Trail , (Yanzikou cũng xuống trạm này) phải đăng ký trước trên mạng, mà mình không đi cái này, Lushui xấu ồm à thay vì đi trail bạn hãy đi ngược lại 1 đoạn sẽ có cái cầu treo ngay chỗ con thác nhỏ xíu tít trên cao rất đẹp.
- Changchun Shrine Trail (nơi có chùa ngay thác nước), chiều về bus mới ghé trail này, hôm mình đi lại đóng cửa nên chỉ đứng ngoài đường chụp hình sống ảo thôi, cũng có đoạn đường đi lên cầu treo trên cao đẹp ơi là đẹp nhưng mình phải về để kịp bắt tàu đi Đài Bắc nên thôi bỏ qua.
- Đối diện ga Hoa Liên có 1 tiệm bánh khá nổi tiếng, bạn có thể ghé mua về làm quà nè, mình ăn thử khá là ngon nhưng do còn phải đi Taipei nữa nên mình không có mua.
- Chuyến về Taipei này mình đi tàu nhanh hết 2 tiếng với giá: 440 (thiệt là đao lòng).
- Check in xong là mình phi ra Ximending luôn, rất rất nhiều cửa hàng buôn bán ùm bà lằng, brandname có, ăn uống có, hát đường phố có, mình khoái giày vì qua đây lên tàu điện ngầm mình để ý cứ 100 người thì chỉ có 2 người không đi giáy thôi, chỉ tiếc là mình chưa mua được cho mình đôi nào.
10. Ngày 10 Taipei – Suối nước nóng beitou – Thermal Valley – Công viên Yangmingshan
- Vì lần trước đi Nhật mình bỏ lỡ thử tắm onsen nên chuyên này mình quyết tâm phục thù. Sáng ra bắt line đó đi Beitou sau đó chuyển sang line cam tới Xinbeitou, tới nơi là nhìn thấy bảng hướng dẫn đi Beitou - Thermal Valley – Công viên Yangmingshan chi tiết (Yangmingshan đi từ đây rất gần). Sau khi chụp ảnh Thermal Valley (thung lũng nhiệt, đẹp mà nhỏ xíu) về thay vì chọn điểm tắm ở ngoài trời (nam nữ già trẻ lớn bé tắm chung, vào đây phải thay bikini) thì mình đi tắm ở 1 điểm nhỏ theo kiểu cổ điển, cảm thấy khá là thú vị mặc dù nó khá là nhỏ và không giống như trong tưởng tượng của mình lắm, mới đầu thì mình cảm thấy khá là dị hợm vì phải nude 100% nhưng sau 1 hồi thấy ai cũng như ai mà cụng chẳng ai quan tâm đến mình nên không còn cảm giác ngại nữa. ở bên trong có 2 bồn tắm , 1 tầm 44 độ và 1 42 độ, lúc đầu ham hố thử nhúng chân vào bồn 44, mẹ ơi cứ như là nước sôi, sau đó chuyển qua bồn 42 thì thấy ổn hơn, tất nhiên tắm nước nóng công cộng sẽ có những quy tắc riêng của nó ví dụ phải tắm bằng vòi sen và rửa chân sạch sẽ trước khi xuống bồn, ngoài ra mình múc 1 ca nước dội lên chân để làm quen sau đó tiến hành ngâm, tùy theo sức chịu đựng của mỗi người mà chúng ta có thời gian nghỉ khác nhau, mình xuống tầm 10 phút là thấy bức lại leo lên ngồi nghỉ 1 lát mới xuống ngâm tiếp cứ thế đến khi nào chán thì thôi. Có điều ở đây hầu hết là mấy cô lớn tuổi đi tắm thành ra mình đương nhiên là trẻ nhất và đẹp nhất ở đây rồi.
- Tắm xong thì bắt bus 230 đi Yangmingshan, tầm15 phút thì tới nơi, đi quay ngược lại 1 chút có bến bus bắt tiếp chuyến 108 đi vòng vòng Yangmingshan, phải nói đông kinh dị, mà xui vì hôm đó sương mù dày đặt không nhìn thấy gì hết trơn, đi vài bước thì mình vội bắt bus về Taipei, vậy mà phải xếp hàng mấy chuyến mới đến lượt, lúc đó cũng tối muộn rồi mà chuyến mình là chuyến cuối nữa ai dè không nhìn thấy xe 108 đâu chỉ còn xe 15, ấy vậy mà vô tình lụm được bí kíp, xe này chạy thẳng về tới Taipei luôn, nghe thấy MRT Shillin là vui mừng vội vàng chạy xuống bắt MRT về Ximending, ai dè về tới nơi mới phát hiện ra là bus này cũng đi qua Ximending luôn, thiệt rảnh ghê.
- Tối đó đi dạo Ximending định bụng ăn no rồi mua quà về vậy mà do gấp quá nên không mua mà cũng không kịp ăn, vội về lấy hành lý ra sân bay, đường ra line sân bay xa tít tắp mù khơi. Tới được sân bay thì đã thân tàn ma dại, đã vậy buổi tối ở đây không bán gì ăn nữa chứ. Còn thẻ easy card chưa lấy lại tiền thừa, còn đống tiền xu chưa kịp tiêu, hàng quán ở sân bay thì đóng cửa. Phài nói là nhọ đủ đường.
- Tối đó ngủ lại sân bay để sáng đi chuyến sớm, dân tình họ ngủ ở đây đông vui, và hôm đó thợ đang sửa chữa nệm nên hơi ồn, mình chọn 1 ghế sô fa tranh thủ chợp mắt chút, sáng 4 h lục đục dậy ra check in, vào cổng an ninh rồi mà hàng quán vẫn không thấy mở cửa, rảnh quá đành lấy thẻ easy ra mua nước uống chơi, cũng suy tính tới chuyện đem mấy chục chai nước mang về rồi mà nhắm không vác nổi nên đành thôi.
IV, Kết thúc chuyến đi mình còn nhiều điểu hối tiếc, như đi ít quá, mình lại tham điểm nên lịch trình hơi gấp, và mình không ăn và mua sắm được gì nhiều. Nếu bạn có điều kiện mình recommend: Đài Bắc 5 ngày, Đài Trung 3-4 ngày, Chia yi 1 ngày, Alishan 2 ngày, Cao Hùng 2 ngày, Hoa Liên 2 ngày, ngoài ra có Mao lý, Kenting, có dịp quay lại mình sẽ đi.
 
Đọc bài của bạn mình nhớ ĐL quá , mình vừa kết thúc 3 tháng thực tập ở Đài Loan , vừa về đầu năm nay và thật sự ĐL là 1 đất nước rất tuyệt , Đài nhỏ nhưng có võ , dân phong tốt , hiền lành và vô cùng hiếu khách . Mình xin bổ xung thêm nếu tới Đài Loan , tuyệt đối không được bỏ qua Đài Nam và Kenting nhé , Đài Nam có thành cổ Anping và Bảo tàng Chimei siêu đẹp , siêu tráng lệ ( tiếc là không được chụp hình bên trong nha ) , Kenting có biển tuy nhỏ nhưng rất sạch và xanh , nếu đã đến thì tuyệt đối không được bỏ qua Viện hải dương học đâu nhé . Hồi mình ở là ở Cao Hùng , đi Đài Nam bằng xe lửa ( các bạn có thể mua vé trực tiếp hoặc dùng thẻ mua trong 7/11 ) , khoảng 40 - 50 đài tệ , còn đến Kenting thì ra MRT Zuoying , lên lầu , có 1 quầy ghi Kenting , là chỗ bán vé á , hồi đó nó có loại vé khứ hồi kèm 2 ngày đi bus ( cái này mình thấy khá vô dụng ) , nhớ không lầm là khoảng 350 đài tệ , đi khoảng 1h30 - 2h là đến , cảnh trên xe rất đẹp nhé , xe dừng ở nhiều trạm , nếu bạn biết tiếng hoa nên nhờ tài xế hoặc ai đó nói bạn muốn tới chỗ nào ( mình thuê phòng ở phố cổ ở Kenting , xin lỗi vì quên tên rồi nhưng hình như nó là phố cổ duy nhất thì phải ) để tới nơi họ nhắc , hoặc căng tai lên nghe thông báo , khách du lịch chỉ được thuê xe điện thôi nhé ( ~ 600 đài tệ 1 ngày , thay bình thả ga ) , hồi mình thuê gặp chủ là 1 chị VN , nhiệt tình lắm , khi thuê nhớ hỏi họ chỗ mình cần đi , họ sẽ đưa bản đồ cho .

Đài Loan có rất nhiều đặc sản , nhất là bánh dứa , bánh mặt trời và kẹo sữa hạnh phúc , mình được dân bản địa chỉ cho chỗ bán ngon là Sugar & Spice ( 糖村 ) ngay dưới tầng hầm Zuoying ở Cao Hùng ( có nhiều cn khác ) để mua kẹo , bánh dứa mình mua cách đó 2 quầy luôn ( hình như có chữ Sun... ) , giá hơi đắt , nhưng ăn thì siêu siêu ngon , tới Đài Loan muốn uống trà sữa thì đừng nghĩ nhiều mà tìm hẳn thằng 50Lan ( 50 岚 ) nhé , đây là hãng trà sữa được cả dân đài lẫn du khách , du học sinh chứng nhận là ngon nhất , mình uống rồi , phải nói ghiền luôn , và giá cả cũng mềm lắm nhé
 
Review hostel ở Đài Loan,
- Vì đi 1 mình nên mình thường chọn ở dorm cho rẻ, với lại mình chủ yếu là đi chơi tối về chỉ cần 1 chỗ ngủ, chỗ để đồ, chỗ vệ sinh miễn là không quá tệ nên mình cũng không cần thiết bỏ quá nhiều tiền để ở khách sạn, 1 đêm ở khách sạn đôi khi bằng mấy đêm mình ở dorm ,thay vì chi phí đó mình dùng ăn uống hoặc mua sắm. Dorm là kiểu mình thuê 1 giường trong phòng ngủ tập thể (giống như ký túc xá vậy). Nhiều người thường bảo: ở dorm nguy hiểm, và phức tạp, dễ mất đồ v.v... mình thì nghĩ dù ở đâu vẫn có những mối nguy hiểm luôn rình rập cũng chưa hẳn ở khách sạn đã an toàn hơn, không biết sau này sao nhưng trước giờ mình chưa gặp những trường hợp như mất cắp vì đa phần các hostel đều có tủ khóa bằng mật mã hoặc như Đài thì hoàn toàn bằng thẻ từ, với lại đi đâu mình cũng mang theo đồ đạc giá trị bên mình rồi nên mình thấy khá là ổn, vì ở dorm ngoài rẻ thì họ có những khu vực chung như nhà bếp để bạn có thể nấu ăn nếu thích hoặc khu vực giặt ủi, mình đi đâu chỉ mang có 4 bộ à nên tới đâu phải giặt và phơi tới đó nên ở dorm vừa giúp mình tiết kiệm, đông vui có thể giao lưu nhiều nền văn hóa khác nhau, đôi khi có thể kết bạn rủ nhau đi chơi chung nữa, và thường các hostel họ trang trí theo kiểu gia đình, thân thiện nên có nhiều chỗ để mình sống ảo nữa. Tuy cũng có những bất tiện như: sẽ có nhiều người rất ồn ào, nói chuyện to tiếng, như bữa ở Miến, có 1 cái gương à mà 2 đứa kia nó chỉ nói chuyện thôi mà nó đứng chình ình trước gương mình thì cần dùng kêu tụi nó xích qua bên nó còn quay qua khó chịu với mình nữa, kiểu như của nhà nó ấy v.v... nhưng cũng không đáng kể lắm, túm lại dorm vẫn là lựa chọn của mình.
- Đầu tiên bạn cần tạo tài khoản miễn phí bằng cách click vào link này https://www.booking.com/s/34_6/kimoan20, sau khi lập xong bạn sẽ có ngay $15 vào tài khoản để sử dụng cho việc đặt phòng, và chính tôi cũng sẽ nhận được $15 vào tài khoản. Bạn mời thêm càng nhiều bạn bè, tiền trong tài khoản bạn càng nhiều và càng có cơ hội ở miễn phí, thậm chí là ở những nơi vô cùng sang trọng mà không mất đồng nào.
- Nói sơ về dorm ở Đài, thì mấy ngày ở đây đa phần mình toàn gặp những hostel rất cute, sạch sẽ và hiện đại, nhân viên thì thân thiện và dễ thương gì đâu, nói chung là hên không có bị tổ trác ^^, có 1 điểm là thường các hostel ở Đài họ chỉ thuê lại 1 tầng của chung cư, nên thường sẽ khó tìm, và hạn chế giờ giấc check in, check out, hay không được ồn ào vào 1 số h nhất định, trong khi mình là chúa về khuya thì gội đầu xong không được dùng máy sấy tóc, hoặc không được giặt sấy vào giờ đấy. Giờ check in ở đây đa số là 15h, và giờ check out là: 12h.Mình chọn dorm dựa trên những tiêu chí như sau: rate cao, nhiều review tốt ưu tiên sạch sẽ dễ thương, phòng vệ sinh thoải mái, gần trung tâm, gần mrt, bus hoặc station ( đi bộ trong vòng bán kính 500m đổ lại):

I. TAIPEI: mình ở 2 hostel, 1 cho ngày đến và 1 cho ngày về
1. WORK INN: với giá 43USD/2 đêm, không bao ăn sáng, giờ check in: 15h, check out: 11h, có cho gửi hành lý.
- ưu điểm là rất gần Taipei Main Station, vừa ra khỏi exit M8 nhìn qua bên trái là thấy chữ WORK INN luôn, vì ở Taipei mọi con đường đều dẫn đến Taipei Main Station nên rất tiện cho việc di chuyển bắng phương tiện công cộng, đặc biệt mình lại hay đi chơi về trễ. Nhân viên thân thiện và dễ thương, bên trong sạch sẽ, có bình nước nóng lạnh hoàn toàn miễn phí và đương nhiên là có máy giặt máy sấy đầy đủ (1 lần giặt 50 xu).
- Nhược điểm: Vì ở tầng 9 của 1 chung cư nên như mình nói ở trên, về khuya thì không được dùng máy sấy, máy giặt v.v..phòng và giường rất nhỏ cảm giác rất bí bách. Và có 1 điều mình không hiểu là rõ ràng lúc đầu mình book phòng dành cho nữ, đến khi tới nơi ở ngày đầu không có ai, ngày hôm sau tự dưng xuất hiện 1 thằng con trai hỏi ra mới biết là mình đang ở phòng mix, hic…Thêm 1 điểm mình không thích nữa là phòng vệ sinh, nhỏ và bất tiện. Với dịch vụ như vậy thì giá là khá cao 21$/ đêm.
- Điểm: 7.8/10,
2. Space Inn Hengyang Branch: giá: 13USD/ đêm, không bao ăn sáng, giờ check in: 15h, check out: 12h, có cho gửi hành lý.
-Ưu điểm: gần MRT Ximending, và chợ đêm Ximending, tha hồ mua sắm và ăn uống, giá lại rẻ nữa, 1 hostel cực kỳ hiện đại và chuyên nghiệp, toàn bộ dùng bằng thẻ tử qua rất nhiều lớp cửa nên suy ra khá an toàn, quầy tiếp tân nằm ở bên ngoài, muốn vào hostel mình phải dùng thẻ từ quét, sau đó mình ở khu vực nữ sẽ qua 1 lớp cửa bằng thẻ từ nữa, mình đã thử cho khu vực nam và mix thì không thể mờ khóa được, và 1 lớp nữa là cửa phòng mình. Và mỗi người sẽ có 1 tủ khóa từ được chia làm 2 ngăn có đèn cảm ứng. Khu vực bếp và khu vực chung khá rộng rãi và hiện đại tiếc là mình không có thời gian để tận hưởng. Phòng giặt có bán cả xà phòng giặt nữa rất tiện lợi. Khu vực tắm và vệ sinh rộng rãi sạch sẽ, có máy sấy kem đánh răng xà phòng đầy đủ. Có tủ và giỏ để bạn đựng đồ.
- Nhược điểm: cách MRT 600m: vậy thôi nhưng mình đi cũng đuối lắm à, và hơi khó tìm, đại loại nó nằm dưới tầng hầm của 1 tòa nhà có biển số 51, ai để ý mới thấy, không là đi qua đi lại hoài thôi. Và khi check out rồi sẽ hơi bất tiện nếu bạn muốn đi toilet nhờ vì như mình nói đó muốn vào trong hostel phải qua khóa từ, nên bạn phải hỏi tiếp tân, họ sẽ đưa thẻ để bạn vào.
- Điểm: 9.4
II. TAICHONG:
1. Chance Hotel: giá 40USD/2 đêm, bao gồm bữa sáng, giờ check in: 15h, check out: 12h, có cho gửi hành lý.
- Ưu điểm: gần ga Taichong, khách sạn nhìn bên ngoài rất sang chảnh , và mình thì cực kỳ khoái mấy cái khách sạn có cả dorm như thế này, vì riêng biệt nên đi sớm về khuya thoải mải và bữa ăn sáng thì theo tiêu chuẩn khách sạn nên thường phong phú và ăn đến no thì thôi. Chance là 1 dạng như thế, đồ ăn sáng khá là ngon và nhiều, khu vực chung và vệ sinh đẹp và đầy đủ cả toner, kem dưỡng da các loại nữa. Có phát dép đi trong khách sạn.
- Nhược điểm: mình không thích thiết kế giường ở đây, leo lên leo xuống rất khó, lâu lâu quản lý sẽ đi kiểm tra phòng (xem có chứa chấp ai không ý mà). Phòng giặt chỉ có 1 máy sấy mà nhu cầu giặt sấy quá nhiều, mình xuống xếp hàng mấy tiếng mới tới lượt, phải mua xà phòng ở tiếp tân.
- Điểm: 9.2
III. CHIAYI
An Lan Jie Hostel: giá 17 USD/ đêm, không bao ăn sáng, giờ check in: 15h -22h, check out: 8h-11h, mình không gửi hành lý nên không biết hostel có cho gửi hay không.
- Ưu điểm: ôi mình thích hostel này quá đi, nhân viên cực kỳ cực kỳ dễ thương và thân thiện , vì giờ giấc hơi trái khoáy nên họ điện thoại và gửi mail để hỏi xem mình tới nơi chưa, có tới trễ không để họ chờ cữa, blah blah… tới nơi ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mình là: họ có ghi tên của mình vào bảng chào đón và còn treo cờ của nước mình nữa, trời ơi cảm động quá xá. Bạn nhân viên thì hướng dẫn tận tình luôn nào đưa bản đồ các thứ chỉ mình đi ăn ở đâu, uống ở đâu… Rồi đến khi mình về phòng (khu vực ở và tiếp tân ở 2 tầng khác nhau) thì mọi thứ trang trí quá xinh xắn, giường ngủ cứ như kiểu cho các em bé ý, mỗi 1 phòng sẽ được đặt tên và trang trí khác nhau, màu sắc chủ đạo của phòng mình là trắng và xanh chuối, phòng bếp thì trang trí theo phong cách Nhật Bản, phải nói mọi chi tiết trong phòng mình đều thích ơi là thích.
- Nhược điểm: vì nằm trong 1 tòa chung cư nên giờ giấc quy định khá là ngặt ngèo: check in từ 15-22h, ngoài khung này sẽ tính thêm phí và họ cũng không nhận sau 00h, hic… sáng chỉ check out sau 8h, bạn muốn check in hay out ngoài khung đó phải điện thoại cho tiếp tân. Mình đi chơi về trễ cũng hơi ngại, phải đi bằng cửa riêng vì sau 10h cửa chính vô chung cư bị khóa, và chỗ mình ở cùng tầng với các hộ gia đình khác, phòng giặt ùi lại nằm bên ngoài nên mình đi giặt đồ thôi cũng gây tiếng rất ồn ào và mình không biết kiếm xà phòng ở đâu, vì cũng đã trễ nên mình không thể hỏi tiếp tân, toilet ở trong phòng nên phải chờ đợi.
- Vẫn cho 9.4 điểm về độ dễ thương.
IV. ALISHAN
1. Gau Shan Ching Hotel: giá: 69USD/ đêm, bao gồm bữa sáng, giờ check in: 15h, check out: 11h, có cho gửi hành lý.
- Ưu điểm: gần và rẻ nhất ở Alishan. Hix phòng trên đây đắt đỏ thôi rồi, phòng gồm 2 giường đôi các bạn có thể đi nhóm 4 người để giảm chi phí.
- Nhược điểm: đồ ăn sáng nghèo nàn và không ngon, trang thiết bị trong phòng cũng tệ, phòng có mùi hôi.
- Điểm: 7.9
V. CAO HÙNG
1. Legend Hotel Kaohsiung Pier2: giá: 13USD/ đêm, , không bao gồm bữa sáng, giờ check in: 15h, check out: 12h, có cho gửi hành lý.
- Ưu điểm: giá rẻ và gần MRT Yanchengpu Station, vừa ra khỏi exit là nhìn thấy ngay Gong Cha, đoạn đường đi tới khách sạn nhiều nhà hàng và quán cà fe đẹp. Hotel khá lớn từ bên ngoài cho tới bên trong mọi ngóc ngách, từ thang máy cho tới hành lang đều trang trí bắt mắt nhìn khá cute, phòng ở hiện đại dùng bằng thẻ từ, giường rộng rãi nhất từ trước đến h mình đi ở dorm, trên giường có cả gương và bàn để máy tính được thiết kế âm tường, có 2 toilet và 2 phòng tằm ớ luôn trong phòng. Mình thích nhất phòng sinh hoạt chung và khu vực giặt ủi, nhiều máy giặt và nhiều máy sấy nên không lo chờ đợi ai, có cả bàn ủi và xà phòng được miễn phí.
- Nhược điểm: mình cảm giác nhân viên không thân thiện lắm, và từ MRT tới khách sạn cũng khá xa tầm 600m, bữa nào đi về mệt hoặc đi trưa nắng là đuối luôn.
- Điểm: 9.5
VI. HOA LIÊN
1. Hualien Wow Hostel: giá: 14USD/ đêm, bao gồm bữa sáng, giờ check in: 15h -00h, check out: 11h, có cho gửi hành lý.
- Ưu điểm: đối diện với ga Hoa Liên, cũng khá là ok cho lựa chọn ờ Hoa Liên
- Nhược điểm: bữa sáng nghèo nàng với bánh mì và trứng, tất nhiên bạn phải tự chiên trứng. Nhân viên không thân thiện lắm, Toilet ở trong phòng và 2 giường được xếp ngay cạnh toilet, mình về khuya không dám đánh răng tắm rửa luôn vì sợ phiền các bạn ở giường đó.
- Điểm: 8.7


- Hi vọng bài này sẽ giúp cho các bạn có thêm nhiều lựa chọn khi đến Đài Loan.
 
Taroko Park, Shakadang Trail
attachment.php

Kem đá xoài ở Yongkang street
attachment.php

Thả đèn trời ở Shifen
attachment.php

Ngắm bình minh ở Alishan
attachment.php

Cingjing Farm
attachment.php

Vé tàu lửa đi Chushan ngắm bình minh
attachment.php

Jiufen
attachment.php

An Lan Jie Hostel, 1 hostel dễ thương ở Chiayi
attachment.php

Suối nước nóng Beitou, hình chụp tại nhà tắm công cộng ngoài trời he he
attachment.php

1 chú chó dễ thương
attachment.php
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,136
Bài viết
1,173,921
Members
191,957
Latest member
vinhlekingdoor
Back
Top