What's new

Hành hương trên Ngũ Chỉ Sơn, 11/2014

Ngũ Chỉ Sơn là đỉnh núi chỉ cao thứ 6-7 ở Việt Nam, khoảng 2700-2800m, nằm cạnh con đèo Ô Quý Hồ huyền thoại. Nhưng với dân leo núi/trekking, NCS là một thách thức số 1, lại bí hiểm và pha chút linh thiêng.

Có người xem đó là núi đẹp nhất vùng Tây Bắc. 5 đỉnh như năm ngón tay chĩa thẳng lên trời, độc đáo, hùng vĩ và hiểm trở. Đỉnh NCS nhìn từ xa mờ ảo, mây sương hòa quyện, và càng huyền ảo hơn khi có ánh nắng chiếu vào, mây như vờn quanh những ngón tay đầy màu sắc.

ngu-chi-son-41_zpsa39a091a.jpg

Núi Ngũ Chỉ Sơn - ảnh trên mạng

10012734_10152496400509734_8267150608874133121_o_zpse5592286.jpg

Ảnh tôi chụp T4/2014 nhìn từ Tả Giảng Phình

NCS có 5 đỉnh, nhưng đo trên bản đồ địa hình có thể thấy tới 7 đỉnh kề nhau, độ cao từ 2650-2800m. Trong đó, ngoài 5 đỉnh chạy ngang song song với Tỉnh lộ 155 (từ Sapa đi Y Tý), còn có 2 đỉnh ở đoạn dãy núi chuyển hướng chạy về phía Lai Châu. Đỉnh cao nhất tôi đo được trên bản đồ địa hình là 2800m, nằm ngoài cùng, phía gần Sapa. Tuy vậy, thông tin về NCS rất ít, và người ít đi sẽ không biết đến ngọn núi này. Thông tin về độ cao của NCS càng sai lệch, khác nhau, do hầu như chưa ai thực sự đo được đỉnh.

1557354_10152487134399734_5868095738663543723_o_zps4f7aa689.jpg

Dò đỉnh, tôi đo trên bản đồ địa hình + Google Earth

Chỉ nhìn vào hình ảnh các đỉnh núi, dân leo núi có thể cảm nhận ngay độ khó và thách thức của nó. Trên đỉnh cao nhất là những vách đá dựng đứng, nhọn như những ngón tay. Phía TL155 khá thoải, còn phía Ô Quý Hồ có thể xem là mặt sau của núi, với những vực sâu hun hút. Đường đi chỉ có thể men theo triền núi đi thẳng lên 1 đỉnh, và rất khó có thể di chuyển từ đỉnh này sang đỉnh khác. Một số câu chuyện được thêu dệt sau hàng loạt nỗ lực chinh phục nhưng thất bại của các đoàn leo núi khiến NCS càng trở nên nỗi ám ảnh mơ hồ. Không chỉ khó ở vách đá dựng đứng cuối cùng không có đường lên, nhiều đoàn gặp phải những trục trặc đủ loại (như đi lạc, thời tiết xấu...), buộc phải quay về dù trong đoàn không thiếu những chuyên gia leo núi dày dạn. Dân bản nói NCS là nơi có nhiều thuốc quý, và nếu không lấy thuốc thì cũng ít ai lặn lội vào chốn rừng sâu bí hiểm này. Do vậy, tìm trong các bản quanh núi kiếm người biết đường lên đỉnh cũng khó. Để chinh phục đỉnh, ngoài sự chuẩn bị và kinh nghiệm, có lẽ phải cần thêm 1 chữ DUYÊN.

Đến nay, mới thấy có 2 nhóm khẳng định lên được đỉnh. Trong đó một nhóm vừa đi cuối tháng 8/2014, là chắc chắn đúng đỉnh, và cũng may mắn đã có nhóm này đi trước, chúng tôi tìm đúng porter dẫn đường của nhóm, Giàng A Sinh, để nối tiếp con đường chinh phục. Còn nhóm trước đó đi vào 2013, thì thông tin kể lại cho thấy có thể đã lên 1 đỉnh thấp nào đó trong 5 ngón. Cả 2 nhóm không thấy dùng máy GPS ghi lại đường đi, độ cao, tọa độ, nên nhiệm vụ đo độ cao vẫn sẽ là nhóm chúng tôi :).
 
Chúng tôi lên kế hoạch thận trọng, không ồn ào, nhưng không thiếu quyết tâm. Đoàn chỉ đúng 5 người, đều đã chinh phục 5-6 đỉnh núi, hiểu nhau, và đều dành NCS như một thử thách cuối sau khi đã tăng dần độ khó của các đỉnh núi. Trong đoàn đã có người tiền trạm thăm dò các bản quanh núi NCS vài lần.

Cảm nhận trên đường về với NCS khác lạ, có chút hồi hộp, có ít nhiều tôn kính với ngọn núi linh thiêng, có sự thành tâm và hướng thiện. Như một cuộc hành hương về cõi thiền.

Đoàn rời Sapa sáng sớm, ô tô theo con đèo Ô Quý Hồ đi về bản Chu Va đón 2 porter người H Mông, A Sinh và A Sính, và tập kết ở điểm xuất phát trên đèo Ô Quý Hồ. Điểm xuất phát dự kiến ban đầu là gần trại cá hồi, nơi QL4D rẽ ngoặt sâu vào dãy núi và là nơi con suối dài chạy tít từ đỉnh núi xuống, hội tụ các chân núi. Tuy nhiên, trời mưa, nước lớn khiến điểm xuất phát phải dịch chuyển sang điểm khác cũng trên đèo Ô Quý Hồ.

20141107_08501112_zps3601bf40.jpg

20141107_090555_zps0930bf4b.jpg

Tập kết trên đèo Ô Quý Hồ
 
Trekking

9h đoàn xuất phát. Sau đoạn đầu khá dốc, đường đi khá nhẹ nhàng, nhưng sương mù dày đặc, và mưa, cảnh vật mịt mờ. Buổi sáng kết thúc bên lán thảo quả, với bữa trưa bằng bánh mì kẹp và xúc xích. Đoạn này gần như đi ngang, lên rồi xuống, nên xuất phát từ mốc gần 1600m trên Ô Quý Hồ, và đến lán cũng ở độ cao đó.

20141107_091132_zps3514d086.jpg

Đoạn dốc mở màn

20141107_093032_zps8341289c.jpg

20141107_094041_zpscae2cb93.jpg


20141107_100007_zps403e851a.jpg

Sương và hạt mưa lung linh trên từng bụi cỏ

20141107_113933_zpsea01bb6c.jpg


20141107_114102_zpsa82f64d8.jpg

Đối mặt, một chọi 2 :)

20141107_120506_zps13d31f0b.jpg

Chênh vênh

IMG_0010_zps6f0c876c.jpg

Thác lụa

IMG_0019_zps5860a613.jpg

Bữa trưa bánh mỳ bên lán thảo quả
 
Buổi chiều thử thách hơn với những đoạn suối sâu, đá trơn trượt. Những đôi giày bắt đầu ướt sũng. Tay, chân, quần áo cũng ướt và bẩn vì lá cây đầy nước mưa đọng lại, đường lầy và trơn, phải liên tục bám tay vào hai bên để giữ thăng bằng và leo lên xuống. Rất nhiều đoạn đường đất dốc, trơn, không có chỗ đặt chân, leo khá vất vả. Chưa lần leo núi nào khiến đoàn tơi tả, bẩn thỉu, xác xơ như vậy. Quần áo, giày, tất, áo mưa, mũ, ba lô... đều bê bết bùn đất. Ngoài thì ướt mưa, trong thì mồ hôi đẫm áo, dừng 1 lúc là lạnh run, và phải rửa chân tay, lau người bằng nước suối lạnh buốt.

20141107_131439_zpsadef2917.jpg

20141107_131823_zpsdfc66323.jpg

Vượt suối

20141107_144028_zps35d1d262.jpg

20141107_144712_zps607945fc.jpg

Luồn dưới những tảng đá khổng lồ nằm chênh vênh như chực đổ xuống

20141107_145141_zpse30dc9c3.jpg

Thường xuyên có những đoạn dốc đất không có chỗ đặt chân

20141107_145634_zpsbf0d0c9a.jpg

20141108_132115_zps9bdffeb8.jpg

Hoa của núi

20141107_145814_zps4b94ba0e.jpg

NCS có nhiều khu vực rừng già, cây lớn lâu năm. Nhưng nhiều thân cổ thụ to lớn không trụ nổi sau những trận mưa gió

20141107_150117_zps8a6afa5f.jpg

Những côn trùng/động vật hiếm hoi. Tuy vậy, NCS vẫn nhiều hơn các núi khác do còn khá hoang sơ
 
Tuy vậy, đoàn vẫn kết thúc buổi chiều vượt chỉ tiêu, về đến lán nghỉ 1950m trước 4h thay vì 5h như dự kiến. Lán tươm tất, đủ chỗ ngủ cho cả đoàn, khỏi phải dựng lều, và có bếp đào vào núi, rộng và kín. Một điểm nghỉ chân tươm tất với dân leo núi, giống như resort 5 sao đối với dân du lịch khác :).

Các porter cùng thành viên chia nhau chuẩn bị bếp lửa, bữa tối. Bữa tối ngon miệng với gà nướng, thịt kho, cùng chai rượu táo và cả ly cà phê để nhâm nhi. Tối tạnh mưa, trăng sáng, tròn vành vạnh. Một số thành viên ngủ được mấy tiếng tỉnh giấc ngắm trăng. Tôi ngủ thật ngon, ấm áp. Lần đầu tiên ngủ ở rừng mà ngon hơn ở nhà, tôi ngủ tới 8 tiếng (các lần trước đây chỉ 3-4 tiếng, thậm chí mất ngủ).

IMG_0110_zps0920b120.jpg

Resort 5 sao giữa đại ngàn :)

IMG_0026_zps91af2bea.jpg

20141107_171430_zpsf8a2b6a4.jpg


IMG_0042_zps80ea1250.jpg

Mảnh trăng cuối rừng
 
Ngày thứ 2

Mục tiêu của ngày sau là chinh phục đỉnh giữa trưa, rồi kịp trở về bản Tả Giàng Phình khi chập tối và gọi xe về thẳng Sapa. Khung thời gian này có vẻ rất khó khăn khi đoạn đường ngày sau rất dốc, liên tục leo lên (cả ngày trước chỉ từ 1600m lên 1950m, nhưng riêng sáng hôm sau là từ 1950m lên >2700m), và đường về thì xa tít. Nếu không đảm bảo tốc độ thì phải nghỉ sớm ở lán khá xa bản, nhưng sẽ không đủ lều và thức ăn.

Do vậy, đoàn dậy sớm, từ 4h sáng, rục rịch chuẩn bị đồ ăn và dọn dẹp để đi sớm. Khung cảnh nhiều hứa hẹn, vẫn còn ánh trăng, trời khô ráo. Và những tia nắng hiếm hoi đầu tiên dần xuất hiện, rọi vào những ngón tay vĩ đại trên NCS, với màu sắc biến ảo không ngừng. Trên ngón và giữa kẽ tay là những đám mây vần vũ. Ngẩn ngơ 1 chút khi nghĩ đến giây phút mình sẽ ngồi lên ngón tay và đám mây huyền hoặc đó. Và cũng 1 chút chùn chân khi ngắm nhìn vách núi bí hiểm và quá cheo leo.

IMG_0080_zps9a898264.jpg

IMG_0100_zpsbfb42c88.jpg

IMG_0102_zps5de7cfa2.jpg

Đỉnh núi bí hiểm, màu sắc biến ảo khi ánh nắng chiếu vào

IMG_0105_zps6c8574cf.jpg

Tại thời điểm này vẫn chưa thể biết đỉnh nào là đích đến. Sau khi tra lại đường đi, khớp với bản đồ mới thấy chúng tôi đi đúng đỉnh giữa, là ngón cao nhất và trông hiểm trở nhất
 
Gần 7h, đoàn xuất phát, đẩy tốc độ để bằng mọi giá hoàn thành trong ngày, tránh một đêm ở lại rừng trong tư thế không chuẩn bị đầy đủ.

Đỉnh núi ở ngay trước mặt, quãng đường không dài nhưng thực sự là thử thách vì độ dốc. Đoàn bám theo con suối, ngược suối đi lên. Thỉnh thoảng mới có những tia nắng hiếm hoi lọt vào, và vài khoảnh khắc biển mây hé mở. Nhưng khung cảnh đó chỉ như ảo ảnh thoáng qua, còn lại, đường đi không khác gì ngày mưa hôm trước, vẫn cây đẫm nước mưa, đường đất lầy, trơn trượt. Những đôi găng nhanh chóng ướt đẫm, đầy bùn đất, và hơi lạnh ngấm vào bàn tay, sâu vào da thịt.

20141108_065827_zpsde22ce46.jpg

20141108_070932_zpsaafbf8a5.jpg

20141108_071503_zpsb53b7d24.jpg

20141108_071520_zps14c45563.jpg


20141108_080610_zps12efc51c.jpg

Bắt được những tia nắng hiếm hoi đầu tiên

20141108_083912_zps59be1c4f.jpg

20141108_084908_zps717294f9.jpg

Biển mây thấp thoáng

20141108_094425_zps7ecee76a.jpg

Chú chim cụt đuôi
 
Sau 3 tiếng rưỡi chiến đấu, đoàn lên được chân vách, cũng là hành lang hút gió nằm giữa 2 vách đá, ở độ cao 2580m. Đoàn tranh thủ ăn trưa trong cái lạnh căm căm, chuẩn bị cho thử thách tối hậu - vượt qua vách đá cao khoảng 150m.

20141108_103732_zps6428ebdb.jpg

Hành lang hút gió

20141108_101216_zps33301be0.jpg

Đỉnh bên cạnh, thấp hơn

20141108_101222_zps114b8304.jpg

Còn đây là đỉnh chính đoàn nhắm đến


Thử thách tối hậu

11h, tất cả bỏ lại ba lô, đồ đạc, chỉ mang vài thứ gọn nhẹ nhất để lên đường. Một bạn thấm mệt và không đủ tự tin trước vách đá, ngồi lại trông đồ. Đường đi khó, hai porter đi trước, quyết định tìm 1 đường mới thay vì đường đi lần trước đã dẫn 1 đoàn chinh phục thành công. Hai chiếc dao sắc như nước phải liên tục chặt cây mở đường vì hầu như không có lối rõ ràng. Sau 1 đoạn len lỏi trong đám cây, vách đá dốc nhất đã ở ngay trước mắt, phải bắt đầu đoạn khó khăn nhất - bám cây, treo mình vách đá bò bằng tứ chi, vừa đi vừa như trườn dần lên. Câu chuyện của đoàn đi trước kể lại vẫn còn nhiều ấn tượng, giờ đối mặt, quả không hề đơn giản.

20141108_113450_zps3c0f09ab.jpg


Vách đá mờ mờ ảo ảo, hòa lẫn trong sương mù. Một chút lặng để ngắm nhìn sự hùng vĩ và thách thức của tự nhiên, với lòng thành kính và tâm phẳng lặng, như đi vào cõi thiền. Bất giác tôi niệm Nam mô A Di Đà Phật!
Kinh Phật đâu đó nói rằng, theo pháp môn Tịnh độ, nếu nhất tâm niệm đủ 10 lần Nam mô A Di Đà Phật ngay lúc lâm chung thì sẽ được vãng sinh về cõi Tây Phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà, thoát khỏi luân hồi, thuận duyên mà tu tập. Trong chuyến đi này, tôi giữ một tâm thế thanh thản, phẳng lặng nhưng tập trung. Và đôi lần niệm Phật, như trong một cuộc hành hương.

Trở lại với vách đá, quả không phải ngẫu nhiên mà bao nhiêu đoàn đã phải bỏ cuộc trước vách đá này. NCS có nét tương tự nhưng ở cấp độ cao hơn Bạch Mộc Lương Tử mà chúng tôi chinh phục hồi tháng 4/2014. Vách cuối của BMLT rất dốc, nhưng có các đám rêu khá chắc, có những đoạn có thể bò thẳng trên vách đá đầy rêu (dù cũng rất mạo hiểm). Còn ở NCS, do vách gần như dựng đứng, những đoạn vách không có cây bám chắc thì vô phương. Đoàn vẫn phải có porter phát cây đi trước, còn từng người theo sau, tìm từng điểm đặt chân, và quan trọng hơn là 2 tay phải túm được các bụi cây có rễ chắc, chắc tay rồi mới kéo tay và trườn lên do các điểm đặt chân đều tạm bợ, không đủ giữ cơ thể. Đường đi qua vách đá không có lối, chủ yếu porter vừa mở đường, cây vẫn còn nguyên, trườn người phải trườn qua cả đám cỏ cây vừa rạp xuống. Thi thoảng mới có chỗ đứng chắc một chút để nghỉ chân, nhưng cũng phải áp vào vách, tay không đủ thoải mái để chụp ảnh. Ngay đoạn đầu vách đá, cậu trưởng nhóm gặp sự cố, cầm dao của porter phát cây thế nào mà tự chém thẳng vào gần gót chân, sâu nửa cm, máu chảy đầm đìa. May chỗ này còn đứng được, một bạn hỗ trợ băng bó tạm, tôi ở dưới, chỉ có thể bám cây đứng chờ, không có lối nào để lên nếu người phía trên chưa đi. Rất may, sau một lúc nghỉ, cậu trưởng nhóm vẫn quyết tâm đi tiếp được, thay vì quay xuống.

20141108_113513_zps8e4d9913.jpg


20141108_113614_zps9c3dc320.jpg

Chờ xử lý tai nạn với cậu trưởng nhóm

20141108_115952_zpsd99ef180.jpg

20141108_120033_zps20cb0abd.jpg

Những điểm đặt chân quý giá

20141108_120025_zps5f667650.jpg

Quay đầu nhìn xuống chỉ là khoảng trống mênh mông
 
Cuộn dây dài dự phòng đoàn đem theo cũng không dùng được, vì dây không đủ dài, không có chỗ cột dây, và hơn nữa đường leo cũng quanh co qua lại chứ không thẳng, túm dây có khi còn lằng nhằng và nguy hiểm hơn so với túm cây.

Riêng đoạn vách đứng này có lẽ khoảng 50m, còn các đoạn còn lại dễ hơn, ít dốc và có nhiều cây to che chắn.

Chỉ mấy trăm mét này, đoàn mất khoảng 1h30' để chinh phục. Đoàn lên đỉnh lúc 12h30'. Đỉnh có thể làm thất vọng những bạn chưa quen, vì chỉ là một mỏm đá cây cối kín mít, không nhìn được gì xung quanh, không có cả không gian để chụp ảnh. Ngoài đo độ cao và tọa độ, phải xác định đỉnh bằng cách leo lên cây nhìn xung quanh. Đoàn ở lại khoảng 30', chụp ảnh, hả hê với niềm vui chinh phục. Máy GPS đo độ cao dao động từ 2745-2755m.

20141108_123622_zps420a88d7.jpg

20141108_133526_zps3424d204.jpg


Đường xuống qua vách cũng không đơn giản, khá ngợp vì nhìn xuống chân tầm mắt ko vượt được ra ngoài đám cây cỏ thấp bên dưới. Chỉ có thể ngửa người, áp lưng vào vách, thả chân đi trước, 2 tay túm các đám cây mà trượt dần xuống. Tuy vậy, các thành viên của đoàn đều đã tập dượt ở BMLT, nên vượt qua không quá khó khăn. Chỉ mất khoảng 30' để xuống đến chân vách đá.

20141108_113440_zpsdd9d19f5.jpg

Đường xuống như rơi vào khoảng không và những đám mây
 
Hoàn tất cuộc chinh phục

Sau ít phút nghỉ ngơi, 1h40 đoàn lập tức lên đường để tránh ngủ lại rừng thêm 1 đêm, đi thẳng một mạch hầu như không nghỉ. Đường xuống cũng khá dài, hơn 10km (so với đường lên quanh co khoảng 20km). Do đường thẳng, nhiều đoạn dốc rất dài, trời không mưa nhưng đường vẫn còn lầy và trơn. Mỗi thành viên hầu như đều có lần trượt ngã, thậm chí có cậu phải lăn vài vòng. Găng, quần áo, tất đều bê bết đất. Ủng ni lông rách, nước ngấm vào tất và chân, cùng với việc mũi chân bị dồn trên đường xuống khiến móng chân như muốn bong ra, và chân trắng bợt khi tháo ra rửa chân, thay tất. Đường xuống đi qua những thửa ruộng bậc thang, bước chân chênh vênh trên bờ ruộng bé xíu, và vượt qua rất nhiều những đoạn suối, đi theo lòng suối, gợi nhớ đường về ở đỉnh Putaleng. Cảnh sắc sẽ rất đẹp nếu vào những ngày nắng. Nhưng đi vào hôm mưa gió, đầy sương mù, cảnh sắc chỉ còn trong tầm ngắn, vượt ra xa chỉ là mây mù bàng bạc.

6h30', đoàn ra đến TL155, ở thôn Suối Thầu 2, bản Tả Giàng Phình, hoàn tất hành trình khoảng 31km đường núi trong 2 ngày. Xe đón đoàn ngay ở TL155, chạy thẳng về Sapa, chở cả 2 porter để về QL4D tìm xe ôm về Chu Va. Ở ngã 3 Ô Quý Hồ và TL155, sau khi hỏi một vòng, tìm được chỗ cho 2 porter ngồi tạm, chờ bắt xe tuyến Điện Biên để về lại Chu Va. Và thật tình cờ, đó chính là nhà người dân mà trước đây một tay leo núi tên tuổi đã trú lại và tìm người dẫn chinh phục NCS, như một người mở đường. Ông chủ nhà cởi mở, như gặp lại người quen, hỉ hả nhắc lại câu chuyện năm ngoái, không quên dặn ngày trở lại.

Khoảng hơn 8h, đoàn về đến Sapa, kết thúc chuyến hành hương, và thấy lòng cũng nặng thêm tình yêu với núi..

3_zpseffef3d3.png

1_zps868a4fcc.png

2_zpsdc13365d.png
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,730
Bài viết
1,136,607
Members
192,538
Latest member
dientuquangtien
Back
Top