What's new

[Chia sẻ] Hoà mình cùng thiên nhiên hoang dã Núi Dinh

HÒA MÌNH CÙNG THIÊN NHIÊN HOANG DÃ NÚI DINH

Có những vùng đất dù chỉ đi qua một lần cũng đã gây cho chúng ta rất nhiều thiện cảm về con người, văn hóa, phong tục tập quán và những phong cảnh đẹp tự nhiên lãng mạn để ta ngắm nhìn, chiêm ngưỡng, để cảm nhận. Nhưng đối với những nhà nghiên cứu đa dạng sinh học thì ngoài những yếu tố tự nhiên, con người - mỗi nơi họ đi qua là những khám phá thú vị về vùng phân bố mới của các loài sinh vật. Nếu may mắn họ có cơ hội phát hiện và công bố những loài sinh vật mới cho khoa học. Phải chăng đó cũng là một phần mơ ước cháy bỏng trong trái tim của mỗi một con người chúng ta cho dù bạn là ai.

Nằm cách Sài gòn khoảng 90Km về phía đông, nằm sát ngay trên con đường quốc lộ 51 thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Là một dãy núi hùng vĩ nằm sát bờ biển, chạy dài hình vòng cung theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, độ cao trung bình khoảng khoảng 500m với tổng diện tích toàn khu vực gần 60km² được xem là ngọn núi cao và độc đáo nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đỉnh cao nhất là núi ông Trịnh 504m, phần còn lại thoải dần về hai phía. Đây là một quần thể núi non và cây xanh ngút ngàn với những am, chùa, cốc, miếu độc đáo nằm ven các con suối, nhưng ít ai có cơ hội chiêm ngưỡng vùng núi xinh đẹp và hùng vĩ này vì điều kiện du lịch ở đây còn rất hoang sơ và khó khăn

Sau một đêm mệt nhoài tìm hiểu đặc tính sinh thái và chuỗi thức ăn của loài thằn lằn ngón chân ngắn Cyrtodactylus cattiennensis - loài thằn lằn mới được các nhà khoa học Việt nam và Đức công bố ở miền Nam Việt Nam tháng 9 năm 2009. Đây có lẽ là loài thằn lằn ngón có vùng phân bố rất rộng từ Vườn quốc gia Cát Tiên cho đến núi Dinh vẫn còn thấy chúng sinh sống. Mệt mỏi, chỉ muốn lăn ra ngủ một giấc cho đã thèm nhưng chợt nghe An – (một người thợ rừng) đang hào hứng kể về có một đám hoa lan đang nở hoa rất đẹp trên sườn núi đá dốc thẳng đứng bên kia dãy núi đã làm tôi không còn cảm thấy mệt mỏi và thiết tha đến giấc ngủ nữa. Những tấm hình đẹp, phát hiện về vùng phân bố mới của loài Lan ở vùng núi bị tàn phá rất nặng nề này. Đầu óc cứ lởn vởn khiến tôi không kiềm chế được niềm đam mê. Tôi bật dậy, mặt trời đã lên cao, vội vàng tranh thủ xếp dọn hành lý đi rừng như máy chụp hình, dây leo, hộp đựng mẫu vật và lặng lẽ lên đường. Cuộc đời tôi là vậy, phải tiết kiệm tối đa thời gian những ngày nghỉ cuối tuần để thỏa mãn đam mê nghiên cứu khoa học. Mong ước kiếm tìm ra loài mới cho khoa học như một chất gây nghiện không thể bỏ được mặc dù đã bao phen sự sống và cái chết thật mỏng manh...
Mọi người đã ăn sáng xong xuôi và chiếc bánh mì nguội ngắt phần bữa sáng cầm trên tay, vừa đi vừa nhai để nạp chút năng lượng sau một đêm tiêu hao sực lực cho lũ thằn lằn mà lẽ ra cần được nghỉ ngơi để cho đêm kế tiếp.
nd.jpg

Núi dinh buổi sáng thật đẹp bình yên và vắng lặng, vẫn một màu xanh bao trùm trên các dãy núi cao ngất, làn sương hơi nước trên các đỉnh cũng đang lặng lẽ rủ nhau bay cao về trời, chỉ còn sót lại vài mảng trắng nổi bật trong màu xanh của rừng. Giờ này những loài bò sát ăn đêm đã chìm vào giấc ngủ sau một đêm kiếm ăn đầy bất trắc. Động vật kiếm ăn ban ngày đang kiếm tìm thức ăn cho bữa sáng sau một đêm ngon giấc.

nd1.jpg

Trên các đỉnh núi cao không còn làn sương hơi nước, tia nắng mặt trời buổi sáng rực rỡ như dát vàng tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Lũ chim Chóp mào Pycnonotus jocosus vốn dĩ thường ngày vẫn ồn ào náo nhiệt đang ríu rít gọi nhau thưởng thức chùm quá trên cây Trường Arytera littoralis chín mọng. Đàn chim Bồ chao Garrulax leucolophus cũng được dịp ngoác mỏ kêu la inh ỏi cả một góc rừng khi chúng phát hiện ra chúng tôi đang bắt đầu cuộc hành trình vượt dốc để tìm kiếm những bông hoa lan rực rỡ đầu mùa.

nd2.jpg

Phía đối diện của dãy núi núi ông Trịnh cao 504m so với mặt nước biển như đang thách thức những bước chân nhỏ bé của chúng tôi vượt qua. Với niềm đam mê cháy bỏng, tình yêu thiên nhiên hoang ngấm sâu vào từng thớ thịt, việc vượt qua đỉnh núi này không còn là một cực hình mà là một khám phá đầy thách thức. Để thu được những mẫu vật cần nghiên cứu, để chụp những tấm hình đẹp và được chiêm ngưỡng đỉnh núi biệt lập, cao ngất này của vùng đất với những thắng cảnh du lịch nổi tiếng Bà Rịa – Vũng Tàu. Chúng tôi từ từ tiến bước vượt lên từng độ cao; chiếc máy ảnh Olympus của tôi hôm nay được dịp thử chiếc ống kính 14-34mm của anh bạn đồng nghiệp người Đức tặng tôi tuần trước. Đó là kết quả của sự ngưỡng mộ về những tấm hình mà tôi đã chia xẻ cho hắn trước đó và hiện giờ niềm tin ấy bắt đầu giảm sút rõ rệt khi hắn phát hiện ra những thiết bị “cùi bắp” của tôi vẫn sử dụng chẳng đáng giá một nửa lượt vé máy bay khứ hồi của hắn tới Việt Nam. Chả sao cuộc sống vốn vậy trong những cái khó khăn luôn làm cho sự minh mẫn của bộ óc làm việc để sáng tạo.

nd3.jpg

Ở độ cao 350m so với mực nước biển, toàn cảnh núi dinh nhìn từ trên cao là các dãy núi trùng điệp nhấp nhô trải dài như bất tận. Một vẻ đẹp khó tả mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người nơi đây mà mấy ai một lần trong đời được phiêu du đến chốn này để hòa mình vào cỏ cây hoa lá và lắng nghe tiếng gọi bầy của lũ chim, tiếng róc rách của dòng suối, tiêng rên xiết của côn trùng cùng cất lên như một bản giao hưởng gần như bất tận của rừng xanh.

nd4.jpg

Mùa này những chùm Muồng hoa đào Cassia javanica khoe sắc rực rỡ trên những đám lá xanh biếc. Loài thực vật này luôn gây được sự chú ý của các loài côn trùng đến hút mật và thụ phấn bởi mùi hương thơm nhẹ nhưng nồng nàn của nó. Vẻ đẹp của các loài hoa luôn là niềm hưng phấn trong thi ca nhưng với những nhà nghiên cứu Đa dạng sinh học hoa của một loài chính là chiếc chứng minh thư tốt nhất để xác nhận loài đó. Chả thế mà cổ nhân đã đúc kết “Mỗi cây mỗi hoa...”

nd5.jpg

Bước đi trong im lặng, đôi tai chỉ còn nghe tiếng lá rung xào xạc theo làn gió nhẹ và tiếng thở dốc vì mỏi mệt của mọi người, bất chợt An “sụyt” một tiếng như ra hiệu vừa phát hiện ra một điều bí ẩn. Tôi chỉ kịp đưa ống kính theo hướng tay của An và bấm máy liên tiếp. Kết quả là một con heo rừng Sus scrofa đang mải mê kiếm ăn bữa sáng bỗng vụt chạy rất nhanh vào rừng khi phát hiện ra chúng tôi. Các loài động vật hoang dã ở nơi đây đã bị săn bắt gần như cạn kiệt và rừng bị tàn phá nặng nề. Hầu hết các loài thú ăn cỏ, ăn thịt như Nai, Mễn … đều đã bị con người tuyệt diệt, những gì còn sót lại chỉ là một số cá thể khỉ, heo rừng, một số loài thú ăn thịt nhỏ như chồn, cheo cheo nhưng chúng cực kỳ nhút nhát, lẩn trốn bóng dáng con người. Một số loài bò sát lưỡng cư còn tồn tại ở đây rất đáng để nghiên cứu vì với những dãy núi biệt lập như vùng núi Dinh rất có thể tìm ra loài mới hay loài đặc hữu.

nd6.jpg
 
Last edited:
Trên một nhánh cây nhỏ đôi vợ chồng nhà chim Bông lau đít vàng Pycnonotus aurigaster đang say sưa bên nhau ngắm nhìn thành quả của tình yêu bên dưới. Nàng chim mái trìu mến nhìn chàng với ánh mắt yêu thương cháy bỏng. Chỉ vài tuần nữa những quả trứng tình yêu trong chiếc tổ ấm áp sẽ nở ra bầy chú chim non xinh đẹp chào đời. Để tiếp nối thế hệ, để bước đi những bước chân đầu đời, để tận hưởng những trái ngọt đầu mùa và để tung cánh lên bầu trời bao la, rộng lớn mà cha mẹ chúng đang thừa hưởng từ tổ tiên để lại. Nhưng nhiều khó khăn chồng chất đang chờ lũ chim bố mẹ còng lưng nuôi bầy con khôn lớn trong điều kiện khu rừng bị tàn phá. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đang chờ đợi với hầu hết những loài sinh vật còn tồn tại ở vùng núi nghèo kiệt này. Hy vọng tình yêu thương của đấng sinh thành sẽ giúp nhà chim Cành cạch đít vàng vượt lên tất cả.

nd7.jpg


nd8.jpg

Khi những bước chân chúng tôi vượt lên đỉnh núi ở độ cao hơn 500m. Mặc dù trên khuôn mặt mọi người đầy những giọt mồ hôi lăn dài và những tiếng thở dốc vì mệt mỏi vì kết thúc cuộc hành trình vượt dốc. Nhưng khi phóng tấm mắt nhìn xa về phía biển. một phong cảnh thành phố, làng mạc hiện ra như một bức tranh hoàn hảo khiến sự mệt mỏi gần như tan biến. Chiếc ống nhóm 52x được truyền tay nhau để lấp đầy con mắt đã thèm như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.

nd9.jpg

Trên vách đá dựng đúng và trơn trượt, những mảng hoa lan Nhài tím Doritis pulcherrima đầu tiên đã xuất hiện như một chiếc thảm hoa đầy màu sắc rực rỡ. Tôi không dám đưa chiếc máy ảnh lên để ghi lại bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp này vì sợ rằng quần thể hoa lan này có thể bị tàn phá nếu như… Bất chợt trong đầu tôi hiện lên hình ảnh những bó lan rừng dập nát bị con người thu hái không thương sót đang bày bán trên một con đường đầy bóng cây ở thành phố Hồ Chí Minh. Vâng cuộc mưu sinh của con người có thể tàn khốc đối với muôn loài nhưng sự tuyệt chủng là hiểm họa khó lường cho tất cả chúng ta.

nd10.jpg

Trong chiếc thảm nhung đỏ rực loài lan Nhài tím Doritis pulcherrima là một chùm hoa lan đột biến với chiếc cánh môi màu tím nhạt và cánh tràng màu trắng tuyệt đẹp đang đung đưa theo gió. Chắc chắn tấm hình này sẽ là niềm khao khát của những nhà sưu tập hoa lan khi được chiêm ngưỡng và sở hữu bông hoa rực rỡ này.

nd11.jpg

Bên một vách đá ẩm ướt là một đám xanh nhỏ li ti kiến tôi giật mình khi nhìn thấy những bông hoa Lan trứng ốc Porpax elwesii. Loài lan có kích thước củ rất nhỏ gần bằng 1cm, cao 0,2cm có 8 - 10 cạnh và vân giống hình ốc nằm ôm sát các kẽ đá ở các tảng đá mẹ rải rác ở độ cao 500m này mọc khá nhiều. Có thể rất nhiều nhà phân loại về phong lan cũng chưa chắc một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bông hoa lan trứng ốc trong tự nhiên. Với 2 chiếc lá dài 1 - 2cm rất rễ rụng nhằm tránh thoát nước vào mùa khô giúp chúng vượt qua mùa cực kỳ khô khắc nghiệt ở vùng núi này và củ lan rất nhỏ này sẽ ẩn mình teo tóp trong các kẽ đá rất khó nhận ra bằng mắt thường chờ đợi mùa mưa năm sau. Sau nhiều năm và nhiều lần chờ đợi, lần đầu tiên chúng tôi đã chụp hình được hoa của loài lan này trong tự nhiên.
nd12.jpg
 
Mải mê ngắm những bông hoa lan đầu mùa khoe sắc trên những phiến đá. Thật bất ngờ khi đồng nghiệp của tôi đưa tôi một chú thằn lằn đỏ rực và lạ lẫm. Tôi săm soi nhìn nó như một món quá tặng đẹp nhất trong ngày và nghi ngờ về một loài mới. Khi bài viết này được lên báo thì cũng là lúc ghi nhận vùng phân bố mới của loài thằn lằn Buôn Lưới Sphenomorphus buonloicus ở núi Dinh. Loài bò sát này cũng mới được các nhà khoa học Nga và Việt Nam phát hiện năm 2003 và chỉ thu được mẫu duy nhất ở vùng Buôn Lưới thuộc tỉnh Kontum. Khám phá thú vị và bất ngờ về loài thằn lằn Buôn lưới ở Núi Dinh là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của chúng tôi. Có thể đây chỉ là niềm tự hào nhỏ nhoi của những con người nhỏ bé trong thế giới rộng lớn đầy ắp những điều thú vị, bất ngờ còn ở phí trước.

nd13.jpg

Trong một góc khuất của tảng đá mẹ dựng dứng loài hoa lan Chu đình vàng Spathoglottis affinis lặng lẽ khoe sắc rực rỡ với màu vàng tinh khiết nổi bật trong những mảng đá đen xù xì. Mặc dù không phải là loài quí hiếm nhưng để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của loài lan này kiến tôi chợt nhớ về ca từ trong một ca khúc lãng mạn của Nguyên Sa “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường” và nhớ về một thời xa vắng…

nd15.jpg


Mặt trời đã đứng bóng chúng tôi sửa soạn xuống núi sau một buổi sáng thu hoạch được khá nhiều mẫu vật và nhiều tấm hình ưng ý. Niềm vui hiện rõ lên từng khuôn mặt bằng những tiếng cười rộn rã xua tan sự mệt mỏi. Tôi ngả lưng ngắm nhìn bầu trời trong xanh không một gợn mấy, từng tia nắng buổi trưa gay gắt như cố xuyên qua đám lá dày của khu rừng thường xanh còn sót lại. Những bước chân của gió đang đùa nhau xào xạc trên những tán lá xanh rì. Thoáng một chút khoảng lặng, tôi nhận ra từng hồi rên rỉ của nàng ve sầu lười biếng dậy sớm đang gọi bầy và như cố muốn níu kéo mùa khô dừng lại. Nhưng tạo hóa rất công bằng với muôn người, muôn loài chứ không ưu ái dành cho bất cứ ai hay bất cứ kẻ lười biếng nào của thiên nhiên. Bất chợt một cảm giác nhồn nhột dưới lưng khiến tôi bật dậy và với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tôi nhẹ nhàng dùng hai tay bốc nhẹ đám là khô bỏ vào trong chiếc hộp mẫu. Tôi lặng người ngắm nhìn vợ chồng nhà Chuột chù núi cao Suncus sp. đang ngủ ngon lành trong chiếc lá khô cuộn lại như chiếc kèn. Lần đầu tiên trong đời làm khoa học tôi nhìn thấy một loài chuột trưởng thành có kích thước nhỏ bé đến thế. Kích thước chúng chỉ bằng phần đầu chiếc bút bi mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày. Lúc này tôi nghĩ ngay đến người đồng nghiệp chuyên gia nghiên cứu về nhóm này ở Việt Nam. Mới đây sau khi chuyển mẫu Hộp sọ và DNA qua bảo tàng quốc tế so mẫu anh đã thông báo cho tôi biết đấy là loài thú (chuột chù núi cao) hoàn toàn mới này sẽ được công bố ở Việt nam vào năm 2011.

nd14.jpg

Chào nhé núi Dinh, dãy núi đã trở nên thân quen với tôi từng gốc cây ngọn cỏ. Vậy là nơi những cánh rừng bị tàn phá đến trơ trụi này vẫn còn phát hiện ra 2 loài mới cho khoa học và ít nhất 2 loài ghi nhận vùng phân bố mới. Trong sự hoang tàn tưởng chừng như chấm hết cho một dãy núi trước đây đầy ắp cây xanh và muông thú nhưng vẫn còn sót lại rất nhiều điều cần khám phá cho khoa học và cuộc sống của con người. Biết đâu đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải ngoảnh nhìn lại và muốn gìn giữ những giá trị ít ỏi của dãy núi hùng vĩ này ? Phải chăng đó chỉ là lời ai oán, than khóc, tiếc thương cho thiên nhiên hoang dã nơi đây của một kẻ lữ hành cô độc chốn nhân gian.
 
Last edited:
Mình hỏi ngoài lề tý, bạn là nhà báo phải không? Vì hôm trước mình copy bài Vườn quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận của bạn thì thấy trên internet - hình như báo Tuổi Trẻ hay Thanh Niên cũng có bài đó, nhưng bút danh khác!
cám ơn đã post bài!
 
Chào linhnam !
Mình không phải nhà báo và những bài viết chưa bao giờ với tư cách nhà báo bạn à mình là người nghiên cứu về Đa dạng sinh học bình thường thì đúng hơn !

Cám ơn bạn
 
Cảm ơn Anh Trung đã chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời với thiên nhiên hoang dã. Anh không là người NC ĐDSH bình thường mà anh là người cực kỳ đặc biệt, yêu công việc, lối viết của anh vô cùng cuốn hút.
Trước em cũng làm nghiên cứu ĐDSH với Frontier Vietnam, nhưng em thực sự đúng là ng rất bình thường :)
Rất cảm phục trước những gì anh đã và đang làm
 
Tuần này 15/16/06/2013 sẽ quay lại nơi đêy để kiểm tra xem các tình yêu của mình có sinh sôi, nảy nở nhiều chưa và kiểm tra xem những bí mật còn chôn zấu… Núi Dinh rất đáng để các bạn quan tâm, chiêm ngưỡng và bảo vệ để trời thành một phần không thể tách rời trong các cung đường phượt của chúng ta. Nếu có members nào muốn tham gia cùng thì call mình nhé 0944679222 - Trung
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,684
Bài viết
1,135,209
Members
192,401
Latest member
Xuanbaongoc
Back
Top