What's new

Hội An - Phố Phải Lòng

Hội An – Một thành phố nhỏ ở miền Trung Việt Nam, thuộc tỉnh Quảng Nam – Được du khách nước ngoài biết đến dưới cái tên “Faifo”. Cái tên này xuất phát từ tên Hải Phố, tức thành phố nằm bên bờ biển, đọc trại đi. Cũng có thể do đọc ngắn gọn tên Hội An Phố thành “Hội Phố”, rồi dần thành “Faifo”… Tất cả những giả thiết trên đều không thể kiểm chứng. Nhưng cái tên Faifo đã chứng minh cho sự giao thoa văn hóa một thời ở Hội An.

Từ thời đấy, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn nhất của vùng Đông Nam Á. Nhiều thương nhân nước ngoài định cư tại Hội An, xây dựng nhà cửa, đình chùa theo văn hóa cố hương. Giúp pha trộn nên một Hội An với nhiều kiến trúc đa dạng và độc đáo.

Từ cuối thế kỷ XIX, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, cảng Hội An suy thoái dần và mất hẳn. Nhường lại vị thế chiến lược cho cảng Đà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh được sự tác động của đô thị hóa hiện đại, an toàn tồn tại qua chuỗi biến cố lịch sử, để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể đô thị hết sức độc đáo. Hội An là địa điểm duy nhất của Việt Nam được bảo tồn gần như nguyên vẹn một cách kỳ lạ bất chấp dòng quay của lịch sử.
 
Đến với Hội An, bước qua Chùa Cầu, thăm nhà cổ Tân Ký, hội quán Phước Kiến, nhà cổ Phùng Hưng… Ăn Cao Lầu, mì Quảng, đi một vòng phố chợ. Vậy là bạn đã có một Hội An trong tim rồi đấy.


Cầu do người Nhật thiết kế, bên cạnh có chùa của người Hoa nên gọi là Chùa Cầu. Cả 2 công trình này đều do người Việt Nam xây dựng
 
Phố cổ Hội An có 15 điểm đến lịch sử nhưng mỗi vé tham quan (giá từ 60k) chỉ đi được 3 đến 5 điểm. Muốn đi được hết phải mua ít nhất 3 lần vé. Tốt nhất bạn nên lựa chọn cẩn thận nơi mình thật sự muốn đến để tiết kiệm hơn. Tránh tình trạng bị giới thiệu vào các địa điểm sản xuất và bán quà lưu niệm.

Cách tốt nhất để khám phá thị trấn Hội An là đi bộ. Muốn đi xa hơn một chút, bạn có thể thuê xe đạp [30k/ngày], xe máy [100k/ngày] ra biển Cửa Đại hay thăm các làng nghề truyền thống nằm xung quanh trung tâm thành phố. Đến thăm làng nghề, bạn có thể tham gia một số công đoạn sản xuất đơn giản để ghi dấu ấn kỷ niệm phố cổ và mang sản phẩm đó về nhà.
 


Từ chợ Hội An đi tàu sang bên kia sông Hoài là tới làng mộc Kim Bồng (thuộc xã Cẩm Kim) nổi tiếng từ rất lâu với nghề chạm trổ và điêu khắc gỗ. Bước chân vào một cơ sở mộc truyền thống, tôi ngửi ngay thấy mùi đặc trưng của gỗ Pơ Mu – một loại gỗ rất quý – phát ra từ phía những người thợ mộc đang chăm chú với công việc của mình. [Được chị quản lý gật gù khen vì đánh hơi giỏi :)) ]



Xung quanh trưng bày rất nhiều sản phẩm cho du khách tới xem. Cũng từ nơi đây, tôi đã được quan sát tất cả các bước để làm nên một tác phẩm cẩn ốc xà cừ. Công việc yêu cầu nghệ nhân phải rất tỉ mỉ và kiên trì.

 
Rời khỏi làng mộc, đi xa hơn một chút chúng tôi đến với làng chiếu (thuộc xã Duy Vinh). Làng nghề này hiện nay đã bị mai một nhiều. Ở trong làng, chúng tôi không nhìn thấy bóng dáng của một người trẻ nào. Người bạn đồng hành của tôi (là người địa phương) đã nói rằng: “Không biết lần sau chị trở lại có còn nhìn thấy làng nghề này nữa không?” Cậu bé rất lo lắng cho sự duy trì và phát triển các làng nghề ở đây – nơi cậu sinh ra và lớn lên. “Phải làm thế nào để phát triển du lịch, nhưng không đánh mất nét truyền thống” là điều khiến cậu trăn trở. Và chúng tôi rời khỏi đấy với một chút thẫn thờ.

 
Quay lại bên kia sông, cách trung tâm tầm 3km về hướng Tây là làng gốm Thanh Hà (thuộc phường Thanh Hà).



Đây là làng nghề duy nhất mà du khách bắt buộc phải mua vé tham quan [15k]. Và được tặng một con thổi làm đất nung làm quà kỷ niệm. Một món quà rất nhỏ, bạn có thể mua ngoài chợ với giá chỉ 3000đ, nhưng đủ để khiến tôi trở nên hào hứng trên con đường tìm đến nó.

 
Rời khỏi làng gốm trong tâm trạng phấn khởi vì được quà. Chúng tôi đến với làng rau Trà Quế (thuộc xã Cẩm Hà), cách trung tâm Hội An khoảng 3km về phía Tây Bắc. Đến đây, nhắm mắt lại là bạn có thể cảm nhận được mùi hương của từng loại rau. Nhờ được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Lò nên có hương vị đặc trưng rất riêng. Người dân nơi đây cũng có cách làm du lịch không giống ai. Họ chuẩn bị những bộ quần áo nông dân cho du khách mặc để ra vườn học cách trồng rau và thu hoạch và nấu ăn bằng chính số rau đấy.



 
Quay lại trung tâm thành phố Hội An, cũng là lúc trời bắt đầu chuyển tối. Chúng tôi đã được thỏa sức tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngã đường vào phố cổ. Có một chút gì đấy như sự hoài niệm về quá khứ, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Chúng tôi như được trở lại với thương cảng nhộn nhịp năm xưa.

 
Trong thời gian lưu lại nơi đây, tôi ở xã Cẩm Thanh, cách phố cổ Hội An 4km. Ở đây nổi tiếng với rừng dừa bảy mẫu – Một Nam Bộ trong lòng phố Hội. Ngoài việc phát triển du lịch sinh thái, người dân nơi đây có một nghề cổ truyền đặc sắc là làm nhà dừa. Đây là nghề duy nhất chỉ có ở xã Cẩm Thanh.



Các tàu dừa nước được khai thác, ngâm nước, phơi khô… trở thành nguyên liệu làm nhà như tre, nứa ở vùng Bắc Bộ. Lá dừa được may lại thành tấm dùng để lợp nhà. Dừa nước mỗi năm chỉ thu hoạch một lần. Và tôi thấy mình thật may mắn khi tới nơi đây đúng mùa thu hoạch.



 
Hội An thầm thì với mỗi tâm hồn một cách khác biệt, ru vào lòng mỗi người một nổi niềm rất riêng. Có người yêu nét cổ kính, thanh bình của những con phố cổ vẫn giữ nguyên vẹn được cái hồn. Có người yêu cái không khí làng quê rất đỗi dịu dàng và có gì đó sâu lắng, khó quên. Có người được Hội An thanh lọc, rời đi như một người mới. Có kẻ lại xa Hội An mà vẫn còn nặng lòng vương vấn một chút tháng năm xưa. Là người Việt Nam, bạn nên ghé thăm Hội An một lần, vì không phải đất nước nào cũng may mắn sở hữu một vùng đất nhiệm màu như vậy.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,686
Bài viết
1,135,247
Members
192,405
Latest member
cashappaccount23331
Back
Top