What's new

Huế - Viết cho nỗi nhớ

Bạn có bình chọn cho bài viết dự thi của LoveParadjse không?

  • Votes: 21 100.0%
  • Không

    Votes: 0 0.0%

  • Total voters
    21
Status
Not open for further replies.

LoveParadjse

Phượt thủ
Nick thành viên: LoveParadjse
+ Địa chỉ email: [email protected]
+ Số điện thoại: 0902 505 619
+ Tên bài dự thi: Huế - Viết cho nỗi nhớ


Em đến với Huế vào một ngày nắng đẹp, một ngày mà trước đó trên đài dự báo thời tiết, người ta còn thông báo "mưa to đến rất to, có nơi có dông". Anh bạn gọi điện, hỏi thăm, em cười, bảo: “Không sao, em sẽ mua một cái ô mang theo, cầm ô đi dạo bên bờ sông Hương cũng man dại lắm” Anh trêu: “Thôi đừng xài ô, em đội nón lá mặc áo tơi đi, rất phá cách”, kèm theo đó là tiếng cười đượm mùi man trá . Trời thương em, không khiến em phải mặc áo tơi.

Ngày thứ nhất.

Em nhớ câu hát: "Chợ Đông Ba khi mình qua, lá me bay bay là đà, chiều thiết tha, có anh bên mình mà ngỡ hôm qua", nên khi vừa đặt chân vào thành phố, em đã ngay lập tức đi tìm câu hát đó. Khi nhìn thấy cái chợ trong khúc hát dịu dàng và mượt mà ấy, em thấy những ảo tưởng trong mình vỡ tan. Em tự nhiên thấy mình chỉ muốn được ngồi trong một quán café máy lạnh, tránh đi cái nóng nực của trời. Lò dò gửi xe, lượn lờ vào chợ. Theo kinh nghiệm đọc được, em đi lòng vòng tìm chỗ nào đông người Huế ăn thì vào nhưng khổ nỗi, cái giờ em đi là giờ tréo ngoe, sáng không ra sáng, trưa chẳng ra trưa, hàng quán vắng tanh vắng ngắt. Quyết định dấn thân vào một quán ăn theo kiểu hên nhờ rủi chịu, em rủi vạc mặt. Kêu một tô bún bò huế, rồi một đĩa bánh bèo bánh lọc, tất cả dở tệ, dở đến “đau lòng con cuốc cuốc”, sau đó còn được khuyến mãi một cái giá mà người ta hay nói “đắt xắt ra miếng”. Những gì sót lại của câu hát đó là có lá me bay.

Cũng phải nói rằng, để chuẩn bị cho chuyến đi, em đã lật tung trang phượt tìm các thông tin về Huế. Từ cách đi từ sân bay về trung tâm thành phố, thuê khách sạn, xe máy ở đâu, nào là quán ăn ngon ở địa điểm X, nào là café đẹp ở địa điểm Y, cho đến các kinh nghiệm nhỏ lẻ khi phượt Huế, tất cả được em chắt lọc rồi in ra một đống tờ A4, dù sao thì khi cần cũng có “phao” mà rút. Tuy nhiên, sau vụ ăn uống, em ngộ ra một điều rằng, dù có bí kíp, nhưng thời thế thế thời quan trọng lắm. Bởi vậy, đẹp nhất vẫn là mọi sự tùy … nghi.

Rời chợ Đông Ba, em về Đại Nội.

Nói thiệt chứ, không nói ra thì không ai biết mình cùi, chứ trước đây, em cứ hay nhầm nhọt Đại nội, Hoàng thành hay Tử cấm thành là một, chẳng qua là những tên gọi khác nhau mà thôi. Mà thực ra thì nói là một cũng đúng, đúng với cái kiểu “Anh với em tuy hai là một, em với anh tuy một mà … ba” ấy.

Chẳng hiểu sao, nói đến Kinh thành Huế em tự dưng liên tưởng đến … bánh chưng, vòng tường thành đầu tiên của kinh thành được ví như lá bánh. Ta sẽ thấy toàn bộ phần gạo nếp màu trắng là khu vực nhà dân, quan lại, phần đậu xanh là Hoàng thành, trong đậu xanh có thịt mỡ là Tử cấm thành. (So sánh cho vui thôi chứ Kinh thành nó không mềm mềm thơm thơm như vậy). Hoàng thành và Tử cấm thành gọi chung là Đại Nội. Bởi vậy, nếu nói đến Hoàng thành sẽ hàm ý cả Tử cấm thành, nhưng nếu nói đến Tử cấm thành thì nó chỉ là Tử cấm thành mà thôi. Vì chuyến đi này mà em ngồi khảo gu-gô-ô-pa, nhờ đó mà bớt cùi hơn tí.


Muốn đi vào Hoàng thành trước tiên phải đi qua cổng Ngọ Môn, ngọ ở đây không mang nghĩa giờ ngọ mà là hướng nam, tức là cổng hướng nam. Ngọ môn là mặt tiền của Hoàng thành, ngày xưa chỉ mở cho vua đi, hay khi tiếp kiến sứ thần nước ngoài, phía trên là Lầu Ngũ phụng, dùng để tổ chức một số cuộc lễ hàng năm của triều đình.

Bước qua Ngọ Môn sẽ đến hồ Thái Dịch có cây cầu bắc ngang mang tên Trung Đạo. Hồ đầy sen, ngó xuống mới ngỡ ra em đi vào độ sen tàn, chỉ toàn lá muốn úa đến nơi chứ chả thấy hoa. Chợt nhớ đến câu thơ của ai đó em quên mất tên:
“Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa”

Chẳng hiểu vì sao lúc đó chợt nhớ đến hai câu thơ ấy mà nghe lòng dâng lên một nỗi buồn da diết. Cũng may, từng đàn cá lội tung tăng cắt đứt nguồn cảm hứng, bởi khi nhìn thấy lũ cá đông hơn quân Nguyên ấy, em tự nhiên chép miệng “Chẹp, cá này mà om dưa là ngon phải biết”. Em tự nhiên hận bản thân mình, tại sao trong hoàn cảnh ấy mà em lại để ý đến cái sự no đói rất “đời thường”. (Thở dài)

IMG_0074.jpg

Cá này mà om dưa thì ngon lắm đây

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong tất cả các cung điện khác ở Huế vì đây là nơi đặt ngai vàng của nhà vua. Không nói đến góc độ nghệ thuật, kiến trúc, trạm trổ, ấn tượng sâu sắc nhất của em với điện này là em thấy điện sao mà có nhiều cột thế. Toàn cột là cột thôi (Xin lỗi cuộc đời vì cái khiếu thẩm mỹ lùn của em)

Dạo một vòng Đại Nội, trong lòng em tự dưng dâng nỗi bi ai. Than ôi, hoàng thành hoành tráng một thời khi xưa, giờ chẳng còn nhiêu, phế tích thì nhiều, những gian phòng đang được tu tạo lại trơ bê tông cốt thép, có thể cảm nhận ở nơi đây một vẻ tân cổ rất … không duyên.

IMG_0118.jpg

Bức tường cũ nát đối nghịch với gian nhà mới.

Tự an ủi rằng, có lẽ em hơi khó tính rồi. Chẳng có gì trường tồn với thời gian, người ta phải trùng tu, tôn tạo lại mới có thể giữ được nét xưa, giai đoạn “giao thời” mới – cũ hẳn nhiên là giai đoạn tất yếu.

Trước đây, khi chưa đến Huế, có một lần em dạo quanh một diễn đàn du lịch, và đọc được một số thảo luận về một cái sân quần vợt trong hoàng thành, đại loại như “Tại sao trong một di tích cổ xưa lại có một sân tennis rất hiện đại”, “Điều đó thật ngớ ngẩn, tại sao lại phá vỡ cảnh quan của đại nội như thế”. Em bị những ý kiến đó khắc vào đầu, khiến bản thân mình cũng trở nên định kiến. Sau này khi thấy cái sân quân vợt ấy, em cũng kêu lên “Ôi men ơi. Một cái sân quần (vợt) trong khu Đại Nội. Thật chả hiểu ra làm sao cả. Chắc trong quá trình trùng tu tu bổ có pha trộn chút kim cổ vào cho nó hoành tá tràng”

Em đã mất rất nhiều thời gian để tự xấu hổ cho cái nhận xét thiển cận ấy của bản thân mình. Đó là khi em biết rằng cái sân quần vợt ấy không phải do người ta “thêm thắt” chuyện cổ chuyện kim, mà là sân chơi của vua Bảo Đại. Định kiến một vấn đề đã là nguy hiểm, định kiến một vấn đề dựa trên “nghe hơi nồi chõ” càng nguy hiểm hơn. Có câu nói, “Đi một ngày đàng học được một sàng dại
Sàng đi sàng lại cũng có một cái khôn”
Em thật tin điều đó sau chuyến đi này.

Tham quan Đại Nội, em không đi theo trình tự trước sau, phải trái mà đi lung tung loạn xạ, như việc đi phăm phăm qua Ngọ Môn, lượn hết một vòng rồi mới trở ngược lên lầu Ngũ Phụng. Ở đây, phía trước nhìn ra thấy cột cờ lớn (Kỳ Đài) cờ bay phấp phới, quay lưng nhìn lại là tổng thể hình ảnh điện Thái Hòa. Ở góc độ này, Hoàng thành vẫn giữ được vẻ đẹp vàng son của một thời đã cũ.

Hue-MayNam.jpg

Vẻ đẹp kinh thành nhìn từ lầu Ngũ Phụng. Tự sướng tấm ảnh chụp với cái trống lớn bên phải lầu Ngũ Phụng.

Tuy nhiên, dư âm đọng lại nhiều nhất trong em là câu chuyện về chín cái đỉnh đồng (Cửu đỉnh) đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện Thế Tổ miếu. Cửu đỉnh được vua Minh Mạng ra chỉ dụ đúc vào năm 1836, khắc các hình tượng sông núi và mọi vật. Nếu như Đại Nam nhất thống chí được xem là sách địa lý chính thức của triều đình nhà Nguyễn, thì Cửu đỉnh là một bộ “Đại Nam nhất thống chí” bằng hình ảnh, là một bách khoa thư của Việt Nam ở thế kỷ 19.

Trước khi đi, em có tìm hiểu những nơi sẽ tham quan nhưng bỏ sót Cửu đỉnh, nên thật ra lúc ngó nghiêng mấy cái đỉnh đồng, em thấy chúng cũng bình thường như cân đường hộp sữa. Chín cái đỉnh được xếp thẳng hàng thẳng lối, ngoại trừ cái đỉnh ở giữa được đặt cao hơn một chút, cũng không hiểu nguyên nhân tại sao. Nhìn những hình ảnh được chạm trổ trên đỉnh, chỉ biết thế thôi nhưng cũng không hiểu được gì. Đang tần ngần tính lượn luôn cho xong thì một đoàn du khách kéo đến, anh hướng dẫn viên có nụ cười như mùa thu tỏa nắng khiến em cũng muốn … tỏa nắng theo. Thế là em đi theo anh, coi như em và Cửu đỉnh có … cơ duyên.

Nhờ thế, em biết được những điều muốn nói ẩn sau cổ vật, ẩn sau những hình ảnh ấy là cả một hệ thống những tư tưởng về thời đại, những câu chuyện về một vương triều, là khát vọng về sự trường tồn cũng như sự lớn mạnh, giàu đẹp của đất nước. Vua Minh Mạng đặt tên cho từng đỉnh và định rõ vị trí đặt mỗi đỉnh, theo đó thứ tự các đỉnh được đặt ở vị trí tương ứng và đối diện với một gian thờ ở nội điện Thế Tổ miếu. Cao đỉnh, là đỉnh được đặt vượt lên các đỉnh khác, tương ứng với gian thờ vua Thế Tổ, tượng trưng cho sự vĩ đại, Nhân đỉnh tượng trưng cho đức độ, Chương đỉnh tượng trưng cho ánh sáng… mỗi đỉnh mang một ý nghĩa khác nhau.

Em đứng nghe anh hướng dẫn thao thao bất tuyệt, mắt đảo như rang lạc, hết nhìn anh đến nhìn đỉnh (chắc nhìn anh nhiều hơn vì dù sao đỉnh cũng có ảnh mà nhìn lại chứ anh thì hết duyên là hết nhìn), trong lòng bừng lên một cảm giác có thể gọi là lòng tự hào dân tộc. Em chợt nhớ đến cái ngày xưa ấy, khi còn là một con bé hiền lành, chăm chỉ học hành vậy mà vẫn dốt đặc môn lịch sử, học đâu quên đó, đừng hỏi tại sao phụ huynh bây giờ than con như vạc. Giá như em biết đi bụi từ thuở còn … thơ.

Trời ngày hôm đó trong xanh, mây trắng nắng vàng. Từng đoàn du khách dập dìu, tài tử giai nhân tấp tập, các chị các anh tây đầu đội nón lá, mặc áo sao vàng, tay cầm quạt giấy, tất cả vẽ thành một bức tranh đầy màu sắc, đầy sức sống.

Rời Đại Nội đã gần hai giờ chiều, đuối, mệt, nóng nực, em trở về khách sạn mở điều hòa vù vù, thăng một phát đến tận ba giờ. Đến lúc mở mắt ra thấy trời đã mưa.
 
Last edited:
Mưa Huế.

Mưa, cái mưa giống mưa Sài Gòn quá thể, vừa nắng vừa mưa, đỏng đảnh…

Chùa Thiên Mụ hiện ra trước mắt em không như những gì em mong đợi. Mà thực ra, em cũng không biết mình đã mong đợi điều gì? Em đã tìm hiểu nhiều thông tin về Chùa trước khi đi, những giai thoại, những lời đồn đoán. Em không phải là người có thể săm soi từng nét khắc, từng nét chạm trổ để nhìn ra vẻ đẹp của một di tích, nhưng lại rất thích nhìn vào mái ngói rêu phong để thấy được hồn Việt. Sau này, khi nhìn hình chụp toàn thể cảnh chùa, em có được một cảm nhận khác hơn. Chợt nhớ ra rằng, lúc đứng ở hậu viên chùa nhìn xuống dòng sông Hương đục ngầu đang hiền hòa chảy, em cảm thấy trong tâm thư thái an nhiên. Trời đã nắng lên, nhưng em vẫn quàng thêm một vòng khăn, tiến về Văn Miếu.

IMG_7677.jpg

Hậu viên chùa Thiên Mụ

Không biết em có đến lầm chỗ không, mà Văn Miếu trông vô cùng thê thảm. Đứng ngó nghiêng một hồi, không tìm thấy cổng vào, em về. Có lẽ em đến nhầm.

Huế của người ta ơi…

Cầu Trường Tiền không như những gì em tưởng tượng, nếu không có ánh đèn màu phủ lên đó vẻ mờ ảo thì em thấy nó chẳng khác gì một khối bê tông thô kệch. Đúng là “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, cầu đẹp vì đèn đêm”. Có lẽ, do em đã quá mơ mộng khi nghĩ về nó theo cái cách mà những bài hát miêu tả Huế, hoặc, do khả năng cảm thụ thẩm mỹ của em nó cũng xù xì giống em, nên dù cố gắng thế nào cũng không cảm được " dáng dấp mềm mại, uyển chuyển, thông thoáng, nhẹ nhàng rất thích hợp với tâm hồn trầm lắng, cuộc sống ung dung, thanh thản, tế nhị, dịu dàng của người dân xứ Huế. " (web huexuavanay). Ngẫm lại thì, có lẽ bởi vì em không phải loại người trầm lắng, "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" Tuy nhiên, sau một hồi đọc hết bài viết nói việc cây cầu bị giật sập trong chiến dịch Mậu thân (năm 1968), cầu giờ đã là cầu "trùng tu", "đổi màu cầu từ màu dụ bạc sang màu lam, nên chiếc cầu không còn giống chiếc lược ngà và không còn lấp lánh dưới ánh mặt trời nữa" nên em có chút hy vọng mong manh rằng em cũng không đến nỗi thuộc con nhà "thô thiển học". Dù sao thì em cũng đâu được chứng kiến “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy”, khi cái cầu còn giống chiếc lược ngà nữa mà khen, nhỉ.

Nhưng, khi đêm buông màn, khi phố lên đèn, khi cầu Trường Tiền được thay da đổi màu nhờ những ánh đèn hết trắng rồi xanh, hết xanh rồi tím, hết tím rồi hồng cánh sen ấy thì có vẻ sự lãng mạn cùng với vẻ đẹp đang lang thang ở đâu đó đã tìm đến. Em thích cái không khí của phố ẩm thực ấy, nó mang dáng dấp hoài niệm về một thời vàng son một cách rất ... hiện đại. Em đổi tiền lấy phiếu mua hàng, mua 3 cái ... bánh tiêu, ăn đến cái thứ 2 thì bắt đầu thấy .. mỏi răng. Lon ken khiến em thấy mình dịu dàng hơn, rồi cứ thế em dạo bước qua cầu.

IMG_7742.jpg

Phố xá khi đêm về, nhìn từ cầu Trường Tiền.

Cây cầu chỉ có 400m thôi, mà em cảm thấy như dài, dài lắm. Em tự nhiên thèm một bàn tay nắm, bởi dẫu sao thì, cuộc đời biết mấy lần dài so với cái cầu này.
 
Ngày thứ hai.

Ngủ dậy, bỏ lại sau lưng những ủy mị của ngày hôm trước, và đùng một cái, em trở thành kẻ “rơi xuống vực, vô tình lụm bí kíp”

Đó là khi em “lụm” được anh bạn đang công tác ở Huế. Vậy là em đã có một người bạn đồng hành thẳng tiến lăng Khải Định.

Lăng Khải Định hay còn gọi là Ứng Lăng, là lăng cuối cùng được xây dựng trong hệ thống các lăng của triều Nguyễn, được xây dựng trong 11 năm, từ năm 1920 đến năm 1931 mới hoàn thành. Đây là lăng tạo cho em ấn tượng mạnh mẽ nhất trong hệ thống lăng tẩm Huế. Đứng từ chỗ gửi xe nhìn lên, cảm giác lúc đó thật sự choáng ngợp trước một công trình kiến trúc độc đáo, cứ ngỡ như trước mặt là một tòa lâu đài cổ ở châu Âu vậy. Lăng được xây dựng trong giai đoạn văn hóa nghệ thuật phương tây đang thâm nhập mạnh vào nước ta, hơn nữa, tư tưởng của vua Khải Định cũng đã ảnh hưởng của văn hóa phương tây, nên kiến trúc của lăng có sự kết hợp giữa kiến trúc Á - Âu, cũng như có sự kết hợp về tôn giáo, biểu hiện rõ ngay sau khi bước chân qua cổng tam quan. Hoa sen là loài hoa thiêng liêng của Phật giáo, hàng rào lăng là một hệ thống các thánh giá thuộc về Thiên chúa giáo. Các trụ biểu mang nét kiến trúc Champa... Trước sân là tượng hai hàng văn võ bá quan theo đúng nguyên tắc “tả văn, hữu võ”, cùng với các tượng ngựa, voi.
Ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, phải nói rằng, ít khi em có cảm giác ấy.

Cung Thiên Định với gam màu vàng rực được trang trí cực kỳ công phu và tráng lệ hiện ra trước mắt. Các mặt tường đều được đắp nổi bằng nghệ thuật ghép sành sứ, thủy tinh, tạo nên những bức tranh sinh động. Ngẩng đầu nhìn trần điện đến mỏi cổ, em tự hỏi không biết ngày xưa các nghệ nhân họ đã làm thế nào để tạo nên một “Cửu Long Ẩn Vân” kỳ diệu đến thế. Một cảm giác cực kỳ thỏa mãn vì đã đến nơi này.

IMG_0203.jpg

Những bức tường - tranh trong Thiên Định cung.

IMG_0214.jpg

Bức bích họa “Cửu Long Ẩn Vân” trên trần điện. Sau gần một trăm năm không hề bị bay màu vẽ.

Khải Định cũng là vị vua duy nhất công khai nơi chôn cất hài cốt sau khi mất. Sở dĩ ông tự tin như vậy vì hai nguyên nhân, một là thời đại ông đã xa với cái thời quật phá mồ mả, thứ hai là do Ứng Lăng được xây dựng kiên cố, kiến trúc độc đáo, ông tin rằng người đời sau biết đón nhận cái đẹp và trân trọng cái đẹp đó. Có tương truyền rằng nếu phần mộ bị khai quật sẽ khởi động hệ thống cơ quan làm sập lăng này. Trên phần mộ vua là bức tượng Khải Định ngồi trên ngai vàng được đúc bằng đồng ở Pháp, khi mang về Việt Nam thì mạ vàng ròng bên ngoài. Lý do vua tạo dáng ngồi như vậy vì ông tin rằng ở trần thế ông làm vua thì về cõi vĩnh hằng ông cũng làm vua. Phía trên bức tượng là bửu tán (bửu – cao quý, tán – cái lọng), bằng xi măng nặng cả tấn, bên ngoài ốp sành sứ và khảm thếp vàng, điều kỳ diệu là khi nhìn vào lại có cảm giác rất mềm mại, thanh thoát, tưởng chừng như có thể đung đưa trước gió vậy.

IMG_0209.jpg

Tượng mạ vàng ròng của vua và bửu tán bên trên.

Với Ứng Lăng, người Huế có một câu nói rằng, nếu như có một nơi mà người chết nuôi người sống chẳng nơi nào có được, thì đó là Huế, và người đó là vua Khải Định. Người ta bảo, đến Huế, có thể không đi lăng này lăng khác, nhưng nhất định phải ghé thăm nơi này, Khải Định đã để lại một quần thể di tích để con cháu đời sau có thể thu phí mà nuôi người sống.

Ngược dòng thời gian, em tới thăm lăng Tự Đức.

Lăng Tự Đức hay còn gọi là Khiêm Lăng, được xây dựng năm 1864, dự kiến xây trong 6 năm nhưng rút lại còn 3 năm do hai viên quan trông coi việc thi công bắt ép dân binh phải lao động cực nhọc để hoàn thành. Lăng nằm trong một rừng thông, cách Huế 8km.

Có lẽ, do còn bị ảnh hưởng bởi sự hoành tráng của Ứng Lăng, khi đến với Khiêm Lăng em có một cảm giác khá hẫng, nói một cách khôi hài là giống như một người đang đi máy bay tự dưng rớt xuống đi xe đạp vậy. Mặc dù, đi xe đạp tất nhiên cũng có cái hay của nó, nhất là đi trong một buổi chiều mát mẻ, khung cảnh hữu tình. Tuy nhiên, tình trạng đó nếu xảy ra đột ngột quá cũng không tốt, con người sẽ khó thích nghi.

Khiêm Lăng chia thành hai khu vực, khu vực tẩm điện là nơi làm việc, nghỉ ngơi, giải trí của vua cùng các phi tần, và khu lăng mộ. Đi dạo một vòng, thấy nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, đổ nát, một số nơi được treo biển “Khu vực nguy hiểm. Không tham quan.” Trong các gian nhà, nhiều cột trụ bị nứt, phải có cột sắt rường lại cho vững chắc. Trừ một số nơi chính, phần còn lại trông rất hoang tàn.

IMG_7844.jpg

Từ Xung Khiêm Tạ - nơi nhà vua hóng mát, ngắm cảnh và làm thơ nhìn sang Hòa Khiêm Điện, là nơi làm việc của nhà vua mỗi lần đến lăng.

Chữ Khiêm trong chữ Khiêm lăng mang ý nghĩa khiêm nhường, khiêm tốn, các công trình trong lăng không được sơn son thếp vàng, không rực rỡ xa hoa như Ứng Lăng mà đa phần mang màu sắc trầm buồn, u tối. Quần thể lăng rộng lớn, những con đường rợp bóng cây nhưng người thì vắng bóng tạo nên một bầu không khí rất cô tịch.

Trên con đường quanh co dẫn sang khu lăng mộ có một tấm bia có trọng lượng và cao lớn nhất được ghi vào kỷ lục Việt Nam, có số lượng chữ khắc trên bia đá nhiều nhất, do chính nhà vua luận về cuộc đời mình, như, tại sao vua không có con, tại sao lại là người giết anh trai, tự nhận mình nhu nhược... Đây là tấm bia có nội dung độc đáo nhất, là bản tự kiểm của nhà vua để lại cho hậu thế phán xét, đánh giá về một vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong 13 triều vua nhà Nguyễn. Phía sau tấm bia đi thêm một đoạn sẽ đến một cái hồ hình trăng non, ở dưới không có nước, gọi là hồ Tiểu Khiêm. Nước ở dưới hồ do âm dương trời đất hòa quyện mà thành (nước mưa), đi qua hồ đó coi như đã rũ bỏ toàn bộ nợ trần (khu vực tẩm điện), những gì cần nói đã nói hết ở văn bia, rồi đi về phía lăng mộ là nơi cuộc sống vĩnh hằng của vua bắt đầu.

IMG_7863.jpg

Nhà bia - Bên trong là tấm bia lớn, hai mặt khắc bài Khiêm Cung Ký do chính nhà vua ngự chế.

Lúc đó, em không có nhiều ấn tượng với lăng này lắm ngoài việc mua hai cây kem giá 60 ngàn. Tuy nhiên, khi ngồi ngắm lại những bức hình đã cũ, nghe một bản nhạc dịu dàng xứ Huế, và đọc về cuộc đời của một vị vua nổi tiếng nhân từ trong lịch sử thì trong em có nhiều điều rất khác. Thương xót cho một vị vua “lực bất tòng tâm” trước thời cuộc, cả cuộc đời chịu nhiều nỗi thống khổ. Điều đó khiến em nhớ đến cái không khí vắng lặng, yên ả của buổi trưa hôm ấy, nhớ đến những mái ngói rêu phong mang hồn Việt, và nhớ cả câu nói khi người ta nói về Khiêm Lăng, “Đó là nơi nỗi buồn mỉm cười và niềm vui bật khóc”
 
Last edited:
Phá Tam Giang là phút ngẫu hứng của em, khi hai giờ chiều đang ngồi ăn bánh canh cá lóc, em bỗng dưng thèm biển: Anh, ăn nhanh lên, mình đi phá Tam Giang. Lúc đó cũng không biết phá nằm ở đâu, hướng nào. Bật google map lên, thế là người cầm lái nghe người cầm điện thoại chỉ chỉ, trỏ trỏ hướng đến phá Tam Giang.

Tam Giang đi vào giấc mơ em trong một ngày lang thang lướt nét, tình cờ nhìn một bức ảnh mặt trời vàng rực ẩn trong những áng mây hồng, những ánh sáng của ráng chiều xuyên qua không trung, chiếu xuống mặt nước rồi lan ra theo những con sóng nhẹ, sóng sánh sắc màu. Dẫu biết thực tế cuộc sống có thể sẽ không như những gì trên ảnh, nhưng em vẫn tình nguyện bị lừa tình. Tuy nhiên, em không xếp Tam Giang vào danh sách phải đi sau khi tham khảo một số ý kiến ý cò của các nhà tư vấn. Vậy mà cuối cùng nơi ấy lại trở thành nơi làm cho em nhớ nhất trong cả chuyến đi. Ngẫm cho cùng vẫn là một chữ duyên mà thành.

Gọi là Tam Giang bởi nơi ấy là nơi gặp gỡ của ba con sông lớn là sông Bồ, sông Hương và sông Ô Lâu trước khi đổ ra cửa biển. Phá Tam Giang cùng với đầm Cầu Hai nằm trong hệ thống đầm phá Thuận An là đầm phá lớn nhất nước ta. Trong quyển Thiên nhiên Việt Nam của Lê Bá Thảo viết, ngày xưa cửa phá nằm xa hơn ở phía nam, nhưng sau một cơn bão dữ dội và một đợt sóng thần xảy ra năm 1897, cửa phá cũ bị lấp và một cửa phá mới được hình thành ở phía bắc ngay trong thời gian xảy ra biến có ấy. Ngày nay ở địa điểm cửa phá cũ, ta có thể thấy một cồn cát dài chừng hơn 1km được gọi là “Cửa Lấp”

Em đi qua những góc phố lớn, dần dần đến những con đường nhỏ, đi qua những cánh đồng, những đầm sen, đi qua những đụn rơm sau mùa gặt, những đàn bỏ nhởn nhơ trong lúc trời đổ chiều. Em luôn có một cảm giác rất đặc biệt khi ngắm nhìn những cánh đồng lúa, dù là lúa đã gặt, lúa đang mùa trổ bông, nghe hương đòng đòng thơm non, nghe mùi rơm rạ cháy. Tất cả đều gợi lại những ký ức khi còn là một đứa trẻ sáu, bảy tuổi chân trần chạy trên cánh đồng trước nhà. Thế rồi cũng đã đến bến đò Cồn Tộc.

2011-Hue16-09.jpg

Đường đến phá Tam Giang.

Mới hơn bốn giờ chiều, mặt trời chưa nhớ biển, em chợt nhớ đến bài hát Chiều trên phá Tam Giang: “Chiều trên phá Tam Giang, anh chợt nhớ em. Nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ…” Tiếng kêu của xuồng máy và tiếng cười nói ồn ào của mọi người hòa lẫn vào nhau át đi cái niềm nhớ chưa kịp hình thành, sau đó chỉ còn nghe những tiếng thì thầm nho nhỏ. Đưa mắt nhìn những hàng cọc, hàng lưới chăng ngang chăng dọc trên mặt phá, thỉnh thoảng một vài con thuyền độc mộc lướt qua, nghe buồn tênh.

Xuồng cập bến, tất cả hì hụi khênh xe xuống. Đi thêm một đoạn, những cồn cát trải dài mút mắt, sau đó là những ngôi mộ to như những lâu đài hiện ra.

Những lăng mộ tiền tỉ từng xem qua trên báo chí là đây, hôm ấy vô tình mà được chứng kiến. Mộ nào mộ nấy nguy nga tráng lệ, đủ màu sắc sặc sỡ. Vào trong làng mới thấy, những ngôi nhà của người sống không bằng một góc nhà của những người đã khuất. Nhìn đâu cũng thấy những biển báo dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về. Do em kiêng nên không chụp lại nơi này.

Lòng vòng thêm một hồi thì thấy một bờ cát trải dài, lác đác vài con thuyền nhỏ, lưa thưa vài người dân qua lại. Bước chân trần trên nền cát mịn, hít căng lồng ngực mùi gió nồng nàn, nghe lòng thênh thang.

IMG_7933.jpg

Bờ cát trải dài, vắng lặng.

Lúc đi, chú lái xuồng dặn 5 giờ rưỡi chiều là không còn xuồng qua lại, nếu tối hơn phải “bồi dưỡng” nhiều hơn. Em chẳng muốn tốn tiền vô ích, 5 giờ bắt đầu lục đục đi về. Ngồi trên xuồng, em vẫn không tìm được mặt trời vàng và những đụn mây hồng, chỉ là những sắc màu xanh đổ xám hòa quyện vào nhau giữa trời và nước. Như để tăng thêm phần ảm đạm, anh bạn kể chuyện tình về người con gái trên phá Tam Giang. Trong một câu chuyện nào đó anh từng đọc, phá Tam Giang còn được gọi là bến ma, có một cô gái trẻ bị lật thuyền mà chết, hồn vật vờ theo những làn sóng, theo gió theo sương. Tiếng hát thê lương ai oán văng vẳng một miền khiến một chàng trai đem lòng yêu thương. Rồi một đêm chàng không ngăn được nỗi nhớ thương cứ chèo thuyền tìm hình bóng cô lẫn trong gió sương mà chết đi, từ đó không còn nghe tiếng hát thê lương ấy nữa. Em ngồi giữa một trời mây nước, nghe gió thổi mà lạnh trong lòng.

Xuồng vào bến, hai đứa ghé vào một quán ăn ngay bên phá, kêu vài món ăn tươi ngon. Ánh đèn điện leo lét không đủ chiếu sáng cái chòi lá dựng sát mép nước. Cái lạnh do câu hát của người con gái trong câu chuyện ấy cũng không còn, thay vào đó là cảm giác dễ chịu, bình yên, phá Tam Giang cũng do vậy mà trở nên gần gũi, đáng nhớ hơn.

Xe cứ đi trong màn đêm tĩnh mịch, ánh đèn xe yếu ớt soi trên những con đường hướng về thành phố, vậy mà thấy đã không còn thấy xa xôi nữa. Chia tay bạn ở khách sạn, lên phòng, em nằm vật ra giường rồi chẳng còn biết trời trăng mây nước gì. Giấc ngủ sâu không mộng mị khép lại ngày thứ hai trên đất Huế.
 
Last edited:
Nỗi nhớ của bạn vừa dí dỏm lại vừa lãng mạn, bạn viết đáng iu lắm!
 
Huế, nhớ mỗi khi chiều về. Cảm ơn bạn về bài viết này, mình đc thấy Huế:D
 
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,319
Bài viết
1,175,174
Members
192,043
Latest member
sugarrushonline
Back
Top