Chia sẻ một số thông tin mới nhất về Indonesia, tháng 10/2016:
- Thời tiết: Tháng 10 bắt đầu mùa mưa ở Indonesia, nhưng trời vẫn rất nóng. Ở Surabaya, Ubud, Kuta đều rất rất nóng. Nhưng ở Bromo và Ijen do ở trên núi cao nên lại cực kỳ lạnh. Do di chuyển qua nhiều vùng thời tiết nên chúng tôi cứ liên tục thay quần đùi, mặc quần dài, rồi lại đổi quần đùi, thay quần dài xoành xoạch. Ngoài ngày đầu dính mưa buổi chiều ra, trong suốt chuyến đi thời tiết đều đẹp, nên đừng lo lắng nếu bạn đi Indonesia trong thời gian này.
- Di chuyển:
+ Máy bay: Chúng tôi bay SG - Singapore - Surabaya và Denpasar (Bali) - Singapore - SG của Jetstar. Ban đầu vé khứ hồi là 4tr5 không hành lý nhưng do chần chừ đặt trễ nên tăng lên 5tr. Thời gian bay mỗi chặng khoảng 2 tiếng, khá đúng giờ. Bay giá rẻ nên trên máy bay không có nước hay đồ ăn nhẹ, thủ tục cả 2 chuyến bay được làm cùng một lúc, hành lý nối chuyến Jetstar chuyển thẳng qua chặng 2 luôn nên khá tiện. Được cái quá cảnh ở Singapore nên chúng tôi tranh thủ bắt tàu điện ngầm vào Chinatown chơi, ngày về ngủ luôn ở Changi có thảm ấm áp thơm tho, WC siêu sạch, nước uống phà phà. Sân bay Surabaya khá bình thường, không có gì đặc sắc, sân bay Denpasar thì khác, rộng gấp đôi Tân sơn nhất nhà mình, to đẹp, soát an ninh 2 lần rồi còn soát tay thêm một lần nữa, khó dữ dằn.
+ Di chuyển trong chuyến đi: Như đã chia sẻ, do book tour của Agency nên vừa xuống sân bay Surabaya là có xe đón đi thẳng tới Mt Bromo, thời gian đi khoảng 4 tiếng. Team 6 người nhưng bên tour sắp cho con xe 5 hàng ghế to vật vã, mỗi đứa nằm một băng. Xe này leo được lên điểm tập kết ở Mt Bromo luôn nên chúng tôi không dùng xe jeep. Ban đầu cả bọn cũng định đi phương tiện công cộng, tới đâu thì tìm tới đó, nhưng xét yêu tố thời gian thấy không khả thi lắm nên quyết định book tour, đến giờ vẫn thấy sáng suốt
). Bên tour rất linh động, không có cảnh lùa vịt mà hoàn toàn chiều theo ý mình (Không có PR gì ở đây đâu :3).
Từ Mt Bromo qua Ijen, chúng tôi khởi hành lúc 8g sáng, ghé TP Probolinggo đổi tiền, mua sim điện thoại, đến trưa thì ghé một khu nhà hàng kiêm khách sạn sát bờ biển để ăn trưa. Tôi không biết rõ đó là đoạn này, nhưng biển ở đây rất đẹp, tuy cát không vàng nhưng nước trong và cá nhiều khủng khiếp, bơi đen mặt nước luôn. Thiết nghĩ chỉ là một bãi biển ven đường mà cũng đã đẹp vậy rồi. Sau bữa ăn trưa, anh guide lùa tụi tôi ra biển, kêu tụi mày chơi đi, we have time. Tại đây các bạn nam trong đoàn đã có buổi snokerling, nhảy san tô từ cầu tàu xuống rất vui. Khoảng 5g chiều chúng tôi về đến làng nằm cách Ijen khoảng 30 phút đi xe.
Từ Ijen đến bến phà Ketapang mất khoảng 1,5g đi xe. Đoạn đi phà này có lẽ nhiều bạn sẽ quan tâm. Bến phà rất lớn, sạch đẹp và hiện đại, phà cũng cực to, máy lạnh, ghế bọc da rộng thênh thang mà lại vắng người. Bất ngờ nhất là vé phà chỉ khoảng 10.000đ tiền Việt thôi. Phà chạy 1 tiếng thì tới Gilimanuk, thuộc đảo Bali.
Về Bali, thật sự tôi khá bất ngờ khi tìm hiểu về nó. Trước giờ cứ nghĩ Bali thì chắc to cỡ...Phú Quốc. Ai dè đâu nó to vật to vã, từ bến phà đi thêm 4 tiếng nữa mới về tới Ubud, xa khủng khiếp.
Đoạn thuê xe về Ubud cũng rất vui. Ban đầu chúng tôi định nhờ bên Agency thuê xe dùm, nhưng họ nói tụi mày cứ qua tới nơi nhìn xe rồi thuê cho chắc. Lúc ở bến phà có khá nhiều cò theo chúng tôi mời thuê xe nhưng anh guide nháy nháy bảo không nên, qua bên kia chọn xe luôn. Mới đầu cũng hơi thắc mắc, nhưng khi qua tới Gilimanuk, vô bến nhìn đám xe ở đó mới hiểu. Xe nào xe nấy cũ rích, tã tơi ngang đám xe dù Việt Nam
. Hỏi thuê xe thì chỉ có xe 7 chỗ mà hành lý của chúng tôi lại quá nhiều. Cuối cùng cả bọn quyết định thuê luôn 1 cái xe bus cỡ nhỏ, vừa cũ vừa màu mè trông rất buồn cười, có cảm giác như đang ở thời bao cấp vậy. Bạn tôi hỏi xe có máy lạnh không, người tài xế không rành tiếng anh, chỉ lấy tay vẫy vẫy hai bên, tôi hỏi lại wind? wind? thế là anh ta cười ngặt nghẽo, yes yes, vâng điều hòa gió trời, tự nhiên, không làm khô da ~.~. Nhìn quanh cũng không còn xe nào khá hơn, chúng tôi chốt giá là 600.000 Idr bao nguyên xe, không dừng bắt khách. Xe chạy cà xịch cà tàng, nóng muốn chết, 5g chiều cũng bò về được tới Ubud.
Tại Ubud có đủ Taxi, Uber, Grab, xe máy cho thuê. Bên này chạy tay lái nghịch, xe máy cho thuê toàn tay ga rất mới, mũ bảo hiểm cũng loại cối xịn, giá cũng chỉ tầm hơn 100k tiền Việt. Xe máy cho thuê ở Kota thì kém hơn một xíu.
- Đổi tiền: Ban đầu chúng tôi định đổi thẳng tiền Việt qua tiền Indo ở SG luôn, nhưng so sánh tỷ giá thấy chênh lệch lớn quá nên quyết định đổi đô qua bên đó. Cũng không nên đổi tại sân bay, tuy cao hơn đổi ở VN nhưng vẫn lỗ hơn nhiều so với các quầy đổi tiền ở thành phố. Tại Bali sẽ đổi được tỷ giá tốt hơn nhiều so với ở East Java, thành phố du lịch mà. Nhóm tôi đổi mỗi người 400 đô, sau khi thanh toán tiền tour và ăn chơi ở Bali là vừa hết, tỷ giá lúc chúng tôi đổi khoảng 1.7, tức 1000 Idr ngang với 1700vnđ.
- Chỗ ở: Tại Bromo chúng tôi ở Lava Cafe Hostel, một trong những Hostel lớn nhất ở Bromo, phòng khá đẹp, có view làng và bộ bàn ghế ngồi uống trà rất tình, WC hơi cũ và nước nóng lúc có lúc không. Tại Ijen, bên tour sắp cho ở một cái hostel vốn là nhà được xây từ thời thực dân Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha gì đó (xin lỗi vì trí nhớ của tôi quá kém, có đọc lịch sử tòa nhà nhưng giờ không tài nào nhớ nỗi), kiểu như Dinh Bảo Đại của VN, có phòng king, phòng queen, nhà khách siêu rộng với mấy bộ sopha hoành tráng, và có cả phòng người hầu siêu nhỏ. Hai người bạn trong nhóm bị xếp vào phòng này, khóc như mưa. Tuy vậy WC lại khá tệ, không có đèn, nước nóng như luộc thịt. Đây cũng là hostel thuộc dạng bự nhất Ijen. Nhìn chung bên tour đã sắp xếp dịch vụ cho chúng tôi khá chu đáo, hai làng đều nhỏ, xa xôi hẻo lánh nên vậy là cũng ok rồi.
Tại Ubud và Kuta chúng tôi đặt phòng dorm trên Booking.com, giá chỉ khoảng hơn 100k/người. Hostel ở 2 nơi này rất nhiều và chất lượng same same nhau, đều ổn với dân du lịch bụi.
- Ăn uống: Cá nhân tôi thấy đồ ăn Indo dễ ăn hơn nhiều so với Malay hay Sin, thậm chí hao hao mùi vị Việt Nam. Tuy nhiên món ăn cũng khá đơn điệu, ngày nào tôi cũng ăn cơm chiên, mì xào. cơm chiên, mì xào, thấy ngán và tự dưng thèm bát nước mắm ớt quê nhà kinh khủng. Thực tế khi về đến Việt Nam, việc đầu tiên tôi làm là ăn phở và nước mắm
).
- Về vấn đề tôn giáo: Hồi giáo và Hindu là 2 tôn giáo chính ở Indo, nhưng tôi thấy ở đây khá thoải mái, thoải mái hơn cả Malaysia. Tôi không rành về tôn giáo nên không dám bình luận nhiều, nhưng đi chơi bên này tôi thấy khá dễ chịu, trang phục thoải mái, quần đùi áo ba lỗ cũng cứ tự tin mà mặc, không ai khó chịu với bạn cả ^^.
Muốn chia sẻ nhiều hơn nhưng trí nhớ tôi kém lại hay viết lộn xộn, bạn nào cần thêm thông tin về Indo xin cứ liên hệ