What's new

[Chia sẻ] (Jordan) Kì quan thế giới Petra - Thành phố hoa hồng

Loạt bài này đáng ra nằm trong topic lớn về Trung Đông, nhưng chờ viết xong về Jerusalem, Israel e rằng lâu quá. Mà không chia sẻ về Petra thì quả là đáng tiếc, cũng chưa có ai viết rõ về nơi này trên diễn đàn. Lại cố viết cho đỡ mốc bàn phím...

***

Thuở còn bé tí, tôi được đọc cuốn "Bảy kì quan thế giới" viết về các kì quan cổ đại đã quá nổi tiếng, mà đến nay chỉ còn lại Kim tự tháp Ai Cập. Phần sau của cuốn sách, tác giả liệt kê thêm những công trình khác cũng xứng đáng thuộc loại kì quan, từ những cột đá khổng lồ ở Balbek, Colosseum vĩ đại, Vạn lý trường thành kì vĩ. Trong đó có một phần nói về Petra...


Chuyện kể là khoảng hai trăm năm trước, có một gã phiêu lưu, một nhà thám hiểm người Thụy Sĩ đã lang thang khắp vùng đất Hồi giáo. Ông đã sống mấy năm với người Hồi, nói tiếng Ả Rập thành thạo, để râu và sinh hoạt y như người Ả Rập, và lang thang theo các đoàn thương nhân, đến nỗi người bản địa cũng không nhận ra rằng ông là người châu Âu.

Một ngày kia trong một chuyến du hành ngang qua vùng đất nay là vương quốc Jordan, ông được nghe một truyền thuyết rằng đằng sau những dãy núi kia có một thành phố hoang, một vùng đất huyền bí của những vị vua, những người đã chết, của những linh hồn. Bản thân người kể cũng chỉ nghe kể lại, truyền khẩu nhiều đời, chứ chưa một ai dám đến đó. Nhà thám hiểm rất háo hức muốn đi, nhưng đoàn người đã di chuyển và ông không thể tách đoàn, tuy nhiên ông đã quyết sẽ tìm ra sự thật.

Sau đó, ông đã quay lại vùng đất này cùng một đoàn người khác. Tại đây viện cớ muốn lên núi hiến tế một con dê cho tiên tri Aaron, ông đề nghị đoàn người chờ một ngày, rồi một mình cưỡi ngựa đi vào núi. Đi được một lúc, ông vứt con dê đi, rồi lang thang khắp nơi để tìm vùng đất huyền bí kia. Ông tìm mãi mà chẳng thấy gì, đến khi sang chiều đành phải quay lại thì bỗng thấy có một cái gì đó hình dáng không tự nhiên trên cao. Nhìn lên thì đó là một vòm cổng lớn ló ra trên tàn cây khô, mà lúc trước ông đã không thấy. Vội vàng trèo qua những tảng đá vỡ, ông phát hiện một khe núi rất hẹp dài ngoằn nghèo, hai bên có dấu tích bàn tay con người.

Lao theo con đường bí mật hoang vu, cuối cùng ông đã thấy cái mà người Ả Rập truyền đời nhau kể lại: Cả một thành phố tạc vào trong đá, im lìm trong bóng chiều. Sững sờ không tin vào mắt mình, ông gần như chết lặng. Giữa tất cả các công trình vĩ đại im lặng, đột nhiên ông hoảng sợ, hoảng hốt bỏ chạy. Cho đến tận gần tối ông mới chạy về được nơi đoàn người đang chờ. Và ông im lặng không nói một lời nào với bất kì ai về điều đã thấy, cho đến khi ông về đến Cairo.

Câu chuyện đó là vào năm 1812, nhà thám hiểm tên là Johann Ludwig Burckhardt. Và nơi mà ông tìm thấy là thành phố đã ngủ yên gần một nghìn năm, thành phố Petra huyền thoại.
 
Last edited:
Visa

Như tôi đã viết trong topic Trung Đông - Israel, thủ tục đi để có thể ra vào Jordan từ Israel không dễ dàng. Lên ĐSQ Jordan tại Tel Aviv, nhận được thông báo là mời chờ 3 tuần xác minh. Chấp nhận rủi ro để Hộ chiếu lại công ty dịch vụ, thì được bảo là giỏi lắm 2 tuần có Visa. Đến Jerusalem quyết mua tour, nhà tour nói sẽ cố gắng lo cho vào Jordan 2 ngày. Đến Eilat, bên tour lo cho vào được Jordan thì bên Israel lại chỉ cho ra trong vòng 1 ngày vì Single Visa. Cuối cùng đành chấp nhận.

Cũng vì chỉ có một ngày cho một nơi tuyệt vời đến thế, chúng tôi chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, chạy như ăn cướp. Dự định sẽ dành ngày rưỡi lang thang khám phá cho bằng sạch thế là đi tong. Thực sự đến đó xong càng tiếc vì mình không được ở lại thêm, đặc biệt là nếu có một đêm trăng nơi đây thì mới đúng là huyền hoặc. Cũng an ủi là dù sao cũng đã đến được, ngắm được, cảm nhận được một phần nào.

Thực tế chúng tôi không có Visa Jordan, mà chỉ có dấu nhập cảnh vào khu vực kinh tế đặc biệt Aquaba của Jordan thôi. Dấu này có giá trị một tuần, vì đi theo tour nên người nhà tour sẽ đảm bảo cho việc đi ra khỏi Aquaba và về. Thực tế thì ở Jordan lót tay lách luật được, Israel thì không thể.

Vòng kiểm soát ở đất Jordan


63724004.jpg

Thành phố Aquaba lùi lại sau lưng

63724012.jpg
 
On the way

Chiếm chỗ phía trên của chiếc xe 12 chỗ, người hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu về đất nước Jordan, về vị vua, hoàng hậu và hoàng tử mà anh ta tỏ ra khá kính trọng (không đến nỗi rất kính trọng). Tôi cũng nhớ đã thấy ảnh của ba vị này treo chính giữa sảnh đón trong ĐSQ Jordan, cũng như thông tin về họ trên mạng, do đó cũng không quan tâm lắm. Anh lái xe cũng giới thiệu sơ lược về đất nước Jordan, với 70% là sa mạc khô cằn. Anh ta tránh nói tới những chuyện liên quan với Israel, tôn giáo hay thế giới phương Tây.

Chỉ ra khỏi Aquaba một chút, là đã gặp núi, những ngọn núi kiểu chỉ toàn đá tảng khô cằn không sự sống, và rồi sa mạc tiếp ngay trước mắt.

63724002.jpg


63724021.jpg
 
Dòng lịch sử

Thời gian trôi qua trên vùng đất này và được ghi chép lại rời rạc. Nằm trong khu vực của những đoàn người du cư, du mục, du thương, nhưng chỉ là nơi qua lại, ít chốn định cư. Trong Kinh thánh - cuốn sách ghi chép tương đối có hệ thống - vùng đất này thường được gọi chung là hoang địa, nơi không có người sinh sống, không có nhiều cây cối, và thiếu nước.

Đế quốc Ai Cập từ 1500 năm trước Công nguyên đã từng vươn tay đến đây, nhưng cũng chỉ là ảnh hưởng, chứ không cai trị thực sự. Sau đó những người Nabanean - cư dân du cư bán đảo Ả Rập đã dần tập hợp lại, hình thành một số khu định cư nhỏ, trong đó có thung lũng nhỏ mà ngày nay là Petra. Rồi họ hình thành vương quốc, một dòng vua đã đóng đô ở thành phố này, trước khi rời đi Damascus (Đa-mát).

Quân Hy Lạp thời Macedonia của Alexandria đại đế cũng đã từng tràn qua đây, đem đến thành phố hơi thở của văn hóa Hy Lạp. Tiếp đến là La Mã, rồi lại Byzance, Hồi giáo. Khi các đoàn quân thập tự chinh tiến đến đây thì thành phố đã hoang tàn rồi. Và khi Saladin đánh bại Thập tự chinh, thì Petra bị lãng quên dần. Người Châu Âu không còn biết đến nó, mà người Ả Rập cũng dần quên nó luôn, dù nó vẫn ở đó, vẫn rực rỡ trong nắng chiều.


Trên hoang địa ngày nay, vẫn có những người Ả Rập với cỗ xe đa năng của họ, như nghìn năm qua vẫn thế

63724029.jpg


63724025.jpg
 
King's road

Người lái xe chỉ về phía trước, nói: "Con đường này do vua Hussen bỏ tiền ra làm" (vua Hussen là cha của vị vua hiện nay). Tôi thầm nghĩ, tiền của vua, hay tiền của quốc gia, của người dân?

Thôi, dù sao con đường này cũng đã được mang tên King Hussen rồi.

63724034.jpg

Có lúc đường cũng chia ngả, giữa hoang địa mênh mông

63724035.jpg
 
The guard

Tại chỗ dừng chân, trong khi mọi người đi quầy bán hàng thì tôi ra ngoài. Chỗ này trên cao, gió rất rét, lạnh lẽo.

Để ý thấy một cột đá được xếp kì lạ giữa bãi hoang, canh một bụi cây khô. Không biết cột đá này được xếp với ý gì.

Tôi chỉ tưởng tượng rằng, thuở xa xưa, người ta xếp những cột đá này để đánh dấu đường, bởi đường xưa trên hoang địa thật khó tìm và khi đến ngả rẽ có thể không nhận ra. Dần dần việc nhìn thấy cột đá bên đường cũng là dấu hiệu đúng hướng, và nó trở thành một phần của niềm khát khao. Người lữ khách sẽ mong nhìn thấy cột đá, và hanh phúc khi nhìn thấy cột đá. Rồi dần dần, kể cả khi những con đường hiện đại được làm nên, những tấm biển chỉ dẫn được dựng, thì cây cột hi vọng vẫn còn đó, vẫn được xếp lên ở đó, như một biển chỉ đường, một lời chúc may mắn, một lời cầu nguyện.

Chẳng biết tưởng tượng đó có đúng với sự thực của người Jordan không, nhưng với tôi, thì nó là như vậy.

Vĩnh biệt cột đá - người lính gác hoang địa. Chắc là tôi sẽ không bao giờ gặp lại.

63724042.jpg
 
Musa Wadi

Chúng tôi tiến và Musa Wadi - Thung lũng của Musa (Moise).

Kinh thánh Do Thái kể rằng khi Moise dẫn đoàn người hàng trăm ngàn băng qua sa mạc để tìm về Đất Hứa, ông đã dẫn họ qua đây. Khi đó đoàn người đông nghịt dẫn cả gia súc đã cạn kiệt nguồn nước, và khát khô cổ. Như mọi lần, họ lên tiếng oán trách ông đã dẫn họ đi, làm họ chết khô giữa sa mạc. Giận dữ và thương xót họ, Moise cầu khấn đấng Jehovah - Thượng đế, và đập cây gậy vào vách đá. Từ vách đá một dòng nước phun ra, đủ cho tất cả mọi người dùng.

Theo truyền thuyết của người bản địa, nơi Moise đập gậy lấy nước chính là thung lũng này, do đó mang tên ông. Khi người Ả Rập theo Hồi giáo chấp nhận Kinh Do Thái, thì thung lũng này trở nên thiêng liêng.

Sự thực là giữa vùng hoang địa, thung lũng này có một lợi thế đặc biệt: đó là giữ được nước - tài nguyên quý giá nhất. Vùng này vẫn có mưa trong một số thời gian nhất định, nhưng nước nhanh chóng ngấm xuống cát hoặc bay hơi mất. Nhưng tại giữa thung lũng này có gốc là đá nên nước đọng lại được. Từ mấy trăm năm trước Công nguyên, cư dân đã biết lợi dụng những hang hốc trong lòng đá để giữ nước. Nhờ đó nơi này trở thành một nơi cực kì quan trọng để nghỉ chân trên con đường thương mại giữa phương Đông và Ai Cập, đặc biệt là con đường Tơ lụa và Gia vị. Các đoàn thương nhân qua đây đều dừng chân nghỉ ngơi, mua nước trước khi tiếp tục hành trình băng sa mạc.

Hệ thống tích và giữ nước của nơi đây đã trở nên hoàn thiện và là cơ sở cho kì quan - thành phố Petra.

Ngày nay, Petra chỉ là một thị trấn chuyên phục vụ khách du lịch nghỉ đêm, nằm bên ngoài thành phố cổ...


63724046.jpg
 
Petra ticket

Chuyện vé vào Petra cũng khá hay ho. Để kích thích du khách ngủ đêm tại thị trấn du lịch (với giá không hề rẻ), Jordan có chính sách là nếu vé vào cửa trong 1 ngày thì 100 USD, còn vé vào cửa trong 2 ngày thì 50 USD !!! Du khách muốn vào hai ngày thì ngày thứ hai phải có một dấu xác nhận của chỗ lưu trú nào đó. Mà ngoài thị trấn kia ra, trong vòng bán kính cả mấy chục km toàn là sa mạc.

Thế nhưng chúng tôi lại vào cửa với cái vé loại 50USD, mà bác H còn đoán rằng đó là vé cạo sửa. Bên du lịch và bên canh cửa cũng liên kết với nhau cả rồi, hai bên cùng có lợi.

Qua khỏi cổng kiểm soát, chúng tôi bắt đầu tiến vào con đường dẫn về phía thành phố, nơi 200 năm trước Ludwig đã đi, và hai nghìn năm trước những đoàn thương gia đã đi.

63725275.jpg
 
Những công trình khắc tạc vào đá đầu tiên hiện ra, nhưng là những công trình dở dang. Người ta xác định những chạm khắc này có từ khoảng đầu Công nguyên, và bị bỏ dở đã gần hai nghìn năm. Gió cát, mưa đã bào mòn đi những lớp đá. Mà rồi chúng cũng sẽ trở về với bản chất là khối đá mà thôi.

Chúng có thể là các ngôi mộ, những nhà nguyện, nơi thờ các vị thần bảo hộ cho gia tộc của tầng lớp cao nhất trong cộng đồng Petra thuở ấy.

63725278.jpg


63725282.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,141
Bài viết
1,173,933
Members
191,964
Latest member
360Marco
Back
Top