What's new

[Chia sẻ] Kinh nghiệm tổ chức hành trình

ThanhThien

Phượt thủ
Mình chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong việc tổ chức hành trình (chuyến đi) cho đoàn, gồm 3 phần:
I. Trước chuyến đi và Hậu cần
II. Di chuyển bằng xe máy
III. Đi bộ và trekk.


I. Trước chuyến đi và Hậu cần
1. Thông báo và tuyển lựa:
Có thông báo rõ về thời gian dự kiến của chuyến đi và thời gian dự trù (giả sử có sự cố thì hoãn hay dời sang ngày nào?), địa điểm, mục tiêu chuyến đi, lịch trình (không bắt buộc hoặc chỉ cần tóm tắt), số điện thoại liên hệ, có thể thêm ảnh về địa điểm sẽ đến. Có thể tạo thêm event hoặc group chat trên face dành riêng để thông báo các nội dung về chuyến đi.

Trong hướng dẫn thành viên đăng ký cho chuyến đi, phải yêu cầu thành viên nêu rõ:
- Có thể đi được trong khoảng thời gian nào (nếu có vài khoảng thời gian dự kiến, nếu thời gian đã ấn định thì bỏ qua phần này).
- Tên, tuổi, nơi ở hiện tại và sdt liên lạc. Hoặc để đảm bảo tính riêng tư, có thể yêu cầu thành viên comment đăng ký, trả lời các câu hỏi khác rồi dùng sdt nhắn tin tên, tuổi, địa chỉ... đến sdt của người tổ chức.
- Nếu là nam, có xe máy hay không? Trường hợp đường khó đi, cần hỏi rõ là loại xe gì, mua bao lâu? (Bỏ qua câu hỏi này nếu đoàn đi ô tô). Nếu là nữ, có thể chuẩn bị hậu cần hay không (nêu rõ món gì)?
- Muốn đăng ký đi cùng ai hay để BTC sắp xếp? Chú ý, BTC sẽ chỉ sắp xếp bạn đi cùng ai đó nếu có lời đề nghị từ cả hai phía, lời đề nghị từ một phía có thể sẽ không được chấp thuận.

Bằng nhiều cách xác minh độ tin cậy, kinh nghiệm và những yếu tố khác của các ứng viên để lấy căn cứ xét duyệt thành viên cho chuyến đi. Kinh nghiệm trong vụ này thì xin lỗi mình không đăng lên được, bởi lộ bài thì sau này tổ chức, sợ rằng sẽ có một số thành phần bất hảo tìm cách đối phó, gây rối cho chuyến đi.

Chốt danh sách và phân công xế- ôm trước buổi offline chuẩn bị cho chuyến đi. Trong tình huống đặc biệt, ví dụ nhiều người mới, rất khó xác minh độ nghiêm túc của những người này, chuyến đi lại quan trọng, có thể offline trước rồi mới xếp xế- ôm. Danh sách đoàn nên chốt trước chuyến đi 01 tuần, trường hợp toàn người quen biết thì có thể linh hoạt hơn.

Xế nào ở gần ôm nào thì cho đón ôm đó, nhưng ngoài ra cũng phải tuân thủ nhiều yếu tố khác:
- Ôm cứng và/hoặc nghiêm khắc nên cho đi kèm xế mới để sẵn sàng chấn chỉnh xế, xế cứng nên cho đi kèm ôm mới để ôm có cảm giác yên tâm.
- Trường hợp xếp cho người lạ đi cùng nhau, ôm (người nữ) nên lớn tuổi hơn xế, để ôm nói xế còn nghe và để xế tập trung lái xe thay vì tán tỉnh linh tinh.
- Các yếu tố khác liên quan đến tôn giáo, văn hóa, sắc tộc... nếu có.

Khi đã phân công xế- ôm, sẽ gửi sdt của xế cho ôm và yêu cầu ôm phải gọi liên lạc, đồng thời gửi sdt và địa chỉ của ôm cho xế (gửi riêng thông tin các xe cho nhau chứ không đăng công khai). Nhắc nhở, ôm và xế chỉ tin tưởng liên lạc với sdt này, xế chỉ đón ôm tại địa chỉ đã nêu... nếu có thay đổi nào từ cả hai bên như đổi sdt, đổi điểm hẹn... phải được BTC chấp thuận.

2. Offline: Cần offline, tập hợp các thành viên ít nhất 02 ngày trước khi đi. Tập hợp được sớm hơn càng tốt, phụ thuộc vào độ khó của khâu chuẩn bị hậu cần, hậu cần cần 03 ngày chuẩn bị (đã dự trù rủi ro) thì ít nhất phải offline 03 ngày trước khi đi.

3. Tiền tạm ứng: Trong buổi offline, các thành viên cần đóng tiền tạm ứng cho chuyến đi (là số tiền đủ để chuẩn bị hậu cần). Phần tiền tạm ứng, sau buổi offline, ai hủy cung sẽ không trả lại bởi đoàn đã tốn chi phí để lo hậu cần cho bạn đó.

4. Tiền trách nhiệm: Đối với thành viên mới, có thể yêu cầu đóng thêm tiền “trách nhiệm” để đảm bảo trong chuyến đi không xảy ra chuyện bỏ đoàn, tự ý tách đoàn hoặc có hành vi gây hại nghiêm trọng đến mục tiêu của cả đoàn (cần thống nhất trước những hành vi nào được coi là vi phạm và chú ý, phải là vi phạm nghiêm trọng và chắc chắn nó chỉ đến duy nhất từ phía thành viên kia, không phải nguyên nhân đến từ phía trưởng đoàn hoặc ban tổ chức), khi chuyến đi hoàn thành sẽ trả lại tiền, còn vi phạm thì căn cứ thỏa thuận ban đầu để thu tiền trách nhiệm, tiền này dùng để đoàn khắc phục hậu quả nếu thành viên mới có hành vi gây hại.

5. Phổ biến kĩ về lịch trình: In bản đồ lịch trình gửi các thành viên. In tờ hướng dẫn hiệu lệnh khi đi đường, các luật cơ bản khi di chuyển theo đoàn đến các thành viên (yêu cầu phải giữ đến ngày đi, ai làm mất chịu phạt). Thời gian và địa điểm đoàn tập kết, xuất phát. Thống nhất trước các nội dung:
- Khi các xe đã tham gia vào đoàn và cả đoàn cùng xuất phát, đó mới là thời điểm cả đoàn là một khối. Trước thời điểm đó, nếu một xe chưa tham gia vào đoàn, phải tự chịu trách nhiệm cho việc di chuyển trên đường của mình, cũng giống như hàng ngày bạn lái xe trên đường, bạn phải có trách nhiệm với bản thân, nếu xảy ra tai nạn thì tự giải quyết. Đoàn có thể cho xe hỗ trợ trước khi người nhà của xe tai nạn đến, nếu xe tai nạn ở gần trong phạm vi 5km (ví dụ). Tất nhiên nội dung này áp dụng khi đoàn không thể hoãn giờ xuất phát, hoặc không thể vì một người ảnh hưởng đến nhiều người... nếu đoàn gồm anh em bạn bè thân thiết thì cách ứng xử ra sao tùy ở mỗi người.
- Rời đoàn khi:
* Xế chẳng may bị thương ở tay, không cầm nắm được vật nặng khoảng 10kg và không xoay sở tự nhiên được theo các chiều khi không cầm vật nặng, nếu đi đường offroad thì yêu cầu xế phải cầm nắm được vật nặng 15kg và cầm 5kg vẫn xoay sở tự nhiên được theo các chiều (nếu đường quá khó thì yêu cầu càng phải cao, không được phép trật khớp tay/chân, không được tổn thương sụn, không được bong gân, không có vết thương sâu từ 1 hoặc 2mm trở lên...); bàn tay bị thương không thể bóp phanh được tự nhiên.
* Xế bị thương ở chân, không dẫm được phanh linh hoạt, không chuyển được số (chuyển số thì cho phép chậm, miễn phải chuyển được) thì rời đoàn.
* Các quy tắc khác về sức khỏe áp dụng với thành viên nếu chuyến đi có yêu cầu thể lực (như trekk). Các quy tắc cần có tính kĩ thuật, kiểm tra được, đo đạc được... tránh trường hợp cãi nhau vì người không đủ điều kiện sức khỏe nhưng cứ ích kỉ đòi đi, làm ảnh hưởng cả đoàn.

Các trường hợp rời đoàn, kể cả vì lý do tai nạn nhưng xảy ra trước khi gia nhập đoàn, đoàn sẽ không trả lại tiền tạm ứng (nguyên tắc về mặt kỹ thuật là thế, còn ứng xử sao tùy các bạn). Đoàn có thể gửi lại suất hậu cần mà đoàn đã chuẩn bị cho thành viên ấy.
- Nếu đến muộn bao nhiêu phút tính từ thời điểm nào (thời điểm tập kết hoặc xuất phát) thì phạt bao nhiêu tiền? Nếu đến muộn quá bao lâu thì loại khỏi đoàn, đoàn sẽ xuất phát mà không chờ đợi thêm?

6. Hậu cần: Gồm 02 loại, đồ do đoàn chuẩn bị và hành trang của mỗi cá nhân. Trong buổi offline cần thống nhất:
- Đoàn đã có những trang thiết bị chung nào, ai phụ trách đem đi
- Những thiết bị đoàn chưa có, nêu ra, ai có và xung phong đem theo? Ghi vào.
- Hành trang của mỗi cá nhân yêu cầu những gì, những món đồ nào bắt buộc phải có, những món đồ nào khuyến nghị, những món không được phép đem theo, có giới hạn trọng lượng với balo hay không...?

Ở đây mình không nêu tên những hành trang vì có rất nhiều thứ liên quan tùy loại chuyến đi, mục đích bài này là chia sẻ kinh nghiệm tổ chức. Lúc nào rảnh mình có thể viết một bài về các loại đồ sau.

Tất cả, đều phải có văn bản hướng dẫn.

7. Thường xuyên thông tin: Trong event hoặc group chat trên face phải thường xuyên đưa ra những thông báo quan trọng liên quan đến chuyến đi, tag những thành viên liên quan. Ví dụ: các vấn đề đã thống nhất trong buổi offline, ai nhận chuẩn bị cái gì, đã chuẩn bị đến đâu... những trao đổi và thông tin quan trọng khác.

8. Đến ngày đi: Kiểm tra các xe và các thành viên đã đạt đủ yêu cầu hay chưa, tìm cách khắc phục nếu có thiếu sót. Phổ biến lại một lần nữa luật đi đường cho các xe, đặc biệt là luật phải đúng thứ tự, cấm vượt. Xế và ôm đều có trách nhiệm tuân thủ các luật, nếu xế làm sai mà ôm không nhắc nhở hoặc không báo cáo với trưởng đoàn (trong trường hợp yêu cầu phải báo cáo) thì chịu trách nhiệm như nhau.
 
II. Di chuyển bằng xe máy
1. Chuẩn bị đi xe:
Xế bảo dưỡng, kiểm tra xe trước khi đi, đặc biệt là nhông- xích, xăm, lốp, hệ thống phanh, thay dầu xe, tra dầu xích... Phải đổ đầy bình xăng đầu tiên trước khi đi (vẫn tính 50k cho bình xăng đầu tiên, gửi lại tiền này cho xế). Phải có bằng lái và giấy tờ xe. Quy định về mũ bảo hiểm và quần áo mưa bộ loại dầy...

Mình có quy định khá dài về vấn đề này, nhưng mỗi nhóm có văn hóa khác nhau nên mình chỉ nêu vài cái cơ bản mà nhóm nào cũng nên tuân thủ.

2. Vị trí các xe:
Những xe non tay, mắt kém, đi chậm, sức khỏe yếu, bị thương... phải xếp thứ 02 hoặc 03, bởi những xe này sẽ giới hạn tốc độ của cả đoàn, lead căn cứ theo đó điều chỉnh tốc độ của mình là được. Tránh trường hợp xe đi chậm cho tít phía cuối, lead không hiểu tại sao đoàn chậm vậy, rồi đoàn rất dễ bị tách làm 2 tốp, mặc dù có quy định kĩ khiến xe trước sẽ không cách xe sau quá xa chăng nữa (mình luôn yêu cầu xe trước cũng phải chú ý xe sau, chẳng hạn ôm xe trước lo chuyện đó), nhưng nếu đoàn dễ bị tạo ra khoảng trống lớn, xe lạ có thể chen vào giữa gây ảnh hưởng đội hình, nói chung rất nhiều vấn đề. Trong quá trình di chuyển, nếu có xe ở phía sau nhưng đi chậm, tình thế cho thấy cần chuyển vị trí thì có thể đưa lên trước.

Nếu xe đi chậm nhất xếp thứ 03, thì xe thứ 02 phải là xe có kĩ năng cao, trợ giúp được cho lead, lead có thể lệnh xe thứ 02 chạy đi lo việc này, việc kia... trong khi lead ở lại tổ chức đoàn; hoặc xe đó ở lại tổ chức giúp để lead chạy đi. Nhưng khi đoàn đông mới cần như vậy.

Các xe gồm xế hoặc ôm có kĩ năng cao, có kinh nghiệm đi theo đoàn phải xếp xen kẽ để quan sát và nhắc nhở xe khác, chứ để mấy xe mới có số thứ tự liền nhau, các bạn không biết mà nhắc nhở nhau, có khi thấy xe khác sai cũng ngại nhắc vì tâm lý mình là người mới.

Các xe có xế- ôm quen thân nhau mà chưa biết ý thức của họ như thế nào thì không xếp đi liền nhau, ví dụ xe này số 4, xe kia số 5... mà phải tách ra, cho họ đi liền nhau dễ xảy ra trường hợp xe này áp sát xe kia hoặc song song để nói chuyện.

Xe cuối cùng (chốt) phải chọn mặt gửi vàng, ngoài việc biết sửa xe, phải có xế hoặc ôm là người có kinh nghiệm giao tiếp, có thể ứng phó tình huống tốt hoặc ít nhất là đã có nhiều chuyến đi hơn những thành viên khác. Nhìn chung, là có độ khả tín cao.

Xe áp chót, tức trên xe chốt, cũng nên là xe có độ khả tín ở mức khá vì xe này sẽ hỗ trợ xe chốt trong trường hợp xảy ra sự cố ở cuối đoàn.

Có thể có thêm xe quản đoàn, thường ở vị trí giữa hoặc gần cuối để dễ dàng quan sát và phát hiện sai phạm trong đoàn, chạy đến nhắc nhở. Bình thường mình ít khi phân công xe quản đoàn, bởi những gì mình viết chỉ là phần nào kinh nghiệm, trong tổ chức thực tế còn chặt chẽ hơn nên không cần xe quản đoàn, mọi thứ vẫn trơn tru.

3. Số lượng xe
Khi tốc độ của đoàn là 80km/h, mỗi giây các xe đi được 22,216m; các xe cần cách nhau tối thiểu 02 giây, tức tối thiểu 44,4m ở tốc độ 80km/h (tốc độ thấp hơn thì khoảng cách thấp hơn). Xét tốc độ trung bình của đoàn là 60km/h, ngoại trừ các đoạn đường vòng vèo thì ở đa số các đoạn đường thẳng, lead có thể nhìn qua gương chiếu hậu để thấy phía sau ở cự li 300m, nếu các xe cách nhau chuẩn 33m (yêu cầu ở mức 60km/h), lead có thể quan sát được khoảng 10 xe trong đoàn.

Thông thường, lead không có trách nhiệm phải quan sát qua gương để quan tâm đến toàn đoàn, vì lead đi đầu, đối mặt với các chướng ngại nên cần tập trung về phía trước. Tuy nhiên, ngay cả khi đi với tốc độ trên 80, mình vẫn tranh thủ những lúc đường thoáng để quan sát toàn đoàn. Cho dù lead không quan sát phía sau, thì trách nhiệm cũng thuộc về ôm của lead. Nhìn chung, mức độ 10 xe/đoàn là trong mức cho phép để dễ dàng quản lý cho dù không yêu cầu cao về kỹ năng của các thành viên khác.

Nếu có hơn 10 xe, chẳng hạn từ 12- 20 xe? Nên tách làm 02 đoàn (từ đây sẽ gọi đơn vị nhỏ hơn trong toàn đoàn là “đội”), tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào việc có đủ số lượng thành viên có kinh nghiệm nhằm chia ra thành 02 đội hay không? Quan trọng là phải có những thành viên đủ kinh nghiệm, đủ tin cậy để chia ra sắp xếp so le cùng những thành viên mới. Nếu đáp ứng được điều này, thậm chí tìm ra được vài người đều có khả năng lead tốt thì 02 đội, 03 đội, 04 đội... đều có thể chạy độc lập, không cần dừng lại trợ giúp nếu thấy đội khác dừng lại (trừ một vài trường hợp được quy định trước như xảy ra gây gổ, xích mích, bị làm khó dễ, cản trở giao thông...).

Nếu chỉ có 01 thành viên đủ khả năng lead cho toàn đoàn, thì 02 đội hoặc nhiều hơn phải tuân theo nguyên tắc, đó là đội số 02, 03... vẫn có lead và chốt riêng, nhưng không được phép vượt đội 01. Khi đội 02 hoặc 03 dừng lại vì lý do nào đó, trừ khi gặp trường hợp đã được quy định thì đội 01 không cần quan tâm, nhưng khi đội 01 dừng lại thì các đội sau phải dừng lại. Đội 02 và 03 có thể vượt nhau, hoặc có thể quy định đội 03 không được phép vượt đội 02, tùy tình huống.

Nếu đoàn rất đông nhưng chỉ có 02 hoặc 03 thành viên đủ khả năng lead cho toàn đoàn và có khả năng đại diện như nhau thì chia làm 02 hoặc 03 đội, trong các đội có thể chia làm vài tổ. Chẳng hạn toàn đoàn có 120 xe, chia làm 03 đội, mỗi đội 40 xe, trong mỗi đội lại chia làm 04 tổ, mỗi tổ 10 xe.

Các đội và tổ cần xuất phát cách nhau một khoảng thời gian, đoàn càng đông thì thời gian xuất phát cách nhau nên càng xa để dự trù rủi ro.

4. Sự cố khi di chuyển
Cần có quy định trước về cách ứng phó các tình huống phát sinh trong khi di chuyển. Cái này tùy văn hóa từng nhóm, nhưng có các tình huống đáng lưu ý như sau:
- Xe trong đoàn gặp tai nạn trên đường đi (tự ngã)
- Xe trong đoàn va chạm với xe khác, bị làm khó, bị gây gổ, bị dân đổ ra chặn đường
- Xe trong đoàn bị hỏng khiến không đi được nữa, cháy bóng đèn trong khi đi ban đêm, xế gặp tình trạng xấu không thể lái xe...
- Có thành viên bị ốm, ngất xỉu...
- Công an vẫy vào
- Gặp tai nạn của các xe khác (không liên quan đến đoàn)
- Gặp tình huống ách tắc giao thông, tắc đường do tự nhiên hoặc người dân cố ý gây ra
- Gặp trẻ trâu gây sự, gạ gẫm.

Trước kia mình từng gặp tình huống có bạn nữ đau dạ dày, không thể đi nhanh được vì sóc thì càng đau, ở nơi hoang vắng và đang ban đêm. Tình huống đó:
- Nếu có bệnh viện cần đưa vào khám, nhưng nếu người bị đau biết rõ cơn đau rồi sẽ qua (vì từng bị vài lần), tình trạng cơn đau kiểm soát được và đề nghị không cần khám thì đoàn có thể cân nhắc. Nhưng chắc chắn phải cho uống thuốc cần thiết, nếu đoàn không có thì tìm hiệu thuốc.
- Nếu có xe khách và tình trạng người bị đau/ốm đi xe khách sẽ tốt hơn (nếu không tốt hơn thì khỏi), gửi lên xe, kèm thêm ít nhất 02 người khác cùng lên xe khách để hỗ trợ (trường hợp của mình thì đêm nên hết xe khách).
- Nếu vẫn phải đi xe máy và đi tốc độ chậm, trong khi tình thế rất cần đoàn phải về sớm (hôm đó mình đi đêm chủ nhật, sáng T2 mọi người phải đi làm)... và không quá cần sự có mặt của lead, sắp xếp cho phần còn lại của đoàn về trước. Lead ở lại trong nhóm đi chậm và chịu trách nhiệm xế người bị đau/ốm, phải có ít nhất 02 xe xung phong ở lại cùng lead vì: có xe dự phòng trong trường hợp người đau chuyển biến xấu, tình cờ xe lead bị hỏng hoặc trục trặc; có ít nhất 02 xe chạy đi tìm hiệu thuốc, tìm taxi tư nhân hoặc xe tải nhỏ, đứng vẫy đi nhờ xe ô tô trên đường, tìm phòng khám... ở các khu dân cư (khi cần thiết). Tóm lại, cần dự trù mọi loại rủi ro và phải có đủ người lẫn phương tiện để ứng phó với các rủi ro ấy.
 
Last edited:
III. Đi bộ và trekk
Ở đây mình chủ yếu nói về trekk, khâu hậu cần là rất quan trọng, nhưng nó sẽ ở bài viết khác (khi mình có thời gian). Mình cũng sẽ không nhắc đến porter mà chỉ chia sẻ ở góc độ của một lead luôn tự dẫn đoàn, nếu các bạn thuê porter thì một vài vấn đề có thể được giảm bớt.

1. Tìm hiểu kĩ địa bàn: Bạn cần nắm rõ hoặc ít nhất là có độ khả tín cao về nơi định dẫn đoàn đến. Nếu chưa đến bao giờ, bạn cần tìm hiểu các bài viết, hình ảnh của những người đi trước. Lưu chúng vào điện thoại để mở ra đọc bất kì khi nào cần. Chẳng hạn khi đi đến đúng hòn đá như trong ảnh thì rẽ trái, đến chỗ cái suối này thì làm gì...

Nhìn các bức ảnh chụp và khi biết được thời gian, dựa vào bóng của các vật thể nghiêng hướng nào, bạn phải phân biệt được các hướng (đông- tây- nam- bắc).

Bạn cần tham khảo qua google earth về địa điểm.

Địa hình, các yếu tố thời tiết... quyết định việc chuẩn bị hậu cần ra sao.

Bạn cần tìm hiểu kĩ về địa phương nơi mình sẽ đến, người dân, thành phần dân tộc, văn hóa, những điều không nên phạm phải... Đừng ảo tưởng rằng cứ người dân tộc thì hiền lắm, tốt lắm... trừ khi đã am hiểu về địa phương, còn nếu đến địa phương mới thì bạn nên hiểu ở đâu cũng có người xấu và tốt, ta nên cởi mở, nhưng cũng không nên quá tin người.

Mình đi Tà Sùa, vì thú vui muốn khám phá nên không thuê porter, nhưng trên đường đi gặp porter đang dẫn một đoàn, hỏi thăm về đường thì họ tỏ vẻ lạnh nhạt, không nói; gặp ngã ba, hỏi đi bên trái được không thì họ bảo được, trong khi đường đúng phải đi bên phải... Đi cùng một đoạn với đoàn kia cho vui thì porter đề nghị mình trả tiền vì họ phải dẫn cả mình, khổ, tiền không thiếu, nhưng không muốn trả một cách vô lý như thế, nên lúc đó mình chào tạm biệt đoàn kia luôn.

Bạn rất có thể gặp lâm tặc, bọn buôn lậu, thậm chí chuyển hàng cấm... ở những vùng hẻo lánh, hãy thận trọng đừng để lộ ý định quay phim, chụp ảnh hoặc bất cứ dấu hiệu nào cho thấy bạn chú ý đến việc họ đang làm.

2. Hiểu về hệ sinh thái: Lead cần am hiểu về hệ sinh thái nơi mình đến và có kiến thức cơ bản về sinh thái. Chẳng hạn vào bụi rậm, phải biết chỗ nào nhiều rắn mà tránh, còn chỗ nào cũng rậm nhưng không có rắn thì vô tư đi. Vậy phân biệt thế nào?

Rắn ăn thịt chứ không ăn chay, khu vực nào có thức ăn của rắn thì mới có rắn, tức là những khu vực phải tiềm tàng sự có mặt của chuột, thỏ, sóc, thằn lằn, cóc, ếch, chim, côn trùng, ốc (đang nói bọn trên cạn thôi)... Vậy thức ăn của rắn thì ăn gì? Cóc, ếch sống ở môi trường ẩm ướt, rắn cũng thường chọn nơi ẩm ướt để trú ngụ. Chuột, sóc là loại gặm nhấm, chúng ăn một số loại nấm và hạt... Nhìn chung, nơi nào có thực vật đa dạng, có nhiều loại nấm, hoa, quả, hạt... thì mới tồn tại nhiều thức ăn của rắn. Đó thường là những nơi thấp, ẩm. Những nơi quá cao như trên đỉnh núi, lạnh và toàn cây bụi... không có thức ăn của rắn thì cũng không có rắn.

Bạn cần nhiều kiến thức khác nữa, như phân biệt vết cắn của rắn độc và không độc, cách sơ cứu khi rắn cắn, đối phó với côn trùng... những kiến thức này bạn tự tìm hiểu trên mạng.

Có một điều rất đơn giản để gỡ con vắt ra (khi bị nó bám) mà ít người biết, các bạn thường bảo nhau phải bôi vôi, chanh, kem đánh răng, nhỏ ô xi già... hoặc gì đó vào nó; thực ra chỉ cần nhổ nước bọt vào cũng sẽ dễ gỡ nó ra hơn, đặc biệt hiệu quả với các bạn mồm thối. Da của chúng mỏng manh còn hơn da em bé, nồng độ pH cao trong nước bọt sẽ làm chúng cảm thấy khó chịu, giãy dụa nên chỗ đang bám sẽ bị nới lỏng.

Khi tự tìm đường, hãy phân biệt được đường súc vật đi (dê, ngựa, trâu, bò) và đường con người đi. Đường súc vật đi thì luôn luôn dẫn đến một cái lán, một vũng nước hoặc khe nước (tóm lại cứ đi theo nó là có nước), trên đường đi thường rải nhiều phân, phân dê tròn và nhỏ như đầu ngón tay, trong khi phân ngựa, trâu, bò thì lớn hơn. Phân không còn mùi thối thì con vật đã đi qua đây được vài ngày, tùy theo thời tiết, phân khô và có màu bạc sẽ cho thấy thời gian con vật đi qua lâu hơn, túm lại có một môn gọi là: phân học. Đường người đi thực ra cũng thường chung với đường súc vật đi, mọi con đường người đi thì đều có súc vật đi qua (vì súc vật do người nuôi mà, chúng ta đâu có phải vào rừng nguyên sinh đâu mà tự nhiên có đàn súc vật tự do ở đây), nhưng mọi con đường súc vật đi chưa chắc người đã đi hoặc rất ít đi. Đường được người sử dụng nhiều thì sẽ luôn có dấu vết của con người, như những thứ để lại cho thấy chỉ con người mới làm ra, đồ vật/dấu vết của đồ vật, vết phạt cây, dấu chân (đường đất thường dễ để lại dấu chân)... Dựa vào dấu chân, bạn có thể đoán định sơ qua về một người, chẳng hạn dấu dép nhỏ cỡ 36, 37 thì có thể là phụ nữ, đặc biệt nếu dép có “vòng eo” mềm mại, dấu dép lớn thì là đàn ông, đường vân ở đế giầy/dép cũng cho biết loại họ sử dụng, nếu cùng đường vân với giầy bộ đội của bạn, rất có thể cũng là người du lịch hoặc có khi là... bộ đội thật, nhưng nếu là loại đường vân ở dép rọ hoặc tổ ong, rất có thể là người dân tộc (vì họ mới tự tin đi trong rừng như thế, khách du lịch thì ít khi). Có vết giầy/dép cùng vết chân gia súc, có thể có người đã dắt gia súc qua đây.

3. Quy định chặt chẽ: Có các quy định nghiêm ngặt trong việc di chuyển theo đoàn, tùy văn hóa từng nhóm, nhưng phải lưu ý 2 việc quan trọng, một là không xả rác bừa bãi, rác không thể phân hủy thì bắt buộc cho vào túi nilon, có thể phân công thành viên chuyên phụ trách thu dọn rác; hai là cấm không được tự ý đi trước lead.

4. Thứ tự thành viên:
Lead đi đầu, hiển nhiên, sau đó là 1-2 thành viên nam có khả năng hỗ trợ lead, thành viên đi sau hỗ trợ lead có thể đem đồ nặng nhưng thể tích phải nhỏ, không được cồng kềnh. Các bạn nữ và những bạn ít kinh nghiệm, dễ bị tổn thương thì đi ở giữa, tuy nhiên khu vực giữa vẫn phải so le nam- nữ để các bạn nam giúp đỡ bạn nữ khi cần, cũng cần phân công người có kinh nghiệm (như cách phân công khi đi xe máy) để giúp quản lý đoàn. Đi phía cuối là những người có sức khỏe tốt và độ khả tín về mặt kinh nghiệm cao, bởi họ là phòng tuyến cuối cùng để hỗ trợ những người tai nạn hoặc sức khỏe kém.

Nếu đoàn quá đông, có thể phân làm các đội và tổ, chẳng hạn đội gồm 30 người, tổ gồm 10 người. Có các đội trưởng và tổ trưởng. Những người đi chậm ở các tổ hoặc đội, có thể được tách ra, chia lại... cho những người đi chậm vào chung một hoặc vài tổ xác định sẽ đến sau (nhưng trong tổ đi chậm ấy vẫn phải có thành viên sức khỏe tốt đi kèm), trong khi đó một tổ khỏe đến trước để lo hậu cần, căng lều/bạt...

Những người sau chỉ được phép đi từ vị trí thứ 03 trở xuống: người mang đồ hỗ trợ như dây (để leo vách), người mang đồ y tế... nếu họ đi ngay sau lead (tức vị trí thứ 02), nếu chẳng may họ gặp tai nạn cùng lead thì lấy đâu ra đồ hỗ trợ để giúp đỡ lead nữa? Thông thường, mình sẽ cho người đem đồ y tế ở vị trí giữa hoặc gần cuối đoàn, nếu đoàn đông thì phải có 02 người đem đồ y tế và chia ra cho 02 tốp.

Chốt đoàn không được phép vượt bất cứ thành viên nào.

5. Chia trang thiết bị:
Trang thiết bị cần được chia để đáp ứng một là đều về trọng lượng, không để có thành viên đem nặng hơn thành viên khác, trừ khi thành viên ấy khỏe hơn hẳn; hai là đúng về chức năng, nhiệm vụ và khả năng. Chẳng hạn các bạn nữ cần được sử dụng đèn pin đeo trán vì kém linh hoạt hơn các bạn nam, trong khi đó các bạn nam có thể chia nhau số đèn pin cầm tay còn lại. Lead cần đèn pin sáng nhất, trong khi đó đèn sáng thứ hai phải đưa cho chốt đoàn.
 
Last edited:
6. Sắp xếp sinh hoạt: Chọn vị trí dựng lều phải có chiến thuật, tránh nơi quá quang đãng và nằm trên đường di chuyển của nhiều cơn gió. Gió cũng như nước, thường chảy mạnh theo các rãnh, tức các thung lũng, khe núi... Cần chọn nơi được che chắn tốt hoặc giảm tối đa lượng gió thổi vào để dựng lều. Tuy nhiên, nơi đó cũng không nên quá ẩm thấp kẻo đêm lạnh, cũng thiếu an toàn vì có thể thu hút nhiều loại động vật.

Trước khi dựng lều, cần làm nền, nhặt lá khô, cành cây khô loại nhỏ rải bên dưới, thiếu thì mới dùng đến lá/cỏ tươi... nhưng nên dùng đồ khô để bảo vệ môi trường (đồ tươi là nó đang sống, mình lại chặt đi) và hút ẩm bên dưới lều. Lớp rải càng dày thì càng ấm áp, nhưng trong trường hợp đã có túi ngủ, điểm cắm trại cũng không xấu thì không cần lót, nói chung bất đắc dĩ mới động chạm đến cỏ cây, còn không thì phải cố gắng giữ nguyên trạng.

Xung quanh điểm cắm trại, nếu có đống lá khô, bụi cỏ rậm... thì dọn bớt đi để tránh rắn trú ngụ.

Các lều cần dựng theo nguyên tắc, lều của lead phải ở vị trí quan sát được toàn đoàn; lều của các bạn nữ phải ở giữa hoặc ở phía an toàn nhất, ít gió nhất có thể, được bao bọc hoặc bảo vệ bởi lều của các bạn nam.

Trường hợp anh em nam, nữ ngủ cùng nhau, nam phải nằm ở vị trí nhiều nguy hiểm hơn, lạnh hơn... nơi ấm áp nhất, tốt nhất phải dành cho nữ.

7. Cần dự trù rủi ro: Phải đặt ra mọi loại tình huống có thể phát sinh và có sẵn phương án dự phòng cho chúng.
- Đặt ra các luật lệ là rất quan trọng. Mình không cho phép thành viên tự ý tách đoàn vì bất kì lý do gì, mọi người đều phải trong tầm mắt của nhau, muốn đi đâu, cho dù là vệ sinh cũng phải xin phép, thậm chí mình còn cẩn thận tìm chỗ vệ sinh sạch sẽ và an toàn giúp rồi họ chỉ việc vào đúng chỗ đó.
- Nếu bị lạc, thống nhất cùng tìm về địa điểm nào, cách phát tín hiệu ra sao. Nếu có thành viên bị lạc, phải quay lại điểm cuối cùng mà thành viên ấy biết đoàn đi qua, tuy nhiên trên đường đi vẫn phải để lại dấu hiệu.
- Nếu có thành viên bị mất tích, tổ chức đoàn đi tìm như thế nào: Đi theo tốp ít nhất 03 người trong đó phải có ít nhất 01 nam, phải đem theo ít nhất 01 đèn pin/tốp cho dù là ban ngày để soi vào những khe/hốc đá, góc tối khác (ban đêm thì ai cũng phải có đèn), đồng thanh hô tên người cần tìm (các tốp tìm kiếm không được gần nhau, nếu không hô loạn xạ lên), sau đó im lặng để nghe xem có tiếng đáp lại không. Nhiều người khi tìm kiếm người khác, cứ hô loạn xạ lên, thế thì nghe làm sao được tiếng đáp lại? Chẳng may người bị lạc xảy chân ngã, không hô to lên được, chỉ có tiếng kêu yếu ớt... thì việc các bạn đi tìm hô loạn xạ lên, thiếu kĩ năng, không khác gì làm hại người ta.
- Nếu có dân bản xứ gây rắc rối, tỏ thái độ khiêu khích. Tùy tình huống, nhưng nhìn chung không nên tỏ ra mình đến đây mà không biết gì và không ai biết, luôn có ai đó biết bạn đi đâu và thậm chí luôn có anh em đang đợi bạn dưới núi. Về cơ bản, khi gặp người lạ, khi bạn không biết họ như thế nào, có tư tưởng lợi dụng bạn hay không, đừng bao giờ tiết lộ quá nhiều thông tin về bản thân, đừng tỏ ra bạn mới đến lần đầu, có thể bạn đến lần thứ 2 nhưng không nhớ rõ lắm về đường đi cũng được, đừng bao giờ hô mấy câu ngớ ngẩn như “cứu em với” trong khi bạn chỉ đơn giản đang lạc đường chứ chẳng có tai nạn gì ghê gớm. Đừng nói chuyện quá vô tư về các vấn đề trong đoàn trước mặt người lạ, chuyện nội bộ thì nội bộ nói với nhau. Mình nhiều khi đi cùng mấy đứa em, không dặn trước là y rằng gặp người lạ nó bô bô ra hết, hỏi gì nói nấy, trong khi mình hỏi lại người ta toàn trả lời qua loa, tránh né. Đúng là không sợ kẻ thù dữ như hổ, chỉ sợ đồng bọn ngu như heo.
- Bạn cần có đồ y tế đầy đủ, gồm thuốc uống và đồ sơ cứu, cần đặt tình huống nếu có 2/10 số người gặp rắc rối, thì số thuốc và đồ của bạn phải đủ dùng cho họ trong thời gian chuyến đi.
- Những dự trù khác về hậu cần, danh mục đồ đạc và đồ y tế... mình sẽ viết trong bài khác.
 
Last edited:
Kết bài:
Trên đây là một số kinh nghiệm mình rút ra từ thực tiễn, mình đã cố gắng viết đầy đủ nhưng trong lúc tranh thủ thời gian rảnh cũng khó mà suy ngẫm hết được, nhiều cái có thể quên nhắc đến. Khách quan thì những kinh nghiệm này không có gì đặc biệt lắm, đa phần các bạn đều biết cả, mình viết ra cũng là để tiếp nhận góp ý, mỗi người một vài góp ý nhằm giúp những bạn mới tổng hợp được nhiều kinh nghiệm hơn. Xin lỗi vì sự cẩu thả của mình trong bài viết này!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,295
Bài viết
1,174,954
Members
192,025
Latest member
369
Back
Top