What's new

Malaysia - Những bước chân qua (Tháng 07/2013)

Những dòng hồi ký đã lâu, hơn ba tháng rồi, nhưng kỷ niệm là vậy mà, không bán không mua được, nên dù buồn vui gì thì cũng đều thấy nhớ!

(Sẽ không có ảnh ọt gì hết về chuyến hành trình, nhưng hy vọng là chút tản mác sẽ tìm được đến với người! Hy vọng là có bạn sẽ thích!)

Malaysia - dặm đường rong ruổi! (Bạt)

Mình đang ngồi trên máy bay. Mình định là khi nào về tới Việt nam rồi mình mới viết review lại, lọc hình và lựa những tấm nào đắt giá nhất để chia sẻ với mọi người. Nhưng rồi cảm xúc nó tự nhiên tới, ve vuốt mời gọi mình phải viết ra, phải chia sẻ ngay và không chờ được. Mình nhường ghế ngồi hàng F lại cho cô gái Việt Nam mặt mày xanh lè xanh lét, cô tên Nhật Lệ, cô đi du lịch cùng với bạn bè và có chứng sợ máy bay. Và bạn nhỏ người Malaysia - đi cùng với mẹ và gia đình, đâu khoảng chừng 10 tuổi thì đã ngủ khò bên ghế ngồi cạnh của mình. Thàng nhóc dễ thương và nói tiếng Mỹ rất tốt. Nó sống ở Việt Nam, cùng gia đình. Và mình cũng đang trở lại Việt Nam với gia đình mình. Ba ngày ở Malaysia vèo một cái là hết. Nếu không có vụ mất máy ảnh, chắc mình cũng không có hứng để type ngay trên máy bay như thế này đâu. Mình bị mất máy ảnh rồi, nghĩa là sẽ không có hình ảnh nào hết về KL, về Genting, làng cổ Malaka, anh bạn Kay nhiệt tình đáng mến... Những giây phút cuối cùng, Makaysia gửi lời chào mình bằng một quãng lặng, chẳng muốn làm gì chỉ đơn giản là ngồi nhìn đồng hồ quay, đếm thời gian để check in lên máy bay trở về nước. Máy bay đã lên và mình bắt đầu kể về chuyến xê dịch nhẹ của mình bằng một cái mở đầu kiểu gì thế này?

1. Malaysia - đất nước mình chọn

2. Couchsurfing

3. Ramadan tháng ăn chay của người Đạo Hồi

4. Chiều Malaka

5. Đêm không ngủ ở Port Dickson - break fasting

6. Một mình ở KL - Genting chiều buồn

7. Chạm tay vào Tháp Đôi

8. Kết!
 
1. Malaysia - đất nước mình chọn

Để nói về Malaysia, chắc chắn mình sẽ nhớ đến chị X., một người chị lâu năm từ những hồi mình còn ở Sài. Chị giỏi, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ở lúc nào cũng khát khao vươn lên, khẳng định bản thân, trụ cột của gia đình và làm giàu! Quãng đó là năm thứ hai đại học, ở một phòng tranh chuyên bán tranh cổ và hàng thiệt chứ hổng phải giỡn của một ông chủ trẻ măng có thú vui sưu tầm. Chị X. vừa mới đi hợp tác lao động ở Mã về, chị bưng xuống Sài một bầu nhiệt huyết tươi trẻ và đầy sôi nổi. Malaysia qua những lời gấp rãi chị kể hiện lên là đất nước của những nhà máy, những người thợ từ Việt Nam sang. Giới chủ nói tiếng Anh, họ trả lương cũng được, nếu tiết kiệm và chăm chỉ, chắc chắn sẽ có thể dành dụm gửi về quê nhà, và ở quê nhà, nhiều khi số tiền đó cũng đủ để một cảnh thoát nghèo.

Và khi mình đi làm rồi, làm ngân hàng, một ngân hàng cổ phần nhà nước. Ở cái chỗ quầy giao dịch đó, mình làm quen được với những người mẹ có con đi lấy chồng ở nước ngoài, Sing có, Đài Loan có và chắc ăn là Malaysia cũng có. Những chứng từ nhận tiền Money gram đẩy đưa mình tới với những phận đời nhiều khi nghiệt ngã. Có bà mẹ ở mé Đồn bữa trưa nào lên nhận tiền rồi nhờ đặt vé máy bay giùm! Con gái bị bệnh rồi, bên đấy không có người lo. Trước lúc nó đi nhà cũng trống trước hụt sau lắm, mấy năm rồi nó không có về, tình cảm mẹ con hâm nóng lại bằng những đồng tiền con gái chắt chiu dành dụm, chuyển khoản, gọi điện qua nói mẹ cầm tám số này ra ngân hàng nhận tiền con gửi về nghen. Và lần này thì con gái bệnh, lấy chồng xa thì sao mà sung sướng cái nỗi gì! Đặt vé máy bay giùm mà tưởng như ở đất nước nào đó cách mảnh đất này khoảng 2 giờ bay, múi giờ chênh lệch nhau một tiếng, có một dáng áo dài Việt Nam nào đang ngày đêm bươn bải với xứ lạ người xa mà mơ về một mái nhà, yên bình!

Hãy tìm trên google, có rất nhiều thông tin về đất nước, văn hóa và con người Malaysia. Với mình, đơn giản mình chọn Malaysia vì trong một tối tháng năm nóng muốn xỉu, trằn trọc hoài mà không ngủ được nên lang thang trên các trang phượt. Đọc review, đọc các lời mời rủ rê đi chơi! Rồi vô tình tìm thấy vé giá rẻ, chưa tới hai triệu cho một chuyến bay khứ hồi từ Việt Nam qua Malaysia. Một phút bốc đồng, mình quyết định lên đường. Ở thời điểm đó, mình chưa lường trước được việc đặt vé máy bay một cách hời hợt như thế sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào! Đêm đó thật ngọt ngào và mình đã mơ về một chuyến xê dịch rất tuyệt, chỉ có một mình thôi và mình - trời ơi, giờ thì đã quen với cái việc cảm nhận những thú vui một mình rồi. Không cần bạn gái, chả cần bạn đồng hành mình vẫn có thể vui vẻ tự hưởng thụ. Đi coi kịch - cười, buồn một mình. Đi cà phê - chỉ cần một cuốn sách, cả buổi chiều nhẹ nhàng lửng tửng trôi qua - một mình! Đi ăn uống, đi du lịch - vẫn có thể chỉ một mình!

Thì một mình, 3 ngày ngắn ngui ngủi trên đất bạn rõ ràng là chưa đủ để khám phá hết những địa điểm du lịch nổi tiếng, thưởng thức những món ăn truyền thống, mua những thức đặc sản, chưa kịp làm quen với hệ thống giao thông hiện đại, và giọng nói của người bạn host vừa kịp quen tai đã phải chia tay rồi. Chắc chắn một điều rằng để nói lời thương, lời nhớ với đất nước mình chọn ấy, sẽ là lời không thành thật. Nhưng thăm thẳm sâu trong trái tim của chàng trai trẻ này, có một lời chào và hẹn gặp lại nào đã âm thầm bén rễ. Đang khe khẽ gọi tên!
 
Chị Tr. bảo thôi đừng buồn nữa, để chị lấy hình tòa tháp đôi rép hình em vô, để làm kỷ niệm, coi cho nó đỡ buồn heng! Đó là khi mình vừa đáp máy bay xuống Việt Nam, gửi tin nhắn viber cho bạn bè và người thân biết tình hình là sẽ chẳng có một bức hình nào làm quà cho mọi người! Cũng mắc cười vì nhiều khi ngay chóc những lúc mình gặp chuyện buồn, thì bạn bè, và người thân, lúc nào cũng ở bên. Nhiều khi chỉ để rải lời động viên, bâng quơ những lời thăm hỏi, mà nhiêu đó cũng đủ để vợi đi nỗi lòng mất tiêu rồi!

2. Couchsurfing:

Đây là chuyến xê dịch nhẹ đầu tiên mình phượt theo kiểu couchsurfing. Bạn phượt của mình là một người Malay bản địa gốc Ấn, một người đàn ông da màu ba mươi hai tuổi, hiện đang làm trợ lý trong một công ty (hình như là nước ngoài) có trụ sở ở KL. Anh có ba năm kinh nghiệm làm việc ở Thái Lan và Cambodia. Một người phóng khoáng và chịu chơi dễ sợ. Việt Nam để lại trong anh hình ảnh của một Hà Nội đầy sắc màu, một đỉnh Phanxipang mù sương và những người bạn Việt Nam nhiệt tình và hiếu khách. Anh đã đi qua nhiều nước, chủ yếu là khu vực Asean! Trước khi cho mình qua đêm tại KL, anh đã từng làm chủ trọ cho rất nhiều bạn bè khác.

Mình sẽ nói nhiều về niềm tin. Bởi lẽ cuộc sống gấp rãi, những bộn bề trong cuộc sống, hoặc có lẽ do ăn bún, bánh phở chứa chất hại nhiều, nên niềm tin cho cuộc đời, cho mọi người, trở thành một thứ vật phẩm quý, trân hảo đến độ người ta ngại bưng ra, ngại trao nhau, ngại tin lẫn nhau! Couchsurfing đề cao tinh thần bụi phủi của những người trẻ, và họ trao gửi niềm tin cho những người xa lạ! Đi đến một vùng đất mới, ở lại nhà của một người lạ xa, những điều kinh khủng có thể xảy ra. Tin tức rải nỗi sợ hãi vì những vụ bắt cóc, bán nội tạng hoặc là đánh mất đi cái quý giá nhất trong một chuyến xe bus chiều ở vùng đất của vị cà ri. Trao và gửi gắm niềm tin, hãy thử một lần trải nghiệm cảm giác ấy, để cảm nhận rõ sự ngọt ngào! Mình vẫn còn ngất ngây với niềm tin trao gửi đúng người. Và dĩ nhiên lời cảm ơn thành ra là không đủ, dành cho người bạn host của mình - Kayrol!

Mình chưa quen với giao diện của trang web coushsurfing đâu. Nên cũng không rành khi gửi những lời đề nghị được cho ở trọ. Nhiều lời đề nghị được gửi đi. Nhận được lời mời vào hai ngày sau, một bữa trưa Dầu Hạ mưa âm thầm, mùa này mưa cũng đã nặng hạt lắm rồi, đủ để những bữa đi thẩm định chiều trở thành nỗi ám ảnh! Mình cũng hơi băn khoăn, vì bạn là người gốc Ấn! Những nỗi lo sợ làm cho cái click đồng ý kéo dài qua mãi đến hai ngày sau nữa. Đọc kỹ những dòng cảm ơn của những bạn CSers dành cho bạn, yên tâm và tự tin hơn để rồi cuối cùng, mình quyết định trao hết niềm tin vào người bạn lần đầu tiên được biết tên và vẫn chưa biết mặt này! Bạn bảo hãy yên tâm, bạn sẽ đón mình ở sân bay LCCT vào lúc 12 giờ đêm của ngày thứ sáu. Mình ngại, trời ơi sao bạn lại nhiệt tình thế này, hỏi thử từ nhà ra sân bay có xa không, bạn nói chắc đâu chừng hai tiếng, mình Hả, xa quá vậy, trời ơi thôi vậy khỏi đi, cứ cho tui địa chỉ nhà đi, tui sẽ tự lần mò. Chả có việc gì phải lo đâu, làn đầu đi KL mà, cứ để đó, bạn sẽ ra đón.

Bạn ra đón mình thiệt, nhưng quãng đường ngừng lại ở KL Central, bởi vì bạn bắt chuyến xe bus trễ (mãi đến lúc gặp bạn rồi, liên lạc được với bạn rồi, mình mới biết, vì người ta nhắn tin trên facebook, nhưng người này lại có mạng đâu mà đọc được tin nhắn kia!), nên lúc mình đáp xuống sân bay, dòm và đi kiếm khắp nơi cũng hổng thấy ai đang chờ mình hết trơn. Sân bay LCCT là một sân bay nhỏ, khá cũ kỹ nằm tềnh khênh ở khu vực rìa của thủ đô. Buổi đêm đem đến cho mình cảm giác bất an, bởi không giống như những sân bay quốc tế khác, có chỗ để khách lữ hành lỡ đường ngủ lại, ở đây không có chỗ để người ta dừng chân, sân bay vẫn sáng đèn và tấp nập ồn ào, một sự tấp nập chứa đầy rẫy những nghi ngờ và nguy hiểm (tại sân bay này, khi chuẩn bị đáp chuyến bay về lại Sài Gòn, cái máy chụp ảnh yêu thương của mình đã cất cánh ra đi!).

Mình cũng là người Việt Nam mà. Đó là sau một hồi nói chuyện, nhờ vả để gọi nhờ cuộc điện thoại, một chị gái đã nhắn lại với mình như thế. Mình phải gọi một cú điện thoại, cho Kay, để hỏi thử coi tình hình của bạn ra sao? Và người giúp đỡ mình là một chị gái, chắc khoảng ba mươi tuổi, chị đi đón chồng về. Và lời cuối cùng sau một hồi chị bắt liên lạc giùm mình, đó chính là không sao đâu em, người Việt Nam phải không? Mình cũng người Việt Nam mà. Cảm giác ở nơi xứ lạ người xa, nghe được giọng tiếng Việt thiệt là hạnh phúc!

Và mình biết được bạn Kay đã bị trễ chuyến xe bus rồi. Bạn bảo mình giờ hỏi đường đón xe bus ra KL Central đi, ở chỗ đó bạn sẽ chờ và rước mình về nhà. Cũng chả có gì là khó khăn cả. Đã xác ba lô lên và chuẩn bị đi, thì những rủi ro và thay đổi là điều không tránh khỏi. KL Central đón mình đơn bạc với hình ảnh bạn ngầu cực kỳ bên chiếc xe motor và chiếc mũ bảo hiểm bự chà bá che hết mặt mũi. Bạn chở mình về, giữa buổi khuya KL lộng gió. Cảm giác tuyệt vời khi thấy mình đã ở đây, một KL im lìm và say ngủ với những ngọn đồi cao, những đường giao thông ngoằn ngèo đầy thử thách, và tay lái trái cũng khiến cho một thằng mình ngái ngủ cũng phải cố gắng tỉnh dậy. 3 giờ sáng về tới nhà, Kay hỏi mình không đi tắm hay sao? Mình bảo lạnh! Chúc ngủ ngon và đánh một giấc cho tới sáng, mệt quá sau một ngày dài!

Đây là lời Kay dành cho mình: anh không phải là hướng dẫn viên cho cậu, anh cho cậu chỗ ngủ, anh có thể dẫn cậu đi Malacca vì nơi đó nằm ngoài thủ đô, sẽ là khó khi thả cậu một mình đi tới nơi đó. Nhưng nếu đi Genting, đi Batu, cậu hãy tự đi một mình. Không phải vì anh đã tới nơi đó rồi, mà anh nghĩ là cậu hãy tự lập, phải tự lập. Dân bụi mà, hãy hỏi khi không biết, hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là đích đến. Kay cho mình rất nhiều lời khuyên, những kinh nghiệm phượt xuyên biên giới. Một người Malay nồng ấm và mến khách.

Mình gọi đó là duyên, đâu có phải là dễ đâu để được gặp nhau, giúp đỡ nhau và cho nhau những lời khuyên. Khoảng khắc ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá! Làm sao mà quên được người bạn này, cho đến cuối cuộc đời!
 
3. Ramadan tháng ăn chay của người đạo Hồi:

Ở bến xe bus KL Central, Kay chở mình qua những dãy phố im lìm trở về nhà. Anh sống trong một căn hộ nhỏ, một phòng khách, ba phòng ngủ, có bếp và toilet riêng. Kay sống chung với hai người bạn nữa, nhưng cuối tuần, có thể họ về quê, hoặc đi dã ngoại thư giãn gì đó. Tháng bảy, thường cuối tuần là dịp để người dân nơi này tụ tập ăn chơi đàn đúm (trong một khuôn khổ cho phép). Căn hộ của anh nằm ở lầu ba của một chung cư cũ kỹ, hơi dơ và không thuộc khu nhà giàu - anh tếu táo cười khi mình bảo ở Việt Nam thì nhiều xe máy lắm, không có xe ô tô dày đặc như ở KL đâu. Và ở bãi giữ xe của chung cư nơi anh ở, phần lớn là xe máy! Kay chở mìnhvề đến nhà là hơn hai giờ khuya rồi! Anh hỏi mình có đói hay không? Mình nói không, trong bụng mệt muốn xỉu, chỉ muốn vô nhà lẹ rồi đi ngủ. Đó là lúc mình mường tượng ra Ramadan là cái gì? Kay nói bằng giọng Mỹ khá chuẩn là anh phải đi ăn đây, bởi vì khi mặt trời lên, anh sẽ phải chay tịnh. Đó là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của tất cả các tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới: tháng chay Ramadan!

Với người đạo Hồi, việc ăn chay trong suốt một tháng với họ là chuyện bình thường. Tháng chay Ramadan bắt đầu bằng việc cả ngày không ăn, không uống và không hút thuốc lá, không bia rươu, hạn chế quan hệ tình dục, những hoạt động chơi bời lêu lỏng bị siết chặt lại (bar và club ế chỏng gọng). Họ gọi đó là fasting, một hình thức sẻ chia và thấu hiểu nỗi vất vả vì thiếu cái ăn, cái mặc của những bộ phận giai cấp nghèo. Ở Malay, tháng chay được quảng bá rộng rãi và rầm rộ trên truyền hình, các panel quảng cáo, tạp chí và những bảng điện tử tại tất cả những khu thương mại, mua sắm từ sầm uất cho đến vừa vừa, chạy từ thành thị dọc dài suốt các ngõ ngách ở các vùng nông thôn.

Những người bản địa mà mình gặp, tất cả đều là người đạo Hồi. Một cách thích thú, ngày đầu tiên ở Malay, mình cũng tràn đầy hăm hở để trải nghiệm một ngày fasting nhẹ, không ăn gì hết, để bụng rỗng đi Malacca. Nước uống thì không thể từ chối được, cảm giác cháy khô cả cổ lúc nào cũng thường trực. Và một ngày dài di chuyển khiến cho mình rụng rời, hoa tàn nhị rửa chịu không nổi đến năm giờ chiều thì tại bến xe chuyền tiếp từ Malacca đi Port Dickson, mình đã lén mua một phần bánh mì xúc xích (với tiêu, trời ơi cái món ăn quá xá lạ lùng) để bỏ vô bụng, nhân lúc bạn host của mình đi vệ sinh. Món bánh mì lạ lùng - nhưng lúc đói khổ tự nhiên cũng thấy nó ngon gì mà ngon dễ sợ (Tốn hết 3 RM cho một món bánh mì, giá này cũng gọi là chát chớ bộ!)

Mắc cười là khi mình đi cùng bạn, trên suốt dọc đường mình hay hỏi này, hỏi nọ, hỏi kia. Dòm thấy cây sầu riêng nói anh biết cây đó không, ở quê tui là đặc sản đó. Bạn cười cười im im, mình quê quê. Gặp đèn xanh nói ủa sao không chịu chạy đi, bạn im im cười cười rồi rồ ga chạy phớ lớ. Chút sau bạn mới nói là bạn ăn chay đó, nên hạn chế nói nhiều quá, vì không được uống nước. Mình mới hỏi trời ơi vậy có khi nào mình bị xỉu, bị ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng vì chay tịnh như thế này hay không? Bạn cũng lại im im, nắng lên rồi nên cũng dẹp luôn khỏi thèm cười. Đến khi mặt trời lặn đi rồi, bạn mới cởi mở hơn, nói nhiều hơn và giải thích rõ là đạo không bắt buộc mình phải sống chết giữ đúng không ăn, không uống. Mình phải biết rõ giới hạn của mình là như thế nào. Khi mình đi xa, mình hoạt động nhiều mình vẫn có thể ăn uống bình thường được. Một kiểu như tu tại tâm, nhiều người nói tui ăn chay đó, tui cũng muốn ăn chay thiệt mà. Nhưng lỡ bữa rằm mà công ty có mở tiệc, thịt nướng BBC seafood cá tôm ê hề tràn trề mời gọi, thì thôi lại là tui tu tại tâm đó đa. Mà nói thì nói vậy thôi chớ tâm ai người đó biết, mình thì chỉ thấy mắc cười với những kiểu tu tại tâm như thế này!

Cộng đồng người Hồi giáo ở Malay rất đông, chiếm hơn 60% dân số và được công nhận là Quốc giáo của quốc gia này! Thế nên, Ramadan được xem là một sự kiện quan trọng, vô tình đến thăm nước bạn trong một dịp đặc biệt như thế này, được trải nghiệm, được fasting đói lăn cù mèo và cảm giác được nỗi khổ của những người giờ đây vẫn còn thiếu ăn thiếu mặc ở khắp nơi trên thế giới, mình cho rằng đó là một sự may mắn. Bạn mình nói sau khi hết tháng chay sẽ có một lễ hội lớn nhất trong năm ở Malaysia, lễ hội Hari Raya, nếu ở Việt Nam, người ta gọi đó là tết. Bạn kể rất nhiều những hoạt động, họ sẽ trở về nhà, gặp gỡ người thân và bạn bè, ăn uống và bù khú. Nhưng đó là chuyện của một tuần tới, khi kết thúc tháng chay Ramadan. Còn bây giờ thì mình đang nghĩ tới một bữa break fasting cực kỳ hoành tráng, với BBC và nước trái cây (họ không uống bia rượu trong một tháng này), và bờ biển, và một tối cuối tuần không ngủ, với những người bạn vừa mới quen cực kỳ thân thiện và mến khách. Thì cũng dễ hiểu thôi, cả ngày nhịn đói, tất cả sẽ được dồn hết lại vào buổi ăn tối của mỗi ngày, đặc biệt là một tối thứ bảy cuối tuần.

Hay mình cũng tập fasting từ từ, một ngày nào đó công thành chánh quả, bụng sáu múi body slimfit. Cơ mà lại đói bụng nữa rồi đây!
 
Không có một khoảng thời gian cố định nào đánh dấu tháng chay Ramadan của người đạo Hồi (tháng thứ 9 theo âm lịch của đạo, đó là khi mặt trăng lưỡi liềm xuất hiện đầu tiên trong tháng). Ví dụ như năm 2013, Ramadan sẽ bắt đầu vào ngày 9/7 và kết thúc ngày 7/8, tuy nhiên tại Malaysia tháng Ramadan năm nay lại bắt đầu vào ngày 10/7, kết thức bằng Tết Hari Raya vào ngày 8/08. Một trong những Thánh lễ thiêng liêng và có quy mô lớn nhất của tôn giáo lớn nhất hiện nay trên toàn thế giới. Mình thì chỉ đơn giản hy vọng rằng sẽ có dịp được trao đổi và trải nghiệm nhiều hơn nữa về fasting, Ramadan... Tuy nhiên, đó chắc ăn là một câu chuyện khác, với những chuyến đi mới, vào một ngày nào đó!

4. Chiều Malacca

Mình dành rất nhiều tình cảm cho mảnh đất này - Malacca. Khi Kay hỏi tại sao cậu cứ muốn đi Malacca thế? Mình nói bạn của mình vừa đi Malay về, bạn bảo ở nơi đó chả có gì chơi cả: nhà cổ, một vài cái nhà thờ nhỏ xíu, những khu nhà Hà Lan, không có hoạt động giải trí, không khí ít ồn ào náo nhiệt, tới đó coi, rồi hết. Nhưng với mình thì chính sự yên ả về một Malacca như thế, lại làm cho mình quyết tâm phải dành một ngày để tới khu phố cố này.

Đêm trước mãi đến 3 giờ sáng mình mới đi ngủ, sau khi ăn xong một dĩa cơm với tomyum - món ăn truyền thống của người Thái Lan nhưng cũng rất phổ biến ở Malaysia. Mình không có thói quen ăn đêm, nhưng Kay bảo trời sắp sáng rồi nên anh phải tranh thủ nạp năng lượng để mai nhịn đói không ăn uống. Tháng chay Ramadan! Và mình cũng ăn, nhập gia thì tùy tục. Kay mời, một món tomyum nhẹ mùi và không cay, ăn rất ổn được chế biến bởi một anh chàng đầu bếp bản địa trẻ măng, cái đầu nhuộm vàng hoe và chào mình bằng giọng Mỹ lợt đớt.

Leo lên giường trong cơn mệt mỏi sau một ngày dài làm việc (mình bay vào lúc 9 giờ đêm ngày thứ sáu, trước đó mình vẫn phải đi làm. Làm xong rồi thì vác ba lô từ Tây Ninh chạy xe máy xuống Sài Gòn, từ Sài Gòn mình trèo lên máy bay quánh một vòng sang Mã! May mắn, vì máy bay không bị haonx chuyến và đáp rất đúng giờ.) Trước khi ngủ mình và Kay thống nhất một số điểm cũng như lịch trình cho chuyến khám phá Mã vào ngày mai. Mình định làm một vòng KL trước nhưng Kay khuyên hãy đi Malacca đi. Đừng để ngày cuối cùng khi rời Malay mà mình vẫn còn đang ngẩn ngơ ở một nơi xa sân bay! Một gợi ý rất hữu ích bởi bạn của mình cũng vừa phải mất thêm tiền oan uổng vì ra sân bay trễ. Cô gái trẻ một mình đi Bangkok, và giao thông ở đất nước nụ cười luôn là nỗi ám ảnh đối với những người lúc nào cũng đợi nước đến chân mới nhảy như mình. Ngủ một giấc để lấy lại tinh thần để ngày mai đi Malacca nào!

Kay dậy trễ. Đó là một thói quen tốt vì vào những ngày Ramandan, người bản địa sẽ cố gắng dậy trễ, làm việc ít lại hai tiếng so với ngày bình thường nhằm tiết kiệm năng lượng. Buổi sáng đầu tiên ở Malay đón mình bằng những khoảng lặng. Ngày cuối tuần ở KL rất yên bình, xe cộ chạy ít hơn, họ không bấm còi xe vô tội vạ! Trước khi qua Malay, mình có nhắn trên couchsurfing hỏi host xem thử bên đấy mùa này như thế nào? Trời có nắng chang vào ban ngày và mưa rải rác vào buổi chiều không? Bạn trả lời trời hổm nay bên đó đã lắm, không có mưa, dễ chịu! Và quả thiệt trời Malaysia ba bữa mình tạt ngang yên ả, nắng rất hiền, trời rất trong như nụ cười cô gái Hồi giáo lấp ló sau tấm khăn choàng Hijab.

Bắt bus từ KL, mất khoảng hơn 2 giờ mới tới Malacca. Malacca là một thành phố cổ, nằm êm đềm bên dòng sông cùng tên vắt ngang qua thành phố. Cách thủ đô khoảng 150km về hướng Nam, Malacca đón mình bằng một buổi chiều cuối tuần đông dày du khách. Những ngôi nhà gỗ nho nhỏ, cổ kính và những con đường lát gạch đỏ rợp bóng cây. Nhà thờ, chỉ một quảng nhỏ xíu mà có tới ba nhà thờ, đẫm nét thời gian. Malacca nhỏ nhắn tưởng như nằm gọn trong lòng bàn tay, đi một vòng đã hết. Nhưng thành phố cổ ấy đã qua 600 năm tuổi, đi qua biết bao nhiêu thăng trầm, quá khứ giờ đây nằm lại ở ven đường, lẩn khuất ở những chiếc cối xay gió, ghế đá công viên, quảng trường Hà Lan và cây cổ thụ già nua rậm rì xanh lá.

Người ta ví Malacca như một thánh địa cổ của một châu Âu thu nhỏ, một Venice của châu Á êm đềm. Ở đó, vào một chiều tháng 7 có bước chân nhỏ bé của chàng trai trẻ quốc tịch Việt Nam sải những bước âm thầm. Malacca đẹp như một bức tranh lặng, nhỏ nhắn và buồn! Tiếng nhạc phát ra từ những chiếc xe hoa rải vào không gian tĩnh lặng của thành phố cổ chút chấm phá. Không có nhiều thứ để chơi ở Malacca đâu! Nhưng tâm hồn mà, nhiều khi chỉ thanh thản, là cũng đủ để trôi tan nát bời bời rồi!
 
Đọc bài của bạn làm mình nhớ Malaysia đến quay quắt..Nhớ đất nước bình yên với những con người thân thiện, những người bạn lúc đầu tưởng lạnh lùng nhưng nồng nhiệt và ấm áp..Nhớ những hàng cọ xanh mướt, những con đường tấp nập xe nhưng vẫn thanh bình..
 
Từ KL đi Malacca mình di chuyển bằng xe mini bus! Ở bên đấy minibus rất hiện đại, chất lượng cao, bán vé tự động và bật máy điều hòa suốt cả hành trình! Nếu chọn bus làm phương tiện di chuyển chính khi đến Malay, hãy nhớ mang theo áo khoác, phòng hờ thôi, đỡ phải sụt sùi vì lạnh! Mình thì hay cười, trong bụng đánh bò cạp, môi run run nhưng hở bạn đồng hỏi lạnh hay không thì toàn bấm bụng nói không, tui ok mờ! Giá vé xe bus thì chấp nhận được, so với vé giá rẻ ở bên mình thì so sánh mà làm gì, vì xe của người ta là xe đời mới, và nếu so sánh với những phương tiện công cộng khác, thì vé xe bus là ổn.

Mất máy ảnh rồi nên những gì lục túi còn sót lại về chuyến đi rong của mình, bây giờ chỉ còn là mấy đồng cắc lẻ được cái chị người Việt Nam cho ở LCCT, và một nùi vé xe bus! Mình trân trọng giữ làm kỷ niệm, lâu lâu bưng ra nhớ, vẽ lại cuộc hành trình! (Có ai như mình không? Kỷ niệm hổng phải là thức ăn, nên lưu trữ được không được lâu, năm dài tháng rộng sẽ rơi rụng, mà không giữ thì không được, nên níu kéo, tới đâu hay tới đó!)

5. Đêm không ngủ ở Port Dickson - break fasting


Bạn đồng hành có hẹn! Sau này thì mình mới biết là đã một năm rồi họ mới gặp nhau, bạn thân lắm, cũng sống chung dưới một bầu trời mà lâu thiệt lâu mới gặp lại! Tháng Ramadan vì vậy cũng là dịp để cho bạn bè gặp nhau, không đến nỗi là bù khú, nhưng vui vẻ hết mình trong những giấc chạng vạng, ở những bữa tiệc mà dân bản địa gọi là break fasting (mình thì gọi là tiệc xuống núi - mừng cả ngày phải hom hem đói khát vì Ramadan!).

Đó là một bữa tiệc nướng ngoài bãi biển, với thịt gà, các loại bánh tart nhỏ nhỏ truyền thống của người đạo Hồi (các bạn có nói tên, nhưng trời ơi, chắc thêm vài mùa Ramadan nữa mình mới nhớ hết được - nếu còn có cơ hội được nếm thử lần nữa!). Họ không uống bia, rượu, giải bằng nước hoa quả (nước xoài ép) và nước suối mang theo. Một bữa hội ngộ bạn bè trong sáng! Họ không có đờn, chỉ mang theo ipad, và bật những bài hát tiếng anh có, tiếng Malay có luôn. Tính tính tang tang cười muốn lộn cả ruột!

Bắt đầu rời Malacca lúc sáu giờ chiều, múi giờ của đất bạn đi trước nước mình khoảng một tiếng, cũng đủ để khi mặt trời Malay ngả về Tây, vẫn còn sáng trưng dòm rõ mặt người. Sợ trễ, nên thay về bắt minibus từ trung tâm phố cổ ra ngoài bến xe của bang như quận đi, mình và Kay bắt taxi. Những chiếc taxi ở Malay nhiều và màu sắc không sặc sỡ như ở nước mình hay Thái! Những các bác tài xế đa phần là dân da đen, cao to nhìn bặm trợn, sợ! Do bạn đồng hành là người bản địa, nên mình cũng không quá lo lắng, mất hết 20 RM cho một quãng đường ngắn cũn trị giá 1RM nếu di chuyển bằng minibus. Tiền nào thì của nấy thôi, taxi thì nhanh thôi rồi!

Mới đầu mình hăng hái tham gia đi BBC với bạn lắm, tới lúc bắt đầu đi thì mới sợ. Theo cái kiểu, trời ơi cái thằng bạn này của mình, mình mới gặp nó được một ngày, nó dắt mình đi rong ruổi một buổi (nó dắt mình vô bưu điện, gửi bưu phẩm, trước đó vào buổi sáng, nó viết thư, mình tò mò vô tình dòm dòm, nó che che nói cái này thuộc dạng cá nhân riêng tư không đọc được!). Nó chở mình bằng xe máy, ôm cua điệu nghệ vượt qua quá chừng những khúc cua nghẹo ngọ. Nó mua vé xe bus và mình trả tiền. Nó dắt mình đi Malacca, ở đó nó chụp cho mình mấy tấm ảnh (giờ mình cũng hổng còn nhớ, chụp ở đâu, hình ảnh như thế nào!). Tình cảm chưa kịp gắn bó, bây giờ nó dắt mình đi đến một nơi lạ quơ lạ quắc, gặp đám bạn của nó nữa! Rồi liệu nó có đem bán mình đi hay không? Những ý nghĩ vu vơ, ơ hờ trong áng chiều nhập nhoạng, ở một nơi xa lạ, cũng đủ gợi lên trong đầu mình biết bao nhiêu là chuyện mờ ám, sởn hết cả gai óc.

Thì đi, phải đi thôi chớ biết làm sao! Mình cũng khoái BBC mà! Kay bảo bọn họ sẽ ăn uống ca hát nhảy múa ở biển Port Dickson. Mình lờ mờ láng máng nhớ ra hình như đã từng đọc thông tin về bãi biển này, nhưng không nổi tiếng lắm, ít người Việt qua mà ghé thăm nơi này! Nỗi sợ cố gắng lấn áp xuống bằng những giấc ngủ chập chờn. Bạn rải lời nói rằng từ Malacca đi PD khoảng chừng một giờ xe chạy, cũng gần, ngủ được thì hãy ngủ đi! Đã hết giờ ăn chay, Kay móc từ trong ba lô ra mấy cái bánh, giống bánh thuẩn và hộp sữa, mời mình ăn thử coi bánh truyền thống của quê người ta ra sao! Mình cũng ăn, phải ăn chớ, trải nghiệm những cái gì thuộc về quê quê xa ngái, là sở thích, là cái bản năng tự tìm về của mình mà! Bánh cứng ngắc, không xốp và mịn như mấy cái bánh thuẫn ở quê nhà, nhưng đói, vẫn còn đói, nên ăn thấy cũng ngon! Kay cũng thuộc mẫu người quê quê cù lần y chang mình đấy, nên anh tâm sự rằng bánh này anh ăn hoài hổng thấy ngán, loại bánh bình dân rẻ rề bán ê hề ngoài chợ. Mà ngon nhất là được làm theo kiểu ngày xưa, các bà các mạ làm tay, nấu bằng những cái khuôn đất, trên những bếp lửa lùng bùng khói, bánh cháy xém xém khét khét đen đen mà thơm lựng. Cũng loại bánh này nếu ăn trong những cửa hàng đèn điện sáng choang, Kay nói, thấy bay mất tiêu cái vị ngon của xứ sở quê nha!

Bus chạy qua những ngọn đồi, Kay chỉ, hỏi cây này cây gì, mình thấy giống cây thốt nốt, mà hổng biết nói tiếng Mỹ thì thốt nốt là cái gì, nên chuyển qua cây dừa, cho nó dễ. Thì ra nó là cây cọ, chúng mọc thành rừng, trải dài qua hết ngọn đồi này đến ngọn đồi kia, từ Malacca đến PD lúc nào không biết. Nói vậy chớ mất cũng gần hai giờ mới tới trạm, cái trạm lúc tám giờ tối hết xe, im re nằm đen thui, mấy ngọn đẹn đường tỏa ánh sáng tù mù giúp soi rõ mặt người. Mình đi toilet, phải leo lên cầu thang tối, chỉ sợ có bóng ma nào tự nhiên bay ra, chắc xỏn ra quần luôn quá (bữa ở Việt Nam mới coi ma Nak, Mak gì gì nên cũng sợ!). Kay gọi điện cho bạn, biểu bạn chạy ra đón! PD về đêm êm ả như một thị trấn tỉnh lẻ, ít xe cộ ít người đi đường ít cả tiếng côn trùng mèo chó réo gọi trong đêm! Được cái, biển cũng rì rào, không có mùi mặn mòi của khô cá nhưng chỉ tiếng sóng thôi cũng khiến con người ta hăng hái tinh thần!

Chờ thêm khoảng nửa tiếng thì bạn Kay mới tới đón. Ngồi xe ô tô êm êm chạy thẳng ra biển! Ở đó người ta ăn uống no say hết ráo rồi! Họ bưng ra một đống đồ nướng (giờ thì đã nguội), trái cây và nhiều loại bánh tart! Mình thử mỗi thứ một miếng, bắt tay từng người và nói xin chào, tôi là Tồn Phan, tôi đến từ Việt Nam! Mọi người cũng hỏi chuyện, ờ ờ thì mày đi du lịch một mình à? Mày đang làm cái gì? Mày bao nhiêu tuổi? Mày nhỏ nhất ở đây đa, mày cứ tự nhiên nhen, muốn ăn gì cứ ăn, mà ăn đi, ngại cái gì, không có gì ngại hết! Tất cả gồm có chín người, tính luôn cả mình! Họ cũng trẻ, người lớn nhất chắc là Kay, ba mươi hai tuổi, và một hai người bạn của anh nữa. Còn lại là bạn của bạn, của bạn! Mình không nhớ tên nỗi, vì những cái tên dài ngằng cứ này Zim này Aey này Xon blah blah blah cứ loạn lên hết!

Những câu chuyện chắp nối! Tất cả đều nói được tiếng Mỹ, nhưng thỉnh thoảng họ bay sang nói tiếng Malay, mình ngậm hột thị, dòm dòm rồi cười! Bạn hỏi có buồn hay không? Mình nói cứ vui hết mình đi, mình biết cách tự tìm vui cho mình mà! Chỉ việc nghe tiếng các bạn nói, nghe cách các bạn cười, là đã thấy hồn hậu và vui vẻ rồi! Một bữa BBC không có thịt lợn, chỉ thịt gà, bánh trái nước quả các loại, mà no căng bụng! Nến cháy hết, gió biển thổi lên mướt rượt, sương xuống lạnh! Cả bọn dọn đồ, bưng hết ra xe, chạy lọt tọt về!

Lúc này mình đã oải lắm rồi! Hơn mười giờ đêm chớ bộ còn sớm lắm hả. Ai quen mình thì chắc ăn biết, mình không có thói quen dậy sớm, ngủ trễ lại càng không, riết rồi nhìn mình người ta nói là heo! Chỉ một đêm không ngủ, hoặc ngủ trễ, sáng ra mình là con gấu trúc (này là anh bạn đồng nghiệp nói, chọc quê bữa mình có chuyện buồn, trăn trở trằn trọc không ngủ được!). Ở Malay xe ô tô là phương tiện di chuyển phổ biến! Sáng sáng quánh xe đi làm, chiều về chở vợ con chạy vù ra biển, ngáp ngáp hóng gió tí rồi chạy về, giá xăng ở đây thuộc hàng rẻ nhất Đông Nam Á. Nên chín người chất lên hai chiếc xe, khỏe re.

Cả bọn lại dừng lại ở một bãi tắm nào đó, sáng sủa tập trung đông người! Đi dạo dạo, ghé quán uống nước! Lúc này thì tình cảm cũng đã thân thân lắm rồi, nghĩ lại thấy cái việc mình rào trước đón sau, sợ này sợ kia lúc trước khi đi PD thấy cũng vui! Mấy người bạn đồng hành đa phần đã đi làm, họ đều theo đạo Hồi! Cả tháng Ramadan họ đều không ăn không uống khi mặt trời lên đến tận lúc trời ngả về chiều, ông mặt trời lặn! Cuối tuần họ rủ rê nhau break fasting tưng bừng. Bên bờ biển, chỗ quán cóc bán nước ven đường, cả đám ngồi quay lại nói chuyện với nhau! Nhóm đông, nên để gọi là quen hết cả nhóm là không được, trời đặt mình ngồi gần ai thì mình bắt chuyện với người đó! Bạn cũng nhiệt tình, ngồi kiên nhẫn lắng nghe mình nói, giải đáp thắc mắc của mình dành cho một nền văn hóa mới, nói cho mình nghe về Ramadan, về đạo Hồi và về cả dân tộc Mã nữa. Những câu chuyện rôm rả, xoay vòng vòng theo những cơn sóng đêm! Trời thì đã ngả về khuya! Đâu còn sớm sủa gì nữa đâu!

Nhưng mà, ừ thì cuộc vui vẫn còn dài! Chưa qua nửa đêm mà!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,675
Bài viết
1,135,025
Members
192,358
Latest member
nepchongtruot
Back
Top