What's new

[Chia sẻ] Mùa hè trên đất Nhật 2016

Xin chào anh chị em!

Năm 2014 mình đi Myanmar và đã có bài chia sẻ hành trình. Năm 2015 thì đi Philippines , đảo Palawan nhưng không thành công như mong đợi vì mưa giông. Năm nay 2016 mình thực hiện ước mơ đã lâu, vốn nghĩ khó thành hiện thực vì nhiều trở ngại về ngôn ngữ là chính. Và một bất ngờ cho nhiều bạn của mình khi biết mình đi 1 mình, dù đã già trên 30 rồi, nhưng thật sự du lịch Nhật bản vẫn là nơi e dè khi đi tự lúc và thậm chí đi 1 mình lần đầu như mình.

Mình cảm ơn nhiều đến rất nhiều anh chị đã chia sẻ thông tin trên phuot.vn này, mình rất tiếc không thể nêu tên dù rất muốn, nhưng sợ thiếu sót, vì trước đó, mình đọc thông tin chia sẻ muốn stress luôn, bị tẩu hỏa thật sự, cứ đọc đi đọc lại, rồi quên trước quên sau. Đôi khi đọc cứ bị cuốn vào chuyến đi của họ lúc nào không biết, quên chắt lọc lại thông tin.

Mình cố gắng viết bài này hy vọng các bạn vẫn đang lo lắng sẽ có vài thông tin giúp bạn gỡ rối âu lo. Cũng không nhiều lắm vì mình đi 1 mình, tự làm tất cả mọi thứ nên trong quá trình đi, chủ yếu thu thập thông tin chia sẻ bị nhiều yếu tố tác động làm mình không tập trung, hay quên. Mình cũng chia sẻ trước là mình hoàn toàn không hỏi bất cứ câu gì trên phuot.vn; vấn đề nào chưa hiểu thì tìm mọi cách cho nó sáng ra, vd xem youtube, xem các trang thông tin japan-guide.vn, tripadvisor...; lúc đọc bài của các anh chị đi trước, thấy các câu hỏi kiểu như "Nara có đáng đi không?" hay " Rừng trúc thì đi bao nhiêu lâu thì đủ..." là mình dị ứng lắm. Không trách kiểu hỏi trẻ con như vậy, nhưng dám đi thì dám tự hỏi mình muốn gì, mình có gì ( thời gian, tài chính...)

Thôi chưa chia sẻ gì đã nói dài dòng. Mình sẽ chia bài thành các phần như sau:

1. Visa
2. Chương trình tham quan
3. Nơi ở
4. Cách di chuyển
5. Ăn uống, sinh hoạt ở Nhật
6. Một ít nhận xét cá nhân

Về câu hỏi muôn đời là tốn bao nhiêu tiền thì mình thành thật khai là khoảng 21 triệu luôn vé máy bay. Nhiều người bảo sao rẻ quá, đi tới 9 ngày. Bạn muốn hưởng thụ thì Ok, nhưng muốn tiết kiệm tối đa thì buộc phải tra thông tin và ước lượng. Con số 21 triệu hoàn toàn nằm trong giới hạn vì cộng chi phí mục 2 +3 +4 +5 sẽ ra con số tượng trưng. Mình đem 90.000 yên và xài gần như hết trơn vì shopping dùm đồng nghiệp hơi nhiều.

Chi phí là phụ thuộc vào bạn!
 
Last edited:
1. Visa

Mình nộp đúng những gì Lãnh sự quán ở Sài gòn yêu cầu trên website. Cũng có lăn tăn có nộp hộ khẩu, nhưng sau đó mình nghĩ họ kêu sao thì làm vậy.

Điền mẫu đơn visa
Đơn xin nghỉ phép, duy nhất cái này thì mình nhờ Sếp lớn kí và đóng mộc công ty
Bản photo hợp đồng lao động
Bản photo xác nhận tài khoản ngân hàng ( mình đã yêu cầu ngân hàng làm giấy xác nhận, trả phí, rồi đem photo)
Chứng minh thu nhập thì mình ra ngân hàng trả lương của công ty ( là ACB ) làm bản sao kê 6 tháng gần nhất rồi mình dùng viết highlight số tiền lương của công ty. Mình không thích nhờ công ty làm giấy xác nhận lương nên làm cách này. Bên ngân hàng ACB làm cho mình miễn phí, có mộc.
Xác nhận nơi ở bên Nhật: mình xem booking.com chọn hostel đã thích từ trước, ưu tiên NO CREDIT CARD GUARANTEE và book luôn. In xác nhận và nộp
Chương trình tham quan: mình tự nghĩ ra form, cách trình bày, mình nghĩ không cần và không nên copy của ai. Nội dung ghi chi tiết hay đơn giản thì tùy bạn, nhưng mình thì ghi hơi chi tiết 1 tí, có lợi về sau. Nội dung gồm ngày 1 tham quan gì, phương tiện gì, ngủ ở đâu.

Cứ vậy là nộp. Mình có nộp thêm vé máy bay tự giữ chỗ trả sau bên Vietnam airlines ( dù sẽ bay hãng khác vì VNA quá mắc) nhưng nhân viên trả lại, chả thèm dòm qua. Website cũng ghi rõ không yêu cầu vé máy bay. Cho nên đòi gì thì đưa cái đó nha.

Khi nộp, nhân viên sẽ hỏi kha khá các câu hỏi vì mình đi lần đầu, 1 mình, và mình làm bên du lịch. Câu hỏi kiểm tra xem bạn thật sự chủ động về chương trình tham quan hay không: đến vùng nào trước, sân bay tên gì, ks giá nhiêu; ở Osaka định tham quan gì, ở Tokyo bay sbay gì...Sau đó nhận giấy hẹn rồi về chờ 1 tuần sau sẽ có kết quả. Vì mình là du lịch nên ngay hôm sau có nhân viên gọi vào côngty yêu cầu gặp mình, hỏi 1 vài thông tin cơ bản ( với giọng khá hách dịch) kiểu làm phòng nào, vị trí gì, và đảm bảo KHÔNG QUA NHẬT DẪN ĐOÀN ĐI TOUR.

Sau đó, mình có lên phuot.vn thấy 1 vài bạn than bị gọi lên phỏng vấn nên cũng hơi hơi lo ( thấy phiền nhiều hơn). Nhưng đúng 1 tuần sau thì sáng có người gọi báo đậu và chiều lên nhận lại passport có dán visa

Mình nghĩ chương trình tour cũng là 1 điểm tốt dẫn đến việc THÀNH / BẠI. Dĩ nhiên là mình có lợi thế vì cty mình nổi tiếng trong ngành. Nhưng trong chương trình tour, mình thật sự ghi rõ nơi mình muốn đến: thành phố Fukuoka, dự lễ hội Gion Fukouka festival diễn ra ngày 14.7; chứ không ghi chung chung kiểu copy hoặc dịch vụ...

Xong bước 1 nha!
 
2. Chương trình tham quan

Cái này buồn cười ở chỗ lúc nộp visa ghi đi Fukouka nhưng thực tế mình gạt qua 1 bên mình muốn tiết kiệm chi phí di chuyển và vì mình đổi thời gian tham quan từ 14.7 sang 24.7 vì các lễ hội ở Osaka , Kyoto và Tokyo liền 1 giai đoạn và có vẻ hấp dẫn hơn.

Thật sự phần này mình yếu lắm, vì tính không quyết đoán và hay mất tập trung, mơ mộng. Mình cứ xem đi xem lại các chia sẻ của nhiều anh chị em trên phuot.vn, thông tin vô cùng chi tiết và hữu ích trên japan-guide.com cũng như coi thêm hình ảnh thực tế của travelle photos trên tripadvisor.com; và cuối cùng là youtube. Thích cái gì thì thêm vào chương trình, cố gắng không sa đà dù lần đầu đi Nhật, mục tiêu là cưỡi ngựa xem hoa, không đi lạc ...là chính! Vì thế nhiều temple, garden ở Kyoto bị gạt ra hết.

Nói sơ về lịch trình nhé:

23.7 bay khuya của Malaysia airlines
24.7 đến Osaka, đi liền Kyoto dự Gion Kyoto matsuri ( 1 trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất); ngủ ở Kyoto
25.7 Trưa buộc phải quay về Osaka vì trưa nay có Tenjin festival và pháo hoa buổi tối. Ngủ 2 đêm ở đây
26.7 city tour
27.7 Đi Kyoto. Tham quan Fushimi Inari. Ngủ thêm 2 đêm ở cố đô
28.7 tham quan 1 vài điểm chính ở đây và Nara
29.7 sáng tranh thủ khu Arashiyama rồi trưa đi Tokyo bằng tàu shinkansen. Ngủ 1 đêm khu Ueno
30.7 đổi ks khu Asakusa vì hôm nay có lễ hội pháo hoa lớn nhất. Ngủ 2 đêm hostel khu này
31.7 đi Yokohama và Kamakura, biển Enoshima
1.7 city tour rồi tối bay về VN, transit ở KL
2.7 10h đáp Sài gòn

Một vài ý cá nhân
- Ban đầu định bay của Air asia cho rẻ ( khoảng 300usd) nhưng phí hành lí mắc quá 57usd/ 1 chặng nên vô tình thấy MH giá 366usd quá tuyệt vời, lại có thức ăn. Thời gian transit chấp nhận được. free 30kg hành lí.
- Thời gian mình chọn tháng 7 vì giá vé máy bay khuyến mãi đến trước tháng 8; và mình không thích mưa và lạnh trong những tháng MÙA DU LỊCH Ở NHẬT ( tháng 4 và tháng 11). Mình dời sang cuối tháng 7 vì phát hiện ra festival thú vị và trải dài khắp 3 vùng chính, và rải rác trong 1 tuần.
- Sau khi xem hình, youtube, thông tin cơ bản của điểm tham quan thì mình lọc lại những gì must see, cái này còn dư giờ thì đi thêm ( nhưng thực tế không có dư tí nào). những điểm này nên có liên quan với nhau về độ gần ( đi bộ được) hoặc cùng line tàu, line bus...Đồng thời nên sắp xếp trật tự theo thời gian mở cửa nữa nhé. Fushimi Inari không có thời gian đóng cửa nên 5h chiều mình mới đến và đi đến 7h tối.
- Cá nhận mình thấy hài lòng về chương trình vừa rồi, hầu như đi hết dù có 1 tí vội vàng vì thực tế đi tàu/ bus tốn thời gian quá nhiều. Bạn có thể đi cả ngày ở Nara hoặc chỉ 4h như mình. Nên lượng sức khỏe của mình để tính toán vì mình nghĩ đã ra khỏi khách sạn là đi đến tối mịt mới về.
- Nên xem qua thời tiết mỗi ngày. 2/3 hành trình của mình nắng nóng như Sài gòn, 1 buổi sáng Osaka mưa khá lâu. Và may mắn ngày 30.7 Tokyo nắng đẹp dù trước đó vài ngày 1 bạn đang đó nói ngày nào cũng mưa!
- Mình chọn vé máy bay đa hành trình cho đỡ tốn tiền shinkansen và thời gian di chuyển ; giá vé máy bay đa hành trình tương đương round trip cùng 1 thành phố nhé.

Chương trình lí thuyết là ổn rồi!
 
Mình quan tâm đến vụ nghỉ đêm ở Nhật, bạn đăng ký như thế nào và mất bao nhiêu tiền một đêm ?
 
3. Nơi ở

Phần này thì mình hoàn toàn hài lòng và thấy rất đáng tiền. Tiêu chí của mình là giá thật tốt và gần trạm tàu. Cụ thể như sau:

Shiori-an hostel, Kyoto. Cách tàu điện chưa đến 50m, hostel này nhỏ nhắn, tươm tất, nhược điểm là nơi sinh hoạt chung hơi bé, bếp hơi chật nhưng đầy đủ tiện nghi. Mình chọn hostel này vì gần trạm Gojo, cách Kyoto station chừng 500m và đi đến xem festival chừng 1 trạm tàu, đi qua khu Gion cũng tiện. Nói chung vị trí tốt. Giá 1790yen

Lucky hotel, Osaka. Trên booking.com có nhiều reviews hơi ghê kiểu khu này là khu nghèo, nhiều người vô gia cư...Thực tế thì tốt hơn mong đợi rất rất nhiều. Phòng single kiểu Nhật, nhìn hình thì bé, nhưng mình thấy thoải mái, có tivi, tủ lạnh mini, bàn ăn uống. Bà chủ nói tiếng Anh kém nhưng nhiệt tình, dẫn lên tận phòng, chỉ dẫn cách xài tivi, máy lạnh, bathroom, toilet ra sao. Nhược điểm là chỉ có 1 bathroom dùng chung. Còn không ngại naked thì có 1 phòng tắm public nữa nhé ( có bồn ngâm nước nóng). À cách trạm tàu Dobutsuen-mae, giá rất tốt 3200yen/ 2 đêm. Mình chọn hotel này vì hầu như giá tốt đều ở đây.

Piece hostel Kyoto. Lí thuyết gần trạm Kyoto nhưng thực tế đi hơi xa 1 tí, chừng 200m đến mặt sau của ga, hôm đầu đến không biết, đi đường vòng quanh ga Kyoto chắc 500m. Nằm trong hẻm yên tĩnh. Hình trên web và thực tế lung linh như nhau, rất hiện đại, mới tinh, thiết kế sang trọng. Giá 5400yen/ 2 đêm, và bao gồm ăn sáng.

Capsule and Sauna Century Tokyo. Trên map mình đinh ninh đi bộ xa, ai ngờ từ trạm Ueno đi chừng 150m. Khu này rất rất sầm uất đông vui, nhiều quán ăn, game center. Mình ở đây 1 đêm cho biết cảm giác public bath và các ks giá tốt thì vị trí gần ga Ueno khá nhiều. À chỉ dành cho nam. Trên mạng chê nhiều, hôi thuốc lá, cũ kỹ, thực tế mình thấy hài lòng, đây là dạng capsule để ngủ qua đêm thôi, không có bếp gì nhé. Public bath rộng rãi, có sauna, bể sục nước nóng và lạnh. Bạn này không có japanese toilet nhé! Giá 2300yen/ 1 đêm

Oak Hostel Fuji, Tokyo. Hơi xa trạm Asakusa, chừng 300m. Mình chọn nó vì design trên hình cũng mới, hiện đại như Piece hostel Kyoto nhưng nó nhỏ nhắn hơn. Nhưng lí do chính mình chọn vì nó nằm trong khu Asakusa, nơi diễn ra Firework festival, đi lại cho tiện. Toilet thì nhiều nhưng bathroom thì hơi ít, nhưng chẳng sao cả.

Chốt kinh nghiêm như sau:
Mình ưu tiên các ks/hostel không yêu cầu thẻ tín dụng khi book.
Book xong rồi thì thi thoảng vào xem lại trên web coi có giảm giá không, có giảm thì mình hủy cái cũ và rebook lại. Vi dụ Shiori-an ban đầu tới 2300yen, lúc sau giảm còn 1790yen. Hoặc biết đâu có bạn mới giá tốt hơn xuất hiện, điển hình là Piece hostel, trước khi đi 1 tuần ẻm mới có phòng trống
Lưu ý các thông tin điều khoản hủy phòng, cơ sở vật chất ( bếp, khăn tắm...), giờ in/ out, giữ hành lí...
Mình thấy phần lớn các hostel bên Nhật cấm khách có HÌNH XĂM vào khu vực public bath nhé
Đường đi nên xem trước trên google map, gần trạm nào, ra exit mấy...Thực tế thì trong trạm tàu điện có free wifi nên tìm chỉ đường rất hay.
 
Last edited:
4. Cách di chuyển

Đây là phần mình lo lắng nhất trong chuyến đi vì mức độ phức tạp của hệ thống xe lửa, metro, subway của Nhật. Tối 23.7 bay mà sáng 23.7 mình vẫn còn lên hyperdia.com xem các cách di chuyển dự phòng ( khi phải đổi hành trình).

Mình sẽ ghi lại cách đi dựa vào hành trình của mình, hy vọng các bạn sẽ hiểu hơn nếu còn rối. Mình nói thật mình vẫn chưa hiểu 100% cách vận hành dù suốt 9 ngày, mình chưa đi lạc, nhầm tàu, xe lần nào.

Kinh nghiêm chung của mình:

Dùng trang web hyperdia.com làm công cụ chính để tìm cách đi. Web sẽ chỉ cho mình thời gian di chuyển, khoảng cách, đi tàu nào ( JR, local, rapid express, electric monoral, shinkansen...) line tàu nào, hướng nào , track/ platform số mấy và giá tiền.
Mình tra trước ở nhà, so với sơ đồ tàu để cố hiểu cách vận hành, tránh việc phụ thuộc vào nó 100%. Thực tế trong ga tàu, hầu hết có free wifi, nên bạn có thể vào trang này để check trực tiếp, nhưng lại tốn 1 tí thời gian đăng kí free wifi...
Bạn nên lưu lại sơ đồ tàu vào dtdd để xem cho nhanh, màu sắc rõ ràng, zoom tiện lợi. Nhưng cái phiền là sơ đồ tàu ở nhưng nơi giao 2 vùng ( ví dụ Osaka Kyoto) thì đôi khi chưa rõ hoặc mình không chú ý đến. Hoặc sơ đồ metro/subway ở Tokyo không bao gồm khu vực Yokohama và Kamakura , nên bạn phải lưu ý trước.

Phần này sẽ dài dòng, từ từ mình post tiếp nhé!
 
Last edited:
cont. Cách di chuyển

Như chia sẻ của các anh chị em khác, rõ ràng là mua JR PASS lỗ nặng vì mình bay Osaka và về từ Tokyo, chỉ tốn tiền nhiều nhất chặng Kyoto - Tokyo 13.080yen ( non reserved, tàu Nozomi) nên mình không mua pass.

Mình đau đầu thật sự khi nghiên cứu các pass từng vùng, kiểu như Yosoko pass, Osaka amazing pass, Kyoto one day subway, Kyoto access ticket, Osaka visitor ticket, Tokyo one day subway/metro ( mới đổi thành 24h/ 48h/ 72h từ tháng 3/2016),........Thực tế còn kinh dị hơn vì đôi khi nhân viên ở các trạm tàu điện không hiểu ý mình, hoặc tìm đúng chỗ mua các thẻ này cũng quá mệt mỏi. Do đó tuy cũng ham rẻ, nhưng rốt cuộc mình hầu như xài thẻ trả trước ICOCA

ICOCA dùng OK cho các vùng khác, thanh toán trong các cửa hàng convenient store, bus, để yên tâm, bạn có thể quan sát ở quầy thanh toán hoặc hỏi lại cho chắc.

24.7 mình đáp Osaka và cần đi liền Kyoto. Có vài cách đi, cuối cùng mình chọn phương án mua gói ICOCA & HARUKA giá 3600 yen gồm 1 thẻ ICOCA 2000yen ( thực tế tài khoản còn 1500yen, xài 10 năm) và 1 vé tàu HARUKA giá 1600yen/ 1 way. tàu này là tàu siêu nhanh, đi từ sân bay đến Kyoto 75 phút, đỡ phải chuyển trạm so với thẻ Kyoto access ticket giá 1230yen, đi tới 120 phút. Vào trạm JR trung tâm ở sân bay xếp hàng mua tới 45 phút. :help

Đến Kyoto station, mình mua liền thẻ one day subway giá 600yen vì xác định tranh thủ đi thật nhiều trong ngày đầu tiên vì biết chắc đã lỡ festival rồi. Mình thấy subway ở Kyoto đáp ứng nhu cầu tham quan của mình rất tốt.

25.7 sáng mình đi Osaka. ks của mình ở trạm Gojo nên mình đi như sau:



Shijo và Karasuma là 2 trạm giao nhau nên khi đến nơi trên line Karasuma , mình tìm chỉ dẫn sang line tàu Hankyu Kyoto và đi đến trạm Awaji. Tới nơi sau 32 phút, tìm chỉ dẫn sang line Hankyu Senri và ngồi cho đến khi tới trạm Dobutsuen-mae. Lưu ý dấu 2 mũi tên có nghĩa là ngồi luôn, không đổi tàu, theo mình hiểu là 2 line này đổi tên khi chuyển qua khu vực lân cận. Bạn có thấy chi tiết 11.44 và 11.45, có 1 phút để đổi tàu, thực tế là 2 line tàu kế bên nên khi tới Awaji là mình phóng qua tàu bên kia liền.

Sau khi cất hành lý ở ks, mình đi ngay đến trạm diễn ra festival là TENJIMBASHISUJIROKUCHOME . Mình dự định mua thẻ Osaka subway one day giá 800yen ( tên gọi khác là Osaka visitor ticket giá mua tại sân bay là 550yen) nhưng nhân viên không hiểu và thấy mệt nên quẹt thẻ Icoca thôi.



bạn lưu ý hướng tàu nào để đi cho đúng nhé, vd for KITASENRI
 
Last edited:
cont. Cách di chuyển

Xem festival xong thì mình cũng đi trạm từ lúc chiều về lại ks. Vì đã tương đối hiểu cách vận hành rồi nên cũng bớt phụ thuộc vào hyperdia, nhất là đối với metro/subway khá đơn giản.

26.7 mình đi Osaka city tour bằng metro/subway. Mình không đề cập cách đi vì đơn giản, dễ hiểu.

27.7 mình đi Kyoto. có 2 cách mình thấy ok là route 1 và 3





mình chọn route 3 vì hôm trước đã ghé trạm Umeda và thấy hơi ớn vì nó rộng lớn, Shin-Osaka thì nhỏ nhắn hơn, chuyển line đỡ mệt vì hành lí cồng kềnh.


ga Osaka

Khi đến Kyoto, mình đi bộ về ks cất hành lí rồi đi Nara ( ban đầu định đi từ Osaka qua thẳng Nara, giá tốt hơn, nhưng quên cái valy to đùng kia), đi tàu JR đến ga Nara rồi đi bộ đến khu tham quan, ga gần hơn là Kintetsu-nara thì đi mắc công quá, đi bộ ngắm phố xá thích lắm



Bạn cũng nên liếc mắt xem bao nhiêu lâu có 1 chuyến tương tự để canh giờ. Như hình, 30 phút 1 chuyến, cũng đủ thời gian ghé 7/11 mua nước nhỉ. Mình định đi thêm Inari, nhưng lo shopping nên chốt lại về ks nghỉ ngơi.


nè, có chỉ dẫn hướng đường đi

28.7 mình đi tham quan Kyoto bằng xe bus, one day bus pass giá 500yen. Mình mua ở ks luôn, hoặc mua ở ga Kyoto. Bản đồ tuyến thì mình đã xem trước ở nhà, đi bus số mấy...Trạm xe bus chính là ở phía trước ga Kyoto, có phân khu vực A B C D cho từng nhóm xe bus. Khi bạn dùng bus pass lần đầu, máy nuốt thẻ sẽ in ngày sử dụng hiện hành vào mặt sau và nhả ra lại cho bạn. Bus đi hầu hết các điểm tham quan chính ở Kyoto, kể cả rừng tre.

Trên xe, sẽ có màn hình hiển thị trạm sắp đến, có loa nói tiếng Anh báo điểm tham quan gì nổi bật gần đó. Bạn cũng nên lưu ý bên Nhật đi xe bên trái , nên đón bus đi ở bên trái và chặng về thì đi qua bên đường tìm trạm ngược lại. Trạm xe bus có khi to, cũng có khi chỉ là cái cột dán thông tin bus number và giờ chạy


bus 100 101 102 đi cũng rất hài lòng




nơi soát vé khi xuống xe

Đi xe bus bất lợi là xe đi hơi lâu vì dừng đèn đỏ lâu, trạm nào cũng tấp vào. Nhưng cái hay là ngắm phố phường và thấy chỗ nào hay thì ghé lại.
 
Last edited:
cont. Cách di chuyển

Chiều hôm đó mình còn đi Inari, cách đi đơn giản nên mình không đề cập.

29.7 sáng mình tranh thủ đi rừng trúc.

Có vài cách đi, trong đó trạm Sagaarashiyama là xa nhất, nhưng đi tàu tiện nhất. Mình chọn trạm này. Thực tế đi bộ đến rừng trúc không xa đâu


nhớ hướng cũng mệt lắm, vì dài, vì khó nhớ, nhưng may mắn là bảng chỉ dẫn có ghi sẵn luôn for Sagaarashiyama , bên cạnh for Sonobe.

sau đó trưa mình đi Tokyo. ban đầu còn định đi bus đêm cho tiết kiệm vì tàu Shinkansen tới 13.000 yên mắc quá, đi có 2,5h 500km mà tới 2 triệu 7. Nhưng do mình đi cuối tuần nên bus cũng không rẻ mấy, cũng 8000 - 9000yen và mình lỡ quá nhiều điểm tham quan, thời gian là vàng nên quyết định đi tàu Shinkansen.

bạn thấy trang hyperdia liệt kê 1 số cách đi, nhưng giá rẻ nhất là 13.080 cho tàu nhanh nhất Nozomi, unreserved seat nên dĩ nhiên chọn tàu này thôi vừa nhanh vừa kinh tế.



Có máy bán vé , nhưng vì tiền nhiều nên mình mua thủ công ở quầy cho an tâm. Ít nhất 2 lần mình thấy nhân viên tàu làm việc khá lề mề, từ tốn. Có vài khách thôi mà mình chờ chắc 10 phút, 1 anh Tây sau mình nhìn điềm đạm, nhưng sau đó nổi quạu, hỏi mày làm gì mà lâu thế rồi bỏ đi luôn. Mình nói rõ Nozomi mấy, unreserved seat.

Chủ yếu là platform 11 và 12 cho hành trình đi Tokyo nên bạn cứ tìm cho nhanh.


cổng vào và nơi bán vé kế bên




tàu shinkansen và tàu JR nói chung mình thấy rộng đẹp, có toilet trên tàu. cách bố trí chỗ ngồi giống trên máy bay nên có thể mua đồ ăn lên ăn.

Có 1 chuyện buồn cười là khi đến Tokyo, mình thật sự sốc vì dòng người lao vun vút. Đi tàu không say mà say cảnh tấp nập đó. Và sợ đến nỗi chưa quay lại ga Tokyo dù ở đây 3 ngày.

Ks mình ở khu Ueno nên mình tìm line tàu nào đi Ueno, bị mất phương hướng do mệt và say người. May sao thấy chỉ dẫn đi Ueno nên mình đi theo và đến đúng ga Ueno. Khi đứng trên tàu đi Ueno, mình mới nhớ ra mình chưa ra khỏi cổng exit ở Tokyo vì mình mua vé Shinkansen tới Tokyo mà, và chưa quẹt thẻ Icoca cho hành trình đi Ueno. Lúc tới ga Ueno, hơi lo lắng, liều bỏ cái vé tàu Shinkansen vào và mọi thứ OK, thì ra hành trình Kyoto - Tokyo hay Kyoto-Ueno bằng giá 13.080 nên giá đã bao gồm, mình chỉ việc tìm line tàu đi Ueno thôi.
 
cont. Cách di chuyển

30.7 buổi trưa mình chuyển ks qua khu Asakusa. bạn lưu và xem bản đồ metro/subway ở Tokyo vào dtdd nhé, cách đi rất dễ.

31.7 mình đi Yokohama và Kamakura, biển Enoshima. Dù đã có ý định mua thẻ 24/48/72h subway Tokyo nhưng mình thấy đi tìm quầy ticket để mua quá phiền nên thôi, quẹt Icoca cho tiện. Ngoài ra, còn định mua các pass ở khu Yokohama và Enosshima nhưng mình gạt luôn vì phải chạy theo nó, cố đi nhiều cho đáng tiền. Ngày này hao tiền kinh khủng do di chuyến khá xa, chắc 800,000 tiền tàu.

Từ ga Asakusa mình đi Shibuya ( Ginza line) tham quan 1 tí ở đây. Sau đó, theo chỉ dẫn, mình đi tìm linè từ ga Shibuya đi tiếp Yokohama, thẳng đến trạm Motomachi-chukagai vì khu vực cổng chào China town ở ga này.


bạn thấy đó, line Tokyu Toyoko/Minatomirai có 3 tàu local, express và limited express, giá tiền như nhau, chênh thời gian không nhiều lắm nên tàu nào đến trước thì đi.

Sau đó mình quay lại ga Yokohama để đi Kamakura, cũng đi line Tokyu Toyoko như lúc nãy.


cả 2 hướng đều đi Yokohama như nhau

Thật ra nơi mình muốn đến là chùa có tượng Phật bằng đồng lớn thứ 2 ở Nhật ở trạm Hase nên mình đi từ Yokohama - Hase


đến trạm Kamakura trước , line Yokosuka rồi đi tiếp Hase bằng tàu Enoshima Electric Railway


từ Hase mình đi đến Enoshima ngắm biển cho thỏa dù ở Hase cũng đã ngắm rồi



Chặng về, bạn xem bản đồ để hiểu nhé; mình không quay lại Kamakura vì sẽ tốn thời gian, nên theo bản đồ, mình đi từ Enoshima đến trạm Fujisawa, line Enoshima Electric Railway. Sau đó đi tàu từ JR từ trạm Fujisawa đến Shinjuku tham quan.

Theo hyperdia thì có nhiều cách:


mình chọn route 590yen, vừa rẻ, vừa không phải đổi tàu, cứ ngồi 1 mạch 60 phút là đến. 2 line Odakyu Enoshima Line Exp và Odakyu Odawara Line Exp tự nhập lại thành 1

Lí thuyết là vậy nhưng lần này mình bị ngớ ra vì thực tế bảng chỉ dẫn ghi 1 line tàu khác, không giống trên hyperdia, tiếc là mình không chụp hình vì quá đuối, chỉ an tâm lên tàu đó vì nó ghi for Shinjuku

Tham quan Shinjuku xong mình quay về Asakusa bằng subway không khó.

1.8 sau 9 ngày quá đuối , mình gạt hết chương trình và chỉ đi Ginza shopping. Cách đi ai không biết là đánh đòn liền. Mình tranh thủ tìm hiểu exit nào thuận tiện đề đi xe bus ra sân bay Narita.

Có 2 bus: Narita access bus và Keisei bus. Giá 1000 và 900yen tương ứng, nhưng sau khi check kĩ, mình bỏ bạn Keisei 900yen vì Narita bus có đón ở trạm Ginza. Mình thì quá sợ ga Tokyo rồi. Lối exit ra trạm xe bus Narita khá dễ.

Đi bus 70 phút là đến sbay Narita, bạn phải báo cho xe biết terminal nào và dù quy định 1 valy 20kg, mình 1 valy và 1 túi to 23kg cũng không sao ( hú vía)

Chia tay nước Nhật, tuy vẫn chưa thông suốt 100% nhưng cũng tự tin lần tới sẽ đi thoăn thoắt cho xem.

Mình có 1 số lưu ý:

Tại mỗi trạm đều có free wifi, rất tiện để check map đi về ks hoặc điểm tham quan.

Bảng chỉ dẫn rất rõ ràng, bạn muốn đi tới điểm nào thì xem hướng dẫn. Nếu vẫn chưa an tâm, cứ đến platform, hỏi người trẻ vẫn không biết tiếng Anh thì xông vào hỏi người lái tàu!

Trên thân tàu có 1 bảng điện tử be bé ghi thông tin tàu, chi tiết mình quên rồi, kiểu như : local train, Hakura express, not in service, Narita express...giúp bạn thêm thông tin để xác định đúng tàu. có lần mình xông vào 1 tàu trong khi ai cũng đứng chờ, thấy lạ mình đi ra và thấy thân tàu ghi not in service, tàu tiếp theo mới đúng

Mình từng đau đầu vì cái bảng giờ tàu có chia các loại tàu local, express, rapid express gì đó. Mình nghĩ không cần quan tâm, biết đang ở ga nào, muốn đi ga nào, đi theo bảng chỉ dẫn trong ga, kết hợp thông tin của hyperdia là nhẹ nhõm ngay.

Mình không mua vé từng chặng nhưng cũng an tâm hiểu cách mua vé, cũng như cách chage thêm tiền ( bên SIng là top-up) vào thẻ trả trước ( Icoca, Pasmo, Suica...) vì có xem trên youtube. Việc mua vé lẻ không quá lâu như bên SIng nhưng thực tế mình thấy bảng giá tiền phía trên không phải lúc nào cũng có kí tự Latin. Mình khuyên mua thẻ trả trước cho tiện

Cá nhận mình thấy bảng điện tử trong tàu và trong ga không thoải mái cho khách xem lắm, hơi khó nhìn và đôi khi không có hoặc rất lâu mới xuất hiện chữ latin. Nhưng bạn có thể dựa vào thời gian di chuyển trên hyperdia, cố nghe tiếng loa ( dù nói bé trong khi tàu ồn ào).

Chắc do mình né mấy ga khổng lồ nên thấy chuyển line tàu không xa kinh dị lắm, dù không gần xịt! Khi chuyển line tàu, bạn phải nhìn kĩ bảng chỉ dẫn , nhất là các ga lớn, đi 1 đoạn leo cầu thang là line khác, đi xa hơn 1 tí leo cầu thang là line khác chứ không phải giống nhau. Mình không nhầm tàu, nhưng cứ ngầm line vì ỷ y. cứ phải đi vòng vòng tìm cho đúng line.

Quên đề cập coin locker ở các ga. Chúng ở khắp nơi , dễ tìm, ga lớn thì nhiều vô kể. Bên trong khu vực tàu , bên ngoài ga cũng có. Nhưng cá nhân mình thấy có rủi ro và cũng khá đắt, trừ phi bạn ghé tham quan 1 buổi rồi đi vùng khác thì đành phải gởi hành lí rồi. Rủi ro ở chỗ, với các ga lớn, xác định vị trí không phải dễ, bạn giỏi định vị thì OK.

Mình nhận thấy giao thông ở Nhật rất rất tốn kém, trung bình ở Kyoto và Osaka đi subway chừng 200yen, là 45.000, xót cả ruột nhỉ! nhưng cái thích là nó phủ cả quốc gia, đi vào ga tàu là OK, với điều kiện phải có hyperdia ( đối với mình). Nhìn map tự đi cũng ok đó nhưng giá cả thì không phải phượt nào cũng là đại gia.

Chúc các bạn đi lại suôn sẻ và tiết kiệm tiền!
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,146
Bài viết
1,173,964
Members
191,969
Latest member
kingfunplay
Back
Top