What's new

Philippines mùa bão 2014

Phần 1: Mabuhay Manila - Đi Hồ núi lửa Taal

Du lịch bay - xe - tàu ở Philippine, hành trình 7 ngày từ Manila, Tagaytay, Borcay, Lapu Lapu, Cebu city.
Mabuhay (Mabohai)!



Thoát khỏi những ngày hè quay cuồng trong công việc, vậy là đã đến lúc xách ba lô lên đường. Bao nhiêu háo hức dồn trong gần 1 năm trước ngày bay. Chuyến bay nửa đêm với giấc ngủ chập chờn, bầu trời một màu đen tuyền không trăng không sao .


Sau 3 giờ bay, Cebu Pacific đã đưa nàng đến Manila khi mặt trời còn chưa ló. Vòng quanh 1 hồi tìm quầy thông tin, vẫn hy vọng tràn đầy xin được 2 tấm bản đồ như đã tìm hiểu kinh qua người đi trước, cộng với hy vọng leo lắt xin được sim điện thoại miễn phí như lần đi Thái. Sân bay đang ngái ngủ, quầy thông tin vắng teo người. Những hành khách trong chuyến bay đêm ấy cũng vội vã rảo bước ra ngoài. Chắc là có những cuộc đón đưa, trở về hay chào mừng đến đất nước này. Nhập cảnh đêm nên không đông đúc, không hề có cảnh xếp hàng dài cả 2-3 tiếng như hồi nhập cảnh Thái. Sân bay Manila cũng không nhiều ấn tượng ngoài hàng người xếp hàng dài phía ngoài tầng 3 đợi taxi chạy theo đồng hồ km. Quãng đường từ Terminal 3 về Malate không xa, chừng 30 phút, mới sáng sớm mà xe cộ đã khá đông đúc, đèn đỏ nhiều và thời gian chờ tương đối dài. Manila dường như ngủ dậy muộn, có lẽ vì chủ nhật. Ngày đầu ở Manila, trời nóng và nàng gặp khó khăn chút xúi khi giai tiếp với dân bản địa, tiêu biểu là các bác tài taxi và một vài bạn ở Talisay. Khách sạn ở Philippines không hề rẻ hơn chút nào so với Thái, Cam, Laos, trước ngày khởi hành 2 tháng, nàng rục rịch tìm hiểu khách sạn trên agoda, hostel và booking.com, tìm được vài cái hợp túi tiền và review không tệ, cộng với vài khách sạn tham khảo trên blog của các bạn Phil, nàng bắt đầu gửi mail hỏi han rồi mặc cả giá. Thói của nàng là lúc nào cũng thích ở Khu Phố Tây balo.


Các bạn khách sạn Manila phần lớn khá rắn trong việc thỏa thuận giá cả. Hai trong Ba hostel được dân ba lô review khá ổn là Pension Natividad và Pension Malate đều giữ nguyên mức giá ban đầu họ đề nghị với nàng, không mặc cả, ít tiền mời ở Dorm, ở phòng quạt máy và chia sẻ phòng tắm. Mà nàng thì ngân sách chi cho việc ở có bao giờ quá 15$/người đâu cơ chứ. Vậy mà các bạn ấy cứ nhất nhất đòi gần 800k tiền việt. Vậy là dù ngậm ngùi, nàng đành liên hệ với bạn còn lại với hy vọng mong manh là các bạn ấy sẽ đồng ý cho nàng mức giá phù hợp với túi tiền của nàng. 1200P cho Private room with air và sharing bathroom. Vậy là cũng được chút đỉnh so với giá 1500P ban đầu. Giá này đẹp hơn giá booking.com hay giá của Agoda hay hostelworld trừ các khách sạn từ 3 sao, hầu hết các hostel nàng đều liên lạc trực tiếp với khách sạn và được offer mức giá tốt hơn các trang mạng. Where 2 next là nơi nàng nghỉ 2 đêm ở Manila, và nàng hài lòng với sự lựa chọn này. Lần tới quay lại Manila, nàng hẳn sẽ nghỉ lại hostel đáng yêu này ít nhất 1 đêm. Các bạn lễ tân dễ thương và nhiệt tinh, khu sinh hoạt chung nhiều ghế sofa và nằm trên tầng 2 nhìn thẳng xuống con phố nhộn nhịp Adriatico. Giá phòng đã bao gồm bữa sáng nhẹ nhàng với bánh mỳ, trứng, café, bơ, chuối, xoài, dưa hấu…Bữa sáng được chuẩn bị từ 7h – 9h, các vị khách lấy đĩa, tự nướng bánh mỳ và ốp trứng trong khu bếp chung. Vừa tráng miệng với các loại hoa quả nối tiếng của xứ nhiệt đới vừa lướt wifi. Ăn xong, đĩa, cốc… người nào người đó tự rửa và úp gọn gàng vào giá. Lan man vào chuyện ở, quay lại chuyện đi. Vì đến khách sạn sớm mà các bạn ấy lại không có phòng trống nên nàng đành thuê tủ gửi đồ 150P và tìm đường đi Hồ núi lửa Taal. Đọc kinh nghiệm các bạn đi trước đều nói ra trạm EDSA ở Malata bắt xe đi Tagaytay mà nàng hỏi bạn lễ tân khách sạn lắc đầu chỉ đi bến khác. Quả thực nếu đi từ khách sạn ra EDGE gần hơn so với bến xe mà bạn lễ tân chỉ cho nàng (thong qua google thần chưởng). Nàng hỏi lại bạn lễ tân lần nữa và bạn ấy bảo, theo tao thì mày nên đi cái tao chỉ. Nàng nghe, nàng ngoan. Vậy là nàng đi taxi mất 180P qua bến Coastal Mall Integrated gần Makati. Ra là bến này là bến bus mới đi Tagaytay. Xe bus đi Tagaytay khá tươm tất, lại có treo biển free wifi (hẳn là treo trá hình, vì nàng vào thử mà lực bất tòng tâm trong khi cột sóng đủ 5 vạch).


Dân tình bảo là trên các phương tiện công cộng của Philippines bật điều hòa để nhiệt độ thấp nên phòng lạnh nên mang áo khoác mỏng. Thế nào mà nàng thấy chẳng hề như thế, hay là do thân nhiệt nàng cao và nàng chịu lạnh giỏi ạ? (Hẳn là do các bạn trong Nam không có mùa đông nên không chịu lạnh giỏi như người gốc Bắc như nàng. Nàng đoàn thế.) Xe bus chiều đi Tagaytay có anh phụ xe khá đáng yêu, chàng ấy đeo 1 cái máy in tự động cầm tay nhỏ nhỏ, hỏi nàng đi đâu rồi in cái roẹt vé 77P đưa nàng. Chuyện trò vài câu vì nàng nghe căng tai mới hiểu thì ra là anh ấy có mối Tricycle và thuyền nên thay vì thả các nàng xuống ngã tư Olivarez thì anh ấy thả các nàng xuống cái chỗ treo bảng chỉ dẫn đi Talisay cách ngã tư Olivarez mấy trăm mét.


Mò mẫm kinh nghiệm giá cả từ trước nên khi anh lái Tricyclo “lại cũng dễ thương” bảo 150P cả xe (2 người), nàng gật gật đi luôn. Thành thật mà nói, mặc dù mấy ngày sau nàng có được trả tiền học khôn trong vụ đi lại thì hẳn là chi phí cho việc di chuyển (taxi, bus, tricycle, Jeepney) quá rẻ so với bất cứ nơi nào nàng đã đi qua. Nhất là nếu bạn đi nhóm 3 - 4 người. Sau khoảng hơn 2 tiếng đi xe bus và chừng 20 phút đi tricyclo từ Talisay xuống bến thuyền đi Hồ núi lửa là đến đoạn mặc cả đi thuyền. 2 nàng sau khi được chàng tricycle đưa thẳng vào chỗ mối quen, sau. Ban đầu các bạn ấy ra giá 2500P/người bao gồm thuyền, hướng dẫn, vé vào cửa và ngựa. Sau thấy nàng nghèo, các bạn ấy bảo thế thì mày thuê mỗi thuyền nhé, tao lấy 2000P thôi. Oh ***, tao đọc ở nhà thấy bảo đắt thì cũng 1200P thôi mà. Chắc mẩm, nàng ỏn ẻn bảo: tao chỉ trả được 1200P thôi,. Bạn ấy lắc đầu chốt 1500P nhé, nàng quay gót. Nắng rõ rực rỡ nhưng ko oi bức, dù lúc đó đã quá 11h. Các bạn ở đây rất hay, cá đã vào lưới các bạn ấy thì không thoát được bởi sẽ không có thuyền nào nhận giá thấp hơn giá 1500P. Rồi nàng cười, rồi bạn ấy bảo là giá 1500P tao trả cho mày “en tờ răng phi”. Oh, ***, nàng bảo rồi mà, nàng gặp khó khăn trong mấy sự nói chuyện với các bạn dân bản địa lái xe, lái thuyền mà. Sau này có bác lái taxi bảo là, mày nói tiếng anh giống bọn Đài thế. Là khen hay là chửi? Hẳn là chửi yêu. Cuối cùng, nàng giở bí kíp luyện rồng ra, tung sổ với bút ra hý hoáy viết. Đây nhé, 1500P mày trả cho tao “en tờ răng” = entrance fee. Thế là lại quẩy về chỗ cũ, điền tên tuổi rồi các bạn ấy dắt lên thuyền.


(Còn tiếp)
 
Nhiều người bảo, chưa đi Taal volcano là chưa đi Manila. Ơ, nàng tưởng Taal Volcano thuộc tỉnh Tagaytay mà? Núi lửa Taal là ngọn núi lửa còn hoạt động lớn thứ 2 tại Philippines sau Pinatubo.



Nói về Taal Volcano nhiều nhan nhản qua gúc gồ, cả tiếng anh cả tiếng Việt. Hồ Taal là hồ bao quanh núi lửa lớn nhất thế giới. Sau khoảng 20 phút dập dềnh trên chiếc Bangkha dư sức chở 6-7 người. Hai nàng đổ bộ lên đảo. Bến thuyền nhếch nhác, đảo đậm mùi phân ngựa ngai ngái với vô số bom mìn. Vài cô gái nước da ngăm ngăm do nắng gió cất lời chào. Không, hai nàng sẽ đi bộ, 5km chứ mấy. Bạn lái thuyền dắt ra quầy kiểm soát. Mày tự mua vé đi. Cái gì đấy, tao thỏa thuận mày mua vé cho tao rồi mà. Không, mày phải tự trả chứ. Rồi, tao tự mua, tí về tao đòi tiền bạn kia. Tao còn mua chịu nước của nó 60P. (Bạn kia trên bảo là vé vào cửa 80P 1 đứa đấy. Ơ, sao sang đây vé in có 50P/đứa. Chắc bạn ấy nhớ nhầm.)

Nắng chính ngọ, nhìn nhau nghĩ ngợi. Nếu mày tự đi thì mày nên thuê guide: 500P. Thôi, xì tiếp 450P/đứa để cưỡi ngựa vậy.

Tao cưỡi ngựa đi rồi lại còn phải trả them tiền Guide à?

Uh, 2 đứa, 1450P, tao thu tiền 1 guide thôi. Ơ hóa ra 450P là giá thuê 1 ngựa không có người đi kèm ah?



Hầy, nàng được cưỡi hẳn 1 em ngựa thiếu nhi suy dinh dưỡng. Vừa đi nàng vừa phải nói tiếng Việt động viên nó. “Cố lên em ngựa ơi”. Lối lên đỉnh núi khá khó đi và nhiều mìn, lác đác vài bạn Tây đi bộ, phần lớn là cưỡi ngựa. Và nàng…hài lòng với quyết định chi tiền đi ngựa. Ngồi trên em ngựa còi vừa thương em ý, vừa thương em dắt ngựa và thương luôn cái mông nàng. Càng lên cao đường càng dốc, lối mòn chỉ vừa cho 1 người 1 ngựa. Đôi chỗ em ngựa không bằng lòng khi thấy em guide quất toẹt phát vào người dẹp tan ý định quay đầu xuống sườn núi, hay có ý định lượn lại chỗ mấy em ngựa khác đang thong dong đứng gặm cỏ ngắm trời đất. Nàng thương, nhưng nàng chịu, em ý phải cho nàng “lên đỉnh” rồi định gì thì định chứ. Khoảng 30 phút ngồi trên lưng em ngựa, các nàng cũng đến trạm dừng. Leo bộ vài chục bậc lên chỗ cao nhất nhìn xuống ngắm toàn cảnh hồ Taal phía xa, rồi tận hưởng vẻ diễm lệ của Hồ Crater. Hồ nhỏ trong lòng Hồ lớn.



Không khí mát mẻ dù trời nắng chói chang. Các bạn chụp ảnh công nghệ nhanh đã kịp chụp tư thế các nàng ưỡn ẹo mang ra mời chào. 300P/khung nhé. Thôi, đắt, tao không lấy.

Thế mày lấy ảnh không đi, 2 cái tao lấy 150P thôi. Không, 50P thì tao lấy. Thôi, ờ, chúng mày cười cũng đẹp, 50P, cầm ảnh đi.

Hưởng thụ xong, 2 nàng quay xuống lán cưỡi ngựa xuống. Ngồi ngựa xuống dốc cảm giác thật là phiêu. Cái phiêu này không giống cái phiêu khi xem các hiệp nữ phóng ngựa tung bay trong phim kiếm hiệp của Kim Dung. Đau lưng, đau chân, đau tay và…đau mông. Không đau thì ngã.



Anh lái thuyền đưa nàng quay lại bờ với nụ cười của anh béo. Enjoy không mày? Oh, enjoyed. Nhưng mà tao phải tự trả tiền vé đấy nhé, thôi, tiền vé tao trả mất 100P cơ, nhưng tao tinh bằng tiền nước tao nợ mày. Bây giờ mày gọi cho tao cái tricyclo. 300P á? Tao đi xuống có 150P mà mày, bla bla. Rồi, đi lên nhiều dốc tốn xăng, 200P nhé. Đồng ý, đi luôn.



Ngược lại ngã tư Olivarez, sau mẩu chuyện với anh cảnh sát dễ thương (Ôi, ở cái xứ này, nhìn các anh cảnh sát hầm hố súng ống mà đáng yêu hết sức), hai nàng băng qua đường, đổ bộ vào 7/11 nạp năng lượng. Hết đói, hết khát, lại băng qua đường, anh cảnh sát đáng yêu vẫy xe cho các nàng rồi vẫy vẫy chào với nụ cười P/S. Lên xe, phần vì đêm hôm trước chỉ được ngủ chập chờn 2 tiềng, phần vì mệt sau dư âm của cuộc cưỡi ngựa lần đầu, 2 nàng đánh 1 giấc tít tắp. Mở mắt ra đã sắp đến Manila. Tài xế cũng trả khách điểm gần nhất về lại Malate. Hai nàng vẫy taxi không quên câu cửa miệng “Meter count Please!”.



Tối ngày hôm đó, hai nàng chỉ tản bộ dọc phố Adriatico, nàng làm chuyện lần đầu: vào Mc Donal. Uống San Miguel Pilsen ở 1 quán nhỏ gần hostel nàng ở sau khi ngắm nghía vịnh Manila đen kịt với vô số người vô gia cư náu thân cho giấc ngủ khiến nàng có cảm giác không an toàn (mặc dù cảnh sát đứng đầy đường). Ngày đầu ở Manila của nàng kết thúc với giấc ngủ đến rất nhanh. Ngày mai, nàng bay chuyến sáng tới Boracay.

 
Bay từ Manila đến Boracay máy bay nhỏ, hôm đó nàng bay ATR, chừng hơn 1 tiếng, máy bay hạ cánh xuống sân bay Caticlan boracay. Sân bay nhỏ như sân bay mình ở Pleiku.

Đến Boracay, thường thì có 2 lựa chọn, hoặc bay Kalibo hoặc bay Caticlan. Thông thường, vé đến Caticlan giá cao và ít khuyến mại. Hên là nàng book được 1 chiều đến Caticlan còn chiều về Manila thì bay từ Kalibo. Từ sân bay Caticlan trên đảo Aklan, để sang đảo Boracay, đúng như kinh nghiệm các bạn đi về truyền lại, Quầy dịch vụ của Southwest nằm trong sân bay luôn, họ cũng có nhiều gói giá cả khác nhau, nàng thích rẻ, nàng đi ra khỏi sân bay, xếp hàng cùng nhiều bạn ở 2 chòi lá trước cửa sân bay. Tuy nhiên, mua của các bạn này, chi phí 1 người là 165P bao gồm (Tricyclo từ sân bay tới bến thuyền Caticlan Jetty, Thuyền sang đảo, Phí môi trường) từ bến này, chủ yếu là thuyền Bangkha và cập bến thuyền nhỏ ở Boracay. Lưu ý là chiều về từ Boracay đi Kalibo, nếu đăng ký của Southwest các bạn sẽ phải đến 1 bến thuyền khác Cagban Jetty Port (To hơn, đẹp hơn) và được đi Oyster Ferry to đùng, có điều hòa (Giống em Seaqueen đi Cát Bà nhà mình) và cập 1 cảng khác trên Aklan cũng to đùng không kém. Vụ nhầm lẫn rằng Boracay chỉ có 1 bến thuyền làm nàng tốn thêm 30 phút và 100P tiền tricycle. Tóm lại đến giờ nàng vẫn bị bối rối không nhớ chính xác tên của các bến thuyền này.

Ấn tượng sau 10 phút đi bangkha qua đảo Boracay giống như về 1 vùng quê nhỏ ở Việt Nam mình. Con đường dẫn từ Jetty Port về khu trung tâm của đảo không lớn, nhiều con dốc, mặt đường cũng có ổ gà, ổ voi, ổ chuột còn đọng lại dấu hiệu của những cơn mưa. Ban đầu, tinh cuốc bộ về trung tâm sau khi hỏi 1 bác dân địa phương khoảng cách, bác này nói đi bộ chừng 30 phút, mà nàng đi bộ đến 1 trạm cảnh sát, mấy anh dễ thương lại xua xua tay kêu xa lắm, mày không đi bộ được đâu. Vậy là nàng lại quay đầu bắt tricycle với giá 40P/người về tới D’Mall.

Dễ cũng phải đến 15 – 20 phút mới về đến D’Mall. Con đường chính của đào nằm giữa 1 bên là white beach, 1 bên là Bulabog beach.



Đầu tiên, đến MC Donal gần D’mall, nàng nhìn hoai, nhìn mãi vẫn chưa thấy biển đâu. Ra là phải đi xuyên qua D’Mall hoặc đi sâu vào các ngõ nhỏ nằm vuông góc với đường chính mới thấy được biển. Giai đoạn tìm Hostel mà nàng đã đặt trước cũng nan giải không kém, nhìn mãi vẫn không thấy biển chỉ dẫn hay biển tên khách sạn đâu. Phải nói, Bãi biển ở Borcay không giống bất cứ vùng biển nào mà nàng đã đi qua về mặt quy hoạch khu khách sạn, hàng quán. Thường thì những nơi nàng đi qua, chỉ có những resort nằm sát biển, còn phần lớn các khách sạn, hostel đều nằm trên 1 con đường, muốn ra tới biển phải băng qua con đường đó như Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng hay bất cứ khu vực biển ngoài bắc. Hàng quán, bar,…theo lối tư duy của nàng vì thế cùng phải nằm dọc trên các con đường đó. Nhưng ở Boracay này, phần lớn các khách sạn, nhà nghỉ, hostel, resort đều nằm sát bãi biển (white beach) xen cùng với hàng quán, dịch vụ vui chơi giải trí. Những hostel nhỏ nằm trong những con ngõ ngoằn nghèo mà chỉ cần đi bộ chừng 100 – 150m chân đã chạm vào bãi cát. Có lẽ cũng vì đó mà trên bãi biển đặc biệt dọc khu Station 2, người ta dựng nhiều khung tre có gắn nhựa trong suốt để chắn gió chắn cát.

Tìm mãi, cuối cùng cũng thấy hostel nàng đặt theo gợi ý của 1 nhỏ em đã đi trước. Hostel này tương đối mới, phòng và nội thất khá okie, vị trí nằm trung tâm station 2, ngay gần D’mall. Tên em hostel này là Taj Guesthouse, giá mùa thấp điểm nàng đặt 1200P, vào mùa cao điểm, với phòng Private room with air and bathroom, bạn này mới hỏi cho chuyến đi năm sau là 2000P. Từ guesthouse này, các nàng có thế thoải mái mặc bikini tung tẩy ra biển tắm. Để hành lý, nghỉ ngơi chút trước khi phi ra biển. Trời không đẹp, nhiều mây, nắng yếu ớt, dù vậy nước biển rất trong, bãi cát rộng, dài, cát trắng và mịn mà không hề bị lún. Một cách hoàn toàn tự nhiên, dù thời tiết ngày hôm đó không đẹp nhưng đến đây thì cũng đáng đồng tiền bát gạo. Dọc bãi biển, nhiều bạn nam với nước da rám nằng mời chào Sailing boat. Nàng không quan tâm, nàng cười, “No, thanks”. Đi dọc mải miết từ Station 2 xuống Station 1. Cá nhân nàng thích Station 1 hơn vì sự yên bình, bãi biển cũng sạch và vắng người hơn Station 2. Trên bãi cát, nhiều em nhỏ vun vun đắp đắp những mô hình cát mang tên Boracay. Gần 1 resort, 1 đám cưới nhỏ trên bãi biển trang trí những dải lụa trắng muốt, hoa rực rỡ, có ánh nến lung linh, tiếng cười nói của quan khách và nụ cười rạng rỡ của cô dâu chú rể. Xa hơn một chút là biểu tượng của Boracay. Nhiều cậu trai, cô gái chắp tay nguyện cầu những điều tốt đẹp với Đức mẹ Mary được đặt trên Willy Rock.


Xa hơn chút nữa, là một đám đông dân chài đang thu hoạch mẻ cá, nhiều cậu bé cô bé da đen nhẻm, ánh mắt tinh nghịch, nụ cười rạng rỡ, nô đùa cùng với thành quả trong tấm lưới.



Cuối Station 1, vắt qua lưng chừng của núi, 1 con đường nhỏ xíu chỉ vừa một người đi, cheo leo vách đá, dưới là làn nước trong vắt, xanh màu trời, sóng vỗ ì oạp và vách đá. Trên lối đó, Hang West nhỏ nhìn ra biển, hôm đó có một nhóm người làm lễ rồi tụi nhỏ được chia đồ ăn. Đi qua con đường nhỏ này là tới bãi biển Diniwid Beach.



Bãi biển với dải cát nhỏ hơn white beach lãng mạn với những bãi đá vươn ra biển. Nami Resort của các bạn Hàn Quốc với lối kiến trúc đáng yêu nằm một góc trên bãi biển. Các bạn ấy thật là khéo chọn mà. Lại nhắc đến các bạn Hàn, ở Boracay nhiều vô kể các bạn Hàn, đến nỗi, nhìn nhác nhác thấy dáng hai nàng là mấy bạn dân địa phương cứ Anyonhaseo đến là mệt. Mặt trời rơi xuống biển, đêm buông xuống, các nàng quay lại station 2 vào thăm thú D’mall. Không rõ là nàng không biết cách khám phá hay thực sự đối với nàng D’Mall không có điểm gì đặc biệt thu hút. D’Mall với những hàng quán ăn từ địa phương đến nước ngoài, nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm nhỏ nhỏ. Bạn có thể bắt gặp quán The Hobbit House với phục vụ là các chú lùn, có chơi nhạc sống vào buổi tối, thử các món ăn địa phương có thể vào Big Mounth, đúng là big, đồ gì gọi cũng big bự, Mango shake ở quán này khá ngon và cốc thì siêu bự, 2 người uống no.

Hallowich
là nơi các nàng thử món Halo Halo, món này trước đó người khen người chê, với nàng, ăn ổn, không dở, không quá đặc sắc. Trời mưa ạ, buổi tối hôm đó, sau khi các nàng book xong Hoping island tour cho ngày hôm sau thì trời đổ mưa. Về giá mấy tour này và các món khác như Helmet Diving, Sailing boat hay nhiều loại khác, đúng như các bạn nói trước, mọi người mặc cả tự nhiên, mặc dù các bạn ấy có 1 bảng tờ rơi ghi rõ giá các loại (đều là giá trên trời) sau đó các bạn ấy sẽ nói, tao sẽ cho mày giá tốt, yên tâm. Helmet diving trước đó có bạn nói tầm 1000 – 1500P gì đó, nhưng thành thật thì dù mình chưa mặc cả câu nào, các bạn ấy cũng đã tự chào mình giá 500P/người. Nàng không có hứng nên nàng cũng không hỏi gì thêm. Cuối cùng các nàng đặt tour Hoping Island với 3 điểm: Crocodile island, Crystal cove; Ili Iligan, trừ Crystal cove là lên đảo thăm quan, còn lại các đảo kia chỉ neo bên ngoài và nhảy xuống bơi + lặn ngắm San hô, giá chốt nàng đặt là 1000P/người (không bao gồm ăn trưa, đã bao gồm thuyền, hướng dẫn, phí môi trường, áo phao, đồ snorkeling, vé lên đảo Crystal cove). Hài hước ở điểm, lúc 2 nàng lơ ngơ tìm khách sạn thì 1 bạn dân địa phương dễ thương đã dẫn hai nàng vào tận khách sạn và mời 2 nàng book tour của bạn ấy. Chàng nàng tên là B’Hong, quả thật lúc đó đã quá mệt định bụng nghỉ 1 lúc rồi chiều tối tìm bạn ấy, rồi cuối cùng duyên phận với bạn ấy không đủ đã đưa đẩy các nàng đến book tour của một bạn béo Gerry.

 
Sáng sớm hôm sau, nàng lò dò tìm văn phòng của Southewest. Giang hồ bảo nó ngay gần D’Mall. Gần khỉ gì, đi bộ dã giò mà chưa thấy bóng dáng em nó đâu. Được truyền kinh nghiệm, Southwest phải book trước 1 ngày không thì khỏi có vé trong khí sáng hôm sau nàng bay chuyền 11h trưa về lại Manila. Thành thử lòng mà lòng đầy hoang mang.

Cuối cùng cũng nhìn thấy VP em ấy, Vp em ấy nằm phía đối diện gần với lối rẽ vào chợ D’Talipapa nhé. Đến nơi, vừa hay các bạn ấy bắt đầu làm việc. Nhanh chóng book 2 vé hết tổng 770P bao gồm Thuyền, Terminal fee, phí môi trường và vé xe bus đến sân bay Kalibo. Rồi sau 2 ngày, nàng cũng được mãn nguyện sử dụng thẻ visa trong khi ví đã sắp cạn đồng Peso. Xong xuôi, 2 nàng quay gót mua đồ ăn mang theo đi đảo, 10h gặp bạn Jerry ở điểm hẹn, cùng đi với 2 nàng hôm đó là 2 em Hàn Xẻng trẻ đẹp, 1 cặp vợ chồng người Philippine cũng trẻ nốt, đi hưởng tuần trăng mật. Tóm lại, trên con thuyền đó, ngày hôm ấy, 2 nàng…già nhất.

Bến thuyền đi Hoping Island tour nằm bên phía bãi Bulabog, đi bộ chừng mấy trăm mét từ white beach, băng qua đường chính rồi đi sâu vào một con phố nhỏ là đến bến thuyền. Hai cô gái Hàn Quốc, quả không hổ danh chịu khó chăm sóc dung nhan, phủ kem chống nắng từ đầu đến chân rồi lại đi từ chân đến đầu. Trên bờ làm chưa xong, lên thuyền tiếp tục bôi bôi xịt xịt. Hai nàng thì rảnh rỗi ngồi…tìm cá dưới biển, nước trong quá mà. Vì lịch trình có 2 nàng và cặp vợ chồng đi Crystal cove trong khi 2 nàng kia chọn đi Magic Island với màn Jumping nên bạn Guide đưa 4 người đến đảo Crystal Cove trước rồi hẹn giờ quay lại đón.


Bình thường, nếu các bạn không thỏa thuận trước, vé lên đảo là 200P/người sẽ nằm ngoài tiền tour. Hòn đảo này có nhiều công trình nhân tạo đẹp mắt, trên đảo có 2 hang động, 1 lớn 1 nhỏ, nước vào sâu tận trong hang, trong vắt. Lần mò xuống hang 1, bạn phải đi xuống 1 lối cầu thang hẹp chỉ đủ cho 1 người xuống một, chừng 20 chục bậc thang là xuống tới hang, hang này nhỏ, nước trong vắt, sóng đánh vào khá mạnh nên các nàng không xuống mà chỉ ngồi trên chụp choẹt.

Đi bộ men theo hướng biển sang bờ bên kia là hang số 2. Hang bên này lớn, tầm nhìn thoáng hơn, đầu tiên, hai nàng vẫn phải đi xuống lối hẹp bằng đá hình xoắn ốc, tiếp đó để vào sâu trong hang, các nàng phải vượt qua (bằng cách bơi hay bám vào dây thừng lội nước) để chui vào 1 lối hẹp, thấp độ 50m để tới khu vực chính của hang số 2, chỗ này là miệng phía bên kia của hang, khoảng nước trong vắt hiện ra trước mặt, hoặc là bạn bơi, hoặc là ngồi trên những phiến đá cao nhìn ngắm từ trong lòng hang ra biển.


Hưởng thụ chán chê, các nàng lại đi lom khom, lội bì bõm rồi ngược lên những chiêc lán được xây phía trên ngồi hong đồ, hong tóc và thưởng thức bữa trưa tự mang theo.


Và trời mưa, gió lạnh, rồi bạn hướng dẫn cũng quay lại đón sau chừng hơn 2 tiếng. Tiết mục đầu tiên là lặn ngắm san hô và bơi gần Crocodile sau đó sang Ili Iligan.


Bơi và Snorkling dưới trời mưa…rất là ấm, vì ngồi trên bờ gió thổi lạnh chết thôi. Nước vẫn trong, cá tung tăng bơi, san hô màu sắc đung đưa phía dưới, nàng…bì bõm phía là là mặt nước. Ôi, nàng không biết bơi, nên nàng chỉ có thể mặc áo phao và cắm mặt xuống mà ngắm nhìn chứ chả thể nàng chạm tới.
(còn tiếp)
 
Phần 5: Đi chợ D’Talipapa
Hoping island tour kết thúc lúc 3h30 chiều, bầu trời hôm đó vẫn không có nắng, dự định ban đầu là các nàng sẽ lấy tricycle đi Puka Beach và Point of view để ngắm toàn cảnh Boracay. Vài giọt mưa lất phất, và các nàng quyết định quay gót về khách sạn nghỉ ngơi trước khi tận hưởng đêm cuối cùng ở Boracay trong chuyến hành trình. 6h chiều, hai nàng thong dong đi bộ ra chợ D’Talipapa.

Từ D’mall (Station 2), đi dọc theo đường chính của đảo chừng 15 phút (đi qua VP của Southwest một chút), rẽ phải vào con đường nhỏ độ 20m.
Chợ D’Talipapa nằm phía tay trái. Ôi đủ các loại hải sản lớn bé, đọc qua đọc lại về giá rổ và cách mặc cả ở chợ từ trước nhưng nàng vẫn không khỏi chóng cả mặt. Các bạn tưởng tượng xem, Giá ghẹ, các quầy hàng đầu tiên sẽ chào giá 3000 - 4000P/kg à Mặc cả xuống chừng 700 - 1000P; Giá cua nói 2000P/kg à Mặc cả xuống còn 500P/kg. Sò lông các bạn ấy phán 700P à Mặc cả xuống còn 150P/kg. Giá hàu các bạn ấy sẽ bảo 500 - 700P/kg à Mặc cả xuống còn 100P/kg.

Về cơ bản, Hải sản ở đây tươi, ngon, trừ khoản nói thách giá trên giời. Mua đồ xong xuôi, các bạn ấy sẽ dẫn ra cooking services. Các nàng được chỉ ra quán ngay gần quầy bán hàng luôn, nhà hàng này sạch sẽ, đông khách và chế biến ngon. Phí cooking services tùy theo cách chế biến hấp, rang, nướng, chiên…Trung bình 1 món chừng 70 - 100P. Hôm đó, hai nàng trả cả thảy là 300P tiền thuê nhà hàng chế biến đồ bao gồm 1.3kg Cua, 1kg hàu, 1kg sò huyết. Tổng thiệt hại cho 1 bữa tối với thực đơn đi chợ, đồ uống (bia) và công chế biến của hai nàng hết 1200P (600k) so với ăn hải sản Hương Lan nhà mềnh thì ngon hơn, rẻ hơn, thú vị hơn.

Chén no nê, nàng thong dong đi bộ về, dù bụng đã no, song các nàng vẫn quyết định tráng miệng bằng món chè Halo Halo ở tiệm HaloWich trong D’mall.

Ôi, ăn xong rồi nàng đi tết tóc, dọc bờ biển có rất nhiều hàng có dịch vụ tết tóc với vé Henna. Tóc dài lỡ cỡ như này, tết 3 line sát chân tóc mất 200P, nên các bạn đọc nếu ai là nữ và muốn thử món này thì nhớ mặc cả 100P thôi nhé. Đêm ở Boracay rất nhộn nhịp, với nhiều vũ công múa lửa, phần lớn là những cô nàng chuyển giới với nước da ngăm đen, chạy xô từ quán này qua quán khác.

Phía cuối Station 2, có 1 quán sát bãi biển, họ quây nhà hàng lại thành không gian lãng mạn với bàn ghế và đèn cầy, có sân khấu và các vũ công múa lửa. Giá vào những nhà hàng loại này khoảng 500 - 700P/người đã bao gồm 1 đồ uống. Tiếng nhạc, tiếng reo hò và những tràng pháo tay hưởng ứng nhộn nhịp 1 góc. Vài ca sĩ không chuyên ôm cây đàn guitar hát những khúc nhạc lãng mạn ở bên ngoài những nhà hàng nằm rải rác trên bãi biển. Khuôn mặt họ lúc đó dường như chỉ có âm nhạc và tiếng sóng biển.

Tiệm café Starbuck nhỏ nhỏ 2 tầng nhìn ra biển vẫn đông đúc nhộn nhịp, nàng không thích vị nhạt nhạt của Starbuck, thôi, nàng tìm 1 quán nhỏ với những chiếc ghế đệm mềm mại dưới ánh sáng của những chiếc đèn kéo quân, mùi của biển quyện với mùi Shisha thật quyến rũ. Ở một góc nhỏ không có rào che cát, tụi nhỏ đang vun vun đắp đắp những bức tường nhỏ nhỏ với khuôn chữ Boracay và mô hình lâu đài trên cát. Yên bình, thư thái mặc dù nằm bên cạnh là gái.
 
Sáng sớm hôm nay, trời nắng, đúng là Boracay chưa yêu nàng mà, nàng đi thì trằng nắng, biển trong xanh.
Trả phòng, nàng ra đường chính đón Tricycle ra bến thuyền. Hỡi ôi, nhầm bến thuyền ạ, bến của Southwest to hơn, đi tàu cánh ngầm to đùng chứ không phải đi Bangkha như hôm nàng đến. Vậy là 2 nàng lại quay ra, đón 1 chiếc Tryclo khác sang bến của Southwest.

Các bạn Southwest đưa vé rồi cho 1 cái Sticky nhận dạng. Ngồi chờ 1 lúc rồi các nàng cũng được đưa lên thuyền, thuyền này có điều hòa, sạch sẽ, sức chứa chừng hơn 200 khách cơ. Ngồi thuyền chừng 15 phút là sang tới đảo Aklan, đi thẳng 2 bãi xe đi Kalibo. Nhìn chung, các bạn Southwest làm bài bản, thuyền đẹp, xe đẹp, dịch vụ tốt, dù các bạn ý có chút lạnh lùng (không đáng yêu như xe bus hồi các nàng đi Siemriep của các bạn Campodia)

Đường từ Boracay đi Kalibo khá đẹp, có những đoạn 1 bên là biển 1 bên là núi, đường cũng vài đèo vài dốc, nàng ngủ 1 giấc ngon lành. Chưa đầy 2 tiếng là đến sân bay Kalibo, lúc đó là 10h kém, sau vài thủ tục an ninh như thường lệ, các nàng check in xong xuôi, quái, sao nàng không thấy sân bay Kalibo to như giang hồ đồn nhỉ? Bé tẹo mà. Phí sân bay nội địa từ Kalibo đi Boracay là 150P/người. Chặng bay hôm đó của nàng, Cebu liên kết với Seair nên hôm đó nàng bay máy bay của Seair. Ngày hôm đó nàng sẽ nối chuyến trong ngày đi Cebu buổi chiểu.

Hạ cánh xuống sân bay Manila, Terminal 4, không rõ vì đây là Terminal nội địa và lại còn giá rẻ nữa không nhưng khu vực hạ cánh nhếch nhác, đi bộ 1 đoạn dài ra lôi ra. Nàng phải di chuyển sang Terminal 3 để kịp check in chuyến bay đi Cebu. Lúc bấy giờ là 2h kém, Sân bay Manila đang tu sửa, theo thông tin nàng tìm hiểu trước thì có xe bus miễn phí từ Terminal 3 sang Terminal 4 nên cũng sang nhà chờ bus phía đối diện (sát quầy vé của Air Asia). Ở khu vực sân bay này không có Taxi đi bằng đồng hồ, chỉ có service của sân bay, từ Terminal 4 sang Terminal 3 giá 300P. Đợi mãi không thấy bus, nàng cất lời hỏi 1 bạn Philippines, bạn ấy cũng nhiệt tình nhưng mà thông tin thì sai bét, bạn ấy bảo:
– Bus thì tao không biết bao giờ mới có, cũng không biết tần suất chuyến như nào. Mày đi từ đây sang Terminal 3 phải mất hơn 30 phút cơ.
– Ơ, thế thì nhỡ chuyến, không được, thế là nàng quay qua hỏi an ninh sân bay, các bạn này cũng bảo: xa lắm mày ạ, mày không đi bộ được đâu.

Rõ là nàng đọc là chỉ chừng 1.5 – 2km thôi mà, đi bộ được, mà hỏi đến 2 người đều bảo xa lắm, nàng đâm ra hoang mang. Cuối cùng cũng rút hầu bao chi 300P ra, ôi giời ạ, ngồi taxi mất chưa đầy 10 phút là đến Terminal 3, hự hự, đúng là đắng lòng, hoàn toàn có thể đi bộ thong thả được từ Terminal 4 sang Terminal 3 các bạn nhé. Sau này khi nàng kể với 1 người bạn Philippines lớn tuổi, bác ấy nói: Người Philippines lười đi bộ nên dù có gần, các bạn ấy cũng bảo xa lắm, mày không nên đi bộ đâu. Làm thủ tục check in xong xuôi, các nàng lại ngồi chờ, gặp một cặp vợ chồng người Philippines bay đi Ilo Ilo, dăm ba câu chuyện vụn vặt về chuyến đi của họ năm ngoái tới Việt Nam. Nàng càng tin, người dân xứ này kỳ thực rất dễ thương.
Hạ cánh xuống sân bay Cebu khá muộn, sân bay Cebu lớn, hôm đó chắc có một phái đoàn quan trọng nào đó đến cebu, nàng thấy 1 hàng các bạn nữ to cao, mặt đẹp dáng thô =)) mặc đồ truyền thống đứng chờ trước lối ra. Ở Cebu, nàng đặt phòng khách sạn qua booking.com, khách sạn ở thành phố Lapu Lapu, xem trên bản đồ cách sân bay 3km. Taxi sân bay giá vẫn 300P, không tính theo mét. Các nàng rút kinh nghiệm vụ Terminal 3 – Terminal 4, quyết chí đi bộ ra ngoài, vẫy taxi, vẫn không tính theo mét, nhưng giá 150P. Khách sạn Express inn nằm trên 1 con phố nhỏ (nói thật là như giống như khu Từ Liêm Mỹ Đình) không có gì đặc sắc. Khách sạn sạch sẽ, có thang máy, wifi tận phòng (Đây là khách sạn duy nhất trong chuyến hành trình mà wifi có thể sử dụng được ở trong phòng, cả Boracay và Manila, muốn dùng wifi phải ra khu vực lễ tân, nhà hàng). Giá em này là rẻ nhất trong số các khách sạn các nàng ở Philippines. Giá 880P/đêm chưa bao gồm ăn sáng.

Một ngày mệt lử vì di chuyển, 2 lần Tricyclo, 1 lần thuyền, 2 lần taxi, 2 lần bay. Đúng là du lịch tàu xe bay mà. Các nàng ăn tối tại khách sạn rồi lăn ra ngủ. Ngày mai, các nàng sang Cebu City. Thời gian ở Cebu không nhiều, nên các nàng đành lỗi hẹn với cá heo, với Bohol và Chocolate Hill.
 
Ăn sáng tại khách sạn xong, các nàng thong thả bắt taxi sang Cebu City, từ Lapu Lapu City sang Cebu City có 2 cây cầu nối liền 2 đảo. Ngồi taxi chừng 20 – 30 phút (hết khoảng 300P) thì các nàng tới Magellan’s Cross, biểu tượng thu hút của lịch sử Cebu, đánh dấu nơi mà Magellan trồng cây thập tự đầu tiên ở đất Philippines, tượng trưng cho sự xuất hiện cùa đạo Công giáo. Các bản sau của di tích thánh giá bằng gỗ đầu tiên được gìn giữ trong các nhà nguyện hình vọng lâu đời.

Khi các nàng đến thì nơi này đang được trùng tu nên quang cảnh chủ yếu là giàn dáo, không có gì đặc biệt. Đi bộ dọc lên đường Colon Street, con đường cổ nhất Cebu city với những dãy nhà cũ kỹ, dây điện cũng chằng chịt cũng chẳng kém các con phố của Hà Nội mấy. Thành phố này đông đúc, bận rộn nhưng ít thấy bóng dáng của khách du lịch.

Lơ ngơ hỏi đường ra Fort San Perdo các nàng gặp một cô bé sinh viên năm thứ 2. Hỏi một hồi, chỉ dẫn một hồi, cô bé bảo chiều không có lớp, sẽ đi cùng luôn. Tốt quá, thế là hai nàng có thêm 1 cô bạn đồng hành. Và..đó cũng là lần đâu tiên các nàng thử đi Jeepney, Phương tiện giao thông phổ biến của người dân xứ này.
Dự kiến là các nàng đi Taosist Temple trước, nhưng rồi qua 2 lần chuyển Jeepney, các nàng xuống 1 ngã tư dự định đi xe ôm lên, rồi nói chuyện một hồi các bạn xe ôm bảo đi cái Point view Top, ngắm toàn cảnh cebu đi mày. Cô bé người bản địa nói chuyện qua lại thỏa thuận giá một hồi rồi báo với các nàng là 2 xe chở 3 người đi lên Top Hill trước rồi chở qua Taosist Temple thăm rồi trả lại ngã tư để lấy Jeepney về trung tâm. Giá tất cả là 300P, quá rẻ so với giá xe ôm nhà mình. Tuy nhiên con số này còn là một câu chuyện thú vị sau đó. Lên Top View nằm ở khu vực Beverly Hills, Khu này khá đẹp, đường lên có nhiều triền dốc nhìn xuống thung lũng nằm xen lẫn với những bức tường đá phủ dây leo chằng chịt. Vé vào cửa Top view 100P/người, khoảng sân rộng trên cao được lát gạch cùng với những lối đi có mái che duyên dáng. Từ đây, các bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ thành phố.


Rời khỏi Topview, các nàng sang Taoist Temple, chùa của các bạn china bên này. Quang cảnh phía sau cánh cổng vĩ đại mang dáng dấp Tử Cấm Thành của Cebu Taoist Temple, ngôi đền thờ Lão Tử và Đạo giáo được xây bởi cộng đồng người Hoa ở thành phố đảo này. Kiến trúc mang kết cấu truyền thống của Trung Quốc với tháp bát giác quen thuộc hay mái cong đền chùa phổ biến, nhưng màu sắc tươi mới lại có phần gì đó rất… Philippines. Khu đền sơn thủy hữu tình, có view khá đẹp nhìn gần như bao quát được cả Cebu. Hôm đó, không rõ lý do gì không được vào thăm quan. Không thăm quan thì thôi, đằng nào thì cũng không khoái lắm. Vậy là các nàng quay mông đi xuống bắt Jeepney đi Ayala Mall Cebu.

Và câu chuyện trả tiền xe ôm bắt đầu thú vị, các bạn ấy bảo là 300P 1 xe nhé, rồi công các bạn ấy chờ 100P/xe nữa nhé. Tóm lại là phải trả các bạn ấy 800P nhé.
Oh shit, đùa chứ, faut đầu tiên với người dân bản địa. Kể ra thì giá đó 2 xe đi 1 vòng như các nàng thì vẫn rẻ hơn ở Việt Nam thật đấy, nhưng mà các bạn ấy chơi bài này thành thử bực mình, nói qua nói lại một hồi. Rồi đành móc ví trả các bạn ấy 700P cho xong. Cô bé người Phil cứ xin lỗi mãi không thôi. Ôi, lúc đó nàng cũng xác nhận lại với các bạn xe ôm 300P mà. Sự vụ lần đó cộng với sự vụ Tricyclo ngày hôm sau ở Intramuros, Manila cũng cho nàng thêm được chút kinh nghiệm sau này. Ayala là tên một tập đoàn gia đình lớn bậc nhất Philippines. Gia tộc Zobel de Ayala ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội Philippines suốt gần 200 năm qua. Họ có nhiều khu trung tâm thương mại sang trọng, nhiều bất động sản và ngân hàng. Bốn trụ cột của tập đoàn là Ayala Land trong lĩnh vực bất động sản, Bank of the Philippine Islands (BPI) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Globe Telecom trong lĩnh vực viễn thông và Manila Water trong lĩnh vực cấp thoát nước. Dùng bữa trưa tai Ayala mall, các nàng lại chọn Noodle và Mango Shake. Đồ ăn bên này khô, nhiều dầu mỡ, Noodle bên này khô queo, không có chút nước nào hết. Sau này mới biết, nếu muốn gọi mỳ nước (Giống bún, phở miến bên mình) bạn phải kêu là Mami chứ không phải Noodle.

Xong bữa trưa, các nàng lại bắt Jeepney sang Crown Recency thử trò Sky walking. Lên tầng 37 mua vé. 550P/người áp dụng cho mùa thấp điểm. Trò này kỳ thực chả có gì mạo hiểm (đối với nàng), mặc bộ đồ bảo hộ, sau đó cài đai dây bảo hiểm, phía ngoài có 1 lối đi bằng kính vòng quanh tòa nhà. Đi một vòng, vừa đi vừa tạo dáng cho các bạn hướng dẫn chụp choẹt các kiểu hết 15 phút. Kì thực mà nói, trò này không có gì đặc biệt, được cái các bạn hướng dẫn rất vui tính, nhiệt tình. Các nàng cười ngoác miệng từ đầu chí cuối. Sau khi kết thúc, các bạn ấy sẽ show những hình ảnh các bạn ấy chụp mình trong lúc di chuyển và tạo dáng, thích tấm nào in tấm đó. 150P/tấm. Các nàng lấy mỗi 1 tấm. Chơi trò này, các thể loại vật dụng cá nhân, đồ trang sức từ vòng vèo, đồng hồ đến hoa tai đều bị tháo tiệt. Các bạn đặt cọc 200P để lấy 1 lock gửi đồ, gửi miễn phí, chơi xong, trả chìa khóa, lấy lại tiền. Bạn nào ham vui thì thử cho biết.


Chơi xong trò này, các nàng đi bộ qua Thánh đường Basilica Santo nino sang tới Fort San Pedro cũng đã chập choạng tối. Xung quanh thánh đường đông người đang cầu nguyện là vô số người bán nến. Nhà thờ Snato Nĩno Basilica ở Cebu chứa đựng trong nó một điều kì diệu: làn sóng thứ hai của thực dân Tây Ban Nha đã tìm ra tượng chúa Jesus vươn lên giữa đống tro tàn từ một ngôi nhà của người bản địa bị cháy. Họ nhận ra bức tượng là món quà của nhà thám hiểm Magellan đã tặng cho quận chúa ở địa phương, nên những người đi phiêu lưu đã xin xây dựng một nhà thờ tại địa điểm mà bức tượng được tìm thấy. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1740, một nhà thờ bằng gỗ và đá ong đã được xây dựng tại vị trí từng là một nhà thờ đắp bằng đất và gỗ. Một bảo tàng bên trong nhà thờ vẫn bảo tồn những di sản trong lịch sử Thiên Chúa Giáo của tỉnh Cebu từ thời xa xưa nhất – từ trang phục của thầy tu đến những bức tược các thánh hay những sợi tràng hạt thể hiện lòng kính chúa của người địa phương. Bức tượng chúa Jesus ( bức “Santo Nĩno) được gìn giữ sau một lớp kính chống đạn trong nhà thờ. Mỗi năm, Santo Nĩno được đem ra diễu hành trong hàng loạt lễ diễu hành của người bản địa trong lễ hội Chia tay cô bé sinh viên có nước da rám nắng, đôi mắt to có hồn và nụ cười cực duyên. Phải nói thêm rằng, không biết giới trẻ của Philippines như nào, nhưng cô bé này có phong cách rất phóng khoáng, thích kết hôn với người nước ngoài cùng với giấc mơ về đất nước Mỹ, suy nghĩ về hôn nhân và sex thoáng (dù mới 19 tuổi).
Vé vào cửa Pháo đài Fort San Pedro khá rẻ: 30P/người. Hôm đó, ở đây có tiệc mừng sinh nhật của cậu ấm cô chiêu nào đó, không gian được trang hoàng khá đẹp mắt với những bàn tiệc sang trọng. Sân khấu được thiết kế nhiều bóng bay nằm trên hành lang có mái che được phủ bằng những dây leo duyên dáng. Pháo đài Fort San Pedro được xây dựng bởi người Tây Ban Nha (ta gọi là bọn thực dân xâm lược) từ thế kỷ XVIII bằng gỗ, ngày nay đã được trùng tu nhiều lần. San Pedro là pháo đài cổ xưa nhất và cũng bé nhất Philippines. Phía trước pháo đài là một quảng trường rộng với nhiều gốc cây cổ thụ. Thành phố lấp lánh ánh đèn, các nàng sau một ngày mệt nhoài, đón taxi về khách sạn. Tạm biệt Cebu, sáng mai các nàng lại bay sớm.
 
Chuyến đi 7 ngày trọn vẹn đến đất nước mà trước đó 1 năm chưa có tên trong danh sách điểm đến của nàng kết thúc với nhiều ký ức đẹp. Chưa biết khi nào nàng sẽ trở lại, nhưng Philipines với những con người nàng gặp đã trở thành một phần đẹp trong hành trang tuổi trẻ. Rồi, nhiều năm nữa, khi vô tình hoặc hữu ý nhắc đến Philippines, nàng sẽ lần mò lại, những câu chữ, đã viết về đất nước ấy trong những ngày tháng ấy. :3
Quay trở lại Manila (lần thứ 2 trong chuyến di), các nàng đón taxi về lại khách sạn. Loanh quanh một hồi, nhận phòng rồi buổi chiều đi Intramuros. Từ Malate đi tới đây có thể bắt Jeeny 1 chặng là tới. Các nàng đi bộ ra Malate church nhìn các em Jeepney với ánh mắt thân thương hơn, gặp đúng xe đi Divisoria, xuống ở Ngã tư cuối đại lộ Roxas. Băng qua đường, rẽ trái, Intramuros ở phía trước.

Quần thể khu phố cổ Intramuros
rộng với khoảng hơn 20 điểm thăm quan. Thời gian xây dựng Intramuros kéo dài hàng trăm năm. Khu tường ban đầu dựng bằng gỗ. Đến năm 1590, vị tổng đốc đầu tiên của Manila người Tây Ban Nha đã cho phá bỏ tường gỗ và xây lại thành bằng đá dày kiên cố. Đồng thời cho xây thêm tháp canh và pháo đài. Dọc phố, những chiếc xe ngựa, xe tricylco chào mời du khách làm 1 vòng nhìn ngắm cả khu phố trong vòng 30 phút. Intramuros (có nghĩa là “bên trong tường thành”) Intramuros như một “nhân chứng lịch sử” của Philippines từ năm 1521, cũng giống như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, khu thành cổ Intramuros được xem như bức tường thành vững chãi của đất nước Philippines xinh đẹp.

Nằm ngay cạnh điểm giao hòa của sông Pasig và vịnh Manila, trải rộng trên diện tích lên tới 64ha với hệ thống tường hào cao 6m, kéo dài 4,5km bao quanh. Đoạn này các bạn lưu ý khi thuê xe tricycle hay xe điện thăm quan thì nhớ là giá tiền các bạn ấy tính không bao gồm thời gian chờ. Có nghĩa là bạn lên xe, ngồi khoảng 200m sau đó xuống xe vào 1 điểm thăm quan, nhìn nhìn ngó ngó lâu lâu, ra ngoài mà hết 30 phút là hết xèng. Muốn đi xe tiếp thì trả thêm nhé. Các điểm thăm quan nổi bật của khu phố cổ có: Pháo đài Fort Santiago

bên dòng Pasig vẫn lưu lại dấu đạn bắn trên những bức tường thành Almacenes, những chuồng cọp nơi giam giữ hàng ngàn chiến sĩ Philippines hay những khẩu pháo hàng trăm năm tuổi;

Nhà thờ lớn Manila, Nhà thờ San Augustin với nét kiến trúc Gô tích. Đây còn được xem là nhà thờ cổ nhất Philippines.

Intramuros vừa hoài cổ, trầm lắng lại vừa nhộn nhạo một cách đáng yêu.

Rời Intramuros, các nàng theo 1 nhóm sinh viên ra công viên Rizal – Công viên Rizal, còn được biết đến với tên gọi Luneta, là công trình quan trọng nhất của Philippines, và cũng là nơi tuyệt vời để ngắm người dân địa phương thưởng thức ngày cuối tuần của họ.

Ngồi phệt xuống thảm cỏ, nàng thư thái nhìn ngắm những con người nơi đây, họ nói, cười, họ nhìn nhau hay chỉ đưa mắt ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Thì ra ở đây cũng vậy, người ta đều tìm được sự bình yên theo một cách riêng nào đó. Phía xa, lá cờ của Philippines trước quảng trường rộng lớn kiêu hãnh giăng mình trong gió.

Kỳ thực, khoảng cách từ khu Ermita hoặc Malate ra Intramuros nếu đi dọc đại lộ Roxas thì hoàn toàn có thể đi bộ. Vừa đi vừa ngắm nhìn phố xá, chập choạng chiều, đứng trên cầu cho người đi bộ vắt qua đại lộ mà ngắm cảnh mặt trời lặn. Nàng không có cách nào diễn tả để các bạn hiểu cảm giác lúc đó. Thật kỳ lạ, ở đó tồn tại 2 mặt, sự rực rỡ của tự nhiên và khốn cùng của con người. Hoàng hôn đỏ rực và những con người vô gia cư tìm một chỗ ngủ sau cả ngày lang thang khắp chốn. Manila lên đèn.

Chuyến bay trở về Hà Nội của nàng cất cánh lúc nửa đêm mờ sáng, vì vậy, nàng có cả ngày để shopping. Khá nhiều bài viết nói về vụ shopping ở Manila mà nàng đã tham khảo trước. Mục đích chuyến đi không thiên về shopping (và cũng không có xiền để shopping) nên với tâm ý: đi cho biết, window shopping là chủ yếu. 2 trung tâm mua sắm mà nàng chọn trong vô số các trung tâm là Robinson và MOA (Mall of Asia).
Robinson nằm ngay trên đại lộ Adriatico thuộc khu Malate, hàng hóa ở đây khá phong phú từ cao cấp đến bình dân. Đây là trung tâm mua sắm lâu đời bậc nhật ở Manila.

SM Mall of Asia: Mall of Asia được coi là trung tâm mua sắm lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới, với diện tích mặt sàn gần 500.000 m2. Mall of Asia nằm ở Pasay City, không chỉ có hàng trăm gian hàng, mà còn có các siêu thị, đại siêu thị, các khu ăn uống, vui chơi giải trí, sân trượt băng… Đây cũng là nơi thu hút đông khách du lịch nhất mỗi ngày ở Manila nên nếu đến Mall of Asia vào cuối tuần, bạn đừng nên về muộn bởi nếu không sẽ rất khó để gọi taxi khi mà hàng người xếp hàng đợi xe có thể lên tới cả cây số. Mall of Asia được quản lý bởi SM Invesment Corporation, một tập đoàn lớn tại Philippines. Vì thế, bạn còn có thể bắt gặp vô số trung tâm thương mại cùng hệ thống trải đều khắp các thành phố nhỏ của Metro Manila, đều có tên được bắt đầu bằng SM như SM Makati, SM Aura, SM City North EDSA, SM Southmall, SM Megamall…Nói chung, shopping thì nguyên ngày ở đây cũng rạc chân rồi. Bên này đủ các thương hiệu bình dân đến nổi tiếng. Tầng 2 khu building chính có store của Uniquilo, Zara, F21… Tầng 1 là 1 loạt các hàng ăn nhanh, từ KFC đến Jollie Bee.

Nếu bạn tìm kiếm những thương hiệu đắt đỏ như LV, Burberry, Gucci thì ghé qua hệ thống của các bạn Green Belt - Chuỗi trung tâm thương mại Greenbelt bao gồm 5 khu vực đánh theo số thứ tự từ 1 đến 5, nằm ở trung tâm thành phố tài chính, thương mại Makati City. Greenbelt là địa chỉ cho những thương hiệu sang trọng trên thế giới như Burberry, Bvlgari, Emporio Armani, Escada, Gucci, Hermès, Salvatore Ferragamo… Greenbelt được xây dựng từ những năm 1980, và đã nhiều lần cải tạo để trở thành một khu phức hợp mua sắm, giải trí, ẩm thực nổi tiếng như hiện nay. Các khu vực trong chuỗi Greenbelt dù ngoài trời hay trong nhà, đều nối liền với nhau, có bảng hướng dẫn rõ ràng, tạo sự thuận tiện cho người dân và khách du lịch. Na ná với Green Belt là Green Hill và Divisoria: Hai khu này nếu khéo lựa, các bạn sẽ kiếm được nhiều món hàng chất lượng với mức giá rất hời.
Chiều xuống, Manila chợt mưa. Các nàng gom chiến lợi phẩm của cả ngày đi bộ vội vã ra taxi về khách sạn lấy đồ. Mưa ngày càng nặng hạt, các nàng quyết định ăn tối = tô mỳ Made in Philippines trước khi ra sân bay ở khách sạn. Tối hôm đó, mưa mãi không thôi, Manila tiễn nàng như thế. Ơn trời, Cebu Pacific vẫn cất và hạ cánh đưa nàng về nhà an toàn. Và tặng thêm cho nàng một người bạn lớn.
Chuyến đi 7 ngày trọn vẹn đến đất nước mà trước đó 1 năm chưa có tên trong danh sách điểm đến của nàng kết thúc với nhiều ký ức đẹp. Chưa biết khi nào nàng sẽ trở lại, nhưng Philipines với những con người nàng gặp đã trở thành một phần đẹp trong hành trang tuổi trẻ. Rồi, nhiều năm nữa, khi vô tình hoặc hữu ý nhắc đến Philippines, nàng sẽ lần mò lại, những câu chữ, đã viết về đất nước ấy trong những ngày tháng ấy. :3
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,682
Bài viết
1,135,151
Members
192,382
Latest member
new88markets
Back
Top