What's new

Phượt tây bắc 1000 km bằng xe máy

Xin chia sẻ với các bạn vài dòng nhật ký của chuyến đi tây bắc hồi tháng 1 vừa rồi.

Hà nội một ngày đông, lạnh run như con chim, hai thằng rủ nhau phượt Tây bắc. Miệt mài lái xe từ sáng đến tối mới tới Tp.Lào cai, 300km. Tắm thùng thông ở khu Cốc lếu rồi ngủ lấy sức để sáng hôm sau hành quân lên Sapa. Buổi tối có lang thang phóng nhầm qua cửa khẩu sang Trung Quốc, bị anh công an tuýt còi..
Sapa đẹp, từ hồ nước tới ngọn núi. Trong cái lạnh sáng sớm nơi đây, mặt trời thập thò bên kia quả núi chiếu những tia sáng màu hồng qua dải rừng bát ngát đến tận mặt, ấm ơi là ấm. Gửi bớt hành lý vào nhà nghỉ , chỉ mang theo dao găm súng lục xuống bản chơi.
Cách Sapa 10km, Bản Hồ, một bản dân tộc xinh đẹp, nhà thì toàn nhà sàn chứ không có nhà đất. Dân ở đây mặt ai nấy đỏ phừng phừng, ấy là tại cả ngày chỉ có việc ngồi uống rượu. Hỏi một cô Dao đỏ rằng làm ruộng có đủ ăn không, cô trả lời bằng cái tiếng kinh lơ lớ:” Trước đây cũng đủ ăn, nhưng từ khi nhà nước phá thì không đủ”. Hai thằng theo đít cô đi quanh làng, nhìn cô leo dốc mới thấy phục người dân tộc, cô đi cái kiểu lững thững, tay vung hai bên. Mà dân ở đây có vẻ thích đi bộ, hỏi đi chỗ này chỗ kia bao xa họ đều trả lời bằng đơn vị ngày, hai ba ngày đi bộ là cái sự thường… Tiếp tục cuộc hành trình qua Nạm Sài rồi Nạm Ngấn, đường đất lên núi dốc 30 độ mà rộng chỉ vừa một người đi, giá có hai anh đi xe máy tránh nhau thì chỉ có nước lăn xuống vực. Ấy thế mà anh nào đuổi theo xe mấy ông dân tộc ở đây thì chỉ có hít rắm, chạy bạt mạng.
Bản Nạm Ngấn nằm trên đỉnh núi, xa đô thị. Ông thợ rèn người Mán mà chúng tôi gặp ngay đầu bản cười hớn hở khi được hỏi về tình hình khách du lịch: “Trước tới giờ đã có 3 thằng tây lên bản “.
Rồi ông dẫn về nhà cho xem súng kíp ông chế, hai khẩu. Anh hàng xóm lon ton cầm một khẩu dài đến gần mét rưỡi ra bắn cho chúng tôi xem. Khen ông thợ rèn chế súng kíp tài thì ông bảo cái gì ông cũng chế được, trừ tiền. Ông có bộ dao chặt xương trâu, cái nào cũng rèn từ thép nhíp, bọc đồng ở chuôi. Mua luôn của ông một chiếc làm quà lưu niệm.
Buổi tối quay lại Sapa dạo phố. Ở đây thức gì cũng đắt, hình như đến 30 ngàn đồng một chai Coca Cola. Mùa rét, đường chỉ còn toàn tây ba lô, ông nào cũng hở đùi hở ngực. Khách Việt chắc mùa này ru rú ở nhà trùm chăn hết cả, chỉ có hai thằng thần kinh đi phượt mùa này. Mỏi chân, sà vào hàng thịt nướng bên đường làm vài xâu thịt lợn cắp nách với củ khoai nướng. Trong lúc nhâm nhi hỏi bà chủ quán tại sao không thấy chợ đêm đâu cả. Hóa ra chợ đêm Sapa bị cấm họat động từ lâu. Trước đây nó họp ở ngay giữa cái quảng trường, người dân tộc kéo đến bán hàng hóa, thổi khèn, nhảy múa, chim nhau, là một nét văn hóa đặc sắc của cả vùng. Nay cái quảng trường tối thui, thi thoảng có bóng mấy đôi nam nữ dắt díu nhau đi tập thể dục. Gần 11 giờ đêm, bấy bà già dân tộc vẫn ngồi vệ đường bán ba cái mũ, một bà í ới mời chào, tay huơ huơ cái mũ. Mình làm ngơ quay ra chỗ khác. Đi được vài bước thì chợt nghĩ các bà đi bộ về bản cũng mất vài tiếng, hay là đêm nay các bà ngủ ngoài đường… Bà chủ hàng nướng còn cho biết bọn dân tộc bám theo khách tây bán hàng là bảo vệ cầm dùi cui ra đánh. Cớ sao lại đánh? Dân tộc cũng là người…
Sáng hôm sau lếch thếch ra về, mình cầm lái. Loạng choạng thế nào mà lúc xuống dốc đâm phải cái cây khô vô duyên nằm ườn giữa đường. Tức thì đằng sau vang tên tiếng kêu choe chóe:” Rơi! Rơi!”. Vừa toan vòng xe lại thì đằng sau tiếp tục kêu:” Không phải đồ rơi! Anh rơi!”. Té ra là vậy, nơi hết cả mông xuống đường, còn mỗi cái chân cố gắng móc vào xe. Đành dừng xe cho ông anh hoàn hồn và đổi sang ngồi đằng sau.
Thịt trấn Bắc Hà nằm trên đường về Hà nội, tiện đường tạt vào tìm mua giống chó săn của người dân tộc. Sau một hồi hỏi han thì bị chỉ đường lên Tả Củ Tỉ. Cái tên mới nghe đã thấy chối. Lúc đầu nghe mấy lần mà vẫn nhầm thành Tả Cu Tỉ với Tà Cù Tỉ. Cái đường lên Tả Củ Tỉ cũng lủng củng không kém tên vùng đất, toàn đá, xóc, những chỗ ngoặt nằm ngay miệng vực. Tưởng tượng chỉ cần vọt ga một cái là hai ông bay luôn vào không trung bất tận, chết mất xác. Đi cả giờ đồng hồ mà đường vẫn hun hút không một bóng người, may sao trong lúc nghỉ có bóng xe máy đi qua, mình mừng quýnh xông ra chặn xe hỏi đường. May quá gặp phải người tốt, anh lái xe còn mời về nhà chơi. Hớn hở quay mặt lại thì thấy mặt ông anh méo xệch:” Chú dẫm vào cái kính râm của anh rồi”. Mình nhoẻn miệng cười…
Tả Củ Tỉ hôm đó có thịt trâu ăn. Một con đã lăn núi. Cái giống trâu khổ, kiếm ăn trên núi, trời thì rét thế này. Nó lăn núi từ tối hôm qua nhưng sáng nay người ta mới thịt rồi lôi cái bộ xương không xuống đường cái. Mấy cô dân tộc đi hái rau lợn cũng ngồi đấy, không biết định xơ múi cái gì. Mình lân la hỏi cô học lớp mấy thì cô ngượng nghịu:”Em bỏ học lâu rồi”…
Tả Củ Tỉ, cứ nghĩ nó mù cang chải lắm, vừa vào tới đầu làng đã thấy trường học, ủy ban xã khang trang to đẹp. Anh lái xe dắt hai thằng về nhà bố đẻ của anh. Vào tới trong làng thì nhận ra là dân cũng nghèo, nhà cửa đơn sơ. Nghe ông bố anh kể chuyện người ta không cho trồng cây ăn quả, chỉ được trồng rừng…
Tới nơi được một lúc thì hai ông bà tây ba lô cũng tới nơi. Lúc trước gặp hai người này đạp xe cùng đường lên Tả Củ Tỉ. Tây ba lô này không thấy mang ba lô. Hai người đạp xe với một anh hướng dẫn viên. Tất cả hành lý đã chất trên một cái ô tô hai người lái đi cùng. Tây ba lô giàu!
Buổi tối ngồi nướng thịt trâu ăn. Ăn rồi mới biết không gì ngon bằng thịt bò. Thịt trâu vừa dai vừa dở vừa đen, nhai sái quai hàm. Thảo nào người ta bảo môi thâm như thịt trâu ế. Chủ nhà thịt thêm con gà, nhà hàng xóm cho thêm bát tiết trâu. Bữa tối thế kể cũng sang rồi. Đang ăn thì bỗng một ông dáng nông dân ở đâu mò đến, ông tự xưng là công an huyện, đòi hai thằng cho xem chứng minh thư. Xem xong ông lè nhè uống rượu ngô với chủ nhà, không quên ép rượu hai thằng. Thấy tình thế bất lợi, hai anh em xin phép đi chơi, ông không quên quán triệt:” Làm gì thì làm, không được phá hoại của làng, ở đây tôi quán triệt là phải đi ngủ từ chín rưỡi mười giờ”. Quan ở vùng sâu giỏi nhất vụ quán triệt.
Tối khuya hôm đó, anh chủ nhà ngồi dò hỏi: “Anh biết các chú lên đây không phải vì con chó, chắc chắn các chú đang tìm kiếm gì đó. Các chú cứ nói ra rồi anh em mình cùng làm”. Hóa ra chẳng ai tin mình chỉ vì du lịch mà tới cái làng Tả Củ Tỉ heo hút nghèo nàn này. Cũng chẳng ai tốt bụng tới mức mời mình về nhà ngủ. Ngày xưa người kinh lên đây, thấy cái gì quý là mua rẻ hết của dân tộc. Đến giờ dân tộc vẫn nghèo. Chính sách của nhà nước lên tới trên núi thì cũng trở nên méo mó bởi mấy ông lãnh đạo cà dốt mà cái gì cũng quán triệt. Sáng hôm sau hai anh em dậy sớm, gửi bà chủ nhà ít tiền rồi lên xe về. Đường dài mênh mang, khói sương mịt mù…

Blog: http://connguoi.wordpress.com/2012/02/06/phượt-tay-bắc/

[video=youtube;cczWiRTtv3M]http://www.youtube.com/watch?v=cczWiRTtv3M&list=UUPf_8Rp_utoLIIVBXZ6Cq0Q&index=5&feature=plcp[/video]
 
Thịt Trâu ngon lắm mà bạn. Mình khoái món Trâu xào ngồng khoai (hoặc rau muống), Trâu nhúng dấm. Mình hay mua ăn ở Ninh Giang Hải Dương. Có lẽ Trâu đồng bằng và Trâu vùng cao chất lượng thịt khác nhau =))
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,133
Bài viết
1,173,915
Members
191,955
Latest member
creationinfoways
Back
Top