Rượu Đế là đặc sản chung của người dân miền Tây, đặc biệt là "bạn bè" thân thiết của mấy ông bợm nhậu. Hồi đó ở nhà tui làm nghề nấu rượu, bán khắp xóm, còn vô tới trong miệt Kinh Chống Mỹ - Đầm Dơi bán nữa, vậy mà ổng bã nuôi lớn tám anh chị em (4 trai 4 gái).
Hồi đó khi Pháp chiếm Gia Định (1859) rồi đẩy mạnh đánh chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, bắt đầu họ cấm sản xuất rượu Ta, bắt phải uống rượu Tây. Mà rượu Tây sao ngon bằng rượu Ta, lại mắc hơn nữa, nên bà con vẫn nấu rượu lén và uống lén. Khi giặc lùng đến, bà con ta đem rượu ra đồng ruộng giấu ở những nơi đầy lau sậy, đặc biệt những nơi mọc đầy cây ĐẾ, từ đó bà con quen miệng gọi là Rượu Đế. Mấy ông bợm nhậu lại nói vui:
"Hiu hiu gió thổi đầu non,
Mấy thằng cha uống rượu là con Ngọc Hoàng,,,"
Mà dân Cà Mau quê tui uống rượu dữ lắm, hồi nhỏ nghe Cha ổng phán một câu mà tui nghe là xanh mặt mày luôn: "Muốn làm rể nhà này thì phải nốc từ nửa lít rượu gốc của Mẹ mày nấu trở lên...", vậy mà cũng tuyển được 4 thằng rể dư điều kiện, ông già mừng lắm,,, bởi vậy người ta khoái đờn ông con trai nhậu mạnh lắm, họ đắc chí rằng:
"Chim khôn lựa cành mà đậu,
Gái khôn thì lựa chồng nhậu mà nhờ,,,"
Tui vẫn nhớ mãi cái bí kíp nấu rượu của Mẹ; nhớ những lúc bị Mẹ rầy vì làm biếng bằm mịn cơm, xách nước chan men rượu,,,Bây giờ người ta chuyển qua uống bia rồi, Mẹ cũng hong còn thường xuyên nấu rượu nữa, nhưng mỗi khi nhắc tới miền Tây, nhắc quê hương Cà Mau, thì kiểu gì cũng không thiếu đặc sản Rượu Đế, mà phải là Rượu Đế do chính người dân vùng quê nấu mới ngon, mới là rượu gốc (khác hẳn với "rượu đế" ở Thành phố), mới xuất hiện mấy ông mà bà con kêu bằng "cái thằng bợm nhậu", mới làm xao xuyến khách phương xa và xao xuyến cả những người con xa xứ như tui mỗi lần nhớ tới quê nhà.
Lại thèm được nhậu rượu đế Mẹ nấu, lại thèm được ngồi chung bàn nhậu với mấy ông anh, lại nhớ !!!
Last edited: