Dù đã chuẩn bị về mặt thể lực khá kỹ và rất tự tin nhập cuộc nhưng những con dốc huyền thoại ở chốn rừng sâu này đã từng làm cho tôi muốn bỏ cuộc quay về. Nhưng hình ảnh của những ngọn đồi xanh cỏ, bầu trời xanh ngắt với những con đường mòn uốn quanh đã trở thành biểu tượng của cái tên Tà Năng - Phan Dũng mà dân trekker đã quá quen thuộc lại hiện lên trong tâm trí. Nó như một liều doping cực mạnh để vực dậy ý chí của tôi, làm cho tôi phải tiếp tục tiến lên phía trước. Tôi muốn được một lần đứng ở nơi đó, đứng ở nơi cao nhất, muốn được chiêm ngưỡng khoảnh khắc đó, muốn được đứng ở nơi cao nhất để được tái sinh một lần nữa và hét thật to để lưu lại âm vang của mình với núi rừng.
Nhưng như tôi đã nói ở trên, sở dĩ Tà Năng - Phan Dũng chiếm một vị trí đặc biệt đối với tôi như vậy là vì ngày thứ 2 chứ không phải ngày đầu tiên. Nếu các bạn đã từng đi thì sẽ biết ngày thứ 2 thì sẽ không còn hình ảnh của những thảo nguyên mênh mông xanh ngát, những góc nhìn hùng vĩ bao la, những đồi núi trập trùng nữa mà thay vào đó là rừng rậm, rừng tre, dây núi, bốn bề bị che khuất bởi cây cối. Khung cảnh cũng không còn đẹp đẽ như cái tên gọi "Thiên đường nơi hạ giới" nữa mà nó đúng nghĩa là một cuộc trekking băng rừng thực thụ. Quá nửa ngày thứ 2 chúng tôi vẫn theo đúng lịch trình, trên đường đi chúng tôi có gặp một nhóm người dân bản địa, họ có thể là lâm tặc hoặc chỉ là dân địa phương, nhóm có 3 thanh niên tuổi trạc 25-30 tuổi cưỡi trên lưng các con ngựa thồ hàng. Họ đi ngược từ Phan Dũng về Tà Năng nhưng không rõ vì mục đích gì. Chúng tôi chỉ trao đổi nhau vài câu và có hỏi thăm hướng đi một lần nữa cho chắc ăn, xong thì chào tạm biệt nhau.
Cơn ác mộng bắt đầu ập đến vào buổi chiều ngày thứ 2, khi cơn mưa rừng xuất hiện làm chúng tôi khá bất ngờ vì cả ngày hôm trước và sáng nay trời vẫn còn nắng chói chang. Chính vì cơn mưa này nên hành trình từ buổi chiều ngày thứ 2 đến tối tôi chẳng thể chụp thêm được hình ảnh nào nữa vì phải cất máy ảnh vào túi chống nước và phải mau chóng thoát ra khỏi khu rừng này. Đi rừng điều đáng sợ nhất là mất phương hướng, và nếu ai mắc phải chứng không xác định được phương hướng thì cầm chắc 90% là bị lạc. Khi trời nắng và ở địa hình thông thoáng chúng tôi còn quan sát được dấu chân, vết phân ngựa (vì một nhóm thanh niên đi ngựa tôi kể ở trên vừa đi ngược lại) và các đống lửa trại đã tàn của những nhóm đi trước. Nhưng khi trời mưa mỗi lúc một to, xung quanh lại là rừng cây cối rậm rạp, đường mòn và dấu chân dần mờ đi nên chúng tôi rất khó quan sát.
Cuối cùng điều gì đến cũng phải đến, chúng tôi chính thức bị lạc do xác định sai hướng đi. Quả thật Tà Năng - Phan Dũng rất khó lường vì vốn dĩ nó không chỉ có một con đường mòn mà có rất nhiều hướng đi, bên cạnh hướng đi cho dân trekking thì còn đường đi của dân địa phương. Và vào hồi lúc chúng tôi đi thì tracklog còn rất sơ sài chứ chưa được chi tiết, cụ thể như bây giờ đâu, đặc biệt là đoạn Phan Dũng thì từ điểm này đến điểm kia cách nhau chắc hơn 5km. Hậu quả lớn nhất của việc đi lạc này là chúng tôi đã không được nhìn thấy thác Yaly. Thay vì đi đúng đường thì điểm đến sẽ là bên dưới chân thác để tắm thác thì chúng tôi đi đường dẫn lên trên đỉnh thác. Phần còn lại của ngày thứ 2 đã trở thành lịch sử, cuộc vật lộn với khu rừng, chống lại cơn mưa nặng hạt, nước cũng sắp hết, cơ thể cũng rã rời, mưa ngấm ướt hết đồ đạc làm cho nặng thêm, điều may mắn duy nhất là nhóm chúng tôi gồm 3 thằng con trai tương đối là đồng đều nên không có hiện tượng người này phải gánh team gì cả. Chúng tôi cũng không còn sức để nói câu nào, cứ lặng lẽ đi thật nhanh trên đôi chân dường như đã mất cảm giác. Trong rừng màn đêm buông xuống rất nhanh, đến 5h chiều thì dường nhưng không còn chút ánh sáng, trời thì vẫn mưa rả rít. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được một con suối, băng qua con suối thì lại phải tiếp tục đi vào rừng. Thế là chúng tôi chùn bước lại vì giờ này mà lại tiếp tục vào rừng thì khá là nguy hiểm. Chúng tôi có một quyết định khá mạo hiểm đó là hạ lều ngay tại con suối. Chính xác hơn đó là quyết định của 2 thằng bạn, vì tôi đã gần như tê liệt và không muốn đi tiếp nữa. Dựng xong lều thì tôi chẳng buồn thay quần áo hay ăn uống gì lấy sức nữa mà tôi nằm vật ra trong lều ngủ không biết gì. Thú thật là ký ức của tôi chỉ nhớ đến đó. Khi tôi mở mắt ra được thì đã đến sáng hôm sau. Sau này mới nghe tụi bạn kể lại nguyên một đêm tụi nó cứ thức giấc giữa chừng vì sợ nước dâng, còn tôi thì cứ ngủ như chết.
Đến ngày thứ 3 thì tình hình có vẻ tốt hơn, sau cơn mưa hôm qua thì hôm nay trời trong xanh và nắng đẹp, địa hình xung quanh cũng thông thoáng hơn, có lẽ đoạn khó đi nhất chúng tôi đã vượt qua rồi. Ngày thứ 3 chúng tôi mới cảm nhận rõ sự thay đổi từ không khí đến thảm thực vật đúng chất của vùng đất Bình Thuận nắng nóng, khô cằn, chỉ có cát và gió. Sau một đêm ngủ được vực lại sức, chúng tôi xuất phát khá sớm và đi nhanh hơn. Điều đáng mừng là thỉnh thoảng chúng tôi nghe được tiếng xe máy, cũng có thể là tiếng động cơ nhưng chắc chắn đó là dấu hiệu có sự sinh sống của con người - điều mà suốt ngày hôm qua chúng tôi không thấy được. Băng qua một con suối khác chúng tôi gặp một anh lâm tặc đang làm việc, hỏi thăm một vài câu thì anh chỉ hướng chúng tôi đi đến một cái làng nhỏ của người dân tộc. Chúng tôi cám ơn và từ biệt anh để tiếp tục lên đường.
Nói là ngôi làng chứ thật ra chỉ là một tập hợp không tới chục căn nhà sàn của người dân tộc sinh sống, cũng không thấy ai chắc là ban ngày họ đã đi làm việc, chỉ có vài đứa trẻ trốn phía sau cánh cửa. Có một bà cụ cũng khá lớn tuổi, nhưng dáng người nhanh nhẹn, khỏe khoắn ra đón chúng tôi. Bà cũng đã quá quen với dân đi trekking như chúng tôi nên chẳng lạ gì. Bà cũng nói ngày hôm qua cũng có 1 đoàn đã ghé qua. Chúng tôi trao đổi với bà một số đồ ăn hộp để đổi lấy mấy chai nước ngọt. Nước ngọt ở đây khá lạ, nhãn hiệu chúng tôi chưa thấy bao giờ và thực ra nếu quy ra tiền thì chúng tôi lỗ chắc nhưng giờ thì chuyện đó chẳng còn quan trọng, vì chúng tôi chẳng còn muốn nhai bất cứ cái gì, chỉ cần uống nước là đủ.
Bà nói cũng sắp ra đến đập Phan Dũng rồi, nghe vậy chúng tôi liền phấn khởi tức tốc lên đường. Thật sự thì lúc đó tôi thèm nhìn thấy nhà cửa, tôi thèm nhìn thấy phố xá, đô thị lắm rồi, thèm 1 lon redbulls hơn bao giờ hết. Men theo lối bà lão chỉ đi tầm 1 giờ thì chúng tôi cũng ra được tới mép rìa của hồ Phan Dũng.
Theo tìm hiểu thì tôi thấy hầu hết các bạn đi trekking nếu đi đúng hướng thì sẽ đi ra ở một địa điểm khác, và một số bạn còn review là được trải nghiệm dịch vụ "xe ôm lâm tặc" khá là thú vị, nhưng vì chúng tôi lạc đường nên có thể nói chúng tôi hoàn thành cung đường gần như 100% bằng đôi chân của mình. Thử thách cuối cùng của chúng tôi là phải leo xuống một sườn núi rất dốc, đầy đá dăm và đá lớn, nếu sẩy chân thì chắc cũng thương tích không nhẹ. Vì lúc này chẳng còn nghĩ ngợi gì nhiều nên chúng tôi vứt hết ba lô xuống trước để nhẹ bớt rồi leo xuống sau.
Chỗ này thì chắc ai cũng quen rồi, đó là đập Phan Dũng, từ đây chúng tôi đi bộ ra tiệm tạp hóa chị Ớt và đón taxi đi ra Tuy Phong. Dù có khá nhiều vấn đề xảy ra nhưng cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành cung đường theo như thời gian dự kiến. Điều đầu tiên tôi làm là đúng như lời thề là tôi gọi ngay 2 lon redbulls mà uống cho đã. Hành trình tuy ngắn nhưng quãng thời gian đó là quãng thời gian quý giá nhất mà tôi từng trải qua. Với tôi, Tà Năng - Phan Dũng không chỉ đơn thuần là đi trekking, check in địa điểm hot mà đó là còn một quá trình mà tôi đã trưởng thành và học được nhiều điều. Xin cám ơn Mẹ thiên nhiên đã tạo ra những điều tuyệt vời như thế này.
Nguồn: Tungpmfp (phuot.vn forum)