What's new

Tây Tạng - May 2013

Ngày còn trẻ, mỗi lần được đi đâu chơi xa, tôi thường ghi ghi, chép chép, lưu lại những cảm nghĩ của mình về nơi đó. Lâu nay cái thói quen đó đã chẳng còn ở lại với tôi. Đi đấy, thích thú đấy, sung sướng đấy nhưng rồi thì tôi cũng quên béng hết lúc nào chẳng hay. Thế nên lần này tôi nung nấu 1 ý định, phải viết, phải viết ra giấy những kỷ niệm của chuyến đi Tây Tạng, một chuyến đi hết sức đặc biệt.

Vì sao chuyến đi này đặc biệt với tôi ư?

Thứ nhất, tối mê được đi Tây Tạng từ thưở xa xưa;

Thứ hai, chuyến đi đến với tôi hoàn toàn chóng vánh;

Thứ ba, tôi có “Đại Gia” chống lưng cho chuyến đi này;

Thứ tư, điều mong muốn đã thành hiện thực mà càng đến gần ngày đi, tối lại càng lấn cấn, chỉ vì một nỗi, tôi sẽ phải để 2 cục vàng của tôi cách xa mình hàng ngàn km. Nghĩa là cảm giác trong tôi đan xen, khó tả lắm, nghĩa là tôi đã thích mê đi được rồi nhưng nếu có ai mà nói động đến 2 cục cưng của tôi, khuyên tôi đừng đi nữa thì tôi cũng sẵn sàng không đi nữa hoặc có những lúc dù chưa đi nhưng thương nhớ con đến chảy máu mắt, lúc đó có ai nói tour này đặc biệt lắm, tour hiếm đấy, đi có 7 ngày thôi … và động vào niềm đam mê của tôi (du lịch) thì tôi lại cũng có thể sẵn sàng mà lên đường ngay, không do dự.

Nói chung chuyến đi này còn đặc biệt đối với tôi vì nhiều nhiều lẽ khác nữa mà tôi không có thời gian để kể ra hết.Những ngày qua tôi đã đăng lên mạng xã hội được kha khá những tấm hình của chuyến đi, các bạn thấy đấy, cảnh tượng nơi đó mới tuyệt vời làm sao và tôi thấy mình có một chuyến đi thật là đáng đồng tiền bát gạo.

Có người hỏi, ấn tượng lớn nhất của tôi về chuyến đi thì tôi xin trả lời, Tây Tạng đẹp lắm nhưng đi cũng cũng mệt lắm nhé :LL . Việt Nam tôi nằm ở độ cao 19m so với mặt nước biển còn Tây Tạng cao hơn mặt nước biển trung bình đến cả 4200m cơ đấy.

Khi xem hình, bạn tôi hỏi xem tại sao nơi đấy không thấy cây côi gì cả, lý do là đây, Tây Tạng có bầu không khí loãng nhất quả đất, oxy ít khủng khiếp, nhiệt độ ở đó thì thay đổi đến chóng mặt, ngày thì có khi lên tới 35oC đến đêm tụt xuống chỉ còn khoảng 7oC hoặc thấp hơn. Tứ bề chỉ thấy núi & đá, chẳng có đất sét hay đất bazan hay tất cả các thể loại đất khác nhiều như ở đồng bằng mình đâu. Đấy, với cái thiên nhiên khác nghiệt ấy thì làm sao cây có thể mọc lên nhiều được.

Chẳng cứ cây cối không đâu, con người chúng tôi khi chưa quen cũng khó mà sống yên ổn được ở Tây Tạng. Đoàn du lịch có 12 người thì 13 người phải gặp bác sỹ (bao gồm cả cậu hướng dẫn), nào là thở bình oxy, chích thuốc, truyền nước biển, uống thêm thuốc … thì mới có thể thực hiện được chuyến đi này.

Ngay cái đêm đầu tiên ở đây tôi đã phải đánh thức câu HDV từ lúc 3h sáng để đưa tôi đi cấp cứu, cái đầu đau khủng khiếp, chỉ cần lắc nhẹ là đã thấy ông bà ông vải rồi, lại thở không được nữa. Mình cảm thấy áy náy lắm vì đã đánh thức câu ấy vào cái giờ đáng lẽ cậu được ngủ như bao người Tây Tạng.

Khi vô người một loạt những loại thuốc & oxy thì tôi cũng tự xỉ vả mình, sao sức khỏe lại yếu đến thế, làm phiền Đại gia của tôi & HDV lúc nửa đêm nhưng đến sáng hôm sau thì tôi biết được, nguyên đoàn, ai cũng đau như tôi và cậu HDV chẳng ngủ được vì phải đưa hết người nọ đến người kia đi gặp bác sĩ và tôi là …. người mở hàng ;o)

---------------------

Tôi bị Tây Tạng mê hoặc không phải vì tôi là một tín đồ của phật giáo, chẳng phải vì muốn nhìn ngắm các vị Datlai Latma mà vì Tây Tạng là một vùng đất đầy huyền bí đối với tôi, dường như con người ở đó có một thế giới riêng, cách biệt hoàn toàn với thế giới của tất cả chúng ta và tôi mong muốn được đặt chân đến đây một lần để cảm nhận, khám phá cái huyền bí xa vời này.

Chương trình đi gồm 7 ngày, trong đó mất 1 ngày đầu ở Bắc Kinh (quá cảnh) & 1 ngày cuối dành hoàn toàn để bay về VN nên tôi chỉ còn vỏn vẹn 5 ngày để khám phá vùng đất rộng đến hàng ngàn ngàn giờ chim bay(1,200,000km2). Đoàn của chúng tôi chỉ thăm 2 thành phố lớn nhất và nhì của Tây Tạng là L’Hasa & Shigatse.

Chương trình tour bao gồm rất nhiều tu viện và chùa chiền. Khi nói đến chùa, những người đã từng đi Myanmar, Thailand hay Ấn độ rồi thì sẽ tưởng tượng trong đầu hình ảnh về những ngôi chùa và cũng có thể nghĩ về sự hoành tráng của những ngôi chùa ở nơi đó nhưng các bạn cũng không thể nào tưởng tượng ra nổi tu viện và chùa ở Tây Tang như thế nào và tôi chắc chắn một điều, các bạn sẽ phải ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy những kiệt tác đó ở nơi đây.

Đúng, chúng ta không thể chỉ nói về Potala, Jokhang, Palkhor, Norbulingka, Drepung … đơn giản như những chùa, tu viện hay cung điện … mà những nơi này còn xứng danh những kiệt tác. Các bạn hãy tưởng tượng, người Tây Tạng đập núi ra để xây những nơi này. Những công trình vĩ đại của các vi Datlai Latma & Vua Chúa, mặt lưng đều áp sát vào núi, các cung điện, tu viện đó cứ đứng cheo leo, trên sườn núi, lơ lửng giữa không trung, cao ngất ngưởng nhưng lại hoàn toàn vững chãi.

Ấn tượng sâu đậm nhất với tôi đó là cung đện Potala (Bố Đạt La), cung điện mùa đông của các vị Datlai Latma, Đế Vương và là trái tim của Tây Tạng.

Vật liệu để xây dựng nên công trình này là đất, đá & gỗ chứ chẳng phải bê tông, cốt thép hay xi măng cát gì cả. Ấy vậy mà kiệt tác này đứng đó sừng sững và vững chãi đã gần 4 thề kỷ qua mà không một thế lực nào(kể cả thiên nhiên & con người) có thể tác động tới. Cung điện Mùa Đông này nằm cao hơn so với mặt bằng L’Hasa 300m nghĩa là khi ở chân của cung điện là chúng tôi đã cao hơn mặt nước biển hơn 4000m rồi đấy.

Do thời gian của chương trình có hạn, chúng tôi chẳng thể khám phá khắp nơi, từng ngõ ngách hay lên đến đỉnh của cung điện để chiêm ngưỡng những tòa tháp bằng vàng, chúng tôi chỉ được leo 300 bậc thang bộ để tham quan vài gian phòng phía bên tay trái của cung điện để tìm hiểu về nơi ăn ở, học hành và sinh hoạt của các vị Datlai Latma xưa.

300 bậc thang đối với tôi chẳng có gì là khó khăn và mệt mỏi bởi cảnh quan xung quanh quá hùng vĩ và đẹp đến mê hồn. Cứ đi được vài bước, chúng tôi lại muốn chụp hình 1 cái, nghĩa là cũng hướng đó, cũng điểm đó nhưng mỗi lần nhìn lại một lần ngỡ ngàng & thán phục.

Tôi thầm nghĩ nếu tôi có thể ở đây 1 tháng thì tôi sẽ ra đây để ngắm & leo lên Potala mỗi ngày. Thế cũng có nghĩa là tôi sẽ được an ninh kiểm tra mỗi ngày với 1 cái máy rà soát toàn bộ cơ thể tôi như ở sân bay; ngày hôm nay tôi sẽ phải xin phép, hẹn giờ cho ngày hôm sau vì muốn được vào tham quan Potala, du khách phải được hẹn giờ từ trước. An ninh ở đây được thắt chặt kinh khủng và cũng là thứ nhạy cảm mà bạn không được hỏi han và nghiên cứu quá sâu về nó.

Điều đáng tiếc đau đáu trong tôi đó là tôi chỉ được ghé Potala duy nhất 1 lần, chúng tôi chẳng có nhiều thơi gian hơn cho công trình này. Nhưng tôi cũng không phải buồn lâu vì những địa điểm tham quan khác của tây Tạng cũng làm tôi kinh ngạc không kém.

---------------------------------

Còn nữa
 
Tây Tạng - May 2013 (tiếp theo)

Để tôi kể các bạn nghe về các hình thức táng của người Tây Tạng nhé, ở xứ sở này, có nhiều cách để táng người chết lắm như: Thiên táng, bình táng, thổ táng, thủy táng, hỏa táng, thụ táng …

Ngày thứ tư của chương trình, chúng tôi di chuyển từ L’Hasa đến Shigatse, thành phố lớn thứ 2 của Tây Tạng. Trên đường, chúng tôi sẽ đi qua dòng sông nơi diễn ra tục thủy táng & ngọn núi nơi diễn ra tục thiên táng.

Xưa nay, tôi rất sợ và bị ám ảnh bởi nỗi sợ những thứ liên quan đến chết chóc, chỉ cần nhìn thấy 1 cái đám ma hay cái xe tang, thậm chí thấy người mặc vải xô trắng, đeo khăn tang là tôi đã sởn cả gai ốc, rồi tránh đi xa thật xa.

Khi nghe thông báo rằng xe sẽ chạy qua 2 điểm đó thì tôi rất lo lắng rằng tôi sẽ phải nhìn thấy xác chết nào lập lờ hay những đầu lâu, xương sọ nổi dềnh dềnh trên sông hoặc sẽ kinh hoàng hơn nếu đi trúng ngày có người chết và người dân đang thi hành tục táng lúc xe chúng tôi chạy qua.

Thế nhưng mọi sự không như tôi sợ hãi mà có phần kinh …. hoàng hơn cả những thứ mà tôi sợ hãi khi tôi biết rõ hơn về hai tục táng người Tây Tạng: Thiên táng & Thủy táng.

Gia đình nào có người chết, sẽ để xác chết ở trong nhà chừng 2 đến 3 ngày rồi sau đó xác chết sẽ được những người thân đưa lên đỉnh núi, nơi mà một Pháp sư chuyên làm lễ thiên táng đã chờ sẵn. Thi thể được đặt lên một tảng đá phẳng và công việc của Pháp sư bắt đầu. Pháp sư thực hiện nghi lễ này phải là người được tín nhiệm, mọi động tác của ông phải chính xác nếu không thì linh hồn người chết sẽ không được siêu thoát.

Thân thể người chết được chặt rời đầu & tứ chi. Người ở đây quan niệm linh hồn nằm ở phần đầu người nên Pháp sư chỉ cắt làm sao để lòi nguyên bộ não ra ngoài mà không làm bể cái đầu. Sau đó vị Pháp sư sẽ mổ bụng, moi ruột gan, phèo phổi người chết để riêng 1 chỗ. Phần còn lại của thi thể sẽ được lóc ra thành 365 miếng thịt. Phần xương người sẽ được nghiền nát ra, trộn với lúa mạch & mạch nha rồi viên thành 365 viên nhỏ, ruột gan, phèo phổi cũng được nghiền nát ra với lúa mạch & mạch nha & chia thành 365 miếng.

365 miếng tượng trưng cho 365 ngày trong năm, họ quan niệm mỗi ngày trong năm con người đều có tội lỗi và khi chết đi, họ sẽ dùng thần xác mình để bố thí cho chim trời.

Đầu người sẽ được đưa ra cho con chim đầu đàn cắp đi trước, rồi phần còn lại sẽ được những con trong đàn chén sạch chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ. Khi thân thể người chết được bầy chim ăn hết nghĩa là người đó đã được siêu thoát.

Thủy táng cũng được làm y như thế nhưng xác người sẽ được thả xuống sông cho cá ăn.

Đây là 2 tục táng người chính mà toàn thể người dân Tây Tạng hiện tại vẫn thực hiện. Thiên táng thì dành cho những người chết già, chết tự nhiên còn thủy táng thì dành cho những người không may mắn bị chết.

Điều đáng mừng là tôi không phải chứng kiến bất kỳ một nghi thức táng nào vì cái ngày tôi đi qua con sông đó, ngọn núi đó đã không có người nào bị chết ;o). Nhìn dòng sông nơi người ta tiến hành thủy táng vẫn trong và xanh ngắt một màu. Nếu không được tiết lộ thì đi qua đây, bạn sẽ vẫn thấy dòng sông rất đẹp, chẳng nhuốm bất kỳ 1 sắc màu u ám, tang tóc nào cả.

Shigatse cách L’Hasa chỉ 225 km nhưng quãng đường đó rất cheo leo và ngoằn ngoèo. Xe sẽ đưa bạn từ độ cao hơn 3000m tới độ cao hơn 5000m. Tính cả thời gian khoảng gần 1 tiếng để tham quan dòng sông băng Karola, hồ Yamzhong và chùa Palkhor thì bạn mất cả 1 ngày đường cho việc di chuyển.

Đoàn của chúng tôi, ai nấy đếu thấm mệt do độ cao ngày một tăng và thời gian trên xe quá dài, hầu như ai cũng gà gật ngủ, nhất là đại gia của tôi, ngồi ngủ li bì chẳng biết đến trời trăng mấy gió.

Tôi bất giác nhìn lại phía sau và ôi thôi thì hoàn toàn bàng hoàng. Cảnh tượng sau lưng làm tôi choáng ngợp, con đường chúng tôi đang đi cứ ngày một cao và men theo sườn núi, tôi nhìn rõ được những khúc cua và hình dáng uốn lượn của con đường. Nhìn hệt như một con trăn khổng lồ đang leo núi các bạn ạ.

Tôi thấu hiểu nỗi đau của người Tây Tạng và sự hận thù của họ đối vời quân đội Trung Quốc, tôi cũng hoàn toàn căm ghét lũ Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ, cũng như tôi, bao nhiêu người dân cần đi tuyến đường này đều không thể chối bỏ công lao của chúng vì nếu chúng không xây dựng tuyến đường tuyệt đẹp này thì chúng ta sẽ không thể đi du lịch trên 1 tuyến đường núi gập ghềnh và đầy hiểm trở. Đấy là tôi gạt đi tất cả những xấu xa, những mục đích vụ lợi, sự ác độc của lũ trộm cướp, dã man đó. Thôi, tôi tạm gác nói về bọn chúng ở đây kẻo các bạn lại mất vui.

Trên những triền dốc dọc đường đi, thi thoảng lại có một đàn bò Yak hay đàn cừu lầm lũi gặm cỏ. Máy hình của tôi hoạt động liên tục nhưng kết quả thì không như mong đợi vì tôi chụp qua của kính và những đàn gia súc thì lại ở quá xa. Tôi thèm muốn nắm bắt những hình ảnh này mãi mãi nhưng đành bó tay bất lực.

Rồi thì tôi cũng không phải nuối tiếc lâu vì điểm dừng của đoàn là hồ Yamzhong, cao 4800m so với mặt nước biển..

Biết dùng từ gì để tả cho các bạn nghe đây khi mọi tính từ đều không xứng đáng và không đủ lột tả nổi vẻ đẹp của hồ nước này. Viết đến đây tôi thực sự bí từ các bạn ạ, tôi lúng túng không biết phải tả sao nữa, chỉ biết khi tôi đã đặt chân xuống đất và tận mắt ngắm nhìn hồ nước kia thì tôi hoàn toàn không muốn bước chân lên xe đi tiếp. Thôi, các bạn hãy tưởng tượng về hàng ti tỉ khối ngọc bích được nung chảy ra và đổ xuống hồ, đấy màu xanh của hồ như thế đấy, xanh hơn cả bầu trời Tây Tạng còn ngọc bích có nung chảy được hay không và khi bị nung chảy có giữ nguyên được màu xanh hay không thì tôi không biết nhé. Hồ nước xanh uốn lượn dưới chân những ngọn núi màu nâu thoai thoải y như một dải lụa xanh uốn quanh cơ thể căng tràn sức sống của một thiếu nữ tuổi trăng tròn.

Chúng tôi bước lên xe đi tiếp nhưng tất cả mọi người, con mắt cứ đau đáu nhìn lại cho đến khi hồ ngọc bích khuất hẳn và không còn thể chụp bất cứ tấm hình nào về hồ Yamzhong nữa.

Một phần của ngọn Hy Mã Lạp Sơn sừng sững hiện ra, dòng sông băng Karola cao 7,191m làm bừng trắng cả một khoảng trời. Chúng tôi đứng ở độ cao hơn 5000m để chụp hình với Karola, đây là điểm cao nhất của chuyến đi Tây Tạng. Một số phần tử say độ cao đã ngồi luôn trên xe mà không dám ló mặt ra, mặc dù rất muốn chụp hình cùng dòng sông băng hùng vĩ này. Nhìn Karola như một ngọn núi lửa đang phun trào nhưng dung nham được thay thế bởi những đụn tuyết trắng xóa, mát lạnh. Chúng tôi cũng chỉ đứng đây vài phút rồi lại lên đường tiếp tục đến Shigatse.

Con nhiều, rất nhiều những địa danh cực kỳ ấn tượng khác mà tôi không còn thời gian kể cho các bạn nghe tỉ mỉ nữa rồi

Hồ Namtso, hồ nước mặn cao nhất thế giới (4,718m so với mặt nước biển)và lớn nhất Tây Tạng (1,940 km2) được bao bọc xung quanh bằng những ngọn núi trắng xóa bởi tuyết phủ quanh năm

Chùa Palkhor cũng là nơi mà chúng tôi có những short hình tuyệt đẹp mặc dù không được đi vào bên trong vì hôm đó chùa có lễ hội.

Norbulingka, cung điện mùa hè của các vị Datlai Latma & Đế Vương Tây Tạng với những gốc cây cổ thụ tuyệt đẹp và những cây hoa màu sắc rực rỡ nhưng tinh tế

Jokhang Temples, ngôi chùa linh thiêng nhất của người Tây Tạng …

Một điểm nhấn quan trọng khác của chương trình mà tôi không thể quên đó là những buổi mua sắm trong khu chợ nhỏ ở thành phố l’Hasa. Chúng tôi mua những chiếc luân kinh, vòng tay bằng đá của người Tây Tạng. Những người bán hàng ở khu chợ này cực kỳ dễ thương, khi rời khu chợ, ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy rất vui vẻ, sảng khoái khi mua được những món quả lưu niệm nhỏ xinh và được thỏa sức thể hiện khả năng trả giá của mình. Ở khu chợ này, những người bán hàng phân biệt rất rõ hàng thủ công của họ và hàng công nghiệp của tụi TQ, mỗi lần tôi cầm 1 món đồ lên là họ lại nói: “It’s from Tibet, not from China. It’s Tibet, It’s China, it’s not the same” thế đấy các bạn ạ. Và hàng Tibet xịn bao giờ cũng đẹp và nhìn dễ chịu hơn gấp vạn triệu lần hàng TQ.



Tạm biệt Tây Tạng, tôi về nhà với các con đây. 7 ngày cũng là quá dài đối với tôi rồi, tôi háo hức muốn gặp lại các con như một đứa trẻ mong mẹ về chợ, nghe thì rất ngược đấy nhưng hoàn toàn đúng như vậy. Tôi tò mò kinh khủng, không biết sau 7 ngày không gặp, Maika của tôi còn nhận ra mẹ không, con tôi mới được 7 tháng tuổi thôi còn cậu con trai 4 tuổi của tôi có nhớ tôi nhiều không, ở nhà có khỏe không, có ngoan không …

Nếu các bạn có điều kiện thì nên đi Tây Tạng một chuyến, đi ngay đi, đi liền đi, đi càng sớm càng tốt vì theo tôi nhận định, chỉ vài năm nữa thôi, Tây Tạng sẽ không còn gì hấp dẫn và huyền bí nữa, nó sẽ đơn giản chỉ là một tỉnh của TQ mà thôi.

Tây tạng bây giờ cũng đổi khác nhiều rồi, nhà cửa, hàng quán hiện đại lắm. Những con người với chiếc luân kinh quay đều và xâu chuỗi trên tay cũng không còn nhiều nữa, chủ yếu chỉ là những người già. Thanh niên Tây Tạng giờ cũng mặc hàng hiệu và xức nước hoa thơm phức, để thấy một người Tây Tạng truyền thống ở trung tâm L’Hasa, có lẽ cũng khó như tìm một người Việt Nam ăn trầu vậy. Điều tôi mong muốn thay đổi nhất ở Tây Tạng chính là những chiếc toilette. Chẳng bao giờ có nước dội cho tất cả các toilette trên trục đường chúng tôi đi du lịch. Nhưng cũng đừng lấy đó là lí do để bạn không đến thăm Tây Tạng một lần. Hãy xách balo lên và đi nào…

nhớ mang theo tã giấy người lớn nhé :D


*** có nhiều hình đẹp mà mình không post lên được
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,674
Bài viết
1,135,016
Members
192,357
Latest member
pvausashop765654
Back
Top