Em đọc thấy hay nên post lại cho cả nhà đọc chơi , loại này thì dân phượt nhà ta xài hơi bị nhiều đó
Lúc sinh thời, bố tôi có một con dao "díp” vỏ nhựa, in hình cây thập giá và chiếc khiên. Đó là thứ bố tôi có được từ một hàng binh người Pháp, khi anh ta đề nghị đổi lấy một chiếc khăn tắm nhỏ. Thời gian đó khoảng năm 1952, khi bố tôi thồ hàng cho chiến dịch Tây Bắc, con dao luôn bên cạnh ông, giúp mưu sinh trong rừng. Lớn lên tôi thực sự thích thú con dao đó. Nó thật tiện dụng, hai lưỡi dao bén, có thể gọt con quay gỗ, tiện ống tre, khoét lỗ sáo trúc. Nó còn có một lưỡi mở chai bia, kết hợp tuốc-nơ-vít, một khoan li-e mở nút chai… Đó là một con dao “díp” sản xuất từ Thụy Sĩ.
Dao “díp” Thụy Sĩ còn mãi với thời gian
Người ta kể rằng , từ năm 1890, có một doanh nhân người Thụy Sĩ là Các En-xen-nơ chuyên sản xuất dao phẫu thuật. Sản phẩm phụ của ông này là một lưỡi dao dân dụng kẹp trong nẹp sắt. Các En-xen-nơ sau này chế tiếp ra một “díp” thép đàn hồi để hãm cuống dao, khiến cho dao được giữ chặt khi cụp vào, bật ra. Tiếp đó ông cho thêm một lưỡi cắt nhỏ và thanh xoắn ốc mở nút chai. Ban đầu dao chỉ có vậy.
Vào cuối năm 1891 công ty Các En-xen-nơ, sau này mang tên Victorinox nhận được đơn đặt hàng 15.000 dao nguyên mẫu. Chẳng là quân đội Thụy Sĩ đã quyết định bổ sung dao này vào túi trang bị cho binh sĩ. Nó giúp binh lính mở thực phẩm đóng hộp và tháo mô hình huấn luyện… Các En-xen-nơ ép ngoài dao một vỏ gỗ mỏng, in hình thập giá và chiếc khiên làm bản hiệu. Tên “dao quân đội Thụy Sĩ” (Swiss Army Knife) có từ đó. Tại Pháp nó được gọi là "Couteau Suisse" còn ở Đức và Áo là "Schweizer Messer".
Trong những năm 1945-1949 dao bỏ túi Victorinox đã được bán với số lượng lớn các cửa hàng PX của Hải quân và Không quân Mỹ. Dao Thụy Sĩ đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Kể từ năm 1976 quân đội Đức cũng được cung cấp con dao quân đội "của mình" có lô-gô chim ưng Đức đặc trưng trên vỏ nhựa màu xanh ô liu. Không quân Ni-giê-ri-a đã đặt mua một số lượng lớn dao này, bổ sung một lưỡi dao cong. Khi phi công Mỹ Pao-ơ lái máy bay trinh sát U2, bị tên lửa Đờ-vi-na của Nga bắn rơi năm 1960, người Nga công bố tất cả vật tìm thấy trên người viên phi công, y cũng có một con dao nổi tiếng của Thụy Sĩ màu đỏ.
Lại có tin Lin-đơn Giôn-xơn, Tổng thống Hoa Kỳ, đặt 4.000 dao "Swiss Army Knife", khắc tên mình lên đó để làm quà tặng tại Nhà Trắng. NASA cũng từng ra lệnh cấp dao "quân đội Thụy Sĩ " như thiết bị tiêu chuẩn cho phi hành đoàn tàu con thoi "Columbia".…
Giờ đây dao “díp” Thụy Sĩ được bán tại hơn 100 quốc gia. Cho dù "Swiss Army Knife" này liên tục bị sao chép ở nước ngoài, như ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật, Trung Quốc v.v.. nhưng chất lượng chưa bao giờ được bằng "Swiss Army Knife" thứ thiệt. Hình như bản hãng có bí quyết làm lưỡi dao từ phôi thép siêu cứng, nhưng khi mài lưỡi lại siêu bén.
Dao Thụy Sĩ thứ thiệt vẫn bán chạy. Nó còn mãi với thời gian. Theo trang Discovery, hiện người Thụy Sĩ vẫn sản xuất loại dao đầy uy tín này.
Giữa năm 2010, có dịp ra nước ngoài, chúng tôi thấy những phiên bản của "Swiss Army Knife" bán nhiều tại Hàng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc). Trở về Việt Nam thấy tại chợ Đồng Xuân, hay các quầy dụng cụ gia đình phố Thuốc Bắc (Hà Nội) cũng bày bán dao phiên bản "Swiss Army Knife", tất nhiên không có thương hiệu thập giá và chiếc khiên.
Có người còn gọi "Swiss Army Knife” là dao vạn năng, “dao biệt kích”, bởi ngoài mẫu dao kinh điển, bây giờ người ta chế thêm cả kéo cắt móng tay, kìm đa năng gấp, tuốc-nơ-vít các cỡ, lưỡi cưa ngắn trên in thước cen-ti-mét, lại có cả một đèn pin tiểu bé xíu… Tất cả ghép rất gọn, “tích hợp” vào một thân dao. Trên các diễn đàn mua bán qua mạng, dao Thụy Sĩ “hàng xịn” được cư dân mạng đấu giá bán trên dưới 25 đô-la Mỹ. Đủ thấy hàng thật không bao giờ mất giá.
Một nhân viên hàng không Việt Nam cho hay, sau vụ 11-9, chẳng riêng an ninh Hoa Kỳ, mà an ninh nhiều nước đã thu hàng trăm con dao tiện dụng này của khách đi tàu bay vì lý do an ninh, mới thấy dao "díp” Thụy Sĩ đúng là một thứ tiện dụng cho bất kỳ ai, khi “sểnh nhà” ra đường. Còn với người lính thì “dao díp vạn năng” luôn bên mình, bởi nơi họ đến toàn là nơi gian nan hiểm trở
Nguồn : em sưu tầm