What's new

Trên miền đất đỏ Bazan: Kỳ 2 - Chiều Cô Thôn

Chúng tôi tìm được một chỗ ở với giá khá bình dân trên đường Lý Thường Kiệt nằm gần Ngã sáu. Tuy chỉ là nhà nghỉ nhưng được cái rất tươm tất và người chủ của nó thì vô cùng lịch sự. Giá cho phòng đơn là 80 ngàn, còn phòng đôi là 120 ngàn, rẻ hơn nhiều so với các khách sạn kế bên. Sau khi trải qua một giấc ngủ trưa thoải mái bù lại cho khoảng thời gian mệt mỏi ban tối, ba người bọn tôi tiếp tục chuyến dạo bộ khám phá thành phố.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi hướng đến là cây Kơ nia gần Ngã sáu. Chắc hẳn bất kỳ ai một lần đến Tây Nguyên cũng mang trong mình tâm trạng tò mò muốn biết cây Kơ nia trông như thế nào. Bọn tôi cũng không ngoại lệ. Bây giờ hễ nhắc đến loại cây gắn liền với đất Tây Nguyên thì người ta lại nghĩ ngay đến cây cà phê do giá trị kinh tế không thể chối cãi của nó, nhưng thực ra cây Kơ nia mới chính là cây biểu tượng cho đất và người nơi đây. Đây là loại cây quen thuộc với đồng bào Tây Nguyên, nhưng chỉ từ khi bài hát “Bóng cây Kơ nia” ra đời thì người miền xuôi mới biết nhiều về nó.

Kơ nia khi xưa vốn là loài cây bình dị như bao loài cây khác ở đất bazan này, nhưng nó lại mang trong mình một cá tính khá đặt biệt. Kơ nia kiêu hãnh thích mọc đơn độc trên những bãi đất trống chứ không thèm chen chân vào những lùm cây rậm rạp. Dù phải đơn thân độc mã chống chọi lại với cái nắng cái gió Tây Nguyên nhưng Kơ nia lại cực kỳ vững chãi với bộ rễ cắm thật sâu vào lòng đất đỏ. Nó có sức sống mãnh liệt đến nỗi không bao giờ chịu rụng lá vào mùa khô như những loài cây khác của rừng khộp. Quanh năm dù mưa dầm hay nắng dãi thì cây Kơ Nia vẫn giữ nguyên màu xanh tươi tốt của mình. Những năm đói kém mất mùa thời chiến tranh, hạt cây Kơ nia chính là thứ lương thực giúp cho người dân và bộ đội chống chọi lại với cái đói để bám đất bám làng chiến đấu. Khi bom đạn đã thôi không còn nổ, Kơ nia lại tiếp tục thầm lặng dang bóng làm chỗ trú chân nghỉ mệt cho khách đi đường hay người làm rẫy tránh cái nắng chang chang giữa chốn đồng không mông quạnh. Cây Kơ nia là thế, vừa kiên cường với tự nhiên, lại vừa nghĩa tình với con người.
21268564.jpg

Cận cảnh một cây Kơ nia (ảnh này sưu tầm trên mạng chứ hôm đó mình không tìm thấy cây để mà chụp)

Nhưng lúc đấy không hiểu sao loay hoay mãi trong khuôn viên nhà văn hóa trung tâm Đắc Lắk mà ba đứa không tài nào phát hiện ra cây Kơ nia như trong hình. Thoáng chút thất vọng nhưng cũng không thể làm được gì hơn, vậy là cả bọn kéo nhau đến Biệt Điện Bảo Đại và một Bảo tàng rất lớn gần đấy để tham quan.

Diện tích của hai công trình kiến trúc này khá rộng, lại nằm ngay ở vị trí trung tâm của Ban Mê Thuột nên thu hút rất nhiều du khách và người dân đến tham quan dạo mát. Mới nghe qua tên gọi tôi thầm nghĩ chắc Biệt Điện Bảo Đại cũng giống như các ngôi biệt thự khác mà ông vua rất biết cách hưởng thụ này xây dựng tại Đà Lạt. Nhưng cuối cùng mới hay ngôi Biệt Điện này không phải do Bảo Đại cho xây mà do một công xứ người Pháp tại Ban Mê Thuột dựng nên vào những năm hai mươi của thế kỷ trước để làm mơi công tác. Sau này Bảo Đại thường hay lui tới đây trong những đợt săn bắn, nghĩ dưỡng nên từ đó người dân quen gọi là Biệt Điện Bảo Đại. Khi đất nước được thống nhất thì một phần của Biệt Điện được chọn làm nơi trưng bày các hiện vật phục vụ sinh hoạt và chiến đấu mà đồng bào dân tộc Tây Nguyên sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ . Hiện tại Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắc Lắk đã được xây dựng kề bên ngôi Biệt Điện để thay thế cho nơi trưng bày hiện vật trước đây.
img_5901.jpg

Biệt Điện Bảo Đại tuy nhỏ nhưng kiến trúc lại rất độc đáo và đẹp
img_5914.jpg

Một góc Biệt Điện

Khuôn viên của Biệt Điện Đại rộng lớn như một công viên với vô số cây cổ thụ, trong đó có hai cây long não thuộc hàng “khủng” của Việt Nam gần ngay cổng vào. Ngoài hai cây long não này thì xung quanh còn rất nhiều cây cổ thụ khác với kích thước rất lớn mà tôi không biết tên. Khi chúng tôi đến thì Bảo tàng vừa mới xây dựng gần xong, còn Biệt Điện thì đang được sửa chữa nên các hiện vật bên trong đã được chở đi nơi khác. Bảo tàng tọa lạc trên một khu đất cao, được thiết kế theo một lối kiến trúc đậm chất Tây Nguyên với sàn nhà theo kiểu nhà dài của người Ê Đê và mái nhà cao tựa như mái nhà rông của người Bana.
img_58681.jpg

Bảo tàng Các dân tộc Việt Nam tại Đắc Lắk
img_5958.jpg

Hai cây long não cỡ khủng

Buổi chiều hôm ấy bọn mình rời Bảo tàng để đến buôn Cô Thôn cuối đường Trần Nhật Duật. Thật khó tin là ngay trong thành phố Ban Mê Thuột với cuộc sống hiện đại và nhộn nhịp thế này vẫn còn một buôn làng truyền thống của cộng đồng người Ê Đê bản địa. Cô Thôn là tên người Kinh viết cho dễ gọi, thực ra tên gọi chính thức của buôn này là Akô Đhông. Buôn Akô Đhông hình thành ở Ban Mê Thuột này từ lâu đời. Lúc trước khi quy hoạch và xây dựng thành phố người ta cũng đã chú ý thiết kế sao cho buôn vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của nó. Hiện con đường nhựa rộng thênh thang đã trải dài từ đầu buôn đến cuối buôn, nhưng những ngôi nhà dài cổ xưa của người dân thì vẫn được giữ gìn hết sức cẩn thận. Bọn tôi cũng phát hiện ra rằng nằm khuất mình xa xa phía sau mỗi nhà dài là những căn nhà tường khang trang, nhưng chúng hoàn toàn không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của buôn làng Ê Đê nhờ vào vị trí hợp lý của mình. Rõ ràng sự pha trộn giữa lối sống truyền thống và hiện đại tại buôn Cô Thôn được thực hiện rất tốt.
img_6112.jpg

Cầu thang dẫn lên nhà dài, hai cái nấm tròn tròn mình đang gác tay được cách điệu từ ngực của người phụ nữ. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên khách lên cầu thang phải chạm tay vào đấy để thể hiện lòng tôn kính với chủ nhà.
img_6123.jpg

Một căn nhà truyền thống của người dân

Lúc này nắng đã nhạt dần, thanh niên trong buôn đang tụ tập chơi bóng chuyền ở sân chung của làng, còn các nhà dài đã đóng cửa phục vụ khách tham quan từ lâu. Vì thế bọn tôi cũng chỉ đứng ngắm ở phía ngoài rồi cứ thế mà đi dọc theo con đường đến cuối buôn. Cuối đường hiện ra một con dốc khá dài. Ba đứa theo con dốc này đi xuống để xem phía dưới có gì. Hai bên con dốc không có nhà dân mà chỉ có những rẫy cà phê và đám hoa dại mọc đầy theo lối đi. Bọn tôi cũng không phải là những người duy nhất ở đây vì xung quanh có rất nhiều cô bác lớn tuổi đang đi bộ rèn luyện sức khỏe, thỉnh thoảng lại có một nhóm bạn trẻ chạy xuống để dạo mát.

Đi hết con dốc này chúng tôi đến một thung lũng nhỏ với quang cảnh đẹp tuyệt vời. Có một quán cà phê dưới thung lũng. Đây chắc hẳn là quán cà phê đẹp nhất mình từng thấy từ trước tới nay. Quán gồm những căn chòi nhỏ mái lợp tranh dựng sát mép ao. Còn nước trong ao thì trong xanh tới nỗi phản chiếu được hầu hết những thứ đang soi bóng xuống bề mặt của nó. Xung quanh những căn chòi là các lối đi đầy sỏi đá và cúc dại chen chân nhau. Quán cà phê này thoạt nhìn trông có vẻ giống với những quán cà phê “sân vườn” mọc nhan nhản trong thành phố, nhưng cái vẻ đẹp bình dị của nó rất đỗi chân thực chứ không đậm nét giả tạo như những quán khác. Bốn bề quán là khoảng không gian rộng lớn với cây cối xanh um, tuyệt nhiên không có bất kỳ bóng dáng ngôi nhà nào. Quán cũng không bật nhạc, thay vào đó là tiếng của đám chim chóc trong các lùm cây và tiếng của đủ loài ếch nhái côn trùng đang rạo rực chờ đón màn đêm. Ao nước trong quán là ao tự nhiên, vốn trước đây nó là nơi cung cấp nước sạch cho buôn Cô Thôn, nhưng giờ thì người dân đã quen dùng nước máy nên không còn cảnh gánh nước nữa. Chưa bao giờ tôi thấy quán cà phê nào lại mang một vẻ đẹp mộc mạc tự nhiên đến thế.
img_6042.jpg

Quán cà phê dưới thung lũng với những căn chòi ven ao
img_6043.jpg

Đường lên một căn chòi
img_6052.jpg

Quán cà phê nhìn từ con dốc
 
Last edited:
Chúng tôi rời quán tiếp tục bước theo lối mòn phía bên kia ao nước, vừa đi vừa hít thở cái không khí tươi mát và yên bình của buổi chiều thôn dã. Dọc hai bên đường là những gian nhà tranh được xây theo kiểu nhà sàn. Tôi cũng không hiểu giữa chốn hoang sơ này người ta lại xây những gian nhà nhỏ xinh như thế để làm gì, chỉ đoán rằng hình như đã lâu rồi chúng cũng không được sử dụng tới nữa vì trong nhà lạnh ngắt và trống trơn. Bất chợt tôi nghĩ đến các thanh niên nam nữ trong buôn đang tuổi yêu nhau, rõ ràng đây là nơi hò hẹn không đâu lý tưởng bằng.
img_6062.jpg

Con dốc dài không biết dẫn về đâu
img_6083.jpg

Một nhà sàn nhỏ ven đường
img_6085.jpg


Đi hết con đường mòn lại hiện ra một con dốc khác dẫn lên rẫy của người dân. Nhận thấy có lẽ đã đi quá xa, trong khi trời thì đã tối dần nên cả ba đành quay về. Trên mặt đứa nào cũng đầy vẻ nuối tiếc vì không thể nán lại lâu hơn ở cái thung lũng đẹp như thiên đường của miền sơn cước này được nữa.
img_6065.jpg

Qua con dốc này là đến rẫy của người dân
trai.png

Vài loại trái cây mọc ven đường
Chắc do quán cà phê dưới thung lũng đầy hoa ở buôn Cô Thôn quá đỗi tuyệt vời nên khi ba đứa bọn tôi đến được làng cà phê Trung Nguyên cách đấy vài cây số thì lại có cảm giác hơi vô vị, dù khuôn viên của làng cà phê được xây dựng rất hoành tráng. Nơi đây đủ núi non sông ngòi, những gian nhà xây theo kiến trúc xưa nửa Ta nửa Tàu và tất nhiên không thể thiếu những cây cà phê trồng ngay ngắn trong chậu. Không gian của làng cà phê lung linh với vô số ánh đèn điện đủ màu và những bản nhạc du dương. Trong khuôn viên của làng cà phê còn có cả một nơi trưng bày những hiện vật văn hóa của các dân tộc Tây nguyên như cồng, chiêng, gùi, ché rượu cần, các bức tượng gỗ,… Mọi vẻ đẹp cần có của một quán cà phê hiện đại đều hội tụ đủ ở đây, duy chỉ thiếu một điều là chúng không thể nào tự nhiên được như những căn chòi tranh nho nhỏ dưới thung lũng mà chúng tôi vừa đến khi nãy.
img_6128.jpg

img_6173.jpg

Thuyền độc mộc và ngọn núi giả. Trong núi là quán cà phê thì phải

Chúng tôi rời làng cà phê Trung Nguyên khi trời đã tối hẳn. Lúc này cả ba cũng không vội bắt taxi trở lại nhà nghỉ mà tiếp tục ung dung đi bộ theo con đường Lê Thánh Tông dẫn về Ngã sáu. Đường khá dài, nhưng ban đêm thì lại rất mát mẻ dễ chịu. Đi được một đoạn xa thì ba cái bụng bắt đầu kêu gào, vậy là bọn tôi ghé vào một quán bánh ướt nóng ven đường để lót dạ. Quán này rất đông khách. Điều khá hay là bánh ướt ở đây không được cuốn hay cắt sẵn mà để nguyên một lớp lớn trên dĩa cho khách, cứ một dĩa là một lớp bánh ướt. Ba đứa ăn đến nỗi dĩa chất thành đống mà dạ dày cũng chỉ vừa lưng lửng. Nhìn sang những bàn kế bên thì thấy “tòa tháp dĩa” của họ trông đồ sộ và cao hơn hẳn ba “tòa tháp” trên bàn bọn tôi.
banh.png

Một phần bánh ướt
img_6194.jpg

Ốc hấp xả vỉa hè
Sau khi tiếp tục tạt và một quán ốc lề đường chén sạch một dĩa ốc và vài trứng vịt lộn thì bọn tôi cũng kịp nhận ra Ngã sáu đã ở ngay trước mắt. Vừa ra khỏi quán thì trời đổ mưa ào ào. Vậy là ba đứa đành trở vào trú mưa dưới tấm bạc của quán ốc. Đứng co ro cả buổi mà mưa vẫn chưa chịu tạnh hẳn nên chúng tôi đánh liều dầm mưa về. Lúc này phố phường vắng vẻ vô cùng, nhà cửa cũng bắt đầu tắt điện gần hết. Chúng tôi đến Ngã sáu thì nơi đây đã không còn bóng dáng chiếc xe nào nữa. Dưới ánh sáng vàng hiu hắt của những ngọn đèn đường, thành phố đang chìm trong vô số hạt mưa bụi li ti. Cái lạnh vùng cao cũng dần len lỏi qua lớp áo ướt nhem mà tôi đang mặc. “Phải chạy về nhà nghỉ nhanh thôi” – tôi giục hai người bạn đang run rẩy bước sau lưng mình.
 
Last edited:
Ban mê mình đã đến rồi, mình thích bạn kể nhiều với hình ảnh về các buôn làng còn chưa bị mai một phong tục tập quán của họ.
 
Thật ra thì đô thị nào cũng có cái vẻ hiện đại giống nhau thôi. Nhưng nếu đô thị vẫn giữ cho mình một nét riêng nào đó không lẫn vào đâu được thì quả là rất quý. Nếu mình có dịp trở lại Ban Mê Thuột, có thể mình sẽ không đi thăm bảo tàng, biệt điện hay làng cà phê Trung Nguyên, nhưng cái buôn Cô Thôn này thì chắc chắn là mình sẽ phải ghé thăm lại.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,739
Bài viết
1,136,716
Members
192,550
Latest member
totini636048
Back
Top