What's new

Vương quốc Campuchia trong mắt tôi

Campuchia - Những ấn tượng đầu tiên

Có rất nhiều cách để đến với Vương quốc Camphuchia từ nước ta nhưng tôi chọn đường bộ. Bởi lẽ theo tôi đây là cách tốt nhất để khám phá và tôn trọng một quốc gia có nền văn minh vĩ đại và kỳ bí - nền văn minh Ăngko.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, xe chất lượng cao Mai Linh chạy thẳng tới Pnompenh mất chừng 6h trong đó có 1h làm thủ tục xuất cảnh tại của khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và nhập cảnh tại cửa khẩu Bavet ( tỉnh Svayrieng). 11đô la một chiều và 21 đô la khứ hồi là giá vé có thể chấp nhận được. Tôi ngồi trên xe với rất nhiều người Việt Nam, người Campuchia và tất nhiên có nhiều người Châu Âu. Tất cả đều háo hức.

Dù Camphuchia đã là thành viên của Asean nhưng 24 đô la là cái giá tôi phải trả cho lệ phí visa vào nước này. Thực tế chính phủ Campuchia thu 20 đô la và 4 đô la là tiền dịch vụ ngay tại cửa khẩu. Ai cũng như vậy, dù bạn đi lần đầu tiên hay đã đi quá nhiều lần thì 24 đô la là 24 đô la. Không hơn không kém. Và tất nhiên là bạn không phải làm gì.

Qua cửa khẩu Bavet, đất nước chùa Tháp đón chào bạn với hàng loạt casino hiện đại. Tôi đếm có tới 6 hay 7 casino trong đó nổi bật có casino New World và Las Vegas. Nghe nói trong đó có tới 1001 kiểu dịch vụ và bà con Việt Nam ta qua đây đánh bạc thì vô cùng thoải mái vì mình đã là người nước ngoài rồi mà. Tôi là người nước ngoài. Tôi được quyền đánh bạc. Và gần 100% người ngồi trong các casino kia là người Việt Nam cũng suy nghĩ như tôi.

Xe lướt nhanh và đi chậm. Xe lướt nhanh qua tỉnh Svayrieng với đồng ruộng bỏ hoang nhưng đường khá đẹp. Xe đi chậm qua tỉnh Kandal nuôi toàn bò trắng và đường còn đang làm dang dở. Khoảng cách 170km từ Mộc Bài đến Pnompenh chắc sẽ gần hơn nhiều nếu không tồn tại một bến phà – phà Neak Luong.

Bến phà nối hai bờ MeKong này đông đúc và dơ bẩn. Tôi đã không dám mở mắt nhìn những đứa trẻ khoảng 3, 4 tuổi đen thui đứng xin tiền trên phà cả ngày dưới cái nắng 36-37 độ. Tôi cũng không dám mua những con nhện, con dế chiên giòn bày đầy trên những chiếc mâm to. Ở đất nước này, côn trùng là món khoái khẩu. Cùng với cá sông Mê Kông thì côn trùng là những món ăn phổ biến nhất và dễ mua nhất.

Qua phà Neak Luong, ấn tượng nhất trong tôi là những chiếc xe hơi cũ và mới phóng với tốc độ kinh hồn. Xe 4 chỗ ngồi chở 10 người, xe 12 chỗ ngồi chở tới 30 người và xe 24 chỗ chất trên xe khoảng 60-70 người là cảnh tượng không hiếm ở đây. Người ngồi trên nóc xe, người bám hai bên thành xe tất cả đều bình thản đùa giỡn với thần chết. Xe có biển số, xe không có biển số tất cả đều chạy như ma đuổi về hướng Pnompenh...

Pnompenh – Thành phố lớn nhất bên bờ MeKong

Thế rồi tôi cũng tới được Pnompenh. Thành phố là nơi gặp gỡ của ba dòng sông MeKong, Tonlé Bassac và Tonlé Sap. Tôi có 2 điều ngạc nhiên và 5 sự thú vị về thành phố gần 2 triệu dân và là thành phố lớn nhất trong tất cả các thành phố nằm dọc theo dòng sông MeKong dài 4800km.

Pnompenh có quy hoạch hợp lý đến bất ngờ. Chỉ có khoảng 10 con đường được đặt tên chữ và chúng là những trục giao thông chính của thành phố. Nhũng con đường hầu hết mang tên danh nhân như Charles De Gaule, Sihanouk, Mao Trạch Đông...và ở đây chúng được gọi là đại lộ. Ngoài ra để đơn giản, những đường phố khác không mang tên mà được đánh số. Có rất nhiều đường phố nhỏ xinh đẹp như phố 386, 218, 464...và một điều đặc biệt là đường phố vuông vắn như những ô bàn cờ chứ không “ ngoằn ngoèo giun dế ’’ như Việt Nam ta. Nghĩ lại thấy cách đặt tên phố theo số của người Campuchia hay thật và tôi lại thấy đáng thương cho người dân nước mình, nơi mà người dân thấy trong một thành phố “ông” Nguyễn Huệ cư ngụ tại quận 1 còn “ cụ ” Quang Trung thì phiêu bạt ở mãi quận Gò Vấp??? Hay là ở nước ta hai vị này không có liên quan gì đến nhau nhỉ ?

Tuy trong thành phố thỉnh thoảng vẫn còn những con đường chưa được trải nhựa nhưng Pnompenh đã kè đuợc hai bên bờ sông từ rất lâu rồi. Buổi chiều, khi ngồi trên tầng 2 một quán bar ở khu “ phố Tây” nhìn xuống dòng Mê Kông với hai bên bờ kè sạch sẽ tôi bất chợt nhớ tới Hà Nội. Và tôi lại ước mong không biết đến bao giờ thủ đô ta kè được hai bờ sông Hồng dù tôi luôn biết rằng Hà Nội là thủ đô xấu và dơ bẩn nhất trong gần hai ba chục thủ đô các nước tôi đã từng đến. Tôi không thể không buồn.

Những ngày tiếp theo ở Pnompenh đối với tôi là những trải nghiệm thú vị. Một ngưòi bạn đại học của tôi ở thành phố này tình nguyện làm hướng dẫn viên nghiệp dư. Và những chuyện thú vị bắt đầu.

Chúng tôi đến một quán “ hủ tiếu Nam Vang ” nổi tiếng. Ở nước ta danh từ này rất quen thuộc nhưng không nhiều người biết rằng Nam Vang chính là tên gọi xưa của Pnompenh. Cảm giác thật khác lạ. Nguyên liệu chính của bát hủ tiếu là lòng lợn các loại và tôi thấy không ngon lắm. Nhưng có sao đâu khi mình tự hào đã được ăn hủ tiếu Nam Vang đích thực. Thế là tôi vui rồi.

Người Pnômpênh không thích tiền Riel (đồng nội tệ của Campuchia). Họ thích đô la Mỹ hơn. Trong tất cả các giao dịch của tôi ở Pnompenh thì hầu hết là thanh toán bằng đô la Mỹ. Một cốc bia tưoi 1,5 - 2USD, một ly cà phê 1,5 USD, một bữa ăn trưa nhẹ từ 6 – 8 USD và tiền “ tip ” cho nhân viên khách sạn là 1 USD. Nhanh và gọn nhẹ.

Tôi cũng thấy lạ là bất kỳ lúc nào khi xe ô tô chúng tôi đỗ trên vỉa hè thì đều có một thanh niên người Campuchia đứng ra “ xi nhan ”. Khi ra lấy xe, bạn tôi đều phải đưa cho họ 1000 riel ( 4000đ tiền Việt Nam) và có lẽ đây là những người vui vẻ nhất khi nhận tiền riel ở Pnompenh. Thêm một thông tin nữa, thủ đô của nước bạn cấm đỗ xe ô tô dưói lòng đường nhưng lại cho phép đỗ xe...trên vỉa hè??? Tôi thấy hay hay.

Buổi tối chúng tôi đi ăn ở bên kia cây cầu nối hai bờ sông Mê Kông. Đây là cây cầu duy nhất nối hai bờ Mê Kông ở trên toàn lãnh thổ Campuchia. Quán ăn nhiều vô kể, điện đóm sáng choang, ô tô xếp hàng dài và quán nào cũng có nhạc sống hoặc hát dân ca. Đồ ăn không khó ăn lắm và nhạc rất vui là những ấn tượng của tôi về một buổi tối trời mưa rào. Nhưng ấn tượng hơn là hình ảnh cậu nhân viên phục vụ đi giữa trời mưa che ô cho mấy anh em chúng tôi ra xe. Kiếm tiền tận tâm như vậy mà ở Hà Nội thì giàu phải biết.

Tôi đã hỏi anh bạn tôi rất nhiều lần rằng tại sao tôi lại gặp nhiều tướng lĩnh Campuchia đến thế. Ở Pnompenh, tôi gặp người đeo quân hàm cấp tướng trong quán ăn, trong quán cà phê và cả ở trên đường bởi sự nhận biết đơn giản là họ có từ 2 – 4 lính cầm súng đi theo bảo vệ. Giải thích về điều này anh bạn tôi chỉ cười nhưng về sau anh ta cũng tiết lộ là ở Campuchia “ tính trung bình cứ hơn 100 lính là có 1 tướng ”??? Tôi nghĩ tướng ở đây so sánh với Việt Nam thì chỉ tương đương với ... đại uý. Ái chà chà, nếu mà ở Campuchia thì dòng họ nhà tôi khi làm đám giỗ có lẽ tướng phải đi ...rửa bát đấy.
( còn tiếp)
21.9.2007
BGI - Nguyễn Bảo Giang - [email protected]
 
Last edited:
( tiếp theo)

Angkor Wat - sự sáng tạo của thần linh

Cũng như hầu hết du khách nước ngoài khác, 90% tôi đến Camphuchia là vì Angkor Wat. Và thật sự, tôi đã không phải thất vọng vì điều này.

Từ Pnompenh nếu muốn đến Angkor Wat có thể đi bằng ba cách. Cánh thứ nhất là ra sân bay Pochentong bay tới Siem Riep, cách thứ hai là đi đường bằng ô tô du lịch 45 chỗ của các hãng lữ hành cũng tới Siem Riep và cách thứ ba là đi bắng tàu thuỷ cánh ngầm qua Biển Hồ và rồi cũng phải tới...Siem Riep.

Thực tế thì thành phố lớn thứ ba và quan trọng thứ hai ở Campuchia – thành phố Siem Riep chính là cửa ngõ vào Angkor Wat. Đây là một thành phố khá kỳ lạ với nhiều sự đối lập cùng tồn tại. Nhiều khách sạn năm sao và cũng nhiều đường đất, có khu phố bụi mù như miền Tây nước Mỹ và một dòng sông êm đềm, có sự tĩnh lặng của ban ngày và sự ồn ào khi đêm xuống...tất cả khiến tôi cứ băn khoăn, cứ nghĩ suy về thành phố này, đất nước này. Nhưng sự kỳ lạ chưa dừng lại ở đó.

Tôi chọn một loại xe gần giống như xe tuktuk ở Thái Lan để viếng thăm Angkor Wat. Khoảng cách từ Siem Riep đến một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại là 10km. Sự thật thì Angkor Wat chỉ là một cụm kiến trúc tiêu biểu nhất trong quần thể kiến trúc Angkor kỳ bí. Do nằm lọt giữa một khu rừng nguyên sinh rộng lớn nên khi bước vào thế giới Angkor tôi đã đi xuyên qua những cây đại thụ, những con đường đá với vài con voi và rất nhiều đàn khỉ đồng hành. Nếu ngược lại nhiều thế kỷ, tôi có thể đã là một tù trưởng của rừng xanh đầy quyền lực.

Quần thể kiến trúc Angkor về bản chất là những đền đài được các vị hoàng đế Khơme kỳ công xây dựng từ năm 802 đến năm 1432 sau công nguyên. Angkor Wat uy nghi làm hoàn toàn bằng những khối đá lớn nặng hàng chục tấn xếp chồng lên nhau. Toàn bộ diện tích rộng khoảng 1km2 và cao tới 60 -70m được bao quanh bởi bốn mặt là nước. Tôi đã cố gắng trèo qua rất nhiều bậc thang đá để lên gần tới đỉnh và cũng để cảm nhận được hết sự đồ sộ, kỳ vĩ và cũng đầy huyền bí của Angkor Wat. Tôi nghĩ, công trình này có lẽ là quà tặng của thần linh dành cho dân tộc Campuchia vốn chịu nhiều đau thương mất mát với lịch sử đầy ắp thăng trầm. Chắc chắn nó không thể được xây dựng chỉ với sức vóc nhỏ bé của con người.

Khác với Angkor Wat hùng vĩ, Angkor Thom trầm mặc là sự sắp đặt có chủ định những bộ mặt người tạc bằng đá lớn. Vui có, buồn có và lạnh lùng cũng có. Chúng được gọi là Bayon. Ngắm kỹ Bayon, tôi không thể hiểu được 54 tượng người bốn mặt cao lớn này với 216 bộ mặt khác nhau có thể hiểu và truyền tải được hết niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau của con người trong quá khứ ? Chỉ biết rằng, hiện tại 54 tượng người xưa mỗi ngày nhận được sự viếng thăm của hơn 5000 người nước ngoài đang sống và cũng không biết được họ thấy thế có nhiều quá hay không?

Tôi chỉ có một ngày cho Angkor. Tôi hiểu thế là quá ít đối với một kỳ quan thế giới. Nghĩ về tầm vóc Angkor tôi chợt thấy 20 USD cho một tấm vé vào thăm là quá rẻ. Và cũng vì điều này, suốt mấy năm nay tôi chưa giới thiệu một người nước ngoài nào đến thăm di sản thế giói Mỹ Sơn của chúng ta. Nhận 60.000 đồng tiền mua vé vào thăm Mỹ Sơn của họ, nếu là tôi chắc sẽ xấu hổ vô cùng.

Sihanoukville – thành phố biển còn chưa tỉnh giấc.


Lại về Pnomênh. Lại đi qua những tỉnh nghèo. Và lại bắt gặp những rặng cây thốt nốt. Tôi có nghe một ai đó nói rằng thứ cây họ dừa này rất có ích bởi chúng tạo ra đường thốt nốt rất thơm ngon. Hơn nữa rượu thốt nốt có hương vị đặc trưng và nếu được uống một lần thì nhớ mãi. Tôi tin như vậy.

Chuyến đi thứ hai của tôi đến Campuchia có mục đích chính là về Sihanoukville. Đây là một cái tên khá được nhiều người biết đến. Trong lịch sử thành phố này được gọi là Kongpong Som và đến giờ tên gọi Kongpong Som vẫn là một cái tên cực kỳ quen thuộc đối với người dân Campuchia như Sài Gòn ở Việt Nam.

Tôi rời Pnompenh trên một chuyến xe du lịch thường chỉ chở khách nước ngoài. Xe khoảng 40 - 45 chỗ khá sạch sẽ và có hướng dẫn viên nói tiếng Anh. Trên suốt hành trình 165km và mất tới 4h đồng hồ này tôi được đi qua một miền trung du khá hoang vắng. Tôi cũng đuợc đi qua tỉnh duy nhất của Campuchia có bóng dáng của các nhà máy sản xuất mang tính công nghiệp. Và cả nước Campuchia cũng chỉ có khoảng 20 – 25 nhà máy trong đó chủ yếu là nhà máy may, nhà máy da giày mà thôi.

Sihanoukville có hai điều khiến cho thành phố này trở nên quan trọng đối với đất nước Campuchia. Thứ nhất là cảng Sihanoukville - cảng biển lớn nhất và gần như là duy nhất ở nước này. Thứ hai thành phố sở hữu tới 3 bãi biển khá đẹp là nơi ngưòi Pnômpênh có thể đi nghỉ mát cuối tuần. Tôi chỉ biết rằng về địa lý thì Sihanoukville và đảo Phú Quốc của nước ta gần nhau lắm lắm.

Bãi biển nổi tiếng và quen thuộc nhất là bãi biển Occheuteal. Đây cũng là nơi tập trung nhiều khách sạn và resort nhất. Bãi biển Sokha thì có vẻ đẹp hơn còn bãi Victory là nơi mà khách du lich “ balô ” nước ngoài yêu thích.

Tôi chọn một khách sạn ở bãi biển Occheuteal ngay sát bên cạnh biệt thự của thủ tướng Campuchia HunSen. Từ khách sạn có thể quan sát được toàn bộ bãi tăm và rặng thông ven biển. Giá phòng tôi phải trả là 30 USD. Nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng giá đất với vị trí đẹp nhất ở đây chỉ 20 USD/1m2. Kinh doanh thế này thì có thể giàu to đấy nhưng rất tiếc là khách không nhiều.

Buổi tối tôi trực tiếp tham gia nướng cá và sườn lợn trên bãi cát gần biển. Hai người phục vụ tôi là hai anh bạn trẻ. Một anh người Hàn Quốc thực chất là con chủ nhà hàng và một chàng thanh niên Campuchia hơi lóng ngóng. Tôi ăn sườn nướng và uống bia Angko - loại bia duy nhất của ngưòi Campuchia sản xuất được với âm thanh chủ đạo là tiếng sóng biển. 6 USD là giá của bữa ăn. Nó quá rẻ để mua một không gian vắng lặng, sự phục vụ tận tâm cũng như những nụ cười của ba người không cùng quốc tịch.

Tạm biệt Shihanoukville. Tạm biệt những bãi biển đẹp và hoang sơ. Tạm biệt để rồi chắc chắn tôi sẽ trở lại. Tôi chỉ ước mong một điều khi tôi trở lại thì những bãi biển hãy cứ vẹn nguyên như cũ. Khi đó tôi sẽ biết ơn rất nhiều.

Trên xe trở về tôi chợt nghĩ đến những bãi biển ở nước ta.Tôi nhận ra mình đã quá tham lam khi ước mong điều đó.

Ngày 21/9/2007.
Nguyễn Bảo Giang – BGIBGI - [email protected] Bài viết cách đây đã 4 năm nên nhiều thông tin có thể không chính xác nữa như việc Camphuchia đã bỏ visa chẳng hạn
 
@:...Mình mới được một người bạn ở Campuchia cho biết hiện tại chính phủ Campuchia đã cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở nước này( nhà từ tầng hai trở lên và không sở hữu đất). Đang chờ khi nào cho sở hữu đất để sang Shihanoukville kinh doanh du lịch đây...:help
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,143
Bài viết
1,173,961
Members
191,966
Latest member
quocve
Back
Top