What's new

Câu chuyện rừng già

CVN

Phuot.vn
Staff member
Gửi cả nhà một bài ký sự của một tác giả nữ về một chuyến khảo sát xuất phát từ Khau Cọ. Người thật việc thật nhé! Bạn Phượt này có Imim, Hoaha và Black biết đấy.

Bạn ấy dồng ý để bài ký sự này được post lên 4rum này, mong bạn ấy sớm đăng ký nick.

Mình chỉ là người post thôi, tất cả các tràng pháo tay là giành cho tác giả! Do đó xin các bạn ĐỪNG CLICK VÀO NÚT CẢM ƠN TRONG CÁC POST SAU ĐÂY CỦA CVN.

PS: thank you imim!
 
Last edited:
Không biết từ khi nào tôi đã ấp ủ những chuyến phiêu lưu vào sâu trong rừng già, thiên nhiên và động vật hoang dã đã luôn thú hút sự quan tâm của tôi đến hết mình, chả thế mà tôi thường xuyên chỉ xem có 3 kênh quốc tế về thiên nhiên và động vật trong khi ti vi nhà tôi có thể xem tới 61 kênh. Cái máu giang hồ vặt đã nhiễm vào tôi lúc nào không hay chỉ biết mỗi lần xem 1 chương trình về động vật hoang dã, về những chuyến đi rừng, những lần lặn biển, những phiêu lưu mạo hiểm và mong muốn khám phá của các nhà sinh học đã khiến tôi vô cùng ái mộ nghề bảo tồn thiên nhiên.

Tôi thực sự muốn phát triển sở thích của mình thành nghề chuyên nghiệp, điều này đến gần đây tôi mới định dạng rõ nét, con người tôi, cá tính tôi cũng không còn phù hợp với công việc chỉ kiếm tiền để sống mà không thực sự tận hưởng cuộc sống. Thế rồi sự quan tâm hết mực của tôi cũng được đền đáp, tôi bắt đầu làm cho tổ chức Bảo Tồn Động Thực Vật Hoang Dã Quốc Tế (Fauna & Flora International_ FFI) từ cuối tháng 12 năm 2005, tôi háo hức mong đợi 1 đợt điều tra sinh học của dự án HLS về bất cứ một loại động vật gì nhưng miễn là đi rừng và là những cánh rừng già thực sự.

Cuối cùng cái ngày tôi mong đợi cũng đã đến, Vượn Đen Tuyền là chủ thể của đợt điều tra mà tôi may mắn được tham gia.Trước khi đi điều tra trên thực địa tôi được tham gia một khoá tập huấn về điều tra về Vượn đen tuyền và được anh em trong nhóm tuần tra bảo vệ rừng (CBMG) chia sẻ kinh nghiệm đi rừng của họ. Bản thân các anh cũng từng là những thợ săn lão luyện nhất trong bản.
Đây là đợt tập huấn thú vị nhất mà tôi từng được tham dự. Tên gọi là Vượn Đen Tuyền đấy nhưng chỉ con đực mới có mầu đen tuyền, nó có 1 cái mào lông trên đầu giống mốt tóc quả chôm chôm, khuôn mặt trông rất nam tính?? con cái có màu vàng như lông con gà con, lông quanh mắt có màu nâu đen trông ngộ nghĩnh và dễ mến như 1 cô nàng gấu trúc.

Để nghe và xác định được tiếng vượn hót, nghiên cứu viên phải dậy từ 4h sáng và phải trèo lên tới điểm nghe là điểm cao nhất trên đỉnh núi trước khi mặt trời mọc để có thể quan sát và nghe được từ 4 phía. Khi ánh nắng đầu tiên mang tới khu rừng những tia nắng ấm áp, đó cũng là thời điểm vượn hót, vượn chỉ hót khi trời nắng. Tiếng vượn hót có 3 ý nghĩa; tiếng hót cảnh báo khu vực chiếm cứ của cả đàn, tiếng hót biểu hiện sự gắn bó hữu cơ trong gia đình và tiếng hót tìm bạn đời, khi hót, con đực 1 tay bám 1 cành cây, vừa đung đưa thân mình vừa hót, còn con cái vừa hót vừa chuyền hết cành này sang cành khác, xung quanh những tán cây phía dưới con đực. Nếu ai đã từng có dịp quan sát những cặp vượn hót tìm bạn đời mới thấy được cách bày tỏ tình yêu của loài vật trong tự nhiên mới khoáng đạt, hồn nhiên và đầy phấn khích.. Khi tập huấn viên giải thích đến đó, các anh thợ săn mới à lên 1 tiếng..”đúng thế! cứ như là con cái phát điên lên vì tiếng hót mời gọi của con đực..” !
 
Cơ chế ghép đôi của loài vượn đen tuyền thông qua nhận mùi để tránh cận huyết. Các cá thể cùng gia đình có mùi giống nhau, khi tách 1 cá thể cái, 1 cá thể đực cùng đàn ra 2 khu rừng cách xa nhau, khoảng cách và thời gian dù có lâu đến mấy, có xa đến mấy những cá thể đó vẫn nhận ra nhau khi có cơ hội xum họp, và chúng không bao giờ ghép đôi. Con người chúng ta thì khác, con người đã đánh mất bản năng nhận mùi tự nhiên vốn có từ xa xưa nên đã có không ít những sự kết đôi nhầm lẫn đáng tiếc giữa anh em cùng huyết thống.

Loài vượn được coi là loại linh trưởng có chỉ số IQ xếp sau..loài người, vô cùng thông minh và hiếu động! những người đi săn vượn chủ yếu là người H’mông – họ được coi là những tay thợ săn không bao giờ làm phí 1 viên đạn nào. Chính vì bản tính hiếu động... giống tôi nên loại vượn đen tuyền cũng hay bị thu hút bởi những gì hay hay, lạ mắt! Thoạt tiên khi đi săn, người H’mông mặc quần áo truyền thống của họ có màu đen họ bắt chước tiếng vượn để thu hút đàn vượn lại gần rồi bắn, dần dà loài vượn rất sợ màu đen. Thế rồi những tay thợ săn biết được điều đó, họ lại mặc quần áo có mầu sặc sỡ, lũ vượn thấy…hay hay cũng xán lại
xem rồi lại bị bắn, vượn đâm ra sợ màu sặc sỡ. Khi mấy ông thợ săn chả mặc gì nữa và nhào lộn trên đất, múa may quay cuồng, vượn lại đến xem, thế rồi vượn lại bị bắn, vượn đâm ra sợ người không mặc quần áo. Bí quá mấy ông thợ săn lần này cũng không mặc gì nhưng lấy than vẽ vằn vện lên người để thu hút đàn vượn.. Cứ như thế quần thể đàn vượn đen tuyền ở VN dần dần biến mất, trong sách đỏ VN cũng như thế giới vượn đen tuyền ban đầu được xác định ở mức độ tổn thương và bây giờ là mức độ cực kì nguy cấp. (trên thế giới vượn đen tuyền chỉ có ở dãy Hoàng Liên Sơn – Việt Nam và Vân Nam – Trung Quốc). Khi bẫy vượn, nếu bắt được con cái, thế nào thợ săn cũng nhử được con đực tới để bắt cả cặp, còn nếu bắt được con đực, con cái sẽ không tới.

Anh Đạt –Tập huấn viên về linh trưởng và là trưởng nhóm nghiên cứu đợt này, anh là một người có thâm niên sống với..vượn nhiều hơn là sống với vợ, 1 năm không dưới 6 tháng anh lọ mọ ở trong rừng. Trong lĩnh vực bảo tồn anh là một trong số rất ít các chuyên gia về linh trưởng ở VN còn gắn bó với công việc thực địa một cách say sưa nhưng cũng đầy những thử thách và cả những rủi ro cho tính mạng.
 
Nhắc đến các quy tắc nhóm công tác điều tra, giám sát đàn vượn, chúng tôi được nhắc nhở không nên sử dụng tất cả các loại hoá mỹ phẩm có mùi như xà phòng, dầu gội đầu, dầu thơm v.v.. và đặc biệt là tránh..tắm! quần áo càng..hôi càng tốt?? (như mùi người H’mông là tốt rồi, tôi đoán vậy). Anh Đạt giải thích về thính giác nhạy bén của các loài vật khi phát hiện ra mùi lạ, người ta khó tiếp cận được động vật hoang dã là do con người không còn mùi của tự nhiên, thế nên trong thời gian quan sát ở 1 khu vực nào đó anh lưu ý mọi người cố gắng …không tắm cho tới khi di chuyển tới 1 khu vực nghiên cứu khác, và khuyến khích chúng tôi để mùi của mình… càng tự nhiên càng hay!. Tôi cũng hơi băn khoăn về quy định này chỉ vì tôi mang theo 1 cái túi trống cơm to tướng với đầy đủ các loại mỹ phẩm lỉnh kỉnh và các loại thuốc trống muỗi, côn trùng có mùi, không lẽ tôi không được sử dụng! Tôi tặc lưỡi..thôi thì ..1 tuần không tắm, không thay quần áo có là gì, (thực tình chỉ cần đến ngày thứ 2 không tắm là tôi khắc bốc mùi..tự nhiên ngay thôi mà).

Tôi háo hức với chuyến đi này kể từ ngày tôi được biết về nó đã hai tháng nay, tôi mua mua sắm sắm, gói gói ghém ghém hành lý tư trang cho chuyến đi cũng từ 2 tháng trước, thế nên cái ba lô kiểu backpacker to bằng cả người tôi đầy ắp những đồ lỉnh kỉnh mà tôi dự định mang theo, dễ chừng đến 23 kg. Khi nhìn thấy tôi ỳ ạch vác cái ba lô trên vai, anh Đạt chỉ buông 1 câu “ cô mang ngần ấy hành lý thì chỉ cần leo dốc 100 mét đầu tiên cô sẽ có ý định chia tay ngay với đoàn”. Tôi băn khoăn lắm! nhìn hành lý của cậu Oánh (cán bộ sinh học) và anh Đạt chỉ vẻn vẹn 1 cái ba lô nhỏ gọn chừng 10 kg trong khi thời gian hai người sẽ ở lại trong rừng gấp 3 lần tôi, tôi quyết định bỏ lại 1 số. Soạn tới soạn lui tôi cũng bỏ lại được chừng 7 kg. Ngày mai cuộc hành trình vào rừng già mới thực sự bắt đầu, khu vực mà anh em chúng tôi đến điều tra là khu bảo tồn Hoàng Liên –Văn Bàn, trải dài trong 2 xã - Nâm Xây và Nậm Xé, tổng diện tích khu bảo tồn xấp xỉ 23,000 héc ta. Điểm đến đầu tiên của nhóm công tác thuộc xã Nậm Xé nằm về hướng Đông Bắc, tiếp giáp với Phan Xi Phăng. Lần điều tra vượn đen tuyền cũng của FFI cách đây 5 năm đã xác định khu vực Đông Bắc Nậm Xé chỉ còn lại 2 đến 3 đàn, và có 14 đàn cả thảy sống dải dác trên địa bàn 2 xã. Nhiệm vụ của anh em chúng tôi lần này đến điều tra lại xem lũ vượn còn đó hay đã mất. Tuy nhiên điều tôi thực sự băn khoăn khi hỏi anh Lý A Lử – một thợ săn giỏi nhất bản Nậm Xi Tan- anh đã từng đi săn ở khu vực chúng tôi sẽ tới, anh Lử cho biết khu vực đó là địa điểm cao nhất trong khu bảo tồn Hoàng Liên – Văn Bàn, có đỉnh cao trên 2900 mét, đường rất dốc, đi mất khoảng hai ngày và vừa đi vừa định hướng... Đến bây giờ - 1 đêm trước khi lên đường, tôi thực sự băn khoăn liệu sức khoẻ tôi có cho phép để “đánh đu” cùng 8 anh thợ rừng và 2 cán bộ sinh học lão luyện hay không? liệu tôi có gây phiền toái gì cho anh em không? Tôi tự hứa với mình sẽ hạn chế tối đa việc làm phiền tới anh em, tới lộ trình và công việc của cả đoàn. Tôi hít một hơi thật sâu để trấn an mình, chắc đêm nay tôi sẽ không thể ngon giấc vì có nhiều điều còn băn khoăn lắm trong khi tôi rất cần 1 giấc ngủ sâu để sáng mai tỉnh dậy khoan khoái và thấy sẵn sàng hơn, tôi đành nhờ đến 1 viên thuốc an thần để chìm vào giấc ngủ.
 
Thứ 6, ngày 08 tháng 9/2006

3 anh em chúng tôi xuất phát từ thị trấn huyện Văn Bàn lúc 7h sáng, qua chợ, chúng tôi mua thêm một ít thịt và rau xanh, Oánh nhờ bà bán thịt ướp nhiều giềng và muối để bảo quản thịt được lâu. Các anh em trong nhóm CBMG đã quay về nhà từ tối hôm qua để chuẩn bị hành lý, chúng tôi hẹn nhau trên trạm kiểm lâm đèo Khau Co. Mất gần 2 tiếng chiếc xe U Oát mới ì ạch đưa chúng tôi qua 1 chặng đường chừng 40 km đến UBND xã Nậm Xé, một số anh em đã tập trung ở đó. Anh Bàn Xuân Nhỉ, người Dao – trưởng nhóm CBMG xã Nậm Xé đang chạy đôn chạy đáo đi tìm người dẫn đường và mang vác hành lý, tối qua anh đã nhờ được 2 người, nhưng đến sáng nay khi trên đường lên xã, 2 anh khi đi qua bên kia con suối rồi lại bị vợ chạy theo gọi lại vì một lí do lãng xẹt –trưởng thôn không đồng ý cho đi, ở miền núi, quyền của trưởng thôn cũng tương đương với già làng như ở Tây Nguyên.

Anh Đạt tỏ rõ lo lắng khi không có người theo gánh vác đỡ cho anh em phần hành lý và đi trước để phát đường, anh nói từng đấy lương thực, lều bạt, nồi niêu bát đĩa, các dụng cụ điều tra mang theo và cả 10 lít rượu nữa, nếu chia ra cho 8 người thì mỗi người phải mang vác tới 30 kg. Địa hình nhiều dốc như vậy, trời lại mưa,2 ngày chưa chắc đã tới nơi mà anh em rồi sẽ mệt mỏi, chán nản, thôi thì không có người dẫn đường cố gắng tìm xem còn anh nào nhà quanh đây mà chưa lên nương thì nhờ các anh ấy đi cùng mang vác đồ giúp đoàn.
Đi chừng 2 km, trước mắt chúng tôi hiện ra một bản làng phía bên kia con suối, bản có tên là Nậm Xi Tan, cả bản có 12 nếp nhà, anh Nhỉ nhẩy xuống xe và chạy tới 1 mái tranh đơn sơ bên cạnh đường nhất, vào đến nhà, may mắn chúng tôi còn gặp cả nhà. Chủ nhà là anh Tiến, một người bà con của anh Nhỉ, đang mài dao để chuẩn bị đi nương, sau 1 hồi thuyết phục anh Tiến cũng đồng ý theo chúng tôi. Anh Nhỉ khấp khởi chạy tiếp sang bên kia suối, sau 15 phút anh quay về và mang theo anh Thọ, cũng là một người bà con. Chúng tôi, 7 người cả thảy, nhét chặt lên con xe U Oát và tiến dần đến đèo Khau Co. Anh Đạt có vẻ tiếc rẻ khi thấy anh Nhỉ nói lại, anh không mua kịp 1 con chó để mang theo, đến cuối đợt nghiên cứu sẽ liên hoan, tôi thì khấp khởi mừng thầm, nếu các anh có mang theo 1 con chó, thế nào tôi cũng tìm cách đánh tháo cho nó.
 
Thứ 6, ngày 08 tháng 9/2006 (tiếp)

10h chúng tôi lên tới trạm kiểm lâm đèo Khau Co, cách đây tròn 1 tháng tôi cũng đến nghỉ nhờ 1 đêm ở trạm này, hôm đó công việc làm với xã kết thúc muộn nên không kịp về thị trấn, 2 cậu kiểm lâm còn trẻ tuổi đưa tôi lên. Khi đến nơi anh Tân trạm phó đang ngồi ngủ gật bên chiếc đài bán dẫn chỉ còn tiếng rè rè, 7h 30 tối trạm không có điện, anh Tân không khỏi ngạc nhiên vì buổi tối ở trạm chả bao giờ có bóng dáng của chị em phụ nữ. Có mình tôi là nữ nên tôi cố gắng tỏ ra tự nhiên, tôi xông vào bếp nhóm củi nấu cơm tối, vừa làm vừa nói chuyện rổn rảng để anh em bớt đi cái cảm giác phải ái ngại cho tôi. Trong trạm khi đó còn có 1 người nữa, anh Gím, trạm phó trạm kiểm lâm Than Uyên, anh say rượu từ dưới Than Uyên nhưng vẫn đi xe máy lên Khau Co để lấy chiếc áo bỏ quên, lên tới trạm anh kêu mệt nên đi nằm. Anh Gím nằm im ở gian nhà trong, tối hôm đó mấy anh ra gian lán canh ngủ để dành cho tôi 1 cái giường kín gió bên trong. Nửa đêm về sáng anh Gím trở mình nhiều và rên lên từng hồi, sáng ra mọi người phát hiện anh đã cấm khẩu, đưa anh về trạm Than Uyên lúc 8h sáng hôm sau, đang đi dọc đường thì anh Gím mất…
Hôm nay trước cửa trạm Khâu Co, tất cả đoàn 11 anh em đã có mặt đầy đủ, các anh khuân hết đồ đạc hành lý trên xe xuống và chia lương thực, hành lý đều cho cả đoàn, mỗi anh 1 cái bao tải và tự biên tự diễn cái bao tải đó thành 1 cái balô để có thể khoác được trên vai. Anh thì dùng dây vải, anh thì dùng cây giang cây nứa, mỗi anh mang chừng 20kg, riêng có mình tôi là nữ nên được ưu tiên chỉ cần quan tâm tới cái balo của mình. Tôi lễ mễ vác cái ba lô của mình xuống và trịnh trọng đặt ngay trước cửa trạm. Anh Nhỉ thấy cái ba lô to vật vã của tôi trông có vẻ rất..tây balô, anh tò mò ra đeo thử, chắc trong đời anh chưa nhìn thấy cái balô nào to vật vã đến như vậy.Anh chẳng nói chẳng rằng, đặt cái balô xuống rồi mới thủng thẳng nói ”.. khoảng 17-18 kg, sức như anh mang từng này cũng xịt ra khói nói gì một cô gái thành phố..” anh Đạt nghe thấy thế bèn hỏi tôi xem tôi mang những gì nhiều nhất, tôi nói chủ yếu là quần áo và lương thực “..Giời ạ! Cô có được tắm đâu mà cô mang theo nhiều quần áo làm gì, lên cao trời rất lạnh, đi mệt, mồ hôi có thì nghỉ 1 lúc sẽ se lại, không phải thay quần áo, lạnh quá thì đốt lửa. Nếu cô không quá kĩ tính, anh em ăn gì cô ăn cái nấy thì bỏ lại đồ ăn đi, chỉ mang những đồ ăn nhẹ nhiều đạm ..” anh Đạt nói. Tôi không ý kiến gì thêm, len lén bê cái balô vào trong trạm, xin anh Tân 1 cái túi nilon, tôi kì cạch soạn đồ bỏ lại 1 lần nữa, lần này tôi mang theo đúng 2 bộ quần áo mùa thu, 1 bộ đã mặc trên người và 1 cái áo khoác chống nước, cái lều, túi ngủ,1 cái chăn mỏng, áo mưa, máy ảnh, 2 cái đèn pin, thuốc thang và một số đồ ăn nhẹ. Này thì kẹo, này thì mì, này thì bánh, quần áo và cả một cái ca inox khá nặng có thể vừa đun nước vừa dùng làm bát, tôi quẳng vào túi nilon không mảy may tiếc nuối. Nhấc cái balô lên, nhẹ hơn khoảng chừng 5 kg. Cũng không ai thử vác cái balô của tôi lên để xem sức tôi có cõng nổi khi leo dốc không, tất cả các anh em ai nấy đều đã sẵn sàng lên đường.
Hôm nay trời mưa lây phây và nhiều gió, bầu trời không một chút nắng, anh Nhỉ lưu ý cả đoàn lên bỏ quần vào trong tất và buộc chặt lại, ẩm ướt như thế này có nhiều vắt, đặc biệt là vắt xanh, loại vắt này mà cắn rất khó cầm máu. Vắt xanh có thể bật được lên cả cổ, mặt, tai nhất là khi đi qua các bụi cây xoà vào mặt. Người đi đầu sẽ tránh được vắt, thấy động, vắt mới bật nhảy vào người, thế nên khả năng bị vắt cắn là từ người thứ 3 trở đi.
 
Thứ 6, ngày 08 tháng 9/2006 (tiếp)

Đúng 10h30 chúng tôi xuất phát, tôi nai nịt balô gọn gàng vào người, bước chân đầu tiên tôi đặt chân vào rừng là dốc, càng đi dốc càng đứng, đầu tiên tôi còn đi, chỉ qua được khoảng 25, 30 mét đầu tiên tôi bắt đầu bò bằng cả ..4 chân, dốc đến nỗi đầu người này đội phải mông người kia, cả đoàn người chậm chạp bò lên dốc. anh Lử - người có kinh nghiệm về khu rừng này, anh đi đầu tiên để dẫn đường và phát lối đi cho cả nhóm. Tuổi anh Lử đã nhầng nhầng nhưng bước chân anh rất vững chãi và nhanh lẹ như 1 con báo, anh đi trước và leo lên 1 chỗ có thể đứng được, anh nói vọng xuống, đoạn dốc này chừng 1 cây số và mất khoảng 1 tiếng leo lên, anh Đạt đi gần tôi vừa thở vừa nói đứt quãng “.. dốc này dễ chừng 60, 70 độ …” lúc đó tôi bắt đầu thấy ù tai, mồ hôi chảy từ đỉnh đầu xuống, tim đập nhanh đến cả 100 nhịp/1 phút. Tôi há miệng ra thở để lấy được oxy nhiều nhất vì tim của tôi vốn đã..không thích chạy chậm. Thiếu oxy tim phải làm việc nhiều hơn, dễ chừng tôi lăn từ đây xuống thì làm hỏng hết cả chuyến đi ngay từ phút đầu. Đoạn dốc nhiều cây bụi, cỏ tranh, nứa và cả vắt, tôi phải vịn vào các đám bụi, đám cỏ tranh để lấy đà đu mình lên. Lúc này tôi mới thấy cái balô mới nặng làm sao, có những lúc cảm tưởng tôi mà ngửa người ra sau 1 chút là cái balô sẽ lôi tuột tôi xuống dốc. Càng ngày tôi càng tụt lại phía sau cả đoàn, giờ tôi không còn nghĩ gì đến vắt, đến rắn nữa, vắt có cắn thì tôi cũng mặc kệ, các bụi cây đầy vắt là vắt nhưng cứ tóm được cây nào chắc chắc để đu người lên được là tôi tóm.
Các anh em trong đoàn nhìn thấy tôi bò lên 1 cách đà đẫn ai cũng ái ngại nhưng không phải là lúc các anh em tỏ ra galăng với phụ nữ cho dù tôi là thành viên nữ duy nhất trong đoàn bởi hành lý trên vai họ cũng trở lên quá tải với con dốc này. Một anh nói đứt quãng “ lên đầu dốc.. em chia bớt hành lý ra cho mọi nguời.., còn nhiều đoạn cũng dốc như thế này đấy..” Một ý nghĩ bỏ cuộc thoáng qua đầu khi tôi mới bắt đầu cuộc hành trình chưa được 30 phút. Tôi nghĩ tôi cứ đi, ít ra phải giữ chút sĩ diện, cho đến lúc không đi được nữa thì tìm cho tôi 1 nương thảo quả có lán., tôi sẽ nghỉ ngơi và nhờ 1 người đi làm thảo quả đưa tôi về. Đang nghĩ đến đó, thấy anh Lử nói mọi người tìm 1 chỗ có thể hạ hành lý và dừng chân nghỉ ngơi chừng 5 phút, cả đoàn dừng lại và tôi giải thoát mình khỏi cái balô đáng ghét kia, tôi đã nghĩ giá mình có thể quẳng nó đi được. Anh Đạt hỏi tôi có sao không? tôi chỉ dám nói..” đúng là leo dốc phải vác theo cái balô này thì mệt thật..” Đúng lúc đó có hai người Đàn ông H’mông xuất hiện, họ cũng đang bò lên dốc, tôi nảy ra ý định thuê họ vác hành lý cho tôi. Anh Nhỉ cất tiếng hỏi vì đó là 2 người cùng bản anh, anh đề nghị thuê họ mang hành lý cho tôi lên, tôi chỉ thấy họ 1 mực lắc đầu quầy quậy..”chịu thôi, cái này thì chịu thôi..” tôi chỉ kịp vớt vát..”Balô trông to thế nhưng chỉ khoảng hơn 10 kg thôi anh ạ..” Họ chẳng nói chẳng rằng, cứ lầm lũi đi qua chúng tôi. Đã thế cậu Oánh lại đế thêm 1 câu..”em đã bảo chị rồi mà..”Anh Nhỉ đành động viên lên tới chỗ nghỉ trưa nấu cơm, mọi người sẽ chia nhau mang giúp tôi.
 
Thứ 6, ngày 08 tháng 9/2006 (tiếp)

Mọi người lại lục đục lên đường, cái balô 12 kg giờ nó phải nặng gấp đôi chứ chả đùa, anh Nhỉ biết ý tôi mệt nên tụt lại phía sau để đỡ nếu tôi có bị ngã, tôi vừa đi vừa nghỉ, tôi tụt lại hẳn phía sau. Leo dốc khoảng 1 tiếng đồng hồ trong trạng thái muốn quay về như thế, cuối cùng chúng tôi đến 1 đoạn bằng phẳng hơn, tôi thấy mình vẫn chưa lăn ra đất là may lắm rồi. Cả đoàn đi ngang qua 1 nương thảo quả, có 1 cái lán có nghĩa là có nước. Lúc đó gần 12 giờ trưa, anh Đạt ra hiệu cả đoàn dừng lại để nấu cơm trưa, tôi chỉ đợi có thế và vứt bịch cái balô xuống đất, 2 anh hậu cần – anh Thọ, anh Tiến lấy gạo đi thổi cơm. Tôi để ngửa cái balô ra và nằm lên nghỉ. Chứng kiến anh em với hơn 20 kg hành lý trên vai leo ngược dốc, ai cũng thở bằng tai, tôi thấy băn khoăn nếu tôi chất thêm đồ đạc của mình vào đôi vai của họ tôi thấy không đành lòng. Mọi người ngồi bàn tán về cái dốc, Oánh lôi 1 trái lựu trong túi ra, trái lựu đó là tôi gửi vào balô Oánh và nói đùa “ lên tới nơi cắm trại thì quả lựu này đắt giá phải biết!” 1 trái lựu mà tôi chia được làm 11 phần cho 11 anh em, mỗi người 1 tí nhưng ai cũng vui vẻ nhận và ăn rất ngon lành.

Anh em đang ngồi bỗng nhiên tôi thấy xuất hiện rất nhiều ong, có 2 loại, ong vàng to bằng ngón tay út của tôi và một loại ong muỗi. Anh Đạt nói “bọn ong này đi kiếm muối đấy! Mọi người ra nhiều mồ hôi cũng là ra nhiều muối, ong nó đến xin anh em tí muối, cẩn thận với loại ong vàng, loại này đốt chỗ nào thịt thối chỗ đó. Anh đã từng bị đốt, mình chả bao giờ biết khóc là gì mà khi bị ong vàng đốt khóc như cha chết”. Ong muỗi đúng là cũng nhỏ như con muỗi, nó thích nhất muối từ hốc mắt, bình thường nó lấy muối từ hốc mắt các con vật sống trong rừng, chắc nó lầm tưởng chúng tôi cũng là một con gì đó….Tôi tháo giầy ra, vài con vắt lăn lông lốc ra khỏi giầy mà chưa kịp làm gì tôi vì không tìm thấy chỗ nào hở mà cắn. Mấy anh cũng gỡ ra được vài con vắt, lại còn vê vê tròn lại rồi mới búng đi! nhìn vắt lúc này tôi mới thấy khiếp.
Chừng 30 phút nồi cơm nghi ngút khói được bẳng xuống đất. Bữa trưa đầu tiên trong rừng đơn giản chỉ có cơm và 1 ít thịt kho, tôi mệt nhưng không đói, Oánh mua nhầm phải loại gạo bị ngập nước lúc ngả bông nên nồi cơm trông chả hấp dẫn tí nào, hạt cơm to bằng con nhộng và rời rạc. Tôi ăn 2 bát, các anh nói phải tối muộn mới tới chỗ hạ trại ngủ đêm nay nên ăn thêm kẻo dọc đường lại đói, tôi cố làm thêm nửa bát nữa. Oánh nói với tôi balô cậu ấy nhẹ hơn của tôi chừng 4 kg, tôi sẽ đeo balô của cậu ấy, tôi đồng ý ngay, giải pháp này có vẻ đỡ làm phiền đến anh em nhiều nhất. 1h30 anh em chúng tôi đã sẵn sàng lên đường, sau bữa trưa, tôi uống thêm 1/2 viên Nvonc- 1 dạng “đôphing leo núi” mà trước khi lên đường tôi đã làm 1 viên, sau hơn 1 tiếng nghỉ trưa tôi thấy đã khá hơn.
Men theo 1 con đường mòn của dân đi làm thảo quả, rồi ngang qua 1 khe núi khá bằng phẳng, chúng tôi bất ngờ gặp một rừng tre xanh mơn man, tre thẳng tăm tắp, cây nào cây nấy đua nhau vươn cao. “Đất chật người đông” nên rừng tre dày đặc, không một ánh nắng nào có thể xuyên qua tán lá của rừng tre, anh Đạt nói rừng tre là sinh cảnh của các loài lông vũ như công và trĩ. Bây giờ thì lại toàn đi xuống dốc, nghe xa xa có tiếng suối reo. Cứ thế, len lỏi qua rừng tre xanh mướt chừng 40 phút chúng tôi đến bên bờ suối. Cứ gặp suối cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị lại leo dốc, chúng tôi dừng chân bên suối nghỉ ngơi để lấy sức cho 1 con dốc mới, đoạn dốc này không khủng khiếp như đoạn đốc đầu tiên nhưng lối đi thì rậm rạp, phía dưới chân chúng tôi là các tầng cây leo đan vào nhau chằng chịt. Chúng tôi bước đi trên những mỏm đá nhô lên khỏi tầng cây đó. Lối mòn gập ghềnh lên xuống, cũng có đoạn phải đu bám vào cây mới leo được lên nhưng dốc không đến nỗi quá dài, và có những đoạn chùn gối vì dốc xuống quá sâu và trơn. Giờ cái balô trên vai không còn nặng như trước nữa nên tôi vừa đi vừa được ngắm cảnh núi non, suối thác, càng đi những khu rừng hiện ra trước mắt tôi thật hùng vĩ và còn nguyên cái vẻ hoang sơ của rừng già. Có đoạn cả đoàn phải leo qua 1 sườn núi có nhiều cây Dẻ Đấu, mua này là mùa quả chín nên dễ dàng quan sát lũ sóc chuyền cành hái quả chén và gặm cây làm rơi những mảnh gỗ nhỏ trắng ngà ngà suốt dọc đường.
 
Thứ 6, ngày 08 tháng 9/2006 (tiếp)

4h chiều chúng tôi nghỉ chân tại 1 lán thảo quả của người H’mông nằm lưng chừng núi, gần 1 ngày trèo đèo lội suối lúc này tôi cũng đã thấm mệt, cả đoàn cũng mệt nên phải dừng chân nghỉ nhiều hơn. Có đoạn đường mòn khá quang đãng, ánh nắng có thể lọt tới nơi, những chỗ đó thường có rắn ra phơi nắng. Quả là có rắn thật, con rắn sặc sỡ với viền trắng viền đỏ dưới bụng, nằm hiền lành trên đường chúng tôi đi, con rắn đó có tên là Rắn Khiếm Đuôi Đỏ, anh Đạt đã kịp thời thông tin cho tôi biết. Tôi rất sợ rắn nhưng đi cùng nhiều anh em thợ rừng đã trấn an tôi được rất nhiều. Anh Lử trên đời không biết sợ cái gì mà vẫn phải kiêng nể rắn rừng. Anh nói “..cứ hễ gặp 1 con rắn ngay sau đó thế nào cũng gặp cả bầy rắn, có lần đi rừng 1 mình, đang đi nghe thấy ‘phập’ 1 cái, quay lại thấy 1 con rẵn đã cắm sâu nanh của nó vào giầy của mình, may thay bữa đó anh đi giày của bộ đội, con rắn to hơn cổ tay, màu xam xám, đầu bẹt. Thấy rắn mình cũng hoảng chạy được vài bước vẫn thấy con rắn lủng lẳng ở đế giầy, lúc đó mình mới nhận ra nó cắn vào đế cao su quá sâu đến nỗi nó không nhả ra được..”. Bữa tối hôm đó anh được một bữa tươm tất ra trò, tiếc là không còn rượu nhắm.
Cứ gặp 1 con suối lớn là chúng tôi dừng lại lấy nước uống và rửa mặt nghỉ ngơi, 4h30h chiều trong rừng già, trời đã chạng vạng hoàng hôn, anh Lử sốt sắng động viên cả đoàn để sớm lên đường tới lán của anh trước khi trời tối. Lán của anh Lử nằm trong nương thảo quả, với anh mất khoảng 6 tiếng đi bộ từ dưới lên nếu không mang theo nhiều hành lý. Với đoàn đông như chúng tôi, anh ước tính chừng 8 tiếng sẽ đến lán của anh.. Đoạn đường càng đi càng lên dốc, tôi lại thấy mệt như lúc leo đoạn dốc ban đầu, mồ hôi rơi lã chã ướt đầm cả áo. Sợ trời tối nên ai nấy đều tăng tốc, tôi có mệt lắm cũng phải cố mà rảo bước theo vì sợ bị tụt lại phía sau trong cái bóng tối của rừng già bắt đầu phủ xuống khu rừng. Khoảng 5h30 khu rừng đã không còn 1 bóng nắng, chúng tôi đi trên lưng chừng núi nhưng nghe thấy tiếng suối reo dưới thung lũng rất rõ. Đi được 1 đoạn cậu nhất thấy 1 bóng người cởi trần, độc 1 cái quần lưng lửng đầu gối, nhảy qua nhảy lại trên những phiến đá dưới suối, nhanh thoăn thoắt như 1 con sóc, 1 lúc sau tôi mới biết đó là anh trai của anh Lử.. Thường thì anh Tráng ở dưới thôn nhưng mùa thu hoạch thảo quả sắp đến, anh lên đây để canh nương và thu hoạch. Anh Lử nói chuyện suối này rất nhiều cá gọi là cá chày suối, có con to đến 4 kg, chỉ bắt được cá vào lúc chạng vạng tối. Câu loại cá này không cần lưỡi câu, chỉ cần buộc con giun vào đầu thả xuống nước mà nhấc lên, cá cắn mồi rất chặt. Anh kể có lần anh làm 1 chùm mồi, câu được những 7 con. Những nguời đi làm thảo quả ở đây không ai mang theo thức ăn ngoài gạo và muối, tất cả các nguồn thực phẩm khác họ đều dựa vào rừng.
Nhìn thấy anh trai anh Lử dưới suối là tôi khấp khởi nghĩ bụng sắp tới nơi rồi, trời bắt đầu tối, tôi không còn nhìn thấy đường dưới chân mình, tôi đi theo quán tính và bước chân nhanh theo người đi trước. Anh Lử nói còn khoảng 600 mét, leo lên lưng núi phía kia là tới lán của anh, ấy vậy mà 600 mét cuối cùng của anh Lử sao mà xa thế, lúc đầu tôi còn bước đi hăng hái, càng đi dốc càng cao mà mãi chưa nhìn thấy cái lán nào, Cậu Thăng thấy tôi có vẻ không trèo lên nổi nữa bèn gỡ cái balô ra khỏi lưng tôi và đeo balô ra phía trước. Không còn hành lý nhưng tôi vẫn là người đi cuối cùng, cây gậy mang theo giờ cũng thấy nó nặng làm sao, duới gan bàn chân tôi tê tê giật giật, không còn cảm giác. Đoạn dốc 600 mét của anh Lử cuối cùng rồi cũng sắp hết, tôi đã nhìn thấy 1 căn lều phủ bạt xanh, phía trước lều là một đám rau cải xanh, xu xu và các loại rau sống, tôi gắng gượng leo lên. Còn chừng 10 mét nữa là tới lều tôi ngội phịch xuống đất. Anh em đã lên tới nơi, cậu Thăng thấy tôi ngồi trên tảng đá phía dưới liền chạy xuống đông viên tôi lên thế nhưng câu đầu tiên cậu ta nói lại khiến tôi càng thêm mệt mỏi thất vọng.. “ đây là lán của anh Tráng, anh trai anh Lử, lán của anh Lử cách đây “chỉ” 300 mét thôi”. Tôi bắt đầu…ăn vạ, tôi nói là tôi không đi nữa, cho tôi nghỉ lại ở lán anh Tráng cũng được, lúc này trời đã tối hẳn, mọi người lại khoác hành lý lên vai, tôi biết là tôi không thể ngồi đây ăn vạ được nữa tôi lại tiếp tục lần mò theo các anh cho kịp. May thay đoạn đường từ lán anh Tráng đến lán anh Lử không còn nhiều dốc nữa, chúng tôi len lỏi qua nương thảo quả, lúc thì tôi dẵm vào bùn nước, có lúc dẵm xuống cả khe suối, lúc thì dẵm phải cái cây mục chắn ngang đường và tôi lăn ra ngã, kiểu ngã trông cũng rất..ăn vạ. Bước chân tôi đi liêu xiêu trệu trạo trong nương thảo quả nhưng rồi thấy anh em dừng lại tôi biết là chúng tôi đã tới lán anh Lử, lúc đó là 7h kém 5. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã giữ được cuộc hành trình ngày đầu tiên đúng như dự kiến.
Việc đầu tiên là tôi lăn ra đống hành lý để ngả lưng và nhắm mắt lại, toàn thân rã rời nhưng đầu óc lại rất tỉnh táo. Anh em hỏi han xem tôi có mệt không nhưng vì đã đến nơi rồi nên tôi cố gắng tỏ ra với mọi người là tôi còn mệt tí chút để mọi người đỡ lo lắng. Lán anh Lử là lán xa nhất so với lán của người dân dưới bản, anh làm lán xa như vậy cũng là để tiện việc đi săn. Lán chỉ dùng cho mục đích xấy thảo quả và thịt thú rừng nên rất đơn sơ, 2 phía dựng vào vách đá, phần còn lại anh đan bằng tre nứa và phủ 1 tấm bạt xanh còn mới. Anh em trong đoàn mọi người tập trung vào lo cho bữa tối, tôi nghỉ 1 lúc rồi lần mò ra suối, úp mặt xuống trong làn nước mát lạnh,uống đến đâu thấy dịu người đi đến đó, tôi thấy dễ chiu hơn rất nhiều, quay lại lán, 1 bữa cơm nấu vội cũng đã sẵn sàng. Bây giờ tôi mới thực sự đói, tôi chén 3 bát cơm, ăn với lạc rang và thịt kho và 1 ít đậu đũa. Anh em vừa ăn vừa uống rượu mừng cho không có bất trắc nào xảy ra trên đường đi, mừng cho tôi đến nơi mà vẫn nở được nụ cười. Tôi xin 1 ấm nước nóng để ngâm chân nhưng khốn nỗi lại không có chậu, 1 lúc tôi thấy anh Lử vác từ dưới suối lên 1 “cái chậu” hình chữ nhật, được khoét ra từ 1 đoạn cây, anh Nhỉ cẩn thận pha nước và muối vào chậu, nhúng tay kiểm tra xem có nóng quá không rồi mới bảo tôi ngâm chân, tôi lấy làm cảm động lắm. Tôi biết nếu tôi không ngâm chân và massage chân tối nay, thì chặng đường ngày mai tới khu vực có vượn sẽ còn mệt mỏi hơn cả hôm nay, biết thế nên tôi chăm sóc cho đôi chân rất kĩ.
Các anh đốt một đống lửa to trước lán, ai nấy đều mệt, sau bữa cơm, anh em đã lục đục đi chuẩn bị chỗ ngủ. Trong lán rộng chừng 5 m vuông, chỗ của tôi “lịch sự” nhất, đó là 1 cái chõng bằng nứa anh Lử đã làm dễ đến cả năm nay, tôi vừa dẵm 1 chân lên thì hơn 1 nửa chỗ nữa gãy ra làm đôi. Các anh chặt cho tôi 1 nắm lá thảo quả và dương xỉ để lót phía dưới, tôi dải 1 lớp áo mưa lên và đến cái túi ngủ, mấy anh con trai thì lót lá rồi phủ 1 lớp bạt nằm ngủ ở dưới đất, 4 anh leo lên chỗ sấy thảo quả. Đêm nay, sau 1 ngày đi rừng vất vả, ai nấy đều dễ dàng vùi sâu vào giấc ngủ. Cái chõng của anh Lử đã được tôi gia cố thêm khá nhiều lá cây mà vẫn cứ lồi lõm gồ ghề, tôi trằn trọc 1 lúc rồi cũng chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trước khi ngủ tôi vẫn không quên treo cái đèn pin lên mái lán, tôi rất sợ bóng đêm.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,358
Bài viết
1,175,371
Members
192,068
Latest member
shbet188us
Back
Top