What's new

Câu chuyện rừng già

Thứ 7, ngày 09 tháng 9/2006

Nửa đêm về sáng, một cơn mưa rừng xuất hiện, mưa rơi lộp độp trên các phiến lá rồi rơi xuống tấm bạt phủ lán, từ 4 phía tôi chỉ nghe thấy tiếng mưa rơi. Tôi thức dậy từ sớm nhưng vẫn nằm yên trong cái tổ tò vò của mình, tôi nằm gần 1 tảng đá nên nước từ trên tảng đá chảy xuống chỗ tôi nghe rất rõ. 2 anh nuôi được dặn dò từ tối hôm trước là sẽ ăn cơm sớm, khoảng 7 giờ lại lên đường. Trời chưa sáng các anh đã phải dậy, loay hoay 1 hồi tôi nghe thấy tiếng nứa nổ kêu lép bép và thấy ánh lửa ấm áp lại bập bùng trước cửa lều. Mọi người trong lều đều cựa mình, khoảng 6h tất cả anh em đều đã dậy làm vệ sinh, 6 rưỡi các anh hậu cần đã đánh vật xong với nồi cơm dưới trời mưa, chúng tôi ăn sáng trong lều. Lạ thay sáng nay tôi thấy rất khoan khoái, tôi đã nghĩ khi tỉnh dậy chân tôi sẽ không nhấc lên nổi ấy vậy mà cái sự đau đớn tôi tưởng tượng ra gần như biến mất! Thay vào đó, 2 bả vai và hai cánh tay tôi lai đau nhừ, tôi đoán là vì cả ngày leo dốc và đeo balô, trong khi phải vịn cây lấy đà đu mình lên để vượt qua những con dốc dựng đứng nên vai và tay mới đau đến như vậy. Các anh đi rừng đã quen có nói lại rằng mới đi rừng ngày đầu tiên bao giờ cũng mệt, ngày thứ 2 bắt đầu quen và dần dần sẽ không còn thấy mệt nữa, tôi cũng hi vọng là như vậy.

Đã 8h sáng mưa vẫn không ngớt, đoạn đường trước mắt sẽ khó khăn hơn vì không có đường mòn, mà từ lán anh Lử đến chỗ chúng tôi sẽ dừng chân để quan sát đàn vượn cũng mất cả ngày đường. Anh Đạt băn khoăn trời mưa to như vậy đường đi sẽ rất khó khăn. Vậy là chúng tôi quyết định sẽ khởi hành khi trời tạnh mưa. Căn lều lại chìm vào sự im ắng, chỉ còn tiếng mưa rơi, chúng tôi lại làm thêm giấc nữa. 10h tôi nghe thấy có tiếng chim hót lảnh lót trên tán cây ngay cạnh lều, thò đầu ra khỏi túi ngủ, tôi đã cảm nhận ngay 1 tia nắng ấm áp xuyên qua tấm liếp và mùi nồng nồng ngai ngái của tầng thảm mục ẩm ướt khi gặp ánh nắng mặt trời. Anh Đạt khua các anh em dậy, chúng tôi gói gém hành lý và xuất phát lúc 10h30.

Đoạn dốc phía trước không kém gì đoạn dốc đầu tiên, bước chân đầu tiên cũng là dốc, ngọn núi này cao nên chúng tôi không đi theo dông núi mà đi cắt chéo theo sườn núi lên, độ dốc khoảng 70 độ ấy vậy mà tôi không cảm thấy nhọc nhằn như leo con dốc đầu tiên ngày hôm qua. ở đây tầng thảm mục rất dầy, các rễ cây trồi ngang ra, vô tình tạo thành những bậc đi, lối đi ở đây không có nhiều cây bụi, chúng tôi cứ nhằm rễ cây mà bước tới, dẫm chân vào thảm mục không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra vì rất dễ bi trượt chân và không tạo được đà bước tiếp mà phía dưới là thung lũng sâu. Khu rừng này rất nhiều cây to, chúng tôi đu mình vào thân cây để lấy đà lên dốc. Hành quân theo kiểu.. đu cây khoảng nửa tiếng thì gặp một dông núi, độ dốc cũng giảm đi. Con đường trước mắt vẫn gập ghềnh lên xuống, chốc chốc lại gặp một đoạn bằng phẳng như có lối mòn. Sau 2 tiếng hết leo dốc lại tụt dốc gần như không nghỉ, chúng tôi vẫn chưa vượt qua được đỉnh núi để sang phía bên kia., cả đoàn dừng lại nghỉ trưa, bữa trưa hôm nay chúng tôi chỉ có lương khô và nước khe. Tôi mang theo 1 ít xúc xích, tôi chia cho anh em mỗi người một chiếc, vậy là hành lý của tôi đã giảm đi chút ít. Sau bữa trưa chúng tôi mới phát hiện ra xung quanh chỗ mình ngồi có rất nhiều dấu vết của thú ăn thịt nhỏ. Buổi chiều chúng tôi hành quân qua 1 thảm rừng rất đẹp, tầng cao nhất vẫn là các cây cổ thụ, tầng trung bình là rừng trúc gai. Rừng trúc gai chỉ xuất hiện từ độ cao 2200 mét trở đi, rừng trúc gai là nguồn cung cấp thức ăn cho rất nhiều loài động vật, đi xuyên qua rừng thấy những ngọn măng bị gặm nham nhở, ngọn thì do con Căng (khỉ mặt đỏ) ăn, ngọn thì hoẵng ăn, ngọn thì có dấu hiệu của lợn rừng, của lửng lợn. Trên tầng lá của rừng trúc gai cũng là nhà của các loại gà lôi, gà so, tiện thể chúng tôi cũng hái ít măng cho nữa tối nay.

Vượt qua rừng trúc gai dịu mắt chúng tôi đi lạc vào rừng Dẻ, mới đi được vài bước các anh đã phát hiện ra 1 cây dẻ có dấu vết của gấu, nó trèo lên cây bẻ một ít cành và lót 1 chỗ ngồi đàng hoàng rồi mới ăn hạt dẻ. Hôm nay, tôi mới thấy mình tận hưởng vẻ đẹp của khu rừng hơn rất nhiều so với ngày hôm qua, vượt qua 1 ngọn núi khác không mấy khó khăn, anh Đạt và Oánh khẳng định khu rừng kiểu này chính là khu sinh cảnh của loài vượn, nhiều cây to, tán rộng và nhiều loại quả rừng, dưới đất chỗ nào cũng có dấu hiệu của các loại quả rừng đang gặm dở, mùa này là mùa trám, nên chỗ nào cũng thấy trám rụng. Chúng tôi đang tiến sâu hơn vào rừng già và rất gần với dãy Phan Xi Phăng, càng lên cao tầng thảm mục càng dày, cắm sâu cây gậy tôi mang theo xuống tầng thảm mục đó, 2/3 cây gậy bị nuốt chửng, cành cây cũng vậy, trông thì to đấy nhưng có nhiều loại cây, rêu sống gá trên thân cành, nó phải to hơn gấp 3 lần so với lõi cành.
 
Mải ngắm cảnh đẹp tôi bị tụt lại phía sau cùng với Oánh, do không có đường mòn vừa đi chúng tôi vừa tìm dấu chân của các anh. Lọ mọ tìm dấu chân các anh khoảng 20 phút tôi mới nghe thấy tiếng các anh nói ở đằng xa, tôi hăm hở bước tới. Chả mấy chốc chúng tôi đã vượt qua được đỉnh núi có độ cao 2300 mét và bắt đầu tụt xuống 1 thung lũng, anh Đạt ra hiệu cả đoàn dừng lại, theo anh Lử cách đây không xa những tay thợ rừng vẫn nghe thấy tiếng vuợn hót từ tháng 2 vừa rồi. Nơi chúng tôi đứng là điểm cao nhất trong thung lũng hình yên ngựa giữa 2 đỉnh núi, có 1 bãi đất bằng phẳng và lý tưởng để cắm trại. Vấn đề bây giờ là đi tìm nguồn nước, thoáng 1 cái tôi đã không thấy anh Lử đâu. Trong khi đợi anh Lử đi tìm nguồn nước, anh em chúng tôi dừng chân, 1 anh trong đoàn có điều gì đó phân vân. Anh nói với chúng tôi, nếu anh nhớ không nhầm thì cái thung lũng yên ngựa này, chính cái chỗ chúng tôi đang đứng có một nhóm thợ săn đã ở đây và họ kể về nó như một cái thung lũng có ma. Nào thì đang đêm đốt lửa ngọn lửa bị cắt ra làm đôi mà phần trên lửa vẫn cháy bùng bùng, rồi thì ma dấu đồ của anh em thợ săn, đêm để đồ chỗ này, sáng ra lại thấy ở chỗ khác, nửa đêm nghe thấy tiếng vó ngựa phi nước đại…Nghe đến đây tôi lạnh hết cả xương sống, tôi nằng nặc đòi anh Đạt tìm chỗ khác để cắm trại, thấy tôi sợ mọi người lại càng xúm vào trêu tôi đến lúc tôi phải gắt lên mọi người mới nhận ra là tôi sợ ma thật. Anh Đạt giải thích để trấn an tôi rằng không có gì khó lí giải về mấy hiện tượng đó, vì là điểm cánh cung cao nhất trong thung lũng, thung lũng này lại nằm trên cao, điểm giao nhau cao nhất giữa hai quả núi nên luồng gió chạy qua đây rất mạnh vì từ 2 phía không có núi nào chắn…Sau chừng 10 phút Anh Lử quay lên, anh nói tìm được một mạch nước nhỏ cách đây chừng 100 mét, anh Lử nói phía duới có chỗ hạ trại đẹp hơn và gần nguồn nước hơn, anh em đồng ý ngay. Đi xuống thung lũng về phía Tây Bắc quả là có một chỗ cũng khá bằng phẳng, nằm ngay dưới phiến đá nghiêng 50 độ, chúng tôi quyết định dừng chân và làm lán, lúc đó khoảng 3h chiều. Tôi chọn chỗ bằng phẳng sát dưới chân phiến đá làm chỗ căng lều, tôi hăm hở nhổ cỏ và nhặt lá cây mục quanh chỗ đó, vừa nhổ 1 cái cây lên, tôi làm bung ra 1 tổ sâu, sâu nhỏ bằng que tăm có mầu nâu nâu và quấn vào nhau thành búi, khiếp quá! tôi quẳng cả gậy mà chạy. Anh Tiến xán lại gần, anh bới hết đất chỗ đất có tổ sâu, một anh nói đấy là 1 loại bọ ăn xác thối, chắc chắn ở dưới đó có con gì chết nó mới ở đó. Anh Tiến lại đế thêm “.. bầy giờ mà bới thêm tí nữa thế nào cũng có 1 nắm tóc rồi đến 1 cái đầu lâu..” Tôi gắt lên “. .đừng nói nữa, để em chuyển ra chỗ khác..” thấy tôi có vẻ sợ thực sự anh Tiến lặng thinh. Anh nói để anh đào hết chỗ bọ này rồi lấy lửa đốt một lượt là em cứ yên tâm. Tôi ngồi thu lu trên 1 mỏm đá quan sát anh Tiến đào đất rồi mang hết chỗ bọ đi rồi đốt 1 đống lửa to chỗ tôi định dựng lều. Cậu Nhất rất thật thà nói với tôi trong khi tôi vẫn còn chưa hết choáng váng về cái vụ bọ ăn xác thối đó..” chỗ sát chân vách đá trông đất lì như vậy chắc chắn là đường đi của rắn hoặc chuột..” Tôi vùng vằng nói mọi người đừng có doạ tôi nữa..” em dựng lều xa ra 1 chút, có lửa, rắn cũng không dám đi qua đâu nên đừng lo..” anh Nhỉ nói.
Trong khi mọi người dựng lán, tôi vẫn quyết định dựng lều của mình trên nền đất đó vì các anh chọn chỗ làm bếp lửa ngay trước cửa lều, tôi chạy đi cắt ít lá dương xỉ để lót cho bằng phẳng rồi mới dựng lều. Em Tiến, cậu em trẻ nhất trong đoàn, ít nói nhưng có nụ cười rất ấm áp xoa dịu tôi “ ở đây chị tha hồ mà xem Sóc, xem Cầy bay, quanh đây có rát nhiều quả cây bị sóc gặm giở...” Thấy các anh em xăm xăm đi chặt cây làm lán, anh Đạt nhắc nhở anh em hạn chế tối đa việc chặt cây mà hãy tận dụng những cây có sẵn và vách đá làm điểm tựa để dựng lán. Ngay từ việc làm lán, các anh thợ rừng đã quen với việc chặt phá và săn bắn, đã nhận ra phần nào ý tứ của chúng tôi về việc khai thác rừng bền vững. 4h anh em chúng tôi làm xong lều lán, vậy là từ bây giờ tôi chính thức ở riêng trong căn lều xinh xắn của mình chừng 5 ngày trong 1 thung lũng nhiều hoa quả, nhiều sóc, nhiều trúc gai và có tới 10 anh..bảo vệ (nói vậy thôi, mọi người vẫn thích doạ dẫm tôi thì phải…), giờ thì tôi không sợ sâu, cũng không sợ rắn nữa nhưng vẫn có gì đó ám ảnh trong tâm trí tôi về câu đùa của anh Tiến, mãi mà không dứt ra được.
Trời đã về chiều, tôi ngồi cạnh bên bếp lửa, hơi từ nồi cơm bắt đầu toả ra bùi bùi ngan ngát. Bữa tối được chuẩn bị khá sớm vì hôm nay anh em chúng tôi đi nhanh hơn dự kiến. Ai cũng thấy đói, cái bánh lương khô, 1 cái xúc xích cho bữa trưa không thấm vào đâu. Trời càng về chiều càng lạnh hơn, tiếng chim chiều về tổ nghe xào xạc khiến cho khu rừng thêm phần quạnh vắng, hoang vu, gió rừng chạy trên các phiến lá tạo ra thứ âm thanh có lúc ầm ào như thác đổ, lúc thì luồn vào khắp bụi cây, tiếng nói lẫn tiếng gió nghe loáng thoáng, lao xao. Mải mê nói chuyện, thấy trời đã xẩm tối, anh em đã chuẩn bị gần xong, ngó đồng hồ mới có 5h30 vậy mà ai cũng nghĩ đã gần 7h, 1 bữa tối ra trò sau 2 ngày lọ mọ ăn ở tạm bợ trong rừng. Mỗi người nhận được chỉ tiêu 1 bát rượu, và tôi cũng không phải là trường hợp ngoại trừ.Chúng tôi làm bàn ăn bằng trúc gai hẳn hoi, bữa tối có măng rừng luộc, lúc ăn thử tôi thấy nhặng nhặng đắng, kinh nghiệm khử vị đắng của măng là cho 1 nắm lá tre hoặc trúc vào luộc cùng, anh Thọ nói chuyện và thoăn thoắt chạy đi hái 1 nắm lá. Măng luộc, măng xào, thịt kho, cá khô.. bất cứ nấu món gì các anh cũng cho thảo quả vào cho ấm bụng, nào ai dám mơ tưởng một bữa tối trong rừng thịnh soạn hơn thế!

Bữa tối rôm rả với câu chuyện về khu rừng này của anh Lử, người anh cả của đoàn.Với mỗi người H’mông, con dao đi rừng là thứ quan trọng nhất, anh Lử có 1 con dao mà lưỡi dao đã mòn vẹt đến gần sống dao.. anh Đạt hỏi “con dao này chắc già hơn bác Lử rồi chứ..” Anh Lử nói “ mới khoảng mười mấy năm thôi, mình luyện con dao này từ nhíp ô tô, bây giờ không kiếm được thép tốt nên mình vẫn dùng con dao này..” trong đoàn mỗi anh có 1 con dao như vậy, một vật dụng bất ly thân mỗi khi đi rừng. Câu chuyện về ông Hầu A Trúng làm bữa tối của chúng tôi thêm phần rôm rả, “ ..ông Trúng là người giỏi nhất trong làng đấy! ông có 13 đứa con mà vẫn có tiền hút thuốc phiện, bà vợ giỏi giang, khoẻ như con trâu cày..”
Chúng tôi đang vui vẻ chuyện trò bỗng nghe 1 tiếng súng nổ bên kia núi, giáp Sapa.. rồi tiếng súng thứ 2, thứ 3.. anh Lử kể ở bên đó có 2 bố con nhà thợ săn từ Hâu Mít sang, tên là Kểnh thì phải, họ sống dưới chân dãy Fan Xi Phăng phía giáp Văn Bàn đã 10 năm rồi, săn bắn tất cả các loại thú trong khu rừng này, rất ít người gặp bố con ông ấy, anh Lử cũng chỉ nghe nói chứ chưa gặp họ lần nào.Vì họ bên Hâu Mít sang đất Nậm Xé săn bắn là phạm pháp nên họ lủi nhanh như con thú. Khu vực đó vừa giáp Lai Châu, vừa giáp Sapa nên thú bị săn lùng nhiều, ở đấy có 1 khe nằm giữa 2 đỉnh núi, thường là đường di chuyển của động vật từ bên này sang bên kia núi, bố con nhà ông Kểnh hay rình để bắn thú ở đó. Bố con nó cứ ở mãi trong rừng như thế, lúc nào hết dầu hết muối nó mang thịt rừng sấy xuống chợ đổi muối, đổi dầu...”. Tôi hỏi anh Lử, anh Đạt liệu có thể sang bên đó hỏi thông tin về đàn vượn được không, anh Lử nói là cũng không chắc “..đi bộ mất khoảng 3 đến 4 tiếng, có điều khi đã sống trong rừng và đi săn, lúc nó ở chỗ này lúc nó ở chỗ khác, không chắc đã gặp được, nếu đi vào ban đêm thì chắc hơn…”. Theo kinh nghiệm của anh Đạt, những chỗ có tiếng súng như thế chắc chắn vượn sẽ không ở và có lẽ cũng không còn vượn. Sự xuất hiện của súng săn khiến đàn vượn không còn hay hót như trước nữa.Tuy nhiên vượn hót là để giao tiếp, nó không thể không hót quá 5 ngày khi trời xấu, kể cả buổi chiều mới có nắng nó vẫn hót, nếu đôi vượn 1 con bị bắn chết thì con kia vẫn hót, thậm chí nó còn hót nhiều hơn để đi tìm lại bạn mình.
 
(tiếp)
Câu chuyện càng về khuy càng thêm phần rôm rả, các anh em đã từng là thợ săn bắt chước tiếng của nhiều loại linh trưởng và đố anh Đạt phân biệt được, cả khu rừng náo động bởi tiếng các loài linh trưởng, loài chim, loài thú mà các anh bắt chước. Anh Đạt giải thích một lúc rồi ngắt lời mọi người vì anh em quá cao hứng làm ầm ĩ cả khu rừng. Giờ thì chúng tôi ngồi yên lặng nghe anh Đạt phân công công việc cho ngày mai. Công việc được phân công như sau;
Cả đoàn chúng tôi chia làm 2 nhóm, tôi xin đi theo nhóm anh Đạt vì có cả anh Lử đi cùng, 4h30 sáng tất cả anh em xuất phát tại lều, nhóm chúng tôi sẽ leo lên đỉnh núi phía bên trái giáp với Fanxipăng, đi về phía Đông Bắc, điểm đó sẽ nghe tốt hơn nhưng khó đi hơn vì đỉnh cao và nhiều dốc, leo khoảng 50 phút sẽ tới đỉnh, anh Lử dẫn đường vừa đi vừa phát đường. Nhóm Oánh sẽ đi ngọn núi phía bên tay phải mà chiều nay chúng tôi đã leo qua. Anh Đạt cũng dặn dò 2 anh nuôi nếu trời nắng ấm thì nấu cơm lúc 10h, trời u ám có mưa thì 11h hẵng nấu, vì vượn chỉ hót khi trời có nắng.Anh Đạt kể có lần đi điều tra phải ngồi trên đỉnh núi cả sáng để đợi trời quang mây tạnh, bữa đó trời mưa, mọi người chuẩn bị về thì trời hửng nắng, lúc đó là 1h, vượn mới bắt đầu hót. Anh Đạt cũng nhắc lại nguyên tắc tuyệt đối trật tự để lắng nghe và thu nhận âm thanh từ mọi phía rồi phân loại. Trên đường về anh em để ý hái rau rừng cải thiện bữa cơm. Anh Thọ đề nghị anh sẽ đi hái nấm nhưng tôi phản đối ngay, anh Đạt cũng không ủng hộ đề nghị này, nấm rừng thì nhiều vô kể, nhiều loại trông từa tựa như nhau, không ai dám chắc chắn là sẽ không hái phải nấm độc. Anh Nhỉ nhìn lên trời rồi lại nhìn bếp lửa và nói “ hi vọng sáng mai trời sẽ đẹp, hướng gió thổi từ trên xuống thì sẽ có 1 ngày quang mây..” Thì ra anh nhìn hướng khói bếp bay xuống phía dưới thung lũng nên anh đoán được cơn gió lành từ phía nam đang thổi tới.

Trong rừng bóng tối đổ sập xuống rất nhanh, ban đêm cây cối có vẻ như xít lại và đan các tán lá vào nhau, đêm nay là 17 âm lịch, tôi đã hi vọng chuyến đi này đúng vào tuần trăng và tôi sẽ được tận hưởng ánh trăng rừng. Thật buồn hôm nay thời tiết vẫn ảnh hưởng đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên của mùa khô, cả ban ngày mà cũng hiếm khi nhìn thấy có ánh nắng.
Cậu Oánh nhắc mọi người mang lương thực vào trong lán, Anh Nhỉ bê can rượu đặt vào phía chân vách đá, cậu Nhất lên tiếng “đúng đấy! Cất rượu vào đấy là đúng, để ngoài này nhờ cành cây rơi vào làm thủng chẳng khác gì nước mắt chảy ra..”. Bây giờ ngồi quan sát lán tôi mới nhận ra lán chúng tôi chưa hẳn là đã nằm trong 1 vị trí thuận lợi, lán nằm trên đoạn dốc xuống của thung lũng, nếu có mưa to thì đây sẽ là đoạn dốc xuống đầu tiên bị nước đổ từ 2 ngọn núi xuống và tràn qua. Tôi tỏ ý băn khoăn của mình, anh Quang, thành viên nhiều tuổi thứ 2 trong đoàn có nói chiều nay anh đã đào 1 con rãnh phía trên lều của chúng tôi. Vị trí chỗ tôi nằm tưởng là tránh được mưa nhưng sẽ là chỗ đón nước từ trên vách đá chảy xuống đầu tiên. Tôi dừng bút, nhìn các gương mặt bình thản của các anh em, người thì uống trà, người thì thu vén chỗ nằm cho đêm nay. Những gương mặt bình thản đã khiến tôi thấy vững tâm hơn để qua đêm thứ 2 trong 1 thung lũng không có dấu chân người lui tới.
Anh em đã rục rịch vào trong lán, tôi nhờ cậu Lý A Tiến, cậu em trẻ nhất đoàn khơi bếp lửa trước cửa lều của tôi và cho thêm mấy cây củi to để lửa đượm suốt đêm, 2 ngày mải hành quân nên tôi chưa có dịp nào nói chuyện với Tiến, hỏi chuyện tôi mới biết cậu là nguời H’mông xanh duy nhất trong đoàn. Tính cậu bẽn lẽn như con gái, người nhỏ con vậy mà 2 ngày vừa rồi Tiến gùi bao tải hành lý nặng nhất, 15 kg gạo, 10 lít rượu và tư trang hành lý. Bao tải cậu gùi lại không có dây vải để đeo, cậu dùng cây giang cây nứa làm dây gùi tải hàng. Nhìn cậu em tôi thấy thật ái ngại vì chúng tôi phải đợi khi kí hợp đồng chính thức với nhóm CBMG lúc đó các anh em mới được cung cấp ba lô và thiết bị đi rừng. Nghe bố tôi kể lại, người H’mông xanh có xuất xứ từ một dân tộc của Nhật Bản, tôi lân la hỏi Tiến, Tiến cũng nói cách đây hơn 1 thế kỉ, khi nước Nhật có chiến tranh, rất nhiều người bỏ chạy vào rừng, mỗi người chạy một ngả,họ chết dần chết mòn, những người sống sót họ cứ đi mãi, đi mãi, đầu tiên họ qua Mông Cổ, rồi vào Trung Quốc, 1 nhóm đến được Việt Nam, đầu tiên họ ở ý Tý thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai,có 2 người sống ở Sapa. Giờ họ không còn nữa, họ chết đi cũng không để lại dấu tích về người Mông Xanh ở Sapa, còn 1 nhóm 7 người lưu lạc đến đất Nậm Xé, 7 người thành 3 gia đình, họ sinh con đẻ cái ở mảnh đất này, ban đầu chỉ lấy người trong cùng cộng đồng. Bây giờ thì khác, người Mông xanh lấy người Mán, người Thái rất nhiều. Cách đây 20 năm, chính phủ Nhật Bản đến thăm Nậm Xé, họ xác định qua văn hoá và chữ viết, họ nghiên cứu về công cụ làm việc và họ xác định nguồn gốc Nhật Bàn cho người Mông Xanh, Chính phủ Nhật đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng người Mông Xanh, họ về xây cầu, làm đường xá..Họ đầu tư khá nhiều khiến cho Nậm Xé giờ đã khá hơn.

Tiến kể chuyện cậu là số ít những người trong thôn cố theo học hết lớp 12, ước mơ của cậu là được học trung cấp về tài chính vậy mà khi có giấy báo nhập học, gia đình không có tiền cậu đành ngậm ngùi để năm khác, năm nay cậu sẽ cố đi làm thuê kiếm tiền để theo đuổi ước mơ của mình. Thời gian Tiến đi học trung học gia đình em cũng vất vả lắm mới nuôi em hết cấp 3, cậu kể những buổi được nghỉ, cậu lao về nhà đi làm thuê, đi lấy giềng bán để đỡ đần cho gia đình. Có những lúc hết gạo hết tiền, vì thương gia đình cậu không dám về…tôi thấy mắt Tiến rưng rưng tôi không dám hỏi thêm gì nữa.
 
Mỗi một con người trong số anh em chúng tôi ngồi đây đều có một số phận, anh thì cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng nên phải đi ở cho người Mông người Thái, anh thì còn nhớ ngày hôm trước được mẹ vẫn cõng mình trên lưng, đến ngày hôm sau và nhiều hôm sau nữa mãi mà không thấy mẹ về để được cõng.., tôi thấy chạnh lòng, cứ như mình có điều gì đó không phải với anh em. Trong khi tôi có quá nhiều điều chưa hài lòng về cuộc sống của mình thì cuộc sống của những con người thuần hậu nơi núi rừng này, ước mơ của họ thật mộc mạc, họ mơ con cái họ được học hành, họ mong đàn gia súc không bị dịch bệnh, họ mơ có thể bán thảo quả được giá và mơ một lần được về HN, họ sẽ đến thăm lăng Bác, có anh nghĩ chắc chẳng bao giờ ước mơ đó trở thành hiện thực … Từ tối hôm qua đến nay, sau mỗi câu chuyện với một người, tôi chỉ muốn mình có thể làm ngay cái gì đó cho họ. Giữa núi rừng này tôi có thể làm được gì, tôi chỉ biết mình nên cư xử dịu dàng với các anh và luôn cười để ít nhất tôi cũng thấy tôi đã làm được điều gì đó. Tôi nói với Oánh giữ lại số công tác phí của tôi và chia lại cho anh em, chuyến đi vất vả này dự án có trả họ gấp nhiều lần hơn nữa cũng không thể so sánh với tấm lòng, sự nhiệt tình của anh em lo lắng cho công việc của đoàn…

Tôi nghe lỏm các anh đang bàn tán về 1 loại rắn gì đó, màu đỏ, sặc sỡ, sống gần suối, cứ đụng vào là nó đứt ra làm 3, 4 đoạn. Rồi cả loại rắn sống ở 1 thung lũng cách đây không xa, độ ẩm nơi đó rất cao, loại rắn to bằng cổ tay di chuyển bằng cách quăng mình như người lia 1 khúc gỗ, thì ra loại rắn đó có tên là rắn lục núi – anh Đạt giải thích. 8 rưỡi tối, sương xuống nhiều hơn, ngoài trời bắt đầu lạnh, anh em lục tục kéo nhau vào lán chuẩn bị chỗ ngủ. Tôi cời đống lửa trước lều cho cháy to hơn rồi mới chui vào lều. Anh em vẫn hàn huyên tâm sự về hoàn cảnh mỗi người. Tôi nhận ra các anh em ở đây ai cũng lấy vợ trước 20 tuổi. Duy nhất có anh Nhỉ 21 tuổi mới lấy vợ, Anh Lử lấy vợ từ lúc 14 tuổi, bầy giờ anh 42 tuổi và có tới 6 đứa con.
 
Tôi nằm trong chiếc lều xinh xắn của mình, phía trên tôi là một vách đá nghiêng và tán cây rừng dày đặc lá, trước cửa lều là một đống lửa, quanh tôi có anh em. Bóng đêm trùm lên chúng tôi, tôi không dám tưởng tượng nhiều về những gì ngoài căn lều tôi đang nằm, nhưng cái cảm giác mình bé nhỏ giữa cái âm u nhiều tầng nhiều lớp của rừng già khiến tôi có cảm giác mình đang nằm dưới đáy 1 cái loa khổng lồ và sâu hun hút, càng trên miệng loa, càng mênh mang bao la, tầm mắt không thể kiểm soát. Đôi khi tôi thấy lạnh xương sống vì câu đùa của anh Tiến chiều nay..” biết đâu đào lên tí nữa lại thấy có nắm tóc..” tôi xoay người nằm nghiêng để bớt đi cái ớn lạnh đang chạy dọc sống lưng. Đã có tiếng thở đều đều, anh Đạt mở chiếc đài bán dẫn, một câu chuyện về tình yêu, tôi nghe câu được câu chăng. Không hiểu sao cái u tịch, cái tĩnh lặng của rừng già về đêm, thỉnh thoảng một cơn gió mạnh chạy ào trên tán cây vẫn chưa đẩy tôi tới mức độ tưởng tượng cực điểm cho tới khi cái tiếng rè rè phát ra từ cái đài bán dẫn của anh Đạt thì tôi mới mường tượng ra hết sự cô đơn, sự bé nhỏ của anh em chúng tôi giữa bóng đêm đặc quánh của khu rừng già rộng mênh mang này. Anh Đạt thấy tôi cựa mình nhiều, anh nói vọng sang không biết để động viên khuyến khích hay anh khen tôi thực sự, anh nói “..những phụ nữ là chuyên gia sinh học ở VN hiếm người đi được như cô đấy, đằng này cô lại là cán bộ văn phòng, anh đi quen còn thấy nhiều khi đuối sức, thế mà cô vẫn vác theo được cái balô. Trước đây, phụ nữ đã từng đi rừng ở Quảng Nam cùng anh chỉ có cô Lucy, to khoẻ thế, không phải mang hành lý, mà vẫn phải người đẩy, người kéo, cô ấy khóc giữa rừng vì làm phiền nhiều người quá! Sau chuyến đi này cô có thể tự hào với toàn thể dân bảo tồn FFI, WWF, đến được đây, anh thấy cô vẫn cười được là tốt rồi..”! Thú thực là tôi cũng giấu đi nhiều cái nhọc nhằn trên đường đi để anh em không phải lo lắng quá cho tôi, có những lúc tôi cảm tưởng tôi không thể nhấc chân đi nổi, đôi vai trĩu nặng, hai tay rã rời, chưa bao giờ tôi có mồ hôi chảy từ đỉnh đầu xuống, chảy cả vào mắt làm cay xè, tôi trượt ngã rất nhiều nhưng vẫn nhăn nhở cười để anh em cảm thấy tôi vẫn bình an. Tôi không nghĩ nhiều đến việc để tự hào với FFI, tôi thấy tự hào với chính tôi còn ý nghĩa hơn nhiều, tôi có cảm tưởng chuyến đi này sẽ là chuyến đi ấn tượng nhất mà tôi đã và sẽ có.
Sáng sớm ngày mai, buổi sáng đầu tiên tôi sẽ được tham gia công tác chuyên môn, tôi miên man tưởng tượng về hành trình lên điểm cao nhất để nghe được tiếng vượn hót, tôi tượng về một lối đi do anh em chúng tôi tự tạo ra, khu rừng này bất cứ nơi nào có dâu chân của của anh em chúng tôi đi qua, chỗ đó sẽ có một tuyến nghiên cứu được vẽ mới trên bản đồ bảo tồn của FFI. Sáng mai hẳn sẽ là một buổi sáng rất thú vị, giờ thì tôi cần ngủ một giấc thật ngon để đủ sức khoẻ leo núi và tận hưởng một ban mai an lành trên đỉnh núi.
 
Chủ Nhật, ngày 10/9 năm 2006

4h sáng, tôi thấy căn lều của tôi ánh lên 1 màu lửa ấm áp, 2 anh nuôi đang chuẩn bị nấu an sáng, tối qua anh Thọ ngủ ngoài trời bên bếp lửa, thỉnh thoảng thức đậy cời lửa cho lán chúng tôi được ấm áp.
2 đêm ngủ rừng, đêm thứ nhất nghe mưa rừng rơi trên các phiến lá thảo quả, đêm thứ 2 nằm nghe những cơn gió chạy trên tấm thảm lá trên các ngọn cây cao, cứ ầm ào như một dòng nước khổng lồ đang đổ về thung lũng, và nữa, cả tiếng quả rơi mà bọn sóc ăn đêm thả lộp bộp trên mái lều… Tôi ngủ không được ngon lắm, cái túi ngủ có thể giữ ấm trong khoảng 10 độ mà càng gần về sáng tôi chả thấy thấm tháp gì. Nhiệt độ trên độ cao 2300 mét vào ban đêm có thể dưới 10 độ. Ngủ không ngon nhưng tâm trạng rất phấn khích cho chuyến hành quân lên núi sáng nay, tôi chợt nhớ cần phải uống 1 viên “doping leo núi”. Anh Đạt nhắc nhở mọi người mặc áo ấm, lên trên đỉnh không có chỗ trú tránh gió nên gió rất mạnh và lạnh. Tôi đã lường trước việc này nhưng khi bị yêu cầu bỏ lại đồ đạc, tôi bỏ quần áo ấm lại là chủ yếu, may mà tôi vẫn còn giữ lại cái áo khoác chống nước. Tôi nai nịt gọn gàng, khoác trên vai cái máy ảnh, mang theo đèn pin và 1 ít lương khô. Tôi có 2 cái đèn pin ánh sáng trắng, tôi tặng anh Lử 1 cái vì đèn của anh tối om om trong khi anh lại là người dẫn đường. 1 bát mỳ tôm và 1 bát nước chè nóng hổi khiến tôi sảng khoái và tỉnh táo hẳn. Khi khu rừng còn chưa thức giấc, bóng đêm vẫn chưa lui anh em chúng tôi đã sẵn sàng lên đường.

Anh Lử đi đầu để phát cây bụi tạo một con đường để chúng tối tiến bước, tôi không nhìn thấy gì ngoài ánh đèn pin loang loáng, điểm nghe vượn hôm nay đã được anh Lử, anh Đạt xác định từ tối hôm qua. Chúng tôi đi ngược lên đoạn yên ngựa giữa 2 thung lũng, khi đến đây tôi chợt nhận ra đây chính là nơi các anh bàn tán về hiện tượng ma rừng, tôi thoáng nghĩ tới nhưng vội gạt đi để kịp theo bước các anh. Nhóm chúng tôi bao gồm anh Lử, Đạt, Nhất, Tiến và tôi. Tôi nói anh Nhỉ “ anh đi sau em nhé, mọi người leo nhanh lên trước em không kịp mà bị lạc đường, mò mẫm trong bóng đêm thì em chết ngất..” . Anh Nhỉ vui vẻ nhận lời và khoác hộ tôi cái máy ảnh, anh vừa đi vừa nói..” đêm qua có 1 đôi hoẵng về rất gần lán, nó kêu oắc oắc suốt đêm làm anh thức dậy mấy lần..”.
Đường leo lên đỉnh là một vách núi chừng 60 đến 70 độ, anh Đạt nhắc anh em cẩn thận vì tầng thảm mục trên này dày, tôi cắm cây gậy xuống để lấy đà đi, có những lúc thảm mục gần như nuốt chửng cây gậy của tôi. Càng đi đường càng dốc, thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại chờ anh Lử phát đường, lúc tôi đi được bằng 2 chân, lúc lại bò lại bám bằng ..4 chân. Tôi không có cảm tình với cái bóng đêm vẫn sền sệt quanh tôi, người đi sau phải nhanh chân để bước vào chỗ chân người đi trước vừa nhấc lên, thế nên không thể chần chừ 1 bước mà lạc mất dấu chân các anh trong bóng đêm, thành thử cứ vớ được cái gì có thể tóm được 2 bên lối đi để tôi có thể đu mình lên là tôi tóm để đi cho kịp. Qua đoạn dốc nhất, tôi bị lỡ nhịp bước vào dấu chân anh đi trước, tối cuống cuồng vớ vội 1 cái cây gần đấy để đu mình lên, chẳng may tôi vớ phải 1 cây mục, cái cây gẫy làm đôi, mất đà, người tôi trượt xuống phía dưới. Theo quán tính tôi chộp vội một cái cây khác để không bị trượt xuống vực, tay phải vẫn cầm đèn pin, cả bàn tay trái đưa ra rất nhanh để túm lấy 1 cái cây khác, tôi đu được vào 1 cái cây nhưng đầu gối đập vào 1 phiến đá. Do tôi vung tay ra quá nhanh nên ngón trỏ và ngón giữa chộp vào 1 vách đá trước khi chạm tay tới cái cây, đầu các ngón tay trỏ và ngón giữa tứa máu. Hoàn hồn, anh Nhỉ 1 tay bám vào 1 thân cây, tay kia đỡ tôi lên. Vừa lên tới chỗ có thể đặt chân được, chúng tội vội vã trèo lên tiếp, không kịp soi đèn xem cái thung lũng ấy sâu cỡ nào. Mấy người đi trước không biết tôi bị ngã nên không đợi, càng bò lên cao cây bụi cây gai càng nhiều, cây leo thỉnh thoảng giữ chân tôi lại cứ như có người kéo chân mình xuống, 2 anh em chúng tôi cứ rúc cả vào bụi mà đi. 1 lúc sau chúng tôi đến 1 chỗ bằng phẳng hơn, các anh đang đợi chúng tôi ở đó. Anh Lử tiếp tục phát đường, anh chỉ phát những bụi cây to, bụi nhỏ chúng tôi lấy 2 tay rẽ bụi ra mà đi, cứ thế khoảng 40 phút chúng tôi luồn lách qua các bụi cây, luồn lách trong bóng đêm, giờ thì chúng tôi sắp leo lên tới đỉnh núi. 5h15 phút, trời tang tảng sáng, tôi không cần đến đèn pin nữa. Lúc này chúng tôi mới phát hiện ra xung quanh rất nhiều dấu vết của lợn rừng, của cầy vằn còn rất mới, chúng ủi đất ăn giun, ăn côn trùng…thấy động nên chúng đã bỏ đi.
 
5h30 chúng tôi đã tới điểm cao nhất của ngọn núi, độ cao 2480 mét (theo GPS), trên đỉnh núi lại rất bằng phẳng, ở độ cao như thế không có cây to, chỉ có các cây bụi gai và loài đỗ quyên chịu rét chịu gió. Mải miết đi đến giờ tôi mới nhận ra về hướng đông bắc đỉnh Phan Xi Păng sừng sững đang còn ngái ngủ, mây ở bốn phía bốc từ dưới thung lũng bốc lên khiến tôi có cảm giác bồng bềnh như tiên giới. Khoảng 10 phút sau, 1 tia nắng đầu tiên vượt qua đỉnh Fan xi Făng mang hơi ấm ban mai đến chỗ chúng tôi. Tôi mải mê chụp ảnh, mọi người ai nấy giữ im lặng, thu mình vào 1 đám bụi cây để tránh cơn gió lạnh buổi sớm. Phía Đông Bắc là Phan xi Phăng, chếch về phía tây bắc là Núi Hoàng Liên nằm trên địa phận tỉnh Lai Châu, “Một điểm nghe vượn và ngắm phong cảnh không thể tốt hơn được nữa” anh Đạt nói, tôi đang mải ghi chép thấy anh Đạt ra hiệu mọi người lắng nghe và hướng tai về đỉnh núi chóp đá phía Tây Bắc, đấy là 1 đỉnh có độ cao trên 2800 mét. Từ xa chúng tôi nghe vọng lại tiếng “ chút chút” dài, chúng tôi nghe chừng 2 phút, anh Đạt xác định đây là tiếng gà xo chứ không phải tiếng vuợn. Hôm nay hướng gió thổi từ Bắc đến Nam nên việc xác định tiếng hót của đàn vượn sẽ gặp khó khăn hơn là có hướng gió thổi chiều ngược lại, nếu thuận gió chúng tôi có thể nghe vượn hót cách chừng 5km đường chim bay.

Lẫn trong tiếng suối reo, tiếng chim hót, tiếng gà rừng, tiếng hoẵng kêu mà anh Đạt vẫn xác định được từng loài một, 6h tiếng súng đầu tiên vang lên từ phía tây bắc Phan Xi Păng. Người H’mông đã nổ phát súng nào là trúng phát đó. Vậy là một con thú thuộc về rừng già đã bị giết. Anh Lử nói ..” bố con nhà ông Kểnh sống và đi săn trong bán kính phải vài ngìn héc ta, không ai làm gì được bố con nhà ông ấy, thậm chí kiểm lâm cũng khó có thể tới nơi..”.
6h10, cả khu rừng thức dậy, tiếng các loài chim đua nhau hót liu riu khắp nơi. Hôm nay trời nhiều mây nên cả khu rừng thức dậy muộn. Anh Đạt hót bắt chước tiếng vượn để anh em chúng tôi phân biệt rõ tiếng vượn giữa cái náo động của khu rừng lúc bình minh.

6h30 1 tiếng súng khác lại vang lên, ngay sau đó là 1 tiếng súng nữa về hướng đông Bắc, anh Đạt tỏ vẻ băn khoăn thực sự ra mặt ..”có tiếng súng ở nhiều nơi thế này, chưa chắc vượn đã hót..”. 6h50, phát súng thứ tư vang lên vẫn từ hướng Đông Bắc, tôi tỏ vẻ thất vọng, anh Đạt cũng nhíu mày. Thấy vậy anh Nhỉ rất nhạy cảm xoa dịu chúng tôi..” bọn này mà bắt được, cho nó phát súng kíp..” anh Lử rất hồn nhiên đế theo 1 câu..” tội phạm bắt tội phạm..” nói rồi anh mới chợt nhớ ra vai trò của các anh bây giờ không còn là thợ săn nữa, tham gia vào nhóm CBMG các anh có quyền can thiệp thu súng của mấy tay thợ săn. Thấy mình lỡ lời, anh Lử cũng vội chống chế..” mùa này sắp đến vụ gặt, thợ săn bên Sapa cũng sắp phải về, rừng sẽ yên ắng hơn nhưng nói thật lúc hết mùa gặt, họ quay lại thì tiếng súng trong rừng lại đùng đùng, nhiều như là đánh nhau với TQ..” Mải ghi chép tôi không để ý, tôi nghe loáng thoáng rất có thể ngọn núi phía Tây Nam còn vượn, nghe 2 lần kêu nhưng chưa chắc lắm, tiếng vượn cũng giống tiếng Trĩ Sao Cổ Hung lắm!
7h, lại 1 tiếng súng từ phía Fanxi Făng dội lên, thật là buồn khi tiếng vượn thì chả thấy đâu, từ sáng đến giờ chỉ thấy đùng đùng tiếng súng. Chúng tôi ngồi đây, lặng lẽ trên đỉnh núi đã hơn 1 tiếng đồng hồ, không 1 dấu hiệu của tiếng vượn hót, anh Đạt nói khẽ “..điều tra vượn hơi ‘boring’ 1 chút, vì chỉ có thể nghe được nó hót nhiều nhất vào lúc bình minh, vượn khó có thể tiếp cận bằng mắt thường vì nó sống trên cây rất cao trong khi số đàn vượn còn lại ở khu rừng không còn nhiều. Khác hẳn với điều tra đa dạng sinh học, gặp bất cứ dấu hiệu gì về có động vật là dừng lại để tìm kiếm, cứ thế nhởn nha trong rừng cả ngày, không bó buộc về tính thời điểm, khoảng cách và độ cao..” Tôi nhớ Oánh có nhắc về đợt điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh vào tháng 11 ở Mường La, tôi sẽ cố gắng thu xếp để tham gia được chuyến điều tra đó.

Mải mê ghi chép giờ tôi mới quan sát cặn kẽ khu rừng dưới chân mình, khu rừng này quả là nhiều sóc. Một cặp sóc xanh cách chỗ tôi không xa cứ hồn nhiên nhảy nhót cứ như thể là không có chúng tôi ở đó. Trời càng rõ, xung quanh tôi cơ man nào là hoa đỗ quyên các loại, có loại nụ đã chúm chím, có loại nụ còn tí xíu, sang tháng 10, cả khu rừng sẽ rất rực rỡ vì đâu đâu cũng có đỗ quyên.
 
Anh Đạt đưa ống nhòm lên hướng về Đông Bắc Fan Xi Phăng, lưng chừng núi là 1 nương ngô mờ mờ, “ nương ngô của cha con thợ săn người Hâu Mít Than Uyên đấy ..” anh Lử nói, “ nương ngô đấy là một cái bẫy chứ không phải người ta trồng để lấy bắp, những thân cây ngô non non tơ là thức ăn ưa thích của các loại khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng..” Một cái bẫy trông có vẻ vô tình và mơn mởn nhưng hẳn là có không ít những con thú ngây ngô, hiền lành đã bỏ mạng vì nó. Chỉ với 2 người H’mông và vài cái bẫy bằng những cây ngô, 2 bố con hợ săn đó làm cả khu rừng bị kiệt quệ các loài động vật hoang dã một cách dễ dàng, trong đó có cả loài quý hiếm như loài vượn đen tuyền. “..Làm bảo tồn ở VN là một thách thức vô cùng lớn, mà văn hoá tàn sát và thiếu trân trọng thiên nhiên là thách thức chủ yếu. Làm bảo tồn là tham vọng làm thay đổi cả một nền văn hoá, con người cứ nghiễm nhiên cho mình cái quyền hưởng thụ, tàn sát thiên nhiên mà không có ý thức bảo vệ..” anh Đạt nói nhỏ nhưng rất đanh.

Càng quan sát chúng tôi phát hiện càng nhiều nương ngô và cả nương thuốc phiện được trồng rất kín đáo, đúng là trồng thuốc phiện ở đây thì các cơ quan có trách nhiệm cũng phải bó tay. Ngồi một lúc lâu, không thấy còn có tiếng súng nào nữa, sau màn chào buổi sáng của các loại chim loài thú, của tiếng súng, khu rừng dần trở lại yên tĩnh. Chưa khi nào tôi có 1 buổi sớm mai ngồi lắng các giác quan như 1 vị thiền sư trên đỉnh núi, bốn bề tĩnh lặng, bốn bề chỉ nghe thấy tiếng thác đổ, tiếng suối reo. Tôi ngồi quan sát những đám mây chợt đến, chợt đi, có lúc mây tràn từ bên kia núi sang, lúc thì từ dưới thung lũng bốc lên, một cảnh đẹp khôn tả. Hôm nay ánh nắng ban mai yếu ớt, chúng tôi sẽ cố nán lại đến trưa với hi vọng trời sáng hơn, không còn tiếng súng sẽ được nghe vượn hót. Anh Đạt cho chúng tôi xem mấy cuốn sách về đa dạng sinh học ở VN và ĐNA, các anh xúm lại để xác định xem các anh đã gặp những loại gì trong khu rừng này mà cuốn sách cũng có, hãi nhất vẫn là các loài rắn.

10h trời không sáng sủa hơn, anh em chúng tôi lục đục kéo về theo một hướng khác. Chúng tôi đi qua 1 khu rừng trúc gai, có rất nhiều dấu chân mới của hoẵng, tôi nhặt 1 cái lông đuôi của gà lôi mang về làm kỉ niệm. Đi gần đến lán, tôi thấy tiếng các anh nói chuyện lao xao, thì ra đêm qua còn có gia đình nhà lợn rừng đến thăm anh em chúng tôi, chúng ủi đất cách lán chúng tôi chừng 15 mét. Vượn thì không thấy nhưng anh em nhóm Oánh thấy cầy vằn và sóc nhiều lắm! Cậu Nhất nói chuyện vào rừng đúng mùa giao phối của lũ sóc thì nghe chúng nó làm ầm ĩ cả khu rừng, 1 con cái có tới cả chục con đực chạy vờn theo, rất náo loạn.
 
Chúng tôi ăn bữa trưa khá sớm, chúng tôi bàn nhau sang “thăm” bố con nhà thợ săn người Hâu Mít, trước hết là hỏi thăm về đàn vượn sống ở khu rừng này, sau là thu súng của bố con ông ấy và cảnh cáo. Cũng may trong đoàn có anh Nhỉ, cậu Nhất là công an Viên của xã. Đứng về mặt hành chính các anh ấy có đủ thẩm quyền thu súng và cảnh cáo 2 tay thợ săn này, tuy nhiên cũng cần lường trước tới vấn đề chúng tôi không ai mang theo vũ khí gì cả, cần thiết phải đề phòng vì họ có súng, có cơ hội thì mới hành động.
12h30 mọi người lại rục rịch lên đường, chính tôi là người đầu tiên hăm hở đề xuất đi “thăm” bố con nhà thợ săn, nhưng cú ngã ban sáng khiến chân tôi giờ vẫn hơi tập tễnh nên tôi quyết định ở lại, chuyện bắt bớ cũng tôi cũng thấy ớn lắm. Mọi người lên đường, ở lán còn lại tôi và 2 anh nuôi, tôi ngủ một giấc rất ngon lành, có vẻ như ngủ ban ngày tôi ít có cơ hội tưởng tượng hơn so với ngủ ban đêm, thế nên tôi ngủ cũng say hơn. Tỉnh dậy đã là 3h chiều, tôi đi vơ vẩn trong khu rừng, có nhiều cây dẻ, cây trám già nhiều quả với nhiều cây nhỏ đang mọc xung quanh trông uy nghi như một lão làng đông con đông cháu. Chiều vàng mặc sức toả nắng, cây cối im lìm, cả khu rừng chìm trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối, không hiểu lũ sóc đi đâu mà tôi không thấy 1 con nào, tôi trèo lên tảng đá ngay trên phía lều của tôi ngồi quan sát rừng chiều. Đến 4h30 phía dưới thung lũng nghe có tiếng nói, các anh đi “thăm” bố con nhà thợ săn đã về. Tội chạy xuống phía dưới đón đầu các anh để hỏi han tình hình, chiều nay các anh phát hiện ra 1 lối mòn của thợ săn đi về hướng Fan Xi Phăng, có đường đi mà không phải gùi theo hành lý nên các anh đi phăm phăm như chạy. Cậu Tiến nói hôm nay tôi có đi cũng không theo nổi tốc độ của các anh. Trên đường đi các anh gặp một loại rắn lạ mà ngay cả anh Đạt cũng không nhớ ra nổi nó là loại rắn gì, nghe mô tả, con rắn khá to, thân mốc mốc và có màu như màu của lá cây rừng chết. Mọi người còn gặp một loại Sóc đen quý hiếm, có lông má màu đỏ, nặng chừng 3 cân. Còn bọn sóc nâu thì nhiều lắm. Chúng biết dự trữ thực phẩm rất tốt, cứ gần cây dẻ thế nào cũng có sóc. Nếu mò ra được tổ của nó thì kiếm được 3,4 kg hạt dẻ là bình thường. Loại Cầy hôi thấy động cũng xì mùi hôi ra đến khiếp, có anh nói đùa..”bữa nào săn được cầy hôi mà ăn, về nhà ôm vợ, vợ cũng hôi đến cả tuần..” Riêng loài Hoẵng rất khó săn, có dấu vết mới đi theo cả ngày cũng không bắt được. Anh Lử ví von..” con Hoẵng nó đi nhẹ nhàng như con trai H’mông đi tìm con gái cướp về nhà..”.

Các anh đi theo lối mòn của thợ săn sang phía Sa pa, hướng về phía mấy nương ngô, nương thuốc phiện mà anh Đạt phát hiện sáng nay. Mọi người đi qua 4 cái lán, có cái còn nguyên than ấm, và lá cây lót chỗ nằm còn mới, có cái đã lâu không có người ở. Mọi người đi mãi mà không tới được cái nương ngô vì càng ngày càng khó xác định vị trí và mất phương hướng. Ngay cạnh lán là một con suối, anh em lúc băng qua suối phát hiện ra dấu vết máu, lần theo vết máu các anh nhìn thấy chỗ làm thịt thú rừng của mấy tay thợ săn. Đến giờ anh em đã xác định được là có nhiều thợ săn hơn mọi người tưởng, có điều thợ săn là người nơi khác sang nên mới hay di chuyển nhiều và tới đâu thì làm lán ở đấy. Tại hiện trường còn 3 bộ dương vật và ruột của 1 loài linh trưởng mới bị làm thịt và các miếng chai ở mông bị bỏ lại, anh Đạt cắt 1 phần về phân tích AND để khẳng định loài, mọi người càng có thêm lý do để tìm cho bằng được bố con nhà ông Kiểng. Đi đã 2 tiếng mà không thấy dấu vết gì, mọi người xục xạo từng khe nước nhỏ, dễ tìm thấy dấu hiệu của thợ săn nhất, trên con đường đi tới 1 nương, anh em bất ngờ gặp 1 cái bẫy dành cho người người bằng súng kíp cài ngay trên lối mòn, thường thị bọn thợ săn khi có việc xuống núi chúng sẽ gài súng gần lán kiểu như thế để cảnh cáo người lạ mò vào lán, anh Lử ra hiệu mọi người dừng lại để quan sát, chắc đám thợ săn đã đánh hơi được có người lạ vào rừng. Gần đó có một đám nương rau và 1 cái lán nhưng cái lán lại có vẻ đã lâu không có người ở, anh em dừng lại và quan sát hồi lâu, thấy không có dấu hiệu gì có thể gặp được mấy tay thợ săn mà nếu có gặp được không ai đoán trước liệu có nguy hiểm gì trước mắt. Trời đã về chiều, mấy anh em quyết định quay về, và không quên nhảy vào nương rau hái nắm lá rau bí và 2 quả bí to bằng cái bát con mang về cho bữa tối. Mọi người bàn tán về những cái bẫy bằng nương ngô, những cái bẫy có thể bắt được cả đàn khỉ. Loài khỉ khi một con trong bầy bị sập bẫy, các con khác sẽ ra sức giải thoát nên thợ săn thường làm bẫy gần nhau, lúc đó cả bầy sẽ mắc bẫy
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,684
Bài viết
1,135,154
Members
192,384
Latest member
naveraccount4
Back
Top