Càfe Đà Lạt
Nếu sự nhàm chán và quen thuộc của Đà lạt đang làm tôi thất vọng thì vẫn có hai thứ có thể xui khiến tôi trở về xứ sở khói sương ấy như một kẻ bị trời đày: khí hậu và cà phê.
Sao không tự thiết kế một tour bụi như một kẻ "la cà" chuyên nghiệp?!
Thời gian tour có thể chỉ cần đến 2 ngày 2 đêm cuối tuần. Tôi quảy balô nhảy lên xe Thành Buởi hoặc Đà lạt Toserco vào chiều thứ 6, sau giờ làm. Và yên tâm, đánh một giấc trên xe thì phố sương mù đã hiện ra trước mặt. Sương mù và đèn vàng. Cái cảm giác vác ba-lô cóc bước đi xo ro trong đêm sương đèn vàng tịch lặng kia tạo một xúc cảm lạ của kẻ lữ hành đơn độc tìm về phố xưa.
Không khí Đà lạt dễ làm người ta uể oải và... sến bởi sống quá nhiều cho những hứ "feeling". Thôi, nên trị bệnh sến bằng một li cà phê đầu ngày. Tôi chọn cà phê Tùng để chào buổi sáng. Cà phê Tùng ở khu Hòa Bình, là một box nhỏ, có mặt và có tiếng tại Đà lạt từ trước 1975, là nơi ghé chân của nhiều người danh tiếng: Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng... Sau này trong thời khách hàng là thượng đế thì Tùng hơi có xu hướng tạp nhạp. Nhưng chọn cho mình một góc, gần cửa kính để nhìn ra đường phố buổi sáng se lạnh, thấy từng dáng người về qua. Nhạc đặc sản ở cà phê Tùng là Trịnh Công Sơn, nhạc Pháp thập niên 60 - 70 thế kỷ trước.
Thực ra, Đà lạt là xứ sở cà phê với những thương hiệu vang bóng một thời như: Văn, Kim Sáng, Shanghai... Nhưng sau giải phóng, phố cà phê kéo dài suốt con dốc Nguyễn Chí Thanh, trước khách sạn Ngọc Lan. Những Việt Hưng, Nghệ Sĩ, Nam Giao... đẹp một cách sang trọng và là nơi khách du lịch thường xuyên lui tới. Đặc biệt, tại quán Nghệ Sĩ hằng đêm cuối tuần thường thắp nến và có dạo piano. Nếu bạn là người nơi xa đến, có thể yêu cầu chủ quán chơi đàn vào bất cứ lúc nào để gom thêm cho bộ nhớ về cà phê phố núi thêm sinh động.
Cà phê Đà lạt cũng có nhiều quán độc và có xu thế "lập dị" ví dụ như Cung Tơ Chiều với người đàn bà tên Giang có giọng ca nổi loạn với những tình khúc Trịnh Công Sơn. Nhưng nếu bạn có nhu cầu gặp bạn bè, đi nhóm thì không nên vào đây. Cô chủ quán kỳ quặc này sẽ không tiếc lời... tiễn khách! Trong khi đó, cà phê Nhà trăm mái của ông kiến trúc sư "quái kiệt" Lữ Trúc Phương thì chẳng có gì đặc biệt ngoài chuyện bạn phải cầm ly cà phê và chui vào đường hầm sâu nhập nhòe đèn đóm của một công trình kiến trúc xuyên lòng đất mà gã "quái kiệt" này dày công và thầm lặng xây dựng.
Nếu bạn là người thích sự sôi động và muốn hình dung về một Đà lạt khác, nên đi tìm những quán lạ. Mỗi chuyến đi Đà lạt, tôi đều khám phá một góc quán lạ. Ví dụ cà phê Nuit trên đường Trương Công Định với phong cách jazz, hard- rock khá lạ lùng. Từ một view trên cao, bạn có thể nghe jazz và nhìn phố khuya đèn vàng, con dốc quanh có mặt đầu tiên tại Đà lạt để thấy những bóng người tất tả trôi. Hay bạn có thể vào khu Ngã 5 Đại Học và uống cà phê cóc. Những ly cà phê với giá sinh viên nhưng chất lượng phục vụ thì không kém quán hạng sang Sài gòn. Có thể giới thiệu vài cái tên: Đời xưa, Trung nguyên, Diều no gió, Đồi xanh...
Và buổi tối cuối cùng tạm xa Đà lạt sau những ngày lê la quán xá, tôi chọn cà phê Thủy Tạ hoặc Thanh Thủy với hướng nhìn ra mặt hồ Xuân Hương. Nếu Thủy Tạ có nét sang trọng của quán thời salon thì Thanh Thủy lại sang theo hướng hiện đại. Dù sao, cả hai cũng đều chỉ một mặt hồ Xuân Hương, bên này hoặc bên kia để thả tầm nhìn. Nếu bạn là người mê hương vị cà phê, nên chọn Thủy Tạ. Dù biết, đến Đà Lạt để uống cà phê thì yếu tố cà phê ngon không phải là tất cả mà còn đòi hỏi không gian, không khí...
Tôi đã trải qua 2 ngày trời la cà với cà phê Đà Lạt. Và yên tâm vác balô quay về Sài gòn, hẹn một dịp khác sẽ đủ thời gian để ngồi ngắm cà phê Đà lạt tí tách rơi và ngắm phố người đi qua sương mù...
Những quán cà phê Đà Lạt là một nét văn hóa riêng của thành phố này. Đây cũng là nơi giúp người ta lưu giữ ký ức của tâm hồn.
Chiều nay tôi lại về Đà Lạt và chọn một góc khiêm nhường trong quán cà phê Tùng để ngắm phố mưa qua. Tùng nổi tiếng bởi địa chỉ này xuất hiện trong hầu hết sách hướng dẫn của các hãng lữ hành và còn bởi nó tồn tại trong một không gian đã đi qua thời gian. Quán cà phê nhỏ không mấy nổi bật ấy từ lâu đã trở thành một góc hồi niệm quá vãng và hơn nữa, là chốn tưởng niệm cho những kẻ luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại. Thật lâu rồi tôi mới có lại cái cảm giác thư thái như thế. Được ngồi lặng lẽ giữa những ẩm khách lặng lẽ. Nhạc, vẫn những giai điệu của người nghệ sĩ rong rêu ấy, thong thả những thanh âm cầu hồn theo tiếng tí tách. Cà phê kết tinh qua phin. Những tà áo dài lướt qua cửa kính như những cánh lay-ơn run rẩy trong màn mưa thoang thoảng leo dốc
Thời gian ngai ngái ủ vàng trên những mép viền khung cửa, những ranh gỗ của bàn và ghế. Thời gian lê bước chân chậm chạp đi qua và đọng mờ những vết bụi của mình lên những bức tranh tường mà chủ nhân đã tôn trọng lưu giữ như những dấu ấn không dễ xoá nhòa. Tôi có cảm giác như những người quanh mình đều mang một tâm sự hay ít ra là hoài niệm về một miền ký ức đã xa. Họ run rẩy đón nhận và sợ chạm vào thực tại sẽ xoá mất cái cảm giác như là chút vốn quý hiếm hoi trong phút cuối ngày. Trong một góc khuất, đôi ghế nan tre còn đó, thời gian đánh bóng lên từng vân tre của ngày xưa một màu vàng như nhũ. Ngày xưa chưa thật đã xưa, người hát rong đi qua cuộc đời nhạc sĩ họ Trịnh và nữ tri âm của mình đã có những buổi chiều lãng đãng khói sương nơi đây trên đường dài du ca và luân lạc. Trong không gian thoắt ẩn thoắt hiện, nửa thực nửa hư đâu đây là những di âm của cung la thứ mở đầu cho những bản tình ca đồng hành với thời gian. Giờ đây, nàng đã cách hơn nửa vòng trái đất, chàng còn xa hơn, nhưng đôi ghế nan tre lên bóng kia như nấn ná đợi chờ một hội ngộ tương phùng trong tưởng tượng. Không biết người ra đi có còn hồi niệm? Còn tôi và những ẩm khách chiều nay dường như đang hoài niệm về họ trong dư âm của những giai điệu với xúc cảm tốt lành
Người ta nói, cà phê không phải là thú thanh thản như trà, càng không mạnh mẽ, bạo liệt như rượu. Người thưởng thức nhẹ nhàng cho rằng cà phê là gạch nối giữa niềm vui và nỗi buồn. Với ai đang muộn phiền, cà phê càng day dứt như một bản nhạc có nhiều dấu lặng. Còn những kẻ môn đồ của giáo phái cà phê thì cho nó là người đàn bà mang bùa ngải trong mình
Từng có một quán cà phê bên hồ Xuân Hương mang cái tên nhẹ bồng bềnh bằng tiếng Pháp: Danube Bleu. Dòng sông xanh ấy gắn bó với tôi và bạn bè từ những ngày đầu đặt chân lên xứ sương mù. Có một đêm như mọi đêm, bản sonate "Ánh trăng của Beethoven lung linh và thánh thiện đến thế. Những ánh đèn đường ngả bóng xuống mặt hồ như chùm ly pha lê sóng sánh rực rỡ. Chúng tôi vỡ oà cảm xúc và liên tưởng đến cái bi kịch thần thánh trong bức tranh Bữa tiệc ly của danh họa Leonar De Vinci. Đó là đêm cuối cùng, ngày mai bạn tôi rời thành phố cao nguyên đi xa. Đèn trong quán tắt dần. Bữa tiệc với những vũ điệu ánh sáng trên hồ cũng nhạt. Bản sonate chỉ còn du dương những thanh âm cuối cùng, nấn ná luyến lưu cho một cuộc chia tay chưa hẹn ngày tái ngộ. Và nhiều đêm như thế, tôi và người đã ở trọ trong tâm hồn nhau. Cùng dòng sông xanh ngửa mặt trông đồi Cù sẫm bóng và lan man những điều gì không còn nhớ nữa. Gặp lại nhau, người hỏi, tôi ngậm ngùi: Danube Bleu đóng cửa lâu rồi. Lại có thêm xúc cảm khắc dấu tìm gươm. Cà phê đâu còn là cà phê!
Tâm hồn đã quyện vào nhau trong những giọt tí ta tí tách thõng như sương ấy. Không gian ấy ta luôn lưu giữ và gợi lại những thổn thức hoài niệm về một thời đã qua.
Ở những đô thị khác, muốn có một không gian uyển chuyển tự nhiên như Đà Lạt thật khó. Người dịu tính coi đây như nơi trú chân lý tưởng. Khách giang hồ coi đây là chốn thỏa chí tang bồng. Trong cái se lạnh của heo may cao nguyên, lượn theo những con đường lúc ẩn lúc hiện, những quán cà phê giữa lưng chừng dốc như những quán Ba Cá Bống trong cổ tích về cậu bé Buratino ở đất nước Tí Hon. Nào Bích Đào, Dương Cầm, Nam Giao, Nghệ Sĩ
; nào Guitare, Valentine, Memory
; nào 57, 60, 72, 81
Kẻ tục lụy vạn sinh là tôi chưa phải là người sành thứ thức uống đầy thi vị này, cũng không dám lạm ngôn về những thú tao nhã tạo nên hưng phấn sáng tạo của các bậc tao nhân mặc khách. Chỉ biết rằng, chiều nay trong góc quán khiêm nhường ngắm phố mưa qua chợt nao lòng về những ngày quá vãng, những ngày không trở lại thêm một lần nào nữa trong đời
-
Sưu tầm -