What's new

[Chia sẻ] Phú Yên - miền đất cực đông

Em xin làm một bài giới thiệu chung về Du lịch Phú Yên
Ảnh sẽ up lên từ từ, nhờ các bác trợ giúp ạ :)


Từ Nha trang, xe chúng tôi vượt những con đèo ngắn và dốc nhỏ dọc bờ biển miền Trung để đến với Phú Yên – miền đất nằm ở mảng cong xa nhất về phía đông trên dải đất hình chữ S.

Đón chúng tôi ở cửa ngõ phía nam Phú Yên là biển Đại lãnh xanh thăm thẳm trong màu nắng sớm trải vàng như mật ngọt. Đường rất đẹp, những khúc quanh ngợp trong màu xanh không phân biệt được ranh giới biển – trời, những con đèo không cắt cua chóng mặt như Tây bắc nhưng lại rất khó đi, xe cộ cứ lầm lũi di chuyển tựa như một con rùa.

Tại một quán lá ven đường, chúng tôi lặng nhìn làng chài Đại lãnh và những thuyền cá xếp xa xa. Sóng biển rì rào vỗ về bờ cát trắng, gió xào xạc trên những tầng dương xanh biếc. Con đèo Cả quanh co hiểm trở nằm ở phía đông dãy Trường Sơn cheo leo nối địa phận hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên dài khoảng 12km, lơ lửng bám vào vách núi như một dải lụa đào. Dãy núi Varella từ phía nam chạy xuống nằm nghiêng nghiêng ôm lấy biển. Đứng ở Vũng Rô nhìn lên đèo Cả, xe ô tô như một món đồ chơi bé tý tẹo, thoắt ẩn thoắt hiện giữa những mỏm đá và cây rừng.

Vượt Cua đá đen huyền thoại trên đèo Cả, chúng tôi gặp con đường cao tốc Phước Tân – Bãi Ngà men theo vịnh Vũng Rô, địa danh gắn liền với những chiến công huyền thoại của đoàn thuyền không số trong chiến tranh. Con đường nằm bên bờ đông của quốc lộ 1A, bắt đầu từ chân bắc của đèo Cả, dài khoảng 30km bên bờ biển lộng gió, nối với cảng cá Vân Phong, điểm kết là khu công nghiệp mới Hoà Hiệp. Xa xa, Hải đăng mũi điện đang vươn mình kiêu hãnh.

Rời con đường cao tốc như một nhát kiếm chém vào vách núi, chúng tôi rẽ xuống Bãi Môn. Trước mắt chúng tôi là một đồi cát trắng, gió từ biển thổi vào xếp trên bề mặt cát những gợn sóng lăn tăn. Một con suối nước ngọt trong vắt như pha lê từ khe núi trên dãy Varella chảy thẳng ra biển, càng làm tăng thêm vẻ hấp dẫn cho bãi biển thơ mộng dưới chân ngọn Hải đăng. Cát ở Bãi Môn mịn màng và hơi có màu nâu óng, khác hẳn với đồi cát trắng tinh sát phía ngoài. Do nằm lọt trong một vịnh nhỏ, hai đầu như hai góc omega nên sóng ở đây không lớn, biển rất sạch và nông, gợi cho du khách những cảm giác hiền hoà và êm dịu.

Chúng tôi lội qua dòng suối nước ngọt đang khe khẽ chảy dưới chân những tảng đá cuội để lên núi. Đường lên mũi điện rợp nắng, rợp bóng những cây thông non và những bụi cây lúp xúp, êm ả và thanh bình. Chúng tôi mất khoảng 30’ đi bộ men theo con đường mòn nhỏ vòng quanh sườn núi đầy sỏi đá, có những đoạn nằm sát biển nom cực kỳ choáng ngợp. Ngoài kia, những con tàu vào bến vẽ trên mặt biển xanh những đường sóng trắng xoá, bé tý xíu trong bức tranh bí ẩn của Đại lãnh.

Anh Thắng, trạm trưởng của ngọn hải đăng tiếp chúng tôi rất vui vẻ và nhiệt tình. Anh đưa chúng tôi lên tầng cao nhất của Hải đăng để ngắm biển Đại lãnh trong ráng chiều. Chúng tôi đứng đây, trên độ cao 135 mét so với mặt nước biển, đi 107 bậc thang gỗ bóng màu thời gian, để được tựa lưng vào vòng cung lan can cao nhất nơi này, cảm nhận sự mong manh bé nhỏ của con người trước biển cả, thấm cái nỗi buồn luôn thức giấc lúc 4h sáng của những người gác đèn đêm, những người hiệp sỹ can trường trước sóng gió trùng khơi với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con và người yêu trong trái tim khi bình minh đến sớm.

Đêm trên hải đăng, uống một ly rượu nhạt với người gác đèn biển, ngủ một giấc say trong tiếng thì thầm của Đại lãnh. Sớm mai rời phòng ra ngồi chênh vênh trên ghềnh đá, gió từ biển thổi vào run run đôi bàn tay. Ngửa cổ hít căng lồng ngực vị mặn mà của biển, chúng tôi đón những tia nắng mặt trời đầu tiên thức dậy từ đường chân trời hồng rực phía khơi xa… Một bình minh cực đông tràn nắng, gió và biển xanh.

Tạm biệt ngọn hải đăng chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Phú Yên. Cách thành phố Tuy Hòa 45 km có một ghềnh biển đẹp lạ kỳ: Ghềnh đá Đĩa nằm trên địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Từ thị trấn Chí Thạnh trên quốc lộ 1A, chúng tôi rẽ phải hưóng về phía biển chừng 8km thì qua nhà thờ Mằng Lăng – giáo xứ của người dân phía bắc tỉnh Phú Yên. Nhà thờ buổi sớm chủ nhật khá yên tĩnh, lác đác một vài con chiên đi xưng tội. Vẻ tĩnh tại cổ kính và lớp sơn tường cũ kỹ đượm màu thời gian đem đến cho chúng tôi những giây phút tiêu dao và nhẹ nhõm.

Con đường đất từ giáo xứ đi về phía đông chạy giữa những ruộng lúa đang vào đòng. Vượt lên trên đỉnh một mỏm núi cao, ghềnh đá Đĩa đột ngột hiện ra như một bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ. Hàng trăm khối đá hình bát giác xếp liền kề bên nhau, đều tăm tắp, tạo thành một khối nom như một tổ ong khổng lồ bên bờ biển. Lại gần, mặt đá tựa như những chiếc đĩa được xếp chồng khít bên nhau vươn ra biển. Các nhà nghiên cứu cho rằng nham thạch núi lửa từ đất liền chảy ra biển, gặp phải sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ đã tạo nên thắng cảnh độc đáo này. Những khối đá màu đen tuyền nửa chìm nửa nổi trong sóng biển Tuy An, rải rác những mảng muối trắng mờ bám vào chân vách đá.

Nằm đối diện với ghềnh đá qua một vịnh biển là bờ cát dài hơn 1km rất hoang sơ, xa xa là những mái nhà thấp thoáng dưới rặng dừa xanh. Chúng tôi tìm đường đi xuyên qua làng chài thanh bình với những hàng rào đá và những chiếc thuyền nan nằm e ấp trên bờ cát, để tới với bãi biển còn quá ít bước chân du khách này. Đám trẻ con trong làng hiếu kỳ cũng kéo ra ngoài bờ biển và thích thú trở thành những người mẫu để chúng tôi chụp hình.

Tạm biệt Phú Yên, biển vẫn mãi xanh và tình người vẫn mãi dịu dàng như những khoảnh khắc chúng tôi đã có trên đường khám phá nơi này.

Chuyến đi T5/2006
 
Làng chài Đại lãnh và những thuyền cá xếp xa xa:



Biển Vũng Rô nhìn từ đèo cả, nơi nổi tiếng với những con thuyền không số trong chiến tranh chống Mỹ:



Xa xa, Hải đăng mũi điện đang vươn mình kiêu hành:



Hải đăng mũi điện chụp từ dưới chân Bãi Môn:



Đến nơi rồi, nơi ở của những người gác đèn đêm:

 
Đến với Tuy Hoà - Phú Yên mời bạn đến thăm núi Nhạn.

Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận phường I, thành phố Tuy Hòa. Núi Nhạn còn có tên gọi khác là “Núi Bảo Tháp” hoặc “Tháp Dinh”. Đứng ở độ cao 64 m trên đỉnh Núi Nhạn, du khách có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên với toàn cảnh thành phố Tuy Hoà, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, Biển Đông và hai chiếc Cầu đường sắt và đường bộ dài 1.100 m bắt song song qua sông Đà Rằng. Trên đỉnh Núi Nhạn có Tháp Chàm cổ kính, còn có tên gọi là Tháp Nhạn được người Chiêm Thành xây dựng vào khoảng thế kỷ 11. Tháp có cấu trúc khối hình chóp vuông vững chắc cao 25m, gồm tất cả 4 tầng thu nhỏ dần khi lên cao.
Ngày nay, cụm thắng cảnh “Núi Nhạn – Sông Đà“ đã trở thành biểu tượng của Phú Yên và Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Hàng năm vào dịp lễ, Tết, trên núi Nhạn có tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí ….. Đặc biệt vào rằm tháng Giêng Âm lịch hàng năm, nơi đây diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách gần xa.

Vài hình ảnh về Tháp Nhạn - Tuy Hoà - Phú Yên

MT-TN06_Thap Nhan.jpg


DSC_3541.JPG


MT-TN06_Cau Nguyen 02.jpg


DSC_3553.JPG
 
Trở lại Đại lãnh - Ra biển ngày gió mùa

Chúng tôi rời ga Nha Trang trong sự lo lắng của cô bạn bởi tin gió mùa đang tràn về miền duyên hải, nghe nói nhiều tàu thuyền lớn đã được lệnh không ra khơi. Trời tối đen như mực, hai chiếc xe lầm lũi vượt đèo Rù rì ra quốc lộ 1A. Gió ràn rạt thổi, mỗi lúc gặp một chiếc ô tô lớn chạy ngang là con chiến mã già lại líu ríu bạt vào lề đường, nơi ấy có biển, thẳm sâu và khôn cùng.

Con đường từ Ninh Hòa đi Vạn Giã chạy ngang một thung lũng rộng lớn, một bên là biển, rất xa ở phía tây là núi. Gió từ đất liền thổi ra biển mỗi lúc một dữ tợn. Hai chiếc xe lảo đảo đi trong những cơn xoáy quay cuồng, biển đang gầm gào ngay dưới mép đường. Giữa khoảng lặng hiếm hoi của những trận gió, người bạn đồng hành dừng lại đột ngột và hỏi, “này cậu, có nghe thấy bão tố đang đến không, hay là mình quay lại?” Câu nói lập tức rơi tõm vào khoảng không, tưởng như đã bị ném xuống đáy biển khơi mịt mù và vô tận.

Lặng người, cảm giác sợ hãi và hoang mang đầy nghẹn trong trái tim. Chúng tôi quá cô đơn trên con đường dài hun hút gió và quá nhỏ nhoi trước sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên. Thốt nhiên, không gian lặng đi như chưa hề có gió ở bên, mùi biển mặn mòi xộc vào mũi, tiếng sóng đập vào bờ nghe ầm ào ầm ào. Tôi ngước mắt nhìn trời, không gian trên đầu tôi lấp lánh những vì sao, khác hẳn với lúc chúng tôi rời thành phố biển Nha Trang. Những ánh sáng li ti như tiếp thêm lửa vào giấc mơ đi tìm mặt trời của chúng tôi, đêm nay, ngủ ở Hải đăng đại lãnh, để sớm mai, có cơ hội đón bình minh cực đông. Không ai trả lời, nhưng những chiếc xe lẳng lặng tiếp tục hành trình.

Gió lại cuồng lên dữ tợn, cây cối đổ rạp về phía biển. Chúng tôi cố giấu sự bất an và căng thẳng, chống chọi lại những cơn gió đầy thịnh nộ như muốn đẩy chúng tôi ngã rạp xuống mặt đường. Những ánh đèn neon của đầm tôm sáng dọc bờ biển khiến chúng tôi vững tin hơn, và rồi những cây xăng nhấp nháy đèn, khu dân cư hai bên đường đã giúp chúng tôi có thêm sức mạnh trên chặng đường gian nan.

Ra đến Ninh Mã, Đại Lãnh, dải núi ở phía tây rất gần đã hạn chế bớt khoảng trống để gió hoành hành. Tàu bè về vụng đậu san sát, nhấp nháy thứ ánh sáng yếu ớt của đèn treo trong màn đêm đông đặc. Ở ngoài khơi, tối như bưng lấy mắt, nhìn lâu sẽ thấy chóng mặt và choáng váng, nỗi sợ hãi tăng lên. Trên đèo Cổ Mã và đèo Cả, đèn xe ô tô bé tẹo như đèn đom đóm, cứ lúc ẩn lúc hiện sau những khúc quanh, ầm ì vượt qua Cua đá đen huyền thoại cheo leo trên vách đá. Taluy âm trở nên quá mỏng manh khi biển đang dậy sóng dưới chân.

Chúng tôi rời quốc lộ để rẽ vào con đường ven biển quanh vịnh Vũng Rô. Gió lạnh hơn nhưng bớt quay cuồng hơn. Đèn pha xe máy không nhìn quá được 5 mét đường, chúng tôi vẫn cần mẫn chạy. Con đường dắt chúng tôi tới cảng cá Vân Phong, chỉ có một ngôi nhà sáng đèn. Hỏi đường ra Mũi Điện, anh chủ nhà nhìn chúng tôi với vẻ dò xét và chỉ nói một câu là quay lại đi.

Đêm tối, thật khó để xác định phương hướng. Tôi cố nhớ lại chuyến đi cách đây gần 2 năm của mình để dò đường. Chúng tôi rẽ vào một làng chài nhỏ, lác đác vài mái nhà, cửa đóng then cài, ánh sáng le lói lọt qua khe cửa. Đập cửa một nhà dân, một cô bé hé cửa và chỉ đường cho chúng tôi ra khỏi làng lên con đường ven biển.

Chạy mãi chạy mãi, đêm vẫn đặc quánh như hũ nút, tuyệt đối không có một nhà dân hay bất cứ một ánh đèn nào ngoài ánh sáng phát ra từ hai chiếc xe máy. Lúc này, tôi mới cảm nhận được rõ ràng sức mạnh mà những ngọn đèn trong đêm mang lại. Đó là niềm tin, là điểm tựa để những con tàu giữa biển khơi mịt mùng hay những đoàn người lạc bước trong rừng sâu có thêm sức mạnh vượt qua nỗi sợ hãi và tìm tới nơi bình yên. Vậy mà giờ đây, chúng tôi đang di chuyển trong gió bão mà không có một điểm tựa nào. Tôi hoang mang nghĩ, liệu có khi nào, chúng tôi đang đi sai đường?
 
Ra biển ngày gió mùa (tiếp)

...Khoảng 20’, có thể là hơn, đột nhiên, chúng tôi cùng nhìn thấy một luồng sáng trắng quét qua nền trời thăm thẳm, vượt trên đỉnh dải núi mờ mờ trước mặt. Người bạn đồng hành của tôi kêu lên một tiếng và cười to với một niềm sung sướng vô bờ. Tay ga như mạnh hơn, chiếc xe cũng kiên cường hơn, chạy ào ào trên con đường gió.

Tới một ngã ba, chúng tôi rẽ xuống con đường lao ra biển. Trước mặt là một hàng rào công trường chắn ngang. Ánh đèn hải đăng đã không còn nhìn thấy sau lần may mắn vừa nãy. Sai đường rồi. Chúng tôi quay lại đường cũ và chạy tiếp. Đường dài dằng dặc và không thể xác định được Mũi Điện ở đâu. Nếu cứ chạy mãi, thì con đường sẽ dắt vào thị xã và tức là giấc mơ bình minh cực đông của chúng tôi cũng sẽ không còn.

Quya lại thôi. Chúng tôi quay lại ngã ba con đường có hàng rào sắt lạnh lẽo, soi đèn như muốn phá tung bức tường bóng tối kinh khủng. Tiếng chó sủa lao nhao, rồi một ánh đèn pin lập lòe, tiếng người vọng lên từ phía cuối con đường. Tôi vội vã gọi “Có phải chú Mười không?”

Chú Mười là tên của người đàn ông sống ở căn nhà duy nhất ở gần dòng suối nước ngọt và Bãi Môn trên đường lên ngọn hải đăng. Người đàn ông này cùng vợ của mình dựng một căn nhà tạm bằng phên tre và vỏ bao tải dứa, bán dăm ba thứ hàng giải khát và trông xe cho các đoàn khách du lịch đến thăm quan Mũi Điện, nơi được coi như là cực đông của Việt nam.

Dưới ánh đèn dầu leo lét, tách trà nhạt phà hơi ấm trên tay, chúng tôi hỏi cách lên hải đăng. Lúc này đã là 10h30’ đêm, ngoài trời gió vẫn đang gào thét dữ dội, cuốn cành cây va vào nhau kêu răng rắc. Người đàn ông trầm tư bảo, không phải bão, mà gió mùa. Gió lớn thế này thì không thể đi trên sườn núi được. Mùa này, mặt trời lên muộn, tầm 5 – 6h sáng, nên sáng mai dậy sớm, vẫn kịp lên hải đăng đón những tia nắng đầu tiên trong ngày.

Căn nhà đơn sơ, nhưng khéo dựng nên gió cứ bị quẩn ở phía ngoài. Chúng tôi chia nhau hai chiếc võng dù mắc xéo ngoài hàng hiên và một chiếc giường để nghỉ đêm. Đêm ở mảnh đất cực đông, một đêm bão táp, mưa rơi lộp bộp và gió thì như muốn bốc cả căn nhà ném lên trời. Chúng tôi không ngủ được, chập chờn suốt đêm, chập chờn giữa giấc mơ đi tìm mặt trời và sự dữ tợn của gió mùa ngoài biển.

Mặt trời không lên. Trời mù mịt xám ngắt. Chúng tôi đi bộ một cách khó khăn về phía doi cát cuối con đường để ngắm ngọn hải đăng. Gió quá lớn khiến bước chân loạng choạng, nhiều khi ngỡ như mình sắp bị cuốn bay lên trời. Ra biển ngày gió mùa, vậy nên, chúng tôi đã lỗi hẹn với mặt trời!

Sau này, mỗi khi nhớ về chuyến đi, tôi vẫn thầm cảm ơn, vì sự liều lĩnh của chúng tôi đã không phải hối tiếc, và thêm nữa, chúng tôi đã có những kinh nghiệm quá đặc biệt trong đời.
 
Ảnh ngày gió mùa ở Đại lãnh

Biển dậy sóng


Hải đăng đại lãnh


Con đường hun hút gió


Ta một mình chạm ly với biển

 
Hai người đồng hành, trước biển


Tháp Nhạn, đứng trên núi Nhạn, án ngữ đầu thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đầu kia là một ngọn núi khác cũng rất đẹp và cao.

 
Last edited:
Phú Yên nơi cửa sông


Với ngọn núi rất đẹp



Đứng trên đỉnh núi Nhạn, tầm mắt nhìn ra xa, nơi ấy một bên là biển, bên kia là núi. Miền đất cực đông
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,673
Bài viết
1,171,165
Members
192,346
Latest member
tuoihongtran
Back
Top