Em xin làm một bài giới thiệu chung về Du lịch Phú Yên
Ảnh sẽ up lên từ từ, nhờ các bác trợ giúp ạ
Từ Nha trang, xe chúng tôi vượt những con đèo ngắn và dốc nhỏ dọc bờ biển miền Trung để đến với Phú Yên miền đất nằm ở mảng cong xa nhất về phía đông trên dải đất hình chữ S.
Đón chúng tôi ở cửa ngõ phía nam Phú Yên là biển Đại lãnh xanh thăm thẳm trong màu nắng sớm trải vàng như mật ngọt. Đường rất đẹp, những khúc quanh ngợp trong màu xanh không phân biệt được ranh giới biển trời, những con đèo không cắt cua chóng mặt như Tây bắc nhưng lại rất khó đi, xe cộ cứ lầm lũi di chuyển tựa như một con rùa.
Tại một quán lá ven đường, chúng tôi lặng nhìn làng chài Đại lãnh và những thuyền cá xếp xa xa. Sóng biển rì rào vỗ về bờ cát trắng, gió xào xạc trên những tầng dương xanh biếc. Con đèo Cả quanh co hiểm trở nằm ở phía đông dãy Trường Sơn cheo leo nối địa phận hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên dài khoảng 12km, lơ lửng bám vào vách núi như một dải lụa đào. Dãy núi Varella từ phía nam chạy xuống nằm nghiêng nghiêng ôm lấy biển. Đứng ở Vũng Rô nhìn lên đèo Cả, xe ô tô như một món đồ chơi bé tý tẹo, thoắt ẩn thoắt hiện giữa những mỏm đá và cây rừng.
Vượt Cua đá đen huyền thoại trên đèo Cả, chúng tôi gặp con đường cao tốc Phước Tân Bãi Ngà men theo vịnh Vũng Rô, địa danh gắn liền với những chiến công huyền thoại của đoàn thuyền không số trong chiến tranh. Con đường nằm bên bờ đông của quốc lộ 1A, bắt đầu từ chân bắc của đèo Cả, dài khoảng 30km bên bờ biển lộng gió, nối với cảng cá Vân Phong, điểm kết là khu công nghiệp mới Hoà Hiệp. Xa xa, Hải đăng mũi điện đang vươn mình kiêu hãnh.
Rời con đường cao tốc như một nhát kiếm chém vào vách núi, chúng tôi rẽ xuống Bãi Môn. Trước mắt chúng tôi là một đồi cát trắng, gió từ biển thổi vào xếp trên bề mặt cát những gợn sóng lăn tăn. Một con suối nước ngọt trong vắt như pha lê từ khe núi trên dãy Varella chảy thẳng ra biển, càng làm tăng thêm vẻ hấp dẫn cho bãi biển thơ mộng dưới chân ngọn Hải đăng. Cát ở Bãi Môn mịn màng và hơi có màu nâu óng, khác hẳn với đồi cát trắng tinh sát phía ngoài. Do nằm lọt trong một vịnh nhỏ, hai đầu như hai góc omega nên sóng ở đây không lớn, biển rất sạch và nông, gợi cho du khách những cảm giác hiền hoà và êm dịu.
Chúng tôi lội qua dòng suối nước ngọt đang khe khẽ chảy dưới chân những tảng đá cuội để lên núi. Đường lên mũi điện rợp nắng, rợp bóng những cây thông non và những bụi cây lúp xúp, êm ả và thanh bình. Chúng tôi mất khoảng 30 đi bộ men theo con đường mòn nhỏ vòng quanh sườn núi đầy sỏi đá, có những đoạn nằm sát biển nom cực kỳ choáng ngợp. Ngoài kia, những con tàu vào bến vẽ trên mặt biển xanh những đường sóng trắng xoá, bé tý xíu trong bức tranh bí ẩn của Đại lãnh.
Anh Thắng, trạm trưởng của ngọn hải đăng tiếp chúng tôi rất vui vẻ và nhiệt tình. Anh đưa chúng tôi lên tầng cao nhất của Hải đăng để ngắm biển Đại lãnh trong ráng chiều. Chúng tôi đứng đây, trên độ cao 135 mét so với mặt nước biển, đi 107 bậc thang gỗ bóng màu thời gian, để được tựa lưng vào vòng cung lan can cao nhất nơi này, cảm nhận sự mong manh bé nhỏ của con người trước biển cả, thấm cái nỗi buồn luôn thức giấc lúc 4h sáng của những người gác đèn đêm, những người hiệp sỹ can trường trước sóng gió trùng khơi với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con và người yêu trong trái tim khi bình minh đến sớm.
Đêm trên hải đăng, uống một ly rượu nhạt với người gác đèn biển, ngủ một giấc say trong tiếng thì thầm của Đại lãnh. Sớm mai rời phòng ra ngồi chênh vênh trên ghềnh đá, gió từ biển thổi vào run run đôi bàn tay. Ngửa cổ hít căng lồng ngực vị mặn mà của biển, chúng tôi đón những tia nắng mặt trời đầu tiên thức dậy từ đường chân trời hồng rực phía khơi xa Một bình minh cực đông tràn nắng, gió và biển xanh.
Tạm biệt ngọn hải đăng chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Phú Yên. Cách thành phố Tuy Hòa 45 km có một ghềnh biển đẹp lạ kỳ: Ghềnh đá Đĩa nằm trên địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Từ thị trấn Chí Thạnh trên quốc lộ 1A, chúng tôi rẽ phải hưóng về phía biển chừng 8km thì qua nhà thờ Mằng Lăng giáo xứ của người dân phía bắc tỉnh Phú Yên. Nhà thờ buổi sớm chủ nhật khá yên tĩnh, lác đác một vài con chiên đi xưng tội. Vẻ tĩnh tại cổ kính và lớp sơn tường cũ kỹ đượm màu thời gian đem đến cho chúng tôi những giây phút tiêu dao và nhẹ nhõm.
Con đường đất từ giáo xứ đi về phía đông chạy giữa những ruộng lúa đang vào đòng. Vượt lên trên đỉnh một mỏm núi cao, ghềnh đá Đĩa đột ngột hiện ra như một bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ. Hàng trăm khối đá hình bát giác xếp liền kề bên nhau, đều tăm tắp, tạo thành một khối nom như một tổ ong khổng lồ bên bờ biển. Lại gần, mặt đá tựa như những chiếc đĩa được xếp chồng khít bên nhau vươn ra biển. Các nhà nghiên cứu cho rằng nham thạch núi lửa từ đất liền chảy ra biển, gặp phải sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ đã tạo nên thắng cảnh độc đáo này. Những khối đá màu đen tuyền nửa chìm nửa nổi trong sóng biển Tuy An, rải rác những mảng muối trắng mờ bám vào chân vách đá.
Nằm đối diện với ghềnh đá qua một vịnh biển là bờ cát dài hơn 1km rất hoang sơ, xa xa là những mái nhà thấp thoáng dưới rặng dừa xanh. Chúng tôi tìm đường đi xuyên qua làng chài thanh bình với những hàng rào đá và những chiếc thuyền nan nằm e ấp trên bờ cát, để tới với bãi biển còn quá ít bước chân du khách này. Đám trẻ con trong làng hiếu kỳ cũng kéo ra ngoài bờ biển và thích thú trở thành những người mẫu để chúng tôi chụp hình.
Tạm biệt Phú Yên, biển vẫn mãi xanh và tình người vẫn mãi dịu dàng như những khoảnh khắc chúng tôi đã có trên đường khám phá nơi này.
Chuyến đi T5/2006
Ảnh sẽ up lên từ từ, nhờ các bác trợ giúp ạ
Từ Nha trang, xe chúng tôi vượt những con đèo ngắn và dốc nhỏ dọc bờ biển miền Trung để đến với Phú Yên miền đất nằm ở mảng cong xa nhất về phía đông trên dải đất hình chữ S.
Đón chúng tôi ở cửa ngõ phía nam Phú Yên là biển Đại lãnh xanh thăm thẳm trong màu nắng sớm trải vàng như mật ngọt. Đường rất đẹp, những khúc quanh ngợp trong màu xanh không phân biệt được ranh giới biển trời, những con đèo không cắt cua chóng mặt như Tây bắc nhưng lại rất khó đi, xe cộ cứ lầm lũi di chuyển tựa như một con rùa.
Tại một quán lá ven đường, chúng tôi lặng nhìn làng chài Đại lãnh và những thuyền cá xếp xa xa. Sóng biển rì rào vỗ về bờ cát trắng, gió xào xạc trên những tầng dương xanh biếc. Con đèo Cả quanh co hiểm trở nằm ở phía đông dãy Trường Sơn cheo leo nối địa phận hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên dài khoảng 12km, lơ lửng bám vào vách núi như một dải lụa đào. Dãy núi Varella từ phía nam chạy xuống nằm nghiêng nghiêng ôm lấy biển. Đứng ở Vũng Rô nhìn lên đèo Cả, xe ô tô như một món đồ chơi bé tý tẹo, thoắt ẩn thoắt hiện giữa những mỏm đá và cây rừng.
Vượt Cua đá đen huyền thoại trên đèo Cả, chúng tôi gặp con đường cao tốc Phước Tân Bãi Ngà men theo vịnh Vũng Rô, địa danh gắn liền với những chiến công huyền thoại của đoàn thuyền không số trong chiến tranh. Con đường nằm bên bờ đông của quốc lộ 1A, bắt đầu từ chân bắc của đèo Cả, dài khoảng 30km bên bờ biển lộng gió, nối với cảng cá Vân Phong, điểm kết là khu công nghiệp mới Hoà Hiệp. Xa xa, Hải đăng mũi điện đang vươn mình kiêu hãnh.
Rời con đường cao tốc như một nhát kiếm chém vào vách núi, chúng tôi rẽ xuống Bãi Môn. Trước mắt chúng tôi là một đồi cát trắng, gió từ biển thổi vào xếp trên bề mặt cát những gợn sóng lăn tăn. Một con suối nước ngọt trong vắt như pha lê từ khe núi trên dãy Varella chảy thẳng ra biển, càng làm tăng thêm vẻ hấp dẫn cho bãi biển thơ mộng dưới chân ngọn Hải đăng. Cát ở Bãi Môn mịn màng và hơi có màu nâu óng, khác hẳn với đồi cát trắng tinh sát phía ngoài. Do nằm lọt trong một vịnh nhỏ, hai đầu như hai góc omega nên sóng ở đây không lớn, biển rất sạch và nông, gợi cho du khách những cảm giác hiền hoà và êm dịu.
Chúng tôi lội qua dòng suối nước ngọt đang khe khẽ chảy dưới chân những tảng đá cuội để lên núi. Đường lên mũi điện rợp nắng, rợp bóng những cây thông non và những bụi cây lúp xúp, êm ả và thanh bình. Chúng tôi mất khoảng 30 đi bộ men theo con đường mòn nhỏ vòng quanh sườn núi đầy sỏi đá, có những đoạn nằm sát biển nom cực kỳ choáng ngợp. Ngoài kia, những con tàu vào bến vẽ trên mặt biển xanh những đường sóng trắng xoá, bé tý xíu trong bức tranh bí ẩn của Đại lãnh.
Anh Thắng, trạm trưởng của ngọn hải đăng tiếp chúng tôi rất vui vẻ và nhiệt tình. Anh đưa chúng tôi lên tầng cao nhất của Hải đăng để ngắm biển Đại lãnh trong ráng chiều. Chúng tôi đứng đây, trên độ cao 135 mét so với mặt nước biển, đi 107 bậc thang gỗ bóng màu thời gian, để được tựa lưng vào vòng cung lan can cao nhất nơi này, cảm nhận sự mong manh bé nhỏ của con người trước biển cả, thấm cái nỗi buồn luôn thức giấc lúc 4h sáng của những người gác đèn đêm, những người hiệp sỹ can trường trước sóng gió trùng khơi với nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con và người yêu trong trái tim khi bình minh đến sớm.
Đêm trên hải đăng, uống một ly rượu nhạt với người gác đèn biển, ngủ một giấc say trong tiếng thì thầm của Đại lãnh. Sớm mai rời phòng ra ngồi chênh vênh trên ghềnh đá, gió từ biển thổi vào run run đôi bàn tay. Ngửa cổ hít căng lồng ngực vị mặn mà của biển, chúng tôi đón những tia nắng mặt trời đầu tiên thức dậy từ đường chân trời hồng rực phía khơi xa Một bình minh cực đông tràn nắng, gió và biển xanh.
Tạm biệt ngọn hải đăng chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Phú Yên. Cách thành phố Tuy Hòa 45 km có một ghềnh biển đẹp lạ kỳ: Ghềnh đá Đĩa nằm trên địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Từ thị trấn Chí Thạnh trên quốc lộ 1A, chúng tôi rẽ phải hưóng về phía biển chừng 8km thì qua nhà thờ Mằng Lăng giáo xứ của người dân phía bắc tỉnh Phú Yên. Nhà thờ buổi sớm chủ nhật khá yên tĩnh, lác đác một vài con chiên đi xưng tội. Vẻ tĩnh tại cổ kính và lớp sơn tường cũ kỹ đượm màu thời gian đem đến cho chúng tôi những giây phút tiêu dao và nhẹ nhõm.
Con đường đất từ giáo xứ đi về phía đông chạy giữa những ruộng lúa đang vào đòng. Vượt lên trên đỉnh một mỏm núi cao, ghềnh đá Đĩa đột ngột hiện ra như một bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ. Hàng trăm khối đá hình bát giác xếp liền kề bên nhau, đều tăm tắp, tạo thành một khối nom như một tổ ong khổng lồ bên bờ biển. Lại gần, mặt đá tựa như những chiếc đĩa được xếp chồng khít bên nhau vươn ra biển. Các nhà nghiên cứu cho rằng nham thạch núi lửa từ đất liền chảy ra biển, gặp phải sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ đã tạo nên thắng cảnh độc đáo này. Những khối đá màu đen tuyền nửa chìm nửa nổi trong sóng biển Tuy An, rải rác những mảng muối trắng mờ bám vào chân vách đá.
Nằm đối diện với ghềnh đá qua một vịnh biển là bờ cát dài hơn 1km rất hoang sơ, xa xa là những mái nhà thấp thoáng dưới rặng dừa xanh. Chúng tôi tìm đường đi xuyên qua làng chài thanh bình với những hàng rào đá và những chiếc thuyền nan nằm e ấp trên bờ cát, để tới với bãi biển còn quá ít bước chân du khách này. Đám trẻ con trong làng hiếu kỳ cũng kéo ra ngoài bờ biển và thích thú trở thành những người mẫu để chúng tôi chụp hình.
Tạm biệt Phú Yên, biển vẫn mãi xanh và tình người vẫn mãi dịu dàng như những khoảnh khắc chúng tôi đã có trên đường khám phá nơi này.
Chuyến đi T5/2006