What's new

10 ngày đến Trường Sa - xa và gần

Đó là 10 ngày đáng nhớ trong cuộc đời, với rất nhiều cái đầu tiên của tôi, đi biển dài ngày, đi tàu thủy, thử sức mình với sóng gió đại duơng, và đến với Trường Sa. Trong 10 ngày hành trình ấy, tôi đã trải qua hơn 1000 hải lý, đã đến,đã thấy, và chứng kiến nhiều điều, nhiều tự hào, nhiều niềm vui và nỗi nhớ trên 9 đảo của tổ quốc, gồm: Song Tử Tây, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn Đông, là những đảo nổi, với diện tích to nhỏ khác nhau, và các đảo chìm như Đá Nam, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát, rất nhỏ, nổi trên nền đảo san hô chìm, tất nhiên là đến và ngủ 1 đêm ở Trường Sa lớn, thăm nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Chúng tôi đã dự 2 lễ tưởng niệm đầy xúc động, 1 trên khu vực Côlin - Gạc ma - Len đao, nơi 64 chiến sỹ ta đã hy sinh dưới làn đạn hèn hạ của kẻ thù, 1 trên thềm lục địa phía Nam, bãi Phúc Nguyên, nơi hàng chục chiến sỹ ta đã hy sinh trong bão tố. 10 ngày miệt mài trên biển và dày đặc lịch làm việc, biết bao cảm xúc, nhưng có những điều không được nói, vì nguyên tắc, những dòng nhật ký viết vội trong ngả nghiêng sóng biển dường như chỉ nói được rất rất ít những điều tôi muốn nói.
Có 1 bài hát " không xa đâu, Trường Xa ơi..." Xa và gần, hẳn mọi điều đều là tương đối. Xa, vâng, rất xa, nhưng cũng thật gần. Trường Sa, nơi chúng tôi cảm nhận hơn về sự thiêng liêng của tổ quốc, về những máu xương và công sức của biết bao người, vì chủ quyền dân tộc nơi biển đảo xa xôi. Đã có nhiều người chia sẻ về Trường Sa, về những cảm nhận rất tuyệt của các bạn, nhưng tôi vẫn muốn góp thêm đôi dòng nhật ký Trường Sa của mình, và một số bức ảnh mà mình đã ghi lại được. Hẳn với mỗi chúng ta, nếu có dịp đến nơi này, những ký ức đó sẽ không bao giờ có thể phai mờ.

TS.jpg
 
Last edited:
Cảm ơn bạn dudu08 rất nhiều. 1 ký sự giúp cho tôi và những người con đất Việt hiểu được hơn những khó khăn cũng như những hy sinh mất mát của các chiến sĩ biển đảo. Thật hùng vĩ làm sao khi được chứng kiến những con người đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất cho Tổ Quốc.
Hy vọng trong cuộc sống này tôi sẽ có dịp đến thăm Trường Sa và Hoàng Sa.
 
Em xin phép tác giả được copy nội dung và hình ảnh bài viết đưa sang Blog (yahoo) nhé, để cùng chia sẻ với bạn bè những điều về Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
Phần ảnh đã có đánh dấu chủ quyền rồi, còn phần nội dung em sẽ đặt link tới bài viết gốc trên phuot.
Em sẽ làm khi có trả lời "đồng ý" của tác giả.
 
4614186007_01e12df538_o.jpg


Buổi tối, bỗng nhận được điện thoại của những người bạn đồng nghiệp và mấy đồng chí bên Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô “ Lý, tàu HQ 936 ra Hà Nội, đến nhé”. Tàu HQ 936, cái tên đã trở thành thân thuộc với chúng tôi, đó là chiếc tàu vận tải của Hải quân, đã từng đưa chúng tôi 10 ngày trên biển, trong chuyến thăm Trường Sa năm 2010. 10 ngày lênh đênh với sóng gió, có lúc trời yên, biển lặng, có lúc dậy sóng, và đến với Trường Sa xa xôi mà gần gũi của tổ quốc, những ký ức ấy, hẳn không bao giờ xa. Nhưng còn Lý thì tôi không nhớ. Đặc thù nghề truyền hình, không có nhiều thời gian nhẩn nha như cánh báo viết, vả lại những thủy thủ trên tàu vốn không phải là đối tượng tác nghiệp của tôi, nên thú thực, tôi không biết nhiều anh em trong số gần 40 cán bộ chiến sỹ đi cùng đoàn trong chuyến đi ấy. Nhưng tối nay, khi anh em gọi, với tất cả nghĩa tình với Trường Sa, gác tất cả bận rộn và công việc bộn bề gấp gáp, để đến gặp gỡ người thủy thủ đã từng cùng hành trình đến Trường Sa.

Quán cafe vắng người trên đường Lê Văn Lương là nơi tụ họp. Khi tôi đến đã hơn 21h. Những gương mặt thân quen, 8 chủ nhà và 1 khách. Sau chuyến đi Trường Sa, những người bạn đồng hành, dù ở Hà Nội, nhưng chẳng mấy khi có dịp gặp nhau. Hôm nay có khách Hải quân, bạn Trường Sa, bỗng là cái cớ cho mấy anh em ngồi lại. Lý, chàng sỹ quan hải quân, rắn rỏi với nước da của biển, cái bắt tay thật chặt như thân thiết từ lâu, trở thành trung tâm của cuộc gặp gỡ. Lý vừa trở về Hải Phòng sau chuyến tuần tra chung của 2 tàu tên lửa của ta là HQ 375 và HQ 376 cùng tàu Trung Quốc sau những mâu thuẫn vừa qua. Tàu về Hải Phòng để tiếp hậu cần và nhiên liệu, chuẩn bị cho những hành trình mới, còn Lý được cấp trên cho về Hà Nội 1 ngày vì công việc gì đó, sớm hôm sau sẽ lại lên tàu. 9 năm rồi chàng thủy thủ trẻ mới về Hà Nội, bởi cuộc đời người lính biển chỉ biết đến sóng gió và hải đảo.

Không tiện hỏi nhau về công việc và nhiệm vụ hiện tại của Lý, nhưng những câu chuyện của chúng tôi không lúc nào ngơi, về kỷ niệm 10 ngày đi biển của những đại biểu Hà Nội không quen sóng gió, lần đầu được ra Trường Sa. Người thủy thủ vốn ăn to nói lớn, nhưng giọng nói đầy nhỏ nhẹ, kìm nén, đôi khi phải lắng tai mới nghe rõ. Lý nói về nhiệm vụ tuần tra chung trên biển Đông với hải quân Trung Quốc, về việc thăm hạm đội Hải Nam của Trung Quốc, giữ hòa khí, nhưng kiên quyết khẳng định chủ quyền. Đó là nhiệm vụ không hề đơn giản của người đi sứ, trong vai của người yếu thế hơn. Lý kể, giao lưu văn nghệ với Trung Quốc, nhưng vẫn hát “ Biển này là của ta, đảo này là của ta...” Lý nói, chúng em đi làm nhiệm vụ này, đồng bào vẫn có người không hiểu, không đồng tình và hiểu sai mục đích của chuyến đi, nhưng bọn em luôn khẳng định, quyết hy sinh chứ không chịu để mất 1 m2 biển đảo nào vào tay nước ngoài. Lý bảo, khi tàu rúc lên 3 hồi còi chào đất liền để ra khơi, người lính hải quân không xác định ngày về. Ra đi có thể là mãi mãi nếu tổ quốc yêu cầu, người lính lúc nào cũng sẵn sàng trên bệ phóng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh. Chỉ khi tàu cập về bờ, mới biết mình hoàn thành nhiệm vụ trở về, mới nhẹ lòng với gia đình và quê hương.

Giọng người lính biển nhẹ nhàng, đủ nghe, nhưng đầy rắn rỏi. Lính chiến vốn không biết đùa, câu chuyện nghiêm túc và có phần hơi căng cứng, nhưng đầy sự chân thành trong đó. Nếu là người không hiểu, có lẽ sẽ nghĩ đến điều gì đó hệ trọng, chẳng hạn như nguy cơ chiến sự. Nhưng với người lính biển, hơn 25 năm nay rồi, hải quân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu và hy sinh như thế, chưa lúc nào ngơi. Và chúng tôi, vốn có 10 ngày cùng các anh thăm biển đảo, đã thấu hiểu và chia sẻ với những suy nghĩ ấy. Nhớ lúc đó, chuẩn đô đốc đi cùng đã tâm sự, Hải quân Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển đảo, chứ không chỉ là thụ động nữa. Chúng ta đã quyết tâm trang bị khí tài mạnh, và người lính hải quân đã sẵn sàng chiến đấu khi tổ quốc bị đe dọa. Chúng ta chưa mạnh, nhưng đã đủ sức đương đầu với quân thù nếu chúng động đến đất nước ta. Chưa lúc nào chúng ta lơi lỏng tinh thần chiến đấu trên biển, và hy vọng, mỗi người dân đều hiểu và đồng cảm với ý chí và tinh thần của Hải quân, của quân đội và đất nước, để đừng manh động, để cùng khôn khéo xử lý tình huống trước sự gây hấn của ngoại bang, mà cụ thể và duy nhất là Trung Quốc.

Nhớ lại những ký ức Trường Sa, Lý kể về những kỷ niệm 10 ngày gắn bó, kể về việc chuẩn bị cháo gừng cho những người say sóng, trong đó có những chị em trong cuộc gặp hôm nay. Lý kể, bình thường cá heo hay chạy theo tàu của ta trên biển, nhưng khi người thủy thủ bỗng thấy cá heo nhảy qua trước mũi tàu, dù chỉ là đôi ba con thôi, thì đó là lúc phải chuẩn bị cháo gừng cho những người say sóng, bởi hôm sau thế nào biển cũng sẽ có sóng lớn. Đến loài cá biển quê hương còn có nghĩa tình như thế. Lý kể, người thủy thủ vốn quen sóng gió, ra Trường Sa lên đảo không ngủ được, đêm nghe sóng vỗ 4 bề mà thương các anh em trên đảo... Những câu chuyện dài như quên thời gian

Ngồi nói chuyện với Lý, tôi bỗng nhớ cảm giác tròng trành trên sóng, nhớ cái nắng và gió của Trường Sa, nhớ biển đảo và nhớ những người lính biển mà tôi đã gặp, nhớ những cảm xúc của những ngày ra đảo. Khánh Hòa, cô ca sỹ Hà Nội cùng đi ra đảo với chúng tôi cũng có mặt trong cuộc gặp ấm áp này muốn được hát tặng Lý đôi bài hát về Trường Sa. Khánh Hòa hát “ Không xa đâu Trường Sa ơi...” với một giọng hát nghẹn ngào, và cô khóc. Khánh Hòa cũng đã từng khóc nức nở khi hát trong lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ ta hy sinh tại khu vực Cô Lin - Gạc Ma của Trường Sa, và hôm nay, thêm 1 lần nữa là những giọt nước mắt trong cuộc gặp gỡ đơn sơ này. Giọt nước mắt để nhớ về Trường Sa, để đồng cảm với những gì mà những người lính biển đã hy sinh cho tổ quốc...

Chia tay Lý đã 11h đêm, những cái bắt tay thật chặt, nhiều lần, và những lời hẹn ngày tái ngộ, dù ở Hà Nội, hay ở bất cứ đâu trên tổ quốc này. Chúng tôi mong Lý luôn bình an trở về. Còn Lý thì cứ nhắc lại mãi, các anh yên tâm, chúng em xin hứa biển này là của ta, đảo này là của ta, đó là điều chắc chắn, không kẻ thù nào có thể xâm phạm được....

Topic đã được gởi đăng bởi BDK, 07/7/2011
 
Last edited by a moderator:
Bài viết của bác thật bổ ích giúp cho em hiếu được nhiều hơn về biển đảo Việt Nam. Về những khó khăn của các anh lính hải quân canh giữ vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.

Có nên chăng Bộ giáo dục nên đưa những sự kiện quan trọng những cảm nhận chung của bác và những người có cơ hội thăm trường sa vào giáo trình của học sinh cấp I II III . Trong hệ thống giáo dục của nước ta hiên nay hay không.
Em mang máng nhớ được là lúc còn ngồi trên ghế phổ thông thì chỉ biết đến việc Trung Quốc chiếm Hoàng sa và tranh chấp của mình với các nước khác ở Trường sa. Thời của em lúc ấy internet chưa phát triển mọi điểu chỉ biết qua ti vi và sách báo. Cách đây 5 năm lúc bắt đầu đi học đại học thì mới dần biết những điều về biển đảo Viêt Nam , mới biết về sự kiện tháng 8/1988 và nhiều điều khác qua internet . Những điều này không phải để gieo lòng căm thù mà để cho học sinh, sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước thấy được sự gian khó của các bác các anh trong công cuộc giữ vững chủ quyền đất nước như thế nào.
Theo em nghĩ đến bây h trong sinh viên không nhiều mà cũng chẳng ít không biết đến sự kiện tháng 8/1988 đâu , trong khi họ là những sinh viên khá giỏi của nhiều trường đại học trong nước
 
Em muốn hỏi làm sao để được đi đây anh???? Mình có thể xin bên Hải Quân tổ chức tour cho mọi người đi cùng với việc cấp nước hok ạ??? Thực lòng em rất muốn đi mà hok biết làm sao đây????
 
Còn Lý thì cứ nhắc lại mãi, các anh yên tâm, chúng em xin hứa biển này là của ta, đảo này là của ta, đó là điều chắc chắn, không kẻ thù nào có thể xâm phạm được....

khảng khái và bình dị , đáng trân trọng biết bao những người lính đảo
 
He he, hình như nhiều bác muốn đi TS để thỏa mãn chí tò mò kiểu như " ta đã đến đó" hơn là tình yêu Tổ Quốc.
Đơn cử là tất cả thanh niên nam từ 18-25 đều phải đi bộ đội nhưng liệu có bao nhiêu bác đi hay là đều chạy chọt ở nhà để đi phượt đến các mốc, cột cờ biên giới rồi hô yêu nước và về pót ảnh, đưa tin hoành tráng.
Em thì cố yêu nước từ những điều đơn giản hàng ngày thôi ạ.
 
He he, hình như nhiều bác muốn đi TS để thỏa mãn chí tò mò kiểu như " ta đã đến đó" hơn là tình yêu Tổ Quốc.
Đơn cử là tất cả thanh niên nam từ 18-25 đều phải đi bộ đội nhưng liệu có bao nhiêu bác đi hay là đều chạy chọt ở nhà để đi phượt đến các mốc, cột cờ biên giới rồi hô yêu nước và về pót ảnh, đưa tin hoành tráng.
Em thì cố yêu nước từ những điều đơn giản hàng ngày thôi ạ.

Đôi khi yêu nước lại bắt đầu từ những điều ấy.
 
Trường Sa thân yêu, mình cũng mong muốn 1 lần đến được, nhưng chắc là không rồi, vì đang là sinh viên, nhưng mình cố gắng đọc hết các bài viết về biển đảo của VN mình, đành gửi cảm xúc qua những bài viết và hình ảnh về biển đáo của mình vậy
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,762
Bài viết
1,137,559
Members
192,650
Latest member
inanvinhtri
Back
Top