What's new

10 ngày đến Trường Sa - xa và gần

Đó là 10 ngày đáng nhớ trong cuộc đời, với rất nhiều cái đầu tiên của tôi, đi biển dài ngày, đi tàu thủy, thử sức mình với sóng gió đại duơng, và đến với Trường Sa. Trong 10 ngày hành trình ấy, tôi đã trải qua hơn 1000 hải lý, đã đến,đã thấy, và chứng kiến nhiều điều, nhiều tự hào, nhiều niềm vui và nỗi nhớ trên 9 đảo của tổ quốc, gồm: Song Tử Tây, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn Đông, là những đảo nổi, với diện tích to nhỏ khác nhau, và các đảo chìm như Đá Nam, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát, rất nhỏ, nổi trên nền đảo san hô chìm, tất nhiên là đến và ngủ 1 đêm ở Trường Sa lớn, thăm nhà giàn DK1 Phúc Nguyên. Chúng tôi đã dự 2 lễ tưởng niệm đầy xúc động, 1 trên khu vực Côlin - Gạc ma - Len đao, nơi 64 chiến sỹ ta đã hy sinh dưới làn đạn hèn hạ của kẻ thù, 1 trên thềm lục địa phía Nam, bãi Phúc Nguyên, nơi hàng chục chiến sỹ ta đã hy sinh trong bão tố. 10 ngày miệt mài trên biển và dày đặc lịch làm việc, biết bao cảm xúc, nhưng có những điều không được nói, vì nguyên tắc, những dòng nhật ký viết vội trong ngả nghiêng sóng biển dường như chỉ nói được rất rất ít những điều tôi muốn nói.
Có 1 bài hát " không xa đâu, Trường Xa ơi..." Xa và gần, hẳn mọi điều đều là tương đối. Xa, vâng, rất xa, nhưng cũng thật gần. Trường Sa, nơi chúng tôi cảm nhận hơn về sự thiêng liêng của tổ quốc, về những máu xương và công sức của biết bao người, vì chủ quyền dân tộc nơi biển đảo xa xôi. Đã có nhiều người chia sẻ về Trường Sa, về những cảm nhận rất tuyệt của các bạn, nhưng tôi vẫn muốn góp thêm đôi dòng nhật ký Trường Sa của mình, và một số bức ảnh mà mình đã ghi lại được. Hẳn với mỗi chúng ta, nếu có dịp đến nơi này, những ký ức đó sẽ không bao giờ có thể phai mờ.

TS.jpg
 
Last edited:
Chuyện vui vui trên đảo Song Tử Tây.

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng, bò ở đâu có tinh thần học tập nhất, câu trả lời sẽ là: ở đảo Song Tử Tây.

Song Tử Tây có 1 đàn bò, chừng 9-10 con, con nào cũng cao to lừng lững, cỡ đầu người lớn, dáng đi đường bệ, oai phong, tất nhiên, do điều kiện ngoài đảo xa, đảo thì nhỏ, mỗi chiều 100 - 200 m, bò không có điều kiện đi chơi xa, và tất nhiên, làm gì có đất để trồng cỏ nuôi bò. Cả đảo có mỗi 1 sân vận động, thì mùa mưa còn có tý cỏ, mùa khô thì trơ đất cát san hô. Nhưng đàn bò vẫn sinh sôi, phát triển, là nguồn thực phẩm tươi quý báu cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta, và vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bò Song Tử Tây rất hiếu chữ, âuviệc ham chữ nghĩa cũng là cách để giết thời gian trên hòn đảo nhỏ bé giữa biển khơi này.

Hiếu chữ ở chỗ, cán bộ chiến sỹ ta công tác trên đảo, đi học hoặc huấn luyện, hễ chểnh mảng chút thôi là mất sách vở như bay. Mà thủ phạm, sau nhiều lần điều tra xét hỏi, hóa ra là đàn bò. Rất nhanh, bò thủ tiêu ngay sách vở của bộ đội ta. Để cho chữ nghĩa được nhớ lâu, bò có cách trau dồi độc đáo, đó là chén sạch cả chữ lẫn vở. Cho nên, từ ấy, chiến sỹ ta đi đâu phải giữ kè kè sách vở bên người, nếu không bò sẽ giữ hộ. Hiếu chữ đến độ, quà từ đất liền mang ra đảo, được bọc trong những chiếc thùng các tông, bò cũng chầu chực để được xin quà, bằng chính những vỏ thùng các tông đầy chữ. Chắc nhiều chữ nước ngoài, nên bò cũng có tinh thần tò mò ham hiểu biết hơn, đọc ngốn ngấu.

Do điều kiện trên đảo không có đủ cỏ nuôi bò, trước đây, Bộ Nông nghiệp đã phải tìm cách nuôi bò trên Song Tử Tây bằng một loại thức ăn độc đáo, đó là bìa các tông, tưới ẩm, ủ lên men, bò ăn vào thay rơm, và vẫn phát triển rất tốt. Lâu rồi thành quen, đàn bò trên đảo bây giờ sống chủ yếu bằng nguồn thức ăn chính là bìa và giấy ủ lên men, đâm ra, nhìn thấy giấy tờ sách vở, bò đâm nghiện, ăn riết rồi thành khoái khẩu. Chữ nghĩa vì thế mà cũng vào bụng được dăm ba phần.

Âu đó cũng là một câu chuyện vui nhưng đầy cảm động về sự khó khăn của bộ đội ta trên đảo , trước đây và cả hôm nay, để thấy trong khó khăn, thiếu thốn đủ đường, chúng ta đã sáng tạo, để vượt lên, và sống vẫn đầy lạc quan yêu đời. Những con bò thích sách vở đã trở thành một câu chuyện đầy tự hào của những người lính đảo Song Tử tây.
 
Chuyển quà đất liền vào đảo

4614514669_060fea7885_o.jpg


Cái hình này rất vui nhé , đố biết có mấy chú hải quân đang chở quà ??;)

Mà bác Đú chụp bằng ống gì mà mây cứ như đang bay ngang đầu , Rất ấn tượng ạ !
 
Ngày D+3, đảo Nam Yết - đảo Sinh Tồn Đông

Rời Song Tử Tây lúc 5h chiều, tàu lại đi miệt mài trong chạng vạng hoàng hôn, rồi chìm vào bóng đêm, lại một đêm dài yên bình trên biển, chỉ có tiếng sóng vỗ rào rạt bên mạn tàu, tiếng động cơ máy ì ì, tiếng người cười nói lao xao rồi thưa dần. Lúc bình minh của ngày hôm sau, đảo Nam Yết đã mờ mờ hiện ra ở phía mũi tàu. Đảo Nam Yết là đảo không có dân sinh sống, chỉ có các cán bộ chiến sỹ bảo vệ đảo. Xuồng lại đưa chúng tôi vào thăm đảo, thời gian thăm đảo được ấn định từ 8h đến 10h30. Ấn tượng của chúng tôi, đó là đảo rất xanh, một màu xanh của sự sống, dù trên đảo chỉ có nước lợ. Nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những cây nhàu, cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông, cây mù u vẫn lên xanh mát. Ở giữa đảo có 1 cây bàng 8 gốc, đầy chất cổ thụ. Thời gian trên đảo không nhiều, vả lại cảnh quan không có nhiều điều đặc biệt, ngoại trừ hệ thống công sự chiến đấu, cái mà không được phép đưa lên ảnh. Ấn tượng của tôi, đó là 1 cậu chiến sỹ trẻ, quê ở Hải Bối, huyện Đông Anh. Cậu chàng bẽn lẽn và nằn nì 1 chị đồng hương trong đoàn công tác về thăm phòng ở của cậu. Chúng tôi cũng đi theo, và chứng kiến chàng chiến sỹ 21 tuổi nâng niu lấy từ trong tủ cá nhân 1 chùm hoa ốc biển, giống như 1 cụm hoa hồng hàm tiếu, trên 1 con ốc to, món quà đặc biệt của biển do chính tay cậu sưu tầm từng con ốc, lấy dây thép tết từng cành hoa, đính cành hoa lên vỏ ốc lớn, và sơn màu lên từng con ốc nhỏ, tượng trưng cho những bông hoa đỏ thắm của tình yêu. Món quà đơn giản mà công phu, ẩn chứa đầy tình cảm của người lính xa đất liền. Cậu chàng bẽn lẽn nhờ chị đồng hương chuyển về quê hương, đến 1 cô bé lớp 12 nào đó mà cậu chưa từng gặp mặt. Chao ôi tuổi trẻ. Có lẽ thời ấy đã quá xa rồi với tôi, sự lãng mạn, sự thiết tha, và cả những ước mơ cháy bỏng đã giúp món quà ấy được thành hình, và được trao gửi về cũng bằng một cách đầy đơn sơ và cảm động. Nhìn chàng lính trẻ 20, nhỏ và đen trong bộ quân phục hải quân trắng, chiếc mũ sắt to, tôi thấy trong mắt cậu chàng như có ngấn nước mắt. Chị đồng hương lấy điện thoại, bảo cậu gọi về cho bố mẹ ở nhà, ngần ngừ mãi, rồi từ chối, bảo rằng chỉ huy chưa cho phép. Động viên mãi, cậu mới dám gọi, chưa nói câu nào nước mắt đã hoen, rồi xúc động chẳng nói lên lời, câu nói cứ nghẹn đi. Những chàng trai 18 -20 của chúng ta đã lên đường ra giữ đảo như thế! Nhưng khi hỏi về chiến thuật chiến đấu, kể vanh vách từng góc hào, từng phương án chiến thuật, chàng lính trẻ là lính cối - thiết giáp, hồn nhiên nói về cuộc sống tập luyện đầy vất vả trên đảo. 18 tháng, 1 năm rưỡi trong đời quân ngũ trên đảo xa nhỏ bé này, hẳn sẽ là những dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời của người lính trẻ này. Và chùm hoa ốc biển ấy đã theo chúng tôi đằng đẵng trong cả hành trình, được mọi người nâng niu, gìn giữ từng con ốc, và chắc rằng, giờ này, cô bé nào đó đã nhận được món quà từ tay người lính đảo Nam Yết - Trường Sa. Và dẫu có chỉ là một tình bạn đẹp, một cuộc gặp gỡ tình cờ trong đường đời, tôi vẫn tin, đó là 1 cô bé đầy may mắn!!!
 
Last edited:
Đến trong bình minh, trước mặt là Nam Yết - đảo lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, sau đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép

4626034810_b1bf90cdd0_o.jpg


Nam Yết

4626035236_b50320f575_o.jpg


Buổi sớm trên cầu cảng, đón đoàn vào thăm đảo

4625441909_41e2d198cb_o.jpg


Bờ cát ven đảo, với hệ thống điện mặt trời đẹp mắt

4625429149_8f83db3ab4_o.jpg


Hoa bão táp trên đảo Nam Yết

4625429403_545219db7a_o.jpg


Những giờ phút gặp gỡ ngắn ngủi, chào nhé, Nam Yết, hẹn gặp lại

4626035378_dc02b5773e_o.jpg
 
Hết đảo Nam Yết, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến Sinh Tồn Đông. Từ 11h, tàu đi chừng 3 tiếng, đến 13h30 đến Sinh Tồn Đông. Nhìn qua cửa sổ tròn từ phòng ngủ, ngoài cửa một màu trắng xóa. Ra boong ngắm, hóa ra là một màn sương bao phủ. Biển lặng như chưa bao giờ lặng thế, mặt nước phẳng lặng, không một gợn sóng nào, một màu trắng mờ xóa nhòa ranh giới giữa biển và trời, nước cũng mờ trắng như sữa, một cảnh tượng thật lạ. Trời không có gió, tất cả im phăng phắc đến ngạc nhiên, chỉ có phía xa mờ, phía đó đang có mưa trên biển. Nhưng thật tiếc, nơi đó không có đảo của ta, dù chiến sỹ ta trên đảo trông mưa đã 6 tháng trời.
Đảo Sinh Tồn Đông là một đảo cấp 3, một đảo nhỏ ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Một chiều của đảo chỉ chừng 40m, một chiều trên 140m, nghe kể, những khí gió lớn, sóng đánh bay từ bờ này đến bờ kia của đảo. Đảo nhỏ, nhưng cũng đầy sức sống, với những bờ cát trắng san hô, những doi cát biết chuyển động, và những tâm tình của người lính đảo. Xuồng vào đảo, qua những hàng cọc chống tàu đổ bộ. Những con chim mòng biển đậu đầy trên đầu cọc, như những hàng lính tiêu binh chào mừng chúng tôi thăm đảo của chúng. Lại nói về chim, trên đảo chiến sỹ ta nuôi 1 con cú, giờ nó đã quen, chỉ quanh quẩn trên cây, ngày ngủ vùi, chỉ khi nào có người gọi, nó mới mở đôi mắt sáng quắc nhìn gườm gườm đầy cảnh giác. Trên đảo có nhiều hoa bàng vuông, và hiếm hoi có những quả bàng vuông trái mùa. Đảo thật nhỏ, trên đài quan sát, nhìn bao quát ra toàn đảo, thấy thương chiến sỹ ta. Trong khi chúng tôi thăm đảo, thì tàu của chúng tôi tranh thủ tiếp nước cho chiến sỹ. Những m3 nước quý báu giữa mùa khô, khi mà 6 tháng rồi trên đảo chẳng có đủ mưa.
Đội văn công ngồi trên thềm nhà, hát mộc cho chiến sỹ ta nghe, dưới cái nóng mùa khô ở đảo, tiếng hát thân thiết cũng làm chúng tôi cảm thấy đã bù đắp được chút gì đó cho nỗi vất vả của các anh em chiến sỹ nơi đây.
 
Đảo Sinh Tồn Đông hiện ra phía trước mặt, biển lặng sóng như tờ, không nghe thấy 1 tiếng sóng vỗ nào, dù nhỏ nhất, mặt biển phẳng lặng như gương.

4631056046_3f77e8300c_o.jpg


Tàu tắt máy, trôi theo quán tính, tìm điểm thả neo trên biển san hô.

4630457465_c364b2a67b_o.jpg


Xa xa là Sinh Tồn Đông, nhỏ bé, nhưng mà đầy vẻ đẹp của sức sống, như màu xanh của cây cối giữa biển trời

4630457617_e299d159c5_o.jpg


Một chiếc tàu vận tải hải quân đang đỗ bên ngoài đảo - đó là tàu trực của hải quân ta, vừa bảo vệ đảo, vừa đưa công binh tiếp tục xây dựng đảo

4630457771_cfc3015929_o.jpg


Còn đây là tàu của chúng tôi - kéo 3 hồi còi chào đảo thân yêu

4630457935_66c9d76fe4_o.jpg


Sinh Tồn Đông ơi, xin chào

4630458443_f8b1b33cd0_o.jpg
 
Xuồng vào đảo Sinh Tồn Đông

4630458265_31b8483e1a_o.jpg


Hàng cọc chống tàu đổ bộ được Hải quân ta dựng lên, vào đảo chỉ còn 1 lạch duy nhất

4631057222_82fc974a88_o.jpg


Và những con chim moòng biển, như những hàng tiêu binh chào chúng tôi

4631057538_ca1ee3fc4c_o.jpg


Tất nhiên, với tính cách của họ nhà chim, hàng tiêu binh này ồn ào và bay loạn xạ

4631057878_dd5ae78975_o.jpg


Nhưng chỉ cần nghĩ rằng chúng đang cùng giữ đảo với bộ đội ta, đang chia sẻ khó khăn và sự trống vắng với bộ đội ta, thế là đã cảm thấy vui vui rồi

4630459117_2aedab2f2b_o.jpg
 
Last edited:
Lại nói về đảo Sinh Tồn, đây là một trong những đảo tạo thi hứng nhất cho cán bộ, chiến sỹ và rất nhiều thành viên đoàn công tác
Đại loại có những câu thơ tả chân như thế này:

Chị em thăm đảo Sinh Tồn
Tâm hồn ở lại, cái thân đem đi

Cho nên, về sau, bất cứ câu thơ nào về biển đảo, có vần tương tự như thế thì cũng đủ làm chị em lăn lóc ra cười rồi, thậm chí chỉ cần nói " Trường Sa sóng vỗ dập dồn...", thế là đã chuẩn bị có 1 tác phẩm thi ca nào đó sắp ra đời, và rất biểu cảm!!!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,675
Bài viết
1,135,070
Members
192,363
Latest member
LevuLiet
Back
Top