What's new

[Chia sẻ] Cẩm nang: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi Phượt

namnguyen

Mập
Staff member
Sáng nay ngồi uống cafe với hell, 2 thằng chia sẻ với nhau những trải nghiệm trên những cung đường. Mình chợt nảy ra ý lập 1 topic để anh em cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm đi phượt. Ý mình đơn giản chỉ là phần nào giúp anh em chuẩn bị tốt hơn trên những cung đường.
Kinh nghiệm là trải nghiệm của những người từng trải qua 1 điều gì đó. Kinh nghiệm không có đúng sai, do đó không phải là lý thuyết giáo điều, chúng ta cùng nhau vận dụng. Và quan trọng hơn hết, kinh nghiệm phải được hoàn thiện, bổ sung để ngày càng giúp ích cho chúng ta.
Rất mong các anh em, nhất là anh em có kinh nghiệm cùng chia sẻ.
 
Last edited:
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

Ở đây, trước hết mình bàn về phượt bằng xe máy phổ thông, không kể đến xe A2 hay cào cào các loại.
Bài viết đầu tiên, mình muốn viết về trang phục và dụng cụ khi đi phượt.

1. Quần áo
Từng cùng anh em tham gia một chuyến đi off, mình thấy nhiều anh em hơi chủ quan khi chọn trang phục khi đi phượt.
Khi chúng ta đi phượt, bạn cần nghiên cứu qua về thời tiết để chọn trang phục phù hợp.
- Bạn nên mặc trang phục che kín người. Ở đây, chúng ta hiểu là áo che được một phần cổ, che toàn thân trên và tay, đến tận cổ tay. Quần che kín đến cổ chân. Nếu bạn để hở da thịt ra ngoài, bạn sẽ bị nắng, và nặng hơn là gió lùa. Đặc biệt, nếu bạn để gió lùa qua ống tay mạnh, khi bạn chạy với tốc độ cao, hoàn toàn có khả năng làm lạng xe.
- Bạn nên mặc trang phục không quá chật và không quá rộng.
- Bạn nên mặc trang phục không quá dày nhưng cũng không quá mỏng, thậm chí dày vừa phải cũng được. Điều này sẽ rất phát huy tác dụng khi bạn phượt rừng, và (nói không may) là khi bạn ngã xe.
- Bạn không nên mặc trang phục màu quá tối nếu đi trời nắng vì sẽ hấp thụ nhiệt nhiều.
- Bạn nên mặc áo khoác, dù nắng hay không.

2. Quần áo bên trong (QABT)
Ừ thì nó hơi tế nhị, nhưng thôi mình già rồi, không ngại gì, nói đại
- Dù là nam hay nữ, bạn không nên mặc QABT chật. Điều đó vô cùng tai hại, tai hại ngay trong chuyến đi và tai hại về sau, nhất là với các bạn nam.
- Với các bạn nam, các bạn nên mặc quần trong thoải mái một chút, không bó chật. Chúng ta có thể mặc áo trong mỏng cho nam, loại này các bạn có thể mua ở siêu thị Hà Nội trên đường Cống Quỳnh. Nếu các bạn dùng loại quần trong dùng một lần, các bạn nên mua loại bằng vải, không nên mua loại bằng giấy, và nhớ đừng mua size chật.

3. Giày, dép
Nói về giày dép thì vô cùng.
Nói chung, khi bạn chọn mua giày, bạn nên chọn mua loại đế có dáng vừa lòng bàn chân bạn, bạn đừng tiếc những đôi đẹp mà để lượn không đủ cho lòng bàn chân bạn, nếu đi những đôi đó, bạn dễ bị đau gan bàn chân.
Đế phải mềm, nhưng đừng mỏng quá. Nếu đế cứng hay hơi cứng, bạn sẽ bị đau gan bàn chân khi di chuyển. Nếu đế quá mỏng, bạn sẽ bị đau cổ chân.
Giày nào còn tùy thuộc vào bạn đi đâu. Bạn leo núi thì cần đôi giày có độ nhám và gai không quá cứng. Bạn đi bộ thì cần đôi giày có đế bằng hoặc ít nhám. Khi bạn lội suối, bạn cần xem kỹ khả năng bám của giày trên đá, và mức độ thấm nước.
Cá nhân mình không khuyến cáo đi dép trong hầu hết các trường hợp. Khi đi xe máy, bạn nên đi giày để hạn chế những rủi ro rất dễ xảy ra, nhiều khi xui xẻo một cách vô lý.
Khi đi mưa, mình nghĩ các bạn nên dùng loại túi nylon bọc giày có dáng đôi ủng. Đừng xem thường những chiếc túi này, nó sẽ giúp đôi giày và đôi chân của bạn tương đối khô hoặc trong trường hợp tệ hơn thì hạn chế ướt sũng. Các bạn nên thủ vài đôi khi đi. Ngoài ra, khi tháo túi, bạn nên tháo cẩn thận và kẹp vào baga xe, bạn sẽ dùng lại được nó trong 1 hay vài lần nữa.

(còn tiếp)
 
Last edited:
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

4. Ba lô - túi xách
Tính ra đi đâu thể nào bạn cũng mang theo ít nhất 1 cái ba lô hoặc túi xách.
Mỗi thứ có công dụng khác nhau và độ cơ động khác nhau. Nếu các bạn cần phải đi bộ, mình khuyến cáo mang ba lô.
- Ba lô hay túi đeo cần phải có quai chắc chắn và đủ êm vai. Các bạn đừng xem thường yếu tố này, và đừng mang những chiếc ba lô hay túi có quai nhỏ xíu, cứng ngắc.
- Trừ phi bạn mua một chiếc ba lô hay túi hàng xịn thật sự, còn nếu bạn mua hàng fake, hãy kiểm tra thật kỹ sự chắc chắn của các quai, móc, và mạnh dạn gia cố hay sửa chữa. Những sự cố đứt quai ít khi xảy ra, nhưng hậu quả thì thật tai hại.
- Nếu bạn mua túi đeo chéo, hãy tìm loại có đai đeo ngang bụng để trợ lực cho vai và giảm sự dao động của túi.
- Nếu bạn mua ba lô, hãy tìm loại ít nhất có đai đeo ngang bụng, tốt hơn là có cả đai ngang ngực (chỗ quai)
- Bạn hạn chế tối đa sự "lủng lẳng" của ba lô hay túi. Nhẹ nhàng ấy, nhưng khi đã mệt, mỗi cú lủng lẳng ấy là một nhát bào lên sức bền của bạn.
- Nếu bạn dùng máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời, bạn nên dùng ba lô hay túi phù hợp với máy ảnh. Đừng nhét máy ảnh và ống kính chung với quần áo và các thứ khác. Bên trong ba lô hay túi, các miếng ngăn phải chắc chắn và vừa.
- Luôn kiểm tra dây kéo mỗi khi lấy hay cất đồ. Thói quen này sẽ tránh khi bạn nhấc ba lô hay túi lên, có cái gì đó (ống kính chẳng hạn) rớt ra vì quên kéo khóa
- Sau vài chuyến đi, hãy làm vệ sinh cho túi hay ba lô

5. Nón bảo hiểm
Cái này mình nói chứ rất lười làm. Nhưng mình cũng xin góp ý
- Các bạn nên dùng loại nón bảo hiểm che hết cằm, cổ và tai. Bạn đừng nghĩ đội cái nón quá nặng thì khi ngã không chết vì bể đầu mà chết vì gãy cổ vì nón nặng. Không phải như vậy. (nói không may) Khi bạn đội nón bảo hiểm quá nhẹ, khi bạn ngã, đầu đập xuống đất, nếu nón không đủ nặng, đầu bạn sẽ nảy lên, gãy cổ chính là lúc đó. Với nón bảo hiểm đủ nặng và che đủ, không bị gãy cổ do nảy đầu lên, và các điểm tựa của nón cũng hạn chế các thương tật.
- Đừng dùng những loại nón bảo hiểm rẻ tiền, thôi thì phòng xa vẫn hơn.
Nói vậy thôi chứ mình vẫn dùng nón bảo hiểm loại tốt nhưng chỉ che đầu. Mình khẳng định như thế là không đủ an toàn khi đi đường.

6. Găng tay
- Khi đi xe máy, bạn nên mang găng tay loại dùng khi lái xe máy.
- Ngoài ra, nếu bạn đi trời vừa mưa vừa lạnh, đừng mang găng tay len mà hãy dùng găng tay da.
- Nếu bạn leo núi, nên mang găng tay để tránh bị côn trùng cắn.

(còn tiếp)
 
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

7. Áo mưa
Đi phượt bằng xe máy vào mùa mưa chắc chắn bạn phải trang bị áo mưa.
- Trên lý thuyết, có lẽ cách tốt nhất là áo mưa bộ (dạng quần áo), còn ba lô hay túi xách thì bọc lại (một số ba lô hay túi hàng xịn có kèm theo áo mưa, nhưng độ che phủ khác nhau).
- Cá nhân mình thì thích cách quần áo mưa + áo mưa choàng. Tốt hơn nữa là bạn mặc thêm áo khoác không thấm nước.
- Xe đi 2 người thì 2 người đều nên mặc áo mưa riêng. Mặc chung áo mưa, ít nhất là người ngồi sau ướt chân, nhiều hơn là cả 2 cùng ướt hết.

8. Áo khoác
Áo khoác là trang phục nên có trong những chuyến đi.
- Với áo khoác, bạn nên mua loại áo tốt, mặt ngoài chống thấm nước, mặt trong có lưới thấm.
- Tốt hơn nữa là loại có thêm lỗ thông hơi ở 2 nách.
- Bạn nên xem kỹ các đường may và dây kéo khi chọn mua áo.

9. Khăn
Với nhà PKM mình, khăn rằn là 1 dạng đồng phục. Thực ra khăn rằn từ lâu đã trở thành bạn đường của dân phượt vì hiệu quả của nó. Bạn có thể dùng để che cổ, che trán và đầu, lau mồ hôi, ... Khăn rằn sau khi giặt lần đầu sẽ mềm hơn và dùng rất tiện.

10. Nón
Gần đây, khi việc đội nón bảo hiểm là bắt buộc, nhiều khi chúng ta quên mất nón. Mình nghĩ khi đi xa và đi nắng, các bạn nên bỏ 1 cái nón vào túi, khi đi bộ chúng ta lấy ra đội.
Bạn có thể dùng nón lưỡi trai hoặc nón dạng tai bèo. Cá nhân mình thích nón dạng tai bèo hơn vì dễ gấp hơn và che mát hơn. Bạn cũng đừng đội nón quá chật, sẽ làm tức đầu.
 
Last edited:
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

Tiếp theo, mình viết 1 ít về xe máy.
Xe máy đi phượt, nói chung tùy người, tùy thói quen và tùy điều kiện. Hầu hết chúng ta không đi xe mô tô phân khối lớn và cào cào. Trong nhà PKM cũng không thấy anh em đi win, minsk hay honda67. Trong chuyến off Tây Ninh, mình thấy anh em đa phần đi xe thông thường, cả xe số và xe ga.
Nhiều người nghĩ xe ga không đi phượt được. Được chứ. Nouvo, Air Blade, Click chẳng hạn. Mình từng cùng vài người bạn chạy xe lên dalat, có thằng chạy Nouvo LX, chạy rất ngon.
Tuy nhiên xe ga đi phượt có 1 một cái là tốn xăng. Ngoài ra, nói chung, xe số vẫn có lợi hơn khi đi đường trường.

Xe là bạn đường của bạn. Bạn nên có 1 quyển sổ hay file ghi chép lại thông tin ngày nào + số km mỗi khi thay nhớt, thay nhông sên đĩa, thay vỏ, ruột, ...

Trước mỗi chuyến đi, bạn phải kiểm tra xe kỹ
- Vỏ, trước sau, nếu mòn hết phải mạnh dạn thay, đó là vì sự an toàn của mình
- Thắng trước sau.
- Sên (xích)
- Nhớt
- Bình

Nói chung, cái xe bình thường khi vận hành sẽ không có những âm thanh bất thường. Mỗi khi có âm thanh bất thường, nếu được, bạn hỏi người quen xem vấn đề gì. Các bạn nữ và kể cả các bạn nam không rành về xe cộ khi đi sửa xe, nên mạnh dạn nhờ bạn bè có kinh nghiệm đi cùng để tránh bị "thuốc".
Cá nhân mình nghĩ hôm nào tổ chức off tốc hành "tìm hiểu về chiến mã" để các bạn có thêm kinh nghiệm.
 
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

Sáng nay ngồi uống cafe với hell, 2 thằng chia sẻ với nhau những trải nghiệm trên những cung đường. Mình chợt nảy ra ý lập 1 topic để anh em cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm đi phượt. Ý mình đơn giản chỉ là phần nào giúp anh em trong nhà chuẩn bị tốt hơn trên những cung đường.

Tại sao chỉ "anh em trong nhà" mà không thể là "anh em ngoài nhà" ???

Tôi nghĩ những topic về kinh nghiệm là luôn cần thiết cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ riêng cho một nhóm nào. Việc chia sẻ với nhau là tốt nhưng "chỉ chia sẻ với anh em trong nhà" thì thật sự tôi cảm thấy buồn.

Khi diễn đàn chia thành các nhóm, cũng đã lo ngại rằng dần dần các nhóm sẽ trở nên cục bộ và xa cách với cộng đồng diễn đàn, khi chỉ chia sẻ với riêng trong nhóm mà không nhìn ra bên ngoài nữa. Điều lo ngại có lẽ đang trở thành hiện thực...

Rất xin lỗi nếu làm bạn cảm thấy không vui.
 
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

Chạy xe thế nào, đó là cả một kỹ năng. Mình có vài kinh nghiệm chia sẻ với các bạn

- Khi chúng ta đi xa, theo đoàn, trừ phi bạn là người dẫn đường, bạn nên giữ khoảng cách vừa đủ với xe trước. Đoạn đường nào đi nhanh, khoảng cách an toàn là 30-40m. Đoạn đường nào đi vừa vừa, khoảng cách an toàn là 15-20m. Khi đi bình thường, bạn cố gắng giữ ga đều, vừa dễ duy trì khoảng cách, vừa tiết kiệm xăng.
- Bạn phải để ý tín hiệu người đi trước. Khi bạn muốn vượt (trong đoàn), bạn nên bấm còi và nhá pha - cốt. Khi nào cần phải dừng lại, bạn phải thông báo với xe dẫn đầu, tránh đi lạc.
- Trong các chuyến đi, thường sẽ có 1 xe dẫn đầu và 1 xe chốt sau. Luật là bạn không được vượt xe đầu và không được đi sau xe chốt.
- Khi vào các khúc cua, hay đèo dốc, có thể xe trước hoặc xe sau bạn có kỹ năng lái tốt, bạn đừng bị ảnh hưởng, cứ đi theo kỹ năng của mình, xe chốt sẽ kiểm tra các xe đi chậm. Qua cua hay dốc, bạn từ từ theo đoàn, không ai bỏ bạn đâu.
- Có một kỹ năng là cắt số (nhấn giữ cần số) khi đổ dốc. Mình cũng có lúc dùng, nhưng mình nghĩ là bạn chỉ nên dùng khi đổ dốc không có cua, và đường tốt.
 
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

Hay quá anh . em ủng hộ anh về vụ xe cộ. em thiếu kinh nghiệm về vụ này lắm . chừng nào anh off cho em 1 vé nha anh
 
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

Mình đang viết tiếp, và mong các bạn cùng đóng góp.

@ Chitto:
Mình hiểu ý của anh, và biết trong lúc viết lách đã có ý sơ suất. Thật sự mình hoàn toàn không có ý cục bộ. Phượt là sân chơi chung và là cơ hội để mọi người gặp gỡ và học hỏi nhau. Mình sẽ chỉnh sửa lại, và để ý hơn khi viết những bài viết sau.
Ngoài ra, ý mình lập topic này là để các bạn trong nhóm dễ tìm đọc hơn, chứ không có ý gì khác.
 
Re: Cùng chia sẻ kinh nghiệm đi phượt

Tiếp tục về chạy xe máy

- Khi đặt các đồ đạc lên xe máy, bạn cần phải cố định nó. Ví dụ đặt túi lên ba ga hay treo cái gì vào móc chẳng hạn. Bạn loại trừ khả năng lủng lẳng hoặc rơi rớt của nó, cũng là cách tránh mất tập trung khi lái. Bạn cũng đừng nên đè quá nặng và quá vướng lên cổ xe. Sau khi đặt đồ, bạn kiểm tra cẩn thận có chắc chắn chưa, có vướng tay lái khi cua không, có cấn nút nào không. Nhất thiết tay lái không bị ảnh hưởng cua quẹo các kiểu bởi đồ trên ba ga.
- Một kinh nghiệm rất quý báu từ những lần đau thương là bạn nhất thiết phải mang theo chìa khóa sơ cua. Cá nhân mình từng một lần làm mất chìa khóa giữa lô cao su ở Nhơn Trạch, kết quả là phải chạy ngược ra rất xa mới tìm được ông thợ sửa xe chở vào lô để tháo ổ khóa (tìm thợ khóa là vô phương). Chìa khóa sơ cua cất chung trong ba lô.
- Khi lái xe, có thể bạn chớm thấy buồn ngủ, hoặc 2 tay hơi đơ đơ. Bạn có thể xứ lý bằng cách lắc nhẹ các đầu ngón tay, tay trái bật lên xuống nút đèn, pha - cốt. Bạn cũng có thể nghiêng nhẹ đầu cổ 1 chút, có thể hát khe khẽ, ...
- Bạn cần để ý đến các cảnh báo về xăng trên xe. Giả sử bạn đi xe của ôm, bạn nên hỏi kim xăng hiển thị đúng không. Khi xăng có dấu hiệu sắp hết, bạn nên chú ý đổ xăng. Tốt nhất nên đổ xăng ở các cây xăng trong thị trấn, các ngã tư lớn, vì rất có thể sau đó bạn phải đi vài chục km nữa mới có chỗ đổ xăng.
- Mỗi khi dừng xuống xe, hãy để xe gọn, tránh cản đường, và khóa cổ.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,768
Bài viết
1,137,097
Members
192,602
Latest member
w88hat
Back
Top