What's new

[Chia sẻ] Tháng Tư ở nước Nga

Kế hoạch đi Nga đến bất chợt khiến tôi đờ ra mấy hôm không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhưng chuyến đi châu Âu năm ngoái mà ký ức hãy còn tươi mới đã giúp tôi dần dần xác định những việc phải làm. Đầu tiên là đặt vé. Phòng vé thân quen cho biết giá của VNA là tốt nhất, dịch vụ cũng “thân thiện” (đặc biệt với những người không biết một chữ Nga nào như tôi). Tuy nhiên, VNA không bay Nga hàng ngày, vì thế việc du di ngày đi vì lịch bay và cũng vì giá vé cũng phải tính đến. Tôi mua được giá khứ hồi bay Hà Nội - Moscow 920 đô la, không rẻ chút nào. Việc thứ hai là phải xem thủ tục visa Nga. Tìm trên mạng, chỉ thấy nhan nhản quảng cáo làm visa đi Nga của các công ty du lịch, tịnh không có một hướng dẫn “tự làm” nào. Tuy nhiên, sục vào trang web của Sứ quán Nga tại Hà Nội, bạn sẽ thấy có phần hướng dẫn xin thị thực, tuy đơn giản nhưng cũng khá rõ ràng, và nó đơn giản không phải tại vì trang web đưa thông tin sơ sài, mà tại vì yêu cầu thực sự đơn giản, nếu so với yêu cầu của visa Schengen thì đúng là một trời một vực. Tuy nhiên, để chắc ăn, tôi vẫn rình gọi vào số điện thoại của bộ phận thị thực (theo đúng lịch ghi trên trang web của sứ quán), gặp một chị người Nga. Vì biết là chị ấy nói được tiếng Việt, nên dù chị ấy chào bằng tiếng Nga, tôi cứ thao thao hỏi bằng tiếng Việt một cách hết sức tự nhiên. Và đây là yêu cầu hồ sơ visa: 1 thư mời của công ty du lịch (vì tôi nói tôi đi du lịch), vé máy bay khứ hồi (đã xuất, chứ không phải booking đặt chỗ), hộ chiếu (không cần phải copy), bảo hiểm du lịch, bản khai xin visa (load về từ trang web và điền tay vì không có form word để khai trên máy), 1 ảnh hộ chiếu và phí xin visa 50 đô la Mỹ. Lưu ý là không cần đặt hẹn trước, chỉ cần đủ hồ sơ mang đến sứ quán trong giờ làm việc ghi trên trang web để nộp. Và tiền lệ phí thì phải trả bằng đô la chứ không nhận quy đổi ra tiền Việt (tôi không biết trước điều này, nên hơi ớ người khi nghe mọi người xếp hàng bảo nhau, tuy nhiên, ở cổng nộp hồ sơ visa, luôn có một đội “cò” ôm hàng xấp hộ chiếu xin thị thực, và hãy hỏi đổi đô, họ sẽ sẵn sàng). Một điều nữa là dù đã ngồi nhà nắn nót viết bản khai xin visa (vì nhiều chữ phải biết bằng tên tiếng Nga, mà tôi thì không biết một tẹo nào), khi vào nộp, họ sẽ lấy ảnh đã dán của bạn trên bản khai ra, dán vào một tờ mới, giống y chang, cho bạn ngồi khai lại tại chỗ. Nộp 50 đô là và nhận hẹn 1 tuần sau đến lấy. Nếu bạn cần gấp, bạn có thể yêu cầu và trả 90 đô la.
Và tôi nhận visa sau đúng 1 tuần, không có cảm giác siêu hồi hộp như khi nộp visa Schengen. Có vẻ như là nếu có thư mời, bạn sẽ đương nhiên có visa. Visa thuộc dạng du lịch, thời hạn 30 ngày, vào 1 lần. Công ty làm thư mời cho bạn sẽ được ghi trên dấu visa. Vì thế, không phải là đương nhiên, mà lãnh sự quán sẽ dựa trên thống kê về lượng khách “không trốn lại” ở Nga của công ty cấp giấy mời để quyết định có cấp visa cho bạn không.
Và vì đơn giản vậy, tôi cũng khuyên bạn tự làm visa Nga, thay vì mua dịch vụ đắt đỏ của các công ty du lịch Việt Nam. Như bác Kimvanchinh có bảo tôi, giá có khi lên tới 500 đô la lận.
Hơn nữa, khi xem giá phòng ốc, xe cộ tàu bè ở Nga, tôi đều thấy có lựa chọn hỗ trợ về visa. Nghĩa là nếu bạn đặt dịch vụ của họ, họ sẽ xuất thư mời cho bạn (và tính phí), để bạn có thể xin visa. Tôi thấy phí thư mời thấp nhất là khoảng 35 đô la. Nhưng tôi không chắc về độ tin cậy của những thư mời này. Công ty xuất thư mời cho tôi (với giá hữu nghị là 50 đô la).
 
Thật lòng mà nói, tôi cũng nuôi mong ước đến nước Nga, bởi đây là nơi bố tôi đã từng sống, dù chỉ một thời gian ngắn nhưng những câu chuyện về nước Nga tươi đẹp một thời cũng khiến tôi thấy thèm thuồng. Hơn nữa, sau chuyến đi châu Âu năm ngoái, sau khi cùng bạn bè trầm trồ về những lâu đài, nhà thờ của Pháp, của Ý, chị bạn tôi, đã từng học 5 năm ở Nga, lại bảo: đẹp thật, nhưng ở Nga vẫn đẹp hơn. Điều đó càng thôi thúc tôi chớp lấy cơ hội đi Nga lần này, cho dù tôi chưa biết sẽ phải xoay xở ra sao vì không có chút ít kiến thức về nước Nga nào trong đầu, tiếng Nga chắc chỉ biết (nghe hiểu) dưới 10 từ đơn, và nhất là lục lọi trên phượt này, nơi tôi đã hoàn toàn tin tưởng và dựa dẫm cho chuyến đi châu Âu năm ngoái, chỉ có vài thông tin về du lịch ở Nga, mà tôi cho là không đủ đối với một kẻ “ngoại đạo hoàn toàn về nước Nga” như tôi. Tuy nhiên, cứ “đặt vé” và đi thôi. Niềm đam mê sẽ dẫn lối. Nhờ trao đổi với các anh chị trong trang “Thông tin du lịch Nga” trên phuot.vn, tôi được anh xuanhoa2000ru chia sẻ chương trình đi Matxcova và Saint Petersburg mà anh chuẩn bị cho chuyến đi Nga vào mùa hè tới. Tôi đọc ngốn ngấu và vỡ vạc ra nhiều thứ, nhất là những nơi cần ghé thăm ở hai thành phố này của nước Nga. Tuy nhiên, chuyến đi của anh dài hơn của tôi, và anh đã từng học ở Nga, nên tôi vẫn cần tự xoay xở nhiều cho chuyến đi của mình. Có chút lăn tăn khi cũng trên này, các anh chị nói đi Nga mùa nào cũng đẹp, trừ tháng 4 khi xuân chưa qua, hè chưa tới, tuyết không còn trắng xóa mà mưa tuyết rơi xuống là tan ngay, ướt lép nhẹp và bẩn thỉu. Nhưng cũng không thoái lui được nữa, tôi vẫn quyết đi. Anh xuanhoa2000ru có an ủi tôi, năm nay ấm hơn mọi năm, nên đầu tháng 4 tôi đi chắc cũng không đến nỗi mưa rét nữa. Vin vào lời an ủi ấy, tôi hằng ngày lên xem thời tiết ở Matxcova và Saint Petersburg để hy vọng. Và đúng như mong ước, tôi có một tuần ở Nga thì 6 ngày nắng đẹp, nắng rực rỡ chan hòa, chỉ một ngày hơi mây âm u một chút, nhưng không mưa, không tuyết, không lép nhép tẹo nào. Mừng cho may mắn của mình quá cơ. Nhưng để đến đoạn đó, thì con đường chuẩn bị còn dài.
Tôi chia sẻ với các bạn những việc tôi đã làm, để các bạn có thể hình dung và tôi hy vọng nó giúp ích đôi chút, đặc biệt cho những bạn không biết tiếng Nga để có thể tìm hiểu thông tin trên các trang mạng Nga. Khi lục lọi trên mạng, tôi thấy các trang web của Nga cũng có tiếng Anh, nhưng không phải tất cả, đặc biệt khi bạn thực hiện thanh toán, sau cùng sẽ xổ ra những trang “xì xồ” 100%. Bạn sẽ làm thế nào? Tôi pệt hết trang ra google để “đoán” xem ra sao và quyết định mình nên “click” và đâu. Cũng may là ổn cả.

Đầu tiên là chuyện đi lại ở Nga. Tôi chỉ biết đi Nga có hai hãng hàng không Việt Nam và Nga. Tôi đã đặt vé của VNA, và sẽ đáp ở sân bay Domododevo. Giờ bay khá thuận lợi, đi vào gần trưa, và về lúc chiều tối. Đúng hiệu dân phượt, tôi tìm cách rẻ nhất đi từ sân bay vào thành phố và tìm ra tàu Aeroexpress, cũng giống như ở Pháp hay Tây Ban Nha, tàu này chạy theo giờ, 30 phút một chuyến, giá cũng rẻ (hiện tại là 340R/chiều, tương đương với hơn 10 vé metro). Tàu chạy từ sân bay (từ sảnh ra của sân bay, đi bộ khoảng 10 phút là ra tới ga tàu ở bên trái) về tới ga Pavaletsky mất 45 phút. Từ đây, bạn có thể lên metro Pavaletskaya và hòa vào dòng người bất tận qua các ga metro của Matxcova tới nơi bạn muốn đến. Vé này có thể mua tại sân bay, nhưng để cho chắc cú (vì không biết tiếng Nga), tôi đã mua online vé hai chiều đi và về. Bạn chỉ cần in vé ra, giữ cho phần barcode rõ ràng, check vào máy ở đầu quai và lên tàu. Trang web mua vé là http://www.aeroexpress.ru/en/domodedovo.html. Vé khứ hồi có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày in trên vé (vì khi về tôi được bạn đưa ra sân bay nên vé của tôi vẫn đang còn giá trị chiều về từ ga Pavaletsky đến trước ngày 5/5/2014, tôi có hai vé, nếu ai có ngày đi phù hợp, tôi sẽ chuyển vé này đi cho đỡ phí). Tàu rất đẹp và lịch sự. Vì tôi đi đêm nên không biết trên đường đi thế nào.
(tôi muốn up lên vài cái ảnh minh họa mà không biết phải làm thế nào??? ai giúp tôi với!!!)
 
Hoan hô Bimxiu với ấn tượng đẹp về Nga. hè này tôi cũng sẽ ghé qua St Pe tec bua vài ngày.

Cháu muốn post ảnh có nhiều cách là phải dựa vào mấy trang web chuyên ảnh như photobucket, flick, picasa.

Như tôi cũng tập toạng post topic từ chuyến đi châu Âu năm 2012 nay cũng thạo rồi.
Bước 1: lập tài khoản trên photobucket.com
Bước 2: Up ảnh lên trang photobucket của mình. Nhớ kiểm soát dung lượng vừa phải thôi, nếu quá nhiều ảnh cần lập vài cái Acount cho nó không lặn ảnh mình đi và đòi trả phí.

Sau đó từng ảnh nào cháu cần post lên phượt, cháu mở hiện ảnh, click chuột trái vào ô chép đường link ký hiệu IMG nó hiện lên chữ "copied" là đươc, cháu post link này vào trang phuot là xong.

Ví dụ, tôi post cho cháu 1 cái ảnh về lâu đài Catherin ở St Peterburg không biết cháu có đến chưa, ở TP nhỏ Pushkin mệnh danh là làng Sa hoàng

 
Cảm ơn chú kimvanchinh. Cháu sẽ thử, hy vọng là up được ảnh lên đây ạ. Có, cháu có đi Catherine Palace, nhưng ấn tượng ở bên trong hơn, vì bên ngoài, chú biết đấy, cháu đi vào mùa cây cối hoàn toàn "trụi thùi lụi". Như cái này của chú thì đúng là tuyệt cú mèo.
 
tagraveu1_zps2bac96a5.jpg
[/URL][/IMG]

Đây là bên ngoài của Tàu Aeroexpress. Rất đẹp



Còn đây là bên trong, đẹp hơn rất nhiều so với tàu TER ở Paris. Mới và sạch sẽ như tàu ở Barcelona.
 
Tôi post ké ảnh tàu eurospasse của Moscow chuyên phục vụ sân bay, dưới đây là tàu từ ga Belarussia đi Sheremetievo, giá 10 đô, đi 30 phút. Tôi là dân thổ công nên hôm đến tôi đi bus và tàu metro chỉ mất 2 đô.

 
Bạn sẽ thắc mắc tại sao tàu lại vắng thế này? Và để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện khác. Đấy là câu chuyện của Delay Airline và những hệ lụy khôn lường.:Dam Chuyến bay VN065 của VNA đi Moscow theo lịch cố định là cất cánh lúc 10:35 phút sáng. Trước đúng 24h, tôi có lên mạng để làm check in online, in thẻ lên tàu xong xuôi ung dung lấy được chỗ ngồi ưng ý. Đến 4h chiều, phòng vé thông báo, chuyến bay của tôi bị dời lại đến 15h20 chiều, nghĩa là tôi sẽ đến sân bay Domododevo vào lúc 22:30 thay vì 17:55. Trễ đi gần 5 tiếng, bạn biết đấy, mọi kế hoạch sẽ bị đảo lộn. Tôi không biết đến sân bay còn làm thủ tục mất bao lâu, lấy hành lý mất bao lâu, và liệu tôi có kịp chuyến tàu áp chót lúc 23:30 hay thậm chí là chuyến cuối cùng lúc 00:00. Và nếu thế, tôi có kịp lên metro về khách sạn không vì metro sẽ đóng cửa lúc 01:00 sáng. Bạn sẽ đến một nơi xa lạ vào lúc nửa đêm (không kể đến chuyện bạn không biết tiếng, vì liệu nửa đêm có còn ai ở quầy vé metro, có còn ai trên phố cho bạn hỏi không), bạn tính sẽ xoay xở kiểu gì.:(( Trễ tàu, không còn metro, bạn có dám bắt taxi về khách sạn không? Tôi thì không. Nhưng tôi không tính toán nổi gì nữa, tặc lưỡi mặc kệ cho số phận. Và số phận có thế sẽ loanh quanh ở một vài phương án mà tôi vẫn cần tính trước. Chị bạn tôi bảo nếu trễ tàu, em nên ở lại sân bay đợi sáng hôm sau hãy về thành phố. Sau một chuyến bay gần 10h đồng hồ đồng hồ, tôi không chắc mình có sức để vạ vật ở sân bay 6 tiếng nữa, đợi chuyến tàu đầu tiên lúc 6:00 (và mất oan một đêm khách sạn). Có một người mới biết, là bạn của chị bạn tôi, thì tôi không thế nhờ họ nửa đêm ra sân bay đợi tôi. Mà ai dám chắc, tàu đã delay một lần sẽ không chậm thêm lần nữa??? Tôi hỏi bạn Olga, là hướng dẫn viên ở Matxcova, người mà tôi đã trao đổi vài lần qua thư để xin bạn ấy thông tin, bạn ấy trấn an tôi rằng, cho dù tôi chỉ bắt được chuyến tàu cuối cùng lúc 00:00 thì tôi vẫn còn 15 phút để đi chuyến metro cuối về khách sạn. Bạn có tin thế không, khi mà bạn phải dắt hành lý từ ga tàu sang ga metro, xách đồ leo thang bộ nếu không có thang điện, và phòng bán vé metro không còn người trực, và không có tiền lẻ để mua ở máy, và không biết tiếng để xoay xở với cái máy, và chỉ có 15 phút để làm tất cả. Thì cũng đành tin vậy, thay vì lo lắng đến đau cả đầu, tôi mặc kệ.:shrug:
Nhưng trong cái rủi lại có cái may, kèm theo những… cái rủi khác. Tàu bay (sau khi trễ thêm 20 phút nữa mới cất cánh), đưa tôi đến Matxcowva đúng giờ, nghĩa là 20:30 tối. Tôi lao rầm rầm đến cửa làm thủ tục, sung sướng xếp hàng sau chỉ 4 người. Và bạn có tin không, tôi phải chờ đúng 30 phút để đến lượt mình lên trình hộ chiếu. Nếu như bình thường thì cũng chẳng sốt ruột làm gì, nhưng ở tình thế của tôi, nhìn cô nhân viên biên phòng chậm rãi gõ máy, chống tay lên thái dương chờ đợi, rồi quay sang buôn với cô ngồi cạnh, chán chê mới gõ tiếp, mới in tờ xuất nhập cảnh. Khoảng 7 phút mới xong, hộ chiếu mới được cộp dấu để người chạy đi tìm đồ. Tôi có mang theo một bức tranh làm quà tặng, khi ký gửi có đóng dấu priority và hàng dễ vỡ, lấy xong hết vali rồi mà chờ đến 15 phút nữa chẳng thấy tranh đâu. Chạy ra hỏi Lost and Found, thì may có người biết tiếng Anh, bảo là “tranh à, ở kia kìa”, ra là họ mang ra hộ mình vì hàng dễ vỡ. Lại kéo vali chạy miệt mài theo chỉ dẫn ra tàu (và may là không phải vác đồ lên máy soi hải quan ở cửa ra). Nhưng check xong vé ở quai tàu thì tàu cũng vừa chạy. Ngao ngán nhìn đồng hồ, và đành lòng chờ nửa tiếng trong cái lạnh tê tái của đêm cuối đông Matxcova. Và dù đã cố gắng, đã gặp may, tôi vẫn là 1 trong số khoảng 10 người đi chuyến tàu cuối cùng về Matxcova vào thời khắc “giao thừa”. Thế là thênh thang ghế trống không người. Là tiếp tục tính cho vụ lỡ metro sắp tới. May làm sao, trong số khách đi tàu ít ỏi ấy, chúng tôi nói chuyện được với một bạn trẻ người Nga biết chút tiếng Anh, và bạn ấy bảo đừng lo, để bạn ấy dẫn đi. Ga metro Pavalestkaya ở ngay bên trái của ga tàu Pavalestky, thậm chí bạn không cần phải ra khỏi cửa ga. Anh bạn người Nga hào phóng xách hộ va li xuống thang, ra máy tự động mua vé cho mình và cho cả hai chúng tôi, và chúng tôi hầu như lên metro ngay lập tức. Anh bạn xuống ở ga thứ 2, còn chúng tôi ở ga thứ 3. Chúng tôi muốn trả tiền vé nhưng anh ấy bảo không đáng gì. Quả thật, nếu trả cũng lôi thôi vì đồng nhỏ nhất chúng tôi đổi ở nhà mang đi là đồng 1000R, trong khi hai vé chỉ có 60R. Tôi rút ví tặng bạn ấy một đồng 5000 ta làm kỷ niệm, ban đầu bạn ấy lắc đầu không dám nhận, chắc thấy nhiều số 0 quá, sau khi nghe giải thích, bạn ấy mới vui vẻ cầm lấy. Ấn tượng đầu tiên thật tốt đẹp về người Nga, đúng là thật thà và tốt bụng như bố tôi vẫn hay nói.:D Và chúng tôi tới ga metro “nhà”, ga Taverskaya trước giờ ngừng metro chắc chỉ khoảng 2-3 phút. Và ngay lập tức có một mớ những điều mới mẻ xảy ra.
Một là, phố Tver nổi tiếng đón chúng tôi không phải tối om và vắng lặng, trái lại sáng choang và đông đúc vui vẻ. Hai là, cho dù đã tìm trước đường, chúng tôi vẫn đi lộn hướng, và đã anh dũng dắt vali chạy qua ngã tư ào ào ô tô, dù đúng đèn xanh, trong lòng thắc mắc sao không có vạch cho người đi bộ sang đường (????). Nhưng sau khi gặp một người Nga tốt bụng khác, một cô gái trẻ đi chơi với người yêu, người đã sẵn sàng dừng lại check map trên điện thoại để chỉ đường cho tôi, dù phải bỏ mũ bỏ găng tay và rét run cầm cập, chúng tôi quay lại đúng cửa ra ban nãy của ga metro, chỉ khác là, chúng tôi đã sang đường đúng cách, nghĩa là đi dưới đường hầm.
 
Và từ đây, sau mấy ngày lang thang ở Matxcova, tôi ngộ ra mấy điều sau:
(1) Các bến metro ở Matxcova rất rộng, đặc biệt là các bến mà các line giao nhau. Và vì thế, nếu ra ở hai cửa khác nhau, là bạn ở hai vị trí hoàn toàn khác biệt và “xa cách”. Đồng thời các bến này cũng nối với các đường hầm sang đường, vì vậy, rẽ qua bên nào là một quyết định “quan trọng”, đặc biệt khi các bến metro có tên có vẻ “không liên quan” gì đến tên của công trình mà bạn đến thăm, hay hoàn toàn không có chỉ dẫn rẽ phải đi về đâu, rẽ trái đi về đâu, hoặc khi bạn cũng giống tôi, không đọc hiểu tiếng Nga. Vì thế, nếu đọc các hướng dẫn cụ thể về cách đến một địa điểm, nếu họ chỉ nêu tên bến metro, rất có thể bạn sẽ tìm thấy, rất có thể không. Và bạn nên lưu ý đến những chỉ dẫn cụ thể, ví dụ như “đi ra bằng lối ra ở phía đầu hay cuối đoàn tầu đi từ trung tâm”. Ví dụ, nếu bạn đi The Cathedral of Christ the Saviour, nhà thờ Đấng Cứu Thế, chỉ dẫn sẽ là lên ở bến Kropotkinskaya, nhưng theo một đường lên, bạn sẽ ở ngay mặt nhà thờ, một đường lên khác sẽ khiến bạn phải đi qua đường một quãng dài. Mà bạn sẽ có định hướng vì bạn sẽ nhìn thấy mái nhà thờ. Có những chỗ, bạn không có định hướng, nghĩa là không nhìn thấy gì có vẻ là chỗ bạn muốn đến, bạn sẽ phải loay hoay tương đối. Tôi đã phải trả giá khi tìm đến Kolomenskoe Park. Theo chỉ dẫn tôi có, ra khỏi bến Kolomenskaya, đi khoảng 300m là đến. Tôi đã ra, đã hỏi đường và đã đi theo, nhưng cả đến hơn 1 cây số cũng chẳng thấy dấu hiệu gì. Hóa ra, ở lối ra của ga này, nếu bạn rẽ phải, theo đường hầm để sang đường, bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn ở ngay ngoài cửa ra. Nhưng tôi lại rẽ trái, và lên phố ở đường bên kia, và chẳng nhìn thấy gì.
(2) Các bến metro ở Matxcova rất xa nhau, nghĩa là một chuyến tàu đơn cũng khá lâu chứ không nhanh vèo như ở Paris, đặc biệt khi bạn ra xa khỏi trung tâm, như đi về phía trường đại học Lomonoxop chẳng hạn. Nhưng được cái tàu hầu như có liên tục khiến ta không có cảm giác phải đợi.
(3) Chỉ dẫn ở bến metro của Matxcova không mấy “thân thiện với những người không biết tiếng Nga”. Và khi bạn lớ ngớ dò hàng chữ bé tí và chi chít trên tấm biển chỉ dẫn hướng đi trên quai, nếu vào giờ cao điểm, bạn sẽ thấy mình nhỏ bé trơ trọi giữa biển người đi cuồn cuộn xô bạn phía trước hoặc phía sau. Và vì cái biển chỉ dẫn ấy ở giữa đường, hoặc ngay thang lên xuống, và treo ở trên cao, nên khi bạn đứng lại để nhìn, bạn sẽ cảm thấy mình đang làm phiền tất cả đám người bận rộn lao đi phằm phằm quanh bạn. Điều này sẽ khác hẳn khi bạn ở Saint Petersburg. Ở đây, hai bên quai đều có biển chỉ dẫn in rất to tên các bến, nếu bên bạn xem không có bến bạn muốn đến, nó sẽ ở bên kia. Và vì nó được in to đùng ngay tầm mắt bạn, nên dù bạn không biết tiếng, bạn vẫn có thể nhận ra nó dễ dàng, và đếm xem bạn sẽ xuống ở điểm dừng số bao nhiêu khi bạn lên tàu. Tương tự như thế, khi bạn in trên mạng một bản đồ metro của Matxcova, bạn sẽ thấy màu sắc, và tên các line. Nếu như tôi, sẽ thật khổ sở vì tên line rất dài mà mình thì không biết chữ. Nhưng trên thực tế, các line đều được đánh số, và vì vậy, bạn sẽ nhận ra dễ hơn nhiều. Ví dụ, Circulaire line là số 5, line đỏ là số 1. Còn ở Saint Petersburg thì dễ hơn rất nhiều vì các line được đánh số sẵn thay vì đặt tên, và trên tường đường hầm chạy tàu luôn có vạch màu của đúng line, khiến bạn dễ nhận biết hơn rất nhiều.
(4) Metro ở cả Matxcova và Saint Petersburg đều có đặc điểm chung thuận tiện là quai tàu ở giữa và hai đường ray ở hai bên, nghĩa là lỡ bạn lên nhầm hướng tàu, bạn sẽ xuống và đi theo hướng ngược lại mà không cần tìm đường chạy một vòng như ở Paris, khi quai ở hai bên và hai đường ray ở giữa.
(5) Như các bạn có thể tìm hiểu, các ga tàu ở Matxcova, đặc biệt là ở Saint Petersburg đều ở rất sâu trong lòng đất, vì thế thang cuốn ở các ga thường dài thõng thượt. Tôi đã đi lên xuống ga Ploschad Lenina Station ở Saint Petersburg được cho là có thang cuốn dài nhất thế giới, tôi đếm nhẩm khoảng 2 phút đồng hồ. Ở một số ga, nếu bạn lên khỏi thang cuốn và nhận ra mình “ra nhầm”, bạn có thể quay lại, ở một số khác có barriere chắn, và bạn sẽ phải ra ngoài , rồi vào lại, nghĩa là phải trả một vé khác.
Trước khi đi, tôi đã tìm thấy trên Trip Advisors một bảng hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết về cách đi lại bẳng metro ở Matxcova. Tôi thấy nhiều bạn Tây vào cảm ơn rối rít, và tôi đồ rằng, các bạn ý, có thể cũng như tôi, không biết chữ, thấy rắc rối quá cho hệ thống metro ở Matxcova, nên khi có người chỉ dẫn cụ thể mới cảm thấy “trời sáng ra đôi chút”. Hì, nói vậy không phải để dọa dấm đâu ạ, vì sau vài bận trả giá thì tôi cũng thông, đi lại cũng tự tin hơn hẳn.
Một vài thông tin cơ bản cho bạn:
ở Matxcova, bạn có thể mua vé metro bằng cây tự động ở bến, hoặc mua ở quầy vé ngay bến tàu. Tôi chưa mua vé tự động nào nên không có chỉ dẫn cụ thể. Quầy vé không quá đông, tôi thường mua thẻ 20 ride với giá 500R, đi hết lại mua tiếp. Bằng cách này, bạn tiết kiệm được thời gian mua vé, và tiết kiệm được 5R/ ride vì vé lẻ là 30R. Khi check vé vào đi tàu, máy check sẽ báo số lượt đi còn lại trên thẻ của bạn. Và bạn có thể dùng chung thẻ này cho 2 hoặc nhiều người, mỗi lượt check cho một người. Thẻ của tôi đến khi về vẫn còn 6 ride nữa, và thẻ này có giá trị trong vòng 90 ngày kể từ ngày mua. Nếu bạn mua thẻ lẻ (1 hoặc 2 lượt đi), thẻ chỉ có giá trị trong vòng 5 ngày kể từ ngày mua.
ở Saint Petersburg, trái lại không dùng thẻ, bạn mua xèng ở quầy vé. 28R/xèng. Khi qua cửa, bạn bỏ xèng vào khe và đẩy tay quay để đi vào. Tôi có giữ lại một đồng xèng làm kỉ niệm, một mặt có chữ M, mặt kia là tên thành phố Saint Petersburg (bằng tiếng Nga, dĩ nhiên).
Khi lên xuống bằng thang cuốn ở bến metro, bạn nên đứng gọn (và kéo gọn hành lý) về bên phải, vì sẽ có rất nhiều người chạy trên thang cho nhanh hơn (chắc thế).
Khi mua vé metro, nếu không biết tiếng, bạn nên chuẩn bị sẵn mẩu giấy viết to số ride/xèng bạn muốn mua. ở Saint Petersburg, nhân viên bán vé (cũng như lái xe buýt, xe van..) có vẻ hiểu tiếng Anh hơn. ở Matxcova, sẽ là ngạc nhiên lớn nếu người ta hiểu bạn nói gì. Sau vài lần trả giá, tôi rút ra kinh nghiệm là: Nơi bạn muốn đến, hãy in ra tên bằng tiếng Anh + tiếng Nga + địa chỉ + hình ảnh. Khi ấy bạn sẽ hỏi được dễ dàng hơn. Và nên tránh hỏi các cụ già, vì các cụ, hầu như không nhìn rõ, không biết tiếng, và rất có thể chỉ sai đường hoàn toàn cho bạn (tôi đã “bị” khi đi tìm Kolomenskoe Park, dù có tên và có hình ảnh đàng hoàng). Khi đi như thế này, tôi thường làm chương trình cụ thể từng ngày, với chỉ dẫn dùng metro, đi bến nào, ở điểm dừng thứ bao nhiêu, tên nơi muốn thăm, địa chỉ, kèm theo hình ảnh và lời giới thiệu. Khi có đầy đủ mọi thứ trong tay + bản đồ xịn bạn lấy ở khách sạn, mọi chuyện sẽ dễ thở hơn.
metro_zps2047266f.jpg
[/URL][/IMG]
Thang cuốn metro

metroM1_zps2d2795d7.jpg
[/URL][/IMG]
Biển chỉ dẫn trên quai ở metro Matxcova

metroS_zpsa900de01.jpg
[/URL][/IMG]
Biển chỉ dẫn hướng tàu ở metro Sain Petersburg

metroS2_zpse7e4160b.jpg
[/URL][/IMG]
vạch đỏ line 1 metro Saint Petersburg
 
Hàng không Việt nam, tốt nhất là hãy nói không với nó. Bay quốc tế có nhiều sự lựa chọn tốt hơn hàng nội địa chất lượng thấp bán giá cao này.
Cảm ơn bạn @Bumxiu, bạn viết rất hấp dẫn, chi tiết và cụ thể. Đợi phần tiếp theo của bạn.
 
Cảm ơn anh Hahoi. Riêng về VNA, em còn một chuyện "nho nhỏ" như thế này. Trên chuyến bay về từ Matxcova, em đã yên vị trên máy bay thì có một nhà 1 Tây - 1 Ta và hai bạn bé đi tìm chỗ, bảo với em là chỗ này của họ. Em lôi thẻ lên tàu ra xem lại thì em ngồi đúng chỗ. Ra là có ít nhất hai chỗ bị check in trùng lặp. Cũng may tàu hôm ấy đầy nhưng vẫn còn trống chỗ hạng C nên khách kia được upgrade lên ngồi. Em tự hỏi, không biết tàu mà đầy thật thì làm thế nào?
Còn những chuyện "không nho nhỏ" về VNA thì em biết nhiều, và chịu "quả đắng" cũng nhiều, vì em làm du lịch inbound, hàng ngày chung sống với lũ. Hì hì.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,681
Bài viết
1,171,069
Members
192,340
Latest member
xjjrc
Back
Top